Bài 32

DÂN CHÚA MONG ĐỢI ĐẤNG CỨU THẾ

    

- Lời Chúa : Lc  3, 1- 18

- Ý chính:  Nhờ các ngôn sứ  loan báo, dân Chúa ngày càng mong đợi Đấng Cứu Thế đến .

- Giáo cụ trực quan : *Tranh :  Dân Chúa từ Babilon trở về (Sách Chúa nói với trẻ em trang 40).

                                     *Sách Chúa nói với trẻ em đoạn 40, trang 41-42 và đoạn 52 trang 53-54.

 

I/ CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài thương thánh hoá buổi học cuối cùng trong năm học này của chúng con. Ước gì qua buổi học hôm nay, chúng con luôn biết mong chờ Chúa đến với mỗi người chúng con.

 Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần.

 

II/ DẪN VÀO LỜI CHÚA 

1/ Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.

+Ôn bài cũ :

-Điều răn thứ ba dạy ta điều gì ?  (Thánh hóa ngày Chúa nhật và các ngày Lễ buộc ).

-Thánh hóa ngày Chúa nhật là gì ? (Là dành ngày Chúa nhật để chúc tụng, tạ ơn và tôn vinh Chúa qua các việc : nghỉ việc xác để thời giờ tham dự thánh lễ, làm việc bác ái và tông đồ).

-Trọng tâm của ngày Chúa nhật là gì? (Thánh lễ).

+Kiểm tra quyết tâm :

Trong tuần qua các em có chuẩn bị tham dự thánh lễ và tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật cách nghiêm túc, trọn vẹn như đã quyết tâm không ?

2/ Dẫn vào Lời Chúa .

Các em thân mến,

Chúng ta đã tạm ngưng việc tìm hiểu Lịch sử cứu độ ở giai đoạn dân Israel được Chúa cho trở về quê hương sau 50 năm lưu đầy ở Babilon vào năm 538 TCN để tìm hiểu kỹ hơn về Giao Ước Sinai. Chúng ta đã tìm hiểu 3 giới răn đầu của 10 giới răn của Giao Ước Sinai. Hôm nay, chúng ta tiếp tục tìm hiểu vắn tắt Lịch sử cứu độ từ sau thời lưu đầy Babilon tới khi Đấng Cứu Thế ra đời. Trước khi bước vào bài học này, anh (chị) kể cho các em nghe một câu truyện.

Một hoạ sĩ người Anh, qua đời vào khoảng giữa thế kỷ 20 đã để lại một bức tranh khá nổi tiếng . Đó là một bức tranh mô tả Đức Giêsu đang đứng gõ cửa trước một túp lều tranh . Trước khi đưa ra triển lãm, ông đã mời bạn bè và nhiều nhà danh họa khác tới để phê bình góp ý . Đứng trước bức tranh, ai ai cũng trầm trồ thán phục chứ không thể trách cứ điều gì.

Nhưng người hoạ sĩ ấy vẫn chưa hài lòng về bức tranh của mình. Ông nghĩ rằng, có thể có nhiều lỗi lầm mà bạn bè chưa nhận ra. Cuối cùng, có một hoạ sĩ  trẻ đưa ra lời nhận xét :

-Thưa ông, tôi nhận thấy có một sai lầm cơ bản trong bức tranh của ông, ông đã quên vẽ vào cánh cửa một cái tay cầm. Nếu không có bàn tay, làm sao Đức Kitô có thể kéo cánh cửa ra được ? 

Nhà hoạ sĩ người Anh  đứng cười đáp :

-Thưa ông bạn, khi Đức Kitô gõ cửa nhà bạn, cánh cửa đó chỉ có thể được mở từ bên trong mà thôi .

