Bài 22      

CON NGƯỜI CÓ TỰ  DO

   

- Lời Chúa: Galata 5, 13

- Ý Chính: Thiên chúa ban cho con người có tự do quyết định, lựa chọn, làm chủ các hành động của mình.

- Giáo cụ trực quan: Tranh “Ông bà nguyên tổ ăn quả trái cấm”(Sách Chúa nói với trẻ em trang 6).

 

I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

Lạy Chúa Giêsu, chúng con họp nhau nơi đây để học hỏi về giáo lý của Chúa. Xin Chúa ở giữa chúng con, giúp chúng con hiểu được thế nào là tự do đích thực của người con Chúa.

Đọc kinh cúi xin Chúa sáng soi.

II . DẪN VÀO LỜI CHÚA

1/ Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.

+Ôn bài cũ :

-Trong thời cựu ước, chúng ta có nhiều gương về cầu nguyện, em nào có thể kể ra 3 người có đời sống cầu nguyện nổi bật ? (Cụ Abraham, ông Môsê, vua Đavít).

-Các em có thể kể ra 3 đặc điểm mà các vị này có khi cầu nguyện không? ( Tin tưởng vào Chúa- ‚ Thái độ vâng phục- ƒ Sự hy sinh, quảng đại).

+Kiểm tra quyết tâm :

Trong tuần qua, các em có cố gắng cầu nguyện khi thức dậy, trước và sau mỗi bữa ăn, trước khi học bài và trước khi đi ngủ không ?

2/ Dẫn vào Lời Chúa.

Các em thân mến, trước khi tìm hiểu chi tiết về bản tóm lược Giao ước Sinai là 10 điều răn, chúng ta cần nói tới những yếu tố quan trọng trong việc thực thi các điều khoản của Giao ước như tự do, lương tâm. Hôm nay, chúng ta tìm hiểu về tự do. Để bắt đầu bài học, anh (chị) kể cho các em một câu chuyện.

     Vua Friedrich Wilhelm cai trị nước Phổ vào đầu thế kỷ 18. Ông nổi tiếng là người nóng nảy, khó tính. Ông không thích nghi thức rườm rà. Ông chỉ thích đi dạo một mình giữa các đường phố Berlin. Tuy thích sống đơn giản, nhưng ông lại rất nhạy cảm đối với bất cứ một sự xúc phạm vô tình nào của người dân. Nếu chẳng may có người nào chạm đến ông giữa đám đông. Ông sẽ không ngần ngại dùng gậy đập túi bụi vào người đó. Thành ra, khi thấy Đức vua đi đến, mọi người đều tìm cách lẩn tránh. Lần kia, khi ông đang đi giữa phố Berlin, một người đàn ông đang đi tới, bỗng lẩn tránh đi nơi khác. Vừa ngạc nhiên, vừa bực tức vì dân chúng lẩn tránh mình, Vua Friedrich mới chận người đàn ông lại và hỏi lý do tại sao lẩn tránh ông. Người đàn ông luống cuống mãi, cuối cùng đành phải trả lời rằng sở dĩ ông ta lẩn tránh nhà vua là vì sợ hãi. Nghe đến đó, Vua Friedrich nổi tam bành, ông túm lấy vai người đàn ông đáng thương, vừa lắc mạnh, vừa thét lên : “Tại sao ngươi lại sợ ta?  Ta là Vua của ngươi, ngươi phải yêu mến ta!  Ngươi phải yêu mến ta!  Ngươi phải yêu mến ta!  Ngươi có biết đều đó không?”

      Chỉ có con người mới  có tự do chọn lựa và yêu thương. Không ai có thể cưỡng bách người khác yêu mình.

      Vậy tự do là gì ?  Tự do có quan trọng không ?  Tự do đem lại cho con người điều gì ?  Để trả lời các câu hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu bài học hôm nay. Trước tiên, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa nói về điều này, mời các em đứng lên lắng nghe.

III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA

 Gl  5, 13

IV . GIẢI THÍCH LỜI CHÚA   

1/ Dẫn giải Lời Chúa.

-Lời Chúa mà các em vừa nghe thuộc sách nào ?  ( Thưa là thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Galata).

-Câu Lời Chúa này nói gì ?  (Câu này nói về tự do và cách sử dụng tự do).

