Bài 7 :

 

Tiến trình

KHAI TÂM KITÔ GIÁO

 

“Ba bí tích : Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể là những bí tích khai tâm đặt nền tảng cho toàn thể đời sống Kitô hữu. Nhờ ân sủng của Đức Kitô, con người được tham dự vào bản tính Thiên Chúa. Tương tự như việc sinh ra, lớn lên và bảo tồn trong đời sống tự nhiên, người tín hữu được tái sinh trong đời sống mới nhờ Bí tích Thánh Tẩy, được củng cố nhờ Bí tích Thêm Sức, và nhận lấy bánh ban sự sống đời đời trong Bí tích Thánh Thể. ” (GLHTCG 1212)

I. PHÉP RỬA TRONG NHỮNG THẾ KỶ ĐẦU

Sau khi Chúa Giêsu về trời, các tông đồ rao giảng mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, và đó là trung tâm điểm của lời rao giảng đầu tiên và là nội dung của mọi cử hành phụng vụ trong đời sống Hội Thánh tiên khởi. Lời rao giảng đầu tiên ấy đã có sức thuyết phục, biến đổi người nghe Tin Mừng. Họ đã tin và muốn biểu lộ đức tin vào Đức Giêsu Kitô bằng những hành động cụ thể: “Chúng tôi phải làm gì ?” (Cv 2,37).

Thánh Phêrô không ngần ngại trả lời :

“Anh em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu Thánh Tẩy nhân danh Chúa Giêsu Kitô để được ơn tha tội, và anh em sẽ nhận được ân huệ là Chúa Thánh Thần” (Cv 2,38).

Tại sao không phải là sống bác ái, ăn chay kiêng thịt, mặc áo nhặm, cầu nguyện,... như người Do Thái vẫn làm, mà chỉ là sám hối và Thánh Tẩy ?

Sám hối là thay đổi tận căn cách sống, bỏ đi con người cũ; và lãnh nhận Thánh Tẩy là trở nên con người mới trong Đức Kitô Phục Sinh. Như vậy, trong giai đoạn đầu của Hội Thánh, việc rao giảng Tin Mừng luôn đi đôi với việc cử hành phụng vụ ; và lãnh nhận Phép Rửa là một trong những đòi hỏi cần thiết khi đã tin vào Tin Mừng Chúa Kitô. Phép Rửa này khác hẳn với phép rửa của người Do Thái, vì đây không chỉ là tính pháp lý của phép Rửa mà còn là biến đổi tận căn đời sống con người nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần và trong mầu nhiệm Tử Nạn và Phục sinh của Chúa Kitô.

“Anh em không biết rằng : khi chúng ta được dìm vào trong nước Thánh Tẩy để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong sự chết của Người sao ? Vì được dìm vào trong sự chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha thế nào, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới như vậy” (Rm 6,3-4).

Khi Kitô giáo phát triển thì tiến trình khai tâm cũng đòi hỏi kỹ lưỡng hơn vào cuối thế kỷ I và thế kỷ II, như trong Sách Didaché và cuốn Hộ giáo của thánh Justinô. Một trong những biến chuyển thần học quan trọng trong thời kỳ này là Thánh Tẩy nhân danh Ba Ngôi (dìm nước ba lần đi kèm với ba lần tuyên xưng đức tin vào Ba Ngôi); đồng thời tân tòng được tham dự ngay vào cử hành Thánh Thể của cộng đoàn tín hữu.

Sang đến thế kỷ III – V , việc khai tâm dự tòng được chuẩn bị càng chu đáo hơn. Trước tiên là thời kỳ tiếp nhận làm dự tòng qua việc thẩm vấn tình trạng đời sống của thỉnh nhân, tiếp đến là nghi thức ghi dấu thánh giá cho dự tòng để họ thuộc về Chúa Kitô và liên kết với mọi tín hữu, và một vài nghi thức trừ tà sau đó.

Cũng trong thời kỳ này, người ta thấy xuất hiện vai trò của người đỡ đầu là người gương mẫu, đồng hành và hướng dẫn đức tin cho người dự tòng. Người đỡ đầu cũng được xem là cộng tác viên của giám mục trong việc bảo lãnh, huấn luyện đức tin để các dự tòng được lãnh nhận các nghi thức gia nhập Kitô giáo.

