Bài 13
CÁC BÍ TÍCH XÂY DỰNG CỘNG ĐOÀN
1Cr 12, 4 – 8
Học cụ: - Tranh Bữa Tiệc ly hay hình Lễ Truyền chức
- Hình bí tích Hôn phối
Lạy Chúa, chúng con xin dâng
lên Chúa giờ học hôm nay, để tìm hiểu về tình yêu Chúa đã dành cho chúng con
qua những ơn gọi khác nhau trong Hội Thánh.
Xin Chúa ban Chúa Thánh
Thần xuống trên chúng con, để Ngài soi sáng, thánh hoá, hướng dẫn, giúp chúng
con ngày thêm hăng hái dấn thân phụng sự Chúa và Hội Thánh.
Đọc Kinh Sáng soi
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA:
Câu chuyện “Hôn nhân là gì?” (Bông
lúa vàng, trg. 210)
“Hôn nhân là gì?” – Một
cha sở Ái Nhĩ Lan hỏi một em bé gái trong buổi học giáo lý cuối cùng của một khóa
Thêm sức, và em bé rất thuộc bài học giáo lý. Nhưng, vì vị Giám mục đến sớm một
giờ, trước giờ ban phép thêm sức, nên Ngài bất chợt muốn dự giờ học của các em.
Sự hiện diện đột xuất của
một nhân vật như thế làm các em dao động. Đây là điều dễ hiểu!
Khi cha sở hỏi em bé trên
định nghĩa “Hôn nhân là gì?” cho vị Giám mục nghe, em đứng dậy, đọc một mạch không
do dự: “Hôn nhân là một tình trạng gồm nhiều khổ não, đau đớn mà tất cả những
ai bước vào đó đều bó buộc chịu đựng một thời gian nao đó, để đền bù các hình
phạt tạm thời do tội của họ gây ra và để chuẩn bị một đời sống tốt đẹp hơn”. Tất
cả những lời này được phát biểu một cách chắc chắn và nhanh đến độ cha sở không
kịp chận lại!
Chỉ sau đó, cha sở mới có
thể sửa lại: “Không phải! Đó không phải là hôn nhân, đó là luyện ngục!”
Vị Giám mục điềm nhiên
theo dõi cuộc đối thoại ngắn ngủi này. Tuy nhiên, đôi mắt ngài toát ra vẻ hóm hỉnh
khi Ngài tuyên bố rất nhẹ nhàng: “Cha cứ để mặc em bé. Biết đâu em có lý?”
Các em thân mến, phải chăng đời sống hôn nhân
là bể khổ như người ta vẫn nói : “Tu là cõi phúc, tình là giây oan!” ? Không,
Chúa mời gọi người này vào đời sống độc thân dâng hiến, người kia Người mời gọi
sống đời hôn nhân gia đình. Chúa đã lập nên bí tích Truyền chức thánh và bí
tích Hôn phối. Và Chúa ban ơn cho từng bậc sống để mọi người cùng nhau xây dựng
Hội Thánh Chúa trong ơn gọi của mình. Lời Chúa trong thư 1 Cô-rin-tô sau đây sẽ
cho ta thấy rõ điều đó.
Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA:
1Cr 12, 4 - 8
Thinh lặng giây lát
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:
1. Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công
bố:
- Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe của ai
viết? Gửi cho ai? (Thánh Phao-lô gửi tín
hữu Cô-rin-tô)
- Thư 1 Cô-rin-tô được viết năm nào? (Năm
56)
Phao-lô là người duy nhất
đã lấy hình ảnh “Thân mình” để chỉ Hội Thánh Chúa. Cũng như thân thể gồm nhiều
chi thể, mỗi chi thể có một nhiệm vụ khác nhau, nhưng tất cả đều hiệp nhất để xây
dựng thân thể; thì trong thân thể nhiệm mầu của Đức Ki-tô là Hội Thánh cũng vậy; có nhiều ơn gọi khác nhau: người
thì hoạt động truyền giáo bằng đời sống độc thân dâng hiến, người thì làm chứng
cho Chúa trong đời sống hôn nhân, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Chính Chúa là tác nhân, là nguồn mạch mọi sự. Mỗi người hãy dùng ơn Chúa ban để
phục vụ Chúa và tha nhân. Để thấy rõ hơn tư tưởng của thánh Phao-lô, chúng ta cùng
thảo luận đoạn Lời Chúa trên.
2. Các em học sinh thảo luận:
Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa
nghe là một bài giảng.
a. Đoạn văn có những
từ ngữ hoặc cụm từ nào quan trọng?
Nhiều đặc sủng, một Thần khí
Nhiều việc phục vụ, chỉ có một Thiên
Chúa
Nhiều hoạt động, chỉ có một Thiên Chúa
Thần Khí, ích chung.
- Từ ngữ hoặc cụm từ
chính yếu: Chỉ có một Thiên Chúa
b. Câu tóm ý: câu 6
c. Đặt tựa đề ngắn: Thiên Chúa là nguồn mạch
mọi sự
3. Bài
học giáo lý:
Trong tình yêu thương
quan phòng, Thiên Chúa đã tế nhị dẫn dắt từng người vào những bậc sống khác
nhau: người đi tu, kẻ sống đời hôn nhân, người làm nghề này, kẻ yêu nghề nọ…Sự
an bài kỳ diệu này, người ta quen gọi là “Ơn gọi”
Tất cả mọi tín hữu, do bí
tích Rửa tội, được tăng cường sức mạnh do bí tích Thêm sức và được nuôi dưỡng bằng
bí tích Thánh Thể, đều được mời gọi nên thánh (x. HT 5), trở nên môn đệ Chúa
Ki-tô và được trao sứ mạng truyền giáo.
Để thực hiện sứ mạng và ơn
gọi truyền giáo, mỗi người được tự do đáp lại lời Chúa gọi: sống bậc tu trì hoặc
hôn nhân. Nhìn vào giáo xứ hay giáo phận, ta thấy có Đức Giám mục, các linh mục,
phó tế (hàng giáo sĩ), các tu sĩ nam, nữ, những người sống trong bậc sống gia đình…
Trong bài học giáo lý hôm
nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về bí tích Truyền chức thánh và bí tích Hôn phối.
3. 1 Bí tích Truyền chức thánh:
Tôn giáo nào cũng có người
chuyên lo việc tế tự, những người đó được gọi là tư tế (tư: riêng; Tế: tế lễ. Tư tế : lo riêng việc tế lễ)
Thời Cựu Ước, ngoài Mô-sê
là người lãnh đạo Dân Chúa, còn có A-a-ron (Xh 28). Sau này, trong 12 chi tộc,
Chúa lại chọn chi tộc Lê-vi để chuyên lo việc tế tự (x. Đức Giê-su 1,48. 53). Các
tư tế đầu tiên của Cựu ước được thánh hiến bằng một nghi thức đặc biệt (Chúa
Ki-tô, Xh 29,1-30; Lv 8). Họ đại diện cho loài người để dâng lễ tế lên Thiên Chúa(x.
Dt5,1)
Qua thời Tân ước, Chúa Giê-su
cũng thiết lập chức tư tế của giao ước mới bằng bí tích Truyền chức thánh (còn gọi là bí tích Tư tế).
Vậy bí tích Truyền Chức
Thánh là gì?
Chúng ta cùng tìm hiểu.
TÊN GỌI |
Bt Truyền Chức Thánh, Bt Tư Tế. |
MỤC ĐÍCH |
Để thánh hiến những người được Chúa tuyển chọn và giao cho họ thi
hành các tác vụ thánh. Chức thánh gồm ba bậc là: giám mục, linh mục và phó tế. |
DẤU CHỈ |
Bí tích Truyền chức thánh được cử hành bằng việc đặt tay cùng với
lời nguyện thánh hiến của Đức giám mục. |
ƠN BÍ TÍCH |
- Nối kết người tín hữu với Đức Ki-tô là Đầu. - Ban ơn Thánh Thần để giúp người lãnh nhận trở nên giống hình ảnh
Chúa Ki-tô là Tư tế, thầy dạy và mục tử, đồng thời giúp họ sống xứng đáng và
chu toàn chức vụ. - Trao ban ba quyền: rao giảng Lời Chúa, tế lễ và ban các bí
tích, hướng dẫn và phục vụ Dân Chúa. |
ĐẶC ĐIỂM |
Chỉ được nhận một lần vì bí tích Truyền Chức Thánh ghi dấu ấn thiêng
liêng và vĩnh viễn trên người lãnh nhận. |
NGƯỜI CỦ HÀNH |
Giám mục |
NGƯỜI LÃNH NHẬN |
Chỉ những người nam đã được rửa tội, được Thiên Chúa kêu gọi, có đủ
điều kiện theo luật Hội Thánh, thì mới được lãnh nhận bí tích này. |
KẾT LUẬN CHO BẢN THÂN |
- Yêu mến và năng cầu nguyện cho các chủ chăn của mình, đặc biệt
là Đức Thánh Cha, Đức Giám mục giáo phận và các cha phụ trách giáoxứ. - Tích cực cộng tác với cha xứ. - Cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, tu sĩ nam nữ. - Tìm hiểu các dòng tu nam nữ. |
- Tóm ý:
Chúa Giê-su lập bí tích Truyền chức thánh để thánh hiến những người Chúa chọn,
để họ được quyền thi hành những công việc (tác vụ) thánh, đồng thời Ngài còn
ban ơn để họ xứng đáng chu toàn chức vụ của mình.
3. 2 Bí tích Hôn phối :
- Các em thấy gia đình nào
có đám cưới thì họ làm gì? (Họ trang hoàng
nhà cửa, tổ chức tiệc cưới, mời bà con, làng xóm…)
Về mặt xã hội, họ cùng nhau làm giấùy đăng ký
kết hôn, có chứng thực của chính quyền. Như vậy, họ đã trở thành vợ chồng.
- Nếu những người Công giáo
cũng tổ chức đám cưới như thế thì đã là vợ chồng trước mặt Hội Thánh chưa? (Chưa)
Đúng! Chỉ khi được lãnh
nhận bí tích Hôn phối, họ mới trở nên vợ, nên chồng của nhau.
Sách Sáng thế chương 2
cho biết: Thiên Chúa dựng nên A-đam và E -và, kết hợp họ với nhau thành tổ ấm yêu
thương. Vì thế, gia đình, hôn nhân đã ăn sâu trong bản tính con người (Hôn nhân tự nhiên).
Trong
Tân ước, Chúa Ki-tô lập bí tích Hôn phối để thánh hoá đời sống vợ chồng: “Sự gì
Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Chúa Ki-tô còn
đến dự tiệc cưới Cana để chúc phúc và ban ơn cho đôi tân hôn, làm cho tình yêu
của họ được bền chắc. (Ga 1, 1-12). Tình yêu này phản ánh tình yêu của Ngài và
nhờ tình yêu đó, con người có thể đạt tới Thiên Chúa tình yêu.
Chúng ta cùng tìm hiểu bí
tích Hôn phối.
TÊN GỌI |
Bí Tích Hôn Phối, Bt Hôn Nhân. |
MỤC ĐÍCH |
Để kết hợp hai người tín hữu, một nam và một nữ, thành vợ chồng
trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, và để ban ơn cho họ chu toàn các trách nhiệm
của ơn gọi đó. |
DẤU CHỈ |
Bí tích Hôn phối được thực hiện qua sự ưng thuận và lời cam kết của
hai người kết hôn trước mặt vị đại diện của Hội Thánh, để nhận nhau làm vợ chồng
suốt đời. |
ƠN BÍ TÍCH |
Qua bí tích Hôn phối, Chúa Giê-su ban Thánh Thần liên kết hai người
nên một, ban nhiều ơn riêng để củng cố tình yêu của họ, giúp họ nên thánh
trong đời sống vợ chồng, trong việc sinh sản và nuôi dạy con cái. |
ĐẶC ĐIỂM |
Chúa Giê-su dạy những người đã kết hôn phải giữ một vợ một chồng
và chung thủy yêu thương nhau suốt đời. |
NGƯỜI CỬ HÀNH |
Chính hai đương sự: hai Ki-tô hữu, một nam một nữ. |
ĐIỀU KIỆN |
Để thành bí tích Hôn phối, cần có ba điều kiện này: - một là cuộc hôn nhân ấy không bị cản trở bởi luật tự nhiên và
luật Hội Thánh - hai là hai người không bị ép buộc, nhưng hoàn toàn tự ý ưng thuận
kết hôn. - ba là việc kết hôn được cử hành theo nghi thức của Hội Thánh Công
giáo. |
KẾT LUẬN CHO BẢN THÂN |
- Sống hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương anh chị em trong gia đình.
- Năng cầu nguyện cho cha mẹ. Góp phần vun đắp cho bầu khí yêu thương
và hợp nhất của gia đình. |
- Tóm ý:
Bí tích Hôn phối là dấu chỉ Chúa Giê-su dùng để kết hợp hai người tín hữu (Công
giáo), một nam, một nữ thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, đồng
thời ban ơn cho họ chu toàn các trách nhiệm trong đời sống vợ chồng.
3. 3 Gia đình là Hội Thánh
nhỏ:
Vì sao gia đình Ki-tô hữu
là Hội Thánh nhỏ của Chúa?
Có thể gọi Hội Thánh là:
- Cộng đoàn cầu nguyện
- Cộng đoàn ân sủng (Các bí tích)
- Trường dạy các đức tính
siêu nhiên và nhân bản (Các lớp giáo lý)
- Cộng đoàn truyền giáo.
Vậy trong gia đình các em có cầu nguyện không ?
Trước khi em có trí khôn để
học giáo lý ở trường thì cha mẹ là người đầu tiên dạy giáo lý cho em tại gia đình.
Cha mẹ dạy cho em biết cầu nguyện, giúp em ngày càng trưởng thành trong đời sống
đức tin và nhân bản.
