BÀI 11 :  

ĐỨC GIÊSU YÊU THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI YẾU ĐUỐI

Mt 11, 28 – 30

 

 

I- CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đến với Chúa để được gặp Chúa trước khi chúng con bắt đầu giờ học giáo lý hôm nay. Chúng con tin Chúa đang ở giữa chúng con. Xin cảm tạ tình yêu Chúa đã luôn yêu thương, nâng đỡ, săn sóc cuộc đời chúng con. Và giờ đây, Chúa cho chúng con được cùng nhau chia sẻ về lòng nhân từ của Chúa. Xin dâng lên Chúa giờ học hôm nay.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự xuống tâm hồn mỗi người chúng con, xin Ngài mở lòng trí chúng con đón nhận Lời Chúa Giêsu, xin chúc lành và thánh hoá giờ học của chúng con.

Hát : Hãy chiếu sáng tâm hồn con…

II- DẪN VÀO LỜI CHÚA

Có một người Thanh niên mơ một giấc mơ : Đức Giêsu và anh ta đồng hành trên một bãi cãt dài ven biển. Bốn dấu chân in trên cát. Nhưng khi anh ta gặp phải khó khăn, anh nhìn xuống thì  thấy chỉ còn dấu hai bàn chân. Anh kinh ngạc và thất vọng kêu lên:

-Thưa Thầy, lúc con gặp khó khăn Thầy trốn đi đâu mà để con bước một mình thế ?

Đức Giêsu nhỏ nhẹ nói với anh:

-Con nhìn kỹ lại xem đó là nững bước chân của ai ?

Nhìn kỹ lại, chàng thanh niên mới biết đó là những dấu chân của Đức Giêsu.

-Vậy thưa Thầy- Chàng thanh niên la lên- Vậy lúc đó con ở đâu?

-Con ạ- Đức Giêsu trả lời- Những lúc con gặp khó khăn đó, Thầy biết con không đủ sức chịu đựng và vì thế, Thầy đã vác con trên vai Thầy !

Câu chuyện cảm động trên đây cho chúng ta ý thức hơn rằng: Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người như con người vẫn thường nghĩ . Nhưng khi con người càng yếu đuối, đau khổ, thì Chúa càng gần gũi và yêu thương nâng đỡ nhiều hơn như trong đoạn Tin Mừng chúng ta sẽ cùng nhau lắng nghe giờ đây.

III- CÔNG BỐ LỜI CHÚA :              Mt 11, 28-30

                                                                 Thinh lặng giây lát

IV- GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

1.    Dẫn giải đoạn Kinh thánh vừa công bố

-Đoạn Kinh thánh này của ai viết? Mt

-Thời gian viết ? khoảng năm 80

Qua những bài học trước, chúng ta đã tìm hiểu về tình thương của Thiên Chúa dành cho con người qua Đức Giêsu Kitô : Con Thiên Chúa làm người, sống ẩn dật tại Na-da-rét, và những bước đầu của cuộc đời rao giảng công khai. Đức Giêsu đã từ từ mạc khải Mầu nhiệm Nước Trời cho dân chúng qua những lời rao giảng và những công việc cụ thể Ngài làm.

Qua đoạn Tin Mừng Mt 11, 28-30 này, Chúa Giêsu mạc khải Nước Trời cho những người “ thấp cổ bé họng”. Ngài kêu gọi những con người yếu đuối, đau khổ, nhỏ bé hãy đến với Ngài để được Ngài bổ sức, nâng đỡ.

Mời các em cùng thảo luận để thấy rõ hơn lòng nhân từ của Chúa Giêsu.

2.    Các em học sinh thảo luận.

      Đoạn Tin Mừng Mt 11, 28-30 này là một câu chuyện kể

a.Đoạn văn nói tới những nhân vật nào ?

   Chúa Giêsu, tất cả những ai mang gánh nặng nề…

 - Nhân vật chính : Chúa Giêsu     

b.Câu tóm ý cả đoạn ? Câu 28

c.Đặt tựa đề ngắn : Chúa Giêsu nhân từ.

                     Hoặc : Đến với Chúa Giêsu ta sẽ được nâng đỡ.

3.    Bài học giáo lý

Chúa Giêsu đã kêu gọi : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”

Những người “đang vất vả mang gánh nặng nề” ở đây là những ai? Đó là những người đang phải mang vác những gánh nặng khổ đau vì bịnh tật, vì qui định này, quy luật nọ, vì những lỡ lầm yếu đuối, vì  bị hắt hủi bỏ rơi.

-Chúa mời gọi họ : “Hãy mang lấy ách của Ta”.

Aùch là gì ? Aùch là đoạn gỗ cong mắc trên vai trâu bò để buộc dây kéo cày, kéo xe. Nghĩa bóng: sự áp bức (Lv26,13; 1V 12,14). Nô lệ (1Tm 6,1); Nô lệ lề luật ( luật Do thái; Cv 15,10; Gl5,1). Kỷ luật ( Hc 3, 27 ).

-“Aùch Ta thì êm ái và nhẹ nhàng” ( câu 30) : Luật của Chúa thì nhẹ nhàng, giúp người ta vươn lên chứ không đè nén họ, khác với những lề luật do thái mà các Kinh sư và Pharisêu chất lên vai dân chúng. Bởi Chúa Giêsu là đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Người luôn quan tâm tới :

3.1    Những người đau khổ

Các em thân mến, ai trong chúng ta cũng đã có kinh nghiệm gặp gỡ, tiếp xúc với những người bệnh tật, hay chính bản thân chúng ta đã trải qua những cơn đau bịnh. Bệnh tật làm người ta đau đớn thể xác, và có khi đau khổ cả về tinh thần nữa. Có những bệnh bị người ta xa lánh như bệnh cùi, HIV…Có những bệnh làm cho họ không có khả năng tham gia vào một số công việc của xã hội như câm, điếc,mù…Và có khi phải sống tách biệt khỏi cộng đồng như những trại phong.

Vào thời Chúa Giêsu,đối với người Do thái: tai hoạ, bệnh tật là hậu quả của tội lỗi; vì đã phạm tội nào đó nên bị Thiên Chúa đánh phạt ( Dnl 28,20; Ga 9,1-2; Lc 13,1-5).Nước Do thái thời đó không có trại cùi, những người bịnh cùi bị đuổi ra những vùng hoang vắng, sống chết không ai quan tâm. Chính vì vậy, những người bệnh không chỉ đau khổ về phần xác mà còn đau khổ về tinh thần vì bị khinh bỉ, hắt hủi.

Vì yêu thương những con người đau khổ, Chúa Giêsu đã dám đi ngược lại luật lệ: Chúa chữa bệnh ngày Sabát ( Mt 12,9-14 ). Chúa đụng vào người phong cùi để chữa trị cho họ. Tình yêu của Chúa lớn hơn sự sợ hãi lây bệnh ( Mc8,1-4; Lc 5,12-16 ), và lớn hơn lòng ganh ghét muốn làm hại Chúa của các Biệt phái ( Mt 12,9-14).

*Tóm ý:     Đối với Chúa Giêsu, con người dù nghèo khổ, bệnh hoạn, tật nguyền… đều đáng quý trọng vì là hình ảnh của Thiên Chúa. Bởi đó, phải coi trọng con người hơn của cải, công việc, tiền bạc, thời gian…

3.2    Trẻ em

Một trong những đối tượng được Chúa Giêsu yêu thương cách đặc biệt, đó là trẻ em.

Chúng ta thấy: trẻ em thì đơn sơ, ngay thật, chưa có đủ khả năng để tự vệ, chỉ biết lãnh nhận mọi sự từ người lớn.

Thời Chúa Giêsu, không phải mọi trẻ em đều được cắp sách đến trường. Trong những năm đầu, đứa trẻ chỉ được một mình người mẹ chăm sóc. Đến 4 tuổi, con trai sẽ được cha coi sóc và học nghề của cha, được dạy cho biết đọc và giải thích Sách Thánh, biết lề luật. Còn con gái vẫn ở với mẹ, học làm bếp, nội trợ, chỉ cần biết những khoản luật cấm và những khoản liên quan đến phụ nữ là đủ.

Các em thường được dạy dỗ một cách nghiêm khắc bằng roi vọt, được gia đình yêu thương nhưng không chiều chuộng.

Nhưng Chúa Giêsu lại rất yêu thương, chiều chuộng và đề cao trẻ em: “ Cứ để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng” (Mc 10,13-16). Và “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào” (Mt 19,13-15 ). Ngài ôm lấy trẻ em và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy…” ( Mc9,33-37;Mt 18,1-5; Lc9,46-48 )

*Tóm ý:  Chúa Giêsu đã yêu thương và đề cao trẻ em. Ngài mời gọi chúng ta hãy sống đơn sơ, ngay thật và khiêm tốn như trẻ thơ để được vào Nước Trời.

3.3                  Phụ nữ

Phụ nữ trên khắp thế giới ngày nay càng ý thức được giá trị của mình, tìm được chỗ đứng bên cạnh nam giới và đóng góp xuất sắc trong các ngành nghề,giáo dục và khoa học.

Ở Paléttin thời Chúa Giêsu, người phụ nữ không có giá trị bằng nam giới. Thế giới của họ chỉ là gia đình và các việc nội trợ. Họ không được đi học cả đạo lẫn đời. Họ không được làm chứng trước toà án cũng như không được lên tiếng trong các nghi lễ phụng tự. Trong Hội đường, họ có chỗ ngồi riêng, và nếu không đủ mười người đàn ông trưởng thành thì dù có bao nhiêu phụ nữ cũng không thể cử hành nghi lễ tôn giáo.

Khi ra đường, họ phải đội khăn che đầu để đừng ai nhận ra mình, và chịu nhiều luật lệ khắt khe khác nữa.

Thế nhưng, Chúa Giêsu không đối xử với phụ nữ như vậy. Ngài coi trọng và quý mến họ không kém gì nam giới:

-Chúa Giêsu nói chuyện với người phụ nữ Samari ( Ga 4 )

-Ngài đón nhận họ vào đoàn các môn đệ của Ngài ( Lc8,1-3; Mt 27,55-56)

-Chúa bênh vực cho người phụ nữ ngoại tình, Ngài không kết án họ ( Ga 8,2-11)

Trong Tin Mừng có nhiều đoạn cho thấy Chúa Giêsu luôn bênh vực, cứu giúp phụ nữ. Và sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra trước hết cho các phụ nữ, và trao cho họ sứ mạng đi báo tin cho các môn đệ( Mt 28,9-10).

·         Tóm ý:  Chúa Giêsu luôn quan tâm đến những người bị xã hội coi thường. Ngài không trọng nam, khinh nữ nhưng đã xác định phẩm giá người phụ nữ một cách chắc chắn, giải phóng họ khỏi những phân biệt của lề luật và xã hội.

3.4                  Những người tội lỗi

Chúng ta thấy ở đâu và thời đại nào, người ta cũng thường căm ghét những người thu thuế vì họ áp đặt lên dân chúng những khoản thu nặng nề. Và khinh bỉ những cô gái điếm.

Thời Đức Giêsu, hai hạng người này bị xã hội coi là tội lỗi, cần xa tránh. Vì giao thiệp với hạng tội lỗi sẽ bị ô uế, không thể tham dự việc phụng tự được. Thế mà Đức Giêsu lại đồng bàn với họ và để họ lại gần tiếp xúc với Chúa ( Lc 5,29-30;7,36-39;15,1-2 ). Ngài trở nên bạn của họ để giúp họ nhận ra họ được yêu thương, được quý trọng và họ có thể thay đổi. Ngài đến với họ bằng sự cảm thông chứ không phải bằng sự kết án. Ngài giúp họ nhận ra những chỗ sai sót để sửa chữa, như người đàn bà ngoại tình, Giakêu…

Đặc biệt, chúng ta thấy Đức Giêsu không ngần ngại kêu gọi một người thu thuế vào nhóm Môn đệ thân tín nhất, đó là Thánh Matthêu hay còn gọi là Lêvi ( Mt 9,9 ). Vì đối với Chúa Giêsu “người khoẻ mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau yếu mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc5,31-32)

*Tóm ý :  Chúa Giêsu đến không phải để kêu gọi người đạo đức, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.

Khi ta sám hối ăn năn, Chúa Giêsu ban cho ta ơn tha thứ để ta được sự bình an và niềm vui của con cái Thiên Chúa. Ta phải yêu mến, kính trọng mọi người, kể cả những người tội lỗi.

*Tóm ý toàn bài: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.Lời mời gọi của Chúa Giêsu trước hết nhắm đến gánh nặng của lề luật Cựu ước mà người Do thái thời Chúa Giêsu phải gánh chịu, với bao nhiêu điều khoản tỉ mỉ các Kinh sư đã thêm vào( Mt23,4). Tuy nhiên ,gánh nặng Ngài nói tới còn có thể hiểu là nhữngkhổ đau cả về vật chất lẫn tinh thần. Chính vì thế, Ngài mời gọi mọi người đến với Ngài để được an ủi, nâng đỡ. Và hãy học nơi Chúa: Trong ánh mắt Ngài, mọi người đều được coi trọng.

 

V- CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến để nâng đỡ, ủi an những phận người bé nhỏ, đau khổ. Chúa đã đến để tha thứ và chữa lành những con người tội lỗi.

Xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày, nơi khuôn mặt khốn khổ của tất cả những người bị thử thách : những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn, nhưng còn vì thiếu Lời Chúa. Những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước uống mà còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương. Những kẻ vô gia cư, không chỉ tìm kiếm một mái nhà, nhưng còn tìm kiếm một con tim hiểu biết, yêu thương. Những kẻ bệnh hoạn và hấp hối, không chỉ trong thân xác mà còn trong tinh thần nữa. Bằng cách thực thi lời hy vọng này: “Điều ngươi làm cho người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính Ta”. Chúng con cầu xin….

VI- SINH HOẠT GIÁO LÝ : Hát: Sức sống dồi dào  ( Quang Uy )

VII- BÀI TẬP : Em hãy chọn câu đúng nhất:

              1.Chúa Giêsu kêu gọi hãy đến với Ngài :

                a. Các trẻ em, phụ nữ và Luật sĩ.

                b. Những người bệnh tật, thu thuế và Kinh sư.

                c.  Những ai lầm than, yếu đuối và tội lỗi.

                      ( câu c )

       2.Chúa Giêsu đã chữa bệnh ngày Sabát vì :

a.     Khinh thường luật Do thái.

b.     Coi trọng và yêu thương con người

c.      Chống lại các Luật sĩ

( câu b )

3. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta :

a.     Quý trọng con người hơn của cải, vật chất.

b.     Trở nên giống trẻ thơ

c.      Hoán cải để đón nhận ơn tha thứ.

d.     Cả ba câu đều đúng

( câu d )

VIII- ĐIỀU DỐC LÒNG

1.    Đoạn văn giúp ta biết gì về Thiên Chúa và Tình thương của Người ?

Chúa Giêsu là Vị Mục tử nhân lành : Ngài đến để cho chiên được sống và được sống dồi dào. ( Ga 10,10 )

2.    Qua đoạn văn này, hôm nay Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì ?

-     Yêu thương và kính trọng mọi người

-          Hãy làm một việc cụ thể để giúp đỡ người già yếu, những em bé hay một người tàn tật, đau bịnh trong gia đình hay trong làng xóm.

-          Xét mình để nhận ra những tội lỗi của mình , đến với Chúa Giêsu trong Bí tích hoà giải để lãnh nhận ơn tha thứ và quyết tâm sửa đổi.

IX- CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ

Lạy Đức Giêsu Kitô, cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con giờ học vừa qua, giúp chúng con khám phá thêm về tình yêu Chúa đã dành cho chúng con : dù con người có bé nhỏ, yếu đuối, tội lỗi , đau khổ trong tinh thần hay thể xác đến đâu. Chúng con cũng không đau khổ một mình, nhưng có Chúa luôn chờ đợi, tìm kiếm, kêu mời chúng con đến với Chúa để được Chúa nâng đỡ, tha thứ và bổ sức cho chúng con. Bởi vì Chúa là Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng; Vì chúng con rất quý đối với Chúa, vì Chúa rất yêu chúng con.

Xin Chúa giúp chúng con đáp trả tình yêu Chúa bằng việc thực hành ý Chúa từng ngày trong đời sống chúng con. Amen.