-Câu này nói gì về tự do ?  (Tự do của con người là do Chúa ban).

-Vì là do Chúa ban nên con người phải sử dụng tự do như thế nào ?  (Đừng lợi dụng tự do để sống theo xác thịt, nhưng lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau).

Như vậy, Thánh Phaolô khuyên chúng ta phải biết dùng tự do của mình, để làm vinh danh Chúa và giúp đỡ người khác. Đừng sống theo tính ích kỷ, chỉ lo cho bản thân mình. Sau đây là câu chuyện con người sử dụng tự do sai : các em mở sách  Chúa nói với trẻ em trang 6 để xem bức tranh vẽ lại cảnh sử dụng tự do sai.

- Các em mở Sách Chúa nói với trẻ em trang 6 và nhìn vào bức tranh. Qua bức tranh này, các em có nhận ra câu chuyện nào không ? (Ông bà nguyên tổ không vâng lời Chúa đã ăn quả trái cấm).

-Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa, có nghĩa là có lý trí và có lòng yêu thương để suy nghĩ và lựa chọn. Như thế, Chúa ban cho con người có tự do để lựa chọn hành động hay không hành động theo ý mình. Vậy khi ông bà nguyên tổ ăn quả trái cấm là ông bà theo ý mình hay ý Chúa ? (Theo ý ông bà).

-Khi lựa chọn theo ý mình như thế là ông bà đã sử dụng tự do đúng hay sai ? ( Sai).

-Tại sao các em biết là sai ?  (Vì khi ông bà quyết định ăn quả trái cấm là ông bà theo lời ma quỷ cám dỗ muốn bằng Thiên Chúa. Nhưng việc Chúa đuổi ông bà ra khỏi vườn địa đàng, phải đau khổ và phải chết, chúng ta thấy ông bà đã sử dụng tự do sai, trong khi Chúa ban cho con người có tự do là để con người đạt được hạnh phúc).

Chúng ta tiếp tục tìm hiểu về tự do ở phần bài học sau đây.

2/ Giải thích câu hỏi thưa.

Câu 1: Tự do là gì ?

-Khi cha mẹ các em đưa cho các em 2 món đồ chơi và nói với các em chỉ được chọn một thứ thôi. Sau khi ngắm nghía, suy nghĩ, các em chọn một thứ. Khi chọn lấy đồ chơi này, bỏ cái kia là các em đã sử dụng cái gì đó? (Tự do).

-Sau khi chọn một trong 2 món đồ chơi, món đồ chơi đó bị hư  thì theo các em, ai chịu trách nhiệm ?  (Chính mình lựa chọn nên chính mình chịu trách nhiệm).

Như vậy, tự do là khả năng tự lựa chọn, tự quyết định về một hành vi nào đó. Một khi đã tự do quyết định, lựa chọn, chúng ta phải chịu trách nhiệm về hành vi ta đã làm.

Hơn nữa, tự do còn là sức mạnh giúp ta vươn cao, trưởng thành, chẳng hạn : Khi đi ngoài đường, em lượm được một món tiền của ai đánh rớt. Một đàng em nghĩ đây là của lượm được và rất muốn lấy để xài riêng, một đàng em nghĩ thương người mất số tiền đó. Sau khi suy nghĩ, em quyết định đem số tiền ấy đến nhờ cha xứ rao ở nhà thờ để trả lại cho người đánh rớt. Đây là một quyết  định, một sự lựa chọn đúng, đẹp, tuyệt vời, đáng ca ngợi. Các em có nghĩ như thế không? (Có).

Đọc chung câu 1.

Câu 2 : Tự do quan trọng thế nào ?

-Một người lái xe Honđa đi đúng luật đi đường chẳng may đụng vào một người đi xe đạp lao từ con hẻm ra. Vì người đi xe đạp lao từ con hẻm ra rất gần, người lái xe Honđa cố tránh mà không được, người đi xe đạp bị thương nặng.

*Vậy người lái xe Honđa có lựa chọn nghĩa là cố ý đâm vào người đi xe đạp không ? (Không).

*Vì không có chủ ý nên người lái xe có chịu trách nhiệm hoàn toàn không, xét về mặt lương tâm ? (Không).