Chính vì vậy thời gian dự tòng thường kéo dài từ hai đến ba năm để học biết giáo lý, tập hy sinh và khổ chế, tham gia sinh họat phụng vụ ngày Chúa Nhật nhưng chỉ được tham dự phần cử hành Lời Chúa. Mùa Chay là thời gian chuẩn bị gần và trực tiếp (trao kinh và trả kinh Tin Kính, tuyên xưng đức tin) cho các dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo trong đêm Phục sinh.

Đêm Phục sinh là đỉnh cao của tất cả mọi cử hành phụng vụ Kitô giáo. Họ sẽ cùng cộng đoàn tín hữu canh thức nghe đọc các bài Thánh Kinh, sau đó tiến đến Giếng Rửa Tội, được xức dầu trừ tà, được dìm trong nước sau mỗi lần tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi, rồi được đức giám mục Xức Dầu Thánh như một cử chỉ ban Chúa Thánh Thần (Thêm Sức). Người tân tòng được mặc áo trắng, biểu trưng con người mới , và được trao đèn sáng, biểu tượng cho ánh sáng Chúa Kitô.

Cử hành khai tâm chưa dừng lại ở Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức nhưng sẽ hoàn thiện và đạt tới đỉnh cao là lần đầu tiên họ được tham dự cử hành Thánh Thể với cộng đòan tín hữu. Suốt tuần Bát nhật Phục sinh, họ mặc áo trắng tham dự phụng vụ, đào sâu đức tin qua những bài giáo lý nhiệm huấn.

Ngoài việc khai tâm cho người lớn, các trẻ nhỏ vẫn được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy theo người lớn và lệ thuộc cha mẹ mình, nghĩa là trẻ nhỏ được Rửa Tội trong đức tin của Hội Thánh. Đức tin của Hội Thánh có trước, đức tin của người được Rửa Tội đến sau, lệ thuộc và nuôi dưỡng bởi đức tin của Hội Thánh.

“Ngay từ thời các tông đồ, người dự tòng phải trải qua con đường khai tâm gồm nhiều giai đoạn. Con đường này có thể ngắn hay dài, nhưng luôn hội đủ những điều cốt yếu sau : loan báo Lời Chúa, đón nhận Tin Mừng và hoán cải, tuyên xưng đức tin, rửa tội, ban Thánh Thần, lãnh nhận Thánh Thể” (GLHTCG 1229).

II. PHÉP RỬA THỜI TRUNG CỔ

Hội Thánh bước vào thời kỳ phát triển, trẻ em chịu Thánh Tẩy ngày càng nhiều, còn người lớn thì ít đi, và các giám mục không thể hiện diện thường xuyên với các cộng đoàn tín hữu. Đó chính là lý do của việc tách rời Bí tích Thánh Tẩy ra khỏi Thêm Sức và Thánh Thể. Nếu sau khi cử hành Thánh Tẩy mà vị giám mục hiện diện ở đó thì ngài sẽ xức dầu ban Bí tích Thêm Sức, bằng không linh mục sẽ hoãn việc ban Bí tích Thêm Sức cho trẻ em vào một dịp khác, nhưng vẫn cho trẻ em rước Máu Thánh hoặc Mình Thánh Chúa.

Cũng trong thời kỳ này, việc Rửa Tội cho trẻ em càng sớm càng tốt được thịnh hành nên công thức Rửa Tội cũng được rút ngắn vào lời đọc : “Tôi rửa ... nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, thay vì tuyên xưng đức tin ba lần như trước. Thừa tác viên cử hành Thánh Tẩy cũng được mở rộng cho mọi người trong trường hợp nguy tử, không nhất thiết phải có chức thánh. Việc Rước Lễ lần đầu của trẻ em cũng bị tách rời khỏi Bí tích Thánh Tẩy.

Bí tích Thêm Sức được dành riêng cho giám mục cử hành chung tại nhà thờ Chánh Tòa hay tại nhà thờ các họ đạo.

Bước sang thế kỷ XVI – XIX, ảnh hưởng của trào lưu nhân bản nhấn mạnh đến ý thức trưởng thành và tự do cá nhân, nhiều nơi đợi các trẻ nhỏ lớn lên mới chịu Bí tích Thánh Tẩy. Công đồng Trentô (1562) vẫn bảo vệ truyền thống cho trẻ em lãnh nhận Thánh Tẩy càng sớm càng tốt, dù đức tin cá nhân của các em chưa trưởng thành song cậy dựa vào đức tin của Hội Thánh. Tuy nhiên Công đồng vẫn không khôi phục và duy trì truyền thống cho trẻ em Thánh Tẩy được Thêm Sức và Rước lễ khi chưa tới tuổi khôn.

