Bài 4:
Kinh Lạy Cha
- Lời Chúa : Mt 6, 9-13
- Ý chính
: Kinh Lạy Cha là lời kinh tuyệt hảo mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu
nguyện với Chúa Cha.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con
xin dâng lên Chúa giờ học giáo lý này, xin Chúa chúc lành cho chúng con, xin
ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con để Ngài giúp chúng con lắng nghe và
hiểu những điều Chúa muốn dạy chúng con hôm nay. Amen.
Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA
1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều
đã quyết tâm.
+Ôn bài cũ :
- Hội Thánh có mấy thứ
Phụng vụ? (một thứ Phụng vụ mà thôi).
- Phụng vụ đó cử hành mầu
nhiệm gì? (Mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô chịu chết và sống lại để cứu chuộc chúng
ta).
- Trong Phụng vụ, ta tuyên xưng và tôn thờ
Chúa Cha thế nào? (Ta tuyên xưng Chúa Cha là nguồn mạch mọi phúc lành mà Ngài ban cho ta
nơi Con Ngài).
- Trong Thánh Lễ ai là vị chủ tế đích thực? (Là Chúa
Giêsu Kitô, Ngài là Linh mục tối cao, đứng đầu Hội Thánh tế lễ lên Chúa Cha).
+Kiểm tra quyết tâm :
Trong tuần qua, khi tham dự Thánh
Lễ, các em có cùng với Chúa Giêsu dâng lời cảm tạ Chúa Cha không?
2. Dẫn vào Lời Chúa.
Con gái của ông K. Marx
có lần đã thú nhận với người bạn của bà rằng: từ nhỏ bà đã không được hướng dẫn
cho biết có Thiên Chúa, tôn giáo và tín ngưỡng, chính bà cũng không hề cảm thấy
có một tâm tình tôn giáo nào. Tuy nhiên, một ngày kia, tình cờ đọc được một lời
kinh của người Kitô giáo, bà hằng mong ước là những câu kinh ấy sẽ biến thành
sự thực… Nghe nói thế, người bạn của bà không khỏi ngạc nhiên và hỏi: “Kinh gì
mà hay thế?”. Thay vì trả lời, người con gái của ông K. Marx chậm rãi đọc kinh
Lạy Cha. Vâng, đây là lời kinh của chính Đức Giêsu dạy các môn đệ và Hội Thánh.
Là lời kinh căn bản của Kitô giáo. Thánh Luca ghi lại bản kinh Lạy Cha ngắn (Có
5 lời nguyện xin). Còn thánh Matthêu ghi lại bản dài hơn (Có 7 lời nguyện xin).
Truyền thống Phụng vụ của Hội Thánh sử dụng bản văn Matthêu. Mời các em đứng,
chúng ta cùng lắng nghe bản kinh tuyệt hảo này.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Mt 6, 9-13
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA
1. Dẫn giải Lời Chúa.
- Đoạn Tin Mừng chúng ta
vừa nghe nói về ai? (Chúa Giêsu và các môn đệ).
- Các môn đệ xin Chúa Giêsu
điều gì? (Xin Chúa Giêsu dạy cho cách cầu nguyện).
-
Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện như thế nào? (Kinh
Lạy Cha).
Đáp lại lời xin của các môn
đệ: “Thưa Thầy xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11, 1), Đức Giêsu đã dạy các
ông lời kinh căn bản của Kitô giáo là kinh Lạy Cha. Qua những lời kinh này, Con
Một Thiên Chúa trao cho chúng ta những lời cầu nguyện riêng của Ngài với Chúa
Cha. Người là Thầy dạy chúng ta cầu nguyện. Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu sâu
hơn về những lời kinh này nhé.
2. Giải thích câu hỏi
thưa.
* Đọc chung câu 1:
1- H. Chúa Giêsu đã
dạy ta cầu nguyện bằng kinh nào?
T. Chúa Giêsu đã dạy ta kinh “Lạy Cha”
là mẫu mực cho mọi lời kinh của Dân Chúa; Ngài còn ban cho ta ơn Thánh Thần để được
gọi Thiên Chúa là Cha.
-Các em thân mến, khi
các em yêu mến ai, các em có hay nghĩ đến họ không? (Có).
Đúng, khi ta đi xa cha mẹ mình, ta hay nghĩ đến các ngài, muốn ở gần, muốn gặp
gỡ tiếp xúc và muốn làm theo ý các ngài.
Cũng vậy, khi vào trần
gian, Đức Kitô đã nói: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý
Ngài” (Dt 10, 7). Vì yêu Chúa Cha, nên cả cuộc đời Chúa Giêsu luôn quy hướng về
Cha, luôn sống theo ý Chúa Cha.
