Bài 28 :
CHÚA GIÊ-SU BAN THÁNH THẦN
CHO CÁC TÔNG ĐỒ
Ga 15,26-27; 16,7.12-13
I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dạy chúng con: “Hãy xin thì sẽ được”.Giờ đây,
chúng con nài xin Chúa ban Thánh Thần xuống để Ngài soi sáng và hướng dẫn chúng
con trong giờ học giáo lý hôm nay, giúp chúng con khám phá lại tình thương của
chúa hằng ban cho chúng con qua Chúa Thánh Thần, và sống những ơn chúng con đã
lãnh nhận trong bí tích Thêm sức.
Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần…
II.
DẪN VÀO LỜI CHÚA
Hằng ngày, bưu điện trên Thiên đàng nhận được không biết cơ man nào
là thư, từ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu…Các thiên thần xếp loại ra thì thấy người
nhận được nhiều thư nhất là Đức Mẹ, thứ nhì là Thánh Giu-se, thư ba là thánh
An-tôn. Các thư của hai thánh này, các thiên thần đều bóc ra xem cả. Chỉ trừ thư
gửi Đức Mẹ thì không dám. Nhưng một ngày kia, không cầm được tính tò mò, các vị
cũng mở thư của Đức Mẹ. Nhưng các thiên thần thất vọng, tưởng người thế gian viết
những tâm tình gì tha thiết yêu thương, hoá ra đại khái cũng chỉ toàn xin ơn.
Các thiên thần mới rủ nhau rình xem thái độ Đức Mẹ khi đọc muôn vạn
lá thư ấy. Tình cờ, một hôm các thiên thần
thấy mặt Đức Mẹ tươi vui hẳn lên, các vị mới tới gần hỏi:
-Tại sao mọi
hôm mặt Mẹ rầu rầu, hôm nay lại tươi vui thế ?
Đức Mẹ mới trao cho các thiên thần một lá thư, trong đó viết như
sau:
-Mẹ ơi, con chỉ xin Mẹ một điều : Mẹ là bạn Chúa Thánh Thần, xin Mẹ
cầu Ngài đến thăm linh hồn con.
Thánh Thần là món quà vô giá mà Cha trên Trời sẽ ban tặng cho chúng
ta để chúng được trở nên con cái của Ngài.
Trong Bữa Tiệc ly, trước khi từ giã các môn đệ, Chúa Giê-su đã cho
các môn đệ biết rõ hơn về món quà vô giá đó mà Chúa Cha sẽ ban. Đó là Đấng Bảo
Trợ, là Thần Khí Sự Thật.
Chúa Giê-su nói về Đấng Bảo Trợ như thế nào, mời các em lắng nghe đoạn
Tin Mừng của thánh Gio-an sau đây:
III.
CÔNG BỐ LỜI CHÚA :
Ga 15,26-27; 16,7.12-13
Thinh lặng giây lát
IV.
GIẢI THÍCH LỜI CHÚA
1.Dẫn giải đoạn Kinh Thánh vừa công bố
Bảo Trợ nghĩa là gì ? Tiếng Hylạp Parakletos có nghĩa là trạng sư,
người bào chữa, người trợ giúp, người bênh vực. Chúa Thánh Thần được gọi là Đấng
Bảo Trợ, như một người Bào chữa, một Trạng
sư để bênh vực cho chúng ta. Cũng có khi được dịch là Đấng An Uûi.
Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và tác động nơi Chúa Giê-su qua mọi
lời nói, hành động và nhất là qua cuộc Tử nạn và Phục sinh (x.Mt 12,28; Mc
1,10; Lc 3,22;4,1-2.14; Rm 1,4 ).
Tuy nhiên, mãi cho đến Bữa Tiệc ly, Chúa Giê-su mới tỏ cho các môn đệ
biết rõ về Chúa Thánh Thần và hứa sẽ xin chúa Cha ban Thánh Thần đến cho các ông.
Đó là Thần Khí sự thật, Đấng bởi Chúa Cha mà ra. Ngài đến dẫn đưa chúng ta vào
tất cả sự thật nghĩa là vào đời sống hiểu biết Chúa hơn, yêu mến Chúa hơn, gắn
bó với chúa hơn và sống theo lời Chúa dạy. Chúa cũng cho họ biết rằng cái chết
rất cần thiết, vì có chết, Ngài mới sống lại để ban Chúa Thánh Thần cho chúng
ta.
2. Các em học sinh thảo luận
Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một bài giảng.
a. Đoạn văn có những từ ngữ
hoặc cụm từ nào quan trọng ?
-Đấng Bảo Trợ, Thầy
ra đi, Thầy sẽ sai Đấng Bảo trợ đến, Thần Khí sự thật, đưa các con vào tất cả sự thật.
- Từ
ngữ chính : Đấng Bảo Trợ
b. Câu tóm ý cả đoạn : câu 7
c. Đặt tựa đề ngắn : Chúa Giê-su
hứa ban Thánh Thần
3. Bài học giáo lý
Thần Khí, tiếng Hip-ri là ru-ah, nghĩa là hơi thở, không khí, gió : Đấng là Hơi Thở của Thiên
Chúa, là Chúa Thánh Thần.
Nếu Chúa Giê-su được gọi là “Lời
của Thiên Chúa” (Ga 1,1; Dt 1,1-3), thì Chúa Thánh Thần được gọi là “Hơi thở” của
Thiên Chúa. Khi cử Lời Ngài xuống trần gian, Chúa Cha cũng đồng thời gửi cả Hơi
thở của ngài. Chúa Thánh Thần luôn hiện
diện và phối hợp chặt chẽ với Chúa Giê-su trong sứ mạng cứu độ.
3.1 Chúa Thánh Thần và các Tông đồ :
Buổi chiều ngày Phục
sinh, trong khi các môn đệ vẫn còn đang trốn trong nhà Tiệc ly, đóng kín cửa vì
sợ người Do Thái, thì Chúa Giê-su hiện đến, đứng giữa các ông ban bình an, cho
các ông xem tay và cạnh sườn, và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Ngài thổi hơi
vào các ông và bảo :
-“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh emcầm giữ ai, thì người ấy bị
cầm giữ” (Ga 20, 19-23).
Từ giờ phút ấy, sứ mạng của chúa Giê-su và của Chúa Thánh Thần trở
thành sứ mạng của Hội Thánh : “Như Chúa
Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).
Tuy nhiên , phải đợi cho đến khi Chúa Giê-su được tôn vinh trọn vẹn,
nghĩa là lên Trời, ngự bên hữu Chúa Cha thì Chúa Thánh Thần mới được ban xuống đầy
tràn trên các môn đệ (x. Ga 7,39; 16,7). Bởi vậy, trước khi từ giã họ lên trời,
Chúa Giê-su đã một lần nữa hứa ban Chúa Thánh Thần và dạy họ ở lại trong thành,
kiên trì cầu nguyện và chờ đợi (Lc 24,49; Cv 1,4-8).
Với tâm tình khao khát ấy, đến lễ ngũ Tuần, họ được đầy Thánh Thần : “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang
tề tựu ở một nơi, bỗng từ Trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào
đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình luỡi giống
như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh
Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.”
( Cv 2,1-4)
Kết quả đầu tiên là các môn đệ của Chúa được hoàn toàn đổi mới. Trước
đó, họ là những người chài lưới dốt nát và nhát đảm, nhưng khi đã nhận lấy Chúa
Thánh Thần, họ can đảm ra đi rao giảng Tin Mừng với một sự khôn ngoan khiến mọi
người kinh ngạc. (Cv 4,13.18-22; 5,29-33). Họ dám liều mình để làm chứng cho Chúa
Giê-su, không sợ tù đầy, đe doạ và cả cái chết. Họ được biến đổi thành những
con người mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần.
-Tóm ý : Dưới tác động của Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Phục sinh và đặc
biệt trong ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ của Chúa được biến đổi thành những con
người mới để tiếp nối sứ mạng của Chúa Giê-su và của Chúa Thánh Thần trong Hội
Thánh.
3.2 Chúa Thánh Thần xây dựng Hội Thánh trong lịch sử :
Từ lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần không ngừng làm cho ơn cứu chuộc của
Chúa Ki-tô sinh hoa kết trái. Ngài dùng các ơn ban của Ngài để xây dựng Hội Thánh
:
-Ngài khơi dậy đức
tin nơi con người, làm cho họ quay về với Thiên Chúa và quy tụ họ thành Hội Thánh.
(x. Cv 2, 37-41; Cv 10,44-48).
-Bằng các bí tích,
Chúa Thánh Thần ban sức sống và thánh hoá Hội Thánh, để Hội Thánh được thuộc trọn
về Thiên Chúa (x. Cv2,42.46-47)
-Trong mọi hoạt động
Phụng vụ, Chúa Thánh Thần được cử đến để giúp chúng ta hiệp thông với Chúa Ki-tô
: Ngài chuẩn bị cộng đoàn tín hữu gặp gỡ Chúa Ki-tô, gợi nhớ và biểu lộ Chúa
Ki-tô cho cộng đoàn, dùng quyền năng làm cho mầu nhiệm Chúa Ki-tô hiện diện và
tác động trong hiện tại, đồng thời liên kết Hội Thánh với đời sống và sứ mạng của
Chúa Ki-tô. (SGLC 1091-1112)
-Trong Thánh lễ, với
lời kinh “Xin ban Thánh Thần”, Hội thánh khẩn cầu Chúa Cha ban Thánh Thần xuống
trên bánh rượu, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, bánh rượu trở nên Mình Máu Đức
Giê-su Ki-tô, và để những người lãnh nhận Thánh Thể trở thành một thân thể và một
tinh thần duy nhất ( SGLC 1105. 1353).
-Ngài cho Hội thánh được
hoạt động mạnh mẽ và thúc đẩy Hội thánh chu toàn sứ mạng Chúa Ki-tô trao phó.Các
Hội Đồng Giám mục địa phương, hay trên bình diện toàn cầu, mỗi khi Hội thánh cần
lên tiếng xác định đức tin của mình hoặc để đưa ra những quyết định quan trọng
liên quan đến đời sống Hội thánh thì các Đức Giám mục trên thế giới được Đức Thánh
Cha triệu tập lại để cùng bàn luận và quyết định trong Chúa Thánh Thần (x. LG
1)
-Ngài gợi lên nhiệt
tình tông đồ nơi nhiều tín hữu, sai phái và hướng dẫn họ đi rao giảng Tin Mừng
cho mọi người. (x. Cv13, 1-4).
-Tóm ý : Chúa Thánh Thần hoạt động, xây dựng và điều khiển mọi hoạt động lớn
nhỏ của Hội Thánh từ buổi ban đầu cho đến tận thế.
3.3 Các ơn Chúa Thánh Thần
Có nhiều đặc sủng khác
nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng vẫn chỉ
có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần khí tỏ mình ra nơi mỗi người
một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng
dạy; người thì được Thần khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần
khí ban cho lòng tin, kẻ thì được chính Thần khí duy nhất ấy ban cho những đặc
sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên
tri, kẻ thì được ơn phân định Thần khí; kẻ khác nữa thì lại được ơn giải thích
các tiếng lạ. Nhưng chính Thần khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và
phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người (1Cr 12,4-11).
Đọc sách Công vụ Tông đồ và các
thư trong Tân Ước, ta sẽ thấy các ơn Chúa Thánh Thần tuôn tràn trên Hội thánh
thật phong phú :
-Nổi rõ nhất là các ơn
đặc biệt (gọi là các đặc sủng) được ban để phục vụ cộng đoàn ( cho nên gọi là các
đoàn sủng) như : Nói tiên tri, nói các thứ tiếng, chữa bệnh…Đó là những ơn cần
cho giai đoạn đầu của Hội thánh. Ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn còn ban những ơn
ấy trong nhiều trường hợp, nhưng thông thường ta vẫn có thể gặp các ơn ấy dưới
những dạng giản dị hơn : ơn hiểu biết, ơn giảng dạy, ơn phục vụ…Những ơn mà ta
có thể gặp ở khắp nơi : tại nhà bếp, nơi phòng khách, trong lớp học, ở xưởng thợ…
-Một cách lặng lẽ và
sâu xa, ơn quan trọng nhất lá tình yêu mến (1Cr13) vẫn hằng được Chúa Thánh Thần
ban cho Hội thánh, thấm nhuần trong cách cư xử và phục vụ của các tín hữu :
“Hoa quả của Thánh Thần là: Yêu mến, vui mừng,bình an, hiền từ, tiết độ, khoan
hậu, nhân lành, tín nghĩa” (Gl 5,22).
-Rồi ơn Đức tin : Phải
có Chúa Thánh Thần ta mới có thể tin Chúa Giê-su (1Cr12,3) và gọi Thiên Chúa là
Cha ( Rm 8,14-17).
-Ta còn có thể thấy ơn
Chúa Thánh Thần phát triển trong đời thường của người tín hữu : Lòng tốt vô vụ
lợi, tình yêu chung thủy của các đôi vợ chồng, sự chuyên cần chu toàn bổn phận
trong thinh lặng, lòng tin tưởng vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa, nghị lực
để vượt thắng cám dỗ, sự mau mắn giúp người nghèo khổ, sự ham thích cầu nguyện
trong thinh lặng, ham thích hiểu biết và học hỏi, sự kiên nhẫn trong lúc đau khổ.
-Sách Ngôn sứ
I-sai-a 11,1-2 tập trung tất cả vào 7 ơn Chúa Thánh Thần : Khôn ngoan, trí tuệ,
lo liệu, dũng cảm, hiểu biết, đạo đức, kính sợ Thiên Chúa.
Nhưng trên hết, ơn Chúa Thánh Thần còn có nghĩa là chính bản thân
Chúa Thánh Thần tự ban mình cho ta khi ta lãnh bí tích Rửa tội và thêm sức (Cv
8,14-17; 10,44-48).
-Tóm ý : Ơn Chúa Thánh Thần tuôn tràn trên Hội thánh thật phong phú, tùy
theo công việc của mỗi người để tất cả phục vụ ích chung trong cùng một Thần
khí duy nhất.
3.4 Chúa Thánh Thần là Chúa của tôi
Ngày Rửa tội, chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần để trở nên người
con của Chúa Cha, chi thể của Chúa Ki-tô, đền thờ Chúa Thánh Thần (SGLC 1265)
Nhờ bí tích Thêm sức, chúng ta được xức dầu Thánh Thần, được tham dự
tích cực hơn vào sứ mạng Đức Ki-tô và được tràn đầy Thánh Thần của Ngài, để toàn
bộ đời sống của ta toả “ hương thơm của Đức Ki-tô” [(2 Cr 2,15) (SGLC 1294)].
Chúa Thánh Thần là món quà vô giá mà Chúa Cha và Chúa Giê-su đã ban
tặng cho ta. Thế nhưng ta đã sống với Ngài thế nào? Ngài có phải là một người bạn,
một vị thượng khách và hơn thế nữa, là thiên Chúa của ta chưa?
Chúng ta hãy ý thức hơn về sự
hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống của ta. Từ hôm nay, chúng ta hãy:
yêu mến, năng gặp gỡ Chúa Thánh Thần, ở lại với Ngài, hỏi ý Ngài và lắng nghe
Ngài. Sống thái độ mới này trong từng giây phút, trước việc lớn cũng như việc
nhỏ, trước khi cầu nguyện cũng như trước khi học hành, nhất định chúng ta sẽ được
biến đổi như các thánh Tông đồ sau lễ Ngũ Tuần.
-Tóm ý : Để xứng đáng là Đền thờ của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy sống
theo lời Thánh phao-lô dạy: “Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa,
vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ
chua cay, gắt gỏng, nóng nảy, giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi
hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và
biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô”
(Ep 4,30-32)
* TÓM Ý TOÀN BÀI :
Từ lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần không
ngừng làm cho ơn cứu chuộc của Chúa Ki-tô sinh hoa kết trái nơi các Tông đồ,
qua Hội thánh và nơi từng người, khi lãnh nhận bí tích Rửa tội và nhất là khi lãnh
nhận bí tích Thêm sức. Chúng ta hãy cố gắng làm cho các ơn Chúa Thánh Thần sinh
hoa kết quả tốt đẹp trong cuộc đời chúng ta.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
Lạy Chúa, Chúa đã cử Thánh
Thần đến thánh hoá Giáo hội ngay từ buổi sơ khai, và sai Giáo hội đi rao giảng
Tin Mừng cứu độ. Xin ban sức mạnh của Chúa Thánh Thần làm cho tâm hồn mọi người
đã được tái sinh nhờ bí tích Rửa tội được ngày thêm vững bền trung kiên, nhiệt
thành loan báo tin Mừng cứu độ hầu Nước Chúa được lan rộng khắp nơi. Chúng con
cầu xin…
VI.
SINH HOẠT GIÁO LÝ
Hát : Thánh Thần hãy đến
(Thành Tâm)
VII.
BÀI TẬP GIÁO LÝ
1.
Sách Ngôn sứ I-sai-a 6, 1-3 tập trung tất cả các ơn Chúa Thánh
Thần vào mấy ơn ? Em hãy kể ra?
Hoặc câu hỏi thảo luận :
2.
Chúa Thánh Thần hoạt động nơi :
a. Các Tông đồ.
b. Hội thánh.
c. Các ki-tô hữu
d. Cả 3 câu đều đúng.
(câu d)
3.
Hoa trái của Chúa Thánh Thần là:
a. Yêu mến, vui mừng, bình an, hiền từ, tiết độ, khoan hậu, nhân
lành, tín nghĩa.
b. Bác ái, nhiệt thành, làm được nhiều phép lạ.
c. Siêng năng học tập và chăm chỉ làm việc.
d. Cả 3 câu đều đúng.
( câu a)
VIII.
ĐIỀU DỐC LÒNG
1.Đoạn văn giúp ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?
Chúa Giê-su không bỏ chúng ta mồ côi.
Thiên Chúa không để mặc con người trong cảnh khốn khó. Ngài luôn ở với chúng ta
bằng Thánh Thần của Ngài để nâng đỡ, ủi an và dìu dắt chúng ta.
2. Qua đoạn văn này, hôm nay Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?
Tôi cần biết để cho Chúa Thánh Thần hướng
dẫn và đổi mới cuộc sống của tôi
IX.
CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã thương ban Chúa Thánh Thần xuống
trên chúng con trong ngày chúng con lãnh nhận bí tích Rửa tội, và được xức dầu
Thánh Thần trong bí tích Thêm sức; và Chúa vẫn hằng ban Chúa Thánh Thần đến nâng
đỡ chúng con từng ngày trong cuộc sống. Đặc biệt trong giờ giáo lý hôm nay, Chúa
Thánh Thần đã soi sáng và hướng dẫn chúng con, giúp chúng con hiểu nhiều hơn
tình thương Chúa dành cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết để Chúa
Thánh Thần hướng dẫn và đổi mới cuộc đời chúng con. Amen.