Bài 18:                

BỮA TIỆC LY VÀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Ga 3, 1-15

 

I.       CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

Lạy Chúa Giê-su, chúng con tin Chúa đang hiện diện giữa chúng con đây. Chúa  yêu chúng con bằng một tình yêu vô bờ bến. Giờ đây, Chúa mời gọi và chờ đón chúng con đến với Chúa để dạy dỗ và chúc phúc cho chúng con bằng ân sủng và bình an của Chúa.

Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần để Ngài giúp chúng con mở rộng tâm hồn đón nhận những lời dạy dỗ và tình yêu Chúa muốn bày tỏ cho chúng con trong giờ giáo lý hôm nay.

Hát : Xin Ngôi Ba Thiên Chúa…

II.     DẪN VÀO LỜI CHÚA

Ngày 10-01-1938, trong một chuyến xe lửa chạy từ miền Bắc xuống miền Nam nước Colombia thuộc Nam Mỹ, bất ngờ nó bị trật đường rầy làm rất nhiều hành khách bị thương và tử vong.

Trong số những người quằn quại bò ra được khỏi con tàu thảm hoạ ấy có Cha Phénice, một tu sĩ dòng Thánh Gioan. Ngài bị thương nặng, một phần ruột bị tuột ra khỏi bụng.

Nhận ra cha, các bác sĩ, y tá của đoàn cứu hộ đã vội chạy đến ân cần chăm sóc. Nhưng Cha ra hiệu bảo họ cứ đi lo cứu giúp những nạn nhân khác. Phần mình, cha cố gắng hết sức để tự nhétmớ ruột lòng thòng vào ổ bụng, dùng băng vải buộc chặt bên ngoài, rồi gượng đau để lết đi, tìm những hành khách bị thương nặng đễ giải tội cho họ. Được một lúc khá lâu sau đó,cha kiệt sức ngã quỵ. Các y tá chạy lạivà kịp nghe được tiếng thì thào của cha trong cơn đau đớn đến tột cùng: “Tạ ơn Chúa đã cho con có thì giờ để kịp làm những điều cần thiết nhất cho anh em con…”

Chiếc xe cấp cứu vội đưa cha Phénice tới bệnh viện, nhưng chỉ vài giờ sau, ngài trút hơi thở cuối cùng. Năm ấy, cha mới có 36 tuổi.

Hành động hy sinh của cha Phénice nhắc ta nhớ đến hành động của Chúa Giê-su : trước khi bỏ thế gian  mà về với Chúa Cha, Chúa đã tỏ hết tình yêu thương đối với các môn đệ, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những hành động cụ thể. Những điều đó đã được thánh Gio-an ghi lại rất chi tiết trong chương 13,1-15.

Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe

III.  CÔNG BỐ LỜI CHÚA : Ga 13, 1-15

                                                      Thinh lặng giây lát

IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

1.    Dẫn giải đoạn Kinh Thánh vừa công bố

Khi phải xa nhau, hay một người biết mình sắp chết ai cũng muốn bộc lộ tất cả tình cảm của mình, muốn trối lại cho người thân điều tâm huyết nhất của mình.

Chúa Giê-su cũng vậy, trước lễ Vượt qua, Ngài biết đã đến giờ Ngài phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Đó là giờ phút ly biệt của Ngài với các môn đệ thân yêu. Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài vẫn yêu thương họ đến cùng, yêu đến tột đỉnh. Tình yêu này, Ngài bày tỏ qua ba việc : Rửa chân cho các môn đệ, lập Bí tích Thánh Thể và lập chức Linh mục

Chúng ta cùng thảo luận đoạn Tin Mừng này để thấy rõ hơn điều Chúa muốn trao gửi cho các môn đệ trong bữa Tiệc ly.

2.    Các em học sinh thảo luận

Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một câu chuyện kể

a.     Đoạn văn nói tới những nhân vật nào?

-Đức Giê-su, Chúa Cha, những kẻ thuộc về Đức Giê-su, ma quỷ, Giu-đa, các môn đệ, Phê-rô.

- Nhân vật chính : Đức Giê-su

b.     Câu tóm ý cả đoạn : câu 14

c.      Đặt tựa đề ngắn : Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ

3.    Bài học giáo lý

Lễ Vượt qua là một đại lễ của người Do Thái, được cử hành hằng năm theo lệnh Chúa, để kỷ niệm việc Chúa giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Vào thời Đức Giê-su, bữa ăn Vượt qua diễn ra trong khoảng từ khi mặt trời lặn cho đến nửa đêm ngày 15 tháng Ni-xan. Trong bữa ăn Vượt qua cuối cùng của Đức Giê-su, Ngài đã ban lệnh truyền yêu thương, lập bí tích Thánh Thể  và Chức Tư  tế. Trong bài học này, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu từng sự việc.

