BÀI 16 : Dậy men Tin Mừng 3
HỌC ĐỂ PHỤC VỤ HỮU
HIỆU HƠN
I.CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ
Lạy Chúa Giê-su, chúng con cám ơn Chúa đã ban cho chúng con trí hiểu,
sức khoẻ, thời gian. Chúng con xin dâng lên Chúa giờ học giáo lý hôm nay với tất
cả lòng biết ơn và yêu mến của chúng con.
Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con để Ngài soi sáng,
chúc lành và thánh hoá chúng con, giúp chúng con học giờ này đạt kết quả tốt đẹp.
Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần…
II. GIẢI THÍCH BÀI HỌC
Các em thân mến, giờ học vừa qua chúng ta đã được biết: Đức Giê-su
là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống nhờ lời tuyên xưng của Thánh Phê-rô. Lời
tuyên xưng ấy không phải một sớm, một chiều mà thánh Phê-rô tuyên xưng và thực
hiện được, nhưng do Chúa Thánh Thần soi sáng và với những ngày tháng đã được ở
cận kề bên Chúa, được Chúa dạy dỗ, chứng kiến những việc Chúa làm, và ngài vẫn
phải học hỏi suốt đời ngay trong vai trò của vị Đại diện Chúa ở trần gian này.
Đối với mỗi người chúng ta cũng vậy, là Ki-tô hữu chúng ta cũng tuyên
xưng Đức Ki-tô là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Và để lời tuyên xưng niềm
tin của chúng ta đi đôi với cuộc sống, chúng ta có bổn phận làm chứng cho Chúa
ngay trong quê hương , đất nước chúng ta. Chúng ta phải trở nên những người công
dân, người Ki-tô hữu tốt.
Làm người công dân tốt là chúng ta yêu quê hương , dân tộc, ta muốn
góp phần phục vụ, giúp cho dân mình phát triển, nước mình thịnh vượng. Làm người
Ki-tô hữu tốt là chúng ta yêu mến Chúa, yêu mến Hội Thánh, ta muốn góp phần phục
vụ, rao giảng Tin Mừng.
Tuy nhiên sẽ không
thể phục vụ tốt nếu thiếu hiểu biết. Gương những người đi trước cho thấy: yêu
quê hương dân tộc thì phải học.
1.
Yêu quê hương dân tộc thì phải học.
Trong bài 10 : “Con có một Tổ quốc”, chúng ta đãcảm nhận được niềm
hạnh phúc được là người Việt nam, được sống trên quê hương đất nước của mình. Và
mỗi người có bổn phận yêu mến và tích cực xây dựng Tổ quốc. Nhưng muốn trở thành
người hữu ích thực sự cho dân, cho nước, trước tiên ta phải học. Cha ông ta có
câu: “học ăn, học nói, học gói, học mở” nghĩa là: điều gì cũng phải học, vì chẳng
ai sinh ra đã là người thông biết cả.
Ngày nay, đất nước ta đã hoà bình, thế nhưng chiến tranh đã để lại
cho ta cái nghèo, cái dốt, cái chậm tiến…Muốn giúp cho dân giàu nước mạnh, cần
phải học. Không phải chỉ một số người nhưng tất cả các bạn trẻ Việt
Bạn có yêu quê hương dân tộc không? Nếu thực sự yêu nước thương nòi
hãy quyết chí học tập.
2.
Yêu Chúa hãy chăm học
Chúa Giê-su, dù là Con Thiên Chúa, nhưng để rao giảng trong ba năm,
Ngài đã chuẩn bị bằng 30 năm học hành, rèn luyện bản thân. Và khi khởi sự cuộc đời
rao giảng, một trong những việc đầu tiên Ngài làm là đào tạo môn đệ: “Ngài lập
Nhóm Mười Hai để các ông ở với Ngài và để Ngài sai các ông đi rao giảng” ( Mc
3,14 )
Là người Ki-tô hữu, hẳn chúng ta yêu mến Chúa, yêu mến Hội thánh, yêu
mến các linh hồn? Vậy thì chúng ta hãy quyết chí học tập: học văn hoá và học giáo
lý.
Một Đức Giám mục phía Bắc đã có lần nói : “ Rất nhiều bạn trẻ nhiệt
tình, muốn tham gia dạy giáo lý nhưng không được vì bản thân họ học thấp quá”.
Vâng, để nói được về Thiên Chúa, cần học biết Ngài là ai, Ngài làm
gì cho ta, yêu thương ta thế nào. Không biết rõ, ta sẽ không dám nói.
Muốn nói với con người thời nay, phải học để biết cách nói cho
thích hợp. Khoa học ngày càng tiến bộ. Phương tiện đi lại dễ dàng giúp cho người
dân các nước gặp gỡ nhau ngày càng nhiều, khiến cho cuộc sống ngày càng phong
phú. Nhờ học hỏi, ta sẽ biết cách vận dụng tất cả để nói cho con người biết về
Chúa.
Thánh Phao-lô không được theo Chúa3 năm như các tông đồ khác. Bù lại,
sau khi được ơn đức tin, ngài đã rút vào sa mạc 3 năm để sống trong cầu nguyện,
nghiền ngẫm về cuộc đời và lời dạy của Chúa Ki-tô rồi mới lên đường rao giảng
(Gl1,13-24)
Khi được ơn trở lại, thánh I-nhã Lôi-dô-la nhận ra rằng muốn rao giảng
hữu hiệu cần phải học. Dù đã hơn 30 tuổi, ngài vẫn vui vẻ ngồi cùng lớp cùng bàn
với trẻ em để học tiếng La tinh. Nhờ đó, về sau ngài đã góp phần cho Hội thánh
hết sức hữu hiệu.
3.
Học nhờ lòng yêu mến
Việc học không chỉ một sớm một chiều nhưng là một quá trình lâu dài,
vì thế đòi hỏi phải kiên trì và chấp nhận
vất vả.
Có những thầy, cô giáo vì yêu mến xóm làng của mình, thấy được cái
nghèo làm cho dân làng thất học nên đã quyết chí vượt bao gian khổ để học thành
tài về giúp ích cho xóm làng.
Có những linh mục, tu sĩ, giáo lý viên vì yêu mến Chúa, yêu mến Giáo
hội đã cố công học tập để phục vụ hữu hiệu.
Bạn có biết Trần Quốc Toản đã làm gì khi nghe người lớn bàn chuyện
chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước? Cậu đã bóp nát quả cam lúc nào không hay, rồi
đi rủ đồng bạn lập một đội quân thiếu niên, cùng nhau học tập và rèn luyện để
“phá cường địch, báo hoàng ân”. Phải học tập và rèn luyện, nếu không, dù có yêu
nước sục sôi, nhóm bạn ấy đã chẳng làm nên trò trống gì. Đáng khen thay, họ đã
khiêm nhường cố công học tập, và đã được vinh dự góp phần vào sự nghiệp chung của
đất nước.
Việc học ngày nay của
bạn có khó hơn thời Trần Quốc Toản vì có nhiều điều hơn cần phải học, phải tập để
thêm hiểu biết và khả năng. Thêm vào đó, xung quanh lại có đủ các thứ hấp dẫn,
quyến rũ, lội cuốn ta bỏ học. Thế nhưng dù việc học khó, bạn sẽ làm được, vì bạn
cũng yêu nước như Trần Quốc Toản. Hơn nữa,
bạn còn có sức mạnh của lòng yêu mến Chúa và các linh hồn.
Hãy cầu xin Chúa ban cho bạn thêm lòng yêu mến. Hãy học vì yêu mến.
Hãy yêu mến mà học. Tâm trí bạn sẽ được mở mang, phẩm giá bạn sẽ thêm sáng chói.
4.
Các em học sinh thảo luận
a. XEM: Nhìn chung, trong gia đình
bạn, trong giáo xứ bạn có quan tâm đến việc học cả đạo lẫn đời không ?
Nếu có,bạn hãy kể ra?
Trong Giáo xứ có quan tâm đến việc học như xây nhà giáo lý, đào
tạo Giáo lý viên, mở các lớp giáo lý, khuyến khích và kêu gọi các em theo các lớp
giáo lý . Trao học bổng cho các em học khá ở trường, lập quỹ giúp các em học
sinh nghèo, mở các lớp học xoá nạn mù chữ.
Nếu chưa, bạn hãy cho biết nguyên nhân
b. XÉT : Trong giáo xứ, trong thôn xóm chúng ta cần động viên việc học như thế nào?
c. LÀM : Muốn tiến bộ trong việc học tập, ta cần phải làm gì?
-
Cần có mục đích cụ
thể và rõ ràng.
-
Cần quyết tâm, kiên
trì.
-
Cần học có phương pháp
và biết giúp nhau học.
·
TÓM LẠI :
-
Thiên Chúa đã ban các
nén bạc của Ngài cho ta. Ta cần biết phát triển là: sức khoẻ, đức hạnh, tài năng,
kiến thức…
-
Đất nước đã bước vào
giai đoạn mới, hoà mình vào bước tiến của cả thế giới. Những ai muốn tiến kịp
cuộc sống đều cần phải học đến nơi đến chốn.
-
Cách riêng người Công
Giáo cần học đến nơi đến chốn để có khả năng giới thiệu Chúa Giê-su cho đồng bào
mình.
-
Giữa hoàn cảnh khó
khăn của gia đình, mỗi học sinh cần biết chăm ngoan, cố gắng vượt bực trong việc
học tập để đáp đền tình thương và công ơn của cha mẹ.
III. DẪN VÀO LỜI CHÚA:
“ Chiều cuối năm, những vạt nắng nhạt
dần trên con đườngdẫn ra ngoại ô. Người người hối hả, tất bật lo toan cho cái Tết
đã gần kề. Cũng là chuẩn bị cho ngày Tết, nhưng lại là những buổi tập dượt, những
bài văn, câu thơ được trau chuốt để làm quà biếu cha mẹ và những người thân ở
quê nhà. Những điều ấy đang diễn ra ở mái ấm Thiên Aân, nơi mà 12 em vừa trai,
vừa gái và cả chủ hộ đều khiếm thị. Tất cả đều sống trong bóng đêm giữa ban ngày.
Mái ấm tình người ấy là một căn hộ nhỏ nằm trong hẻm thuộc phường 16, quận Tân
Bình, Thành phố Hồ Chí minh.
Thầy giáo Nguyễn quốc Phong, chủ hộ, nguyên trước đây là một tu sĩ
dòng Salésien. Năm 1991, trên đường từ ngoại thành vào nội ô, thầy bị tai nạn
do sự bất cẩn của một người lái xe tải chở lồ ô đậu bên đường, không có đèn báo
hiệu trong đêm. Cả vùng mặt vùng ngực bị tổn thương nặng. Sau hơn một năm chữa
trị, sức khoẻ dần hồi phục hưng người tu sĩ ấy đã mất đi đôi mắt. “Thấm thoát mà đã hơn chục năm rồi anh ạ!”.Thầy
Phong kể lại chuỗi ngày đã qua: “Lúc đầu,
bước vào thế giới người mù, mình rất buồn, thất vọng. Ngày ấy mới 33 tuổi. Sau này có dịp tiếp xúc với những
người cùng hoàn cảnh, thấy họ vẫn phấn đấu để sống, mình tự nhủ phải biết thích
nghi với cuộc đời mới. Bây giờ mình thấy cũng còn có ích cho đời”.
“Còn có ích cho đời”đó là điều mà mọi người đã
nhận ra nơi thầy Phong trong cuộc sống hôm nay tại mái ấm Thiên Ân và từ nhiều
năm trước .Nơi đây thầy đang nuôi dạy nhiều lượt các cháu đủ mọi trình độ bị
khiếm thị từ nhiều nơi gửi tới. (Nét xuân
ở Thiên Ân, Báo CG DT- số 1391, trg. 16 )
“Còn có ích cho đời”, đó là cách sử dụng những
nén bạc Chúa trao một cách tốt nhất nơi thầy Phong. Vâng, ai cũng được Chúa
trao cho những nén bạc và Chúa mời gọi mỗi người hãy làm sinh lợi ra cho Ngài tùy
theo khả năng Ngài ban cho từng người như trong đoạn Tin Mừng chúng ta sẽ lắng
nghe giờ đây:
IV. CÔNG BỐ LỜI CHÚA : Mt
25, 14 – 30
Thinh lặng giây lát
V. CẦU
NGUYỆN GIỮA GIỜ
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ban cho chúng những nén bạc là sức khoẻ, đức hạnh,
tài năng, trí khôn, kiến thức…Xin Chúa giúp chúng con biết chăm chỉ học hành, rèn
luyện thân xác, trau dồi tâm hồn bằng những đức tính tốt, những kiến thức đạo, đời.
Để chúng con có thể làm sáng Danh Chúa, và giúp ích cho chính bản thân, cho gia
đình, cho giáo xứ, Giáo hội, cho tổ quốc và cho cả loài người chúng con. Chúng
con cầu xin vì Chúa là Đấng hằng sống,…
VI. SINH HOẠT GIÁO LÝ:
Hát : Mỗi chúng ta là một món quà…
VII. BÀI TẬP
Em hãy chọn câu đúng nhất :
1. Để phục vụ hữu hiệu, ta cần học đến nơi đến chốn :
a. Những kiến thức khoa học.
b. Những môn học đạo và đời.
c. Những kiến thức về giáo lý.
( câu b )
2. Muốn tiến bộ trong việc học tập, ta cần :
a. Có mục đích cụ thể và rõ ràng.
b. Có quyết tâm, kiên trì.
c. Cần học có phương pháp và biết giúp nhau học.
d. Cả 3 câu đều đúng.
( câu d )
VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:
1. Đoạn văn giúp ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Ngài?
Mỗi người khi sinh ra đều được Thiên Chúa
ban cho một số tài năng. Đó là những nén bạc được trao phó. Người nhiều, người
ít nhưng tất cả đều có trách nhiệm làm cho những nén bạc Chúa ban sinh sôi nảy nở, không phải chỉ để
cho mình mà còn cho người khác.
2. Qua đoạn văn này, hôm nay Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều
gì ?
Yêu mến việc học, quyết tâm học hành đến
nơi đến chốn để giúp ích cho chính bản thân và giúp ích cho người khác. Học để
phục vụ đất nước và Hội Thánh.
IX. CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ
Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con giờ học giáo
lý hôm nay, giúp chúng con ý thức hơn giá trị và sự cần thiết phải học tập. Xin
Chúa giúp chúng con biết chăm chỉ học hành, và xin Chúa mở lòng cho nhiều người
quảng đại, giúp đỡ những bạn nghèo của chúng con có cơ hội để học tập, hầu góp
phần phục vụ thế giới ngày càng hữu hiệu hơn. Amen.