Bài 20 : Dậy Men Tin Mừng 4

 

QUẢNG ĐẠI QUÊN MÌNH VÌ ÍCH CHUNG

Mt 20, 24-28.

 

I.        CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương chúng con, Chúa đã đón nhận mọi hy sinh cho đến chết. Giờ đây, chúng con xin dâng lên Chúa giờ học giáo lý này với tình yêu và những hy sinh bé nhỏ của chúng con để sống cho Chúa và cho nhau. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần để Ngài nâng đỡ, giúp chúng con sống tố những giờ phút quý báu Chúa dành cho chúng con.

Hát : Hãy chiếu sáng tâm hồn con…

II.    GIẢI THÍCH BÀI HỌC

Các em thân mến, trong những bài học vừa qua, chúng ta đã cùng nhau bước theo Chúa Giê-su trên những nẻo đường thập giá : Chúa bị người ta chống đối, bị bắt, bị hành hạ và bị giết chết bằng khổ hình thập giá.

Tất cả mọi đau khổ, hy sinh Chúa chịu đều vì yêu thương chúng ta. Nhiều lần Chúa Giê-su đã báo trước và giải thích cho các môn đệ về cái chết của Ngài :

-      Ta chính là Mục Tử Nhân lành, Mục tử Nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên (Ga 10,11)

-      Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (Mt 20,28)

-      Sở dĩ Chúa Cha yêu mến Ta là vì Ta hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của Ta không ai lấy đi được, nhưng chính Ta tự hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của Ta không ai lấy đi được, nhưng chính Ta tự ý hy sinh mạng sống mình. (Ga 10,17-18).

Chúa đã yêu cho đến cùng, nên Ngài đã lập ra bí tích Thánh Thểvà chức Tư tế để trao hiến cho nhân loại đến ngày tận thế:

-      Đây là mình Thầy, hy sinh vì anh em. Chén này là giao ước mới, lập ra bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em (Lc 22,19-20)

Như vậy, cái chết của Chúa Giê-su là cái chết tự nguyện. Ngài vâng theo thánh ý Chúa Cha, tự nguyện chết thay cho cả loài người chúng ta.Ngài chết để đem lại ơn tha thứ và sự sống cho nhân loại. Chính qua cái chết hy sinh trên thập giá đó, Chúa Giê-su đã nêu gương cho chúng ta về tấm lòng quảng đại, sẵn sàng quên mình vì  ích chung của mọi người.

Trong bài học hôm nay, chúng ta hãy nhìn vào thực tế cuộc sống để biết mình phải noi gương Chúa sống quảng đại hy sinh vì ích chung như thế nào ?

1.    Cha chung không ai khóc:

Nhìn vào cuộc sống xã hội, chúng ta thấy có những nơi, những việc không thuộc riêng ai. Và chúng ta cũng thấy trên ti-vi, báo chí, có khi ngày trong đời sống thường ngày của làng xóm, phố phường của mình có những sự việc thiếu trách nhiệm như :

a.     Đổ rác ngoài đường.

b.     Cống rãnh bị phá hỏng làm ngập nước,

c.      Trường học, công sở bị bỏ mặc hư  hại,

d.     Đèn đường bị ném vỡ,

e.     Chặt cây phá rừng,

f.       Của công bị phá mang về làm của riêng…

Khắp nơi đều thấy cảnh “cha chung không ai khóc”. Tình trạng ấy có nghĩa gì? Có nghĩa là phần đông người ta chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ biết quan tâm đến cái lợi, cái thú,cái danh của mình và của gia đình mình, không quan tâm gì đến ích chung.

Vì không nghĩ đến ích chung, người ta làm nhiều điều sai trái như sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng khiến hàng nội hoá không được tin cậy; người ta nhập hàng lậu khiến hàng nội hoá không tiêu thụ được…Rồi tình trạng không tôn trọng luật lệ giao thông và an ninh xã hội; tình trạng công nhân viên chức các ngành nghề làm việc cho qua giờ, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu lương tâm nhà nghề…

Không quan tâm đến ích chung, mọi sự bị trì trệ, bị phá hủy cách oan uổng…và đất nước không tiến được.

Phải làm sao bây giờ? Mỗi người hãy ý thức và bắt đầu từ chính mình trước.

2.    Bắt đầu từ chính mình:

Các em thân mến, chúng ta thấy buồn vì nhiều người không quan tâm đến ích chung : thờ ơ, không đóng góp công sức gì vào việc xây dựïng ích chung. Có những người không xây dựng nhưng còn phá hoại nữa. Vậy chúng ta phải làm gì?

Mỗi người chúng ta hãy trở thành một người quan tâm đến ích chung. Chúng ta hãy tập ngay từ bây giờ, bắt đầu với những việc thường ngày nho nhỏ như : trên đường đi, thấy có cục đá giữa đường, ta cẩn thận nhặt cho vào gốc cây. Ta không bước lên những bồn hoa, không bứt hái hoa cảnh ở những nơi công cộng. Không xả rác bừa bãi. Cài lại một cái móc cửa, xếp lại ngay ngắn bàn ghế trong lớp…Rất nhiều việc chung đang chờ ta.

Khi quanh ta nhiều người quan tâm đến ích chung, ta dễ dàng hy sinh, quên mình. Ngược lại, khi quanh ta chẳng mấy ai nghĩ đến ích chung, lại còn phá hoại hay chế diễu chúng ta. Cảm tưởng lội ngược dòng nước, lẻ loi, cô dộc, một mình đội đá vá trời khiến ta dễ nản lòng.

Chúng ta đừng nao núng, đừng nản lòng, đừng đợi ai khởi xướng nhưng hãy cương quyết quên mình vì ích chung dù có khi bị thiệt thòi trước mắt. Thế nhưng, những cố gắng của chúng ta sẽ không vô ích đâu. Chúng ta hãy làm vì lòng yêu mến Chúa và vì phần rỗi các linh hồn. Như thánh Tê-rê-sa Hài Đồng đã dâng Chúa từng việc âm thầm, nhỏ bé nhất như nhặt một cọng rác để cứu các Linh hồn. Và từ những cố gắng âm thầm của chúng ta, có Chúa nhìn thấy và Ngài sẽ chúc lành cho những thiện chí đó. Và cũng có những người đang nhìn ta và khi nhìn thấy những gương sáng của chúng ta, họ được can đảm hơn trong việc lo cho ích chung.

3.    Một người bị thiệt cho tất cả được nhờ:

    Chúa Giê-su đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (Mt 20,28)

   Vâng, vì yêu thương nhân loại tội lỗi, Chúa Giê-su đã xuống thế làm người. Cả đời Ngài chỉ biết yêu thương và phục vụ, nhưng Chúa đã bị các đồng hương Na-da-rét chối từ, bị người Do Thái đồng bào của Ngài chống đối. Tuy thế, Chúa vẫn yêu thương không mệt mỏi, vẫn không bao giờ hối tiếc vì đã hy sinh cho họ: “Thà một người chịu thiệt cho tất cả được nhờ” (x.Ga1,50)

Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, chúng ta đã có chút kinh nghiệm về sự cô đơn khi lo việc chung, hoặc khi ta đã dành thời giờ ưu tiên cho việc chung mà bị chế giễu, khi ta quên mình vì bạn hữu mà lòng tốt của ta bị phủ nhận, khi ta cống hiến hết mình rồi bị chê trách… Chúng ta hãy nhớ lại trong lịch sử dân tộc và lịch sử Hội Thánh, đã có biết bao người lâm vào cảnh ấy. Khi những trang lịch sử lật qua, người ta mới nhận ra đó là những tấm lòng cao cả.

Và nhất là chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giê-su, và nhớ rằng người Ki-tô hữu chúng ta cống hiến không phải chỉ vì những lý tưởng tự nhiên mà còn do lòng tin thôi thúc. Chỉ có Tin Mừng của Chúa mới đủ sức thúc giục ta yêu mến đến tận cùng. Chỉ có lòng tin vào Thiên Chúa mới đủ sức giúp ta trung thành phục vụ ích chung như một đầy tớ khiêm tốn : “Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi!” (Lc 17,10)

*TÓM LẠI : Muốn xây dựng một xã hội công bằng, yêu thương và chân thật thì những người chủ tương lai của xã hội phải là những người có tấm lòng quảng đại, dám hy sinh đi bước trước: sẵn sàng quên mình để lo cho ích chung.

Hãy năng đến với Chúa Giê-su qua việc cầu nguyện, đọc và suy niệm Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích để được Ngài dạy cho cách sống yêu thương và phục vụ như Ngài, đồng thời để cùng với Ngài sống yêu thương và phục vụ.

