Bài  21

THẾ KỶ XII – XIII

NHỮNG ĐIỂM ĐÁNG MỪNG

Pl 1, 3-6

I.   CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ:

     Lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa giờ hocï giáo lý hôm nay với tất cả lòng yêu mến của chúng con để cầu nguyện cho Hội thánh.

     Xin Chúa ban ơn soi sáng giúp chúng con thấy được những điều tốt đẹp Hội thánh đã thực hiện để noi theo, hầu chúng con được trở nên những người luôn kiến tạo hoà bình trong tinh thần khiêm nhường. Amen.

     Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần …

II.      DẪN VÀO LỜI CHÚA:

     Thánh Gio-an Vi-a-nê, là cha sở một họ đạo nhà quê, nghèo và nhỏ bé bên Pháp. Ngài giảng rất vụng về, nhiều khi lúng túng quên đầu quên đuôi, có lúc không biết nói gì, đứng im trên toà giảng. Các bổn đạo có chế nhạo hoặc bỏ đi không? Không  đâu! Bởi sự thánh thiện của Ngài, bài giảng vụng về, song lại có một sức siêu nhiên đâm thấu lòng họ, làm họ ngày càng sống tốt hơn. Cứ từ từ, làng quê ấy, trước khi ngài đến làm cha sơ,û thì nhậu nhẹt, chơi bời, nhảy nhót, say sưa…: dần dần, họ đã thay đổi hẳn và trở thành một họ đạo gương mẫu và thánh thiện. Một hôm, có một sĩ quan cao cấp đến nghe Ngài giảng. Người ta hỏi: “Ông cảm nghĩ về bài giảng làm sao?”. Ông đáp: “Thường thường, tôi không mấy bằng lòng về cha giảng, nhưng lần này, nghe cha Vi-a-nê giảng, tôi không mấy bằng lòng về chính tôi.” Nhờ vậy mà ông hối hận và ăn năn trở lại.

     Các em thân mến, chính lối sống theo Tin Mừng, và lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng của cha Gio-an Vi-a-nê mà biết bao tâm hồn trở về sống trong tình nghĩa với Chúa và hoà hợp với anh em. Các em có muốn đi đúng hướng, muốn sống vui tươi, muốn thấy đời mình có ý nghĩa không? Các em có muốn tâm hồn được bình an, đầy an ủi, đầy lửa nóng, hăng hái yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân không? Các em hãy đến với Chúa trong Kinh Thánh, Lời Chúa sẽ ban cho ta được tất cả những điều đó. Và chúng ta hãy hăng hái rao giảng Tin Mừng cho người khác nữa, để mọi người đều được sống hạnh phúc trong Chúa. Điều này đã được các tín hữu Phi-líp-phê xưa thi hành. Chính vì thế thánh Phao-lô đã rất hài lòng với Giáo đoàn này.

     Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe thánh Phao-lô bày tỏ tình cảm của ngài với họ trong đoạn thư sau đây.

III.    CÔNG BỐ LỜI CHÚA:      Pl 1, 3-6

                                            Thinh lặng giây lát

IV.     GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:

1. Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố:

-Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe trích ở đâu? Thư thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Phi-líp-phê.

     - Thời gian viết? Khoảng năm 56 – 57, khi ngài đang bị tù.

     Nguyên nhân các bức thư của thánh Phao-lô thường là những vấn đề lỉnh kỉnh trong các giáo đoàn ngài đã khai sinh. Thư Phi-líp trái lại, nhấn mạnh sự nhất tâm nhất trí giữa Ngài và giáo đoàn. Vì thế, bức thư đầy nét vui mừng, thổ lộ cả trái tim của Phao-lô đối với giáo đoàn của ông cách đặc biệt (1,4. 18. 25; 2,2. 17-18. 31;4,1. 4. 10). Ông cảm tạ Chúa và cầu nguyện cho giáo đoàn vì họ đã sống tốt, góp phần tích cực vào việc loan báo Tin Mừng.

     Để thấy rõ hơn trái tim của vị Tông đồ đối với giáo đoàn Phi-líp, chúng ta cùng thảo luận đoạn thư trên.

2. Các em học sinh thảo luận:

Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe là một bài giảng.

         a. Đoạn văn có những từ ngữ hoặc cụm từ nào quan trọng?

         Tôi cảm tạ Thiên Chúa, mỗi lần nhớ đến anh em, anh em đã góp phần vao việc rao giảng Tin Mừng, tôi luôn vui sướng, cầu nguyện cho anh em, tôi tin chắc rằng, Đấng đã bắt đầu, công việc tốt lành, sẽ đưa tới chỗ hoàn thành.

          - Từ ngữ hoặc cụm từ chính yếu: Anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng.

       b. Câu tóm ý: câu 5

       c. Đặt tựa đề ngắn: Hoa trái của đời sống Tin Mừng.

     Hoa trái của đời sống theo Tin Mừng của giáo đoàn Phi-lip-phê là gì? Thưa, chính đời sống tốt lành của họ: hiệp thông với mọi người trong tình đoàn kết, đem đức tin tìm xem những gì đẹp lòng Chúa rồi đem ra thực hiện trong cuộc sống cụ thể, đó là cuộc sống Tin Mừng.

     Đọc lại những bước thăng trầm của lịch sử Giáo Hội, trong những thế kỷ XII –XIII, chúng ta nhận thấy cũng đã có những điểm đáng mừng bởi đời sống đức tin bao trùm lên mọi sinh hoạt thường ngày. Hội thánh đã sống và loan báo Tin Mừng cho mọi người. Bài học hôm nay sẽ cho ta thấy rõ hơn những kết quả của đời sống Tin Mừng trong Hội thánh thời Trung Cổ.

3. Bài học giáo lý:

     Hai thế kỷ XII và XIII, lịch sử Giáo hội được nhìn nhận là thời hoàng kim của văn minh Ki-tô giáo Trung cổ.

3. 1  Sức sống từ Dân Chúa

    Không thời nào giáo dân nhiệt thành sống đạo bằng thời này. Tinh thần Ki-tô giáo đã thấm nhuần vào đời sống công cũng như tư, chính trị cũng như xã hội, kinh tế cũng như văn chương. Giáo quyền và chính quyền hợp tác với nhau một cách tốt đẹp. Mọi người đều hãnh diện tuyên xưng đức tin Công giáo, tình nguyện đặt mình dưới quyền Giáo hoàng trong các vấn đề tín lý và luân lý.

     Sự nhiệt thành sống Đạo của giáo dân thời này được minh chứng không những bằng gia nhập Binh Thánh giá, mà còn bằng hoạt động bác ái cụ thể : nhiều cơ sở từ thiện như bệnh viện, cô nhi viện, trại phong… được thiết lập khắp nơi.

     Đây còn là “Thời đại Thánh đường”, người ta kiến thiết những giáo đường lộng lẫy dâng kính Chúa Giê-su và Đức Mẹ, với lối kiến trúc Gothic kỹ thuật về kiếng màu, điêu khắc, đắp tượng cũng phát triển. Các hình chạm trổ, kính màu, tranh tường được ví như người giáo lý viên trung thành nhắc nhở từng giai đoạn Kinh Thánh, các mầu nhiệm đức tin, các nhân đức…

     Đức tin của dân chúng bao trùm trên mọi sinh hoạt thường ngày. Các buổi lễ trở thành lễ hội của mọi người, với nhiều tập tục dân gian, cả đến kịch nghệ…     Các tín hữu cũng bắt chước những cách thực hành đạo đức của các đan sĩ trong việc chay tịnh và cầu nguyện.

   - Tóm ý: Thời Trung cổ niềm tin của đại chúng bao trùm tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống. Thiên Chúa được tôn kính như Đấng Toàn Năng, các buổi lễ được dân gian hoá, người tín hữu càng giống đan sĩ càng được coi là đạo đức.

3. 2  Cải cách từ bên trong

     Đức giáo hoàng I-nô-xen-tô III (1198-1216) vốn được coi là nhà cải cách trong nội bộ Giáo Hội : ngài đã đưa quyền giáo hoàng lên đến đỉnh cao, cổ động học hành giảng thuyết, ra nhiều sắc dụ chống mại thánh và tội phóng túng, nghiên cứu và nhắc nhở từng địa phận, hỗ trợ các dòng tu, đặc biệt là Xi-tô và các dòng Hành khất. Ngài đã triệu tập công đồng La-tê-ra-nô IV (1215) quy tụ đến 1200 Nghị phụ gồm giám mục, đan viện phụ, đặc sứ tham dự, đã tổng kết và đưa ra những chỉ thị cụ thể trong việc cải tổ này.

     Các đan sĩ đã đóng một vai trò có tính quyết định trong việc cải tổ cũng như trong mọi sinh hoạt Giáo Hội Trung cổ. Mỗi đan sĩ được coi là một Ki-tô hữu gương mẫu.

     Thánh Bê-na-đô (1090-1153) với đan viện Clairveaux (1115) đã phát triển dòng Xi-tô lên vượt mức và góp phần rất lớn vào việc cải cách Hội thánh. Thánh Đa-minh (1170-1221) và thánh Phan-xi-cô (1181-1220) đã lập nên những dòng hành khất. Ngoài hai dòng Phan-sinh và Đa-minh, còn có dòng Cát-minh và Âu-tinh. Các tu sĩ loan báo Tin Mừng bằng đời sống nghèo. Các dòng tu này là thành phần nòng cốt cho Giáo Hội phổ quát : đảm nhận vai trò trí thức trong các đại học, đáp ứng nhu cầu triết học đương thời và tích cực ra đi đến những nơi xa xôi để truyền đạo. Các vùng còn lại ở phía Bắc Châu âu cũng đón nhận Tin Mừng; nhiều nỗ lực tiếp xúc với anh em Hồi giáo, và đường sứ vụ đã mở rộng đến tận đất Trung Quốc.

   - Tóm ý: Phong trào về nguồn Tin Mừng không nhất thiết đưa đến lạc giáo mà có thể gợi lên dạng tu trì mới : các dòng hành khất. Các dòng này nhạy bén với sự phát triển của lạc giáo, với phong trào thị dân và trí tuệ, đáp ứng những nhu cầu loan báo Tin Mừng cho người thời đại, đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách và mọi sinh hoạt của Giáo Hội thời Trung cổ.

3. 3  Phát triển văn hoá

    Cuối thế kỷ XI, do nhu cầu thị dân, số người tìm học ngày càng tăng, nhiều giáo sư đứng ra mở trường riêng. Thế là lần lượt các đại học ra đời: Paris (1200), Bolonia, Oxford, Toulouse, Napoli, Salamanca…Tính đến năm 1400 đã có 40 học viện hầu hết do sắc lệnh Toà thánh lập dưới quyền tối cao của các Giáo hoàng. Tốt nghiệp các trường này, sinh viên được giảng dạy khắp nơi.

     Các đại học thời Trung cổ được thiết lập theo tinh thần Ki-tô giáo, đặt trên nền tảng hiệp nhất thế giới và có tính cách quốc tế trong hoạt động, nên đã trở thành nơi đào tạo những bậc thông thái và cũng là nơi quyền giáo hoàng được đề cao trong lãnh vực trí thức.

     Học phái Kinh viện (Scolastique) hình thành, nổi bật với những bậc thầy như thánh Tô-ma(1225-1274), và thánh Bô-na-ven-tu-ra. Hơn bao giờ hết, Giáo Hội đảm nhận văn hoá của thời đại. Trong bộ “Tổng Luận Thần học” Thánh Tô-ma đưa ra một tổng hợp hoà điệu giữa kiến thức và Mạc khải. Mọi khám phá tìm tòi đều nhắm đến hạnh phúc tối hậu của con người. Triết lý bao gồm mọi khoa học đều phục vụ cho thần học.

     Các ngành nghệ thuật cũng lấy cảm hứng từ Ki-tô giáo, từ kịch nghệ, thủ công nghiệp cho đến kiến trúc, tạo nên một sự cân đối hài hoà cho thế kỷ XIII.

      - Tóm ý: Về văn hoá, kinh viện học phái ra đời, nối kết hoà điệu kiến thức với mạc khải, nổi tiếng nhất là thánh Bô-na-ven-tu-ra và thánh Tô-ma. Về nghệ thuật Trung Cổ, tất cả đều được gợi hứng từ tôn giáo: từ  kịch nghệ, thủ công nghiệp tiến đến kiến trúc Gôthic là nghệ thuật của các thành phố, làm nổi bật sự cân đối hài hoà trong thế kỷ XIII.