Các em thân mến !  Mỗi người chúng ta có một cánh cửa vô hình, đó là cánh cửa của tâm hồn. Chúa Giêsu muốn ngự vào lòng ta, nhưng còn tùy thuộc ở ta, ta có sẵn sàng mở cửa lòng mình,  để đón chờ Chúa hay không ?  Chờ đợi là dấu chứng của tình yêu : Càng mong chờ Chúa, càng yêu Thiên Chúa. Còn hạnh phúc nào bằng khi được gặp Chúa, được thoả lòng mong đợi. Các em hãy xem bức tranh sau đây để cùng hòa chung tâm tình  với những ngươì dân Chúa thời Cựu Ước .

Các em hãy mở sách Chúa nói với trẻ em trang 40. Trước hết các em hãy nhìn vào bức tranh.

-Bức tranh này vẽ cảnh gì đây?  (Đây là bức tranh vẽ cảnh dân Chúa từ Ba-by-lon trở về).

- Các em hãy quan sát kỹ xem. Có một người vừa đi vừa thổi cái gì vậy?   (Thổi kèn) . Các em thấy gì nữa? (Một người bế con trên lưng lừa. Một người bế con đi bộ . Một già một trẻ vừa đi vừa nhảy múa).

-Bức tranh này diễn tả sự vui mừng hay buồn tẻ? (Diễn tả niềm vui của dân Chúa. Họ vui mừng hớn hở khi được thoả  lòng mong đợi trở về quê hương).

- Nhưng khi đã được trở về quê hương họ có cảm thấy hạnh phúc như họ mong đợi không?  Không, họ vẫn phải sống dưới ách thống trị của người nước ngoài: đế quốc Ba Tư, Hi Lạp, La Mã và phải đối diện với bao nhiêu khó khăn khác. Vì thế, họ lại nuôi một niềm hy vọng khác : mong đợi Đấng Mêsia sẽ đến giải thoát họ theo như lời các Ngôn sứ đã loan báo. Các em mở sách Chúa nói với trẻ em trang 41 và đọc đoạn 40 để thấy điều này.

Và một lần nữa, niềm hy vọng đó lại bừng sáng lên qua đoạn Tin mừng hôm nay. Mời các em đứng lên, chúng ta lắng nghe Lời Chúa .

 

III.    CÔNG BỐ LỜI CHÚA

          Lc 3, 1-18

 

IV.    GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

1/ Dẫn giải Lời Chúa.

-Lời Chúa mà các em vừa nghe thuộc Tin Mừng nào ?  (Tin Mừng theo Thánh Lu- Ca) .

-Ai là nhân vật chính trong đoạn Tin mừng vừa nghe ?  (Ông Gioan tẩy giả ).

- Ông Gioan Tẩy giả là con của ai? ( Là con của ông Zacaria và bà Isave).

- Ông Gioan Tẩy giả đang làm gì? (Ông rao giảng về Đấng Mêsia (Đấng Cứu Thế), kêu gọi người ta ăn năn sám hối và chịu phép rửa để chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế đến).

-Có nhiều người đến nghe và chịu phép rửa để chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế không? (Có, rất đông).

Các em hãy mở sách Chúa nói với trẻ em trang 53 và đọc đoạn 52 để thấy những việc ông Gioan đã làm hầu chuẩn bị cho dân chúng đón Đấng Cứu Thế và thấy được lòng mong đợi Đấng Cứu Thế của dân chúng.

Chúng ta sẽ tìm hiểu về lòng mong đợi này trong phần bài học dưới đây.

2/ Giải thích câu hỏi thưa.

Câu 1: Các Ngôn sứ đã nói trước những gì về Đấng  Mêsia?

-Từ khi hứa ban Đấng Cứu Thế sau khi con người sa ngã (x. St 3, 15) và chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế xuất hiện khi chọn ông Abraham thì có thể nói đến thời vua Đavít, Thiên Chúa đã nói rõ về dòng dõi của Đấng Cứu Thế. Các em có nhớ Thiên Chúa nói với ai và nói khi nào về dòng dõi Đấng Cứu Thế không?