Như vậy, tự do rất quan trọng đối với các hành vi của một người. Một việc ta làm có tự do hoàn toàn, nghĩa là không ai ép ta làm, ta có thể làm hoặc không làm, nếu nó gây ra những hậu quả xấu, ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Đọc chung câu 2.

Câu 3 : Những trường hợp nào ta được giảm bớt trách nhiệm hoặc không bị quy trách nhiệm ?

Khi ta hoàn toàn tự do làm một việc gì nghĩa là biết rõ và chủ tâm, ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi đó. Nhưng trong những trường hợp ta được giảm bớt trách nhiệm hoặc không bị quy trách nhiệm:

[1]Do không biết.

-Bỏ lễ chủ nhật là có tội. Vậy nếu em không biết bỏ lễ là có tội thì em có phải chịu trách nhiệm nghĩa là mắc tội vì không đi lễ không ?  (Không).

[2]Bị ép buộc.

-Aên cắp là có tội. Vậy nếu em bị một người cầm dao bắt em ăn cắp vật gì đó cho họ, em có hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc ăn cắp này không? (Không, vì lúc đó em không có tự do).

[3]Sợ hãi.

Nói dối là có tội. Vậy trường hợp em nghe bạn rủ trốn học đi chơi, vì sợ ba đánh đòn (ba đã đánh đòn người anh nhiều lần vì tội trốn học) nên khi ba hỏi có đi học không em nói dối là có, em có tội không ? (Có, nhưng được giảm thiểu vì sợ hãi).

Như vậy, những hành vi ta làm nếu không có hoặc có ít tự do thì ta được giảm bớt trách nhiệm hoặc không bị quy trách nhiệm.

Đọc chung câu 3.

Câu 4 : Tự do đem lại điều gì cho con người ?

[1]. Tự do làm cho con người trở nên cao cả :

-Các loại cây như trà, cà phê, cam, bưởi…, các loài thú vật như con chó, con mèo, con sư tử…có biết suy nghĩ, lựa chọn cái này bỏ cái kia không ? (Không, vì chúng không có lý trí).

-Loài người chúng ta có biết suy nghĩ, lựa chọn điều này bỏ điều kia và quyết định làm việc này bỏ việc kia không ? (Có, vì loài người có lý trí).

-Loài vật có phân biệt được điều tốt, điều xấu và làm điều tốt bỏ điều xấu không ? (Không, chúng chỉ làm theo bản năng sinh tồn).

-Loài người không những biết phân biệt tốt xấu mà có thể làm điều tốt bỏ điều xấu cách hoàn tự do mặc dù bị mất mát, đau khổ không? Hãy cho một ví dụ. (Có. Chẳng hạn, Đức Cha Cassaigne ở Di Linh, Ngài đã sẵn sàng chọn một việc tốt là coi sóc người phong cùi dù Ngài biết rõ mình có thể bị lây bệnh phong. Ngài đã bị lây thật và đã chết vì bệnh này. Ngài trở thành người cao cả, thành thánh).

Như vậy chính tự do làm cho con người khác loài vật và làm cho loài người trở nên cao cả.

 [2]. Lạm dụng tự do làm điều xấu sẽ đánh mất phẩm giá của mình.  

-Nhiều người nghĩ rằng với tự do họ có thể muốn làm gì thì làm, ngay cả những điều xấu, điều tội lỗi. Theo em, họ nghĩ như vậy có đúng không?  (Không, họ nghĩ như vậy là lạm dụng tự do).

-Việc cho rằng tự do là muốn làm gì thì làm thường dẫn đến những việc làm theo đam mê, sở thích ích  kỷ của mình. Do đó những việc làm ích kỷ này có khác với những việc làm của loài vật theo bản năng, những qui luật cố định như đói thì ăn mà không phân biệt đồ ăn của ai không?  (Không khác bao nhiêu).

-Ngày tết, khi mẹ cho em tự do sử dụng tất cả số tiền bà con mừng tuổi. Em sung sướng vì được sử dụng theo ý mình . Em đã dùng tiền đó đi chơi những trò chơi điện tử và mua nhiều đồ chơi, từ đó em mê chơi những trò chơi điện tử, bỏ học, hết tiền và đi lấy của người này người khác, bỏ học để đi chơi. Như vậy việc sử dụng tự do không đúng của em dẫn em tới tình trạng nào ? (Tình trạng nô lệ tội lỗi).

Như vậy, việc lạm dụng tự do sẽ hạ thấp phẩm giá cao cả của mình là loài có lý trí và biến ta thành kẻ nô lệ cho tội lỗi.

Đọc chung câu 4 .

Câu 5 : Khi nào con người có tự do đích thật ?

-Vào một ngày gần tết nào đó, em nghe tin bà nội của em ở Sài gòn đau nặng, đang hấp hối sắp chết. Em rất thương bà. Vậy lúc  đó ước muốn duy nhất của em là gì ? (Về gấp Sài gòn để gặp bà lần cuối).

-Nhưng lúc đó một phần em đang bị cảm, một phần vì có quá đông người đón xe nên khó đón xe và tiền xe quá mắc, hơn nữa ngày tết đã đến nên có nhiều người can ngăn nói em đừng đi. Phần em, điều quan trọng duy nhất lúc đó đối với em là gặp bà trước khi bà chết . Vậy em có tìm mọi cách vượt qua các trở ngại trên để thực hiện ý muốn của em không ? (Có).

Vậy việc em cố gắng vượt qua mọi trở ngại để thực hiện một việc làm đáng quý của em là gặp mặt bà lần cuối được coi là một hành vi có tự do.

-Cũng vậy, khi dựng nên con người, Thiên Chúa muốn con người được sống mãi, sống hạnh phúc bên Ngài. Đó cũng là ước muốn cao nhất của loài người. Nhưng tiếc rằng con người không đạt được ý muốn này do phạm tội. Nhưng ước muốn này vẫn cháy bỏng nơi Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa đã làm tất cả những gì có thể để con người có được hạnh phúc, Ngài đã sai người Con một của Ngài xuống thế làm người mang lấy tội của con người, chết và sống lại vì con người, đồng thời chỉ cho con người cách thế đạt được ước muốn được sống hạnh phúc bên Chúa mãi mãi. Vậy con người chúng ta phải làm gì đây? (Phải dùng tự do của mình mà vượt qua mọi thứ ngăn cản mình để làm theo điều Chúa chỉ cho hầu đạt được ước muốn).

Như thế, khi chúng ta, với tất cả tự do, cố gắng vượt qua mọi trở ngại để làm theo sự chỉ dẫn của Đấng dựng nên ta, yêu mến ta và luôn muốn ta được hạnh phúc chính là lúc ta có tự do đích thật.

Đọc chung câu 5.

Câu 6: Ân sủng của Thiên Chúa có làm mất tự do của con người không?  

-Khi đi đường, theo các em, đi ban ngày hay đi trong đêm tối ta sẽ thấy đường rõ hơn ? (Đi ban ngày ta thấy rõ đường đi hơn).

-Tại sao?  (Vì ánh sáng mặt trời chiếu dọi vào con đường trải ra trước mặt).

-Ân sủng được ví như ánh sáng mặt trời sẽ giúp ta thấy rõ đường đi về với Chúa, nghĩa là hạnh phúc đời đời và giúp ta đi đúng hướng. Như vậy, nhờ ân sủng các hành động của chúng ta đạt tới mức độ tự do cao nhất. Do đó, ân sủng làm suy giảm tự do hay tăng thêm tự do cho chúng ta? (Ân sủng tăng thêm tự do cho chúng ta).

Quả thật, ân sủng tuy không tạo ra tự do nhưng giúp tự do phát triển vượt bậc.

Đọc chung câu 6.

Tóm lại, khi dựng nên chúng ta, Thiên Chúa ban cho chúng ta tự do nghĩa là Ngài ban cho ta khả năng lựa chọn, quyết định  để ta lớn mạnh và trưởng thành. Tự do Chúa ban không phải là muốn làm gì thì làm nhưng là khả năng giúp ta lựa chọn những gì tốt nhất, khả năng bỏ đi những gì ngăn cản ta phát triển, trưởng thành, những gì cản trở ta đạt tới hạnh phúc như ý Chúa. Nhờ tự do, chúng ta có thể làm chủ các hành vi của mình, nhưng với tự do chúng ta phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình.

V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

1/ Gợi tâm tình .

Các em thân mến,

So với muôn loài muôn vật khác do Chúa dựng nên, con người chúng ta là tạo vật cao quý nhất vì Chúa ban cho chúng ta có tự do. Với tự do Chúa ban, chúng ta có thể suy nghĩ, lựa chọn, quyết định về hành động, cách sống của mình, làm chủ cuộc đời mình và biết sống yêu thương, trong khi các loài khác phải sống theo quy luật cố định cho mỗi loài. Lý do Chúa ban cho ta tự do là vì Chúa muốn ta nhận biết Ngài yêu ta và yêu lại Ngài . Chúa muốn chúng ta là con cái Ngài chứ không là những tên nô lệ của Ngài. Nhưng khi ban cho ta tự do, Ngài rất ư là liều lĩnh vì với tự do, chúng ta có thể phản bội Ngài. Hiểu như thế chúng ta mới biết Chúa yêu ta dường nào khi ban tự do cho chúng ta. Trước tình yêu này, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

2/Lời nguyện .

Lạy Chúa, với tự do Chúa ban, chúng con có thể phạm tội chống lại Chúa. Trong thực tế, chúng con luôn yếu đuối và đã phản bội Chúa rất nhiều lần qua những lần chúng con lựa chọn làm những việc xấu xa tội lỗi. Xin Chúa tha thứ cho chúng con và ban ơn giúp sức để chúng con đừng lạm dụng tự do Chúa ban để phạm tội nhưng luôn biết lựa chọn, quyết định làm những việc tốt theo ý Chúa để chúng con đạt tới hạnh phúc cuối cùng mà Chúa muốn chúng con đạt tới là được sống hạnh phúc mãi mãi bên Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. SINH HOẠT -          TRÒ CHƠI: Lựa chọn nhanh và đúng.

Tập cho các em biết lựa chọn nhanh và đúng .

Số người: Số chẵn, không hạn chế,

Rèn luyện: Tự giác, nhanh nhẹn.

Cách chơi: Chia các em thành hai đội đứng thành hàng ngang đối diện nhau, cách nhau khoảng 6 mét. Mỗi người góp vào giữa một chiếc dép. Người điều khiển thổi còi, em đứng đầu hàng chạy nhanh về đống dép, dùng chân tìm đúng chiếc dép của mình và dùng chân kẹp lấy chiếc dép nhảy về chỗ đập vào vai người thứ hai. Người thứ hai tiếp tục cho đến hết. Đội nào làm xong  trước thì thắng cuộc.

Lưu ý: Tất cả các động tác chỉ dùng chân, cấm dùng tay. Khi kẹp dép nhảy về chỗ, nếu bị rớt, tự động ngồi bệt xuống dùng chân kẹp lại dép rồi tiếp tục nhảy về chỗ cũ.

VII. BÀI  TẬP

Hãy tìm xem em nào sử dụng tự do đúng em nào sử dụng sai. Nếu đúng, đánh dấu cộng ở đầu câu, nếu sai đánh dấu trừ.

1. Mẹ bảo: Hồng ơi!  Vào học bài đi con. Hồng dạ một tiếng thật lớn, chạy vào nhà. Nhưng khi mẹ đi khỏi, Hồng lại ra ngoài chơi tiếp.

2. Em Thành, trên đường đi học, thò tay vào hái một bông hoa trong hàng rào nhà bạn mình.

3. Em Tèo đang đi trong khuôn viên nhà thờ, nhìn thấy vỏ kẹo em nhặt bỏ vào thùng rác.

VIII. SỐNG LỜI CHÚA

          Bình thường chúng ta thích chơi hơn thích học. Chúa muốn chúng ta trở thành những người có khả năng giúp ích cho xã hội và Giáo hội. Muốn có khả năng chúng ta phải chăm học văn hóa cũng như học Giáo lý. Vậy tuần này, em quyết tâm dùng tự do của mình mà chăm chỉ học hành.

IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

Lạy Thiên Chúa  là Cha của chúng con, vì yêu thương Chúa đã ban cho chúng con tự do để chúng con biết từ bỏ những gì cản trở chúng con sống tốt và biết lựa chọn những gì làm cho chúng con nên cao cả, đáng quý. Xin Chúa thương giúp chúng con thực hành được điều chúng con quyết tâm. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con . Amen.

Đọc kinh Sáng Danh.


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà