Bài 22 :
THIÊN CHÚA GIAO HOÀ TA VỚI NGƯỜI
Ep 2,11 -18
I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ
Lạy Chúa Giê-su, Đức Chúa Phục sinh, Chúa là vị cứu tinh của mọi cuộc
đời, vì thế chúng con muốn luôn luôn ở kề bên Chúa. Xin Chúa hãy đến và ở giữa
chúng con trong giờ giáo lý này. Xin Chúa soi sáng và dạy dỗ, giúp chúng con ngày
một hiểu biết tình yêu Chúa đã dành cho chúng con và xin mặc cho chúng con những
tâm tình của Chúa.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA
Nếu biết tha thứ cho nhau con người sẽ không sống cô đơn, nhưng tha
thứ không phải là điều dễ dàng của con
người. Biết như vậy nên Thiên Chúa dạy con người phải cầu nguyện xin ơn biết
tha thứ và kêu gọi con người hãy nhìn lên gương nhân từ tha thứ của Ngài, và đối
xử như vậy với anh chị em xung quanh. Có sự liên kết chặt chẽ giữa sự Thiên Chúa
tha thứ cho con người và việc con người tha thứ cho nhau. Văn hào người Nga ông
Dostoievsky đã cố gắng diễn tả sự thật này trong quyển tiểu thuyết của ông có tên
là “Anh em nhà Karamadốp”: Ivan và
Aliôsa là hai anh em ruột nhưng có niềm xác tín khác nhau. Ivan không tin tưởng
gì ở Thiên Chúa cả, còn Aliôsa lại đặt trọn cả cuộc đời tín thác vào Thiên Chúa.
Một hôm, hai anh em tranh luận với nhau về những lỗi lầm, những đau khổ mà con
người trên quả đất này gây ra cho nhau. Ivan thì lập luận rằng không thể nào
dung hoà thế giới đầy tội lỗi và sự dữ này với một vị Thiên Chúa nhân lành. Trước
lập luận vững chắc của anh Ivan, người em là Aliôsa không biết phải trả lời như
thế nào. Aliôsa có niềm tin chân thành vào Thiên Chúa. Nhưng do không có khả năng
trí thức để lý luận với anh mình, Aliôsa ngồi yên đưa hai tay lên che mặt và cầu
nguyện. Sau vài phút, Aliôsa trả lời anh Ivan như sau:
-Phải, thế giới này đầy tội lỗi và sự dữ, nhưng Thiên Chúa nhân từ
vẫn còn chịu đựng và và chăm sóc cho thế giới này được, bởi vì Ngài luôn luôn
tha thứ cho mọi người và tha thứ bất cứ điều gì con người xúc phạm, và tha thứ
cho đến độ sai Con Một Ngài xuống trần gian rồi chịu chết trên thập giá để ban ơn
giao hoà con người lại với Ngài và với nhau.
Chỉ với tình yêu thương tha thứ, Thiên Chúa mới có thể đưa con người
trở về với sự hiệp thông. Chỉ với tình yêu thương tha thứ và nhờ ơn cứu giúp,
con người mới có thể làm hoà lại với nhau và sống hiệp thông huynh đệ chân thành.
Vâng, chính Đức Ki-tô là trung gian giao hoà con người với Thiên Chúa
và con người với nhau. Những điều này đã được thánh Phao-lô ghi lại trong thư gửi
giáo đoàn Ê-phê-sô 2, 11-18.
Mời các em đứng, chúng
ta cùng lắng nghe Lời Chúa
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA: Ep
2, 11-18
Thinh lặng giây lát
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA
1.Dẫn giải đoạn Kinh Thánh vừa công bố :
-Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe của ai ? Thánh Phao-lô.
-Thời gian viết ? Khoảng năm 61-63
-Viết cho ai ? Gửi cho giáo đoàn Ê-phê-sô.
Lễ Vượt qua và cuộc Xuất hành đã lôi con cháu Gia-cóp ra khỏi cảnh
nô lệ Ai cập nhưng họ vẫn còn hỗn độn như một đám người ô hợp. Phải đợi đến khi
ký kết giao ước Xi-nai, họ mới thực sự trở thành một dân tộc có tổ chức.
Giao ước với dân Ít-ra-en là dấu báo trước giao ước sẽ ký kết với
toàn thể nhân loại trong Máu Chúa Ki-tô : “Nhờ Ngài, cả đôi bên chúng ta được
liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2,11-18).
2.Các em học sinh thảo
luận
Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe là một bài giảng.
a.Đoạn văn có những từ ngữ (hoặc
cụm từ ) nào quan trọng ?
-Bình an, liên kết, hoà giải, nên
một.
-Từ ngữ chính : Hoà giải.
b.Câu tóm ý cả đoạn : câu 16
c.Đặt tựa đề ngắn : Đức Giê-su đã hoà
giải loài người với Thiên Chúa và với
nhau. Hoặc : Sự giao hoà nhờ
Thập giá của Đức Ki-tô.
3.Bài học giáo lý
Thập giá trước hết đó là dụng cụ hành hình mà
trên đó Đức Giê-su đã chết để cứu chuộc thế giới. Đó cũng là biểu tượng của mọi
đau khổ mà một Ki-tô hữu phải chịu hay tự nguyện đón nhận để kết hợp với Đức
Ki-tô và cộng tác với Người trong việc cứu độ các linh hồn. Bởi đó, Thập giá là
một mầu nhiệm.
Mầu nhiệm Thập giá là
một trong những chủ đề chính tìm thấy trong các tác phẩm của Phao-lô.
a.
Dấu hiệu nối kết trời và đất
Thập giá là một thanh dọc và một
thanh ngang. Hai thanh được nối kết với nhau như dấu hiệu nối kết trời và đất.
Kể từ khi Con Thiên Chúa bị treo trên đó, thập giá đã mang một ý nghĩa mới. Nó
không còn là một nhục hình, mà đã trở thành biểu tượng của ơn cứu độ. Nơi Thập
giá Đức Ki-tô, sự thù ghét đã bị tiêu diệt, loài người được nối kết với nhau và
được nối kết với Thiên Chúa.
Trên đỉnh
Thập giá có tấm bảng ghi rằng : “Giê-su
Na-da-rét, Vua dân Do Thái” (INRI). Tấm bảng ấy được viết bằng ba thứ tiếng
: Hipri, Latinh và Hy lạp, như một lời Thiên Chúa muốn giới thiệu với muôn dân
: Đức Giê-su không chỉ là Vua của một dân tộc nhưng là của cả dân tộc Do Thái và các dân tộc khác.
Khi góp ý với Hội đồng lãnh đạo
Do Thái ( Thượng Hội Đồng ) để đi tới quyết định giết Chúa Giê-su, thượng tế
Cai-pha đã vô tình nói tiên tri rằng Đức Giê-su phải chết thay cho dân, và không
chỉ thay cho dân Do Thái mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thên Chúa đang tản
mác khắp nơi về một mối (Ga 11,51-52)
Hậu quả của tội lỗi là sự thù địch
: thù địch giữa loài người với Thiên Chúa.
Trên Thập giá, Chúa Giê-su đã tiêu
diệt sự thù ghét ( Ep 2,16)
-Tóm ý : Thập giá của Đức Giê-su không
những liên kết mọi người nhưng còn nối kết
toàn thể nhân loại với Thiên Chúa. Chính nhờ Thập giá Chúa Ki-tô, nhân
loại được giao hoà với Thiên Chúa : “Này là Máu Thầy, Máu giao ước sẽ đổ ra cho
nhiều người được tha tội” (Mt 26,26-29)
b.
Giao ước mới
Trong Cựu ước, giữa Thiên Chúa và
dân Ít-ra-en có một sự thỏa thuận, theo đó Thiên Chúa hứa bảo vệ Dân được chọn
và đối lại họ hứa tuyệt đối trung thành với Người : “Nếu các ngươi nghe tiếng
Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của
Ta” (Xh 19,5).
Mô-sê đã trình bày đề nghị đó
cho dân chúng và họ đã nhất trí đáp lại : “Mọi điều Đức Chúa phán bảo, chúng tôi
xin làm theo”. Và thế là giao ước được ký kết (Xh 19,8).
Tuy nhiên, Giao ước Xinai mới chỉ
là hình bóng Giao ước Thiên Chúa sẽ ký kết với toàn thể nhân loại nơi Chúa Giê-su.
Hơn 6 thế kỷ trước khi Chúa Giê-su chết trên Thập giá, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã
nhìn thấy cái chết của Ngài là Giao ước mới, Giao ước Thiên Chúa đặt sâu tận cõi
lòng mỗi người : “Ta sẽ in sâu Lề Luật Ta trong lòng chúng, sẽ viết luật ấy trên trái tim chúng” (Gr 31,31-34)
Về cơ bản, Giao ước mới cũng đồng nghĩa
với Tân ước. Đó là sự thỏa thuận thánh thiện do Thiên Chúa đưa ra nơi bản thân Đức
Ki-tô, là sự hoàn tất giao ước cũ mà Đức Chúa đã ký kết với dân Do Thái, là
giao ước vĩnh cửu sẽ hoàn thành viên mãn trên trời.
Trong Tân ước, khi giải thích
chi tín hữu Cô-rin-tô về việc thành lập bí tích Thánh Thể trong đêm Tiệc ly, thánh
Phao-lô nhắc lại lời Đức Ki-tô phán : “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập
Giao ứơc mới. Mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”
(1 Cr 11,25). Đức Ki-tô chính là Giao ước mới giữa Thiên Chúa và dân Người.
-Tóm ý : Đức Ki-tô chính là Giao ước mới giữa Thiên Chúa và loài người.
Giao ước mới này vững bền mãi mãi và chung cho tất cả mọi người ở mọi nơi, thuộc
về mọi thời đại.
c.
Sống tâm tình người được cứu
Từ ngày chúng ta được Rửa tội,
Thiên Chúa đã thực hiện cho ta điều tiên tri Giê-rê-mi-a đã loan báo, để ta có
thể yêu mến Thiên Chúa tận cõi lòng. Chúng ta cần tập sống giao ứơc trong cuộc
sống hằng ngày :
Mới đầu, ta cần tập nhìn lên Thánh
giá hoặc nhìn vào ảnh Trái Tim Chúa Giê-su. Khi đã quen, không cần Thánh giá hoặc
ảnh vẽ, ta có thể trực tiếp nhìn Chúa bằng tâm trí.
Tiếp theo, ta nhớ lại Chúa đã chết
để cứu chuộc ta. Ta cám ơn Chúa vì nhờ Đức tin và bí tích Rửa tội, giờ đây ta đã
thực sự được Ngài cứu chuộc, và ban cho sự sống mới. Ta đã trở nên người con tự
do của Chúa Cha, không còn bị ràng buộc trong tội, không còn làm nô lệ cho các
thói hư tật xấu. Ta đã nhận được phẩm giá vô cùng cao quý của người làm con Thiên
Chúa (x.Rm 6,1-11)
Vừa suy nghĩ những điều đó, chúng ta vừa
dâng lên Chúa lòng biết ơn, với quyết tâm sống triệt để theo Lời Ngài bằng những
lời nguyện tắt và thi hành những điều tốt đẹp mà Chúa soi sáng cho chúng ta.
-Tóm ý : Chúng ta hãy năng suy gẫm
tình thương Chúa đã dành cho chúng ta qua cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Ngài, để
sống trung thành với Giao ước mà Chúa đã ban cho chúng ta.
*TÓM Ý TOÀN BÀI : Thiên Chúa đã dùng
việc Chúa Giê-su chịu chết và sống lại để ban cho ta một Giao ước mới trong Máu
Con Ngài, nhờ đó ta được sạch tội lỗi và được trở lại làm con cái Thiên Chúa.
Muốn đón nhận
Giao ước mới của Thiên Chúa, cần tin vào Chúa Giê-su và sống gắn bó với Ngài.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương nhân loại tội lỗi, Chúa đã đón nhận
Thập giá để giao hoà chúng con lại với Thiên Chúa và với nhau. Xin Chúa hãy cảm
hoá con người phàm trong chúng con và mặc cho chúng con những tâm tình của Chúa:
Những tâm tình đầy quảng đại, yêu thương tha thứ, để chúng con yêu mến Chúa thật
lòng và yêu thương tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng con . Chúng con cầu
xin, vì Chúa…
VI. SINH HOẠT Hát : Máu chiên bò
VII.
BÀI TẬP
1.Dấu Thánh giá ở đầu nghi thức Rửa tội mang ý nghĩa gì ?
-Là dấu ấn cho thấy quyền sở hữu của Chúa Ki-tô trên người sắp chịu Phép
Rửa và biểu thị ơn Chúa cứu chuộc chúng ta nhờ Thánh giá (x.SGLC 1235)
Hoặc câu hỏi thảo luận sau :
Em hãy chọn câu đúng nhất :
1.Giao ước mới là :
a.Giao ước được lập bằng Máu Đức Giê-su Ki-tô
b.Giao ước tẩy sạch tội lỗi và ban cho ta được trở lại làm con Thiên Chúa.
c.Giao ước vững bền mãi mãi và chung cho tất cả nhân loại.
d.Cả 3 câu đều đúng
( câu d)
2.Muốn đón nhận Giao ước mới của Thiên Chúa ta cần :
a.Tin vào Chúa Giê-su Ki-tô và sống trung thành với Người
b.Tham dự Thánh lễ và rước lễ hàng ngày.
c.Suy niệm 14 chặng đường Thánh giá.
d.Cả 3 câu đều đúng
( câu a)
VIII.
ĐIỀU DỐC LÒNG
1.Đoạn văn giúp ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người ?
Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này :Thiên
Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.
Tình yêu cốt ở điều này : Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng
chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội
cho chúng ta (1 Ga 4,9-10)
2.Qua đoạn văn hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì ?
-Mỗi ngày dành ít phút để suy niệm tình
thương Chúa đã dành cho tôi.
-Năng lãnh nhận bí tích giải tội để giao
hoà với Chúa và tha nhân.
IX. CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ
Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ
Chúa đã ban cho chúng con giờ học giáo lý vừa qua. Xin Chúa giúp chúng con trở
nên mạnh mẽ để thực thi ý Chúa, và xin Chúa trở thành mối dây yêu thương, bình
an, hiệp nhất giữa chúng con. Amen.