BÀI 2:                    

HỘI THÁNH THỜ PHƯỢNG THIÊN CHÚA (2)

 

-Lời Chúa  : Tv 94, 1-7

-Ý chính  : Phụng vụ là việc thi hành chức tư tế của Chúa Kitô, do Chúa Kitô và toàn thể Hội Thánh cử hành để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hóa con người.

-Giáo cụ trực quan  : Tranh : Lều tạm (Số 24).

I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

          Để bắt đầu giờ học ngày hôm nay, anh (chị)  mời các em hãy dâng lòng trí mình cho Chúa. Xin Chúa soi sáng,  gìn giữ và giúp chúng ta sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa, để chúng ta biết và yêu mến Chúa nhiều hơn.

          Đọc kinh  Cúi xin Chúa sáng soi.

II. DẪN VÀO LỜI CHÚA

1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm .

+Ôn bài cũ :

-Hội Thánh dành ngày Chúa Nhật để làm gì ?  
(Để kính nhớ Chúa Kitô Phục Sinh).

-Hội Thánh sắp xếp các ngày lễ trong năm như thế nào ? 
(Theo lịch sử cứu độ).

-Ta nên cầu nguyện theo sách kinh nào của Hội Thánh ? 
(Sách các giờ kinh phụng vụ).

+Kiểm tra quyết tâm : Trong tuần qua, ngoài giờ kinh sáng tối, các em có dành ra ít phút mỗi ngày để cầu nguyện riêng không?

2. Dẫn vào Lời Chúa.

Vào năm – 1250, Thiên Chúa sai ông Môsê cứu dân Israel ra khỏi đất Ai Cập, về Canaan là đất Thiên Chúa đã hứa. Sau 40 năm đi trong sa mạc, dân Chúa mới về tới Canaan. Khi về tới Canaan, dân Israel phải chiến đấu chống lại những dân xung quanh, đặc biệt là quân Philitinh. Hòm bia Giao Ước là chỗ dựa vững chắc của Dân Chúa trong mọi lúc, nhất là những lúc khó khăn, nguy khốn. Các em có biết tại sao không?

 Ngày xưa, dân Do Thái là dân du mục (GLV treo tranh và giải thích), họ ở trong các lều bằng vải, đi đến đâu họ luôn luôn mang theo Hòm Bia Giao Ước, đặt trong căn lều, gọi là “Trướng Tao Phùng”. Sự hiện diện của Khám Giao Ước là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân. Các em có biết Khám Giao Ước là gì không?  Đó là một cái hòm dùng để đặt bia đá khắc Mười Giới Răn mà Thiên Chúa đã ban cho dân tại núi Sinai.

Vào năm 1.000 TCN, khi vua Đavít lên làm vua cả hai miền Nam – Bắc, Vua cùng toàn dân đi rước Hòm Bia Thiên Chúa vào thành Giêrusalem. Dân chúng đi rước Hòm Bia với các loại nhạc cụ  : đàn cầm, đàn sắt, não bạt, phèng la … Còn vua Đavít  đi trước Hòm Bia mà nhảy múa, tung hô, ngợi khen Thiên Chúa.

Các em thân mến ! Ngay từ thời Cựu Ước đã có những nghi thức phụng vụ để thờ lạy, ngợi khen Thiên Chúa. Ngày nay Hội Thánh vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta hãy luôn thờ lạy Thiên Chúa trong mọi giây phút.

Bây giờ, anh (chị) mời các em lắng nghe Lời Chúa qua Thánh vịnh 94. Đây là Thánh vịnh dùng để mời gọi mọi người hãy ca tụng Thiên Chúa.

III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA

Tv 94

IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

1. Dẫn giải Lời Chúa.

- Lời Chúa chúng ta vừa nghe là Thánh vịnh mấy ?  (Tv 94).

- Thánh vịnh 94 kêu gọi chúng ta làm gì ?  (Kêu gọi chúng ta hãy ca tụng Chúa).

- Ai có thể nhắc lại một câu trong Thánh vịnh này không ?