3.1  Luật yêu thương

 Các em thân mến, trong lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, các em thấy có nghi thức Rửa chân : cha chủ tế rửa chân cho 12 người được chọn làm Tông đồ. Nghi thức này nhắc nhớ lại việc Chúa Giê-su đã làm trong bữa Tiệc ly : Ngài rửa chân cho các môn đệ..

Được rửa chân là một vinh dự, nhất là lại được một người cao trọng hơn mình rửa chân cho. Ngược lại, phải rửa chân cho người khác là một công việc chẳng thú vị tí nào, có khi còn thấy xấu hổ nữa ! Đối với người Do Thái cũng vậy, rửa chân là một công việc cực kỳ thấp hèn, chỉ dành cho bọn nô lệ nước ngoài.

Đôi khi trong trường hợp hạn hữu đặc biệt, để tỏ lòng hiếu thảo hoặc kính mến cực độ đối với cha, với thầy hoặc với chủ, người ta mới hạ mình xuống rửa chân. Việc thầy quỳ xuống rửa chân cho trò là một chuyện động trời, chưa bao giờ xảy ra. Vậy mà Chúa Giê-su đã rửa chân cho các môn đệ của Ngài. Chính vì thế Phê-rô mới thưa với Chúa Giê-su : “Thưa Thầy, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”

Tin Mừng Gio-an đã mở đầu bữa ăn bằng việc Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ. Ngài xuất hiện như một tôi tớ hầu hạ mọi người. Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su nói : “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14 )

Như vậy, việc Chúa rửa chân mang ý nghĩa gì?

. Chúa hạ mình  mặc lấy thân phận nô lệ.

. Chúa hạ mình  phục vụ vì yêu thương chúng ta: yêu đến tột độ.

. Chúa đã làm gương trước cho các môn đệ : Rửa chân là cúi xuống thật sâu, để mặt mình ngang với chân người khác. Nhờ trải qua kinh nghiệm được Thầy rửa chân, sau này khi lãnh đạo Hội Thánh, Phê-rô và các Tông đồ sẽ biết cách phục vụ anh em như thế nào. Phục vụ không phải là đứng ban phát từ trên cao, nhưng là cúi xuống, phục vụ như một người hầu hạ.

Gần cuối bữa tiệc, Chúa Giê-su bắt đầu nói những lời từ biệt và trối lại điều răn yêu thương: “…Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 33-35 )

- Tóm ý : Chúa Giê-su đã ban lệnh truyền yêu thương. Do đó, đặc điểm để nhận biết người môn đệ của Chúa Giê-su là yêu thương nhau. Tình yêu thương này thể hiện qua việc phục vụ : phục vụ một cách khiêm hạ, phục vụ với cả tấm lòng, như hình ảnh người Thầy quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ của mình.

3.2  Bí tích Thánh Thể

       Trong khi thánh Gio-an thuật lại việc rửa chân và ban lệnh truyền yêu thương, thì các tác giả Phúc âm Nhất lãm ( Mt, Mc, Lc ) và thánh Phao-lô kể lại việc Chúa lập bí tích Thánh Thể : Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22,19-20; 1Cr 11,23-25 .

a. Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thề:

Chúa Giê-su đã lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc Vượt qua  chiều Thứ Năm Tuần Thánh trước sự hiện diện của các Tông đồ yêu dấu. Các bài tường thuật trong Tin Mừng và Thư thứ I Cô-rin- thô đã cho chúng ta thấy rõ điều ấy : “Người cầm lấy tấm bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy hy sinh vì anh em. Anh em hãy làm như Thầy mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19 )

Do quyền năng Thiên Chúa, Chúa Giê-su  làm cho bánh rược trở nên Mình Máu Chúa và Chúa hiện diện thực sự dưới hình bánh rượu.

 Như thế, trong bữa Tiệc ly, Chúa Giê-su  hiến mình làm lương thực nuôi ta. Còn ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (hôm sau), Chúa Giê-su lại tự hiến làm lễ vật hữu hình trên  Thánh giá, để đền tội cho chúng ta, nhưng vẫn là một lễ dâng duy nhất là chính con người Chúa Giê-su .

b. Ý nghĩa của Bánh và Rượu

     Bánh và Rượu làm từ những hoa trái, những lương thực mà Chúa ban cho loài người ngay từ khi sáng tạo vũ trụ.( x.Kn 1,29). Bánh rượu cũng là những thành quả do lao công của con người dâng lên Thiên Chúa, mong được Thiên Chúa chấp nhận, thánh hiến để trở nên Mình và Máu Chúa Ki-tô. Đây là một phép lạ vĩ đại luôn luôn diễn ra trên các Bàn thờ. Đây là mầu nhiệm Đức tin, vượt trên mọi lý luận của con người, vì sau khi truyền phép, tuy bề ngoài bánh ,rượu vẫn nguyên hình dạng không thay đổi, nhưng đức tin dạy chúng ta biết : đó không còn là bánh rượu nữa, nhưng đã trở nên Mình và Máu Chúa Giê-su.(x. Lc22.19-22). Như man-na nuôi dân trong sa mạc(x.Xh16,4-16), như bánh được hoá nhiều để nuôi dân trong sa mạc (x. Ga 6,1-13). Bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Ki-tô nuôi dưỡng chúng ta trong hành trình dưới thế và loan báo Tiệc cánh chung (x.Mt 25,29 )

c. Chúa Giê-su hiện diện trong bí tích Thánh Thể

   “Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta” (Rm 8,34)

Đối với Hội Thánh, Ngài hiện diện dưới nhiều hình thức:

.Trong Lời Chúa ( Kinh Thánh)

.Trong kinh nguyện của Hội Thánh : “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20)

.Trong những người nghèo khổ, đau yếu,tù đầy (x. Mt25, 31-46)

.Trong các bí tích do Ngài thiết lập.

.Trong hy tế Thánh lễ và nơi thừa tác viên.

Và nhất là Ngài hiện diện trong bí tích Thánh Thể dưới hai hình thái Bánh và Rượu. “Trong bí tích Thánh Thể có sự hiện diện đích thực, thực sựtrọn vẹn Mình và Máu Đức Ki-tô, cùng với linh hồn và thiên tính của Ngài, nghĩa là Đức Ki-tô trọn vẹn. Nơi bí tích Thánh Thể, Đức Ki-tô vừa là Thiên Chúa vừa là con người hiện diện trọn vẹn” (SGLC 1373-1374,x.1377)

d. Sống bí tích Thánh Thể:

    Chủ đích của Chúa Giê-su khi lập bí tích Thánh Thể là để làm của ăn, của uống thiêng liêng nuôi linh hồn ta, tưởng niệm hy lễ Thánh giá- là dấu chỉ sự hiệp nhất chúng ta với Chúa và với người khác. Vì thế, khi hiệp lễ chúng ta cần chuẩn bị tâm hồn trong sạch để lãnh nhận Mình Máu Chúa Ki-tô, để được hiệp nhất với Chúa, và với mọi người; được gia tăng ơn thánh, được tha các tội nhẹ và được bảo đảm hạnh phúc trường sinh.

Bí tích Thánh Thể là dấu chứng Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (x.Ga 15,13). Hằng ngày, ta hãy luôn cảm tạ hồng ân Thánh Thể Chúa ban cho ta, tôn thờ Chúa Giê-su Thánh Thể, và theo gương Chúa Giê-su, Đấng đã trở nên “Tấm bánh bẻ ra cho thế giới”, chúng ta hãy là tấm bánh bẻ ra cho mọi người, nhất là sống chia sẻ với người nghèo khó.

-Tóm ý : Bí tích Thánh Thể là trung tâm và cao điểm của đời sống Hội Thánh. Trong bí tích Thánh Thể, Đức Ki-tô liên kết Hội Thánh và mọi chi thể của Người vào hy lễ chúc tụng tạ ơn, hy lễ mà Người đãdâng lên Cha một lần dứt khoát trên trên Thánh giá. Qua hy lễ này, Người thông ban tràn đầy ân sủng cứu độ trên thân thể của mình là Hội Thánh.

3.3  Chức Tư  tế

Sau khi biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu thánh Ngài, Chúa Giê-su truyền cho các môn đệ điều gì ?

Ngài truyền : “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,20; 1Cr 11,23-25). Với lời: “Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”, Đức Giê-su trao cho các Tông đồ quyền cử hành lại điều Ngài đã làm trong bữa Tiệc ly. Ngài tấn phong họ thành những Tư tế ( linh mục) của Giao ước mới. Đây là bí tích Truyền Chức Thánh làm nên những lớp người kế thừa các Tông đồ qua các thế hệ.

Tuy nhiên, lời căn dặn : “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” không phải chỉ dành cho các linh mục, mà còn cho tất cả chúng ta là chi thể của Chúa Ki-tô. Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, tất cả chúng ta đều đã được tham dự vào chức tư  tế của Chúa Ki-tô.

-Tóm ý : Qua bí tích Rửa tội, mọi nguời được mời gọi lãnh nhận chức tư  tế phổ quát: sống yêu thương, phục vụ như Chúa đã yêu thương. Và qua bí tích Truyền Chức Thánh , các Linh mục được mời gọi thừa kế các tông đồ cử hành lại điều Chúa Giê-su đã làm trong bữa Tiệc ly.

*TÓM Ý TOÀN BÀI : Trong bữa tiệc ly, Chúa Giê-su đã rửa chân cho các môn đệ để dạy họ sống yêu thương và hiệp nhất; rồi Ngài lập bí tích Thánh Thể và chức Tư  tế làm nguồn mạch cho tình yêu thương hiệp nhất ấy.

Đáp lại tình yêu của Chúa Giê-su, ta đón nhận bí tích Thánh Thể với tâm tình biết ơn để hiệp nhất với Ngài, biết sống yêu thương và phục vụ như Ngài đã dạy và đã sống.

V.    CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúa đã biến mình thành Tấm Bánh Sự Sống để ban cho chúng con sự sống. Và Chúa đã truyền dạy chúng con phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con. Xin cho chúng con biết siêng năng đến với Chúa trong bí tích Thánh Thể, đón rước Chúa vào lòng con, và xin giúp con biết đến với tha nhân bằng con đường đơn sơ, khiêm hạ, phục vụ hết tình như  Chúa. Để sự hiện diện của Chúa được lớn lên trong con và nơi mọi người anh chị em chúng con gặp gỡ. Chúng con cầu xin vì Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở, muôn đời. Amen.

VI. SINH HOẠT 

Hát: Xin cho con    ( Ý: Duyên Thập Tự – Nhạc : Ân Đức) LCN1, Trg461

VII.           BÀI TẬP

Em hãy chọn câu đúng nhất

1.     Trong bữa tiệc Vượt qua lần cuối cùng, Chúa Giê-su đã :

  a.Rửa chân cho các môn đệ và ban giới luật yêu thương.

  b.Lập bí tích Thánh Thể và bí tích Truyền Chức Thánh.

  c.Loan báo về cuộc thương khó lần cuối cùng

  d.Cả 3 câu đều đúng

  e. Câu a và b đúng

       ( câu e )

2.     Để  có thể yêu thương và phục vụ như Chúa Giê-su, ta cần :

a.Chuyên tâm đọc, suy niệm và thực hành Lời Chúa

b.Siêng năng lãnh nhận các Bí tích một cách sốt sắng.

c.Cầu nguyện kết hợp sâu xa với Thiên Chúa.

d.Cả 3 câu đều đúng.

                        ( câu d )

3.     Chúa Giê-su hiện diện trong :

  a.Kinh Thánh và kinh nguyện của Hội Thánh

  b.Các bí tích và những người nghèo khổ, đau yếu, tù đày.

  c.Trong bí tích Thánh Thể

  d. Cả 3 câu đều đúng.                          ( câu d )

VIII.        ĐIỀU DỐC LÒNG

1.    Đoạn văn giúp ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Ngài ?

    Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta và Ngài đã yêu thương đến cùng : Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của Chúa.

2.    Qua đoạn văn này, hôm nay Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì ?

-      Chúa Giê-su đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho chính tôi. Mỗi lần rước lễ, có bao giờ tôi đã tự hỏi :

        .Tôi đã biết quên mình nghĩ đến người bên cạnh chưa ?

        .Tôi đã mau mắn phục vụ mọi người chưa?

        .Tôi sẽ trở nên tấm bánh bẻ ra cho ai ?

-      Siêng năng tham dự Thánh lễ và rước Chúa

-      Chọn một ngày trong tuần đến viếng Thánh Thể ít phút

IX. CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ

         Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con cảm tạ Chúa qua giờ học giáolý hôm nay, chúng con được hiểu sâu hơn Tình yêu vô cùng của Chúa đã dành cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con luôn yêu mến, gắn bó và đáp trả tình yêu Chúa mỗi ngày như ý Chúa muốn.Amen.