-Trước hết, Thiên Chúa nói với ai và qua người nào? (Thiên Chúa nói với vua Đavit và qua ngôn sứ Nathan).

-Thiên Chúa nói với vua Đavit qua ngôn sứ Nathan trong trường hợp nào? (Khi vua Đavit cảm thấy việc để hòm bia  Thiên Chúa nơi chiếc lều tạm trong khi ông ở trong cung điện khang trang là điều không chấp nhận được, ông đã nảy ra ý định xây cho Chúa một Đền thờ. Ông đem ý định này nói với ngôn sứ Nathan. Thiên Chúa hiểu rõ tấm lòng của vua Đavit đã nói với ngôn sứ Nathan để ngôn sứ nói lại với Đavít rằng : Thay vì vua Đavít xây cho Chúa một Đền thờ, Thiên Chúa sẽ ban cho ông một điều kỳ diệu là Đấng Cứu Thế sẽ thuộc dòng dõi của ông).

- Thiên Chúa đã nói với vua nào và qua ngôn sứ nào về người mẹ của Đấng Cứu Thế? [Thiên Chúa đã nói với vua A-Khát (Akhaz) qua ngôn sứ Isaia rằng : một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Emmanuel nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Is 7, 14)].

-Thiên Chúa còn cho biết nơi sinh ra của Đấng Cứu Thế nữa. Nơi này là nơi nào và Thiên Chúa nói tin này qua ngôn sứ nào? [Thiên Chúa cho biết trước nơi Đấng Cứu Thế sinh ra là Bêlem qua ngôn sứ Mi-Kha (Mica)(Mk 5, 1)].

-Thiên Chúa có cho biết Đấng Cứu Thế sẽ cứu loài người bằng cách nào không? (Có). Bằng quyền lực hay bằng con đường tình yêu, con đường khổ giá? (Bằng con đường khổ giá: hy sinh chịu đau khổ và chịu chết để đền thay tội lỗi cho loài người).

-Thiên Chúa báo trước điều này qua ngôn sứ nào? (Ngôn sứ Isaia [x. Is 52, 13-53, 12 : Bài ca người tôi trung thứ 4)].

Như thế, qua các ngôn sứ, Thiên Chúa cho chúng ta biết Đấng Cứu Thế thuộc dòng dõi vua Đavít, được sinh ra ở Bê- lem từ một trinh nữ, Ngài cứu nhân loại bằng con đường tình yêu : hi sinh mạng sống để đền thay tội lỗi cho con người.

Đọc chung câu 1.

Câu 2 : Dân Do thái thời đó mong đợi Đấng Mê-si-a thế nào?

-Dân Do Thái có mong đợi Đấng Cứu Thế đúng như các ngôn sứ đã loan báo là Đấng cứu độ loài người bằng con đường tình yêu không? (Không).

-Vậy họ mong đợi một Đấng Cứu Thế như thế nào? (Họ mong đợi một Đấng Cứu Thế cứu giúp họ về vật chất, cứu họ bằng quyền lực nghĩa là giúp họ phục hồi lại một đế quốc Israel hùng cường).

Đọc chung câu 2.

Câu 3 : Có ai biết chờ đợi Đấng Cứu Thế (Đấng Mêsia) như là Đấng cứu chuộc loài người khỏi tội lỗi không?

-Đa số dân Do Thái đều mong đợi một Đấng Cứu Thế cứu giúp họ về vật chất, biến nước họ trở thành một đế quốc. Có ai chờ đợi một Đấng Cứu Thế cứu chuộc họ và loài người khỏi tội lỗi như các ngôn sứ đã loan báo không? (Có).

-Họ thuộc thành phần nào? (Họ là những người nghèo của Thiên Chúa).

-Người nghèo của Thiên Chúa là những ai? (Là những người khiêm tốn chỉ biết tin tưởng và cậy dựa vào một mình Thiên Chúa).

-Các em có thể kể tên một số người không? (Mẹ Maria, thánh Giuse, ông Simêon, bà Anna, ông Zacaria, bà Isave…).

Đọc chung câu 3

Câu 4 : Trước khi Đấng Cứu Thế xuất hiện, Thiên Chúa đã cho ai đi trước dẫn đường?

-Các em có biết tên người con của ông bà Zacaria và bà Isave mà Chúa đã cho ông bà sinh ra trong tuổi già là gì không? (Tên là Gioan).

-Khi sứ thần Chúa báo tin cho ông Zacaria trong đền thờ Giêrusalem là ông sẽ có con, sứ thần có nói với ông ấy về sứ mạng của con ông ấy không? (Có). Sứ mạng ấy là gì? (Sứ mạng ấy là dọn đường cho Đấng Cứu Thế).

-Ông Gioan đã dọn đường cho Đấng Cứu Thế thế nào? (Ông Gioan đã rao giảng về Đấng Cứu Thế, kêu gọi mọi người hãy ăn năn sám hối và chịu phép rửa thống hối để đón Đấng Cứu Thế).

-Có nhiều người tin và nghe lời ông chịu phép rửa để đón Đấng Cứu Thế không? (Có, rất đông).

-Ông Gioan có nói rõ ai là Đấng Cứu Thế không? (Có, ông nói rõ Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế).

-Để cho mọi người biết cách thế cứu chuộc loài người của Chúa Giêsu đúng như các ngôn sứ đã loan báo: cứu thế bằng con đường hi sinh mạng sống mình để đền thay tội lỗi cho loài người, ông Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu là gì? (Ông Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu là : “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”).

Đọc chung câu 4.

Câu 5: Hằng năm, mùa nào ta sống lại tâm tình mong đợi Đấng Cứu Thế?

-Hằng năm ta mừng ngày Chúa cứu thế ra đời vào ngày nào? (Ngày 25 tháng 12, gọi là lễ Giáng Sinh).

-Để đón Chúa Giáng Sinh làm người, Hội Thánh dành bốn tuần để chuẩn bị đón Chúa. Bốn tuần trước lễ Giáng sinh này gọi là mùa gì? (Mùa Vọng).

-Chúng ta làm gì trong bốn tuần Mùa Vọng này? (Tham dự thánh lễ, tĩnh tâm, ăn năn sám hối, xưng tội, hi sinh hãm mình…).

Việc nào trong số các việc vừa kể giúp ta ý thức mình đang sống trong Mùa Vọng, mùa chuẩn bị đóng Đấng Cứu Thế và giúp ta làm tốt các việc còn lại hơn? (Thánh Lễ).

-Tại sao Thánh lễ giúp ta sống Mùa Vọng tốt nhất? Để trả lời câu hỏi này, các em hãy trả lời cho anh (chị) một số chi tiết sau đây:

*Trong các thánh lễ Mùa Vọng, cha chủ tế mặc áo lễ mầu gì? (Mầu tím).

*Mầu tím có ý nghĩa gì? (Mầu tím nói lên sự thiếu thốn một cái gì đó và mong chờ ai đó hoặc cái gì đó để làm đầy những thiếu thốn đó. Áo lễ mầu tím nói lên sự mong đợi Đấng Cứu Thế đến để cứu độ chúng ta).

*Các bài đọc Kinh Thánh trong các thánh lễ Mùa Vọng nói về điều gì? (Nói về Đấng Cứu Thế, sự mong đợi Đấng Cứu Thế của Dân Chúa trong lịch sử cứu độ và cách thế đón chờ Đấng Cứu Thế).

*Các lời nguyện trong các thánh lễ Mùa Vọng nguyện xin điều gì? (Là lời cầu nguyện của Hội thánh nguyện xin Thiên Chúa ban Đấng cứu độ cho chúng ta).

Do đó, thánh lễ là phương thế tốt nhất giúp ta chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế đến với ta trong Mùa Vọng.

