Bài 10:
CÁC BÍ TÍCH (1)
- Lời Chúa : Ga 1, 14. 16-18
- Ý chính : Chúa Giêsu đã lập ra các bí tích
làm phương tiện giúp ta gặp gỡ Ngài và làm dấu hiệu thông ban ơn Ngài cho ta.
- Giáo cụ trực quan : Tranh Chúa Phục Sinh (Số 101).
Lạy Chúa Thánh Thần, chúng
con dâng hồn xác chúng con cho Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết lắng nghe Lời
Chúa, để mỗi ngày chúng con thêm hiểu biết và yêu mến Chúa hơn.
Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA
1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.
+Ôn bài cũ :
-Để luôn đứng vững trong những điều tốt ta phải làm gì ? (Biết
kiên quyết thực hiện điều mình thấy là tốt và phải làm).
-Kể ra 3 việc nhỏ ta phải tập luyện để có thể đứng vững trong những
điều tốt? (Sống nết na khi ở một mình – Hướng ngược chiều – Gây men Tin Mừng cho đồng
bạn).
+Kiểm tra quyết tâm :
Trong tuần qua, các em có rủ một người bạn hay trốn đi lễ, đi lễ ngày
Chúa nhật không?
2. Dẫn vào Lời Chúa
Hôm nay chúng ta bắt đầu
vào loạt bài về các bí tích. Trước khi vào bài học, anh (chị) kể cho các em
nghe câu truyện của một người cha đã viết
lại tâm tình, những cảm nghĩ của ông qua câu chuyện với đứa con gái nhỏ của
mình:
Một đêm kia đang đọc báo, ông nghe thấy tiếng đứa con gái
nhỏ gọi ông:
- Bố ơi, con sẽ đếm xem trên trời
có bao nhiêu ngôi sao.
Sau đó, bé bắt đầu cất tiếng đếm với giọng êm đềm
và ngây thơ: 1, 2, 3, 4… ông bố lại tiếp tục đọc báo, không để ý gì đến bé nữa.
Vậy mà không ngờ, khi ông đã
đọc xong tờ báo, xếp lại và định đi ngủ, thì ông lại nghe tiếng con gái vẫn đang
tiếp tục đếm: 223, 224, 225, … Đếm đến đây, tự nhiên bé ngừng lại, quay sang bố
thỏ thẻ:
- Bố ơi, con không dè trên trời lại có nhiều
ngôi sao đến thế.
Nghe con nói một cách ngây
thơ như thế, ông chợt nhớ lại, thỉnh thoảng ông cũng thầm nói với Chúa:
- Chúa ơi, để con thử đếm xem con đã nhận lãnh
được bao nhiêu ơn lành Chúa đã ban.
Và càng đếm, trái tim ông càng
thổn thức, không phải vì u sầu, nhưng là vì có quá nhiều hồng ân Chúa đã tuôn đổ
tràn ngập trên đời ông. Và ông bật lên lời nói, lời tận đáy lòng để thưa chuyện
với Chúa:
- Lạy Chúa, con không tài nào ngờ rằng, đời
con lại được hưởng nhiều ơn Chúa đến như vậy!
Các em thân mến! Con người
chúng ta từ khi mới sinh ra đến nay đã được lãnh nhận biết bao ơn lành của Chúa.
Mỗi giây phút chúng ta sống, chúng ta hít thở
đều là hồng ân Chúa ban cho dư tràn. Lời Chúa ngày hôm nay sẽ cho chúng
ta biết, ta được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác từ Chúa. Mời các em đứng, chúng
ta cùng lắng nghe Lời Chúa
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Ga 1, 14. 16-18
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA
1. Dẫn giải Lời Chúa.
- Lời Chúa chúng ta vừa
nghe trích trong Tin Mừng theo Thánh nào? (Thánh
Gioan)
- Thánh Gioan cho chúng ta
biết, Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, đó là ai? (Chúa Giêsu).
- Ngôi Lời chính là Con Một
Thiên Chúa, nơi Ngài đầy tràn điều gì? (Ân sủng và sự thật).
- Từ nguồn sung mãn của Ngài,
chúng ta được lãnh nhận những gì? (hết ơn này đến ơn khác).
Vì yêu thương nhân loại, Ngôi
Lời là chính Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta. Tuy
nhiên, Chúa Giêsu chỉ hiện diện trên trần gian này vỏn vẹn có hơn 30 năm. Vậy làm
thế nào để con người ở mọi nơi và mọi thời có thể gặp gỡ Ngài và nhận được ơn cứu
độ Ngài ban? Chúa Giêsu đã lập ra các bí
tích. Đó là những phương tiện để ta gặp gỡ Ngài, và đó cũng là dấu hiệu bề ngoài
Ngài dùng để thông ban ơn bên trong cho ta. Bây giờ, chúng ta cùng tìm hiểu về các
bí tích nhé.
2. Giải thích câu hỏi thưa.
* Đọc chung câu 1:
1- H. Bí tích là gì?
T. Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu đem
lại ân sủng, được Chúa Giêsu thiết lập và trao lại cho Hội Thánh để ban sự sống
thần linh cho ta.
-Các em hãy nhìn vào bức tranh này(Số 101) và cho biết nó diễn tả sự
kiện gì? (Chúa Giêsu sống lại).
-Chúa Giêsu Phục Sinh đang làm gì?
(Cho các môn đệ xem các vết đinh ở
bàn tay Ngài).
Thánh Gioan kể lại rằng: Sau
khi Chúa Giêsu sống lại, Ngài đã hiện ra với các tông đồ. Hôm đó ông Tôma đi vắng.
Khi ông về, các tông đồ hớn hở khoe: “Chúng tôi đã thấy Chúa”. Nhưng ông Tôma đáp:
“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh
và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài, thì tôi không tin” (Ga 20, 24-25).
-Như thế, để chắc chắn rằng Chúa Giêsu đã sống lại thật, ông Tôma đòi
phải được thấy cái gì nơi Chúa Phục Sinh?
(Ông đòi phải được thấy dấu đinh ở
tay Chúa, ở ngực Chúa, hơn nữa ông còn đòi xỏ tay vào các vết đinh đó)
-Nghĩa là ông đòi thấy Chúa cách nào? (Thấy Chúa
tận mắt, sờ được Ngài tận tay).
Quả thật, nhu cầu chung của con người chúng ta là cần đến những dấu
hiệu cụ thể, những cái có thể thấy được, nghe được hoặc đụng chạm tới được, để
giao tiếp với nhau, để gặp gỡ nhau.
-Thiên Chúa có đáp ứng nhu cầu này không? (Có. Chính
vì thế mà Con Một Thiên Chúa đã xuống thế làm người, ở giữa chúng ta, để chúng
ta thấy được, gặp gỡ được Thiên Chúa vô hình).
-Để chúng ta dễ cảm nhận ơn Chúa ban cho chúng ta qua việc đáp ứng
nhu cầu cần có những hình ảnh cụ thể của chúng ta, Chúa Giêsu đã thiết lập điều
gì?
Chúa Giê-su đã có sáng kiến
chọn một số dấu chỉ cho ta biết ta đang gặp gỡ ngài và Ngài đang ban ơn của Ngài
cho ta. Đó chính là các bí tích.
Như vậy, bí tích là gì? Bí tích là dấu chỉ hữu hiệu đem lại ân sủng, được
Chúa Giêsu thiết lập và trao lại cho Hội Thánh để ban sự sống thần linh cho ta.
* Đọc
chung câu 2:
2- H. Chúa Giêsu đã lập ra các bí tích để làm gì?
T. Để tiếp tục công việc cứu chuộc ta
và để xây dựng Hội Thánh.
- Tất cả các bí tích
là do ai thiết lập? (Chúa Giêsu)
- Qua bí tích Rửa tội
ta được ơn gì ? (được làm con Chúa)
- Qua bí tích giải tội,
ta được ơn gì? (được giao hoà với Thiên Chúa)
- Qua bí tích Thánh
Thể, ta được ơn gì? (được của nuôi linh hồn)…
Ân sủng của bí tích là ân
sủng của Chúa Thánh Thần được Chúa Kitô ban riêng cho từng bí tích. Chúa Thánh
Thần chữa lành và biến đổi những người lãnh nhận bí tích, làm cho họ nên giống
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, bằng cách kết hợp họ với Chúa Giêsu hơn.
Tóm lại: Chúa Giêsu đã lập ra bí tích để làm gì? (Chúa Giêsu đã lập ra bí tích để ban ơn cứu
chuộc ta, và để xây dựng Hội Thánh. )
* Đọc chung câu 3:
3- H. Trong các bí tích, Chúa Giêsu tiếp tục
công việc cứu chuộc như thế nào?
T. Khi Hội Thánh cử hành nghi thức, thì
chính Chúa Giêsu hành động mà ban ơn cứu chuộc cho ta.
-Các bí tích thì hữu hiệu nghĩa là người lãnh nhận bí tích chắc chắn
đón nhận được ơn Chúa. Các em biết lý do
tại sao không? (Bởi vì chính Chúa Kitô hành động nơi các bí tích và qua các thừa tác viên).
-Ví dụ: Khi ta lãnh bí tích Giải tội, thì ai tha tội cho ta? (Chính
Chúa Giê-su qua linh mục mà tha tội cho ta). Mỗi khi ai ban bí tích Rửa tội
thì ai rửa tội cho người lãnh bí tích? [Chính bản thân Chúa Kitô rửa tội (SGLC
1008)].
Khi một bí tích được cử hành
theo đúng như ý định của Hội Thánh, thì
quyền năng của Chúa Kitô và của Chúa Thánh Thần hành động trong và qua bí tích đó
để ban những ân sủng mà mỗi bí tích nói lên.
Tóm lại: Khi Hội Thánh cử hành
bí tích, thì chính Chúa Giêsu hành động mà ban ơn cho ta.
* Đọc chung câu 4:
4- H. Các bí tích xây dựng Hội Thánh bằng cách
nào?
T. Bằng cách quy tụ loài người vào Hội
Thánh, và cho họ được tham dự vào sự sống Chúa Kitô.
- Nhờ bí tích Rửa tội,
ta được gia nhập vào đâu? (Hội Thánh).
-
Nhờ bí tích Thánh Thể ta được nuôi dưỡng bằng gì? (Bằng chính
Mình và Máu Chúa Kitô và được nên một với Ngài)
- Vì mọi người trong
Hội Thánh cùng được nuôi dưỡng bằng Thịt Máu Chúa Kitô nên khi lãnh nhận bí
tích Thánh Thể ta còn liên kết với ai nữa? (Liên kết
với mọi anh chị em trong Hội Thánh).
-
Nhờ bí tích Thêm sức, ta được gắn bó với Hội Thánh và với sứ mạng của Hội Thánh
hơn. Sứ mạng của Hội Thánh là gì? (Rao giảng Tin Mừng).
Tóm lại: Các bí tích xây dựng
Hội Thánh bằng cách nào? –(Bằng cách quy
tụ loài người vào Hội Thánh, và cho họ được tham dự vào sự sống Chúa Kitô. )
* Đọc chung câu 5:
5- H. Vì sao các bí tích được gọi là bí
tích đức tin?
T. Vì khi lãnh các bí tích, ta phải có
lòng tin, và nhờ các bí tích, đức tin của ta càng được thêm mạnh mẽ và vững chắc
hơn.
Các bí tích có mục đích
thánh hoá người ta, xây dựng Thân Thể Chúa Kitô, để chu toàn việc thờ phượng Chúa.
-Em nào nhắc lại câu 1: Bí tích là gì? (Bí
tích là những dấu hiệu, dấu chỉ ở bên ngoài nhưng ban ơn sủng bên trong).
-Các em hãy kể những dấu hiệu, dấu chỉ ở bên ngoài của các bí tích? (Lời đọc,
cử chỉ, nước, dầu, bánh rượu).
-Bí tích Rửa tội có dấu hiệu nào ở bên ngoài? (Nước, đổ
nước, lời đọc: Cha rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần).
-Chúng ta có thấy, có nghe được những dấu hiệu
bên ngoài này không? (Có).
-Ơn bên trong mà bí tích Rửa tội mang lại là gì? (Ơn Chúa
rửa sạch tội lỗi, ơn sự sống đời đời của Thiên Chúa vì nước vừa dùng để rửa và để
uống).
Như vậy, vì có những dấu chỉ ở bên ngoài nên để lãnh các bí tích ta
cần có lòng tin. Nhưng cũng vì có các dấu hiệu bên ngoài, nên các bí tích cũng
có vai trò giáo huấn, nghĩa là các bí tích dùng những dấu hiệu: lời nói, hành
vi, sự vật để nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả
đức tin đó (HCPV số 59). Do đó các bí tích được gọi là bí tích đức tin.
Tóm lại: -Tất cả các bí tích
đều phải sử dụng dấu bên ngoài (nước, dầu, bánh, rượu ...). Vì thế, người lãnh
nhận cần phải có một đức tin trưởng thành.
- Để lãnh nhận các
bí tích, ta cần có điều gì? (Đức tin).
- Các bí tích giúp
gì cho đức tin của ta ? (mạnh mẽ, vững
chắc hơn).
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1. Gợi tâm tình .
Các em thân mến! Chúa Giêsu chính là nguồn mạch
ân sủng mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Chúa Giêsu đã lập ra các bí tích để
tiếp tục công cuộc cứu độ chúng ta. Chính vì thế, mỗi khi lãnh nhận các bí tích,
ta hãy ý thức rằng mình đang đến để gặp gỡ Chúa Kitô, và Ngài sẽ ban dư tràn ân
phúc cho ta. Giờ đây, chúng ta cùng đứng lên và dâng Chúa lời nguyện xin tha
thiết:
2. Lời nguyện.
Lạy
Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã lập ra các bí tích để ở với chúng con và
ban ơn cho chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến các bí tích và năng lãnh
nhận 2 bí tích : Giải tội và Thánh Thể để nhận được ơn cứu độ, được đón nhận
chính Chúa là Đấng yêu chúng con vô cùng. Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng
sống hằng trị muôn đời. Amen.
VI. SINH HOẠT
VII. BÀI TẬP : Em hãy
khoanh tròn vào câu trả lời đúng nhất.
1.
Chúa Giêsu đã lập ra các bí tích để:
a. Tiếp tục công việc cứu chuộc ta.
b. Để xây dựng Hội Thánh .
c. Cả 2 câu đều đúng.
d. Cả 2 câu đều sai.
2.
Các bí tích được gọi là bí tích đức tin vì:
a. Khi lãnh các bí tích ta phải có lòng tin.
b. Nhờ các bí tích, đức tin của ta được thêm mạnh mẽ.
c. Cả 2 câu đều đúng.
d. Câu a đúng.
VIII. SỐNG LỜI CHÚA
Mỗi ngày em nhớ cầu
nguyện cho các thừa tác viên trong Hội Thánh luôn trung thành với sứ mạng cao cả
của mình là trao ban ân sủng của Chúa Kitô qua các bí tích.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Chúa, chúng con cám ơn
Chúa đã ban cho chúng con giờ học vừa qua. Nhờ đó chúng con được hiểu biết hơn
tình thương Chúa đã, đang và sẽ mãi tặng ban cho chúng con qua các bí tích. Chúng
con xin dâng lên Chúa điều quyết tâm hôm nay và xin Chúa giúp chúng con năng lãnh
nhận các bí tích. Amen.
Đọc kinh Sáng Danh.
CÂU HỎI CHO HỌC SINH
Bài 10: CÁC BÍ TÍCH(1)
Từ nguồn sung mãn của Ngài, tất cả chúng ta
đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
(x.Ga 1,14. 16-18)
1-H. Bí tích là gì?
T. Bí
tích là những dấu chỉ hữu hiệu đem lại ân sủng, được Chúa Giê-su thiết lập và
trao lại cho Hội thánh để ban sự sống thần linh cho ta.
2-H. Chúa Giê-su đã lập ra các bí tích để làm
gì?
T. Để
tiếp tục công việc cứu chuộc ta và để xây dựng Hội thánh.
3-H. Trong các bí tích, Chúa Giê-su tiếp tục công
cuộc cứu chuộc thế nào?
T.
Khi Hội thánh cử hành nghi thức, thì chính Chúa Giê-su hành động mà ban ơn cứu
chuộc cho ta.
4-H. Các bí tích xây dựng Hội thánh bằng cách
nào?
T.
Bằng cách quy tụ loài người vào Hội thánh, và cho họ được tham dự vào sự sống
Chúa Ki-tô.
5-H. Vì sao các bí tích được gọi là bí tích đức
tin?
T. Vì
khi lãnh nhận các bí tích, ta phải có lòng tin, và nhờ các bi tích, đức tin của
ta càng được thêm mạnh mẽ và vững chắc hơn.