TÓM Ý TOÀN BÀI:

         Hai thế kỷ XII và XIII, lịch sử Hội thánh được nhìn nhận là thời hoàng kim của văn minh Ki-tô giáo Trung cổ, tuy đó cũng là những thế kỷ đen tối, nhiễu loạn và suy tàn tại nhiều Quốc gia Âu châu.

     Tuy nhiên, thời bị coi là đen tối nhiễu loạn đó lại chính là thời uy quyền của Thiên Chúa được sáng tỏ hơn hết trong Hội thánh. Hội thánh hơn khi nào hết được coi là “Thành trì Thiên Chúa”(Civitas Dei) mà thánh Augustin đã nói đến. Quyền tối cao của Giáo hoàng bao trùm cả Hội thánh, và được các Quốc gia kính trọng nhìn nhận. Công cuộc canh tân Hội thánh thành công nhất trong việc cải thiện đời sống hàng giáo sĩ. Đời sống tu trì cũng được cải tổ, nhất là có những đường lối hoạt động mới: Dòng tu “Nhập thể”, Dòng tu “Hành khất”. Sau hết, người ta nói đây là thời thịnh vượng nhất về văn hoá và nghệ thuật Ki-tô giáo Trung cổ, tưởng không phải quá đáng. 

V.  CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:

     1. Gợi tâm tình cầu nguyện:

    Các em thân mến,

     Chúa Giê-su đã nói : “Hãy đổ rượu mới vào bầu da mới” (X. Lc 5,38). Vâng, trong bối cảnh lịch sử thời Trung Cổ, niềm tin  các tín hữu không chỉ chịu tác động từ bên ngoài. Tin Mừng vẫn không ngừng thúc bách những con người thời đại, khởi từ những cảm hứng của Tin Mừng, góp phần xây dựng toà nhà văn minh Trung Cổ đặc biệt về văn hoá, nghệ thuật. Chúng ta hãy tha thiết dâng Chúa những lời cảm tạ và nguyện xin.

     2. Cầu nguyện:

     Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã thương ban Lời Chúa để nuôi dưỡng và dẫn dắt Hội thánh. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết lấy Lời Chúa làm ngọn đèn soi bước cuộc đời chúng con. Nhờ đó, chúng con sẽ sống hoà mình vào cảnh sống của anh chị em xung quanh, những người mà chúng con có bổn phận mang Tin Mừng yêu thương của Chúa đến cho họ. Để Hội thánh Chúa được sống trong bình an, khiêm nhường và ngày càng lớn mạnh trong tình yêu thương hiệp nhất.

         Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen. 

VI. SINH HOẠT:        Hát : “Bên nhau”

                               (100 bài ca sinh hoạt, trg. 34)

VII. BÀI TẬP:

     Em hãy chọn câu đúng nhất và đánh dấu x vào ô vuông º

1. Hai thế kỷ XII và XIII, lịch sử Hội thánh được nhìn nhận là thời hoàng kim của văn   minh Ki-tô giáo Trung cổ vì:

       a. Canh tân thành công đời sống hàng giáo sĩ.

       b. Cải tổ đời sống tu trì.

       c. Văn hoá nghệ thuật Ki-tô giáo phát triển.

       d. Câu c đúng.

       e. Cả 3 câu a,b,c đúng.             

                  (câu e)

2. Thời Trung cổ đã xuất hiện các dạng tu trì mới :

        a. Các ẩn sĩ sống cô tịch trong sa mạc.

        b. Các dòng Nhập thể, Hành khất.

        c. Các cộng đoàn đan tu.         

                  (câu b)

VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:

1. Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?

    Chúa Giê-su vẫn hằng ở cùng và dẫn dắt Hội thánh  mọi thời đại bằng chính Lời của Ngài.

2. Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?

    Quan tâm đến những nhu cầu của người khác, tìm những việc làm, lời nói đem lại niềm vui và bình an cho người khác.

IX.  CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:

         Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa vì qua giờ giáo lý hôm nay, chúng con được hiểu biết hơn về Hội thánh Chúa. Xin Chúa giúp chúng con thực hành điều quyết tâm, nhờ đó chúng con sẽ góp phần xây dựng Hội thánh Chúa bằng tinh thần khiêm nhường và hoà mình với mọi người. Amen.