Bài 25
THẾ KỶ XIX
HỘI THÁNH VÀ SỰ KHAI SINH THẾ GIỚI CÔNG NGHIỆP
Mt 18, 23-35
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương quy tụ chúng con lại đây,
để chúng con được cùng nhau học hỏi về Hội thánh Chúa. Xin Chúa ban ơn soi sáng
giúp chúng con càng hiểu biết Hội thánh, càng tích cực xây dựng Hội thánh và ngày
càng biết ơn và yêu mến Chúa hơn.
Hát: Xin Ngôi Ba Thiên Chúa
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA: (Trích sách Nêhêmi,
ch. 5)
Trong khi xây dựng lại thành lũy Giê-ru-sa-lem, Dân Ít-ra-en phải tự
tìm kế sinh sống rất chật vật. Nhiều người phải đi vay nơi các kẻ cho vay nặng
lãi vô nhân đạo, chỉ rình những lúc túng quẫn để làm giàu trên xương máu đồng bào.
Tiếng kêu than đã vang đến tai Nê-hê-mi.
Người thì than: “Con trai, con gái chúng tôi, chúng tôi phải
bán đợ để có lúa ăn mà sống.”Lại có kẻ khác kêu: “ Chúng tôi phải cầm cố ruộng đất hương hỏa, nhà cửa tổ tiên để có của ăn
trong thời đói kém.” Kẻ khác nói: “Chúng
tôi phải cầm thế vườn nho, ruộng dâu để vay bạc nộp thuế…,phải bắt con trai,
con gái chúng tôi làm nô lệ; đang khi đó, nhà cửa chúng tôi bây giờ thuộc về người
khác…”
Khi nghe các lời oán than
ấy, ông Nê-hê-mi rất phẫn uất, và ông đã triệu tập đại hội quần chúng. Ông đứng
lên nói mạnh mẽ: “Phải chăng các ông đây
có những người đã không đi trong sự kính sợ Thiên Chúa, làm cho dân ngọai có cớ
sỉ mạ Người? Phải chăng các ông đã muốn nghiền nát anh em mình dưới ách nặng của
các ông?” Cử tọa làm thinh, không
nói được lời nào. Ông nói tiếp: “Cả tôi và
anh em tôi đã cho dân chúng vay bạc và lúa, chúng tôi sẵn sàng xóa món nợ đó. Vậy,
phần các ông, ngay hôm nay, hãy hoàn lại cho dân nghèo ruộng đất, vườn nho, vườn
dâu và nhà cửa của họ, và nếu họ đã vay lúa, dầu hay tiền bạc, các ông cũng hãy
tha món nợ đó cho họ”. Đọan ông rũ vạt
áo và nói: “Thiên Chúa sẽ rũ như thế này
khỏi nhà của Ngài và các phúc lành của Ngài những kẻ nào đối xử bất công với
anh em, và như thế, nó sẽ bị rũ sạch và nên trống không!”
Các em thân mến, câu chuyện
trên đây làm chúng ta nhớ đến dụ ngôn về tên mắc nợ không biết thương xót trong
Tin Mừng Mt chương 18.
Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA:
Mt 18,23 -35
Thinh lặng giây lát
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:
1.
Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố:
Tin Mừng Matthêu được viết khi nào? Khoảng năm 80.
Chương 18, Tin Mừng Mt là
các lời Chúa Giê-su dạy phải sống trong Giáo hội như thế nào.
Chúng ta vừa nghe trích
Tin Mừng Mt 18,23 – 35, Chúa Giê-su kể dụ
ngôn về một người bầy tôi mắc nợ vua một vạn nén vàng, và đã được vua tha bổng.
Phần y, y lại không tha cho người bạn nợ y chỉ 100 đồng bạc. Một nén vàng là
10. 000 đồng bạc. Một vạn nén vàng là một trăm triệu đồng bạc so với 100 đồng bạc:
thật là một trời một vực. Qua dụ ngôn này, Chúa Giê-su cho chúng ta thấy lòng
thương xót của Thiên Chúa thật là vô hạn, còn con người đối với nhau lại quá hẹp
hòi.
Mời các em cùng thảo luận
đoạn Lời Chúa trên để thấy rõ hơn sự bất công trong xã hội loài người.
2. Các em học sinh thảo luận:
Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa
nghe là một câu chuyện kể.
a. Đoạn văn nói tới
những nhân vật nào?
Ông vua, các đầy tớ, người
ta, một kẻ mắc nợ vua (tên đầy tớ độc ác), vợ con y, người đồng bạn y, các đồng
bạn của y, lính, Cha, anh em.
- Nhân vật chính: Tên đầy tớ độc ác
b. Câu tóm ý: câu
32-33
c. Đặt tựa đề ngắn: Tên mắc nợ không biết thương
xót.
3. Bài học giáo lý:
3. 1 Khoa học phát triển
Sang thế kỷ XIX, nhân lọai
được chứng kiến những bước nhảy vọt của khoa học, kỹ thuật, và các môn khoa học
nhân văn. Nhiều phát minh mới đã thay đổi cả cuộc sống con người: động cơ điện,
thuốc chủng ngừa bệnh. Con người ngày càng ý thức hơn việc làm chủ lịch sử, muốn
chủ động đấu tranh cho hạnh phúc của mình và của xã hội.
Trong bối cảnh đó, nhiều
người đánh giá tôn giáo theo lối nhìn bi quan như là sản phẩm của con người dốt
nát, như món hàng thừa thãi, và đôi khi coi tôn giáo như sức cản trở đà tiến của
nhân lọai. Từ thái độ dửng dưng, họ tuyên bố thẳng thừng mình vô tôn giáo hoặc
chống tôn giáo. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà khoa học là những người công giáo tốt, như các ông Am-pe(điện học),
La-en-néc (y học), Pát-tơ (sinh vật học)…
- Tóm ý: Sang thế kỷ XIX, trước những bước tiến nhảy vọt của khoa học, nhiều
người đã dựa vào khoa học để chống tôn giáo và chống đạo Công giáo. Tuy nhiên,
cũng có nhiều nhà khoa học là những người Công giáo rất tốt.
3. 2 Đấu tranh chống bất công xã hội
Chính trong khung cảnh ấy,
nền đại công nghiệp đã phát sinh. Nhiều dân quê ra tỉnh làm việc ở các nhà máy
và trở thành công nhân: họ rời xa làng xóm, bị kiệt sức vì công việc nặng nhọc,
họ bỏ bê không tới nhà thờ. Dân cư tập trung trong các khu ngọai ô kỹ nghệ, họ
là những người mất gốc, và không được một cơ chế phù hợp đón nhận. Giáo xứ thành
thị lâu đời nay phồng to quá mức, linh mục không còn tiếp xúc cá nhân với tín hữu
được nữa.
Tại Giáo triều, Đức Lê-ô
XIII (1878-1903) được coi là người cởi mở với những vấn đề xã hội, ngài kêu gọi
các tín hữu đấu tranh hợp pháp chống các luật lệ bất công. Ngày 15. 5. 1891, ngài
đưa ra những hướng dẫn về vấn đề xã hội trong thông điệp “Những vấn đề mới”
(Rerum Novarum) : Ngài kết án chủ trương vô độ về kinh tế, yêu cầu các chính
quyền can thiệp để phân phối hoa lợi và tổ chức lao động của các xí nghiệp (số
giờ làm việc, quyền nghỉ ngơimỗi tuần và lương bổng công nhân). Hội thánh tố cáo
sự bất công xã hội. Tuy nhiên, như nhiều người thời đó, Hội thánh không biết
nhìn tận gốc. Nhiều tổ chức Ki-tô giáo chỉ biết cứu trợ người nghèo chứ không
biết tấn công thẳng vào những nguyên nhân gây ra sự khốn khổ. Mà đây mới là điều
giới công nhân mong đợi. Sang thế kỷ sau Hội thánh mới thấy rõ hơn và mới có một
nỗ lực rộng lớn để lo cho giai cấp công nhân. Những người lớn tiếng bênh vực
cho giới công nhân lúc đó dường như đều phát xuất từ bên ngòai Hội thánh: Ông Pơ-ru-đông
(1809-1865), ông Các-Mác (1818-1883).
- Tóm ý:
Trước những bất công xảy ra trong thế giới công nghiệp, giáo hội đã lên tiếng kêu
gọi mọi tổ chức kinh tế không chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà phải ưu tiên cho nhân
quyền, nhân phẩm con người.
3. 3 Hội thánh đầy sức sống
Cùng lúc với việc phát
triển đại công nghiệp, các đường giao thông cũng thêm nhiều và thêm tân tiến: từ đường bộ, đường sắt đến đường thủy. Các quốc
gia châu Âu đã vận dụng những phương tiện cần thiết để biến đổi đủ cách.
Hội thánh cũng thấy cần
phải nhìn lại chính mình, nên đã triệu tập công đồng Va-ti-ca-nô I, với dự định
bàn về tất cả các thành phần trong Hội thánh, nhưng vì chiến tranh, công đồng
chỉ kịp định tín về quyền tối thượng và vô ngộ của Đức giáo hoàng. Dầu sao công
đồng cũng giúp cho Hội thánh ngày càng hợp
nhất với Đức giáo hoàng.
Hội thánh thời đó đã chứng
tỏ là có một sức sống mãnh liệt. Thần học trong giai đọan này có những biến
chuyển nhảy vọt. Các nhà Kinh thánh, Thần học đã mạnh dạn sử dụng những tiến bộ
của khoa học để về nguồn, đào sâu ý nghĩa của mạc khải, Thánh kinh, Phụng vụ, các
giáo phụ và thần học. Ta không thể quên việc canh tân của các đan viện, sự góp
phần của các bác học Công giáo. Hơn nữa, ngay giữa thế giới ghi dấu khoa học, đã
có những Ki-tô hữu thật giản dị, những đứa con của Thiên Chúa làm chứng về Ngài,
như thánh Gio-an Bốt-cô, thánh nữ Bê-na-đê-ta ở Lộ Đức, thánh nữ Tê-rê-xa Hài đồng
Giê-su. Số người dâng mình phụng sự Thiên Chúa ngày càng nhiều: có đến 830 hội
dòng tu nam nữ được thành lập để lo cho giới nghèo, bệnh nhân và trẻ em. Nhiều
người lên đường đi tới các miền xa lạ để rao giảng Tin Mừng : Năm 1789 có 300 vị
thừa sai, đến năm 1900 đã có tới 70. 000 vị. Nhờ họ mà các cộng đoàn Ki-tô hữu đã khai sinh khắp nơi.
- Tóm ý: Giữa một thế giới ghi dấu ấn khoa học, Hội thánh cũng đã có những
biến chuyển không ngừng: canh tân Hội thánh về nhiều mặt, nhiều dòng tu được thành
lập để lo cho người nghèo, bệnh tật. Tin Mừng được rao giảng tận những nơi xa lạ.
Đồng thời cũng xuất hiện những chứng nhân Tin Mừng với những đường hướng thật
giản dị, đơn sơ thu hút nhiều người dâng mình phụng sự Thiên Chúa.
· TÓM Ý TOÀN BÀI: Với những tiến bộ nhảy vọt, khoa học giúp cho đời sống con người
ngày càng thăng tiến. Nhưng nhiều người đã dựa vào khoa học để loại Thiên Chúa
ra khỏi cuộc sống của mình. Khoa học phát triển cũng dẫn đến tình trạng bất công
trong xã hội. Trước tình hình đó, nhiều tín hữu lao vào cuộc tự vệ, nhưng nhiều
người khác cảm thấy nhu cầu canh tân Giáo hội bằng cách đọc lại Lời Chúa cho đúng
đắn hơn, phân biệt đức tin trong mạc khải với công thức tín lý và giúp người giáo
hữu ý thức hơn sứ mạng Thiên Chúa giao phó cho họ để phục vụ con người cho đắc
lực, trong bối cảnh xã hội cụ thể mình đang sống.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:
1. Gợi tâm tình cầu nguyện:
Các em thân mến,
Chúng ta thấy rằng, các vấn
đề của những thế kỷ trước như : có những người dựa vào khoa học để chống đối Hội
thánh, trong xã hội luôn có những bất công, bóc lột, bao người nghèo nàn, khốân
khổ…Thì cũng là những vấn đề vẫn đang xảy ra trong cuộc sống chúng ta hôm nay.
Với tâm tình của những người con trong gia đình Hội thánh, anh (chị) mời các em
hãy sốt sắng dâng lên Chúa những lời cầu nguyện tha thiết cho Hội thánh.
2.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa gìn giữ và dẫn dắt Hội thánh Chúa vượt
qua mọi khó khăn, thử thách. Xin cho những lời kêu gọi và những công việc bác ái
Hội thánh đã và đang thực hiện được nhiều người hưởng ứng. Xin cho mọi Ki-tô hữu
biết quan tâm đến những người khốn khổ trong xã hội và biết góp phần làm cho xã
hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng sống
hằng trị muôn đời. Amen.
VI. SINH HOẠT: Hát : Mỗi chúng ta là một món quà
VII. BÀI TẬP:
Em hãy kể ra 3 việc của Hội
thánh đã thực hiện để lọai trừ bất công trong xã hội?
Trong môi trường em đang sống, em thấy có những bất công
gì?
VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:
1. Đoạn văn cho ta biết gì về
Thiên Chúa và tình thương của Người?
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng
thương xót, lòng thương xót của Ngài dành cho chúng ta vô hạn.
2. Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa
muốn dạy riêng tôi điều gì?
Tôi đã được Thiên Chúa yêu
thương tha thứ biết bao tội lỗi, và ban cho biết bao ơn lành. Tuần này, tôi quyết
tâm tha thứ cho những ai có lỗi với tôi
và mỗi ngày tôi thực hiện một việc tốt cho người khác để cầu nguyện cho Hội thánh.
IX. CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:
Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa đã cho chúng con ngày một hiểu biết
hơn về tình thương Chúa đã và mãi mãi dành cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con thực hiện điều quyết tâm để
chúng con ngày càng trở nên giống Chúa hơn. Amen.
PHẦN IV
Được Sai Vào Thế Giới
Hôm Nay
Nhìn lại lịch sử Hội thánh,
ta không tự hào một cách dễ dãi trước những đóng góp lớn lao của Hội thánh cho
loài người, mà cũng không nản lòng trước những mặt hạn chế của một số giai đoạn
lịch sử ấy. Học lịch sử là để rút ra bài
học kinh nghiệm cho hiện tại cũng như cho tương lai.
Trách nhiệm của chúng ta
là xây dựng Hội thánh của ngàn năm thứ ba, khởi từ Hội thánh tại Việt Nam, để cùng
chia sẻ trách nhiệm với khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng như toàn thể thế giới.