4.    Các em học sinh thảo luận

a.Quanh bạn có những sự việc gì cho thấy người ta có tinh thần lo cho ích chung? Xin kể ra. Và ngược lại, có những sự việc gì cho thấy người ta thiếu tinh thần  ích chung? Xin kể ra.

- Mọi người cùng nhau đóng góp để xây dựng những công trình chung như  xây Nhà thờ, nhà giáo lý, làm đường…

- Còn vất rác bừa bãi, chưa bảo quản tốt của chung như bàn ghế, lớp học…

b.Bạn sẽ làm gì để luyện cho mình tinh thần biết lo cho ích chung?

 Siêng năng cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, học hỏi về Chúa để được Chúa soi sáng và ban thêm sức mạnh mà phục vụ.

-Để ý đến những nơi chung như Nhà thờ, phòng giáo lý, lớp học, công viên, đường sá để giữ gìn cho sạch đẹp.

III. DẪN VÀO LỜI CHÚA

Tự đem cơ thể mình ra để thí nghiệm một loại thuốc chủng mới, nhất là loại thuốc chủng này có siêu vi HIV, là một hành động hết sức can đảm, đáng cho mọi người khâm phục.

Đó là lời ca ngợi của nhiều nhà khoa học chuyên khảo cứu về chúng bệnh AIDS, khi được biết bác sĩ Daniel Zagury, thuộc viện đại học Pierre và Marie Curie ở Paris, đã đem thuốc chủng AIDS chích vào cơ thể mình. Bác sĩ  Zagury đã làm thí nghiệm táo bạo này trung tuần tháng 3-1987.

Tuy chưa có được các kết quả đầy đủ, cuộc thí nghiệm của bác sĩ  Zagury cho thấy rằng, mặc dù loại thuốc chủng mới này không thểngăn chặn hội chúng AIDS, tức hội chứng làm suy giảm và tiêu diệt hệ thống chống lại các bệnh tật bên ngoài luôn có sẵn nơi cơ thể con người, nhưng ít ra thuốc chủng này cũng có được hai kết quả khả quan:

a.     Nó có khả năng gây phản ứng trong cơ thể làm cho cơ thể tạo ra kháng tố chống lại được một vài loại siêu vi HIV khác nhau.

b.     Thuốc này có thể gọi được là an toàn, không gây tác dụng phụ nguy hiểm nào cho người sử dụng.

Hành động hy sinh của bác sĩ  Zagury nhắc nhở chúng ta nhớ đến hành động của Chúa Giê-su.

Và giờ đây, chúng ta hãy lắng nghe chính Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy sống quảng đại, hy sinh quên mình vì tha nhân, vì ích chung.

Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

IV.  CÔNG BỐ LỜI CHÚA : Mt 20, 24-28

                                                   Thinh lặng giây lát

V.     CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nêu gương và dạy chúng con sống phục vụ và hiến dâng mạng sống chúng con cho Thiên chúa và tha nhân.

Xin Chúa dạy chúng con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu không sợ bị thương tích, biết làm việc không tìm nghỉ ngơi, biết hy sinh mà không mong chờ phần thưởng nào khác, hơn là hiểu rằng con đang thi hành ý Chúa.

                                          ( Kinh xin ơn quảng đại của Thánh I-Nhã)

VI.  SINH HOẠT

Hát : Quảng đại hiến dâng  (Thánh I-Nhã)

VII.           BÀI TẬP

Em hãy chọn câu đúng nhất :

1.Muốn xây dựng một xã hội công bằng, yêu thương và chân thật, em cần:

  a.Có tấm lòng quảng đại, sẵn sàng hy sinh lo cho ích chung.

  b.Tham gia những công việc chung được mọi người biết đến

  c.Không làm hư hại của chung             ( câu a)

2.Để có tấm lòng quảng đại, biết lo cho ích chung, ta cần:

  a.Tập sống công bằng, chân thật và yêu thương

  b.Bắt đầu từ chính mình.

  c.Cầu nguyện, đọc, suy gẫm Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích .

  d.Cả 3 câu đều đúng                            ( câu d)

VIII.        ĐIỀU DỐC LÒNG : Câu 2 trong phần thảo luận.

IX.     CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã soi sáng cho chúng con biết cách sống của những người con cái Chúa. Chúng con xin cảm tạ Chúa và xin Chúa giúp chúng con quảng đại đáp lại lời mời gọi dấn thân phục vụ của Chúa từng ngày trong cuộc sống chúng con. Amen.