Bài 9 :

 

PHỤNG VỤ THÊM SỨC

 

 

“Nhờ ơn Bí tích Thêm Sức, các tín hữu gắn bó với Hội Thánh cách hoàn hảo hơn và được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần; do đó, họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm, như những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô (LG 11)” (GLHTCG 1285)

Phụng vụ Thêm Sức là việc đức giám mục hay thừa tác viên linh mục đặt tay, xức dầu thánhđọc lời Thêm Sức để ban ơn Thánh Thần.

I. NGHI THỨC THÊM SỨC

Trong những thế kỷ đầu, Giáo Hội thường ban Thánh Tẩy cho người lớn nên Thêm Sức gắn liền với Thánh Tẩy, đến nỗi thời đó chưa có danh từ chuyên môn để chỉ bí tích Thêm Sức, mà chỉ biết Thánh Tẩy là được đặt tay (và xức dầu) ban Thánh Thần ngay sau đó.

Vào những thế kỷ sau (V-XII), khi Giáo Hội phát triển, việc Rửa Tội được cử hành ở các họ đạo nhưng việc đặt tay và xức dầu ban Thánh Thần lại dành cho giám mục để biểu thị sự hiệp thông trong Hội Thánh.

Mặc dù Bí tích Thêm Sức được cử hành độc lập song vẫn gắn liền với Bí tích Thánh Tẩy qua các diễn tiến sau đây :

1) Tuyên xưng đức tin Thánh Tẩy :

“Khi Bí tích Thêm Sức được cử hành tách khỏi Bí tích Thánh Tẩy như trong nghi lễ Rôma, phụng vụ bí tích bắt đầu bằng việc lặp lại lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và việc tuyên xưng đức tin của người sắp nhận Bí tích Thêm Sức. Điều này nhấn mạnh Bí tích Thêm Sức đi liền với Bí tích Thánh Tẩy (x. PV 7). Khi một người trưởng thành chịu Bí tích Rửa Tội, họ sẽ lãnh nhận ngay sau đó Bí tích Thêm Sức và tham dự vào Bí tích Thánh Thể” (GLHTCG 1298).

- Đức giám mục mời gọi :

“Vậy giờ đây trước khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các con hãy tuyên xưng đức tin mà chính các con hay cha mẹ và những người đỡ đầu đã cùng với Hội Thánh tuyên xưng, khi các con lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy” (Nghi thức bí tích Thêm Sức ).

- Lời hứa khi chịu Bí tích Rửa Tội là tuyên hứa từ bỏ ma quỷ, tội lỗi và cám dỗ, đồng thời tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi.

- Đức giám mục kết luận :

“Đó là đức tin của chúng ta, đó là đức tin của Hội Thánh, chúng ta hãnh diện tuyên xưng đức tin ấy trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

2) Lời nguyện xin Chúa Thánh Thần :

Phụng vụ Rôma có một lời nguyện xin Chúa Thánh Thần trước khi bắt đầu nghi thức chính yếu của Bí tích Thêm Sức. Đức giám mục vừa đọc lời nguyện, vừa đặt tay trên những người sắp Thêm Sức. Cử chỉ này tuy không phải là dấu chỉ cốt yếu của Bí tích Thêm Sức nhưng lại cần thiết để hiểu ý nghĩa việc trao ban Thánh Thần. Các linh mục phụ giúp giám mục xức dầu cũng tham gia việc đặt tay này.

“Lạy Thiên Chúa toàn năng, là Cha Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, Chúa đã tái sinh các tôi tớ Chúa đây bởi nước và Thánh Thần khi giải thóat họ khỏi tội lỗi, thì lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi đến trong những người này; xin ban cho họ thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức; xin ban cho những người này đây ơn kính sợ Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con”.

3) Đặt tay và xức dầu thánh :

- Nghi thức chính yếu của Bí tích Thêm Sức được trao ban bằng việc xức dầu thánh trên trán, đồng thời với việc đặt tayđọc lời này : ‘... Hãy nhận lấy ấn tín ơn Chúa Thánh Thần’ (GLHTCG 1300).

“Truyền thống công giáo đã làm đúng, khi coi việc đặt tay là nguồn gốc của Bí tích Thêm Sức, là phương thế lưu truyền hồng ân Thánh Thần trong Hội Thánh. Để biểu thị rõ hồng ân Thánh Thần, ngoài việc đặt tay, Hội Thánh đã sớm thêm nghi thức Xức Dầu. Việc xức dầu này làm nổi bật danh xưng Kitô hữu là ‘người được xức dầu’; danh xưng bắt nguồn từ chính Đức Kitô, ‘Đấng được Thiên Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong’ (Cv 10,38). Nghi thức Xức Dầu này được giữ đến nay trong nghi lễ Đông cũng như Tây Phương. Giáo Hội Đông Phương gọi bí tích này là Bí tích Dầu Thánh. Giáo Hội La Tinh gọi là Bí tích Thêm Sức, vì bí tích này vừa xác nhận Bí tích Thánh Tẩy, vừa củng cố ân sủng Thánh Tẩy”. (GLHTCG 1289)

- Có một nghi thức quan trọng và gắn liền với Bí tích Thêm Sức nhưng được cử hành trước, đó là nghi thức thánh hiến dầu do giám mục cử hành vào sáng ngày thứ Năm Tuần Thánh.

