BÀI 17 :
LƯƠNG TÂM VÀ TỘI LỖI
LỜI CHÚA :
“Mỗi người trong chúng ta sẽ phải
trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa” (Rm 14,12)
BÀI HỌC :
Ánh sáng đầu tiên giúp con người phân biệt
tốt xấu là tiếng nói lương tâm. Nếu họ cố tình không làm theo tiếng lương tâm
là đã sa vào cám dỗ làm điều xấu, gây nên tội lỗi và mất ơn thánh Chúa.
I - LƯƠNG TÂM LÀM LÀNH LÁNH DỮ
Lương tâm là sự phán đoán của lý trí mà Thiên
Chúa đã đặt sẵn nơi đáy lòng con người để thúc giục họ làm lành lánh dữ.
1* Lương tâm ngay thẳng :
Con người khám phá ra tận đáy lòng mình một
lề luật mà chính họ không đặt ra cho mình, song vẫn phải tuân theo. Chúng ta
gọi đó là tiếng nói lương tâm, và nhờ lương tâm ngay thẳng mà chúng ta nhận
biết hành vi mình định làm, đang làm hay sắp làm là tốt hay xấu. Đó cũng là
tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng không là gì khác ngoài sự tốt lành thánh thiện,
và Đấng ấy cũng chỉ muốn con người làm những điều tốt lành.
2* Lương tâm sai lạc :
Lương tâm vốn là tiếng nói tốt lành song có
thể trở thành sai lạc do hoàn cảnh tác động, hoặc do lười biếng trau dồi khiến
lương tâm thiếu hiểu biết, và nhất là do quá quen phạm tội nên lương tâm đã trở
thành chai lì không nhận biết điều tốt lành. Mỗi người phải quay về nội tâm để
kiểm điểm nếp sống hiện tại của mình sao cho phù hợp với đường lối của Thiên
Chúa.
3* Rèn luyện lương tâm :
Lương tâm phải được rèn luyện thường xuyên
bằng cách tập làm những điều tốt lành và xa tránh tội lỗi. Muốn được vậy cần
phải được ánh sáng chân lý soi dẫn qua việc học hỏi từ gia đình, học đường, xã
hội và nhất là tôn giáo.
Con người có quyền hành động theo lương tâm,
và có bổn phận phải tuân phục tiếng nói lương tâm ngay thẳng, dù có phải chịu
thiệt thòi hay hy sinh một cái gì đó.
II - TỘI LỖI XA LÌA THIÊN CHÚA
Tội lỗi là quay lưng chống lại Thiên Chúa khi
suy tưởng hay làm những điều xấu xa trái với ý muốn tốt lành của Thiên Chúa.
1* Cám dỗ thuộc về thân phận con người :
Đam mê là những tình cảm hay những rung động
mạnh mẽ của cảm xúc theo đuổi một công việc, một đối tượng hay một mục đích nào
đó. Các cảm xúc như vui buồn, yêu ghét, giận dỗi, ham muốn... được coi là tốt
khi chúng góp phần vào hành động tốt, còn ngược lại là xấu. Vì thế, tự bản
chất, đam mê không tốt và cũng không xấu. Muốn đạt tới mức hoàn hảo về mặt luân
lý hay nhân linh, con người cần phải dùng lý trí điều khiển các đam mê của mình
theo những chiều hướng tốt đẹp.
Cám dỗ thường là những khuynh hướng thiên về
điều xấu hơn là điều tốt. Thiên Chúa để cho cám dỗ xảy ra cũng là để ta rèn
luyện mình trưởng thành, biết mình yếu đuối, và như vậy, mới khiêm tốn đón nhận
ơn trên (x.1Pr 5,8-9). Cám dỗ thuộc về thân phận của con người, không ai mà
không bị cám dỗ, song con người có thể dùng ý chí tự do chống lại cám dỗ. Bị
cám dỗ chưa phải là tội, nó chỉ trở thành tội khi ta ưng thuận hay lao mình
theo cám dỗ. Đôi khi chúng ta bị cám dỗ dùng mục đích tốt để biện minh cho
phương tiện xấu. Đừng lẫn lộn vì dù ý hướng có tốt đến đâu cũng không thể làm
cho một hành vi xấu trở thành tốt. Chống trả cám dỗ là phải chống trả dứt khoát
ngay từ đầu thì mới mong chiến thắng cám dỗ (x.Lc 4,1-13).
