-
Lời Chúa: 2 Sm 7, 1-7
- Ý chính : Thiên Chúa xác định rõ hơn về Đấng Cứu Thế: Đấng Cứu Thế
phát xuất từ dòng dõi vua Đavit.
- Giáo cụ trực quan : *Tranh: - Đavit,
trẻ mục đồng (Số 26).
- Đavit và Gôliat (Số 27).
* Sách Chúa nói với trẻ em đoạn
24, trang 32.
I . CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ
Lạy Chúa Thánh Thần, xin tác động
trong tâm hồn mỗi người chúng con, để trong giờ học này chúng con cảm nhận được
tình thương của Chúa Cha, khi Ngài xác định rõ hơn dòng họ của Đấng Cứu Thế .
Hát kinh Cầu xin Chúa Thánh Thần.
II . DẪN VÀO LỜI CHÚA
1/ Ôn bài cũ và kiểm tra quyết tâm.
+Ôn bài cũ :
-Trong Giao Ước Sinai, Thiên Chúa hứa coi dân
Israel là dân riêng, sẽ luôn phù hộ, bảo vệ họ. Còn dân Israel đã hứa với Chúa
thế nào ? (Hứa trung thành phụng thờ Chúa
qua việc tuân hành các giới luật của Ngài).
-Các giới luật Chúa muốn dân Israel tuân giữ
được tóm tắt ở đâu? (10 điều răn).
-Các em hãy đọc thuộc lòng 10 điều răn.
+Kiểm tra quyết tâm :
Trong
tuần qua, các em có xét mình mỗi tối trước khi đi ngủ, có xin lỗi Chúa và hứa với
Chúa sẽ cố gắng sống tốt hơn vào ngày hôm sau chưa ?
2/Dẫn vào Lời Chúa.
Có một bác nông dân sống ở
Brasil, một hôm ra đồng làm việc, đứa con trai chạy theo và nhắc : “Ba ơi
! Ba hứa cho con hai con chim, hôm nay là ngày sinh nhật của con, chiều về Ba bắt
cho con hai con chim nhé”. Người Cha vốn yêu quý nên gật gù. Được, ba hứa là ba
làm .
Dù sau một ngày lao động mệt nhọc, chiều về bác vội vã vào rừng, leo lên
một ghềnh đá, nơi chim chóc quen làm tổ. Tìm được một tổ chim, bác cẩn thận luồn tay vào, nhưng
vừa luồn tay vào bác thấy tay đau nhói. Bác vội rút tay ra thấy có hai vết như
kim châm đang rỉ máu. Chưa kịp định thần, thì một con rắn hổ mang tấn công bác .
Đó là loài rắn độc, nó cắn thì vô phương cứu chữa. Bác liền rút dao chặt phắt đầu
con rắn và can đảm chặt đứt bàn tay đang
sưng phù, rồi lấy lá đắp vào. Bác dùng hết sức chạy nhanh về nhà, nhưng không
quên nhặt hai con chim non trong tổ đưa về cho con trai bác.
Cho dù lao động mệt nhọc và nguy
hiểm tới tính mạng nhưng vì yêu thương con mình, bác nông dân đã giữ đúng lời hứa
vàø đã đưa về hai con chim cho người con yêu quý của bác.
Còn Thiên Chúa, trước sự liên tục
phản bội của con người, không tuân theo luật Chúa như họ đã hứa ở núi Sinai, Thiên Chúa có trung thành
với lời hứa ban Đấng Cứu Độ để cứu con người không? Để trả lời câu hỏi này, mời các em đứng lên lắng
nghe Lời Chúa.
III . CÔNG BỐ LỜI CHÚA
2 Sm 7, 1- 17
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA
1/ Dẫn giải Lời Chúa:
-Trong đoạn Lời Chúa các em vừa
nghe thì sau khi bình định xong đất nước, xây xong cung điện cho mình, vua Đavit
có ước muốn gì ? (Ông muốn xây cho Chúa một đền thờ).
-Trước ý muốn này của vua Đavit,
Thiên Chúa trả lời thế nào ? (Ngài không
muốn vua Đavit xây Đền thờ cho Ngài, trái lại Ngài lại hứa với vua Đavit là Đấng
Cứu Thế sẽ sinh ra từ dòng dõi của ông).
Các em hãy cùng đọc lại câu chuyện
này để cảm nhận được tấm lòng yêu thương của Chúa đối với con người, với vua Đavit
và xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng trung tín với lời Ngài đã hứa cho dù con người
luôn bất trung với Ngài. Các em mở sách Chúa nói trẻ em trang 32 và cùng đọc đoạn
24.
Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về điều
này ở phần bài học dưới đây.
2/Giải thích câu hỏi thưa.
Câu
1: Thiên Chúa hứa với Đa-vít điều gì?
-Sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa
đã hứa điều gì ? (Hứa ban Đấng Cứu Thế để
cứu loài người).
-Thiên Chúa đã chọn ai để thiết lập một dân
riêng, chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế ra đời? (Thiên
Chúa đã chọn ông Abraham).
-Sau một thời gian dài sinh sống ở Ai Cập, con
cháu ông Abraham bị vua Ai Cập bắt làm gì ? (Làm
nô lệ).
-Thiên Chúa đã sai ai dẫn dân ra
khỏi Ai Cập trở về Đất Hứa ? (Ông Môsê).
-Dân Chúa
phải mất bao nhiêu năm để tới Đất Hứa? (40
năm).
-Sau khi tới Đất Hứa, ai trực tiếp
cai trị dân ? (Thiên Chúa trực tiếp cai
trị dân, nhưng khi cần Ngài chọn một thủ lãnh để thay Ngài hướng dẫn dân như
khi có ngoại xâm).
-Từ khi nào thì dân Chúa có vua ?
(200 năm sau khi vào Đất Hứa : năm 1030 TCN).
-Vị Vua đầu tiên tên là gì ? (Tên
là Sa-un (Saul).
-Nhưng Vua Saul không đẹp lòng
Chúa, Chúa đã chọn ai thay thế ? (Vua Đavit).
-Các em hãy nhìn vào bức tranh
(Số 26) và cho biết trước khi được Chúa chọn làm vua, Đavit là ai ? (Đavit là con út của ông Gie-sê, làm nghề chăn
chiên).
-Sau khi lên ngôi vua năm 1000 TCN
và sau khi đã xây cất xong cung điện, Vua Đavit có ước muốn gì ? (Ông muốn xây cho Thiên Chúa một Đền thờ).
-Ý Thiên Chúa thế nào ? (Ngài không muốn Đavit xây Đền thờ cho mình,
trái lại Ngài lại hứa sẽ xây nhà cho Vua Đavit).
-Ý Chúa muốn xây nhà cho Đavit có
nghĩa là gì, có phải là ngôi nhà bằng gạch đá không ? (Ngôi nhà mà Chúa hứa xây cho Vua Đavit không phải là ngôi nhà bằng gạch
đá nhưng là một ngôi nhà sống động, nghĩa là Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra từ dòng dõi
của Vua Đavit).
Đọc chung câu 1.
Câu 2: Ta học được điều gì nơi Vua Đa-vít?
Cuộc đời của Vua Đavit được ghi lại
trong 2 cuốn sách Samuel 1 và Samuel 2. Đọc lại cuộc đời của ông, chúng ta thấy
có nhiều điểm rất tốt đáng cho chúng ta học hỏi.
Sống có nhân nghĩa :
-Coi trọng tình bạn : Đavit có một người bạn rất thân, con Vua Saul,
tên là Gionathan. Ông Gionathan rất quí Đavit, đã cởi chiếc áo ông đang mặc mà
cho Đavit, cho cả gươm, cung tên và thắt lưng nữa (x. 1 Sm 18, 1-5). Vua Saul, cha
của Gionathan nhiều lần định giết Đavit, nhưng chính Gionathan luôn tìm cách giúp
Đavit trốn thoát (x. 1 Sm 19, 1-10;20). Ông Đavit cũng rất kính trọng, yêu kính
ông Gionathan. Bài văn tế khóc Gionathan khi Gionathan tử trận chứng tỏ điều đó
:
“…Gionathan, anh hỡi, lòng tôi se lại vì anh
!
Tôi thương anh biết mấy !
Tình anh đối với tôi thật diệu kỳ hơn cả
tình nhi nữ.
Than ôi! Anh hùng nay ngã gục, võ khí đã tan
tành!”
(2
Sm 1, 26-27).
-Kính trọng Vua, yêu kính cha vợ : Vợ đầu tiên của Đavit là con gái Vua Saul. Khi Đavit nổi danh, Vua
Saul sợ mất ngôi nên đã tìm cách giết Đavit. Nhiều lần Đavit có cơ hội giết Saul
nhưng ông đã không làm (x. 1 Sm 26). Đavit luôn kính nể Vua Saul, đã cử hành
tang lễ, khóc lóc và ăn chay để tỏ lòng thương tiếc Vua Saul và ra lệnh giết người
đã đâm chết vua Saul (x. 2 Sm 1,1-16).
-Hết lòng với quê hương dân tộc : Ông luôn cầu nguyện
cho dân. Lòng yêu mến quê hương dân tộc tỏ lộ rõ nhất là dám liều chết chiến đấu
với viên tướng to lớn của quân Philitinh là Gôliat (x. 1 Sm 17). Bức tranh này
(Số 27) diễn tả lại câu chuyện đó.
Sống đạo đức, chuyên chăm cầu nguyện, có lòng với Thiên Chúa:
-Đavit luôn tìm ý muốn của Thiên
Chúa, chẳng hạn một lần trước khi đi giao chiến với quân Philitinh, ông đã hỏi ý
kiến Chúa: “Tôi có phải đi đánh quân Philitinh
ấy không? (1 Sm 23, 2).