Đọc chung câu 5

Tóm lại, trước những hoàn cảnh khó khăn của đất nước và với lời rao giảng về Đấng Cứu Thế của các ngôn sứ, dân Chúa luôn mang tâm tình mong đợi và chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế đến.

 

V.                CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

1/ Gợi tâm tình

Các em thân mến,

Ý thức được tội lỗi, cảm nghiệm được sự yếu đuối, lo lắng về những bất an trong cuộc sống, áy náy về đau khổ và sự chết của mình, dân Chúa ngày xưa luôn mong chờ Đấng Cứu Thế đến để giải thoát họ khỏi mọi lo lắng, bất an, ưu phiền … Cuộc sống của chúng ta hôm nay vẫn còn đầy những lo lắng, băn khoăn, ưu phiền đó…Chúng ta cũng cần Đấng Cứu Thế đến để mang lại bình an, niềm vui và hy vọng. Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu đã đến cách đây hơn 2000 năm rồi, nhưng vấn đề ta cần lưu tâm là Ngài đã đến với riêng ta chưa, đến với tâm hồn ta chưa. Nếu cuộc sống của ta chưa có bình an và hy vọng thì đó là dấu chỉ Đấng Cứu Thế chưa đến với ta. Nói đúng hơn, chúng ta chưa đón Đấng Cứu Thế đến với mình. Vì thế, việc chúng ta cần làm lúc này và trong suốt cuộc đời của mình là mở rộng lòng cầu xin Ngài đến với mình. Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

2/ Lời nguyện

    “Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng Cứu độ”. Lạy chúa, đó niềm khát khao mong chờ của dân Israel xưa. Đó cũng là lời cầu  xin của chúng con hôm nay. Xin Chúa ban Đấng cứu độ cho mỗi người chúng con và mọi người, nhất là những người chưa nhận biết Chúa để Ngài giải thoát tất cả chúng con khỏi mọi lo âu, thất vọng, tội lỗi và sự chết. Xin Chúa giúp chúng con biết dọn chỗ trong tâm hồn mình bằng cuộc sống đạo hạnh, bác ái để đón Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

 

VI. SINH HOẠT :  

          * Băng reo: Đấng Cứu Thế

Người điều khiển

Tất cả

Dân Chúa

Mong đợi

Mong đợi ai?

Đấng Cứu Thế

Đấng Cứu Thế

Là Đức Giêsu

Ngài đã đến

Giữa chúng ta. A! A! A!  (Nhảy lên và vung cao 2 tay).

 

VII . BÀI TẬP:

          Khoanh tròn vào đầu câu đúng :

Trước khi Đấng Cứu Thế xuất hiện, Thiên Chúa  đã cho ai đi trước để dọn đường :

            a) Vua Đa-Vít                          b) Đức Mẹ    

            c) Thánh Giuse                       d) Gioan Tẩy Giả

 

VIII.  SỐNG LỜI CHÚA

         Để hiểu đúng về Đấng Cứu Thế, chúng ta cần phải đọc Kinh Thánh. Tuần này các em quyết tâm mỗi ngày đọc một đoạn ngắn Phúc Âm theo Thánh Luca.

 

IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, chúng con dâng lên Chúa tâm tình cảm tạ tri ân vì hồng ân Chúa đã ban cho cho chúng con trong suốt một năm học giáo lý vừa qua. Trong năm học giáo lý này, Chúa đã giúp chúng con từng bước khám phá ra khuôn mặt đích thực của Chúa: rất giàu tình thương, cảm thông và kiên nhẫn đối với nhân loại yếu hèn của chúng con. Xin Chúa nâng đỡ giúp chúng con không để lãng phí những điều mà chúng con đã học hỏi, trái lại, luôn biết thi hành những điều Chúa dạy, để đời sống chúng con sinh hoa kết trái. Chúng con cầu xin  nhờ Đức Giêsu  Kitô Chúa chúng con. Amen.

Hát bài cảm tạ Chúa :

“Xin dâng lời cảm tạ" hay “Hồng ân Thiên Chúa bao la”

 

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà