Bài 25 :

SỐNG MẦU NHIỆM TỬ NẠN VÀ PHỤC SINH

Rm 6,3-11

 

I.       CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được trở nên con cái Chúa qua bí tích Rửa tội, và Chúa vẫn hằng tuôn đổ biết bao ơn thánh Chúa trên chúng con  từng ngày. Giờ đây, chúng con xin dâng lên Chúa giờ học giáo lý này với tất cả lòng yêu mến và biết ơn. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, giúp chúng con tìm hiểu và sống tích cực hơn ơn bí tích Rửa tội mà chúng con đã lãnh nhận.

Hát: Xin Ngôi Ba Thiên Chúa…

II.    DẪN VÀO LỜI CHÚA

Một  câu chuyện cổ tích thuật lại rằng : Khi Chúa Giáng  sinh, các thú vật đều tới mừng Chúa. Mỗi con đều dâng Chúa chút quà. Bò cái dâng sữa, khỉ biếu Chúa mấy trái dừa, sóc nâu bé nhỏ tình nguyện ở lại làm đồ chơi cho Chúa. Chúa Hài Đồng vui vẻ nhận tất cả. Đang lúc ấy, chàng cáo xuất hiện. Các thú vật đều ghét cáo, vì hắn ta gian manh ,quỷ quyệt. Chúng chặn không cho cáo đến gần Chúa, sợ nó lại âm mưu chuyện gì đây. Cáo nói :

-Tôi đến dâng lễ vật cho Chúa !

Nhưng chẳng thấy cáo mang lễ vật nào. Tuy nhiên, Chúa vẫn ra hiệu cho cáo vào. Quỳ bên Chúa, chàng cáo thì thầm dâng cho Chúa lòng quỷ quyệt của mình.

Mọi thú vật đều bỡ ngỡ : dâng gì kỳ cục vậy ? Trái lại, cáo ta vui mừng, hớn hở. Còn Chúa đặt hai tay lên đầu cáo tỏ dấu chúc lành. Xưa nay, cáo sống sung sướng trên lưng kẻ khác nhờ sự quỷ quyệt của mình. Từ đây, dâng cho Chúa rồi, nó sẽ phải kiếm ăn cực nhọc với tấm lòng lương thiện. Hoá ra chàng cáo đã dâng nhiều hơn tất ca. Và trong Chúa, mọi sự sẽ được biến đổi.

Chúng ta cũng vậy, con người chúng ta cũng đầy những tội lỗi, thiếu xót. Nhưng nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta được cùng chết với Đức Ki-tô và cùng sống lại với Ngài. Và Chúa vẫn mời gọi chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô từng ngày với những từ bỏ tội lỗi để kết hợp với Chúa như trong thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma mà chúng ta sẽ lắng nghe giờ đây.

III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA : Rm 6, 3-11

                                                   Thinh lặng giây lát

IV.  GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

1.    Dẫn giải đoạn Kinh Thánh vừa công bố

Đoạn Kinh Thánh chúng ta vừa nghe của Thánh Phao-lô viết cho giáo đoàn Rô-ma về đời sống Ki-tô hữu và sống làm con cái Chúa, chết và Phục sinh với Đức Ki-tô. Đó là :

-“Được thanh tẩy trong Đức Giê-su Ki-tô”, tức là trong sự chết của Ngài.

-Cuộc sống trong Đức Ki-tô là cuộc sống tập thể “Chúng ta”, chứ không phải chỉ có “Tôi”.

-Chúng ta sống trong tương quan liên vị thiết thân với Đức Ki-tô. Bản văn nói : “Được Thanh Tẩy vào trong Đức Ki-tô”

-Phép Rửa tôi đưa ta vào sinh lực huyền nhiệm Phục sinh của Chúa Giê-su chết và sống lại; “Thanh Tẩy trong sự chết của Ngài”, tức là Thanh Tẩy trong Chúa Giê-su Ki-tô Phục sinh, mang lại hoa trái mới từ cõi chết.

Như thế, chịu Thanh Tẩy tức là kết hợp mật thiết với Đức Ki-tô là Đấng biến đổi cả cuộc sống người tín hữu.

Chúng ta cùng thảo luận đoạn thư này :

2.    Các em học sinh thảo luận :

Đoạn Kinh Thánh chúng ta vừa nghe là một bài giảng

a.Đoạn văn có những từ ngữ (hoặc cụm từ ) nào quan trọng?

  -Dìm vào nước thanh tẩy, nên một với Đức Ki-tô, cùng chết với Đức Ki-tô, cùng sống với Ngài.

  -Từ ngữ chính : Cùng chết với Đức Ki-tô, cùng sống với Ngài.

b.Câu tóm ý cả đoạn : câu 8

c.Đặt tựa đề ngắn : Sống bí tích Rửa Tội.

3.    Bài học giáo lý

Nơi bí tích Rửa tội, chúng ta được tham dự một cách cụ thể vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giê-su. Được dìm xuống nước, có nghĩalà được dìm vào trong cái chết của Chúa, cùng chết với Chúa, để cùng được đưa lên với Ngài, cùng được sống lại, sống một đời sống mới trong Chúa.

Sống mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh trước hết chính là sống ơn bí tích Rửa tội mà ta đã lãnh nhận. Đó cũng là điều căn bản mà mỗi Ki-tô hữu được mời gọi hằng ngày để có thể nên một với Đức Ki-tô.

3.1 Bí tích Rửa tội

Trong giáo xứ chúng ta, các trẻ mới sinh được đưa đến nhà thờ lãnh nhận bí tích Rửa tội. Còn người lớn (dự tòng) thường được Rửa tội vào lễ vọng Phục sinh (Tối Thứ Bảy Tuần Thánh).

Trong năm Phụng vụ, Hội Thánh khuyên nên cử hành bí tích Rửa tội vào lễ vọng Phục sinh. Nếu phải cử hành vào những thời điểm khác, Hội Thánh mong ước cử hành vào các ngày Chúa nhật là ngày mừng Chúa Ki-tô Phục sinh. Tại sao vậy ?

Ngày xưa, Hội Thánh rửa tội cho một người bằng cách dìm họ xuống hồ nước. Ngày nay, hình thức bên ngoài thường rất đơn giản : Linh mục đổ nước trên đầu người được Rửa tội. Tuy vậy, với hình thức đơn giản này, phép Rửa tội vẫn giữ nguyên ý nghĩa như hình thức dìm xuống nước.

Lãnh nhận bí tích Rửa tội là ta được dìm vào trong sự chết cứu chuộc của Chúa, trong đó, Máu Đức Giê-su đổ ra đền tội ta, sẽ tẩy ta sạch hết mọi tội lỗi : tội Tổ tông và tội riêng mình phạm từ trước cho đến lúc chịu phép Rửa.

Tất cả chúng ta đây đều đã được Rửa tội. Chúng ta đã được dìm vào nước thanh tẩy. Con người cũ của chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô, cùng được mai táng với Ngài. Nhờ vậy, chúng ta đã  thuộc về Đức Ki-tô, được nên một với Ngài. Vì đã được cùng chết với Chúa,nên chúng ta cũng được sống lại với Chúa, sống một đời sống mới.

-Tóm ý: Bí tích Rửa tội tái sinh cong người vào đời sống mới trong Chúa Ki-tô, tẩy rửa sạch mọi tội lỗi và đưa con người vào Hội Thánh để được ơn cứu độ

3.2 Vui vẻ, chuyên cần và phục vụ.

Bí tích Rửa tội đã đưa ta vào cuộc sống mới. Vậy cuộc sống mới đó là cuộc  sống nào? Đối với một Thanh, thiếu niên như chúng ta, đó là cuộc sống vui tười, chuyên cần, khiêm nhường, yêu thương, phục vụ và gieo vãi hoà bình. Như khi Đa-minh Sa-vi-ô xin Cha Gio-an Boscô chỉ chocon đường nên thánh. Cha đã gói lại trong ba chữ : Vui vẻ, chuyên cần và phục vụ.

-Tại sao người Ki-tô hữu phải luôn sống vui tươi ?

Bởi vì Đức Ki-tô đã sống lại. Ngài đã giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, đem lại cho chúng ta sự sống mới : sự sống của người làm con Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã chiến thắng thế gian, chiến thắng đau khổ, chiến thắng tội lỗi và sự chết cho chúng ta, nên người Ki-tô hữu không có lý do gì để sợ hãi hay buồn khổ.

Vui vẻ ở đây không phải là rong chơi thoải mái, mà là trạng thái bình an của tâm hồn tự do, trong trắng, không vẩn đục.

Cha Bos-co cho Sa-vi-ô biết : “Điều gì khiến con mất bình an không đến từ Thiên Chúa”. Phạm tội là nguyên nhân chính khiến ta mất đi niềm vui và bình an trong tâm hồn. Ta hãy sống trong sạch để hưởng niềm vui trong Chúa.

-Chuyên cần : chăm lo chu toàn bổn phận của mình, từ bổn phận của con người trong gia đình, người học sinh ở trường, người công dân ngoài xã hội, cho đến bổn phận người tín hữu trong Hội thánh. Ý Chúa được thể hiện qua việc bổn phận của mỗi người. Chính khi chu toàn việc bổn phận, ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui.

-Phục vụ : Quan tâm phục vụ người khác với tấm lòng yêu thương, để họ cũng có cuộc sống vui và được ơn cứu độ.

-Tóm ý : Nhờ bí tích Rửa tội, ta được cùng chết và sống lại với Chúa Ki-tô. Có Chúa Ki-tô Phục sinh ở với ta, ta sống vui tươi, chuyên cần và phục vụ. Ta góp sức đem niềm vui đến cho mọi người để ai nấy đều nhận biết Tin Mừng cứu độ.

3.3 Ngay ở đây và bây giờ

Mầu nhiệm Chúa chết và sống lại là nền tảng đức tin của người Ki-tô hữu. Mầu nhiệm này được Hội thánh cử hành hằng năm vào dịp lễ Phục sinh (Tam Nhật Vượt Qua), hằng tuần vào ngày Chúa nhật. Mỗi sáng Chúa nhật đều được coi như một buổi sáng Phục sinh. Hội thánh còn dành giờ kinh sáng mỗi ngày để mừng Chúa sống lại. Những lời cầu trong sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ cho thấy rõ ý ấy.

Việc Hội thánh cử hành như thế mời gọi các tín hữu sống mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh hằng ngày, ngay trong cuộc sống của mình. Ngay giây phút hiện tại này, mỗi người chúng ta đều được mời gọi hãy lột bỏ thêm một chút con người cũ để mặc lấy thêmmột chút con người mới trong Đức Ki-tô.

 

-Tóm ý : Bí tích Rửa tội còn giúp chúng ta kết hiệp mật thiết với Đức Ki-tô Tử nạn  và Phục sinh bằng việc liên lỉ từ bỏ tội lỗi, lột bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới của Ngài.

 

*TÓM Ý TOÀN BÀI :

Chúa Giê-su đã chết và đã sống lại. Hội thánh mừng kính mầu nhiệm này không chỉ hằng năm, mà hằng tuần, hằng ngày. Điều đó nhắc ta phải luôn sống tinh thần Vượt qua với chúa Ki-tô :Cùng chết và cùng sống lại với ngài trong từng giây phút, tức là luôn cố gắng sửa mình, từ bỏ ý riêng mà làm theo ý Chúa.

Nhờ Bí tích Rửa tội, ta đã được nên một với Chúa Ki-tô. Có Đấng Phục sinh, ta sống vui tươi, chuyên cần và phục vụ. Ta góp sức đem niềm vui đến cho mọi người để ai nấy đều nhận biết Tin Mừng cứu độ.

V.     CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, xin ban cho con sự sống của Chúa,

Sự sống làm đời con mãi xanh tươi.

Xin ban cho bình an của Chúa,

Bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.

Xin ban cho con niềm vui của Chúa,

 niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.

Xin ban cho con hy vọng của Chúa,

hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.

Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,

Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.

                                                      (Rabbouni)

VI.  SINH HOẠT GIÁO LÝ       Hát : Gặp gỡ Đức Ki-tô   (Tiến Lộc – Quang Uy)

VII.           BÀI TẬP GIÁO LÝ:         Em hãy chọn câu đúng nhất :

1.     Bí tích Rửa tội ban cho ta những ơn :

a.Được tha thứ hết mọi tội lỗi.

b.Trở nên thụ tạo mới.

c.Tháp nhập vào Hội Thánh là thân thể Chúa Ki-tô            d.Cả 3 câu đều đúng.          ( câu d )

2.     Để sống ơn bí tích Rửa tội đã lãnh nhận, em cần :

a.Không phạm tội trọng.

b.Sống vui tươi, chuyên cần và phục vụ trong từng giây phút hiện tại.  c.Làm việc bác ái.    ( câu b)

VIII.        ĐIỀU DỐC LÒNG

1.Đoạn văn giúp ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Ngài?

Thiên Chúa đã dùng cái chết và sự sống lại của Đức Giê-su để giải thoát                                                                                                                                    chúng ta khỏi tội lỗi, và ban cho chúng ta sự sống mới làm con cái Ngài.

2.Qua đoạn văn này, hôm nay Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì ?

Nhờ Phép Rửa, tôi đã cùng chết với Đức Ki-tô để được cùng sống lại với Ngài. Vì thế, tôi phải cởi bỏ con người cũ (từ bỏ tội lỗi) và mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa.

IX.  CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ

Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin cảm tạ Chúa về giờ học giáo lý hôm nay. Xin Chúa giúp chúng con sống dồi dào ơn Bí tích Rửa tội mà Chúa đã thương ban cho chúng con, để cuộc sống chúng con luôn làm đẹp lòng Chúa và vui lòng mọi người. Amen.