BÀI 16 :
THÁNH LỄ TẠ ƠN
LỜI CHÚA : Lc,22,19-20.
“Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn,trao
cho các ông và nói : Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc
này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19)
BÀI HỌC :
Thánh Lễ là việc Chúa Giêsu dâng mình cho
Chúa Cha qua hy tế thập giá để tạ ơn Thiên Chúa và cầu xin ơn tha tội cho con
người.
I - CHÚA GIÊSU THIẾT LẬP THÁNH LỄ
Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu đã làm một cử
chỉ bẻ bánh báo trước hy lễ thập giá. Bánh bẻ ra chính là thân thể bị hủy tế vì
ta, và rượu trong chén chính là Máu Chúa Giêsu đổ ra để tha tội ta, nhờ đó hy
lễ thập giá được tiếp tục qua mọi thời đại cho tới khi Người đến.
Hy tế của Đức Kitô hiện diện trên bàn thờ đem
lại cho muôn thế hệ Kitô hữu khả năng được kết hợp với lễ dâng của Người. “Chúng ta tin rằng các linh hồn sẽ được
hưởng nhiều ơn ích nếu chúng ta cầu cho họ khi Đức Kitô, Chiên Hy Tế cực thánh
cực trọng đang hiện diện… Khi khẩn cầu cho những người đã an giấc, dù họ còn là
tội nhân, chúng ta đã dâng lên Thiên Chúa chính Đức Kitô, Đấng đã hiến mình vì
tội lỗi chúng ta, để Người giao hòa họ và chúng ta với Thiên Chúa, Đấng yêu
thương con người” (Thánh Syrilô Giám Mục Giêrusalem).
Dâng thánh lễ là chúng ta chúc tụng , cảm tạ
Thiên Chúa, và cũng là đền tội và xin ơn thánh hoá nhân loại.
II -
CHÚA GIÊSU NÓI TRONG THÁNH LỄ
Phụng Vụ Lời Chúa bắt đầu từ Bài Đọc I cho
đến hết Lời Nguyện Tín Hữu :
1*
Các bài đọc Thánh Kinh :
Trong thánh lễ có hai hoặc ba bài đọc Thánh
Kinh, bài đọc 1 thường rút ra từ “các sách ngôn sứ” (Cựu Ước), bài đọc 2 từ “ký
ức của các tông đồ” (các thư Tân Ước), và bài đọc cuối bao giờ cũng rút ra từ một
trong 4 sách Phúc Âm.
Bộ bài đọc gồm một chu kỳ 3 năm (năm A, B, C)
cho các ngày Chúa Nhật và một chu kỳ 2 năm (năm chẵn và năm lẻ) cho các ngày
trong tuần. Mục đích của các chu kỳ này là để các tín hữu có thể nghe được hầu
hết các bản văn Thánh Kinh quan trọng trong kỳ hạn làø 3 hoặc 2 năm.
2*
Đáp Ca :
Sau khi lắng nghe Lời Chúa (bài đọc 1), chúng
ta đáp lại Lời Chúa bằng chính Lời Chúa là các Thánh Vịnh (Thánh Vịnh là một
cuốn Sách Thánh trong số 73 cuốn của bộ Thánh Kinh). Dùng chính Lời Chúa để nói
chuyện với Chúa là xứng đáng và vui lòng Chúa nhất. Vì thế Phụng Vụ buộc bài
hát đáp ca phải lấy ý từ Thánh Vịnh. Trước khi công bố bài Tin Mừng có lời tung
hô Ha-lê-lu-ia để ca ngợi Thiên Chúa.
3*
Tin Mừng và giảng giải :
Cao điểm của việc công bố Lời Chúa là bài
Phúc Âm vì đây chính là Lời Chúa Kitô nói với chúng ta nên mọi người đứng để
nghe đọc. Trước đó mọi người còn đáp: “Lạy Chúa, vinh danh Chúa”, đồng thời ghi
3 dấu thánh giá : trên trán để xin Chúa mở trí cho hiểu Lời Chúa, trên môi để
xin Chúa mở miệng nói Lời Chúa, và trên ngực để xin Chúa mở lòng yêu mến Lời
Chúa. Thừa tác viên công bố Tin Mừng phải là Phó Tế hay Linh Mục.
Chỉ những người có chức thánh mới được quyền
giảng dạy trong Phụng Vụ. Nội dung bài giảng thường là dẫn giải Lời Chúa để áp
dụng vào đời sống, hoặc nói lên ý nghĩa ngày lễ, việc cử hành...
4*
Kinh Tin Kính :
Nguyên thủy là lời tuyên tín trong phép Rửa,
vì thế kinh Tin Kính đọc ở số ít, muốn nói là chính tôi tin và tôi đang tuyên
xưng trước mặt mọi người nên không dùng từ “con” như vẫn nói với Chúa. AMEN là
muốn nói ‘Tôi tin như những điều vừa tuyên xưng’.
5* Lời
nguyện tín hữu :
Đây là lời nguyện đại đồng của toàn thể tín
hữu đang hiện diện, chứ không phải của riêng giáo dân hay giáo sĩ. Có 4 ý
nguyện chính được xướng lên để gợi ý cầu cho Hội Thánh, cho thế giới, cho một
hạng người, và cuối cùng cho cộng đoàn đang hiện diện. Mọi người cùng hiệp lời
cầu nguyện theo ý chỉ đó bằng câu: “Xin Chúa nhận lời chúng con”.
