- Lời Chúa: Rm 6, 6-19
- Ý
chính: Để làm đẹp lòng Chúa, để được hạnh phúc đời đời, ta phải dứt khoát từ bỏ
tội lỗi vì phạm tội là xúc phạm đến Chúa, làm hại cho chính mình và cho người
khác trong tư tưởng, lời nói và việc làm.
- Giáo cụ trực quan : * Tranh : Người Cha nhân
hậu 2(Số 108).
* Sách Chúa nói với trẻ em đoạn
73 trang 70.
I . CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin dâng
giờ giáo lý này cho Chúa. Ước gì trong giờ học hôm nay, chúng con biết ý thức hơn
về tội lỗi đồng thời biết thống hối ăn năn và tránh xa dịp tội.
Đọc kinh Cúi xin Chúa sáng soi.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA
1/Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.
+Ôn bài cũ :
-Để sống đẹp lòng Chúa, ta cần tới điều gì? (Cần phải có ơn Chúa).
-Có mấy thứ ơn Chúa? (Có 2 thứ : một là ơn thánh hóa, hai là ơn trợ giúp tùy oàn cảnh).
-Để ơn Chúa sinh hoa kết quả ta cần phải làm
gì? (Ta cần phải cộng tác với ơn Chúa).
-Ta phải cộng tác với ơn Chúa thế nào? (Phải thực hiện ý Chúa mọi nơi mọi lúc với lòng
yêu mến Chúa).
+Kiểm tra quyết tâm :
Trong
tuần qua, các em có tập bỏ một việc làm theo ý riêng mà làm theo ý Chúa không?
2/ Dẫn vào Lời Chúa.
Một vị linh mục đi cùng với một
anh thợ hớt tóc vô thần vào khu ổ chuột của thành phố. Anh thợ hớt tóc nói với
vị linh mục : ”Cha biết tại sao tôi không
tin vào tình yêu Thiên Chúa không? Nếu quả thật Chúa tử tế như cha thường nói, hẳn Ngài chẳng để cho cảnh nghèo
đói, bệnh tật và bẩn thỉu lan tràn như thế này và những kẻ ăn không ngồi rồi vướng
vào nạn xì ke ma túy hay sống trụy lạc buông thả”.
Vị linh mục làm thinh chẳng nói
gì mãi tới lúc họ gặp một gã đàn ông dơ bẩn đang đi đến. Mớ tóc rối bù xù bê bết
trên cổ gã và đám râu ria lổm chổm đâm tua tủa trên mặt gã. Bấy giờ vị linh mục
mới lên tiếng : ”Này anh bạn, anh có tính
làm một amh thợ hớt tóc yêu nghề hay anh sẽ bỏ mặc cái gã bầy hầy kia trong lối
sống chẳng hề biết đến hớt tóc cạo râu là gì? ”.
Anh thợ hớt tóc giận dữ đáp : ”Tại sao cha lại trách tôi về tác phong của
hắn. Tôi xúi hắn sống dơ dáy như vậy hồi nào? Tôi dư sức biến hắn thành một người
đàn ông lịch sự. Nhưng ít ra hắn phải biết nhờ tôi và sẵn lòng leo lên ghế hớt
tóc thì tôi mới giúp hắn được chứ ! ”.
Bằng cái nhìn thấu hiểu, vị linh
mục đáp : ”Vì thế anh cũng đừng nên trách
Thiên Chúa vì đã để mặc con người tiếp tục sống trong tội lỗi. Ngài vẫn kiên
trì mời gọi chúng ta đến cùng Ngài để được cứu rỗi. Lý do khiến con người làm nô
lệ cho tội lỗi và tật xấu chính là con người đã từ chối Đấng đã đến chịu chết để
chuộc tội và cứu rỗi họ”.
Trong đoạn Lời Chúa chúng ta sắp nghe, Thánh Phaolô đã lặp lại lời
kêu gọi của Chúa Giêsu hãy dứt khoát từ
bỏ tội lỗi và sống cho Thiên Chúa, mời các em đứng lên lắng nghe.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Rm 6, 6-19.
IV. GIẢI THÍCH LỜI
CHÚA
1/ Dẫn giải Lời Chúa.
-Lời Chúa mà các em vừa nghe được trích ở sách nào? (Từ
thư của Thánh Phao-Lô gửi tín hữu
Rô-ma).
-Theo đoạn Lời Chúa này thì tội lỗi của chúng ta đã được tha và ai đã
tha thứ tội lỗi cho chúng ta? (Tội lỗi của
chúng ta đã được Chúa Giêsu tha thứ khi Ngài mang lấy và chịu chết thay cho chúng
ta trên thập giá).
-Khi tội lỗi đã được tha thứ, thì Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu
Roma và chúng ta phải sống như thế nào? (Phải
dứt khoát từ bỏ tội lỗi, hãy sống cho Thiên Chúa nghĩa là hãy sống công chính và
làm điều thiện).
Như thế, đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe nói với chúng ta rằng
tội lỗi của chúng ta đã được Chúa Giêsu tha thứ nên hãy cố gắng từ bỏ đời sống
tội lỗi và sống thánh thiện hơn.
Chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về tội lỗi và lòng thương xót của
Chúa để chúng ta dễ dứt khoát với tội lỗi hơn trong phần bài học dưới đây.
2/ Giải thích câu hỏi thưa.
Câu 1: Tội là gì?
-Khi tạo dựng loài người chúng ta, Thiên Chúa muốn chúng ta luôn sống
trong hạnh phúc hay trong đau khổ? (Trong
hạnh phúc).
-Thiên Chúa có chỉ cho chúng ta cách sống để luôn sống trong hạnh
phúc không? (Có).
Đúng. Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta cách sống để luôn có hạnh phúc.
Ở hai bài giáo lý: bài 24 (Lương tâm)
và 25 (Luật luân lý) mà chúng ta mới
học cho chúng ta biết những cách sống đó. Cách sống đó là sống theo các luật lệ
do Chúa chỉ cho.
-Em nào nhớ có mấy thứ luật và tên của mỗi thứ đó là gì không? (Có 2 thứ luật : Luật tự nhiên và luật mặc khải. Hai thứ luật này được
gọi chung là luật luân lý).
-Luật tự nhiên là luật gì? (Là
luật được Chúa ghi khắc trong tâm hồn mỗi người để biết phân biệt điều thiện điều
ác, còn gọi là lương tâm).
-Luật mặc khải là gì? (Là
luật được Thiên Chúa tỏ cho con người biết và được ghi lại trong sách Kinh Thánh
gồm luật Cựu Ước và Tân Ước).
-Nếu chúng ta sống theo các điều luật này thì chúng ta làm đẹp lòng
Chúa và được hạnh phúc. Ngược lại, nếu chúng ta không sống theo những điều luật
này thì chúng ta không làm đẹp lòng Chúa nghĩa là chúng ta là người thế nào? (Người có tội).
-Vậy tội là gì ? (Tội là
có những ý nghĩ, lời nói, việc làm nghịch với luật Chúa dậy).
Đọc chung câu 1
Câu 2 : Có mấy thứ tội?
Có hai thứ tội: Một là tội trọng,
hai làø tội nhẹ.
Câu 3 : Thế nào là tội trọng?
Để biết thế nào là tội trọng, anh (chị) kể cho các
em nghe một câu chuyện do anh (chị) tưởng tượng ra chứ không có thật và chúng
ta cùng phân tích câu chuyện này.
Nhà anh A ở bên cạnh nhà anh B. Tuy
sống bên cạnh nhau nhưng họ luôn hận thù nhau. Một hôm, anh A đang lái xe trên
một quãng đường vắng thấy anh B đang đi bộ trước mặt, anh A đã cố ý lái xe đâm
vào anh B. Anh B đã chết tại chỗ. Bây giờ chúng ta cùng phân tích câu chuyện này
.
-Anh A cố ý hay vô ý lái xe đâm chết anh B? (Anh A cố ý lái xe đâm chết anh B).
-Việc cố ý giết người là phạm giới
răn nhẹ hay nặng? Để biết việc giết người là phạm giới răn nặng hay nhẹ, anh
(chị) trích lời Chúa Giêsu nói đến những giới răn nặng : Giết người, ngoại tình,
trộm cắp, làm chứng gian, bất hiếu với cha mẹ (Mc 10, 19). Như vậy, việc giết
người là phạm giới răn nặng hay nhẹ? (Nặng).
-Anh A đã cố ý phạm một giới răn nặng là giết người, vậy
anh A đã phạm tội trọng hay tội nhẹ? (Tội
trọng).
-Vậy thế nào là tội trọng?
Để một tội là tội trọng cần hội đủ ba điều kiện sau :
[1]. Phạm một giới răn nặng hay lỗi nặng. Ví
dụ giết người, ăn cắp
[2]. Biết rõ là tội và là tội nặng, nghĩa là phạm tội có ý thức.
[3]. Ưng thuận hoàn toàn. Cố ý, chủ tâm phạm vào giới răn nặng.
Đọc chung câu 2
Câu 4, 8: Tội trọng làm hại ta
và làm thiệt hại cho Hội Thánh thế nào?
-Giả sử ta xây một bức tường chắn
ngang một con đường thì xe cộ có đi qua lại được không? (Không).
- Thiên Chúa
luôn đổ ơn xuống cho chúng ta. Nếu ta phạm tội trọng thì cũng giống như ta xây
một bức tường chắn ngang đường. Như thế ơn Chúa có còn đến với ta được không? (Không).
Quả thế, khi chúng ta phạm tội trọng
:
*Chúng ta làm thiệt hại cho
chính mình : mất ơn Chúa, mất đời sống siêu nhiên, mất mọi công phúc mình đã làm
được, mất sự sống của Chúa tức là sự sống đời đời. Hơn nữa, tội trọng làm tâm hồn
mình bị bối rối, lo âu như đánh mất chính mình, trốn chạy chính mình. Trường hợp
của Cain trong Kinh Thánh Cựu ước nói lên điều đó. Sau khi Cain giết em là Abel
đã phải chạy trốn. Cain chạy trốn chính bản thân mình vì tội ông đã phạm cứ ám ảnh
ông, cắn rứt lương tâm ông làm ông khổ sở, bất an.
*Hơn nữa, khi ta phạm tội trọng,
ta còn làm thiệt hại cho Hội Thánh, cho người khác. Trường hợp ông bà Adong Eva
sau khi phạm tội cho ta biết điều đó : Ông bà không còn yêu thương nhau như trước
khi phạm tội nữa, ông bà đã đổ lỗi cho nhau. Quả thật, khi chúng ta chối từ Thiên
Chúa, xa cách Thiên Chúa, chúng ta cũng xa cách người khác, trở nên ích kỷ, chia
rẽ nhau.
Đọc chung câu 4 và câu 8.
Câu 5 : Khi trót phạm tội trọng thì phải làm gì?
Để biết phải làm gì khi trót phạm
tội trọng, các em hãy mở sách Chúa nói với trẻ em trang 70 và đọc đoạn 73.
-Đoạn sách
các em vừa đọc nói về điều gì? (Nói về một
người con hư hỏng bỏ nhà, bỏ cha đi ăn chơi trở về nhà với cha mình).
-Người cha đã tỏ thái độ thế nào
khi đức con trở về: giận dữ đuổi đứa con hư đi hay giang tay vui mừng đón nhận?
Các em nhìn lên bức tranh này (Số
108) rồi trả lời. (Người cha giang tay đón
nhận và không hề trách móc).
-Người cha đây là ai? (Là Thiên Chúa).
-Người con hư hỏng là ai? (Là chúng ta vì tất cả chúng ta đều đã phạm tội).
-Nếu Thiên Chúa là người Cha nhân
hậu hay tha thứ, luôn giang tay đón chờ chúng ta để tha thứ, để yêu thương thì
khi trót phạm tội ta phải làm gì? (Hãy trở
về với Chúa, nghĩa là hãy ăn năn thống hối và đi xưng tội).
Đọc chung câu 5.
Câu
6, 7 : Thế nào là tội nhẹ, tội nhẹ làm thiệt hại ta thế nào?
-Các em hãy nhớ lại có mấy điều
kiện làm tội ta phạm là tội trọng? (Có 3 điều
kiện: phạm một giới răn buộc nặng, biết rõ là tội trọng và cố tình phạm).
Còn tội nhẹ là khi thiếu 1 trong
3 điều kiện này, nghĩa là:
*Lỗi phạm một điều luật nhẹ.
*Lỗi phạm một điều luật nặng nhưng không biết
rõ hoặc không ưng thuận.
- Tội nhẹ có làm mất đời sống ơn
thánh như tội trọng không? (Không. Tuy nhiên, tội nhẹ tạo điều kiện
cho ta dễ hướng chiều về điều xấu, dễ phạm
tội trọng hơn).
Đọc chung câu 6, câu 7.
Câu
9, 10 : Giáo lý viên giải thích lướt qua và cho các em đọc chung.
Câu
11 : Vậy ta phải có thái độ gì đối với tội lỗi?
Ta phải quyết tâm :
-Luôn nhắc đi nhắc lại cho mình:
Tôi quyết tâm không phạm tội.
-Tránh xa các dịp tội.
-Xét mình hằng ngày vào buổi tối trước khi đi
ngủ.
-Siêng năng xưng tội, rước lễ.
Đọc chung câu 11.
Tóm lại, bài học hôm nay cho
ta biết khi ta phạm tội, ta xúc phạm đến Thiên Chúa, làm hại chính mình và người
khác. Vì thế, chúng ta cần phải dứt khoát với tội lỗi.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1/ Gợi tâm tình.
Các em thân mến,
Mỗi khi phạm tội, chúng ta làm cho Chúa buồn
và làm cho chúng ta phải xa Chúa. Mỗi người chúng ta đều biết rõ điều đó nhưng
chúng ta vẫn hay phạm tội vì chúng ta quá yếu đuối. Để có thể dứt khoát với tội
lỗi, chúng ta luôn cần tới ơn Chúa, vì thế chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
2/ Lời nguyện.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết rõ chúng
con rất yếu đuối và ích kỷ nên hay phạm tội làm Chúa đau lòng. Chúng con rất cần
tới sự giúp đỡ của Chúa. Xin ban cho chúng con sức mạnh, lòng quảng đại và tâm
tình yêu mến Chúa để chúng con có thể chống trả lại cám dỗ, can đảm tránh xa dịp
tội để chúng con luôn là người con ngoan của Chúa. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng
hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
VI . SINH HOẠT - Băng reo: Thống Hối
Người
điều khiển |
Tất
cả |
Ò Ó O………O |
Tôi không biết (Tay phải đưa qua trái, điệu
bộ từ chối, đầu quay về bên phải) |
Ò Ó O………O |
Tôi không biết (Đổi tay đổi hướng đầu ) |
Ò Ó O………O |
Tôi không biết (Xua hai tay trước mặt) |
ÓO O………O |
Con chối Thầy (Hai tay bưng mặt) |
Chúa Giêsu nhìn. |
Con thống hối(Gục đầu xuống hai tay đan vào
nhau, đặt sau gáy ) |
VII. BÀI TẬP
Các em hãy suy nghĩ và trả lời các
câu hỏi về trường hợp sau đây
Bạn A rủ bạn B trốn học đi chơi. Cả hai vào vườn của người ta
hái trộm mít, dứa, ổi ngồi ăn rồi đùa giỡn với nhau. Trên đường về có sự xích mích. Bạn A về nhà cáo với cha mẹ bạn B.
a-Cả hai bạn đã phạm những tội
gì ? (Trốn
học, trộm cắp, ganh ghét nhau).
b-Bạn A có chịu một phần trách nhiệm về tội của bạn B không? (Có, vì
bạn A rủ bạn B trốn học, trộm cắp).
c-Bạn A còn mắc thêm tội nào
nữa không ? (Có, vì giận nên đi cáo cha mẹ của bạn B chứ không phải vì muốn giúp bạn
. Như vậy, bạn A có ý xấu).
d-Hai bạn này có cách nào sửa lại lầm lỗi của mình không ? (Có, cả hai hãy xin lỗi bố mẹ và hứa chừa bỏ
rồi đi xưng tội).
VIII. SỐNG LỜI CHÚA
Để dễ dứt khoát với tội lỗi, chúng ta cần phải tránh xa dịp tội.
Vậy tuần này, các em tập tránh xa một dịp tội là quyết không xem sách báo, phim
ảnh xấu, không bổ ích.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã soi sáng cho
chúng con biết tội là gì, tội làm hại chúng con thế nào trong giờ học này. Xin
Chúa giúp chúng con luôn biết tránh xa dịp tội mà chúng con vừa quyết tâm sẽ thực
hành trong tuần này. Xin Chúa nhận lời cầu xin của chúng con.
Đọc kinh Sáng Danh