Chính trong khung cảnh
gia đình, người tín hữu sống và thể hiện những chức năng chính yếu của Hội Thánh
: tư tế, ngôn sứ và vương đế. Gia đình là nơi cha mẹ giáo dục và làm chứng về đức
tin cho con cái và giúp con cái khám phá ra ơn gọi Chúa dành cho chúng. Gia đình
cũng là nơi mọi thành phần hợp nhất với nhau trong kinh nguyện, trong tinh thần
phục vụ, yêu thương, quảng đại và thứ tha.
- Tóm ý: Gia đình là Hội
Thánh nhỏ của Chúa. Mỗi gia đình là một hạt men sống, giúp cho Hội Thánh Chúa lớn mạnh. Ý thức được vai trò đó, em hãy
là một thành viên gương mẫu trong gia đình mình.
· TÓM Ý TOÀN BÀI: Trong Thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô là Hội Thánh, mỗi người được
Chúa kêu gọi làm chứng cho Chúa trong một bậc sống: độc thân dâng hiến hay đời
sống hôn nhân. Chính Chúa Giê-su đã lập ra bí tích Truyền chức thánh và bí tích
Hôn phối để ban ơn nâng đỡ, giúp mỗi người chu toàn sứ mạng Chúa trao trong bậc
sống của mình. Để đáp lại tiếng Chúa mời gọi, ngay từ bây giờ em hãy tích cực xây
dựng gia đình mình thành một Hội Thánh tại gia, để góp phần xây dựng Hội Thánh
toàn cầu ngày càng thánh thiện như ý Chúa muốn.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:
1. Gợi tâm tình cầu nguyện:
Các em thân mến,
Nhờ bí tích Hôn phối, chúng
ta được sinh ra và lớn lên trong gia đình Công giáo. Nhờ bí tích Truyền chức thánh,
cuộc sống chúng ta từ khi mới sinh đến lúc lìa đời luôn được lãnh nhận biết bao
ân sủng của Chúa qua các linh mục. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và tha thiết cầu
nguyện.
2.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã lập
ra bí tích Truyền chức thánh và bí tích Hôn phối để dẫn đưa con người vào gia đình
của Chúa và mời gọi con người cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. Xin Chúa
ban cho Hội Thánh Chúa có nhiều linh mục thánh thiện, và xin cho những ai sống
trong đời sống hôn nhân biết noi gương Thánh gia thất xưa. Để mọi người cùng nhau
xây dựng Hội Thánh Chúa, giới thiệu cho những người chưa tin nhận Chúa được biết
rằng Thiên Chúa là tình yêu. Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng sống hằng
trị muôn đời. Amen.
VI. SINH HOẠT: Hát: “Chứng nhân
tình yêu”
VII. BÀI TẬP:
Em hãy chọn câu đúng nhất
và đánh dấu x vào ô vuông ¨
1. Chức thánh gồm 3 bậc:
a. Giáo hoàng, Giám mục và linh mục.
b. Giám mục, linh mục và phó tế
c. Hồng y, giám mục và linh mục
(câu b)
2. Để sống bí tích Truyền chức thánh, ta cần:
a. Yêu mến và năng cầu nguyện cho các chủ chăn của mình
b. Tích cực góp phần xây dựng giáo xứ
c. Cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, tu sĩ
d. Câu a đúng
e. Cả 3 câu a, b, c đều đúng
(câu e )
3. Để góp phần xây dựng gia đình là Hội Thánh nhỏ của Chúa, ta cần:
a. Tích cực tham gia vào các công tác xã hội
b. Trở nên một thành viên gương mẫu trong gia đình
c. Tập trung tất cả vào việc học ở trường.
(câu b)
VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:
1.
Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?
Chúa Giê-su đã lập ra bí tích Truyền chức thánh và bí tích Hôn phối
và Ngài mời gọi mỗi người cộng tác với ơn Chúa xây dựng Hội Thánh trong ơn gọi
của mình.
2.
Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?
-Năng cầu nguyện cho các chủ chăn và tích cực góp phần xây dựng giáo
xứ bằng cách siêng năng tham dự Thánh lễ, học giáo lý, tham gia các công việc
chung của giáo xứ.
- Cầu nguyện cho cha mẹ, vâng lời và phụ giúp cha mẹ những việc cụ
thể.
IX. CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa về những ơn Chúa đã ban cho chúng con trong giờ học giáo lý hôm nay. Xin Chúa giúp chúng con thực hành những điều Chúa đã soi sáng và mời gọi chúng con sống, để đáp lại tình thương vô bờ Chúa đã dành cho chúng con, cho gia đình, cho giáo xứ chúng con và toàn thể Hội Thánh Chúa. Amen.