III. CANH TÂN PHỤNG VỤ HIỆN NAY

Vào cuối thế kỷ XIX, phong trào trở về nguồn đã dành cho các bí tích khai tâm một chỗ đứng đặc biệt. Đức Giáo Hòang Piô X đã sớm ban hành sắc lệnh cho trẻ em khỏang 7 tuổi được Rước Lễ lần đầu, thay vì từ 10-12 tuổi. Một vài nơi đã thay đổi cấu trúc khai tâm cho trẻ em bằng cách cho trẻ em được Thêm Sức trước khi Rước Lễ lần đầu theo như cách thức của người lớn : Thánh Tẩy –Thêm Sức – Thánh Thể.

Hiến chế về Phụng vụ thánh là văn kiện đầu tiên của Công đồng Vatican II đã khôi phục lại ba giai đọan khai tâm cho người lớn chịu Thánh Tẩy, nhưng cũng không loại trừ nghi thức gia nhập đạo đơn giản.

Cuốn sách ‘Nghi thức gia nhập Kitô giáo của người lớn’ ban hành vào năm 1972 được sọan thảo theo chỉ thị canh tân của Công đồng. Tiến trình khai tâm cho người lớn được sắp xếp theo nhiều giai đoạn với các nghi thức phụng vụ để người dự tòng từng bước khám phá các chân lý Kitô giáo. Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể là ba bí tích đi liền với nhau trong tiến trình gia nhập Kitô giáo :

- Thời gian dự tòng (giai đọan I): mở đầu bằng nghi thức tiếp nhận dự tòng, nhưng việc tiếp nhận này chỉ cử hành sau thời gian thỉnh nhân đã chấp nhận Tin Mừng và bắt đầu tin vào Chúa Kitô, nghĩa là đã tiếp xúc, đã học biết giáo lý trong thời gian tiền dự tòng. Trong thời gian dự tòng này, họ được trao ban các nghi lễ : nghi thức trừ tà, cầu phúc, nghi thức xức dầu dự tòng (có thể nhiều lần).

- Thời gian thanh tẩy và soi sáng (giai đọan II) : Khởi sự mùa Chay là thời gian thích hợp nhất để cử hành nghi thức tuyển chọn, tức là ghi danh để kết thúc thời kỳ dự tòng. Họ được người dạy giáo lý, người đỡ đầu và cộng đoàn giới thiệu và bảo lãnh để được ghi danh vào số những người được tuyển chọn (ứng viên) sẽ lãnh nhận các bí tích khai tâm vào đêm Vọng Phục sinh.

Trong thời kỳ này các dự tòng trải qua các nghi thức Khảo hạchTrao kinh: ba lần Khảo hạch, hai lần Trao kinh Tin Kính và kinh Lạy Cha và một lần Trả kinh cùng với việc xức dầu dự tòng.

- Cử hành các bí tích gia nhập đạo (giai đọan III): gồm các nghi thức: Kinh cầu các thánh, làm phép nước, tuyên xưng đức tin, nghi lễ Thánh Tẩy, mặc áo trắng, trao đèn sáng, cử hành Bí tích Thêm Sức và cuối cùng là cử hành Thánh Thể.

Ngoài ra, các tân tòng còn thêm một thời kỳ nhiệm huấn nữa trong mùa Phục sinh để đức tin thêm vững vàng và tham gia cộng đoàn phụng vụ.

IV. MỤC VỤ GIÁO LÝ DỰ TÒNG

1* Bối cảnh thời cuộc :

Giáo lý dự tòng trong hòan cảnh xã hội hôm nay đang là một vấn đề quan trọng trong sinh họat mục vụ của các Giáo Xứ vì những lý do sau đây :

-Thời gian dự tòng được Hội Thánh khuyến khích ít là một năm, nhưng thực tế có nhiều người và nhiều trường hợp không thể kéo dài quá lâu.

-Linh mục quản xứ vì bận rộn nhiều công tác mục vụ nên cũng khó quán xuyến và bao quát mục vụ giáo lý dự tòng. Do đó cần sự cộng tác của tu sĩ, giáo dân trong việc hướng dẫn giáo lý dự tòng. Cho dù linh mục có mở các lớp giáo lý dự tòng theo định kỳ một năm mấy lần, song vẫn có những người không thể theo học các lớp giáo lý chính thức của Giáo Xứ, vì gia cảnh, công việc, tuổi tác, học lực, vùng sâu vùng sa... cần nhiều nhân sự để hướng dẫn riêng từng học viên.

- Đó là chưa kể ngày nay có nhiều người theo đạo vì nhiều lý do phức tạp. Có người theo đạo như một điều kiện ban đầu để lấy vợ lấy chồng Công Giáo mà sau đó chẳng quan tâm gì việc sống đạo. Có người theo đạo vì hòan cảnh gia đình hay thời cuộc để giải quyết một số ích lợi nào đó. Nhưng cũng không thiếu những người thành tâm thiện chí muốn tìm hiểu giáo lý để định hướng cuộc đời.

- Giảng viên giáo lý dự tòng cũng khan hiếm và bị hạn chế về nhiều mặt : thời gian, trình độ hiểu biết, sư phạm ...

Bộ Truyền Bá Phúc Âm nói phải ưu tiên huấn luyện cho giáo lý viên về truyền giáo, vì “chiều kích truyền giáo thuộc về căn tính giáo lý viên và định tính mỗi họat động tông đồ” (GLV 25), không chỉ là việc dạy giáo lý dự tòng, mà còn là hiện diện như một chứng tá bén nhạy của Kitô giáo.

2* Mục vụ huấn giáo :

Thánh Tẩy là bí tích của ơn cứu độ và là bí tích đức tin. Giáo dục đức tin cho người sắp lãnh nhận các bí tích gia nhập Kitô giáo là rất cần thiết, đồng thời cũng là một niềm vui vì đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng làm cho nhiều người nhận biết Thiên Chúa. Xác tín này là định hướng căn bản của giáo lý viên đối với các trường hợp theo đạo Công Giáo :

- Đối với những người theo đạo không thực tâm xác tín tôn giáo, trước hết, cần phải giải thích cho họ biết theo đạo là một lựa chọn căn bản của cả cuộc đời, một lựa chọn đưa đến sự sống đời đời, một ưu tiên trên hết mọi kiếm tìm. Thứ đến, cần có thời gian tương đối vừa đủ để giải thích giáo lý và để họ nhận thức các chân lý đức tin. Không nhất thiết đòi hỏi họ phải có sự hiểu biết sâu xa, song cũng đừng quá dễ dãi cử hành cho xong bổn phận. Bí tích luôn đòi hỏi đức tin của người lãnh nhận, dù non nớt nhưng buộc phải có.

- Đối với những người theo đạo vì những lý do vụ lợi, cần phải thanh luyện ý hướng của họ ; và huấn luyện đức tin của họ ngày càng trong sáng hơn.

- Đối với những người thành tâm thiện chí, cần giúp họ lãnh hội tối đa những hiểu biết đức tin Kitô giáo và những khám phá nội tâm. Đạo là đường, mà đã là đường đi thì có nhiều con đường. Điều quan trọng là phải xác định con đường đưa mình đi tới đâu, chứ không phải cào bằng : ‘Đạo nào cũng tốt cả ! Đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành’. Luân lý chỉ là một con đường, một phương tiện, một cách thế, chứ không phải là mục đích của tôn giáo.

3* Phương pháp giảng dạy giáo lý dự tòng :

Để có thể đáp ứng được những nhu cầu đa dạng của người dự tòng, giáo lý viên cần chú ý :

-Dành nhiều thời gian tìm hiểu và đối thọai để biết hoàn cảnh sống cũng như khát vọng tâm linh của từng dự tòng.

-Khi giảng dạy giáo lý nên khởi đi từ những kinh nghiệm đời thường để đưa dự tòng đến những chân lý cao siêu.

-Cần đào sâu ý nghĩa trong đời sống mới trong Chúa Kitô hơn là những chi tiết của mầu nhiệm.

-Cần giúp dự tòng có cái nhìn đại cương về lịch sử cứu độ hơn là chuyên sâu một khía cạnh. Công việc đó nên để sau khi Thánh Tẩy trong các lớp giáo lý bồi dưỡng.

-Phương pháp trình bày giáo lý góp phần rất lớn vào việc lãnh hội đức tin của dự tòng. Vì thế phải tùy theo thời gian, đối tượng và khả năng lãnh nhận của mỗi dự tòng. Có những dự tòng biếng nhác cần được hướng dẫn thế nào để họ hiểu và nhớ ngay trong giờ học. Có những điểm giáo lý chính yếu cần nhắc đi nhắc lại để học viên nắm vững và nhớ lâu.