Ngày xưa dân Do Thái dùng Tv 94 này để kêu gọi dân chúng hãy reo hò mừng Đức Chúa (GLV trích dẫn câu 1+ 2, câu 6 +7).

Ngày nay Hội Thánh dùng Tv 94 để mở đầu giờ kinh sáng để thờ phượng Chúa. Việc thờ phượng Chúa trong Hội Thánh được gọi là Phụng vụ. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu việc thờ phượng Chúa của Hội Thánh ở phần bài học dưới đây.

2. Giải thích câu hỏi thưa.

     * Đọc chung câu 1 và câu 2  :

1-  H. Phụng vụ là gì ? 

     T. Phụng vụ là việc tôn thờ chính thức của Hội Thánh, để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hoá con người.

2- H. Phụng vụ gồm những việc nào ?

  T. Phụng vụ gồm thánh lễ, các bí tích, các giờ kinh phụng vụ.

- Vào các ngày lễ, nhất là vào ngày tết Nguyên Đán, chúng ta tới nhà ông bà để làm gì ? 

(Để chúc tuổi, cầu chúc cho ông bà, ba mẹ, chú bác, cô gì,  được bình an, mạnh khoẻ trong năm mới).

Đó là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam chúng ta, giúp chúng ta nhớ ơn các bậc tổ tiên, ông bà đã sinh thành ra chúng ta, và giúp mọi người trong gia đình sống đoàn kết, yêu thương nhau hơn. Những truyền thống văn hoá này giúp chúng ta có được đời sống phong phú hơn.

Cũng vậy, đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu cũng gắn liền với việc tôn thờ Thiên Chúa trong Hội Thánh được gọi là Phụng vụ.

-  Vậy phụng vụ là gì ?

Phụng là thờ phượng, vụ là việc, phụng vụ là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh .

- Phụng vụ nhằm mục đích gì?  (Nhằm 2 mục đích : chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hoá con người).

  + Phụng vụ là hành vi thờ phượng : nhằm tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi.

Phụng vụ là việc thờ phượng mà Hội Thánh dâng lên Chúa Cha để cảm tạ về phúc lộc Người đã ban cho loài người trong Đức Kitô, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.

   + Phụng vụ là hành vi thờ phượng : nhằm thánh hoá con người, nghĩa là làm cho con người được cứu độ, trở nên thánh, nên giống Chúa.

     Qua phụng vụ, Thiên Chúa Ba Ngôi tiếp tục thực hiện công trình cứu chuộc là thi ân giáng phúc cho mọi người (xem Ep 1, 9).

Để phụng vụ là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh đòi phải có đủ ba yếu tố sau đây  :

-Yếu tố 1  : Phải là lời kinh chính thức của Hội Thánh được ấn định trong trong sách phụng vụ, chứ không phải là lời nguyện tự phát.

-Yếu tố 2  : Phải do một thừa tác viên hợp pháp chủ sự cử hành, nghĩa là những người được Hội Thánh cắt đặt và ban quyền chủ sự, chứ không phải bất cứ ai cũng được.

-Yếu tố 3  : Phải cử hành nhân danh toàn thể Hội Thánh vì phụng vụ không bao giờ có tính cá nhân cho dù thừa tác viên cử hành một mình. Ví dụ, khi một linh mục dâng lễ một mình, linh mục ấy dâng lễ nhân danh toàn thể Hội Thánh.

Như thế có ba việc sau đây được coi là phụng vụ vì có đủ ba yếu tố trên. Em nào cho biết ba việc ấy là gì ?

Thánh lễ, bảy bí tích, các giờ kinh phụng vụ.

Tóm lại: -  Phụng vụ là gì ?  (-Việc tôn thờ chính thức của Hội Thánh).

- Khi cử hành phụng vụ, Hội Thánh nhằm mục đích gì ? 
(Tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hoá con người).

 - Phụng vụ gồm những việc nào ? (...)

   * Đọc chung câu 3

      H. Ai cử hành phụng vụ ?

      T. Mọi tín hữu, dù là linh mục hay giáo dân đều tuỳ chức phận mình mà kết hợp với Chúa Kitô là đầu để cử hành phụng vụ.

   Để biết ai cử hành phụng vụ, chúng ta hãy tìm hiểu từng loại phụng vụ.

* Trong thánh lễ  :

+ Xưa Chúa Giêsu đã dâng mình trên Thánh Giá, thì nay chính Ngài cũng dâng mình trên bàn thờ qua tay các linh mục. Vậy ai là người dâng lễ  ?  (Chúa Giêsu là người dâng lễ).

+ Chúa Kitô hiện diện nơi hình bánh và rượu. Vậy của lễ được dâng trong Thánh lễ là gì ?  (Là chính  Chúa Giêsu).

* Trong các bí tích  :

+ Ai ban các bí tích cho ta ?

     Qua  linh mục, Chúa Giêsu ban các bí tích cho ta.

*Trong Lời Chúa  :

 Khi ta nghe Lời Chúa, đặc biệt trong Thánh lễ, ai nói với ta ?  (Chính Chúa Giêsu nói với ta qua thừa tác viên đọc sách).

* Trong giờ cầu nguyện của Hội Thánh  :

      Chúa Kitô hiện diện khi chúng ta cầu khẩn và hát Thánh Vịnh như chính Ngài đã hứa : “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó giữa  họ” (Mt 18, 20).   

    Như thế, Đức Kitô là người chủ trì  việc phụng vụ.

             -Vậy Hội Thánh đóng vai trò gì trong phụng vụ?

Để trả lời câu hỏi này, ta cần biết Hội Thánh là gì.

             -Hội Thánh là gì?  (Là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô).

           - Ai là đầu của Hội Thánh?  (Chúa Kitô).

           - Mỗi tín hữu là gì của Chúa Kitô ? (Là chi thể của Chúa Kitô).

Vì thế, khi Hội Thánh cử hành phụng vụ thì chính Chúa Kitô cử hành và mỗi người tùy theo chức phận của mình trong Hội Thánh : linh mục, tu sĩ, giáo dân, kết hợp với Chúa Kitô là đầu để cử hành phụng vụ.

Tóm lại, những ai được cử hành phụng vụ ?

                   Mọi tín hữu kết hợp với Chúa Kitô để cử hành phụng vụ.

   * Đọc chung câu 4 :

         H. Ta phải tham dự phụng vụ thế nào ?

          T. Ta phải tham dự cách tích cực, thành kính, đầy ý thức và yêu mến. Muốn được vậy, ta cần tìm hiểu ý nghĩa những lời nói, cử chỉ và các dấu hiệu tượng trưng trong nghi thức phụng vụ.

- Ta phải có thái độ thế nào khi tham dự phụng vụ ?

(Phải tham dự cách tích cực, đầy ý thức và yêu mến)

- Đầy ý thức và yêu mến nghĩa là gì ?

(Nghĩa là tham dự với sự hiểu biết, tin tưởng và tâm tình yêu mến. Có hiểu biết mới gợi nên trong chúng ta lòng yêu mến).

-Muốn hiểu biết phụng vụ chúng ta phải làm gì ?

(Chúng ta phải học hiểu ý nghĩa lời đọc, cử chỉ, và dấu hiệu tượng trưng trong nghi thức phụng vụ)ï.

- Cách tích cực, thành kính nghĩa là gì ?

(Nghĩa là cùng thưa kinh, ca hát chung với cộng đoàn, hiệp lòng hiệp ý với chủ tế, với cộng đoàn, không thụ động lười biếng).

- Cách đầy đủ nghĩa là gì ?  (Nghĩa là tham dự đầy đủ từ đầu đến cuối, không bỏ sót bất cứ phần nào).

Tóm lại  :

        @  Khi tham dự phụng vụ ta cần có tâm tình nào ?

        @  Để có những thái độ, tâm tình trên, chúng ta cần làm gì ? 
(Tìm hiểu học hỏi các nghi thức phụng vụ).

 

     * Đọc chung câu 5 :

         H. Trong phụng vụ, Lời Chúa đóng vai trò nào ?

         T. Lời Chúa giúp ta thấm nhuần ý nghĩa những điều đang cử hành để đáp lại bằng đức tin.

-Ngoài việc tham dự Thánh Lễ, chắc các em đã tham dự nhiều cử hành phụng vụ khác như Rửa tội, Thêm sức, Hôn phối, Xức dầu … trước khi cử hành Bí tích, thường là có phần gì?  (Công bố Lời Chúa).

-Tại sao Hội Thánh công bố Lời Chúa trước khi cử hành Bí tích?  (Lời Chúa được công bố nói lên nội dung hay liên quan tới Bí tích sắp cử hành. Vì thế, Lời Chúa sẽ hướng dẫn, giúp ta hiểu, thấm nhuần Bí tích sắp cử hành để ta đáp lại bằng đức tin).

 -Các em có nhớ, sau khi nghe sứ thần truyền tin, Đức Mẹ đã đáp lại thế nào không ?  [“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần nói”(Lc 1, 38). ]

-Vào ngày lễ Ngũ Tuần, sau khi được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, các tông đồ mới mạnh dạn rao giảng Lời Chúa cho mọi người, dân chúng nghe theo các tông đồ rất đông, ngày hôm ấy có bao nhiêu người trở lại đạo?  [Khoảng ba ngàn người theo đạo (x.Cv2,14-41)].

Các em thân mến ! Sau khi nghe thiên thần truyền tin, Mẹ Maria đã thưa “xin vâng”  vào ngày lễ Ngũ Tuần, sau khi nghe các tông đồ rao giảng, đã có ba ngàn người theo đạo cho chúng ta thấy đức tin là một sự đáp lại Lời Chúa nói với mình. Cũng vậy, khi tham dự Phụng vụ, chúng ta cũng cần phải đáp lại Lời Chúa bằng thái độ tin tưởng, cậy trông, sốt sắng và yêu mến.

             Chính vì thế, phụng vụ Lời Chúa là thành phần cốt yếu trong phụng vụ vì Lời Chúa giúp ta thấm nhuần ý nghĩa  những điều chúng ta đang cử hành để chúng ta đáp lại bằng đức tin.

 

    * Đọc chung câu 6.

     H. Trong phụng vụ, ca nhạc giúp ta thế nào ?

      T. Ca nhạc giúp cho phụng vụ thêm tươi đẹp và trang trọng, đồng thời giúp ta tham dự cách tích cực và sống động.

Thánh vịnh 94, mà hôm nay chúng ta vừa nghe, là Thánh vịnh Hội Thánh dùng để khai mạc giờ kinh sáng, mời gọi ta hãy thờ phượng Chúa theo điệu hát cung đàn :

               “Vào trước thánh nhan dâng lời cảm tạ,

              cùng tung hô theo điệu hát cung đàn” (Tv 94, 2).

Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu  : “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem  cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài Thánh vịnh, Thánh Thi và Thánh ca do thần khí linh hứng” (Ep 5, 19). Thánh Augustinô còn nói  : “Hát là cầu nguyện hai lần”.

Ngày nay, Hội Thánh cũng lưu tâm đặc biệt đến việc hát trong phụng vụ.

Như vậy, ca hát giúp cho phụng vụ thêm trang trọng và tươi đẹp, giúp ta tham dự cách tích cực và sống động hơn.

Tóm lại, bài học hôm nay giúp ta hiểu Phụng vụ là việc thi hành chức tư tế của Chúa Kitô, do Chúa Kitô và toàn thể Hội Thánh cử hành để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hóa con người .

V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

      1. Gợi tâm tình .

Các em thân mến ! Phụng vụ là việc tôn thờ chính thức của Hội Thánh. Trong phụng vụ ta được kết hợp với Chúa Kitô là đầu và toàn thể Hội Thánh mà tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời giúp chúng ta trở nên thánh thiện hơn. Với tâm tình thành kính và yêu mến, chị mời các em đứng lên, chúng ta cùng với muôn loài muôn vật hát dâng Thiên Chúa lời ca ngợi.

      2. Cầu nguyện .     

(GLV phải tập trước cho học sinh bài hát)

   MUÔN TẠO VẬT ƠI

ĐK : Muôn tạo vật ơi cùng tôi hát lên một bài, ca mừng Thượng Đế quyền uy tác sinh muôn loài. Hỡi người công chính hãy cất cao lên muôn lời, ngợi khen Chúa Trời chan hoà ngàn tiếng nơi nơi.

1. Ngài ban cho tôi biển khơi, núi cao, sông dài. Trời mây tinh tú, trong mát suối reo rừng sâu. Vầng dương chiếu ban ngày, vầng trăng sáng đêm dài. Xuân hạ, thu, đông chan chứa biết bao hồng ân.

VI. SINH HOẠT

VII. BÀI TẬP

Em hãy tìm câu ở cột B cho hợp nghĩa với câu ở cột A :

 

Cột A

Cột B

1.Phụng vụ gồm những việc:

a. thấm nhuần ý nghĩa những điều đang cử hành để đáp lại bằng đức tin.

2.Trong Hội Thánh, Phụng vụ được cử hành để

b. tìm hiểu ý nghĩa những lời nói cử chỉ và dấu hiệu tượng trưng trong nghi thức phụng vụ.

3.Khi tham dự phụng vụ, ta phải có thái độ

c. tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hóa con người.

4.Muốn tham dự phụng vụ cách thành kính và yêu mến, ta cần

d. tích cực, thành kính, đầy ý thức và yêu mến.

5.Trong phụng vụ, Lời Chúa giúp ta

e. thánh lễ, các bí tích, các giờ kinh phụng vụ và phụ tích.

VIII. SỐNG LỜI CHÚA

               Tuần này mỗi khi tham dự thánh lễ, em nhớ tham dự cách tích cực  : cùng thưa kinh, ca hát chung với cộng đoàn để bày tỏ lòng thành kính, và yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi.

IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

               Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã lập ra nhiều phương thế để ban ơn cho chúng con, đặc biệt là Thánh lễ. Xin Chúa giúp chúng con biết đem hết tâm tình mà thờ lạy, ngợi khen, cảm tạ Chúa mỗi khi tham dự Thánh lễ. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

 

 

CÂU HỎI CHO HỌC SINH

 

Bài 2: HỘI THÁNH THỜ PHƯỢNG THIÊN CHÚA(2)

Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa.     (x. Chúa Cha 94, 1-7)

1-H. Phụng vụ là gì?

    T. Phụng vụ là việc tôn thờ chính thức của toàn thể Hội thánh, để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hóa con người.

2-H. Phụng vụ gồm những việc nào?

    T. Phụng vụ gồm thánh lễ, các bí tích, các giờ kinh phụng vụ và các phụ tích.

3-H. Ai cử hành phụng vụ?

    T. Mọi tín hữu, dù là linh mục hay giáo dân đều tùy chức phận mình mà kết hợp với Chúa Ki-tô là đầu để cử hành phụng vụ.

4-H. Ta phải tham dự Phụng vụ thế nào?

    T. Ta phải tham dự cách tích cực, thành kính, đầy ý thức và yêu mến. Muốn được vậy, ta cần hiểu ý nghĩa những lời nói, cử chỉ và các dấu hiệu tượng trưng trong nghi thức phụng vụ.

5-H. Trong Phụng vụ, Lời Chúa đóng vai trò nào?

    T. Lời Chúa giúp thấm nhuần ý nghĩa những điều đang cử hành để đáp lại bằng đức tin.

6-H. Trong Phụng vụ, ca nhạc giúp ta thế nào?

    T. Ca nhạc giúp cho Phụng vụ thêm tươi đẹp và trang trọng, đồng thời giúp ta tham dự cách tích cực và sống động.