III - CHÚA GIÊSU DÂNG MÌNH TRONG THÁNH LỄ
Phụng vụ Thánh Thể gồm ba bước: chuẩn bị,
hiến tế và hiệp lễ.
1*
Chuẩn bị lễ vật :
Phần này không gọi là dâng lễ như xưa nữa
nhưng là trình bày lễ vật, vì dâng có nghĩa là hiến tế, mà việc hiến tế chỉ
thực hiện trong Kinh Tạ Ơn. Thánh lễ là dâng lễ vật nhưng lễ vật là Chúa Kitô
dưới hình bánh và rượu. Hơn nữa, lúc này bánh rượu chưa trở thành Mình và Máu
Chúa nên chưa thể dâng lễ. Bàn thờ là nơi tế lễ, tượng trưng cho Chúa Kitô nên
chúng ta phải cúi đầu chào Bàn Thờ.
2* Kinh Nguyện Thánh Thể :
Trọng tâm và tuyệt đỉnh của toàn bộ cử hành
thánh lễ là Kinh Tạ Ơn khi toàn thể Hội Thánh kết hiệp với Chúa Kitô tuyên xưng
kỳ công của Thiên Chúa và dâng hy tế.
“Khi cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh
tưởng nhớ cuộc vượt qua của Đức Kitô; lúc đó, cuộc Vượt qua này trở nên hiện
diện giữa cộng đoàn, vì lễ tế của Đức Kitô trên thập giá chỉ dâng một lần là đủ
và luôn luôn sống động để đem lại ơn cứu độ” (GLHTCG 1364).
Thánh lễ là một hy tế vì là lễ tưởng niệm
cuộc Vượt qua của Đức Kitô, và là hy tế độc nhất và độc hữu của Chúa Giêsu đã
được dâng một lần thay cho tất cả. Chúng ta không bao giờ làm lại nữa và cũng
chẳng bao giờ có thể làm lại được. Hành vi dâng lễ của Chúa Giêsu ngày xưa bây
giờ đi vào không gian và thời gian của ta cách mầu nhiệm nhờ quyền năng Chúa
Thánh Thần. Có hàng triệu thánh lễ nhưng vẫn chỉ là một hy lễ duy nhất đã dâng
bây giờ đi vào đời sống chúng ta.
Tóm lại, Thánh lễ là một hy tế vì hiện tại
hóa hy tế thập giá, vì tưởng niệm và ban phát hiệu quả của hy tế thập giá Đức
Kitô.
3*
Nghi thức hiệp lễ :
Đây chính là việc bẻ Bánh ra làm nhiều phần
để chia cho nhau và muốn nói rằng chúng ta tuy nhiều nhưng chỉ chia sẻ một bánh
sự sống là Đức Kitô, cũng như chúng ta tuy nhiều nhưng phải hiệp nhất nên một
thân thể là Đức Kitô.
Rước lễ nhằm mục đích kết hiệp với Chúa Giêsu
để chính Người trở thành của ăn thức uống thiêng liêng cho chúng ta cho đến khi
được kết hiệp vĩnh viễn ở trên trời. Bởi thế, sau khi Rước Lễ phải chăm chú cầu
nguyện, tạ ơn Chúa.
Thánh lễ Tạ Ơn được hiến dâng cho mọi người
nhưng chỉ sinh hoa kết quả nơi những ai liên kết với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô
với lòng tin, cậy, mến; và thánh lễ có ích lợi cho chúng ta nhiều hay ít tùy
theo chất lượng lòng đạïo đức của mỗi người.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Đấng chịu chết trên thập
giá, không phải chỉ là người Do Thái đóng đinh Chúa, song mỗi lần con chìm đắm
trong tội là con gây thương tích cho Chúa. Tuy nhiên chính hy lễ thập giá của
Chúa xoá bỏ tội lỗi của con trong bí tích Thánh Tẩy mà con sắp lãnh nhận. Con
xin dâng lời chúc tụng tạ ơn Chúa.
TÓM LƯỢC :
1* Thánh Lễ là gì ?
- Thánh Lễ là việc Chúa Giêsu dâng mình cho
Chúa Cha qua hy tế thập giá để tạ ơn và cầu xin ơn tha tội cho nhân loại.
2* Chúa Giêsu thiết
lập Thánh Lễ khi nào ?
- Chúa Giêsu thiết lập Thánh Lễ trong bữa
tiệc ly, khi Người cầm lấy bánh và rượu dâng lời tạ ơn rồi phân phát cho các
tông đồ, và truyền dạy các ông làm việc ấy mà tưởng nhớ đến Người.
3* Chúa Giêsu nói với
chúng ta lúc nào trong Thánh Lễ ?
- Chúa Giêsu nói với chúng ta trong phần
Phụng Vụ Lời Chúa qua các bài đọc Thánh Kinh.
4* Chúa Giêsu dâng
mình lúc nào trong Thánh Lễ ?
- Chúa Giêsu dâng mình trong phần Phụng Vụ
Thánh Thể khi linh mục đọc kinh Tạ Ơn biến đổi bánh và rượu trở thành Mình Máu
Thánh Chúa.
5* Chúng ta lãnh nhận
bí tích Thánh Thể lúc nào ?
- Trong nghi thức hiệp lễ, khi chúng ta lên
Rước Lễ là nhận lãnh Thánh Thể Chúa Kitô dưới hình bánh và rượu.
QUYẾT TÂM:
Ý thức tầm quan trọng của Thánh Lễ trong việc
thánh hoá đời sống, tôi tập tham dự Thánh Lễ một cách nghiêm trang sốt sắng