- Sau khi trao ban bí tích, giám mục chúc bình an : “Bình an của Chúa ở cùng con” để diễn tả sự hiệp thông trong Hội Thánh giữa vị giám mục với toàn thể tín hữu.

II. Ý NGHĨA VÀ ÂN SỦNG THÊM SỨC

“Hiệu quả của Bí tích Thêm Sức là người tín hữu được nhận Chúa Thánh Thần một cách đặc biệt, như ngày xưa các tông đồ đã nhận được trong ngày lễ Ngũ Tuần” (GLHTCG 1303).

Khi chịu Thánh Tẩy, người Kitô hữu đã đón nhận Chúa Thánh Thần, nguồn gốc sự sống mới, nhưng ơn Thánh Thần phát triển tuần tự theo thời gian và sự tăng trưởng của đức tin Kitô hữu. Cũng như Chúa Giêsu ngay từ giây phút hiện hữu đầu tiên đã sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nhưng mãi tới ngày hoạt động công khai thì Chúa Thánh Thần mới hiện xuống để chính thức công bố sứ mệnh của Người. Ngay từ buổi chiều lễ Vượt Qua, Hội Thánh đã đón nhận Chúa Thánh Thần, nhưng mãi tới buổi sáng lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần mới làm cho Hội Thánh hoạt động công khai. Thế nên có thể nói mầu nhiệm Vượt Qua là lễ Rửa Tội của Hội Thánh và ngày Hiện Xuống là lễ Thêm Sức của Hội Thánh.

Bí tích Thêm Sức làm tăng trưởng và đào sâu ơn Bí tích Thánh Tẩy :

- Giúp chúng ta đi sâu vào tình nghĩa tử gọi Thiên Chúa là Cha (Rm 8,15).

- Giúp kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô hơn.

- Gia tăng các ơn Chúa Thánh Thần trong chúng ta.

- Giúp liên kết trọn vẹn với Hội Thánh hơn.

- Giúp làm chứng cho Chúa Kitô.

Bí tích Thêm Sức ghi một ấn tích thiêng liêng của Chúa Thánh Thần không thể tảy xóa nên chỉ chịu một lần (dấu ấn trưởng thành).

III. NGƯỜI BAN VÀ NGƯỜI NHẬN

- Thừa tác viên thông thường của Bí tích Thêm Sức là Đức Giám Mục. Ngoài ra những linh mục nào được ủy quyền có thể ban Bí tích Thêm Sức hoặc khi linh mục Rửa Tội cho người lớn, thì cứ sự thường, được quyền ban Bí tích Thêm Sức ngay sau đó, hoặc khi có người tín hữu nào đang nguy tử mà chưa nhận Bí tích Thêm Sức.

- Trẻ em đến tuổi biết phán đoán (không hẳn là tuổi trưởng thành) được quyền lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, hoặc trong trường hợp nguy tử, Hội Thánh vẫn ban bí tích này cho trẻ em dù chưa đến tuổi biết phán đoán. Như thế người lớn khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy thì phải được lãnh nhận Bí tích Thêm Sức là một trong ba bí tích khai tâm Kitô giáo.

“Thiếu Bí tích Thánh Thể và Thêm Sức, Bí tích Thánh Tẩy chắc chắn thành sự và hữu hiệu, nhưng việc khai tâm Kitô giáo chưa trọn vẹn” (GLHTCG 1306).

- Để lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, người tín hữu phải hiểu biết giáo lý, phải ở trong tình trạng ân sủng, nghĩa là sạch tội. Cũng như Bí tích Thánh Tẩy, nên có một người đỡ đầu để được trợ giúp trong đời sống thiêng liêng, nên chọn chính người đỡ đầu Rửa Tội để nhấn mạnh sự thống nhất của hai bí tích này.

IV. MỤC VỤ GIÁO LÝ

1* Chỉ một Chúa, một đức tin và một phép Rửa.

Cần giúp các em nhận thức đức tin khi lãnh nhận Bí tích Thêm Sức cũng là đức tin của Bí tích Thánh Tẩy khi xưa. Đức tin của các em khi xưa không phải là hành vi cá nhân nhưng là đức tin của Hội Thánh. Chính trong đức tin đó mà các em đã được Rửa Tội, được tiếp tục nuôi dưỡng. Trước khi nhận Bí tích Thêm Sức, các em phải tự mình tuyên xưng đức tin. Khi tuyên xưng lại đức tin Thánh Tẩy là giúp các em ý thức điều đã cam kết ngày xưa bây giờ trổ sinh hoa trái khi nhận Bí tích Thêm Sức.

