Bài 31 :

CHỈ CÓ MỘT THIÊN CHÚA MÀ THÔI LÀ

CHÚA CHA, CHÚA CON VÀ CHÚA THÁNH THẦN

Mt 28,16-20

 

I.   CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

Lạy Chúa Giê-su, chúng con dâng lên Chúa bài học cuối cùng trong chương trình giáo lý của chúng con năm nay. Xin Chúa giúp chúng con hiểu sâu hơn Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, để chúng con sống Mầu nhiệm này như điểm đến của đời sống Đức tin.

Lạy Chúa Cha toàn năng, xin Cha ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, giúp chúng con học giờ giáo lý này thật tốt trong tình yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Hát : Xin  Ngôi Ba Thiên Chúa…

II.                DẪN VÀO LỜI CHÚA:

Ngày 16.6.1862  tại pháp trường Nam Định, 5 vị thánh giáo dân hy sinh vì Chúa : 3 nông dân là các ông An-rê Tường (1812-1862), Đa-minh Mạo (1818-1862), Đa-minh Nhi (1822-1862), một vị chánh tổng là ông Vinh-sơn tương (1814-1862), và một vị chánh trương là ông Đa-minh Nguyên (1800-1862). Cả 5 đều là những tín hữu tốt lành, khá giả, được dân làng rất kính nể và tôn trọng.

Bị bắt ngày 14.9.1861, các ông bị giam tại làng Bạch Cốc, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Bảy tháng rưỡi bị giam cầm, cổ mang gông, chân tay xiềng xích, bị đánh đòn nhiều lần dã man, nhưng năm vị anh hùng vẫn kiên trung với đạo thánh Chúa. Theo chiếu chỉ Phân sáp do vua Tự Đức ban hành ngày 5.8.1861, quân lính dùng dùi sắt nung đỏ khắc chữ trên mặt các chứng nhân của Chúa, một bên má là chữ “Tả Đạo”, bên kia là tên làng xã. Nói sao cho xiết nỗi tủi nhục đau đớn của các ông. Nhưng tất cả các ông nhẫn nại chịu đựng, miễn tấm lòng vẫn trung thành với Đức Tin chân chính và tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi.

Tại pháp trường, các ông Tương, Tường, Mạo và Nguyên đã tỏ ra can đảm phi thường : các ông yêu cầu lý hình thay vì chỉ chém một nhát, thì xin chém ba nhát để các ông được tỏ lòng tôn kính Chúa Ba Ngôi.

Đó là cách đáp trả tình yêu chúa và tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi của các thánh tử  đạo Việt Nam chúng ta.

Là con cháu các Ngài, chúng ta cũng muốn noi gương các Ngài : sống chứng nhân cho Chúa, đáp trả tình yêu Chúa qua việc thể hiện ý Chúa trong đời sống chúng ta.

Chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe Lời Chúa, và tìm hiểu ý Chúa để thực thi ý Ngài. Mời các em đứng :

III.             CÔNG BỐ LỜI CHÚA : Mt 28, 16-20

                                                   Thinh lặng giây lát

IV.              GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:

1.Dẫn giải đoạn Kinh thánh vừa công bố :

  -Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe của ai? - Thánh Mat-thêu.

  -Thời gian viết : khoảng năm 80.

Đoạn Tin Mừng này nằm trong trình thuật Sống lại của Tin Mừng Mat-thêu. Trình thuật Chúa Sống lại, hiện ra này cũng kết thúc cả Tin Mừng Mat-thêu . Bởi đó, ta thấy đề cập đến những chủ đề cốt thiết của Mat-thêu :Chúa Ki-tô (Quyền của Ngài, Đấng đã được tôn dương là quyền của con người nói trong Đn 7,14…). Hội Thánh của Ngài ( biểu hiện nơi các môn đồ), tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng nhân danh Chúa Cha, Chúa Con  và Chúa Thánh Thần mà Rửa tội cho thiên hạ.

Và Chúa hứa sẽ hiện diện với các môn đệ của Ngài, đây là một lời hứa luôn luôn cứu giúp một cách quyền năng.

Vói sự chết và sống lại, thời cánh chung đã đến. Thiên Chúa không chỉ còn thi thố quyền năng cứu thoát của Người trong dân It-ra-en, nhưng Người đã đoái thương chiếu cố đến cả nhân loại.

Chúng ta cùng thảo luận đoạn Tin Mừng này :

2.Các em học sinh thảo luận:

Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một câu chuyện kể

a.     Đoạn văn nói đến những nhân vật nào?

-Mười một môn đệ, Đức Giê-su, muôn dân, Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần.

-Nhân vật chính : Chúa Giê-su.

b.     Câu tóm ý cả đoạn : câu 19

c.      Đặt tựa đề ngắn : Chúa Giê-su sai các môn đệ.

3.Bài học giáo lý :

-Khi ban bí tích rửa tội, linh mục ( hay người Rửa tội) làm thế nào ?

Đổ nước trên đầu người chịu phép Rửa tội và nói: Cha (Tôi) rửa con (Oâng, bà, anh, chị ...) nhân danh Chúa Cha , Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

-Mỗi khi bắt đầu một việc gì, người Ki-tô hữu chúng ta thường làm dấu Thánh giá và sau khi kết thúc một việc gì, chúng ta dâng lời tạ ơn bằng kinh Sáng danh.

Tất cả những lời kinh trên đều nhằm tuyên xưng Mầu nhiệm trọng tâm và căn bản nhất của Đức tin và đời sống Ki-tô hữu. Đó là Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nói cách khác, Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.

Trong Kinh Thánh, chúng thấy không có kiểu nói : “Một Chúa Ba Ngôi”. Người đầu tiên tìm ra kiểu nói này là thánh giám mục Thê-ô-phi-lô ở An-ti-ô-khi-a vào khoảng năm 180. Kiểu nói ấy được cả hội thánh nhanh chóng đón nhận, vì nó cô đọng, giúp các ki-tô hữu hiểu được Mầu nhiệm Thiên Chúa mạc khải trong Kinh Thánh : Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, nhưng không phải là sự duy nhất đơn độc mà là sự duy nhất của Tình yêu giữa Ba Ngôi : Cha, Con và Thánh Thần.

3.1 Kinh Thánh nói gì?

  Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã tỏ cho ta biết Ngài là ai :

-Ngài là Thiên Chúa duy nhất: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5). Ngoài Ngài ra không co Thiên Chúa nào khác, chỉ có mình Ngài là Đấng hằng có đời đời.

-Thiên Chúa duy nhất ấy là Đấng hằng sống, toàn năng, vô cùng thánh thiện, chân thật và công minh, hằng yêu thương chăm sóc ta luôn.

.Thiên Chúa toàn năng, sáng tạo mọi loài, làm chủ lịch sử:

“ Thiên Chúa chúng ta ở trên Trời

   Muốn làm gì là Chúa làm nên” (Tv 115,3; 135,6)

.Thiên Chúa thánh thiện : “Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, ta là Đấng Thánh” (Hs 11,9).

.Thiên Chúa chân thật và công minh:

“Căn nguyên lời Ngài là chân lý,

  Mọi quyết định công minh của Ngài tồn tại muôn năm” (Tv 119,160).

.Thiên Chúa là tình thương : “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã cưu mang? Cho dù nó có quên đi nữa, thì ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49,15-16 và Is 54,10).

Sang Tân Ước, Chúa Giê-su là Con Một Thiên Chúa đã làm người để tỏ cho ta biết thêm những điều thâm sâu nơi Thiên Chúa. Rằng Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc, vì Thiên Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu không phải chỉ vì Thiên Chúa yêu thương ta vô cùng nhưng chính vì bản thân Thiên Chúa mãi mãi là Ba Ngôi yêu thương nhau thắm thiết : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (Ga 14,1-26).

Trước hết, Chúa Giê-su nói với chúng ta về Thiên Chúa như Cha của Ngài, rồi Ngài tự xưng mình là Con : Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, Ngài kết hợp làm một với Chúa Cha: “Tôi và Cha tôi là một” (Ga 10,30). “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như kho6ng ai biết rõ Chúa Cha trừ người Con và kẻ người con muốn mặc khải cho” (Mt 11,27).

Sau đó, Chúa Giê-su còn nói với chúng ta về Chúa Thánh Thần như Đấng Bảo trợ khác cũng giống như Ngài, đó là Thiên Chúa ngôi thứ ba, luôn luôn hiện diện giữa các Tông đồ và Hội Thánh (Ga 14,16; 15,26)

Cuối cùng, trước khi về trời, Chúa Giê-su hãy đi Rửa tội cho muôn dân nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 28,19)

Tương quan giữa Ba Ngôi như thế nào?

-Ba Ngôi phân biệt với nhau:  Ngôi này không phải là Ngôi kia. Từ muôn thuở, Chúa Cha sinh ra Chúa Con và cũng từ muôn thuở, Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con  mà ra. Tuy nhiên Ba Ngôi không không phải là ba Thiên Chúa nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất, vì tất cả nơi mỗi Ngôi là tất cả nơi hai Ngôi kia và Ba Ngôi luôn kết hợp khăng khít nên một với nhau không thể phân ly.

-Ba Ngôi hiệp nhất với nhau: Ba Ngôi cùng một lòng, một ý, một quyền năng, một hành động cứu độ. Ba Ngôi yêu thương nhau tha thiết, gắn bó đến độ Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa duy nhất mà thôi. (Ga 14,10-11; 1Cr 12,4-6; 2Cr13,13)

Ba Ngôi hiệp nhất với nhau nhưng vẫn là ba, vì Ba Ngôi rất kính trọng nhau nên không Ngôi nào bị biến mất hoặc bị mờ nhạt đi, nhưng mỗi Ngôi đều nhờ hai Ngôi kia mà thêm nổi rõ tính độc đáo của mình trong sự hài hoà với cả ba (Ga 15,26; 16,13-15)

Đây là một mầu nhiệm vượt quá mọi trí hiểu con người, nay Thiên Chúa tỏ cho ta biết để dẫn ta vào kết hợp nên một với Ba Ngôi Thiên Chúa : Chính qua bí tích Rửa tội nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, ngay từ bây giờ ta được mời gọi để là nơi cư ngụ của Ba Ngôi chí thánh : “Ai yêu mến Ta thì sẽ giữ lời Ta, Cha Ta sẽ yêu mến người ấy. Và Chúng ta sẽ đến đặt chỗ ở nơi người ấy” (Ga 14,23-26)

-Tóm ý: Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, nhưng không phải là sự duy nhất đơn độc mà là sự duy nhất của Tình yêu giữa Ba Ngôi : Cha, Con và Thánh Thần.

3.2 Hội Thánh tuyên xưng :

Ngay từ thuở ban đầu, Hội thánh đã tuyên xưng Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi qua những cách nói mà hằng ngày chúng ta vẫn sử dụng trong Phụng vụ. Chẳng hạn, lời chào chúc khởi đầu Thánh Lễ : “Nguyện xin Ân sủng Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em (x.2 Cr13,13; x.Ep 4,4-6)

Trong lịch sử, đã có một số Ki-tô hữu cắt nghĩa sai lạc về Chúa Ki-tô và từ đó cũng kéo theo cái nhìn không đúng về Ba Ngôi Thiên Chúa. Hội thánh toàn cầu đã nhóm họp nhiều công đồng để xác định rõ Đức tin của mình  về Thiên Chúa Ba Ngôi như sau :

“Chỉ có một Thiên Chúa độc nhất, chân thật, toàn năng, bất biến và đời đời, là Cha, Con và Thánh Thần, duy nhất nơi bản tính, phân biệt làm ba nơi ngôi vị : Ngôi Cha là Đấng sinh hạ, Ngôi Con được Ngôi Cha sinh ra và Thánh Thần bởi Ngôi Cha và Ngôi Con mà ra”.

Để giúp ta hiểu đôi phần về sự duy nhất và phong phú của Thiên Chúa, Kinh Thánh dùng cách nói : “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4,8). Trong tình yêu, phải có ít nhất là hai ngôi vị phân biệt với nhau mới có thể gọi là yêu nhau. Khi yêu nhau, một đàng người ta ao ước gắn bó với nhau nên một, và đàng khác, bản sắc riêng của mỗi ngôi vị lại nhờ tình yêu mà được nổi bật lên chứ không bị hoà tan biến mất trong một ngôi vị khác. Tình yêu đưa đến hiệp nhất rồi lại mở rộng ra làm phát sinh sự sống lan tràn.

Từ đời đời Chúa Cha đã sinh Chúa Con cách mầu nhiệm, nên ta nói Chúa Con nhiệm sinh bởi Chúa Cha. Từ đời đời Chúa Cha và Chúa Con yêu thương nhau vô cùng, làm phát xuất Chúa Thánh Thần, nên ta nói : Chúa Thánh Thần nhiệm xuất bởi Ngôi Nhất và Ngôi Hai (SGLC 249-256)

-Tóm ý : Khi tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, ta quả quyết hai điều này:

. Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần là ba Ngôi vị phân biệt nhau. Chúa Cha không phải là Chúa Con, Chúa Con không phải là Chúa Thánh Thần và Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha.

.Thế nhưng, Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần chỉ là một Thiên Chúa mà thôi (2Cr 13,13).

3.3  Sống trong Thiên Chúa Ba Ngôi:

Chúa Giê-su tỏ cho ta biết những điều kín nhiệm thâm sâu nơi Thiên Chúa để làm gì? Để mời gọi ta bước vào tình yêu với Ba Ngôi Thiên Chúa. Cùng đích kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa là đưa tất cả chúng ta vào sự kết hợp với Ba Ngôi diễm phúc : “Để tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng ta” (Ga 17,21-23).

Chúng ta được mời gọi kết hợp với Ba Ngôi chí thánh trước hết qua đời sống cầu nguyện, vì cầu nguyện chính là gặp gỡ Thiên Chúa.

Trước đây, có lúc chúng ta đã cầu nguyện với Chúa Cha, có lúc cầu nguyện với Chúa Giê-su, và có lúc cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Giờ đây, chúng ta hãy hướng lòng kết hợp với cả Ba Ngôi cùng một lúc. Chúng ta có thể hoà tâm tình với Chúa Con và xin ơn Chúa thánh Thần tác động để thưa chuyện với Chúa Cha. Chúng ta cũng có thể hướng tới Ba Ngôi và nhớ lại mỗi Ngôi đang làm gì cho mình: Chúa Cha đang sáng tạo nên ta từng giây phút, Chúa Con đã cứu chuộc ta và đang là thủ lãnh của ta, Chúa Thánh Thần đang thánh hoá ta.

Đặc biệt, chúng ta có thể cầu nguyện với cả Ba Ngôi Thiên Chúa bằng dấu Thánh giá và Kinh Sáng Danh :

+ Với dấu Thánh giá, chúng ta làm mọi sự “nhân danh” Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là ta sống trong Thiên Chúa Ba Ngôi.

+ Với Kinh Sáng danh, chúng ta quy hướng mọi sự lên Thiên Chúa Ba Ngôi. Sống theo kinh Sáng danh có nghĩa là từ trong những điều rất nhỏ, dù là ăn uống, thở, suy nghĩ, nói, thinh lặng hoặc làm bất cứ việc gì, chúng ta đều làm tất cả cho Vinh Danh Thiên Chúa(1Cr 10,31; Cl 3,16-17).

-Tóm ý : Chúng ta được mời gọi trở nên nơi cư ngụ của Ba Ngôi chí thánh qua việc tuân giữ lời Chúa Giê-su: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy” (Ga 14,23)

 

*TÓM Ý TOÀN BÀI :

  Trong CưÏu Ước, Thiên Chúa đã tỏ cho ta biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất, ngoài Ngài ra không còn Thiên Chúa nào khác.

  Sang Tân Ước, Chúa Giê-su đã dạy cho ta biết Thiên Chúa duy nhất ấy là Ba Ngôi : Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ hai là Con, Ngôi thứ ba là Thánh Thần.

Thiên Chúa tỏ cho ta biết mầu nhiệm Ba Ngôi để mời gọi ta đến dự phần vào sự sống của Ba Ngôi, và xây dựng Hội Thánh thành nhân loại mới đầy yêu thương như Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau.

V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ :

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Cha đã sai Con Một là Lời Chân Lý và sai Thánh Thần, Đấng thánh hoá muôn loài đến trần gian mặc khải cho chúng con mầu nhiệm cao vời của Chúa. Xin cho chúng con hằng tuyên xưng Đức tin chân thật là nhận biết, và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Con Cha, Chúa chúng con. Amen.

VI.              SINH HOẠT GIÁO LÝ :     Hát : Chỉ một Thiên Chúa

VII.           BÀI TẬP GIÁO LÝ:     Em hãy chọn câu đúng nhất :

1. Mầu nhiệm trọng tâm và căn bản nhất của Đức tin và đời sống Ki-tô hữu   đó là:

a.Mầu nhiệm Nhập thể.

b.Mầu nhiệm Phục sinh.

c.Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi       (câu c )

2. Tuyên xưng Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là ta quả quyết :

  a.   Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là ba ngôi vị phân biệtnhau.

  b. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần chỉ là một Thiên Chúa.

  c. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đã có từ đời đời.

  d. Cả 3 câu đều đúng.                           (câu d)

3. Dấu Thánh giá là :

  a. Cử chỉ thông dụng nhất để tuyên xưng đức tin Ki-tô giáo.

  b. Nói lên niềm tin vào công cuộc cứu độ nhân loại mà Đức Ki-tô đã thực    hiện khi chết trên thánh giá.

  c. Tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi.

  d. Cả 3 câu đều đúng.                         (câu d)

VIII.        ĐIỀU DỐC LÒNG

1.    Đoạn văn giúp ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?

Chúa Giê-su đã tỏ cho ta biết những điều kín nhiệm, thâm sâu nơi Thiên Chúa, để mời gọi ta bước vào tình yêu với Ba Ngôi ThiênChúa. Cùng đích kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa là đưa tất cả chúng ta vào sự kết hợp với Ba Ngôi diễm phúc : “Để tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong Chúng ta” (Ga 17,21-23).

2.    Qua đoạn văn này, hôm nay Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì ?

Thực hành lời thánh Phao-lô : “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Cl 3,16-17)

IX.              CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương dẫn dắt chúng con theo Chúa Giê-su và mặc khải cho chúng con biết : vì yêu thương nhân loại, Chúa Giê-su đã nhập thể, giáng trần làm người, đã chịu chết và Phục sinh để cứu độ chúng con. Chúa còn ban Chúa Thánh Thần để ngài ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Hơn nữa, Chúa còn dẫn chúng con vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi , để mời gọi chúng con đến dự phần vào sự sống của Ba Ngôi và xây dựngHội thánh thành nhân loại mới đầy yêu thương như  Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau.

Xin Ba Ngôi Thiên Chúa ban cho chúng con lòng khao khát yêu mến Chúa, giúp chúng con luôn siêng năng học hỏi, đào sâu hơn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi để đời sống chúng con ngày càng yêu mến, gắn bó và đáp trả tình yêu Chúa mỗi ngày như  ý Chúa muốn. Amen.

Hát : Tâm tình tri ân.