-Cần tập cho dự tòng những thói quen đạo đức để nuôi dưỡng đức tin : những bản kinh thông dụng, những lời nguyện tắt, những bài hát... sẽ in sâu vào lòng đạo các tân tòng.

-Ngòai ra, các buổi gặp gỡ trao đổi giữa giáo lý viên với dự tòng, hoặc giữa các dự tòng với nhau, hoặc với cộng đòan tín hữu sẽ giải quyết được nhiều khúc mắc của dự tòng. Những buổi cử hành nghi thức dự tòng cũng sẽ hỗ trợ rất lớn cho đức tin của các dự tòng và của cộng đoàn. Những buổi cầu nguyện, tập dượt nghi thức kỹ lưỡng sẽ mang đến những hiệu quả tốt đẹp không ngờ cho các dự tòng và cộng đoàn tín hữu.

4* Giáo dục đức tin trẻ em và cha mẹ :

- Cha mẹ nào cũng mong muốn điều tốt đẹp nhất cho con cái, và không có gì quý hơn sự sống đời đời khi được làm con cái Thiên Chúa. Định hướng này sẽ giúp cho cha mẹ sốt sắng đem con đến nhà thờ để Rửa Tội, hoặc chính cha mẹ sẽ Rửa Tội cho con cái trong trường hợp cấp bách hay nguy tử. Trách nhiệm của cha mẹ là từng bước giúp các em nhận thức được mầm sống vĩnh cửu đang tăng trưởng nơi đời sống của các em.

- Vai trò của cha mẹ, gia đình và cộng đoàn là người giáo dục đầu tiên của trẻ em, là giáo lý viên số một trước khi các em đến tuổi học giáo lý. Các em được Thánh Tẩy trong đức tin của Hội Thánh, nghĩa là được nuôi dưỡng và tăng trưởng trong đức tin của các bậc làm ông bà, cha mẹ, anh chị ... để khi khôn lớn các em sẽ xác tín vào đức tin lãnh nhận khi còn thơ ấu để rồi sẽ mạnh mẽ làm chứng cho đức tin ấy.

- Những câu ru tiếng hát từ thuở còn nằm nôi cũng sẽ tác động tâm lý cho đời sống đức tin của con cái sau này. Những câu nói bập bẹ về Thiên Chúa khi còn thơ ấu cũng sẽ giúp chúng khám phá ra khuôn mặt của Chúa theo từng lứa tuổi. Giáo dục đức tin tại chỗ, đúng lúc, đúng nơi, đúng việc sẽ có ảnh hưởng lâu dài trong cách ứng xử của con trẻ trong quá trình trưởng thành. Những thói quen đạo đức của gia đình sẽ đi theo đứa trẻ, và cho dù có lúc quên thì cũng có lúc chúng bị thức tỉnh.

Đó là lý do để cho một trẻ sơ sinh lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy cách hợp pháp cần có sự đồng ý ít nữa là của người cha hay người mẹ hay người thế quyền (GL 868/1).

 

 

TÓM LƯỢC :

1* H. Trong những thế kỷ đầu,HộiThánh cử hành Phép Rửa như thế nào ?

-T. Trong những thế kỷ đầu, Hội Thánh đã dần dà hình thành công thức Rửa Tội bằng việc tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi theo lệnh truyền của Chúa Kitô, và chuẩn bị cho các dự tòng từng bước lãnh nhận các bí tích gia nhập Kitô giáo trong Đêm Vọng Phục Sinh.

2* H. Sang thời Trung Cổ, Giáo Hội có thay đổi gì về các bí tích khai tâm này không ?

-T. Sang thời Trung Cổ, Hội Thánh đã hình thành công thức Rửa Tội vắn gọn như hiện nay vẫn dùng, đồng thời tách rời Bí tích Thánh Tẩy ra khỏi hai Bí tích Thêm Sức và Thánh Thể, nhất là đối với trẻ em.

3* H. Công đồng Vatican II đã canh tân phụng vụ Phép Rửa như thế nào ?

-T. Công đồng Vatican II đã trở về nguồn để khôi phục lại các giai đoạn dự tòng, sao cho các bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể tạo nên một bộ ba bí tích khai tâm Kitô giáo đối với người lớn.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Cha, Cha muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.

Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người chưa nhận biết Đức Giêsu, họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

Xin Cha thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an của mình cho tha nhân, và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng. Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên, giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài, qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con. Chúng con cũng cầu nguyện cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo. Xin Cha cho những cố gắng của chúng con sinh nhiều hoa trái. Amen. (Abba 7)


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà