BÀI 1
HỘI
THÁNH THỜ PHƯỢNG THIÊN CHÚA (1)
- Lời Chúa : Lc 21, 1-4
- Ý
chính : Hội Thánh thờ phượng Thiên
Chúa trong mọi giây phút, nhưng cách riêng
Hội Thánh dành ngày Chúa Nhật để kính nhớ Chúa Kitô Phục Sinh.
- Giáo cụ trực quan :
. Lịch Công Giáo
. Sách Các Giờ
Kinh Phụng Vụ
. Bản đồ Do Thái
(Số 41).
Lạy Chúa, chúng con xin
dâng lên Chúa buổi học giáo lý đầu tiên hôm nay và trọn năm học mới này. Xin
Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, để Ngài soi sáng, dạy dỗ, thánh
hoá, giúp chúng con ngày một hiểu biết và yêu mến Chúa hơn và để chuẩn bị tâm
hồn chúng con lãnh nhận dồi dào ơn Chúa Thánh Thần qua bí tích Thêm sức mà
chúng con sẽ lãnh nhận vào cuối năm học này.
Hát
: Cầu xin Chúa Thánh Thần.
II. DẪN VÀO LỜI
CHÚA
Để
bắt đầu bài học đầu tiên của năm học, anh (chị) kể cho các em nghe một câu
truyện.
Có
hai khách bộ hành lỡ đường, đêm đến phải vào ngủ trong một cái miếu hoang tàn,
nổi tiếng nhiều yêu tinh, ma quái. Bầu khí âm u, lạnh lẽo, tối tăm, mù mịt lại
càng làm họ sợ hãi. Người bạn ngoại đạo mới nói với người Kitô hữu kia rằng:
- Tôi sợ quá, anh làm ơn cho tôi mượn
cây Thánh Giá anh đeo ở cổ cho tôi bớt sợ.
Nể
bạn, anh Kitô hữu gỡ đưa cho bạn mượn. Hai người cùng ngủ thiếp đi vì mỏi mệt.
Trời về khuya, có yêu tinh xuất hiện, nó rờ vào cổ người Kitô hữu để hút máu,
bỗng nó thốt lên:
- Người này có trong mà không có ngoài.
Nó
có ý nói: người này là Kitô hữu đích thật, tuy ngoài không có dấu gì. Nó sang
qua người kia, cũng sờ vào cổ, đụng đến cây Thánh Giá, nhưng nó vui mừng reo
lên :
- A! Đây rồi! Người này chỉ có ngoài mà
không có trong!
Nó
có ý nói: người này, tuy mang cây Thánh Giá bên ngoài, song trong lòng không có
đức tin, đức mến, không là người Kitô hữu đích thực.
Các em thân mến! Chúa Giêsu chính là Ánh sáng, là Sự
thật. Ngài đã dạy cho chúng ta biết phải thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí
và sự thật (Ga 4, 23). Và Chúa đã đề cao những người thờ phượng Chúa với tấm
lòng yêu mến chân thành, như trong đoạn Tin Mừng chúng ta sẽ công bố giờ đây.
Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.
III. CÔNG BỐ LỜI
CHÚA
Lc
21, 1-4
IV. GIẢI THÍCH
LỜI CHÚA
1. Dẫn giải Lời Chúa.
- Lời Chúa chúng ta vừa nghe
được viết trong Tin Mừng nào? (Luca)
- Đoạn Lời Chúa này nói về ai? (Chúa
Giêsu)
- Chúa Giêsu đang làm gì? (Chúa quan
sát những người bỏ tiền dâng cúng trong đền thờ).
- Thấy bà goá nghèo bỏ vào thùng dâng cúng
hai đồng kẽm, Chúa Giêsu nói gì? (Chúa nói: bà goá nghèo này bỏ nhiều hơn ai
hết).
Các em thân mến, vì sao Chúa lại khen ngợi
bà goá nghèo này? Bởi vì bà đã dâng tất
cả những gì bà có để sống, trong khi những người khác dù dâng rất nhiều nhưng
là dâng của dư thừa. Đối với Chúa, giá trị của việc dâng cúng không tùy thuộc
vào số lượng nhiều hay ít, nhưng tùy thuộc vào tấm lòng thành. Chúa Giêsu đã
nói: “Ta muốn tình yêu chứ không muốn hy lễ”. (Hs 6, 6 )
Việc thờ phượng Thiên Chúa cũng vậy, mỗi khi
chúng ta làm việc thờ phượng Chúa, chúng ta phải có tâm tình yêu mến Chúa thật
sự, như bà goá nghèo kia đã dâng tất cả
vì lòng yêu mến. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm điều này ở phần bài học dưới đây.
2. Giải thích câu hỏi thưa.
* Đọc chung câu 1:
1- H. Hội Thánh thờ phượng Thiên Chúa lúc
nào?
T. Hội
Thánh thờ phượng Thiên Chúa trong mọi giây phút, nhưng cách riêng, Hội Thánh
dành ngày Chúa Nhật để kính nhớ Chúa Kitô Phục Sinh.
-Thờ phượng là gì? (Thờ phượng
là bày tỏ lòng kính mến và biết ơn đối với Đấng là nguồn gốc sinh thành ra ta).
-Nguồn gốc sinh thành ra ta là ai? (Là
Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn gốc của tất cả mọi loài, mọi vật, nên ta phải
kính mến và biết ơn Người trên hết mọi sự).
Việc thờ phượng Thiên Chúa được Hội Thánh
sống trong mọi giây phút, qua việc cử hành phụng vụ: Thánh lễ, các bí tích, các
giờ kinh phụng vụ.
Em nào có thể nhắc lại trong Sáu điều răn
Hội Thánh, điều răn thứ nhất và thứ hai, Hội Thánh dạy ta điều gì? (Dự lễ,
kiêng việc xác ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc).
Tại sao Hội Thánh dạy ta phải
kiêng việc xác và dự lễ ngày Chúa Nhật? (Vì ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày
kính nhớ Chúa Kitô Phục Sinh).
Tóm lại: -Hội Thánh thờ phượng Thiên Chúa
lúc nào? (Mọi giây phút).
- Đặc biệt Hội Thánh dành
ngày Chúa Nhật để làm gì?
(Để kính nhớ Chúa Kitô Phục Sinh).
* Đọc chung câu 2:
2- H. Các ngày lễ
trong năm được sắp xếp thế nào?
T.
Được sắp xếp theo lịch sử cứu độ, tạo thành một vòng gọi là năm phụng vụ mà tâm
điểm và đỉnh cao là ba ngày kính nhớ mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu.
- Một
năm có 12 tháng. Để biết hôm nay là thứ mấy, ngày mấy, tháng mấy, năm nào,
chúng ta dựa vào đâu? (dựa vào lịch).
Cũng vậy, để biết các ngày lễ trong đạo,
Hội Thánh cũng dựa vào lịch, gọi là lịch Công Giáo. (GLV giới thiệu lịch Công Giáo và mở lịch nêu một vài ví dụ).
-Năm phụng vụ cũng dài 12 tháng như năm
dương lịch, nhưng năm phụng vụ bắt đầu và kết thúc như thế nào ?
Năm
phụng vụ bắt đầu từ Chúa Nhật I Mùa Vọng (đầu tháng 12 dương lịch) và kết thúc
vào thứ bảy sau Chúa Nhật lễ Chúa Kitô Vua. Năm phụng vụ giúp các tín hữu sống
trọn vẹn mầu nhiệm cứu độ, từ khi mong đợi Chúa Giêsu xuống thế làm người cho
đến khi Ngài lên trời và sẽ trở lại trong vinh quang.
-Tâm điểm và đỉnh cao của năm phụng vụ là
ngày nào?
(Lễ Phục Sinh với ba ngày kính nhớ mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu :
thứ 5, thứ 6, thứ 7 tuần thánh).
-Năm phụng vụ được
chia thành mấy mùa? Đó là những mùa nào?
Năm phụng vụ được chia thành 5 mùa, đó là:
Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh và Mùa Thường Niên.
1. Mùa Vọng:
Vọng có nghĩa là chờ. Mùa
Vọng mở đầu cho năm Phụng vụ. Mùa Vọng bắt đầu từ Chúa Nhật I mùa Vọng và kéo
dài 4 tuần cho đến áp lễ Giáng Sinh. Mùa Vọng hướng lòng ta về việc đón Chúa
đến:
. Chuẩn bị mừng Giáng Sinh: Kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ
nhất.
. Trông chờ Chúa Kitô đến lần thứ hai trong
vinh quang.
. Sẵn sàng đón Chúa đến hằng ngày trong ơn
thánh.
2. Mùa Giáng Sinh:
Mùa Giáng Sinh bắt đầu từ lễ Giáng Sinh
(chiều 24. 12) kéo dài cho đến lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.
Ý nghĩa của ngày lễ Giáng Sinh là gì?
Ta không biết đích xác Chúa
Giêsu sinh ra ngày nào, nhưng theo truyền thống ngày xưa, người Rôma mừng thần
Mặt Trời vào ngày 25.12, Chúa Giêsu là Mặt Trời công Chính đến chiếu sáng thế
gian, vì thế Hội Thánh chọn ngày 25.12 là ngày Chúa Giáng Sinh. Ngài là Ánh
Sáng đã chiến thắng bóng tối là tội lỗi. Vì yêu thương con người, Con Thiên
Chúa đã làm người để con người được trở nên con Thiên Chúa.
3. Mùa Chay:
Mùa Chay kéo dài 40 ngày, từ thứ tư lễ tro
đến thứ bảy tuần thánh. Con số 40 gợi nhớ đến việc dân Chúa đi trong hoang địa
40 năm và việc chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện trong hoang địa 40 ngày. Trong Mùa
chay, Hội Thánh mời gọi ta sám hối, quay về với Thiên Chúa và giao hoà với mọi
người cụ thể bằng các việc sau: ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí.
Trong mùa Chay, Hội Thánh không chỉ giúp ta
thống hối mà còn giúp ta hướng về tình yêu thương của Thiên Chúa đặc biệt trong
lễ Phục Sinh với Tam nhật Vượt Qua.
* Tuần Thánh: Từ Chúa Nhật Lễ
Lá đến Canh thức Vọng Phục Sinh (tối thứ bảy Tuần Thánh). Đây là tuần trọng đại
nhất của năm Phụng vụ, là tâm điểm của năm Phụng vụ.
4. Mùa Phục Sinh: Mùa Phục Sinh kéo dài 50 ngày, từ Chúa Nhật
Phục Sinh đến Chúa Nhật Hiện xuống, được cử hành trong niềm hân hoan phấn phởi.
Niềm vui của chúng ta được biểu lộ bằng tiếng hát Alleluia.
Lễ Phục Sinh nhắc ta nhớ rằng
Chúa Giêsu đã sống lại thật. Ngài vẫn hằng ở với chúng ta, và Ngài cũng ban cho
chúng ta sự sống đời đời.
Bốn mươi ngày sau Lễ Phục Sinh, Hội Thánh
mừng kính Lễ Chúa Giêsu lên trời.
Năm mươi ngày sau Lễ Phục Sinh, Hội Thánh cử
hành Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đến đây kết thúc mùa Phục Sinh.
5. Mùa thường
niên:
Mùa Thường niên còn gọi là Mùa
Quanh Năm, gồm 34 tuần lễ. Mùa Thường niên I từ sau lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa
tới mùa Chay; mùa Thường niên II từ lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống cho tới lễ
Chúa Kitô Vua.
Trong mùa Thường niên, Hội Thánh mời gọi ta
suy niệm về cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Kitô, và hướng ta đến niềm
hy vọng vinh quang muôn đời.
Trong mùa Thường niên II (sau lễ Chúa Thánh
Thần hiện xuống) có 4 lễ quan trọng: lễ Chúa Ba Ngôi, lễ Mình Máu Thánh Chúa
Kitô, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu và lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ
-Như vậy, các em
nhận thấy: các mùa trong năm phụng vụ được sắp xếp theo sát diễn biến cuộc đời
của ai? (Chúa Giêsu). Hay có thể nói các
ngày lễ trong năm phụng vụ được sắp xếp theo lịch sử cứu độ.
-Các ngày lễ này tạo thành một vòng tròn gọi
là năm gì? (Năm Phụng vụ).
- Tâm điểm và đỉnh cao của năm Phụng vụ là
những ngày nào?
(Là 3 ngày kính nhớ mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu:
Thứ 5, thứ 6, thứ 7 Tuần Thánh).
* Đọc chung câu 3:
3- H. Năm phụng
vụ gồm những lễ nào quan trọng nhất?
T. Gồm lễ
Giáng Sinh và Phục Sinh
-Trung tâm của mùa
Vọng và Giáng Sinh là lễ nào? (Lễ Giáng Sinh).
-Trung tâm của mùa
Chay và Phục Sinh là lễ nào? (Lễ Phục
Sinh).
Tóm lại, những lễ quan trọng nhất trong
năm phụng vụ là lễ nào?
(Lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh. )
* Đọc chung câu 4:
4- H. Còn những ngày lễ về Đức Mẹ và các
thánh có ý nghĩa thế nào?
T. Có ý ca mừng thành quả cứu chuộc của
Chúa Kitô Phục Sinh nơi Mẹ Maria và các thánh, đồng thời để ta noi gương các
Ngài mà sống đẹp lòng Thiên Chúa.
Trong niên lịch phụng vụ (lịch Công Giáo),
chúng ta còn thấy Hội Thánh ghi những ngày lễ kính Đức Mẹ và các thánh. Ví dụ:
- 1.1
: Lễ Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời.
- 19.3 : Lễ Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức
Maria.
- 25.3 : Lễ Truyền tin.
- 31.5 : Lễ Đức Maria thăm viếng bà
Êlisabét.
- 24.6 : Lễ Sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả.
- 29.6 : Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô.
- 15.8 : Lễ Đức Mẹ lên trời.
- 8.9
: Lễ Sinh nhật Đức Maria.
- 1.10 : Lễ thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu.
- 7.10 : Lễ Đức Mẹ Mân côi.
-1.11
: Lễ các thánh.
- 2.11 : Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời
(Lễ các đẳng)
- 24.11: Lễ các thánh Tử đạo Việt Nam.
- 3.12 : Lễ thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê.
- 8.12 : Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội…
Nhìn vào các ngày lễ trên, chúng ta thấy có rất nhiều lễ kính
Mẹ Maria và các thánh trong một năm Phụng vụ. Vậy:
-Hội Thánh mừng kính các lễ về Đức Mẹ và các
thánh là có ý nào? (Ca mừng thành quả cứu chuộc của Chúa Kitô Phục
Sinh).
- Khi mừng kính Mẹ
Maria và các thánh, Hội Thánh còn muốn ta làm gì? (Noi gương các Ngài mà sống đẹp
lòng Chúa).
* Đọc chung câu 5:
5- H. Để kết hợp với lời cầu nguyện của
Hội Thánh, ta nên làm gì?
T. Ta nên cầu nguyện nhiều lần trong ngày,
nhất là cầu nguyện theo sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ của Hội Thánh, để thánh hiến
mọi thời khắc trong ngày.
-Trong gia đình các em thường cùng nhau đọc
kinh, cầu nguyện vào những lúc nào, và thường đọc kinh gì? (Sáng, tối,
trước và sau mỗi bữa ăn… và thường đọc kinh Mân côi và kinh Lạy Cha…)
- Ngoài ra em có đọc kinh, có cầu nguyện
riêng không và cầu nguyện vào lúc nào ?
(Khuyến khích các em trả lời).
- Các em thân mến, thân xác
chúng ta cần của ăn để nuôi sống. Linh hồn chúng ta cũng cần được nuôi dưỡng
bằng các của ăn thiêng liêng. Một trong các của ăn nuôi sống linh hồn ta là gì? (Kinh
nguyện).
Vì thế, việc siêng năng đọc kinh cầu
nguyện sẽ giúp chúng ta sống kết hợp với Chúa Giêsu mỗi ngày một hơn.
Hội Thánh cũng tổ chức việc cầu nguyện
chính thức của mình qua cuốn Các Giờ Kinh Phụng vụ hay còn gọi là Nhật tụng để
thánh hiến trọn ngày sống của con người qua các giờ kinh: Kinh Sách, Kinh Sáng,
Kinh Trưa, Kinh Chiều và Kinh Tối.
(GLV giới thiệu cho
các em xem cuốn Các Giờ Kinh Phụng vụ).
Tóm lại:
- Theo em, ta nên cầu nguyện mấy
lần trong ngày ?
- Hội Thánh có sách gì giúp ta
thánh hiến mọi thời khắc trong ngày ?
(Sách CGKPV).
Như vậy, bài học hôm nay cho ta biết Hội
Thánh thờ phượng Thiên Chúa trong mọi giây phút. Việc thờ phượng Thiên Chúa
được sắp xếp theo chu kỳ một năm gọi là năm phụng vụ mà cao điểm là ngày Chúa
Giêsu chết và Phục Sinh. Hội Thánh dành ngày Chúa Nhật để kính nhớ Chúa Kitô
Phục Sinh.
V. CẦU NGUYỆN
GIỮA GIỜ
1. Gợi tâm tình .
Các em thân mến! Hội Thánh muốn chúng ta
thờ phượng Thiên Chúa trong mọi giây phút và đặc biệt các ngày Chúa Nhật để
kính nhớ Chúa Kitô đã chết và sống lại để cứu chuộc ta. Với tâm tình yêu mến và
biết ơn, chúng ta cùng đứng lên dâng Chúa lời cầu nguyện.
2. Lời nguyện.
Lạy Chúa, Hội Thánh đã dùng
thời gian Chúa ban để tôn vinh Chúa qua các mùa của một năm phụng vụ. Chúng con
tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng con thời gian để chiêm ngắm Chúa, sống những
tâm tình của Chúa. Xin cho chúng con luôn ý thức để biết sống trọn vẹn những ơn
Chúa đã ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức
Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
VI. SINH HOẠT
Bài
hát: Hành trang người trẻ.
ĐK: Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời.
Lạy Chúa chúng con về từ khắp thôn làng. Cùng với lớp sóng người hành hương, về
nhà Chúa đi, về nhà Chúa đi.
1. Hành trang
con mang theo mọi khát vọng tìm chân lý. Hành trang con mang theo mời xây dựng
tìm công bằng. Về đây xin dâng Cha trong lo âu, đưa hai tay quyết chung xây thế
giới mới.
VII. BÀI TẬP:
1. Hội Thánh thờ
phượng Thiên Chúa :
a.
Trong các Thánh lễ mỗi ngày.
b.
Mọi giây phút, cách riêng ngày Chúa Nhật.
c.
Các ngày Chúa Nhật và các giờ chầu Thánh Thể. (câu b)
2. Các ngày lễ
trong năm được sắp xếp theo:
a.
Lịch sử dân Do Thái.
b.
Lịch sử của mỗi dân tộc.
c.
Lịch sử cứu độ.
(câu c)
3. Để kết hợp
với lời cầu nguyện của Hội Thánh, ta nên:
a. Cầu nguyện nhiều lần trong ngày.
b. Cầu nguyện theo sách Các Giờ Kinh Phụng vụ.
c. Cả hai câu đều đúng.
(câu c)
VIII. SỐNG LỜI
CHÚA
Để kết hợp với lời cầu nguyện của Hội
Thánh, tuần này em quyết tâm mỗi ngày ngoài giờ kinh sáng, tối với gia đình, em
dành thêm ít phút để cầu nguyện riêng với Chúa.
IX. CẦU NGUYỆN
KẾT THÚC
Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa đã ban
cho chúng con giờ học vừa qua. Xin Chúa giúp chúng con biết thờ phượng Chúa
trong mọi nơi, mọi lúc. Đặc biệt, xin giúp chúng con biết tham dự thánh lễ ngày
Chúa Nhật thật sốt sắng để chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn Chúa Kitô Phục Sinh.
Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen. –
(Đọc kinh Sáng
Danh.)
CÂU HỎI CHO HỌC SINH
Bài 1: HỘI THÁNH THỜ PHƯỢNG THIÊN CHÚA(1)
“Bà góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai
hết”. (x.Lc 21, 1-4)
1-H. Hội thánh thờ phượng Thiên Chúa lúc nào?
T. Hội thánh thờ phượng
Thiên Chúa trong mọi giây phút, nhưng cách riêng, Hội thánh dành ngày Chúa nhật
để kính nhớ Chúa Ki-tô phục sinh.
2-H. Các ngày lễ trong năm được sắp xếp thế nào?
T. Được sắp xếp theo lịch
sử cứu độ, tạo thành một vòng gọi là năm phụng vụ mà tâm điểm và đỉnh cao là ba
ngày kính nhớ mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giê-su.
3-H. Năm phụng vụ gồm những lễ nào quan trọng nhất?
T. Gồm lễ Giáng sinh và
Lễ Phục sinh: Lễ Giáng sinh là trung tâm của mùa Vọng và mùa Giáng sinh; lễ
Phục sinh là trung tâm của mùa Chay và mùa Phục sinh.
4-H. Còn những ngày lễ về Đức Mẹ và các Thánh có ý nghĩa thế nào?
T. Có ý ca mừng thành quả
cứu chuộc của Chúa Ki-tô phục sinh nơi Mẹ Maria và các Thánh, đồng thời để ta
noi gương các Ngài mà sống đẹp lòng Thiên Chúa.
5-H. Để kết hợp với lời cầu nguyện của Hội thánh, ta nên làm gì?
T. Ta nên cầu nguyện
nhiều lần trong ngày, nhất là cầu nguyện theo sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ của
Hội Thánh, để thánh hiến mọi thời khắc trong ngày.