2* Đức tin tông truyền :

Cử chỉ đặt tay ban Bí tích Thêm Sức, nhất là do chính đức giám mục ban, luôn mang tính tông truyền. Đức tin mà các em vừa tuyên xưng không phải do một ai đó nghĩ ra, nhưng được truyền lại từ các tông đồ qua cử chỉ đặt tay trên những giám mục kế vị. Các tông đồ là những chứng nhân trực tiếp của mầu nhiệm Tử Nạn và Phục sinh của Chúa Kitô. Xác tín đó được truyền lại đến chúng ta ngày nay, trước sau như một, vì tính tông truyền của Hội Thánh.

3* Học giáo lý là việc khai tâm Kitô giáo :

Cần giúp các em sắp chịu Thêm Sức hiểu rõ Truyền thống Đông Phương và Tây Phương khác nhau, nguyên thủy Thánh Tẩy và Thêm Sức là một ‘bí tích kép’ (thánh Síp-ri-a-nô), nhưng dần dần giám mục không thể hiện diện nên đưa đến hai cách giải quyết. Nghi lễ Đông Phương vẫn giữ thói quen kết hợp hai bí tích trên và ban quyền Thêm Sức cho linh mục rửa tội trẻ em cũng như người lớn. Trong việc Rửa Tội trẻ em, nghi lễ Tây Phương tách ra để dành quyền cho giám mục và để cho thấy họ liên kết với Hội Thánh; bù lại, xức dầu 2 lần : lần đầu xức dầu thánh trên đỉnh đầu do linh mục rửa tội để biểu thị sự tham dự vào ba chức năng của Đức Kitô, lần thứ hai do giám mục xức trên trán để kiện toàn ân sủng Thánh Tẩy (x.GLHTCG 1290).

Liên kết Thêm Sức với Thánh Tẩy để các em hiểu tiến trình khai tâm Kitô giáo của truyền thống Hội Thánh tiên khởi, và việc tách Thêm Sức ra khỏi Thánh Tẩy cũng vì khi xưa các em còn sơ sinh nên phải chờ học giáo lý để lãnh Bí tích Thêm Sức như để kết thúc tiến trình khai tâm.

4* Dấu ấn trưởng thành :

Khi lãnh nhận Thêm Sức, các em được gọi là “những người được xức dầu”, được tham dự tích cực vào sứ mạng Chúa Kitô, và tràn đầy Thánh Thần để đời sống các em tỏa hương thơm Chúa Kitô. Ấn tín Chúa Thánh Thần nhắc nhớ các em từ nay hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô, sẽ không phai mờ nên chỉ chịu Thêm Sức một lần trong đời.

Nếu Bí tích Thánh Tẩy nhấn mạnh đến việc tha tội và ơn làm con Thiên Chúa, thì Bí tích Thêm Sức là chìa khoá mở cho chúng ta kho tàng hồng ân của Chúa Thánh Thần, và làm cho chúng ta trở thành những phần tử can đảm và nhiệt thành của Hội Thánh truyền giáo.

TÓM LƯỢC :

1* H. Phụng vụ Bí tích Thêm Sức là gì ?

-T. Phụng vụ Thêm Sức là việc đức giám mục hay thừa tác viên linh mục đặt tay, xức dầu thánhđọc lời Thêm Sức để ban ơn Thánh Thần.

2* H. Nghi thức chính yếu của Bí tích Thêm Sức là gì ?

-T. Nguyên thủy từ thời các tông đồ, cử chỉ chính yếu khi Thêm Sức là việc đặt tay, rồi Hội Thánh đã sớm thêm vào bí tích này việc xức dầu thánh và lời đọc: “Hãy nhận lấy ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”.

3* H. Bí tích Thêm Sức ban cho ta những ơn gì ?

-T. Bí tích Thêm Sức không ban cho ta những gì mới nhưng là làm triển nở những ơn đã lãnh nhận trong Bí tích Thánh Tẩy. Đó là đi sâu vào tình nghĩa tử với Thiên Chúa là Cha trong Đức Kitô, Con Thiên Chúa, và nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần mà rao giảng và làm chứng cho điều mà mình đã lãnh nhận.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, Tình Yêu rất tinh tuyền !

Xin hãy xuống trong đêm đen tăm tối của chúng con,

vì ước muốn đang cầm giữ,

niềm đau đang dằn vặt chúng con.

Lạy Thánh Thần bình an, Tình Yêu rất tinh tuyền !

Hỡi Tình Yêu đơn nhất,

Xin biến chúng con thành mồi ngon của Ngài,

Xin uốn nắn tính kiêu ngạo,

băng bó các vết thương của chúng con.

Bằng sức mạnh của Ngài, xin đến thiêu đốt chúng con.

Hỡi làn hơi Thiên Chúa, ngọn lửa ban niềm vui !

Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, Tình yêu rất tinh tuyền !

Xin hãy xuống trong đêm đen tăm tối của chúng con,

vì xác thịt đang cầm giữ, thời gian đang dằn vặt chúng con.

Lạy Thánh Thần trời cao, Tình yêu rất tinh tuyền !

(Jean-Claude Renard)


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà