Bài 19

HỘI THÁNH CHIA RẼ:

ĐÔNG PHƯƠNG VÀ TÂY PHƯƠNG

Ga 17, 20 - 21

I.   CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ:

         Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, vì yêu thương Cha đã quy tụ chúng con lại đây trong tình hiệp nhất của những người con có chung một Cha ở trên trời. Chúng con xin dâng Cha tâm tình cảm tạ, yêu mến và tôn thờ.

     Xin Cha ban Chúa Thánh Thần xuống để Ngài soi sáng, giúp chúng con hiểu được những thăng trầm của Hội thánh, và xin Ngài giúp chúng con biết cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất của Hội thánh từ trong gia đình, giáo xứ, giáo phận chúng con như ý Chúa muốn. Amen.

II.      DẪN VÀO LỜI CHÚA:

     Một nhà Vua kia có 3 người con trai – cả ba vị Hoàng tử này đều có tài ngang nhau. Trước khi chết, Vua nghĩ đến việc chia đất đai và quyền hành cho cả ba cậu. Nhưng điều mà Vua lo ngại nhất : Đó là liệu khi Vua chết rồi ba anh em có còn biết hợp tác với nhau và coi nhau như anh em một nhà, là dòng dõi duy nhất của Vua nữa hay không? Để dạy cho họ bài học về giá trị của sự hiệp nhất, nên Vua vời ba Hoàng tử đến, trao cho mỗi người một cây cung, tượng trưng cho sự cai trị đất nước, rồi nhà vua lại sai người mang đến một bó tên để bắn. Vua bảo người con thứ nhất: “Con hãy cầm lấy bó tên này và cố gắng bẻ gẫy tất cả cho cha”. Cậu con bẻ mãi mà không gẫy. Tới người con thứ hai, và cậu Hoàng tử út, Vua cũng bảo làm thế. Nhà Vua gật gù : các con không thể bẻ gẫy cả bó tên đó được đâu vì chúng được gom lại thành một khối. Còn bây giờ nếu cha đưa ra từng cây, chắc chắn các con sẽ bẻ được dễ dàng. Cũng vậy, vương quốc này, rồi đây khi cha mất đi, nếu các con biết hiệp nhất với nhau, chỉ có một vương quốc thôi và mỗi người tùy theo khả năng mà làm việc thì cha tin chắc : không một quân thù nào có thể đánh phá được đất nước ta…Đó là điều ước nguyện duy nhất mà cha mong ước trước khi lìa trần.

     Các em thân mến,

     Các em thấy đó, một Quốc gia muốn vững mạnh thì mọi thành phần trong đó đều phải hiệp nhất với nhau, đây chính là ước vọng của mọi Quốc gia trên thế giới. Ước vọng này bắt nguồn từ hoài bão tốt lành, đầy yêu thương của Chúa Giê-su. Ngài muốn Hội thánh đừng phân rẽ với nhau nhưng biết kết hiệp như Ba ngôi Thiên Chúa đã kết hợp cùng nhau, đó chính là điều mà Lời Chúa muốn nói với chúng ta giờ đây.      Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

III.    CÔNG BỐ LỜI CHÚA:         Ga 17, 20 - 21

                                                     Thinh lặng giây lát

IV.     GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:

1.   Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố:

         -Tin Mừng Gio-an được viết năm nào? (Khoảng năm 80-90).

         Chúng ta vừa nghe những lời cầu nguyện của Đức Giê-su trước khi bước vào cuộc thương khó. Chúa cầu nguyện cho Hội thánh, cộng đoàn những kẻ tin sum vầy xung quanh các Tông đồ được hiệp nhất. Sự hoà hợp, duy nhất giữa các kẻ tin họa lại sự hiệp nhất giữa Cha và Con sẽ làm cho thiên hạ tin vào sứ mạng của Chúa Giê-su cho thế gian.

     Mời các em thảo luận đoạn Lời Chúa trên để thấy sự quan tâm của Chúa Giê-su đến sự hiệp nhất của Hội thánh.

2. Các em học sinh thảo luận:

     Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe là một bài giảng.

          a. Đoạn văn có những từ ngữ hoặc cụm từ nào quan trọng?

              Không chỉ, cầu nguyện cho những người này (các Tông đồ), nhưng, cho những ai nhờ   lời họ mà tin vào Cha, thế gian sẽ tin, để tất cả nên một, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, họ cũng ở trong chúng ta, tin, Cha đã sai Con.

           - Từ ngữ  (cụm từ) chính : Để tất cả nên một.

          b. Câu tóm ý: câu 21

          c. Đặt tựa đề ngắn:  Chúa Giê-su cầu nguyện cho Hội thánh được hiệp nhất.

                           Hoặc :Lời cầu nguyện hiệp nhất.

         Tại sao Chúa Giê-su lại quan tâm nhiều đến sự hiếp nhất của Hội thánh như thế? Chúng ta cùng tìm hiểu bài học.

3. Bài học giáo lý:

     3. 1  Dân chúng khốn khổ:

    Từ thế kỷ V đến thế kỷ X, Tin Mừng được rao giảng cho hầu hết các dân sống trên phần đất châu Aâu ngày nay.

     Vào thế kỷ X, châu Âu đã nhận biết Tin Mừng nhưng vẫn còn man dã, nghề canh nông còn thô sơ không đủ nuôi sống mọi người nên vẫn thường xảy ra nạn đói và bệnh dịch. Các vua chúa và các liên bang cũng không kiểm soát được lãnh thổ họ thật hữu hiệu. Các lãnh chúa địa phương thường gây chiến với nhau, tàn phá mùa màng. Thay vì bảo vệ dân chúng, họ lại làm cho dân bị nghèo đói. Trong thực tế không còn các thành phố nữa.

 - Tóm ý: Vào thế kỷ X, châu Âu đã nhận biết Tin Mừng nhưng cuộc sống dân chúng rất khốn khổ vì nghèo đói.

     3. 2  Hội thánh rao giảng sự bình an

         Trong cảnh khốn khổ đó, Hội thánh phải làm việc để loan báo Tin Mừng bình an. Nhiều đan sĩ, linh mục và giám mục đã đem hết sức mình để cải thiện hoàn cảnh sống của dân chúng:

     -Các đan sĩ sống thành những cộng đoàn theo sát Tin Mừng. Họ dành nhiều thời gian mỗi ngày để ca tụng Thiên Chúa. Họ khai phá những vùng đất mới, cải thiện kỹ thuật canh tác và nhờ đó họ sản xuất được nhiều hơn dân quê. Khi gặp nạn đói, họ tiếp cứu dân quê. Vì thế, dần dần dân quê tụ tập lại quanh các tu viện và học cách canh tác với các đan sĩ. Đối với họ, tu viện trở thành trường học, bệnh viện, dưỡng đường. Nhiều thành phố đã thành hình theo kiểu đó. Ngoài ra trong các tu viện ấy, các tu sĩ ra công sao chép lại các sách xưa, và nhờ đó, họ bảo tồøn những kho tàng phong phú của văn hoá Hy lạp và La tinh.

     Điều mà người ta thấy thực hiện trong ngành văn chương thế nào, thì ngành nghệ thuật cũng vậy. Ngay từ thế kỷ VIII và IX, các đan viện đã có những xưởng chế tạo đồ bạc, đồ thêu, sản phẩm điêu khắc. Thay vì cứ bo bo giữ những nghi thức tế tự cổ điển, Hội thánh sẵn sàng tiếp đón nhiều sáng kiến, kỹ thuật, kiểu trang sức của các dân tộc.

     -Cho đến thế kỷ X và XI, các giám mục thường nhóm họp thành công đồng, tìm cách ngăn cản giới quân nhân đừng đánh nhau, tìm cách dạy họ tôn trọng người khác cũng như công việc của người khác và dạy họ kiềm chế tính hiếu chiến. Các ngài dạy họ sống tinh thần Hoà bình của Thiên Chúa: Những người mang khí giới phải biết kính trọng các cô nhi quả phụ, linh mục, nhà thờ. Với quy chế “Đình chiến vì Thiên Chúa”, các hiệp sĩ cam kết không đánh trận trong mùa Chay, mùa Vọng, các ngày thứ sáu và Chúa Nhật. Còn các linh mục miền quê thì lo tổ chức đời sống hằng ngày cho dân quê, dùng các cuộc lễ và hành hương để giúp người ta dễ đến với Thiên Chúa hơn.

- Tóm ý: Trong cảnh khốn khổ của dân chúng châu Âu thời Trung cổ, Hội thánh đã gieo rắc sự bình an : nhiều linh mục, giám mục, đặc biệt là các đan sĩ đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho dân chúng, bảo tồn và phát triển những kho tàng phong phú của văn hoá và nghệ thuật.

     3. 3  Chia rẽ Đông và Tây

    Thế nhưng có nhiều khó khăn xuất hiện, nhất là việc chia rẽ Hội thánh thành Đông phương và Tây phương. Tại hai vùng phía Đông và phía Tây của đế quốc Rô-ma trước đây, các Ki-tô hữu đều có cùng một đức tin, đều đã nhận cùng một kinh Tin kính, nhưng đã trở thành những người anh em không còn hiểu nhau, không còn có thể cùng tuyên xưng đức tin với nhau. Vì đâu mà có chuyện không hiểu nhau như vậy? Vì hai bên là hai thế giới rất khác biệt: mỗi bên có một lịch sử riêng, cách suy nghĩ riêng, ngôn ngữ riêng.

    - Tóm ý: Hội thánh ở Tây phương và Đông phương tuy cùng tuyên xưng một đưc tin, song những mâu thuẫn ngày thêm trầm trọng, khiến không còn thống nhất trong một tổ chức và kỷ luật nữa. Sau cùng, người ta đi tới chỗ thực sự cắt đứt liên lạc vào năm 1054. Phía Đông (thuộc về Chính Thống giáo), phía Tây (thuộc về Công giáo).

·                TÓM Ý TOÀN BÀI:  Vào thế kỷ X, châu Âu đã nhận biết Tin Mừng nhưng cuộc sống dân chúng rất khốn khổ. Hội thánh đến để loan báo sự bình an, cải thiện hoàn cảnh sống cho dân chúng; bảo tồn và phát triển văn hoá, nghệ thuật. Nhưng rồi những mâu thuẫn đã xuất hiện giữa Hội thánh Đông phương và Tây phương dẫn đến việc chia rẽ Đông-Tây vào năm 1054, tại Con-tan-ti-nốp.

V.  CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:

1.   Gợi tâm tình cầu nguyện:

         Các em thân mến, Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong đêm Tiệc ly xưa: “Xin cho mọi người hiệp nhất nên một” vẫn luôn vang vọng trong tâm hồn chúng ta, trong lòng Giáo hội mọi thời. Là người Ki-tô hữu, mỗi người chúng ta cũng phải mang niềm thao thức đó của Chúa Giê-su, để cùng nhau sống và xây dựng sự hiệp nhất mọi nơi, mọi lúc. Chúng ta cùng tha thiết dâng Chúa lời cầu nguyện.

     2. Cầu nguyện:

       Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con biết sống hoà thuận và hiệp nhất trong gia đình, trong làng xóm, giáo xứ, để chúng con góp phần xây dựng sự hiệp nhất chung của Hội thánh Chúa.

     Xin Chúa thương nhìn đến Hội thánh là đàn chiên của Chúa. xin ban cho Hội thánh sự hiệp nhất và yêu thương như Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

     Hoặc hát: Lạy Cha xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một…

VI. SINH HOẠT:      Hát : “Anh em ta về”   (Tiến Lộc)

                                          (100 Bài ca sinh hoạt, trg. 67)

VII. BÀI TẬP:

     Em hãy chọn câu đúng nhất và đánh dấu x vào ô vuông º

1.    Trong cảnh khốn khổ của dân chúng châu Âu vào thế kỷ thứ X, Hội thánh đã loan báo Tin Mừng bình an bằng cách:

a. Cải thiện hoàn cảnh sống cho dân chúng.                    b. Tổ chức Đạo binh Thánh giá.

c. Công bố đức tin của Hội thánh (Kinh Tin kính)              d. Cả 3 câu đều đúng.   (câu a)

2.    Việc chia rẽ Đông phương và Tây phương trong Hội thánh đã dẫn đến:

a. Công giáo và Tin lành

b. Công giáo (các Ki-tô hữu phía Tây) và Chính thống giáo (các Ki-tô hữu phía Đông).

c. Chính thống giáo và Anh giáo.         d. Cả 3 câu a,b,c đều đúng.     (câu b)

VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:

1. Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?

    Chúa Giê-su tha thiết cầu xin Chúa Cha cho Hội thánh được hiệp nhất.

2. Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?

Sống hoà thuận và hiệp nhất với hết mọi người từ trong gia đình, khu xóm, trường lớp, giáo xứ…. Nếu em đang giận ghét ai, em hãy khiêm tốn đến làm hoà với họ.

IX.  CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:

     Hát: Lạy Cha xin hãy cho mọi người hợp nhất nên một…