-Lòng yêu mến Chúa của Đavit rất
nồng nàn đến nỗi ông đã ăn ngủ không yên khi chưa xây cho Chúa một ngôi đền thờ
để Ngài ngự (x. 2 Sm 7, 1-2).
-Nhìn nhận rằng tất cả những gì
mình có là do Chúa ban (2 Sm 7, 18-29).
Biết chân thành nhận lỗi và hối lỗi :
Tội nặng nhất của Đavit là cướp
vợ của ông Uria và giết chết ông Uria (x. 2 Sm 11). Nhưng Đavit cũng là người có
lòng thống hối sâu xa nhất. Ông đã chân thành nhận lỗi và xin Chúa thương tha
thứ : “Tôi đắc tội với Chúa” (2 Sm 12, 13),
“Lạy Thiên Chúa xin thương xót con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm” (Tv 51,
3), “Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con…xin rửa cho con sạch, con
sẽ trắng hơn tuyết” (Tv 51, 9).
Tóm lại, Vua Đavit để
lại cho chúng ta một mẫu gương về đời sống
đạo đức, chuyên chăm cầu nguyện, vâng phục ý Chúa, biết chân thành sám hối mỗi
khi trót phạm tội, vềù cách sống có nhân nghĩa với người khác…
Đọc chung câu 2
Như vậy, bài Giáo lý hôm nay
cho chúng ta biết rõ hơn về Đấng Cứu Thế mà Ngài đã hứa ban : Đấng Cứu Thế sẽ
thuộc dòng dõi vua Đavit.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1/Gợi
tâm tình .
Bài học hôm nay cho chúng ta biết
Đấng Cứu Thế thuộc dòng dõi Vua Đavit. Đọc lại cuộc đời của Vua Đavit, một đàng
chúng ta thấy việc Đấng Cứu Thế phát xuất từ dòng dõi của ông là hoàn toàn do lòng
thương xót của Chúa, chứ ông chẳng có công trạng gì lại đã phạm tội tầy trời, đàng
khác chúng ta cũng thấy ông là người “có
lòng” với Thiên Chúa : Ông luôn tin tưởng, trông cậy và yêu mến Chúa, coi
trọng ý Chúa, biết ơn Chúa, luôn nhìn nhận tất cả những gì ông có là do Chúa
ban. Chúng ta được sinh ra làm người, được lớn lên, được làm con Chúa, được thương
yêu, tất cả là do ơn Chúa. Chúng ta hãy noi gương vua Đavit hãy trở nên người
“có lòng” với Chúa. Chúng ta dâng lời cầu nguyện.
2/Lời nguyện
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã
ban cho chúng con một mẫu gương sáng ngời là Vua Đa-vít. Xin cho chúng con biết
bắt chước vua Đa-vít sống thánh thiện, gắn
bó với Chúa và sống tốt các mối tương quan với những người xung quanh, nhận ra
những lỗi lầm nơi bản thân và mau mắn sửa đổi, để đời sống của chúng con chiếu
tỏa cho mọi người gương mặt của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng
con. Amen.
VI. SINH HOẠT
Băng reo:
Người
điều khiển |
Tất
cả |
Gô-li-át |
oai hùng (hai tay chống hông) |
Gô-li-át |
kiêu ngạo (hai tay nắm chặt giơ lên trời) |
Đa-vít |
nhỏ bé (khuỵu
gối thấp người xuống) |
Đa-vít |
khiêm nhường (hai tay đặt lên ngực) |
Chúa thương |
Đavit! Đavit! (vung
mạnh tay lên trời) |
VII. BÀI TẬP
Hãy điền vào chỗ trống bằng các từ sau đây cho hợp nghĩa:
Thiên Chúa, Vua Đavit, tình bạn, Chúa, Gie-sê.
-Đấng
Cứu Thế phát xuất từ dòng dõi ………………. .
-Vua
Đavit là con út của ông………………. .
-Vua
Đavit có một ………………chân thật với ông Gionathan, con Vua Saul .
-Vua Đavit hết lòng yêu mến ……………………. ., ông
muốn xây cho Ngài một Đền thờ.
-Ông
luôn khiêm tốn nhìn nhận những gì ông có là do…………………. ban.
VIII. SỐNG LỜI CHÚA
Noi gương Vua Đavít, tuần này các
em quyết tâm sống tốt với bạn bè : cầu nguyện cho bạn, nghĩ tốt, nói tốt về bạn, tôn trọng bạn, giúp đỡ bạn
khi cần.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con một giờ học giáo lý vừa
qua. Chúng con dâng điều quyết tâm cho Chúa. Xin Chúa nâng đỡ giúp chúng con thực
hiện điều quyết tâm này.
Đọc kinh
Sáng danh.