Bài 9
HỘI THÁNH CỬ HÀNH PHỤNG VỤ
Cl 3, 16 – 17
Học cụ: Tranh Sơ đồ năm Phụng vụ, sách Lịch
Công giáo, Sách Các Giờ kinh Phụng vụ.
Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin hiệp với Mẹ Ma-ri-a dâng lên Chúa giờ
học giáo lý hôm nay với tất cả lòng yêu mến của chúng con để cảm tạ tình yêu Chúa và cầu cho các linh hồn.
Xin Chúa ban Chúa Thánh
Thần xuống giúp chúng con học hiểu và biết sống đẹp lòng Chúa mỗi ngày một hơn.
Amen. (Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần )
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA:
Thi sĩ Lamartine người Pháp có kể lại một câu chuyện
như sau: Một hôm, ông đi ngang qua một chân núi, nghe có tiếng đập đá vang lên,
và sau mỗi một phát đập, ông lại nghe có tiếng “Cám ơn”. Cứ thế, đều đặn một tiếng
búa đập, lại có tiếng “Cám ơn”. Ngạc nhiên,
ông tiến lại gần, thấy một người thợ đập đá. Mặc dù mệt nhọc, mồ hôi đổ ra, nhưng
nét mặt người thợ vẫn luôn vui vẻ và không ngừng thốt lên hai tiếng “Cám ơn”.
Thi sĩ Lamartine bèn hỏi:
- Tại sao ông lại cứ nói
cám ơn mãi thế? Ông cám ơn ai vậy?
Người thợ trả lời: - Tôi cám ơn Thiên Chúa.
Thi sĩ Lamartine hỏi vặn: - Tại sao ông lại cám ơn Thiên Chúa trong khi
Ngài chỉ nghĩ đến ông có một lần trong đời là lúc Ngài tạo ra ông mà thôi?
Nghe nói thế, người thợ đập
đá ngước mặt lên trời và nói trong giọng mếu máo:
- Tôi nghĩ điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ông hãy nghĩ rằng
Thiên Chúa đã đoái thương nghĩ đến một người thợ đập đá thấp hèn như tôi, dù chỉ
một lần thôi, như vậy không đủ cho tôi cám ơn Ngài sao? Vâng cám ơn Chúa, cám ơn
Chúa!
Nói xong, người thợ đập đá bỏ mặc cho thi sĩ đứng đó và tiếp tục điệp
khúc quen thuộc của ông: vừa đập đá, vừa tạ ơn Chúa.
Các em thân mến, “Thiên Chúa yêu thương con người”. Đó là bài
ca mà chúng ta không chỉ hát lên trong mùa Giáng sinh mà phải được lặp lại
trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Cả đời chúng ta phải là một bài ca cảm tạ.
Vậy để sống tâm tình cảm tạ Thiên Chúa một cách tốt đẹp nhất, chúng ta hãy lắng
nghe lời thánh Phao-lô nhắn nhủ tín hữu Cô-lô-xê sau đây:
Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA:
Cl 3, 16 - 17
Thinh lặng giây lát
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:
1. Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công
bố:
Thư Cô-lô-xê
được thánh Phao-lô viết năm nào? Khoảng năm
60 – 63
Với thư Cô-lô-xê, thánh Phao-lô nhằm giúp
tín hữu mở rộng nhãn quan tôn giáo của mình: Trong Đức Ki-tô, cả vũ trụ được
giao hoà với Thiên Chúa. Đồng thời cũng giúp các tín hữu đi vào các vấn đề thực
tế của cuộc sống huynh đệ: tha thứ cho nhau, hạnh phúc hôn nhân, quan hệ giữa
cha mẹ với con cái, chủ tớ ( 3 – 4). Đấy là những lãnh vực phải sáng tạo cho một
đời sống mới trong tình yêu Chúa Ki-tô: Mọi người hiệp thông để tôn thờ Thiên
Chúa và thánh hoá bản thân. Đó chính là việc cử hành phụng vụ trong Hội Thánh.
Vậy để hiểu rõ hơn sự gắn bó của người tín hữu
với đời sống phụng vụ. Chúng ta cùng thảo luận đoạn Lời Chúa trên.
2. Các em học sinh thảo luận:
Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe là một bài giảng.
a. Đoạn văn có
những từ ngữ hoặc cụm từ nào quan trọng?
Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn,
hát dâng Thiên Chúa, Thánh Thần linh hứng, hãy làm, hãy nói nhân Danh Chúa Giê-su,
nhờ Ngài mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.
- Từ ngữ hoặc cụm từ
chính yếu: Nhân Danh Chúa Giê-su, nhờ Ngài
mà cảm tạ Chúa Cha.
b. Câu tóm ý: câu 17
c. Đặt tựa đề ngắn: Đời sống Phụng vụ trong
Hội thánh
3. Bài học giáo lý:
3. 1 Năm Phụng vụ:
a.
Năm Phụng vụ là gì?
Như các em biết, cứ sau 12 tháng, hoặc
chính xác hơn, 365 ngày 6 giờ, trái đất chúng ta di chuyển được một vòng chung
quanh mặt trời, tạo thành một chu kỳ, gọi là năm Dương lịch. Năm Dương lịch bắt
đầu từ mồng một tháng giêng (Tết Tây) và kết thúc vào ngày 31 tháng 12.
- Để biết hôm nay là thứ
mấy, ngày mấy, tháng mấy, năm nào, chúng ta dựa vào đâu? (Dựa vào lịch)
- Đây là quyển gì các em?
(GLV giới thiệu lịch Công giáo) – Lịch Công
giáo hay còn gọi
là Những ngày lễ Công giáo.
Ngoài việc cho ta biết hôm nay là thứ mấy, tháng
mấy của năm Dương lịch, lịch Công giáo còn cho ta biết các ngày lễ mừng kính
trong năm Phụng vụ. (GLV mở lịch và cho
ví dụ)
Năm phụng
vụ cũng dài 12 tháng như năm dương lịch, nhưng năm phụng vụ bắt đầu từ Chúa Nhật
thứ nhất mùa Vọng (cuối tháng 11 dương lịch) và kết thúc vào thứ bảy sau Chúa
Nhật lễ Chúa Ki-tô Vua.
Trong niềm tin Ki-tô giáo, khi đào sâu lịch sử
cứu độ, người ta khám phá sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử con người.
Lịch sử cứu độ và lịch sử con người lồng vào nhau, đến nỗi người ta có thể khám
phá dấu vết sự can thiệp của Thiên Chúa trong các biến cố nhân loại để cứu chuộc
con người.
Năm Phụng vụ chính là chu kỳ thời gian trong
một năm nhằm tái khám phá sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử con người, trong quá khứ cũng
như hiện tại. Dưới cái nhìn này, lịch sử cứu độ không thuần túy nhằm kỷ niệm các
biến cố quá khứ, nhưng còn kéo dài luôn mãi trong hiện tại hành vi cứu độ của
Thiên Chúa.
b.
Việc phân chia các mùa Phụng vụ (GLV
giới thiệu Sơ đồ năm Phụng vụ)
Năm Phụng vụ với đỉnh cao là Tam Nhật Vượt
Qua được chia thành năm mùa khác nhau như sau:
1. Mùa Vọng: Là thời gian
đi trước lễ Giáng sinh được bắt đầu từ kinh chiều I Chúa Nhật I mùa Vọng và kết
thúc trước kinh chiều I lễ Giáng sinh. Mùa Vọng diễn tả hai đặc tính khác nhau
và được chia làm hai giai đoạn với các ý nghĩa như sau:
- Giai đoạn I: Từ đầu mùa Vọng đến hết ngày
16 tháng 12, nhằm chuẩn bị tâm hồn các tín hữu hướng đến ngày Chúa Ki-tô sẽ trở
lại lần thứ hai trong vinh quang, tức là ngày Quang lâm, ngày Cánh chung.
- Giai
đoạn II: Từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 12 kéo dài trong một tuần lễ, nhằm chuẩn
bị trực tiếp mừng Đại Lễ Giáng sinh, để kính nhớ việc Con Thiên Chúa đã đến trần
gian lần thứ nhất nơi máng cỏ Be-lem.
2. Mùa
Giáng sinh: bắt đầu từ Kinh chiều I lễ Giáng sinh đến
hết lễ Hiển linh hoặc Chúa Nhật sau ngày 6 tháng giêng. Trong mùa Giáng sinh, Hội
Thánh kính nhớ việc Chúa Giáng sinh làm người và những biến cố liên quan đến việc
Chúa đến lần thứ nhất. Trong mùa này, chúng ta cử hành Chúa Nhật lễ Thánh Gia
Thất và Lễ Đức Ma-ri-a Mẹ Thiên Chúa (Ngày 1/1)
3. Mùa
chay: Là thời kỳ chuẩn bị cho các tín hữu đón mừng lễ Vướt Qua. Đối
với các dự tòng, đây là thời kỳ được chuẩn bị trực tiếp để có thể lãnh các bí
tích khai tâm vào Đêm Phục sinh; Còn đối với những người đã chịu thanh tẩy, thì
đó là thời gian hoán cải và sám hối, là lúc họ thanh luyện đời sống và củng cố đức
tin. Tất cả đều được chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cử hành long trọng vào dịp lễ Vượt
qua
Mùa chay kéo dài khoảng 40 ngày, từ thứ Tư lễ
Tro đến thứ bảy Tuần Thánh. Con số 40 theo các giáo phụ mang ý nghĩa biểu tượng
của nhiều sự kiện và biến cố trong Kinh Thánh : 40 năm Dân Do Thái đi trong
hoang địa tiến về Đất Hứa; 40 ngày Mô-sê ở trên núi Si-nai diện kiến Thiên Chúa;
40 ngày Ê-li-a đã trải qua để đến Horeb;40 ngày Đa-vít phải đối đầu với
Goliath; 40 ngày ngôn sứ Giô-na rao giảng sám hối tại Ni-ni-vê và 40 ngày chay
tịnh của Chúa Giê-su trong hoang địa.
· Tam Nhật Vượt Qua: được tính từ thánh lễ Tiệc ly chiều thứ Năm Tuần Thánh đến hết Chúa
Nhật Phục sinh và là tột đỉnh của cả năm Phụng vụ. Trong Tam nhật Vượt qua, Hội
Thánh tưởng niệm cuộc Thương khó và Phục sinh của Chúa Ki-tô. Trung tâm của Tam
nhật là Đêm canh thức Vượt Qua.
4. Mùa Phục sinh: Gồm 50 ngày bắt đầu từ Chúa Nhật Phục sinh và kết thúc vào Chúa Nhật
Hiện xuống. Tám ngày đầu của mùa Phục sinh được gọi là Tuần Bát Nhật và được cử
hành như các lễ trọng kính Chúa. Mùa Phục sinh còn được cử hành trong niềm hân
hoan như một ngày lễ duy nhất, hơn thế, như một “Đại Chúa Nhật”. Cùng với các Tông
đồ, chúng ta nhận ra Chúa mãi mãi đang sống. Niềm vui của chúng ta được biểu lộ
bằng tiếng hát Alleluia.
- 40 ngày sau lễ Phục sinh, Hội Thánh cử hành
lễ Thăng Thiên để mừng kính việc Chúa Lên trời (x. Cv1,3)
- 50 ngày sau lễ Phục sinh, Hội Thánh cử hành
lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Đến đây kết thúc mùa Phục sinh, mở ra thời kỳ
của Hội Thánh hoạt động cùng với Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho chúng ta trở thành những chứng
nhân.
5. Mùa Thường niên:
Ngoài các mùa đặc biệt ( Mùa chay, Phục sinh, Vọng, Giáng sinh)
xoay quanh hai đại lễ Phục sinh và Giáng sinh, năm Phụng vụ Công giáo còn có mùa
Thường niên, gồm 2 phần:
- Phần I: là những tuần lễ nằm trong khoảng từ
sau lễ Hiển linh đến đầu Mùa chay.
- Phần II: gồm những tuần lễ nằm sau lễ Hiện
xuống đến đầu mùa Vọng.
Trong mùa Thường niên, Hội Thánh không cử hành một khía cạnh đặc biệt nào về mầu
nhiệm Chúa Ki-tô như trong mùa Giáng sinh và Phục sinh nhưng tôn kính mầu nhiệm
Chúa Ki-tô cách chung. Đây là thời gian Hội Thánh mời gọi ta suy niệm về cuộc đời
và những lời giảng dạy của Chúa Ki-tô, và hướng ta đến niềm hy vọng vinh quang
muôn đời.
* Trong niên lịch Phụng vu ï(Lịch Công giáo) chúng ta còn thấy Hội
Thánh ghi những ngày lễ kính Đức Mẹ và Các Thánh.
- Tóm ý:
Năm Phụng vụ được sắp xếp cách sư phạm theo lịch sử cứu độ, Trung tâm của năm
Phụng vụ là mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Ki-tô, mầu nhiệm này được báo trước
trong các biến cố Cựu ước và được đào sâu nơi các mầu nhiệm mà Hội Thánh mừng
kính sau này.
3. 2 Tuần lễ của người tín hữu
- Trong Sáu điều răn Hội Thánh, điều răn thứ
nhất và thứ hai, Hội Thánh dạy ta những gì? (
Dự lễ, kiêng việc xác ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc).
- Tại
sao Hội Thánh lại dạy ta phải kiêng việc xác và dự lễ ngày Chúa Nhật? (Vì ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày
kính nhớ Chúa Ki-tô Phục sinh, ngày Hội Thánh dành trọn vẹn để thờ phượng Chúa).
Trong Cựu Ước, Dân Chúa nghỉ ngày cuối tuần để
kính mừng công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Trong Tân Ước, Chúa Ki-tô Phục
sinh hiện ra với các môn đệ vào ngày thứ nhất trong tuần (Mt 28,1-7). Từ đó, Chúa
Nhật trở thành ngày đặc biệt đối với Hội Thánh Sơ khai: Ngày họp nhau cầu nguyện,
bẻ bánh (cử hành Thánh lễ), làm việc
bác ái (Cv 20,7-8; 1Cr16,1-2). Trong suốt 3 thế kỷ đầu, dù bị bách hại khốc liệt,
các tín hữu vẫn trung thành giữ ngày Chúa Nhật như vậy. Cho đến nay, trải qua bao
nhiêu thế kỷ, Chúa Nhật vẫn luôn là ngày Hội Thánh dành trọn vẹn để thờ phượng
Chúa, để mừng CKPS, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết để thực hiện cuộc sáng
tạo mới.
Như vậy, chúng ta thấy: Hội Thánh thờ phượng
Thiên Chúa trong mọi giây phút, nhưng cách riêng Hội Thánh dành ngày Chúa Nhật để
kính nhớ Chúa Ki-tô Phục sinh.
Khi có điều kiện, ngoài thánh lễ Chúa Nhật,
ta nên tham dự cả những thánh lễ ngày thường, vì Thánh lễ là cuộc tưởng niệm lễ
Vượt qua của Chúa Ki-tô bằng hành vi Phụng vụ của Hội Thánh, làm cho hy lễ Thập
giá của Ngài trở thành hiện tại để thờ phượng và cảm tạ Chúa Cha.
Thánh lễ cũng như những giờ Phụng vụ khác không
phải là những phần cắt lìa khỏi cuộc sống. Phụng vụ không những ở giữa cuộc sống,
nối liền với cuộc sống, mà hơn nữa còn là linh hồn của cuộc sống Ki-tô hữu. Ta
cần quan tâm chuẩn bị để có thể sống những giờ khắc Phụng vụ thật thâm sâu, để
mỗi giờ Phụng vụ thực sự trở thành Men mến yêu cho toàn bộ cuộc sống của mỗi người
cũng như cuộc sống của gia đình và xã hội.
- Tóm ý:
Hội Thánh thờ phượng Thiên Chúa trong mọi giây phút, nhưng cách riêng, Hội Thánh
dành ngày Chúa Nhật để kính nhớ Chúa Ki-tô Phục sinh.
3. 3 Cử hành cuộc sống mỗi ngày:
Việc thờ phượng Thiên Chúa
trong mọi giây phút được Hội Thánh thể hiện qua Phụng vụ: Thánh lễ, các Bí
tích, đặc biệt việc cử hành các giờ kinh Phụng vụ. Đó là những việc cầu nguyện
chính thức của toàn thể Hội Thánh. (GLV
giới thiệu sách Các Giờ Kinh Phụng vụ)
Vì mang khát vọng mãnh liệt
muốn kết hiệp với Thiên Chúa suốt ngày, các đan sĩ đã tạo những cái đà nhắc nhở
mình việc kết hợp thường xuyên ấy, nên ngoài Thánh lễ, họ đã đọc 7 giờ kinh:
Kinh tối, kinh đêm, kinh sáng, kinh giờ ba (9giờ sáng), kinh giờ sáu ( kinh trưa),
kinh giờ chín (sau trưa) và kinh chiều. Phần chính của các giờ kinh này là các
thánh vịnh.
Hội Thánh đã coi các giờ kinh ấy là Phụng vụ
tức là lời cầu nguyện chính thức của Dân Chúa, và đã gọi là Các Giờ kinh Phụng
vụ. Từ đó, các linh mục triều và mọi tu sĩ cũng buộc phải đọc ít là năm giờ
kinh mỗi ngày, để thánh hoá thời gian và để cầu nguyện thay cho Dân Chúa.
Sau Công đồng Va-ti-ca-nô II, Sách Các giờ
kinh Phụng vụ được xếp lại ngắn gọn và dễ dùng hơn ngày xưa. Hội Thánh khích lệ
toàn thể Dân Chúa cầu nguyện liên lỉ bằng việc đọc các giờ kinh (hay ít là đọc
giờ kinh sáng và giờ kinh chiều). Giờ kinh Phụng vụ không thuộc quyền sở hữu của
những người có chức thánh hay những người do luật quy định phải đọc, đó là kinh
nguyện của Dân Chúa (GK 20). Vì thế mỗi
tín hữu theo hoàn cảnh và thời gian cho phép, được mời gọi đọc các giờ kinh
theo khả năng của mình (GK 27,32). Khi đọc kinh như thế, họ biến cuộc đời mình
nên lời ca ngợi dâng lên Thiên Chúa và hiệp nhất với mọi người cầu xin cho phần
rỗi nhân loại.
Chuỗi Mân côi được hình thành hồi giữa thế kỷ
XIII cũng là để phần nào đáp lại ao ước của những giáo dân muốn tham dự các giờ
kinh Phụng vụ mà không có điều kiện. 150 kinh Kính mừng được đọc thay 150 thánh
vịnh và người ta có thể chia ra đọc nhiều lần trong ngày để thánh hoá thời
gian.
Tâm tình thánh hiến thời gian còn có thể được
thực hiện bằng những lời nguyện tắt hoặc việc tạ ơn theo hơi thở. Mỗi lần hít vào
là một lần cảm tạ Chúa Cha về những hồng ân đang lãnh nhận. Mỗi lần thở ra là một
lần nhắc mình hiến dâng bản thân cho Thiên Chúa và đồng loại.
- Tóm ý: Giờ kinh Phụng
vụ là lời ca ngợi của Hội Thánh không
ngừng dâng lên Thiên Chúa vì các kỳ công Chúa đã thực hiện trong lịch sử loài
người, là lời cảm tạ tri ân vì công trình cứu chuộc, là lời cầu xin cho toàn thể
nhân loại và là việc thánh hoá thời gian và toàn bộ đời sống con người trong chương
trình của Thiên Chúa.
· TÓM Ý TOÀN BÀI: Phụng vụ là việc thờ phượng
chính thức của toàn thể Hội Thánh để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hoá
con người. Phụng vụ gồm thánh lễ, các bí tích,các phụ tích, các Giờ kinh Phụng
vụ.
Phụng vụ không phải là một
sinh hoạt bên lề đời sống Hội Thánh nhưng chính là sinh hoạt làm nên Hội Thánh,
nên đời sống người tín hữu cũng phải gắn liền với Phụng vụ, từ cái trang trọng
của những ngày lễ lớn trong năm Phụng vụ đến nhịp hằng tuần đều đặn và cả những
giờ khắc hằng ngày của đời thường.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:
1. Gợi tâm tình cầu nguyện:
Các em thân mến,
Một trong những sinh hoạt
chính yếu của Hội Thánh từ xưa đến nay là cùng nhau cầu nguyện, ca tụng Thiên
Chúa. Và Hội Thánh hằng khuyên nhủ con cái mình: “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy
đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh
ca do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy nói nhân Danh Chúa
Giê-su và nhờ Ngài mà cảm ta Thiên Chúa Cha” (Cl 3,16-17)
Để đáp lời mời gọi của Hội
Thánh, chúng ta cần tham dự Phụng vụ cách tích cực, thành kính và đầy yêu mến.
Và giờ đây, Anh (chị) mời các em cùng hiệp dâng lên Chúa những tâm tình cầu
nguyện tha thiết:
1.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Hội Thánh đã dùng
thời gian Chúa ban để tôn vinh Chúa qua các mùa của một năm Phụng vụ. Chúng con
xin cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho chúng con thời gian để chiêm ngắm Chúa, sống
những tâm tình của Chúa. Xin cho chúng con luôn ý thức để sống trọn vẹn những ơn
Chúa đã ban. Chúng con cầu xin, nhờ Đức
Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.
VI. SINH HOẠT:
Mỗi tổ cử người lên bảng
viết
thứ tự các mùa trong năm Phụng vụ. Tổ nào viết chính xác và nhanh nhất
sẽ thắng:
- Mùa Vọng
- Mùa Giáng sinh
- Mùa Thường niên I
- Mùa Chay
- Mùa Phục sinh
- Mùa Thường niên II.
VII. BÀI TẬP:
Em hãy chọn câu đúng nhất
và đánh dấu x vào ô vuông º
1.
Phụng vụ là:
a. Việc thờ phượng chímnh thức
của toàn thể Hội Thánh.
b. Việc tôn vinh Thiên Chúa
và thánh hoá con người.
c. Câu a đúng.
d. Cả 2 câu a và b đúng. (câu d)
2.
Tâm điểm và đỉnh cao của năm Phụng vụ là:
a. Lễ Giáng sinh và tuần Bát
nhật lễ Giáng sinh.
b. Lễ Phục sinh với 3 ngày
kính nhớ mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giê-su.
c. Lễ Phục sinh và tuần Bát
nhật lễ Phục sinh. (câu b)
3.
Phụng vụ gồm:
a. Thánh lễ, các bí tích,
các Giờ kinh Phụng vụ và các phụ tích.
b. Thánh lễ, lần hạt Mân côi
và nguyện tắt.
c. Các giờ kinh Phụng vụ và
rước kiệu Đức Mẹ.
(câu a)
VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:
1.
Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?
Phụng vụ là một hồng ân Chúa ban cho Hội Thánh, đồng thời Hội Thánh
luôn sống động nhờ việc cử hành các mùa Phụng vụ trong năm.
2.
Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?
Để tham dự Phụng vụ cách tích cực: tuần này em quyết tâm siêng năng
tham dự thánh lễ, đi lễ đúng giờ, lên những hàng ghế trên, thưa kinh cách nghiêm
trang, sốt sắng.
IX. CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:
Lạy Chúa Giê-su, chúng
con xin dâng lên Chúa tâm tình tri ân về những ơn Chúa ban cho chúng con trong
giờ giáo lý này. Xin Chúa giúp chúng con siêng năng và sốt sắng tham dự Phụng vụ
để cuộc sống chúng con là bài ca cảm tạ không ngừng dâng lên Chúa, để tôn vinh
Chúa, thánh hoá cuộc sống chúng con và mưu
ích cho các linh hồn. Amen.