Bài 12
BÍ TÍCH RỬA TỘI (1 )
- Lời Chúa : Mt 28, 16-20
- Ý chính : Bí tích Rửa tội là nền tảng đời
sống Kitô hữu. Nhờ bí tích Rửa tội, ta được sinh lại vào đời sống mới trong Chúa
Kitô, trở nên con Thiên Chúa và con Hội Thánh.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con
tin Chúa đang hiện diện giữa chúng con đây để yêu thương, dạy dỗ chúng con. Xin
Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống, để Ngài soi sáng giúp chúng con lắng nghe và hiểu
những điều Chúa muốn dạy chúng con hôm nay.
Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA
1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.
+Ôn bài cũ:
- Ai đã lập ra các bí tích?
(Chúa
Giêsu).
- Chúa Giêsu đã lập ra những
bí tích nào?
- Để lãnh nhận bí tích cho
xứng đáng, ta phải có thái độ nào?
+Kiểm tra quyết tâm:
Các em có đi tham dự thêm một thánh lễ ngoài thánh lễ ngày Chủ nhật
trong tuần qua không?
2. Dẫn vào Lời Chúa.
Các em đã biết, Chúa Giêsu lập các bí tích để
ban ơn cứu độ cho ta. Hôm nay, chúng ta học về bí tích Rửa tội. Đó là bí tích đầu
tiên dẫn vào các bí tích khác.
Có một
cụ già mới được rửa tội. Một hôm được hỏi bao nhiêu tuổi, cụ trả lời:
- Năm nay tôi được hai tuổi!
Mọi người tròn mắt ngạc nhiên,
tưởng cụ nói đùa. Cụ giải thích:
- Tôi mới được hai tuổi bởi vì tôi mới được rửa tội cách đây hai năm.
Cụ già trả lời rất đúng các
em ạ. Ngày ta lãnh nhận bí tích Rửa tội là ngày ta được sinh ra để tiếp nhận sự
sống mới, sự sống của Đức Kitô Phục Sinh, trở nên người con của Thiên Chúa và được
Ngài quy tụ vào gia đình của Ngài là Hội Thánh.
Tin vào Chúa Giêsu và chịu
phép Rửa là điều kiện cần thiết để được cứu độ. (Mc 16, 16).
Thế nhưng làm sao mà tin nếu
không có người rao giảng. Nhưng làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Bởi thế, trước khi về trời Chúa Giêsu đã chính
thức sai Hội Thánh đi rao giảng và rửa tội cho muôn dân.
Mời các em đứng lên, chúng
ta cùng lắng nghe Lời Chúa.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Mt 28, 16-20
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA
1. Dẫn giải Lời Chúa.
- Lời Chúa trong Tin Mừng
theo thánh Matthêu chúng ta vừa nghe kể lại sự kiện gì? (Chúa Giêsu
hiện ra ở Galilê).
- Chúa Giêsu hiện ra với
ai? (Với
các môn đệ).
- Chúa nói gì với các ông? (Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành
môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần).
Các em thân mến! Chúa Giêsu đến trần gian là để
thực hiện chương trình cứu độ loài người. Chương trình ấy không kết thúc khi Chúa
Giêsu lên trời. Trong thời gian đi rao
giảng, Chúa Giêsu kêu gọi rất nhiều môn đệ cùng cộng tác với Ngài. Để tiếp nối
công cuộc của Ngài, Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh và đã chọn 12 tông đồ làm nền
móng Hội Thánh của Ngài. Trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã để lại lệnh
truyền cho Hội Thánh: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm
phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” (Mt 28, 19).
Bài học hôm nay sẽ giúp chúng
ta hiểu hơn về bí tích Rửa tội là bí tích nền tảng của đời sống kitô hữu.
2. Giải thích câu hỏi thưa.
* Đọc chung câu 1:
1- H. Bí tích Rửa tội là gì?
T. Là dấu chỉ Chúa Giêsu dùng để ta được
sinh lại vào đời sống mới trong Chúa Kitô, trở thành con Thiên Chúa và con Hội
Thánh.
Ngày em được sinh ra, ngày đó
không chỉ quan trọng đối với em mà còn quan trọng đối với cả gia đình.
-Bố mẹ đã chuẩn bị cho ngày các em chào đời thế nào? (Mẹ đan áo,
mũ, vớù, may tã lót…)
Khi vừa mới lọt lòng em chưa
có ý thức gì, nhưng khi có trí khôn và cho đến bây giờ nếu chịu khó ngẫm nghĩ lại
em sẽ thấy ngày sinh của mình thật kỳ diệu. Trước đó em sống trong lòng mẹ, khi
sinh ra em bắt đầu một cuộc sống mới, đầu tiên là cuộc sống của gia đình.
-Nhưng đây chỉ là sự sinh ra trong thân xác, vậy khi nào các em mới
được trở thành con Thiên Chúa và con của Hội Thánh? (Khi được
lãnh nhận bí tích Rửa tội, em mới được sinh lại vào đời sống mới với Đức Kitô).
Chúa Giêsu đã nói với ông
Ni-cô-đê-mô: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và
Thần Khí” (Ga 3, 5).
Như vậy, bí tích Rửa tội là
nền tảng của đời sống Kitô hữu, là cửa mở vào sự sống trong Chúa Thánh Thần và là lối dẫn vào các bí tích khác. Nhờ phép
Rửa, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, được sinh lại làm con của Thiên Chúa,
trở thành các chi thể của Chúa Kitô trong gia đình Hội Thánh.
* Đọc chung câu 2:
2- H. Bí tích Rửa tội được thực hiện qua dấu
chỉ nào?
T. Qua việc đổ nước trên đầu và đọc
lời rửa tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.
-Em nào có thể
nói bí tích là gì không? (Bí tích là những dấu chỉ bên ngoài, ban ơn bên
trong).
-Vì là dấu chỉ bên
ngoài nên ta có thấy, nghe được không? (Có).
- Em nào đã tham
dự buổi cử hành Bí tích Rửa tội rồi?
- Em thấy cha làm
gì trong bí tích này?
- Cha đổ nước trên đầu người lãnh nhận và đọc câu gì? (…cha rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh
Thần).
-Vậy bí tích Rửa
tội được thực hiện qua mấy dấu chỉ? (Hai dấu chỉ: nước, lời đọc).
Nước: Nước tự nhiên
(nước lã, nước mưa, nước giếng, nước sông, suối…). Khi không khẩn cấp thì phải
dùng nước lã đã làm phép. Khi rửa tội: đổ nước chảy trên da đầu, làm sao cho nước
thấm tới da đầu hay trán.
Lời đọc: Vừa đổ vừa
đọc: “... (tên thánh của người được rửa tội), cha (tôi) rửa con (ông, bà...) nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. ”
Tóm lại: Bí tích Rửa tội được
thực hiện qua dấu chỉ nào? (Qua việc đổ
nước trên đầu và đọc lời rửa tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi).
* Đọc chung câu 3:
3- H. Bí tích Rửa tội đem lại cho ta những ơn
nào?
T. Bí tích Rửa tội đem lại cho ta bốn ơn
này:
- Một là được tha tội nguyên tổ và
mọi tội riêng ta phạm trước khi rửa tội, cùng mọi hình phạt do tội gây ra.
- Hai là được sinh lại vào đời sống
mới, trở thành con cái Chúa Cha, chi thể Chúa Kitô và đền thờ Chúa Thánh Thần.
- Ba là được gia nhập vào Hội Thánh
là thân thể Chúa Kitô.
- Bốn là được ghi vào trong linh hồn
một dấu ấn thiêng liêng vĩnh viễn, để dự phần vào chức tư tế của Chúa Kitô.
-Như câu định nghĩa về bí tích ở trên: Bí tích là các dấu chỉ bên
ngoài ban ơn bên trong, các em cho biết, ai ban ơn bên trong? (Chúa
ban ơn).
-Vậy qua bí tích Rửa tội, Chúa ban cho ta ơn nào?
Để biết bí tích Rửa tội ban ơn gì, chúng ta xem coi dấu chỉ bên ngoài
của bí tích ấy là gì.
-Em nào nhắc lại xem dấu chỉ của bí tích Rửa tội
là gì? (Nước và lời đọc).
-Trong cuộc sống thường ngày ta dùng nước để làm gì? (Để tắm
rửa và để uống).
-Như thế nước có mấy công dụng?
(Có 2 : để rửa và để sống).
-Dấu chỉ thứ hai là lời đọc: Cha rửa con nhân danh Cha và con và Thánh
Thần. Vậy trong bí tích Rửa tội, ai rửa tội cho ta và ai ban sự sống cho ta? (Chúa
Ba Ngôi).
Như thế, qua bí tích Rửa tội, ta nhận được các ơn:
- Xoá sạch mọi tội lỗi: Nhờ
phép Rửa tội, ta được Chúa tha hết mọi tội: tội tổ tông truyền, tội riêng ta phạm
trước khi chịu phép rửa tội (nếu là người lớn) và mọi hình phạt do tội gây ra.
- Cho ta sự sống mới trong Chúa
Thánh Thần, đó là sự sống của người con Thiên Chúa trong Hội Thánh: nhờ phép
Rửa tội ta được trở nên con cái Thiên Chúa(x. Gl4, 5-7), trở thành chi thể của
Chúa Kitô (Rm 8, 17) và đền thờ Chúa Thánh Thần (x. 1Cr 6, 15).
- Nhờ phép Rửa tội ta được gia nhập vào Hội Thánh
là thân thể của Chúa Kitô.
- Được ghi vào trong linh hồn một dấu ấn thiêng liêng vĩnh viễn, nhờ
đó ta được tham dự vào chức tư tế của Chúa
Kitô. Đây là chức tư tế chung của các tín hữu.
Vậy em nào hãy nhắc lại, Bí
tích rửa tội đem lại cho ta những ơn nào? (Sạch tội tổ tông và mọi tội ta phạm trước khi
lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Ta được làm con Chúa, được thuộc về Hội Thánh. Ghi vào
trong tâm hồn ta một dấu ấn thiêng liêng để dự phần vào chức tư tế của Chúa Kitô).
* Đọc chung câu 4:
4- H. Nhờ bí tích Rửa tội, ta được dự phần
vào những chức vụ nào của Chúa Kitô?
T. Ta được dự phần vào các chức vụ tế
lễ, rao giảng Lời Chúa và sắp đặt mọi sự trần thế theo ánh sáng Tin Mừng.
- Nhờ bí tích Rửa tội, ta trở nên chi thể của Chúa Kitô, ta được
tham dự vào mấy chức vụ của Chúa Kitô? (Được tham dự vào ba chức vụ của Chúa Kitô).
-Đó là những chức vụ nào? (Tế lễ (hay Tư tế), Rao giảng Lời Chúa (hay
ngôn sứ hoặc tiên tri), Sắp đặt mọi sự trần thế theo ánh sáng Tin Mừng (hay chức
vụ vương giả).
- Chức vụ Tư tế là gì? Đây là
chức tư tế chung của các tín hữu. Người giáo dân tế lễ, thi hành chức vụ tư tế
của mình khi thánh hóa đời sống hằng ngày. Nghĩa là mọi hoạt động, kinh nguyện,
công việc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công việc làm ăn thường ngày,
việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, cả đến việc kiên trì đón nhận những thử thách
trong cuộc sống đều trở thành của lễ thiêng liêng đẹp lòng Chúa và góp phần cứu
rỗi các linh hồn (x. HCGH số 34).
- Chức vụ ngôn sứ là gì? Người đã chịu bí tích Rửa tội có sứ mạng
rao giảng Chúa cho người khác bằng cách minh chứng đức tin và đức ái trong lời
nói, việc làm của mình nơi làm việc, nghề nghiệp và đặc biệt nơi đời sống gia đình
(x. HCGH số 35).
- Sắp đặt mọi sự trần thế dưới ánh sáng Tin Mừng hay sứ vụ vương đế
là gì? Đây là chức vụ làm vua (vương đế)
của Chúa Kitô: Người giáo dân thi hành sứ vụ này khi thánh hóa thế gian, nghĩa
là đem tài năng, sở trường, chuyên môn của mình vào công cuộc tìm kiếm và xây dựng
trần thế (x. HCGH số 36).
Tóm lại, -Nhờ bí tích Rửa tội, ta được dự phần vào những chức vụ nào
của Chúa Kitô? (Tư tế, ngôn sứ, vương đế).
* Đọc chung câu 5:
5- H. Bí tích Rửa tội có cần cho ta được ơn
cứu độ không?
T. Rất cần, vì Chúa Giêsu đã nói: “Ai không
sinh lại bởi Nước và Thánh Thần, thì chẳng được vào Nước Thiên Chúa” (x. Ga 3, 5).
Khi nói
với ông Ni-cô-đê-mô: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi
nước và Thần Khí” (Ga 3, 5), Chúa Giêsu khẳng định rằng phép Rửa tội cần thiết
cho ơn cứu độ. Bởi vậy trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã truyền dạy các tông đồ
đi loan báoTin Mừng và rửa tội cho muôn dân:
“Anh em hãy đi khắp tứ phương
thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được
cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án…” (Mc 16, 15-16).
Tóm lại, Bí tích Rửa tội có cần cho ta được hưởng ơn cứu độ không? (Rất cần).
* Đọc chung câu 6:
6- H. Vậy những người chết mà không được lãnh
bí tích Rửa tội thì sao?
T. Nếu họ đã thật lòng ước ao lãnh nhận
bí tích Rửa tội hoặc đã chết vì đạo Chúa thì cũng được hưởng ơn cứu chuộc của
Chúa Kitô. Ngoài ra, những người chưa được biết Tin Mừng và Hội Thánh Chúa nhưng
đã theo tiếng lương tâm mà sống ngay lành, thì cũng có thể được cứu độ.
Trong 117 vị thánh tử đạo Việt nam, có một vị
khi bị bắt mới là một dự tòng, chưa được rửa tội. Đó là thánh Tê-pha-nô Nguyễn Văn Vinh sinh năm 1813 tại làng
Bồ Trang, tỉnh Thái Bình.
Ngày 29. 6. 1838, quan quân
vây bắt cha Tự ở Kẻ Mốt và buộc mọi người phải đạp lên Thánh Giá. Khi ấy anh
Vinh mới 25 tuổi, anh đã dũng cảm nói thẳng với họ rằng: “Tôi thà chết chứ không
bao giờ chịu đạp lên Thánh Giá, vì tôi biết đạo Chúa Giêsu là đạo thật”.
Vì lời ấy anh bị bắt về giam chung với cha Tự
và các cộng sự viên của Cha. Anh đã chịu phép Rửa tội trong tù và được tử đạo
ngày 19. 12. 1839.
Từ chuyện thánh Tê-pha-nô Vinh, anh (chị) đố các
em:
- Nếu anh Vinh bị bắt bỏ tù và bị người ta giết chết mà chưa được rửa
tội thì sao? (vẫn là một vị tử đạo, dù không được rửa tội bằng nước. Cái chết của một
người như thế đủ làm cho người ấy thuộc về Chúa. Ta gọi đó là phép rửa bằng máu)
(SGLC 1258).
- Nếu anh Vinh học hỏi giáo lý một thời gian, nhưng bất ngờ anh gặp
tai nạn, anh rất ước ao được rửa tội nhưng không ai giúp cho anh. Và rồi anh chết.
Đố các em, số phận của anh Vinh sẽ ra sao? Anh có được rỗi linh hồn không? Được.
Tại sao? Vì anh đã có lòng ước ao được rửa tội. Anh đã chịu phép rửa bằng lửa, tức
là bằng lòng yêu mến và ước ao (SGLC 1259).
- Còn những người chưa hề được nghe biết về Tin
Mừng, nhưng họ luôn sống ngay lành theo tiếng lương tâm, thì cũng có thể được cứu
độ (SGLC 1260).
Tóm lại, những người chết mà chưa
được rửa tội thì sao? (Họ cũng có thể được
cứu độ nhờ phép rửa bằng máu (chết vì đạo), phép rửa bằng lửa(ao ước được rửa tội) hoặc luôn sống ngay lành theo tiếng lương tâm).
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1. Gợi tâm tình.
Các em thân mến, Chúa Giêsu
đã lập bí tích Rửa tội để tha tội lỗi cho ta, nhận ta vào Hội Thánh của Ngài, làm
ta trở nên con Thiên Chúa, gọi Thiên Chúa là Cha như Ngài, cho ta được hưởng sự
sống đời đời. Chúng ta đã được lãnh bí tích này và đã được đón nhận tất cả những
ơn vừa kể trên. Trong tâm tình cảm tạ, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.
2. Lời nguyện.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng bí tích Rửa tội để
thanh tẩy chúng con khỏi mọi tội lỗi, và ban cho chúng con sự sống mới của Chúa.
Nhờ sự sống này, chúng con được trở nên con Chúa, và là anh chị em của nhau
trong gia đình Hội Thánh. Chúng con xin hết lòng cảm tạ Chúa.
Xin cho chúng con hằng nhớ đến thiên chức mà
Chúa đã ban cho nhờ bí tích Rửa tội để trọn đời chúng con biết sống cho Chúa. Chúng
con cầu xin vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
VI. SINH HOẠT
VII. BÀI TẬP
Em hãy trả lời đúng hay sai các câu sau đây:
1. Bí tích Rửa tội ban cho ta sự sống mới trong Chúa Kitô, trở thành
con Thiên Chúa và con Hội Thánh.
Đúng - Sai (Sai)
2. Bí tích Rửa tội được thực hiện qua dấu chỉ: đổ nước trên đầu và đọc
lời rửa tội nhân danh Chúa Thánh Thần.
Đúng - Sai (Sai)
3. Một trong những ơn do bí tích Rửa tội đem lại cho ta: tha tội tổ
tông và mọi tội riêng ta phạm sau khi rửa tội.
Đúng - Sai
VIII. SỐNG LỜI CHÚA
Nhờ Bí tích Rửa tội, các
em đã được tha tội, được trở nên con Thiên Chúa, Đấng vô cùng thánh thiện. Để
luôn xứng đáng là con Thiên Chúa, tuần này, các em hãy cố gắng chừa một tật xấu,
một tội nào mình hay phạm nhất.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa đã thương ban
cho chúng con giờ học giáo lý hôm nay. Xin Chúa giúp chúng con thực hành điều
chúng con đã quyết tâm, để chúng con luôn là con cái ngoan thảo của Chúa.
Đọc Kinh Sáng Danh.
CÂU HỎI CHO HỌC SINH
Bài 12: BÍ TÍCH RỬA TỘI(1)
“Hãy đi… và làm phép
rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. (x.Mt 28, 16-20)
1-H. Bí tích rửa tội là gì?
T. Là
dấu chỉ Chúa Giê-su dùng để ta được sinh lại vào đời sống mới trong Chúa Ki-tô,
trở thành con Thiên Chúa và con Hội thánh.
2-H. Bí tích Rửa tội được thực hiện qua dấu chỉ
nào?
T.
Qua việc đổ nước trên đầu và đọc lời rửa tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.
3-H. Bí tích Rửa tội đem lại cho ta những ơn
nào?
T. Bí
tích rửa tội đem lại cho ta bốn ơn này:
- Một là được ha tội nguyên tổ và mọi tội riêng
ta phạm trước khi rửa tội, cùng mọi hình phạt do tội gây ra.
- Hai là được sinh lại vào đời sống mới, trở
thành con cái Chúa Cha, chi thể Chúa Ki-tô và đền thờ Chúa Thánh Thần.
- Ba là được gia nhập vào Hội thánh và Thân Thể
Chúa Ki-tô.
- Bốn là được ghi vào trong linh hồn một dấu ấn
thiêng liêng vĩnh viễn, để dự phần vào chức tư tế của Chúa Ki-tô.
4-H. Nhờ bí tích Rửa tội, ta được dự phần vào
những chức vụ nào của Chúa Ki-tô?
T. Ta
được dự phần vào các chức vụ tế lễ, rao giảng Lời Chúa và sắp đặt mọi sự trần
thế theo ánh sáng Tin mừng.
5-H. Bí tích Rữa tội có cần cho ta được ơn cứu
độ không?
T.
Rất cần, vì Chúa Giê-su đã nói: “Ai không sinh lại bởi Nước và Thánh Thần, thì
chẳng được vào Nước Thiên Chúa”. (x.Ga
3, 5)
6-H. Vậy những người chết mà không được lãnh
nhận bí tích Rửa tội thì sao?
T.
Nếu họ đã thật lòng ước ao lãnh nhận bí tích Rửa tội hoặc đã chết vì đạo Chúa
thì cũng được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa Ki-tô. Ngoài ra, những người chưa
được biết Tin mừng và Hội thánh Chúa nhưng đã theo tiếng lương tâm mà sống ngay
lành, thì cũng có thể được cứu độ.