Càng theo chân Chúa Giêsu,
các môn đệ càng khám phá ra Ngài luôn sống gắn bó với Chúa Cha. Họ luôn gặp thấy
Ngài cầu nguyện lúc sáng sớm, khi chiều về, trước mọi biến cố.
-Chúa Giêsu có muốn ta
gọi Thiên Chúa là Cha như Ngài không? (Có, đó là mục đích của công việc cứu thế của
Ngài).
-Chúa Giêsu đã dậy chúng
ta kinh gì để chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha? (Kinh Lậy
Cha).
-Chúa Giêsu đã dạy các
môn đệ, cũng như dạy chúng ta cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, lời kinh đầy tình
con thảo của Ngài. Lời kinh này là khuôn mẫu hoàn hảo nhất cho ta về cầu nguyện. Nhưng chúng ta là con người làm
sao có thế gọi Thiên Chúa là Cha được? [Ngài
đã ban ơn thánh Thần để chúng ta có thể gọi lên: Abba, Cha ơi! (Gl 4, 6)].
Tóm lại: - Chúa Giêsu đã
dạy ta cầu nguyện bằng kinh nào? (Kinh Lạy
Cha)
- Để được gọi Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu ban cho chúng ta
ơn gì? (Ơn Chúa Thánh Thần ).
* Đọc chung câu 2:
2- H. Kinh Lạy Cha
phong phú thế nào?
T. Kinh Lạy
Cha gồm tóm được mọi ý nguyện của Dân Chúa và cả chương trình cứu chuộc của
Chúa Cha.
-Kinh Lạy Cha có mấy phần ? Kinh Lạy Cha gồm 3 phần chính:
+ Lời mở đầu: “Lạy Cha chúng
con ở trên trời” hướng chúng ta lên Chúa và tập trung tất cả vào Người.
+ Ba lời cầu nguyện cho
chính Thiên Chúa: Danh Chúa, Nước Chúa và Thánh ý của Người.
+ Bốn lời cầu xin cho những
nhu cầu của con người: vật chất cũng như tinh thần, nài xin sự nâng đỡ của Chúa
để thắng vượt tội lỗi, các cơn cám dỗ và ác thần.
Ba phần trên gồm tóm được
mọi ý nguyện của dân Chúa cũng như chương trình cứu chuộc của chúa Cha. Chính
vì thế, Thánh Augustinô đã nói: Anh em hãy rảo qua tất cả các lời cầu nguyện
trong Kinh Thánh, tôi tin rằng anh em không thể tìm thấy ở đó có điều gì không
gồm lại trong lời kinh của Chúa (Kinh Lạy Cha).
Tóm lại: - Kinh Lạy Cha gồm tóm điều gì?
(Mọi ý nguyện của dân Chúa và cả chương trình cứu chuộc của Chúa Cha).
* Đọc chung câu 3:
3- H. Hội Thánh đọc
kinh Lạy Cha khi nào?
T. Khi dâng Thánh
lễ, khi cử hành các Bí tích nhập đạo, cũng như trong các giờ kinh quan trọng,
Hội Thánh đều luôn đọc kinh Lạy Cha mà hướng lòng trông cậy về ngày Chúa Kitô
ngự đến.
- Các
em thường đọc kinh Lạy Cha khi nào? (khuyến khích các em trả lời).
Các em thân mến, ngay từ
thời đầu, kinh Lạy Cha đã được Hội Thánh lãnh nhận và sống như một hồng ân, Hội
Thánh vẫn giữ gìn truyền thống các tông đồ để lại là đọc kinh Lạy Cha trong mỗi
Thánh lễ, trong các giờ kinh Phụng vụ, trong ba Bí tích nhập đạo: Rửa tội,
Thánh Thể, Thêm sức.
Hội Thánh cũng luôn tin tưởng
vào Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại, Đấng đã dạy cho ta lời kinh tuyệt hảo
này và là Đấng sẽ trở lại trong vinh quang để hoàn tất công trình cứu độ. Vì
thế, khi đọc kinh Lạy Cha, Hội Thánh luôn hướng lòng trông chờ ngày Chúa Kitô
trở lại trong vinh quang.
Tóm lại: - Hội Thánh đọc kinh Lạy Cha vào những lúc nào? (trong Thánh lễ, trong các bí tích nhập đạo và
các giờ kinh quan trọng).
* Đọc chung câu 4:
4- H. Ta nên đọc kinh Lạy Cha thế nào?
T. Ta nên đọc
với trọn tâm tình con thảo, đầy hồn nhiên tin tưởng, khiêm nhường và vui vẻ.
- Chúa Giêsu dạy ta biết
Thiên Chúa là ai? (Thiên Chúa là Cha yêu thương).
- Có người Cha yêu thương
và đầy quyền năng như thế, các em có sung sướng không? (Có).
Mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, chị
thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu thường rất xúc động vì được gọi Thiên Chúa là Cha,
Chị cảm nghiệm được tình thương của Cha trên trời dành cho chị, nên chị luôn
coi mình như một em bé thơ trước mặt Cha đầy yêu thương, để có thể thưa chuyện
với Cha mình một cách thân mật, hồn nhiên và đầy tin tưởng.
Mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, chúng
ta cũng hãy noi theo gương chị thánh Têrêsa để đọc với trọn tâm tình con thảo
như vậy.
Tóm lại, ta nên đọc kinh Lạy Cha
với tâm tình nào? (tâm tình con thảo, tin
tưởng, khiêm nhường, vui vẻ).
Như thế, bài học giáo lý hôm nay cho ta biết Kinh Lạy Cha là lời kinh tuyệt hảo mà Chúa Giêsu
đã dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1. Gợi tâm tình .
Các em thân mến, Chúa Giêsu
đã dạy chúng ta thưa chuyện với Cha trên trời bằng lời kinh đẹp nhất, tha thiết
nhất và đầy đủ nhất. Kinh Lạy Cha là lời kinh mẫu mực cho mọi lời kinh khác, vì
đã tóm được mọi ý nguyện của Dân Chúa và cả chương trình cứu chuộc của Chúa
Cha. Vì thế hằng ngày chúng ta hãy năng thưa chuyện với Cha trên trời bằng lời
kinh Chúa dạy nhé. Trong tâm tình của những người con thảo đối với Cha trên trời,
Anh (chị) mời các em đứng lên, chúng ta cùng cầu nguyện .
2. Lời nguyện.
Lạy Cha, Cha đã
cử Thánh Thần của Đức Kitô đến, để Ngài dạy chúng con gọi Cha là Cha. Xin cho chúng
con mỗi ngày một thêm giống Đức Giêsu Kitô là Con yêu dấu của Cha hơn. Giờ đây,
với tâm tình của người con, chúng con xin dâng lên Cha lời nguyện xin :
Hát kinh LẬY CHA.
VI. SINH HOẠT
VII. BÀI TẬP
Em hãy khoanh tròn vào câu
trả lời đúng nhất.
a. Mọi ý nguyện của Dân Chúa.
b. Chương trình cứu chuộc của Chúa Cha.
c. Cả 2 câu đều đúng. (câu
c)
2.
Hội Thánh đọc kinh Lạy Cha khi:
a. Dâng Thánh lễ.
b. Cử hành các bí tích nhập đạo.
c. Trong các giờ kinh quan trọng.
d. Câu a và b đúng.
VIII. SỐNG LỜI CHÚA
Để tỏ lòng yêu mến và
tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha, mỗi ngày em nhớ thưa chuyện với Ngài một kinh
Lạy Cha thật sốt sắng trong tâm tình người con thảo.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Chúa Giêsu, chúng con
xin cám ơn Chúa vì Chúa đã yêu thương chúng con vô cùng. Xin Chúa giúp chúng
con biết theo gương Chúa mà siêng năng thưa chuyện với Cha trên trời bằng lời
kinh mà Chúa đã dạy chúng con, để chúng con nhận biết và yêu mến Chúa Cha hơn.
Chúng con nguyện xin, vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
Đọc kinh Sáng Danh.
CÂU HỎI CHO
HỌC SINH
Bài 4: KINH LẠY CHA
Vậy chúng con hãy cầu
nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. (x.Mt 6, 9-13)
1-H. Chúa Giê-su đã dạy ta cầu nguyện bằng kinh
nào?
T.
Chúa Giê-su đã dạy ta kinh “Lạy Cha” là mẫu mực cho mọi lời kinh của Dân Chúa;
Ngài còn ban cho ta ơn Thánh Thần để được gọi Thiên Chúa là Cha.
2-H. Kinh Lạy Cha phong phú thế nào?
T.
Kinh Lạy Cha gồm tóm được mọi ý nguyện của Dân Chúa và cả chương trình cứu
chuộc của Chúa Cha.
3-H. Hội thánh đọc kinh Lạy Cha khi nào?
T.
Khi dâng thánh lễ, khi cử hành các bí tích nhập đạo cũng như các giờ kinh quan
trọng. Hội thánh đều luôn đọc kinh Lạy Cha mà hướng lòng trông cậy về ngày Chúa
Ki-tô ngự đến.
4-H. Ta nên đọc kinh Lạy Cha thế nào?
T. Ta
nên đọc với trọn tâm tình con thảo, đầy hồn nhiên tin tưởng, khiêm nhường và
vui vẻ.