Bài 22 :

CHÚA GIÊSU LÀ GƯƠNG MẪU CẦU NGUYỆN CHO TA

 

PHẦN HỌC SINH

Câu 1 : H. Chúa Giêsu cầu nguyện ở đâu và khi nào ?

            T. Chúa Giêsu thường âm thầm cầu nguyện nơi thanh vắng. Ngài cầu nguyện thường xuyên, cả sớm mai và chiều tối, có khi Ngài cầu nguyện suốt đêm. Cách riêng, Ngài cầu nguyện trước khi làm những việc quan trọng, nhất là trong cuộc thương khó.

 

Câu 2 : H. Tại sao Chúa Giêsu năng cầu nguyện ?

            T.  Vì Ngài muốn luôn sống thân mật với Chúa Cha, lắng nghe và thực hiện ý muốn của Chúa Cha.

 

Câu 3 : H. Chúa Giêsu cầu nguyện với tâm tình nào ?

            T. Chúa Giêsu cầu nguyện với tâm tình con thảo, yêu mến và vâng phục, luôn một niềm tin tưởng tuyệt đối rằng mình được nhậm lời.

 

Câu 4 : H. Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện thế nào ?

            T. Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện với ý hướng ngay lành, với một niềm tin mạnh mẽ bền vững, và với sự mạnh dạn của người con.

 

Câu 5 : H. Tại sao chúng ta phải năng cầu nguyện ?

            T. Vì có cầu nguyện ta mới nhận biết và vâng theo ý Chúa để ngày càng kết hợp với Chúa Kitô mà lớn lên trong tình con thảo.

 

Câu 6 : H. Ngòai Chúa Giêsu, có ai khác là gương mẫu đặc biệt cho ta trong việc cầu nguyện ?

          T. Có Đức Maria. Ngài đã cầu nguyện trong lòng tin, trong tâm tình quảng đại hiến thân và cộng tác đắc lực vào chương trình tình yêu của Thiên Chúa.

 

PHẦN GIÁO LÝ VIÊN

         

- Lời Chúa : Lc 6, 12

- Ý chính : Chúa Giêsu cầu nguyện mọi nơi và mọi lúc. Từ lúc vào đời cho đến khi rời trần thế.

- Giáo cụ trực quan : * Tranh  : Chúa Giêsu cầu nguyện tại vườn Ghết-sê-ma-ni (Số 95).

                                     * Sách Chúa nói với trẻ em đoạn 82 trang 79 từ “Sau bữa ăn” tới “chống đỡ thử thách sắp tới”.

I.  CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến ở giữa chúng con, trợ giúp chúng con trong giờ học này.

Đọc kinh Cúi xin Chúa sáng soi.

II.    DẪN VÀO LỜI CHÚA

1/ Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.

+ Ôn bài cũ :

- Chúa Giêsu đã chọn 12 tông đồ, huấn luyện, dạy dỗ và trao cho họ sứ mạng gì ? (Rao giảng Tin mừng)

- Chúa Giêsu đã đặt ai làm đầu nhóm 12 ? (Đặt Thánh Phêrô)

- Ngày nay ai là người kế vị Thánh Phêrô ? (Đức Giáo Hoàng)

- Những ai kế vị các tông đồ ? (Các Đức Giám Mục).

+ Kiểm tra điều quyết tâm :

2/ Dẫn vào Lời Chúa :

Một bà mẹ kia, có một đức con trai duy nhất. Bà rất thương và cưng chiều con, vì thế mà cậu ta đâm ra hư hỏng.  Mặc cho mẹ khuyên răn, la mắng, dọa nạt, nhưng cậu vẫn tật nào chứng đó. Cậu ăn cắp của mẹ, của hàng xóm để chơi bời, rượu chè. Tệ hơn nữa, cậu đốt cả nhà, đánh cả mẹ.

          Bà mẹ buồn quá, đến xin Cha giải tội giúp. Cha khuyên bà hãy siêng năng tham dự Thánh lễ, rước lễ cầu nguyện cho cậu. Bà vâng lời, mỗi sáng bà dậy sớm, đến nhà thờ cầu nguyện, tham dự Thánh lễ với một niềm tin tưởng, cầu xin Chúa hoán cải con mình. Một thời gian sau, cậu ta lâm bệnh nặng, vì chơi bời quá độ, cậu ta mò về nhà với mẹ. Mẹ cậu vẫn kiên nhẫn chịu đựng và chăm sóc cậu. Cậu ta cảm động, khóc lóc và thú tội với mẹ. Cậu hỏi : “Tại sao mẹ không bỏ con?”.

          Bà mẹ đáp : “Chính vì mẹ đã cầu nguyện, tham dự Thánh lễ mỗi ngày, nên mẹ mới đủ nhẫn nhục để xin Chúa hoán cải con”.

          Giờ đây, cậu ta lòng đầy hối hận và chua xót, cậu hứa với mẹ sẽ bỏ rượu chè, tật xấu và làm lại cuộc đời. Sau khi khỏi bệnh, cậu ta đã thay đổi hẳn đời sống, cậu chăm chỉ cầu nguyện, tham dự Thánh lễ và trở thành một giáo dân gương mẫu.

          Các em thân mến, người con trong câu truyện trên đây là người đầy tội lỗi, sa đọa đã được ơn hoán cải nhờ người mẹ kiên trì cầu nguyện.

          Như thế, cầu nguyện rất quan trọng và cần thiết cho đời sống. Chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện liên lỉ và Ngài là mẫu gương cầu nguyện cho ta như trong bài Tin Mừng chúng ta sắp nghe. Giờ đây, chúng ta cùng đứng lên lắng nghe Lời Chúa.

III.  CÔNG BỐ LỜI CHÚA

          Luca 6, 12

IV.   GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

1. Dẫn giải Lời Chúa :

          - Đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca chúng ta vừa nghe thuật lại chuyện gì ? (Thuật lại việc Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện).

          - Chúa Giêsu cầu nguyện như thế nào ? (Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm).

          Đúng, Chúa Giêsu đã thức suốt đêm để cầu nguyện trước khi tuyển chọn các tông đồ. Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy trước những biến cố quan trọng, Chúa Giêsu luôn luôn cầu nguyện cùng Chúa Cha. Chúa Giêsu ngoài việc dạy chúng ta hãy cầu nguyện, cầu nguyện không ngừng, Ngài còn là gương mẫu cầu nguyện cho chúng ta. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu trong phần dưới đây.

2. Giải thích các câu hỏi thưa :

Câu 1 : Chúa Giêsu cầu nguyện ở đâu và khi  nào ?

-Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu đã cầu nguyện ở đâu ? (Ở trên núi). Khi nào ? (Suốt đêm).

Đọc Tin Mừng chúng ta thấy Chúa cầu nguyện ở mọi nơi mọi lúc.

* Mọi nơi : Em nào kể những nơi Chúa đã cầu nguyện ? (Ở trong nhà, ở hội đường, ở đền thờ, ở nơi giảng dạy, trên núi, nơi hoang vắng…).                                                                                                

*Mọi lúc: Các em cho biết Chúa cầu nguyện lúc nào giờ nào ? Sáng sớm, chiều tối, trước bữa ăn, trước và sau khi làm phép lạ, có khi suốt đêm…và         đặc biệt trước những việc quan trọng như :

- Bắt đầu cuộc đời công khai.

- Trước khi chọn các tông đồ.

- Trước khi biến hình trên núi,

- Đặc biệt trước và trong cuộc thương khó.

Đọc chung câu 1

Câu 2 : Tại sao Chúa Giêsu năng cầu nguyện ?

-Cầu nguyện là gì ? (Là nâng tâm hồn lên gặp Chúa).

-Khi cầu nguyện Chúa Giêsu gặp ai ? (Gặp Chúa Cha).

-Tại sao Chúa Giêsu luôn muốn gặp Chúa Cha ? (Vì Ngài là người con hiếu thảo rất yêu mến Chúa Cha là cha của Ngài. Gặp Chúa Cha làm cho Ngài hạnh phúc. Hơn nữa, Ngài đến trần gian để cứu loài người là ý Chúa Cha nên Ngài gặp Chúa Cha để biết ý muốn của Chúa Cha để thi hành).

Quả thật, Chúa Giêsu đến trần gian để thực hiện ý muốn của Chúa Cha. Chúa Chúa Giêsu cho chúng ta biết: “Lương thực của Thầy làø thi hành  ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4, 34). Ví dụ, trong vườn Giệt-sê-ma-ni, Chúa Giêsu cầu nguyện: “Ab-ba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14, 36)

Như vậy Chúa Giêsu năng cầu nguyện vì Ngài muốn sống thân mật với Cha. Trước mọi công việc dù lớn hay nhỏ, Ngài đều muốn lắng nghe ý muốn của Chúa Cha.

Cầu nguyện chính là đến gặp gỡ Chúa, trò chuyện thân tình với Ngài. Như Người con nhỏ nào cũng muốn ở bên cha mẹ, muốn được cha mẹ yêu thương, dạy bảo, muốn làm cho cha mẹ được vui lòng.

Đọc chung câu 2.

 Câu 3 : Chúa Giêsu cầu nguyện với tâm tình nào ?

Trước mộ La-gia-rô, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhận lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhận lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin  là Cha đã sai con” (Ga 12, 41- 42).

-Dựa vào lời cầu nguyện này, ta thấy Chúa Giêsu cầu nguyện với tâm tình nào ? (Tin tưởng).

Các em hãy nhìn vào bức tranh này:

-Chúa Giêsu đang làm gì đây ? (Ngài đang quì gối cầu nguyện).

-Ngài cầu nguyện ở đâu ? (Trong vườn Giệt-sê-ma-ni).

-Vào khi nào ? (Sau bữa tiệc ly, trước khi bị bắt, bị giết chết…)

-Có em nào biết Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha thế nào không ? [Trong vườn Giệt-sê-ma-ni, Chúa Giêsu đã quỳ gối cầu nguyện: “Ap-ba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự,  xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14, 36)].

-Vậy qua lời nguyện này, các em thấy Chúa Giêsu cầu nguyện với tâm tình nào ? (Yêu mến, khiêm tốn và vâng phục).

Chúng ta thấy những lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là những tâm tình của người con thảo thân thưa với  Cha. Những lời đó phát xuất từ tấm lòng yêu mến, vâng phục, khiêm tốn, phó thác và đặc biệt là luôn tin tưởng chắc chắn mình sẽ được nhận lời.

Đọc chung câu 3

Câu 4 : Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện thế nào ?

          Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện :

- Với ý ngay lành : Tìm gặp Chúa, chứ không khoe khoang hay  đạo đức giả (x. Mc 6, 5- 6)

          - Đơn sơ chân thành (Mc 6, 7- 8)

            - Tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Cha (x. Lc 11, 9- 13)

Khi cầu nguyện chúng ta luôn nhớ ba điều này:

- Thiên Chúa là Cha rất yêu thương chúng ta. Ngài chỉ muốn điều tốt nhất cho ta.

- Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan. Chỉ Ngài mới biết điều nào tốt nhất cho ta.

- Thiên Chúa là Đấng quyền năng. Chỉ mình Ngài mới thực hiện điều tốt nhất cho ta.

Đọc chung câu 4.

Câu 5 : Tại sao chúng ta phải năng cầu nguyện ?

-Khi yêu mến ai, ta mong muốn điều gì ? (Mong muốn được ở bên người đó, trò chuyện với người đó).

-Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ngài yêu thương ta. Tình yêu của Ngài được biểu lộ qua việc dựng nên ta, cho Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô làm người chịu chết để tha thứ tội lỗi cho ta, ban cho ta có cha có mẹ, cho ta sức khỏe, trí thông minh…Hơn nữa, Ngài còn luôn gìn giữ ban nhiều ơn cho ta. Các em có muốn gặp Ngài không ? (Có).

-Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ngài muốn chúng ta trở nên người con thân thương của Ngài, mong cho ta được hạnh phúc mãi mãi và luôn muốn chỉ lối, chỉ đường để ta được hạnh phúc mãi mãi. Vậy để biết rõ con đường mà Chúa muốn chỉ cho ta, ta phải làm gì? (Gặp Ngài).

-Chúng ta gặp Ngài khi nào ? - Khi cầu nguyện.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu dậy ta năng cầu nguyện.

Đọc chung câu 5.

Câu 6 : Ngoài Chúa Giêsu, có ai khác là gương mẫu đặc biệt cho ta trong việc cầu nguyện ? (Mẹ Maria).

Đọc các sách Tin Mừng, chúng ta thấy các thánh viết sách Tin Mừng đã thuật lại như sau :

- Sau khi mang thai Chúa Giêsu, Mẹ Maria đi thăm bà Isave, nghe lời bà Isave chúc mừng, Mẹ Maria dâng lời ca tụng, cảm tạ Chúa : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…” (Lc1, 46-55).

-Khi sinh Chúa Giêsu nơi Hang Đá, Thánh Luca viết : “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19).

- Năm Chúa Giêsu lên 12 tuổi, sau khi đi hành hương Đền Thờ Giêrusalem trở về, những sự việc Chúa Giêsu ở trong Đền Thánh với ở giữa các thầy dậy và câu trả lời cho lo lắng của Mẹ Maria: “Con ơi…Cha con và Mẹ phải cực lòng tìm con” như sau : “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở Nhà của Cha con sao?”, Thánh Luca viết tiếp như sau : “Riêng Mẹ Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều đó trong lòng” (Lc 2, 51)….

Qua những câu truyện nói trên, Mẹ Maria đã làm gì đó? (Mẹ cầu nguyện). Thật vậy, việc cảm tạ Chúa, việc ghi nhớ, suy đi nghĩ lại của Đức Mẹ chính là cầu nguyện.

Như vậy ngoài Chúa Giêsu, Mẹ Maria là gương mẫu cho chúng ta về việc cầu nguyện.

Đọc chung câu 6.

V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

1/ Gợi tâm tình.

           Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Chính Ngài cũng luôn cầu nguyện. Các em hãy xin với Chúa cho chúng ta  biết bắt chước Ngài siêng năng cầu nguyện, để mỗi ngày chúng ta được lớn lên trong đời sống cầu nguyện.

2/ Lời nguyện.

          Lạy Chúa Giêsu,  Chúa luôn cầu nguyện  mọi nơi,  mọi lúc.  Xin cho con noi gương Chúa, biết siêng năng cầu nguyện,  để trong tất cả mọi sự,  chúng con biết tìm thánh ý Chúa và làm theo ý Chúa. Chúng con cầu xin vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

VI. SINH HOẠT

VII.   BÀI TẬP

Tìm từ thích hợp điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa :

1. Chúa Giêsu thường cầu nguyện (     …mọi nơi…. và ……mọi lúc…)

2. Chúa Giêsu cầu nguyện mọi nơi : (…………………………………….. ) 

3. Chúa Giêsu cầu nguyện mọi lúc : (…………………………. )            

4. Khi cầu nguyện ta (……gặp Chúa….. )  thưa chuyện với Chúa và lắng nghe Chúa nói.

VIII.  SỐNG LỜI CHÚA

Tuần này các em hãy cố gắng bắt chước Chúa Giêsu trong việc cầu nguyện, cầu nguyện vào những dịp: Lúc sáng sớm khi thức dậy, khi dâng Thánh lễ, trước và sau các bữa ăn, trước và sau  các giờ học, khi đi ngủ.

IX.  CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con,  mỗi khi chúng con cầu nguyện  là chúng con được gặp Cha,  thưa chuyện với Cha,  chúng con bày tỏ tâm tình với Cha là người thương chúng con nhất.  Xin Cha cho chúng con biết yêu thích sự cầu nguyện  để mỗi ngày chúng con sống gắn bó với Cha hơn. Xin giúp sức để chúng con thực hiện quyết tâm cố gắng cầu nguyện như chúng con đã hứa với Chúa sẽ thực hiện trong tuần này.

Đọc kinh Sáng danh.


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà