PHẦN II
Hội thánh là công trình cứu
độ của cả Ba Ngôi Thiên Chúa: Hội thánh được hình dung trước trong cuộc sáng tạo,
được chuẩn bị từ trong Cựu ước, được Chúa Ki-tô thiết lập và được Chúa Thánh Thần
bày tỏ ra.
Là dấu hiệu và dụng cụ kết
hợp con người với Thiên Chúa, Hội thánh vừa hữu hình, vừa vô hình. Hội thánh hữu
hình vì có những con người, tổ chức, nghi lễ, những hình dạng bên ngoài. Tuy
nhiên, đàng sau những điều thấy được ấy, là cả một sự sống mầu nhiệm và phong
phú. Sự sống ấy là chính Chúa Thánh Thần. Ngài ở trong mọi hoạt động của Hội thánh
để nối kết mỗi người chúng ta với Chúa Ki-tô, như chi thể gắn với đầu, và nối kết
tất cả chúng ta với nhau, như chi thể này hiệp thông với chi thể khác. Giữa các
chi thể ấy, Đức Ma-ri-a nổi bật như một gương mẫu.
Bạn có hãnh diện khi được
thuộc về Hội thánh và được mời gọi xây dựng Hội thánh ấy? Bạn sẽ làm gì để góp
phần thiết thực cho cuộc sống của giáo xứ và giáo phận?
Bài 4
HỘI THÁNH
TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA
Ga 11,45. 47-52
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban
cho chúng con thời gian và những điều kiện thuận lợi để chúng con tìm hiểu vềø
Hội thánh.
Xin
Chúa ban Chúa Thánh Thần để Ngài giúp chúng con học giờ giáo lý hôm nay đạt kết
quả tốt đẹp như ý Chúa muốn, nhờ đó chúng con ngày càng nhận ra tình yêu Chúa dành
cho chúng con và hết tình đáp trả.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA: “Vì con, mẹ hy sinh đôi tay” (Bông lúa vàng, trg. 98)
Có một thiếu phụ, mẹ của một cô gái, diện
mạo rất đẹp đẽ, nhưng lại có đôi tay khó coi. Một hôm, vì muốn biết nguyên nhân
tại sao đôi tay của mẹ xấu xí như vậy, cô gái mới nói: “Mẹ ơi đôi tay của mẹ không
xứng với diện mạo của mẹ chút nào cả! Mẹ có khuôn mặt rất đẹp nhưng đôi tay lại
khó coi. Tại sao như thế hả mẹ?”
Bà
mẹ đáp: “Con yêu dấu của mẹ ơi, khi con còn nhỏ chưa biết nói, cũng chưa biết đi,
nhà của chúng ta bị cháy. Lúc ấy mẹ ở dưới nhà, còn con thì nằm trong nôi trên
lầu. Trong khi chữa cháy tứ tung, mẹ phải mạo hiểm xông lên lầu để ẵm con chạy
xuống. Nhờ ơn Chúa, mẹ đã cứu được con từ trong khói lửa ra nơi an toàn. Nhưng
khi vừa tới lầu dưới, thì đôi tay của mẹ đã bị lửa thiêu. Vì thế mà đôi tay của
mẹ ngày nay mới khó coi như vậy!”
Các
em thân mến, vì yêu thương con mình, người mẹ đã chấp nhận hy sinh đôi tay để cứu
con. Vì yêu thương nhân loại, Chúa Giê-su đã giáng sinh làm người, đôi tay Ngài
cũng đã bị đóng đinh vào thập giá và Ngài đã chịu chết để cứu chúng ta là những
kẻ tội lỗi khỏi án chết, và qui tụ chúng ta vào gia đình của Chúa là Hội thánh,
như lời Thượng tế cai-pha đã tuyên bố, được thánh Gio-an viết lại trong Tin Mừng
của Ngài mà chúng ta sẽ công bố giờ đây.
Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA:
Ga 11, 45. 47 - 52
Thinh lặng giây lát
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:
1.
Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố:
Tin Mừng thánh Gio-an được viết năm nào?
(80 – 90)
Với
12 chương đầu, Gio-an đưa ra những hành động quan trọng của Đức Giê-su. Gio-an
cho đó là những “Dấu chỉ” giúp chúng ta hiểu được Đức Giê-su là ai và Ngài muốn
gì, phải tin Ngài như thế nào và phải sống sự sống của Ngài cách nào.
Đoạn
Lời Chúa chúng ta vừa nghe trích chương 11. Trong chương này, từ câu 1-44 thuật
lại việc Chúa cho Ladarô sống lại, đây là “Dấu chỉ” lớn sau cùng, khiến cho sự đối
kháng căng thẳng giữa Ngài và Thượng Hội Đồng Do Thái (Chế độ Đền thờ) lên
tới tột độ, khiến họ quyết định giết Chúa Giê-su.
Nếu
đọc tiếp câu 55-57, Gio-an lại cho chúng ta thấy ngay tại sân Đền thờ, người
Hy-lạp lại xin được gặp Đức Giê-su, như để tiêu biểu cho các dân ngoài Do Thái
rồi đây sẽ tin nhận Ngài.
Để
hiểu rõ hơn Gio-an muốn giới thiệu Đức Giê-su là ai, chúng ta hãy cùng nhau thảo
luận đoạn Tin Mừng này.
2. Các em học sinh thảo luận:
Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa
nghe là một câu chuyện kể.
a. Đoạn văn nói tới những nhân vật nào?
Những người Do Thái, Cô
Maria, Đức Giê-su, các Thượng tế, các người Pharisêu, người Rô-ma, Cai-pha, Dân,
con cái Thiên Chúa.
- Nhân vật
chính: Đức Giê-su
b.
Câu tóm ý: câu 51. 51: “Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ
thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp
nơi về một mối. ”
c. Đặt tựa đề ngắn: Đức Giê-su, Đấng cứu
độ trần gian.
3. Bài học giáo lý:
Tập
Nhật ký của Hội thánh mở đầu bằng những lời Chúa Giê-su căn dặn các Tông đồ đợi
chờ ai các em? ( Đợi chờ Chúa Thánh Thần) (Cv1,1-8)
-
Và Chúa Thánh Thần đã ngự xuống tràn đầy trên các Tông đồ khi nào? (Vào ngày
lễ Ngũ tuần, trong lúc các vị đang họp nhau cầu nguyện và chờ đợi) (Cv2,1-33)
Ngày hôm ấy Hội thánh chính thức ra mắt trước
mặt mọi người và được sai đến với muôn dân. Và cũng kể từ hôm ấy, dưới sự hướng
dẫn của Chúa Thánh Thần, Chúa Ki-tô kết hợp làm một với Hội thánh viết nên những
trang cuối cùng của lịch sử cứu độ cho đến ngày hoàn tất trong vinh quang.
Để
hiểu rõ hơn về mầu nhiệm Hội thánh, trước hết chúng ta tìm hiểu nguồn gốc của Hội
thánh trong ý định của Thiên Chúa Ba Ngôi được thực hiện tiệm tiến trong lịch sử.
3. 1 Hội thánh đã được hình dung trước, ngay từ khi có vũ trụ.
Các Ki-tô hữu thời sơ khai cho rằng: “Vũ trụ được tạo dựng
vì Hội thánh”.
Bởi ý định khôn ngoan nhân
lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm, Chúa cha hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ; Người
quyết định nâng loài người lên tham dự sự sống thần linh” trong Chúa Con: “Chúa
Cha muốn qui tụ những ai tin Chúa Ki-tô họp thành Hội thánh” (LG2; SGLC 759)
“Theo ý muốn và lòng nhân
ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô…Ngài
cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu, đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là
qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. ” (Ep
1,5. 9-10).
-
Tóm ý: Hội thánh bắt nguồn từ ý muốn của Thiên Chúa, ngay từ khi sáng
tạo vũ trụ. Chính vì thế mà Hội thánh được gọi là gia đình con cái Thiên Chúa,
là “Sự triệu tập” mọi người trong Đức Ki-tô, làm thành Thân thể Đức Ki-tô. “Gia
đình của Thiên Chúa”này được thành lập và hiện thực tuần tự qua các giai đoạn
tiếp nối của lịch sử loài người thể theo sự an bài của Chúa Cha.
3. 2 Được chuẩn bị trong Cựu ước (SGLC
761-762; LG9)
Việc tập họp dân Thiên Chúa bắt đầu ngay khi Tổ tông loài người sa
ngã, tội lỗi đã phá hủy sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và giữa con
người với nhau. Bởi vậy, Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại sẽ đến
để “Không phải chỉ chết thay cho Dân mà thôi, nhưng còn để qui tụ con cái
Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11, 52)
Việc quy tụ Dân Thiên Chúa được “chuẩn bị
xa” với ơn gọi của Ap-ra-ham. Thiên Chúa hứa là ông sẽ trở thành Cha của một dân
tộc vĩ đại. (St 12,2). Cuộc chuẩn bị gần bắt đầu bằng việc tuyển chọn Itraen làm
dân Thiên Chúa qua việc ký kết Giao ước và ban Lề luật cho họ. (Xh 19,5. 6; Đnl
7,6). Được Thiên Chúa tuyển chọn,Itraen phải là dấu chỉ cho việc quy tụ tất cả
các dân tộc trong tương lai. (Is 2,2-5; Mk 4,1-4).
Suốt 18 thế kỷ, qua các
ngôn sứ, Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn và giáo dục dân Itraen để họ thi hành sứ
mạng Thiên Chúa trao phó. Tuy nhiên, nhiều khi Dân đã phản bội giao ước. Các ngôn
sứ đã loan báo một Giao ước mới và vĩnh viễn. “Giao ước này do chính Chúa Ki-tô
đã thiết lập” (LG 9)
- Tóm ý: Việc quy tụ Dân Thiên Chúa được chuẩn bị xa trong Cựu ước với ơn gọi của
Apraham, với việc ký kết Giao ước với dân Itraen, và loan báo một Giao ước mới
và vĩnh viễn.
3. 3 Được Chúa Ki-tô thiết lập: (SGLC
763-766)
Để thực hiện thánh ý Chúa Cha, Chúa Giê-su đã khai sinh Nước Trời
trên trần gian bằng việc rao giảng Tin Mừng, bằng những dấu lạ và nhất là bằng
cái chết và sự sống lại, Chúa Giê-su quy tụ mọi người chung quanh Ngài: “Phần
Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ lôi kéo mọi người lên với
Ta” (Ga 12,32). Sự tập họp này chính là Hội thánh, “Mầm mống và khởi đầu của Nước
Thiên Chúa” nơi trần gian này.
Chúa Giê-su thiết lập Hội
thánh là một cộng đoàn có cơ cấu, và Hội thánh sẽ tồn tại cho đến lúc Nước Trời
được hoàn thành. Để điều hành Hội thánh, Người tuyển chọn Nhóm Mười hai Tông đồ,
tượng trưng cho 12 chi tộc Itraen với Phê-rô làm thủ lãnh. (Mt 16,18-19)
Quyền “trói” và “cởi” là
quyền tha tội, quyền phán quyết về giáo lý và quyết định về những vấn đề kỷ luật
trong Hội thánh. Chúa Giê-su đã trao quyền này cho Hội thánh qua các Tông đồ và
đặc biệt là Phê-rô và các Đấng kế vị các Ngài trong Hội thánh.
- Tóm ý: Để thực hiện
thánh ý Chúa Cha, Chúa Giê-su đã khai sinh Nước trời trên trần gian bằng việc
rao giảng Tin Mừng, bằng những dấu lạ và nhất là bằng cái chết và sự sống lại,
Chúa Giê-su quy tụ mọi người chung quanh Ngài
3.4
Hội thánh được
bày tỏ nơi Chúa Thánh Thần : (SGLC 767-768)
“Khi Chúa Con hoàn tất công trình Chúa Cha
trao phó cho Người ở trần gian, Chúa Thánh Thần đã được cử đến trong ngày lễ Ngũ
Tuần, để thánh hoá Hội thánh mãi mãi”(LG 4). Ngày hôm đó, Hội thánh được bày tỏ
công khai trước mặt mọi người, và được sai đi đem Tin Mừng đến mọi dân tộc (AG
4), quy tụ họ trở nên môn đệ Chúa Ki-tô. (AG 4)
Chúa Thánh Thần hằng ở
trong Hội thánh để xây dựng, thánh hoá, ban sinh lực và hướng dẫn Hội thánh chu
toàn sứ mạng. (Ga 14,10). Ta có thể nhận ra hoạt động của Chúa Thánh Thần :
-
Qua Kinh Thánh: Ngài
soi sáng và giúp ta đón nhận Lời Ngài linh hứng.
-
Trong Thánh truyền mà
các Giáo phụ là những chứng nhân cụ thể.
-
Trong Huấn quyền của
Hội thánh mà Ngài hằng trợ lực.
-
Trong Phụng vụ và các
bí tích: Ngài làm cho mầu nhiệm Chúa Ki-tô trở nên hiện tại và dẫn ta vào thông
hiệp với Chúa Ki-tô.
-
Trong đời sống cầu
nguyện: chính Ngài cầu nguyện trong ta và dạy ta cầu nguyện.
-
Trong các đoàn sủng
và thừa tác vụ để xây dựng Hội thánh.
-
Qua các hoạt động Tông
đồ, bác ái và thừa sai.
-
Nơi đời sống các vị
thánh: đó là nơi Ngài biểu lộ sự thánh thiện của Ngài và tiếp tục công trình cứu
độ.
3.5 Hội thánh được hoàn
thành trong vinh quang: (SGLC 769)
Hội thánh chỉ được hoàn thành trong
vinh quang trên trời (GH. 48) trong ngày Chúa Ki-tô quang lâm. Từ nay đến đó, Hội
thánh sẽ phảøi trải qua nhiều chông gai thử thách. Tuy nhiên Hội thánh luôn vững
lòng cậy trông vì Đức Ki-tô đã chiến thắng (Ga 16,33). Ngài là Chúa của vũ trụ
và của lịch sử. (Ep 1,21-22; 1Cr 15,24-28). Bởi vậy, cùng với Thánh Thần, Hội
thánh luôn tỉnh thức và khẩn nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!” (Kh 22,
17. 20)
· TÓM Ý TOÀN BÀI: Hội
thánh là công trình cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Hội thánh bắt nguồn từ ý muốn
của Chúa Cha, được chuẩn bị từ trong Cựu ước qua Dân It-ra-en, được Chúa Ki-tô
thiết lập và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Ở đời này, Hội thánh là bí
tích cứu độ, dấu chỉ và khí cụ hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người. Hội thánh
vừa hữu hình vừa thiêng liêng, vừa là một xã hội có phẩm trật, vừa là Nhiệm thể
Đức Ki-tô. Vì thế, chỉ có đức tin mới thấu hiểu được mầu nhiệm Hội thánh.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:
1.
Gợi tâm tình cầu nguyện:
Các em thân mến,
Đức Giê-su đã chết thay cho Dân và quy
tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. (x. Ga 11,5. 52). Thật
diễm phúc cho chúng ta, vì nhờ bí tích Rửa tội chúng ta được gia nhập vào Hội
thánh, có một địa vị và trách nhiệm cao quý.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và cầu xin Chúa cho chúng ta biết sống xứng đáng
với tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.
2. Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa là Cha của
chúng con, Cha đã sai Thánh Thần đến quy tụ muôn dân để lập nên Hội thánh. Và
Cha đã thương cho chúng con được sống trong gia đình của Cha. Chúng con xin cảm
tạ Cha và xin cho chúng con biết thi hành sứ mạng Chúa Giê-su đã trao phó cho
chúng con là đem Tin Mừng đến cho muôn dân, bằng cách nhiệt tâm phụng sự Cha và
luôn hiệp nhất với nhau. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng
con. Amen.
VI. SINH HOẠT: Hát: Đường về Nhà Cha
VII. BÀI TẬP:
Em hãy chọn câu đúng nhất
và đánh dấu x vào ô vuông º
1.
Hội thánh được thiết lập do:
a. Thánh Phê-rô và
các Tông đồ. b. Tình yêu của Ba Ngôi
Thiên Chúa
c. Mẹ Ma-ri-a và
các Tông đồ. (câu b)
2.
Hội thánh là:
a. Bí tích cứu độ b. Dấu chỉ
của sự hiệp thông. c. Nhiệm thể Đức
Ki-tô.
d. Cả 3 câu đều đúng. (câu
d)
VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:
1. Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?
Hội thánh là công trình của
Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì yêu thương chúng ta, Chúa Giê-su đã hy sinh cho đến chết
để quy tụ mọi người vào gia đình của Chúa là Hội thánh.
2. Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?
Để tỏ lòng yêu mến Chúa, tích cực xây dựng Hội thánh, em siêng năng
học giáo lý, tham dự Thánh lễ và luôn tạo sự hiệp nhất với mọi người trong gia đình,
làng xóm, trường lớp.
IX. CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:
Hát bài cảm tạ.