2* Tự do để chống trả cám dỗ :
Tự do thường được hiểu là khả năng lựa chọn
qua việc cân nhắc, quyết định và chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Tự
do làm cho con người cao quý, vượt xa vạn vật, nên tự do còn là sức mạnh tinh
thần giúp ta trưởng thành trong sự thật và sự thiện.
Tự do làm cho các hành vi của con người nên
tốt hay xấu về mặt luân lý, giống như bản lề của cánh cửa tội lỗi và thánh
thiện. Nếu tự do nghiêng chiều về điều xấu sẽ làm nên tội và nô lệ cho ma quỷ,
còn nghiêng về điều lành thì đó là công đức, là cộng tác viên của Thiên Chúa.
Trách nhiệm của tội nhân có thể được giảm bớt
khi thiếu sự tự do, như không biết hay vì ép buộc hoặc sợ hãi. Tội nặng hay nhẹ
cũng có sự góp phần của sự tự do.
2* Tội lỗi là ‘sa chước cám dỗ’ :
Tội lỗi cũng đa dạng như cám dỗ. Cám dỗ
(khuynh hướng xấu) và ma quỷ chưa phải là nguyên nhân chính gây nên tội. Chính
ở tâm hồn mỗi người là nguồn gốc phát sinh ra tội khi con người chủ ý xa lìa sự
thiện (x.Mt 12,34-35). Vì thế, tội lỗi không chỉ có trong hành động mà ngay cả
trong suy tưởng hay ước muốn đã có tội rồi.
“Khi phạm tội, con người quay lưng với Thiên
Chúa là cùng đích và chân phúc của mình, bằng cách yêu chuộng một thụ tạo thấp
kém hơn.” (GLHTCG 1855).
Để là tội nặng phải hội đủ ba điều kiện này :
- Điều lỗi phạm tự bản chất là điều xấu nặng.
Lỗi nặng được xác định trong Mười Điều Răn (x.Mc 10,19), và tuỳ theo nội dung
và đối tượng, chẳng hạn tội giết người nặng hơn tội ăn trộm, tội hành hung cha
mẹ nặng hơn tội hành hung người lạ.
- Biết rõ điều xấu ấy, nghĩa là hành động với
ý thức rõ ràng
- Và chủ ý lỗi phạm, nghĩa là hoàn toàn ưng
thuận; nặng nhất là tội phạm do ác tâm.
Thiếu một trong ba điều kiện trên thì chỉ là
tội nhẹ.
Khi phạm tội nặng, con người tự tước bỏ ơn
thánh cứu độ; và nếu không được chuộc lại bằng việc hối cải và ơn tha thứ của
Chúa, họ sẽ đánh mất sự sống đời đời. Mọi tội lỗi dù nặng đến đâu cũng được tha
qua sứ mạng hoà giải của Hội Thánh. Chỉ có những ai từ chối đến kỳ cùng tình
yêu của Thiên Chúa (x.Mt 12,31: tội không thể tha), mới không cần sự tha thứ,
và án phạt hoả ngục là đương nhiên. Dù bề ngoài ta có thể đoán xét một hành vi
nào đó là tội nặng, nhưng chúng ta vẫn phải dành quyền phán xét cho Thiên Chúa
công bình và giàu lòng thương xót (x.Mt 7,13).
Đã là tội lỗi thì dù nặng hay nhẹ vẫn là xúc
phạm đến chính Thiên Chúa vì đã đặt mình lên trên Thiên Chúa, và cũng là làm
thương tổn đến con người vì đã xoá nhoà hình ảnh của Thiên Chúa trong con
người. Do đó cần phải có sự sám hối để đón nhận ơn tha thứ.
Sám hối là ý thức về tội, về những hậu quả mà
tội gây ra, và hướng nhìn về Thiên Chúa mà đón nhận tình yêu tha thứ để trở nên
tốt lành thánh thiện. Người không biết mình mắc bệnh sẽ không nghĩ đến việc
chữa bệnh (x.Lc 15,1-3). Cũng vậy, người mất ý thức về tội sẽ không cảm thấy
cần đến ơn cứu độ. Sám hối là bước đầu đưa tới ơn cứu độ (x.Mc 1,15; Mt 4,17).
3* Ân sủng trợ giúp con người làm lành lánh
dữ :
Bởi sức tự nhiên, con người khó có thể làm
lành lánh dữ để sống thánh thiện, do đó cần đến ơn Chúa trợ giúp, như lời Chúa
Giêsu nói: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Tuy nhiên, ơn
Chúa không bao giờ cưỡng bức con người làm theo điều tốt lành mà chỉ trợ lực,
vì Thiên Chúa không bao giờ huỷ hoại sự tự do mà Ngài đã ban cho con người.
Ơn Chúa là sự trợ giúp của Thiên Chúa để ta
sống xứng đáng là con người và là con Chúa, và nhất là để dự phần vào sự sống
đời đời của Thiên Chúa. Người ta thường phân biệt hai loại ơn Chúa: ơn thánh
hoá mang tính thường xuyên, và ơn trợ giúp tuỳ hoàn cảnh. Con người có thể đánh
mất ơn Chúa khi phạm tội, do đó cần phải cộng tác với Chúa để ơn Chúa sinh hiệu
quả trong đời sống con người.
Trở về với Thiên Chúa, biến cải tâm hồn và
đời sống là một đòi hỏi và một nỗ lực thường xuyên. Vì thế, sám hối chính là
một nhân đức, nghĩa là một thái độ bền bỉ trở thành một tập quán thống hối trong
suốt đời sống con người. Tất cả đời sống Kitô hữu là một cuộc trở lại liên tục
mà bí tích Hoà Giải là điểm tựa và đỉnh cao.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Thiên Chúa là Cha nhân hậu, chỉ đến ngày
được Thánh Tẩy, con mới thực sự được rửa sạch mọi tội lỗi, nhưng con vẫn muốn
nói lên khát vọng của mình, như tâm tình của Thánh Vịnh 50: “Lạy Thiên Chúa,
xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin
rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 50,1-2).
Học kinh : kinh Ăn năn tội, trang 13
TÓM LƯỢC :
1* Lương tâm là gì ?
- Lương tâm là sự phán đoán của lý trí mà
Thiên Chúa đã đặt sẵn nơi đáy lòng để thúc giục con người làm lành lánh dữ.
2* Vì sao có lương
tâm sai lạc ?
- Tiếng nói lương tâm có thể sai lạc do hoàn
cảnh, do lười biếng trau dồi, và nhất là do quá quen phạm tội nên tiếng lương
tâm không còn phán đoán ngay thực.
3* Đam mê có phải là
xấu không ?
- Đam mê tự nó không tốt cũng không xấu. Ta
cần phải tỉnh trí uốn nắn đam mê theo những chiều hướng tốt đẹp.
4* Làm thế nào để
chống trả cám dỗ ?
- Để chống trả cám dỗ ta phải tập tự kiềm chế
bản thân, luyện tập nhân đức, và siêng năng cầu nguyện để có thể chống trả dứt
khoát và mạnh mẽ ngay từ ban đầu.
5* Tự do có liên hệ
đến tội lỗi như thế nào ?
- Tự do có thể làm cho một hành vi nên tốt
hoặc xấu về mặt luân lý. Tội lỗi có thể nặng hay nhẹ là do chủ ý hay không chủ
ý, vì sự thiếu tự do sẽ làm giảm bớt trách nhiệm của người phạm tội.
6* Phân biệt thế nào
là tội nặng hay nhẹ ?
- Để là tội nặng phải hội đủ ba điều kiện sau
đây: một là điều xấu nặng, hai là biết rõ điều cấm đó, và ba là cố ý lỗi phạm.
Ngoài ra thiếu một trong ba điều kiện trên, chỉ là tội nhẹ.
7* Ơn Chúa ban cho ta
có mục đích gì ?
- Ơn Chúa ban nhằm mục đích giúp ta sống xứng
đáng là con người và con Chúa, và nhất là để dự phần vào sự sống đời đời của
Chúa.
QUYẾT TÂM :
Mỗi lần xét mình, tôi không ôm đồm nhiều điều
quyết tâm chừa cải, mà chỉ tập trung vào một điểm cụ thể mà tôi hay sai lỗi để
sửa mình