Bài 26
TUỔI TRẺ VÀ NHỮNG VỊ THÁNH
1Pr 1, 13 -16
Lạy Chúa, chúng con xin dâng
lên Chúa giờ học giáo lý hôm nay để tìm hiểu về Tuổi trẻ và các vị thánh. Xin
Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, giúp chúng con hiểu được điều Chúa
muốn những người trẻ chúng con sống, để cuộc sống chúng con ngày càng gắn bó với
Chúa hơn. Amen.
Đọc kinh Sáng Soi.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA:
Anh (Chị) xin kể các em
nghe một ngày sống của Thánh Charles Borromée:
Khi còn trẻ, giờ phút đầu
tiên vừa thức dậy, Charles Borromée nghĩ ngay đến Chúa: “Lạy Chúa, con cám ơn
Chúa đã gìn giữ con qua đêm và con dâng cho Chúa cả ngày hôm nay nữa của con”.
Vừa ăn sáng, ngài nghĩ:
“Lạy Chúa, Chúa cho con bánh ăn mỗi ngày, con dâng cho Chúa trái tim con”.
Trước khi học, ngài tự nhủ: “Tôi phải biết ơn Thiên Chúa ngần nào vì
tất cả những gì tốt lành Ngài ban cho tôi”.
Khi ngài thấy một người bạn
làm gì xấu, ngài nghĩ: “Nếu Chúa không gìn giữ tôi khỏi tội và củng cố tôi
trong sự thiện, có lẽ tôi còn tệ hơn anh bạn này”.
Chiều tối đến, tư tưởng này
lại đến với ngài: “Một ngày nào đó, tôi sẽ chết, có lẽ sớm hơn tôi tưởng, phải
biết dùng thời giờ và nghĩ đến giờ chết đang gần”.
Và khi đi ngủ, ngài cầu
nguyện: “Lạy Chúa, con sắp ngủ vì đó là ý Chúa muốn. Con xin phó dâng hồn con
trong tay Chúa”.
Các em thấy không? Những
ngày sống của thánh Charles Borromée là một chuỗi những ngày kết hợp với Chúa –
Đấng Thánh vô cùng – Có được thành quả đó vì thánh nhân thấy được yêu cầu phải
nên thánh trong Hội thánh Chúa. Ơn gọi ấy cũng là của mỗi người Ki-tô hữu chúng
ta. Bởi Chúa đã dạy chúng ta: “Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh”, Thánh
Phê-rô đã viết lại những lời này trong thư
thứ nhất của Ngài, mà chúng ta sẽ
công bố giờ đây. Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA: 1Pr
1,13-16
Thinh lặng giây lát
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:
1. Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố:
-Thư 1Pr được viết khi nào? Khoảng năm 64
Thư 1Pr được viết cho các
tín hữu từ “dân ngoại” trở lại. Qua đoạn thư trên, thánh Phê-rô khuyên các tín
hữu hãy sống đúng ơn thiên triệu mà họ đã được lãnh nhận trong bí tích Thánh tẩy:
từ bỏ lối sống cũ tội lỗi, và hãy sống đời sống mới, đời sống thánh thiện trong
Thiên Chúa. Chúng ta cùng thảo luận đọan Lời Chúa trên để thấy rõ hơn lời mời gọi
nên thánh đối với những người đã được Tái sinh.
2. Các em học sinh thảo luận:
Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa
nghe là một câu bài giảng.
a. Đoạn văn có những
từ ngữ hoặc cụm từ nào quan trọng?
Chuẩn bị lòng trí, hãy tỉnh thức, hãy hoàn
toàn đặt niềm trông cậy, vâng phục, đừng chiều theo những đam mê trước kia, hãy
sống thánh thiện, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, hãy sống thánh thiện,
vì Ta là Đấng Thánh.
- Từ ngữ hoặc cụm từ
chính yếu: Hãy sống thánh thiện
b. Câu tóm ý: câu 15
c. Đặt tựa đề ngắn: Hãy sống thánh thiện vì đã được Tái sinh
Hoặc : Đức hạnh của người được cứu rỗi.
3. Bài học giáo lý:
Như Đấng đã kêu gọi anh em là Đấng
Thánh, cả anh em nữa, hãy nên thánh trong cách cư xử của anh em. (x. 1Pr 1,
13-16)
Đọc lại lịch sử Hội thánh,
ta thấy biết bao người đã đáp lại lời mời gọi này, và đã trở nên những vị thánh.
Chúng ta sẽ tìm hiểu một số vị thánh chết khi còn rất trẻ. Bên cạnh những vị thánh
trẻ tuổi, ta thường thấy những vị thánh lo cho tuổi trẻ. Ngoài ra, bất cứ vị thánh
nào cũng có một thời tuổi trẻ. Vì thế, chúng ta còn có thể học hỏi qua chính tuổi
trẻ của các vị thánh. Mời các em cùng tìm hiểu bài học.
3. 1 Những vị thánh trẻ tuổi
Hơn hai mươi thế kỷ qua,
trong Hội thánh đã có rất nhiều vị thánh trẻ, chúng ta sẽ tìm hiểu cuộc đời của
một vài vị:
* Thánh Lu-y Gon-da-ga( 1568-1591): Là trưởng nam của công tước Ferdinand
de Gonzage gần Mantoue (Ý) được sống trong hoàng triều Florence và theo đuổi học
hành. Người lại ham thích cầu nguyện và hãm mình phạt xác, một điều ít thấy nơi
một thiếu nhi trong tuổi ấy. Năm 1591, sau khi đã nhường quyền trưởng nam cho
em, Louis đã gia nhập dòng Tên. Năm 1582, bệnh dịch hạch tàn phá Lamã, thánh nhân
xả thân giúp nạn nhân, cõng họ vào nhà thương. Bị lây bệnh, người qua đời ngày
21 tháng 6 lúc mới 23 tuổi.
Một vị thánh trẻ trung,
trong sạch, không màng danh vọng chức tước. Gia đình thuộc giòng hoàng tộc, có
nhiều của cải, nhưng người sống khó nghèo. Lúc lên 11 tuổi, Louis đã làm lời khấn
khiết trinh trọn đời, và ao ước đi truyền giáo theo vết chân thánh Phanxicô
Xaviê.
Thánh nhân được tôn phong
quan thầy của giới trẻ năm 1726 và được Đức Piô XI tái xác nhận năm 1926. Lễ nhớ
: 21 tháng 6.
* Thánh Tê-rê-xa Hài đồng Giê-su (1874-1897) : Sinh hạ trong một
gia đình đạo đức sâu xa, lúc lên 4 tuổi, mồ côi mẹ, được các chị săn sóc thay
thế. Gia đình bỏ Alencon đến Lisieux lưu ngụ. Tê-rê-xa lên 9 tuổi thì chị
Pauline, “bà mẹ nhỏ” đi vào nhà Kín, rồi đến chị cả Marie. Lúc lên 14 tuổi, Tê-rê-xa
báo tin cho thân phụ ý định muốn vào nhà kín lúc 15 tuổi (1888). Và chị đã vào
thật sau khi đã vượt qua mọi cản trở vì tuổi quá nhỏ. Sức khỏe yếu kém không chịu
được lâu cuộc sống Camêlô, nên 9 năm sau, lúc 24 tuổi, đã từ giã cõi đời vì bịnh
lao, dâng mọi đau khổ thông hiệp với cuộc tử nạn Chúa Ki-tô để cứu các linh hồn.
Chín năm trong đời sống tận
hiến xem ra không có gì đáng chú ý cả, trước khi chết, một chị nói: “Chị này chết
rồi biết lấy gì để kể lại cho các chị em khác trong dòng Kín”. Nhưng rồi người
ta khám phá ra một cuộc sống nội tâm sâu xa, một cuộc sống tầm thường nhưng khác
thường, trong cuốn “Câu chuyện một linh hồn” do vì vâng lời chị đã viết ra… Chị
để lại một con đường nên thánh vừa tầm mức mọi người : Con đường thơ ấu, dựa trên
các nguyên tắc: Nhìn nhận sự yếu đuối của mình, hoàn toàn phó thác cho tình yêu
của Chúa như một em nhỏ trong cánh tay của mẹ nó.
Các thử thách thiêng liêng
mà Tê-rê-xa trải qua trong cuộc đời trầm lặng (đêm tối đức tin, tâm trí trống rỗng,
cám dỗ đức tin) làm cho chị rất gần những người vô tín ngưỡng, những người nghi
ngờ. Lúc chị qua đời năm 1897, chị không được ai biết đến; Nhưng 28 năm sau,
khi được tôn phong hiển thánh năm 1925, danh tiếng của chị lan tỏa cùng trái đất:
Lisieux trở nên một trung tâm hành hương bình dân lôi kéo rất nhiều người. Tê-rê-xa
được đặt làm quan thầy các xứ truyền giáo mặc dầu chỉ đi truyền giáo bằng sự cầu
nguyện, quan thầy nước Pháp cùng với thánh nữ Jeanne d’Arc. Tiến sĩ Hội thánh năm
1998. Lễ nhớ: 1 tháng 10.
Và còn nhiều vị thánh trẻ
khác, mỗi người đều có những gương sáng cho chúng ta noi theo: Quyết chiến đấu để
bảo vệ đức khiết tịnh như thánh Maria Gorétti. Học sinh gương mẫu như Saviô. Yêu
mến Đức Mẹ và Chúa Giê-su Thánh Thể như Gio-an Béc-măng. “Tôi được sinh ra là để
sống cho những gì cao quý hơn”: thánh Ta-nít-lát Kốt-ka (1550-1568). Hiến dâng
tất cả cho Chúa, sẵn sàng làm mọi sự vì vinh danh Chúa như thánh Lau-ra Vi-cư-nha…
Trong số những người đã
chết vì Đạo Chúa tại Việt Nam, có rất nhiều khuôn mặt trẻ. Có những bạn được
phong hiển thánh như: Giu-se Túc 19 tuổi làm nghề nông, như Tô-ma Thiện 17 tuổi
đang còn là chủng sinh. Có những người đang còn nằm trong các hồ sơ xin phong
thánh, như anh An-rê Phú Yên, người đầu tiên đã công khai đổ máu vì đạo Chúa trên
quê hương Việt Nam, hoặc như Phao-lô Bột, người đã yếu đuối chối đạo nhưng rồi
nhờ mẹ khuyên nhủ, lại dũng cảm đến công đường năn nỉ xin được tuyên xưng đức
tin… Lý do thôi thúc các bạn trẻ ấy có thể gói ghém trong câu nói của An-rê Phú
Yên, người giáo lý viên tiên phong của Hội thánh Việt Nam: “Lấy tình yêu đáp lại tình yêu, đem sự sống báo đền sự sống”.
* Thánh Giu-se Túc (1843-1862): Giữa tuổi thanh niên, tuổi của những
ước mơ và hy vọng, tuổi của hăng say và nhiệt thành. Tuổi mà sự chăm sóc và dưỡng
dục đòi hỏi biết bao công phu đang chín dần, để trở thành người hữu ích cho gia
đình và xã hội. Với cái tuổi thanh xuân đáng quý ấy, Giu-se Túc đã chiếu sáng
như một vì sao.
Giu-se Túc sinh năm 1843,
tại xứ Ngọc Đồng, tỉnh Hưng Yên. Trong cái nôi của một gia đình nông dân đạo đức,
Giu-se Túc đã được sinh ra và lớn lên với cuộc sống cần cù, hiền hòa.
Với cuộc bách hại Đạo ngày
càng khốc liệt của Vua Tự Đức – Anh Giu-se Túc bị bắt vào đầu năm 1862 khi đang
ở độ tuổi thanh xuân tươi đẹp: tuổi 19. Anh phải chịu giam cầm, mang gông cùm,
xiềng xích. Dù vậy, anh vẫn trung thành với đức tin chân chính. Sau những lời dụ
dỗ, dọa nạt và tra khảo nhiều lần không làm lay chuyển được lòng tin sắt đá của
anh, các quan nhất trí kết án trảm quyết anh, khi ra pháp trường, anh sốt sắng
cầu nguyện và luôn kêu Tên Cực Thánh Chúa Giê-su.
Ngày 29. 4. 1951, Đức Thánh
Cha Pi-ô XII suy tôn anh lên bậc Chân Phứơc.
Ngày 19. 6. 1988, Đức Thánh
Cha Gio-an Phao-lô II đã suy tôn anh lên bậc Hiển Thánh.
Lễ nhớ ngày 1 tháng 6.
Hàng ngũ các vị thánh đã
có rất nhiều khuôn mặt trẻ được tôn phong hiển thánh, nhưng chắc hẳn cũng còn
biết bao vị thánh trẻ khác vẫn hằng chuyển cầu cho những người trẻ chúng ta trước
Tòa Chúa. Cũng như có biết bao bạn trẻ đang sống một cuộc sống thánh thiện
trong Hội thánh hôm nay.
- Tóm ý:
Hơn hai mươi thế kỷ qua, hàng ngũ các thánh đã có rất nhiều khuôn mặt trẻ. Các
vị đã nên thánh ngay trong môi trường, công việc và tuổi trẻ của mình.
3. 2 Những vị thánh lo cho tuổi
trẻ
Bên cạnh những vị thánh
trẻ tuổi, ta thường thấy những vị thánh lo cho tuổi trẻ.
* Gio-an La-san (1651-1719)
Là linh mục, sinh năm
1651 tại thành Reims nước Pháp. Năm 1680 ngài sáng lập dòng các sư huynh trường
Ki-tô giáo (quen gọi là dòng La-san) để lo cho học sinh nghèo. Dòng La-san có mặt
tại Việt Nam từ năm 1866.
* Gio-an Bốt-cô (1815-1888)
Gio-an Bốt-cô thường kể lại
giấc mơ lúc 9 tuổi, trong đó Đức Mẹ và Chúa Giê-su cho biết ngài sẽ có sứ mạng
lo cho những thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi.
Sau khi làm linh mục, ngày
8. 12. 1841, Bốt-cô đã dùng tình thương chinh phục được một thiếu niên quậy phá
: Ga-le-li. Ngày ấy được coi là khởi đầu công cuộc giáo dục của dòng Salesien
Don Bosco. Năm 1953, các con cái thánh Gio-an Bốt-cô bắt đầu có mặt tại Việt
Nam.
* Giu-se Ca-la-xan (1556-1648)
Nhận thấy các trẻ em ở Rô-ma
phải chịu nhiều cảnh khốn cùng, ngài đã thành lập Hiệp hội các giáo sĩ nghèo của
Mẹ Thiên Chúa để tổ chức các trường Công giáo. Ngài được Đức Giáo hoàng Piô XII
đặt làm bổn mạng các trường Ki-tô giáo bình dân.
* Lu-i đơ Ma-ri-ắc (1591-1660)
Góa chồng năm 34 tuổi, được
thánh Vinh-sơn Phao-lô hướng dẫn, ngài đã tham gia các họat động bác ái và quy
tụ các thiếu nữ trong giới bình dân để góp phần phục vụ cho người nghèo. Năm
1633, ngài lập hội dòng Nữ tử bác ái thánh Vinh sơn để lo cho những người bị bỏ
rơi, nhất là các trẻ em mồ côi. Dòng này có mặt tại Việt Nam từ năm 1928.
* Thánh nữ Ma-ri-a Ma-da-re-lô (1837-1881)
Năm 1864, khi thánh
Gio-an Bốt-cô đã bắt đầu với công cuộc giáo dục cho thanh thiếu niên nam được
23 năm, ngài đến thăm làng quê của Ma-ri-a thì gặp nhóm thiếu nữ chuyên lo cầu
nguyện và làm việc tông đồ, do Ma-ri-a đứng đầu. Ma-ri-a và vài người bạn tổ chức
lớp dạy may cho các thiếu nữ, cả nội trú và ngọai trú. Năm 1871, từ nhóm này,
thánh Gio-an Bốt-cô đã khai sinh một dòng nữ chuyên trách việc giáo dục các thiếu
nữ : Dòng “Con Đức Mẹ Phù Hộ”. Ma-ri-a Ma-da-re-lô là bề trên đầu tiên của dòng
này.
* An-giê-la Mê-ri-si (1474-1540)
Sáng lập một dòng nữ có
hình thức tu trì mới mẻ: kết hiệp việc chiêm niệm với việc dạy dỗ trẻ em. Ngài
thường gửi các nữ tu của mình đến dạy các thiếu nữ ngay tại gia đình họ. Ngài
thường nói: “Những xáo trộn trong xã hội thường là hậu quả của việc xáo trộn
ngay trong gia đình”. Ngài nghĩ rằng muốn canh tân xã hội, cần phải canh tân từ
gia đình. Tuy nhiên, gia đình có được canh tân hay không lại tùy thuộc vào việc
giáo dục phụ nữ.
Công việc chăm lo cho tuổi
trẻ bao gồm rất nhiều lãnh vực đa dạng. Trong khuôn khổ giáo xứ có Thánh Piô X
và biết bao vị khác như các cha, các thầy, các nữ tu,v. v…Thánh Gio-an La-san và
thánh Giu-sa Ca-la-xan mở trường học. Thánh Gio-an Bốt-cô và thánh Ma-ri-a
Ma-da-re-lô mở các trung tâm giáo dục giới trẻ. Thánh Phê-rô Ca-ni-xi-ô và thánh
Rô-be-tô Be-la-mi-nô biên soạn sách giáo lý… Thánh nữ An-giê-la Mê-ri-si lo dạy
giáo lý, như các tu sĩ thuộc đủ mọi dòng, tu hội, các nhóm, và cả một đội ngũ
giáo lý viên, các anh chị huynh trưởng thuộc các giáo xứ đang hướng dẫn chúng
ta …
- Tóm ý: Trước những nhu cầu của tuổi trẻ, trong Hội thánh đã xuất hiện những
vị thánh lo cho tuổi trẻ từ nhiều thế kỷ qua, và vẫn còn tiếp nối trong Hội thánh.
3.
3 Tuổi trẻ của các vị thánh
Nên thánh khó hay dễ? Dễ, bởi vì Thiên Chúa muốn tất cả chúng ta nên
thánh và Ngài luôn ban đủ phương tiện giúp ta. Nhưng nên thánh cũng là một thách
đố, bởi vì nó đòi hỏi chúng ta phải vượt thắng chính mình để cộng tác với ơn Chúa.
Điều then chốt là bản thân ta có muốn nên thánh hay không? Tuổi trẻ của các vị
thánh cho ta thấy rõ điều đó…
* Thánh Bô-ri Cao (1808-1838)
“Thằng cối xay” là biệt
hiệu của thánh Bô-ri Cao hồi còn nhỏ. Cậu đi tu là do cha mẹ ép! Nếp sống trong
chủng viện cũng không làm sao cho cậu bớt tính cẩu thả và vô kỷ luật. Các biện
pháp của cha giám đốc cũng vô ích. Tuy nhiên, một lần kia Bô-ri bị một cơn sốt
trầm trọng. Trên giường bệnh, cậu có giờ nhìn lại đời mình. Đọc cuốn niên giám
của trường Thừa sai ghi lại cuộc đời của các vị truyền giáo, cậu thấy một tia sáng
chói lòa trong tâm hồn. Từ đó, cuộc đời cậu thay đổi hẳn. Bô-ri trở thành linh
mục Hội Thừa sai Pa-ri, sang truyền giáo ở Việt Nam. Năm 1838, ngài tử đạo tại Đồng
Hới khi vừa nhận được tin Tòa Thánh chọn làm giám mục.
* Thánh Phê-rô Nê-rông Bắc (1818-1860)
Là một linh mục Hội Thừa
sai Pa-ri, đến truyền giáo tại Việt Nam từ 2849. Thời thơ ấu của Nê-rông khá vất
vả. Tuy được đi học, nhưng mỗi ngày cậu phải ra đồng chăn súc vật, do đó chịu
nhiều ảnh hưởng xấu của các bạn. Thế nhưng một biến cố đã thay đổi cuộc đời cậu.
Năm 17 tuổi, có người cho cậu mượn một cuốn sách đạo đức, cậu đọc và nhận ra tiếng
Chúa kêu gọi mình. Từ đó, cậu thay đổi hẳn lối sống.
* Thánh Piô X(1835-1914)
Thánh
giáo hoàng Piô X tên thật là Giu-se Sác-tô, sinh trưởng trong một gia đình nông
dân nghèo khó. Thuở nhỏ, hằng ngày ngài phải lội bộ đến trường cách nhà hàng chục
cây số. Để tiết kiệm, Sác-tô quảy dép trên vai, đi chân không, đến cổng trường
mới xỏ dép vào chân. Bởi vậy, về sau, khi lên làm giáo hoàng, ngài rất yêu thương
trẻ em và đã quyết định cho thiếu nhi được rước lễ sớm.
- Tóm ý: Các thánh cũng
là những con người, cũng có tuổi trẻ với những điểm mạnh và điểm yếu của người
trẻ. Nhưng các ngài đã biết vượt thắng chính mình để cộng tác với ơn Chúa đạt đến
sự thánh thiện.
3. 4 Đường nên thánh của tuổi trẻ
: vui tươi, chuyên cần và phục vụ
Ơn gọi căn bản của mỗi người Ki-tô hữu, dù trẻ hay già, là nên thánh.
Đối với những người trẻ, đó là cuộc sống vui tươi, chuyên cần, khiêm nhường yêu
thương, phục vụ và gieo rắc hòa bình. Như khi Đa-minh Sa-vi-ô xin cha Gio-an Bốt-cô
chỉ cho con đường nên thánh. Cha đã gói lại trong ba chữ: Vui vẻ, chuyên cần và phục vụ.
-Tại sao người Ki-tô hữu phải luôn
sống vui tươi? Bởi vì Đức Ki-tô đã sống lại. Ngài đã giải phóng chúng
ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, đem lại cho chúng ta sự sống mới: sự sống của người
làm con Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã chiến thắng thế gian, chiến thắng đau khổ,
chiến thắng tội lỗi và sự chết vì yêu thương chúng ta, nên người Ki-tô hữu không
có lý do gì để sợ hãi hoặc buồn khổ. Vui vẻ ở đây không phải là rong chơi thoải
mái, mà là trạng thái bình an của tâm hồn tự do, trong trắng, không vẩn đục.
Cha Bốt-cô cho Sa-vi-ô biết:
“Điều gì khiến con mất bình an không đến từ Thiên Chúa”. Phạm tội là nguyên nhân
chính khiến ta mất đi niềm vui và bình an trong tâm hồn. Ta hãy sống trong sạch
để hưởng nếm niềm vui trong Chúa.
- Chuyên cần: Chăm lo chu
tòan bổn phận của mình, từ bổn phận người con trong gia đình, người học sinh ở
trường, người công dân ngoài xã hội, cho đến bổn phận người tín hữu trong Hội
thánh. Ý Chúa được thể hiện qua việc bổn phận của mỗi người. Chính khi chu toàn
việc bổn phận, ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui.
-Phục vụ: Quan tâm phục vụ
người khác với tấm lòng yêu thương, để họ cũng có cuộc sống vui và được ơn cứu độ.
- Tóm ý: Ơn gọi căn bản của mỗi người Ki-tô hữu là nên thánh. Đối với những
người trẻ, con đường nên thánh thật đơn giản, đó là hãy chu toàn những việc bổn
phận thường ngày một cách vui tươi, chuyên cần và phục vụ.
· TÓM Ý TOÀN BÀI: Thiên Chúa là Đấng Thánh,
Người muốn chúng ta nên thánh. Nhìn vào đời sống Hội thánh hơn 20 thế kỷ qua, đã
có bao người trẻ đáp lại lời mời gọi của Chúa vượt lên trên những yếu đuối của
tuổi trẻ, cộng tác với ơn Chúa nên thánh ngay trong những bổn phận của đời sống
thường ngày một cách vui tươi, chuyên cần và phục vụ. Đồng thời cũng có những vị
thánh chuyên lo cho giới trẻ. Tất cả cùng góp phần xây dựng sự thánh thiện của
Hội thánh. Ngày hôm nay, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi nối gót các bậc
cha anh sống trọn ơn gọi của người Ki-tô hữu: Nên Thánh.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:
1. Gợi tâm tình cầu nguyện:
Các em thân mến,
Nhiều bạn trẻ đã không ngần
ngại chọn những cầu thủ bóng đá, những tài tử điện ảnh làm thần tượng cho đời
mình. Còn các em, các em chọn ai làm thần tượng? Bài học hôm nay, Chúa mời gọi
chúng ta : “Hãy sống thánh thiện”, và chúng ta đã được biết có những người trẻ đã
chọn Chúa và sống trọn tình cho Chúa, nay đã là những vị thánh. Trước lời mời gọi
của Chúa, chúng ta hãy thân thưa với Chúa những tâm tình của mình.
2.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, hôm nay, Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai, và
chúng con thật sự đắn đo trước khi chọn Chúa. bởi chúng con biết rằng chọn Chúa
là lội ngược dòng, theo Chúa là bước vào con đường hẹp: con đường nghèo khó và
khiêm nhu, con đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm nay chúng con chọn Chúa
không phải vì Chúa giàu có, tài năng hay nổi tiếng, nhưng vì Chúa là Thiên Chúa
làm người. Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa. chẳng ai hoàn hảo như Chúa.
và Chúa đã mời gọi chúng con nên giống Chúa – sống thánh thiện. Ước gì chúng
con can đảm chọn Chúa nhiều lần trong ngày
qua những lựa chọn nhỏ bé, để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con, và để
chúng con thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng sống
hằng trị muôn đời. Amen.
VI. SINH HOẠT: Hát : Hãy chiếu sáng
(Ra
khơi, tập 2, trg. 67)
VII. BÀI TẬP:
Em hãy viết lại điểm nổi
bật của một vị thánh trẻ
(Ví dụ: Thánh Lu-y Gon-da-ga:
trong trắng và đầy hy sinh)
VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:
1. Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình
thương của Người?
Thiên Chúa là Đấng Thánh, Ngài rất yêu thương chúng ta nên đã ban ơn
và mời gọi chúng ta nên thánh.
2. Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng
tôi điều gì?
IX. CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:
Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa đã ban cho chúng con giờ học giáo lý
hôm nay. Xin Chúa giúp chúng con thực hiện điều quyết tâm để chúng con sống trọn
ơn gọi Chúa đã ban cho chúng con khi chịu phép Thánh tẩy là nên thánh. Amen.