Bài 19:                

SỐNG VỚI CHÚA KITÔ THÁNH THỂ

         

- Lời Chúa : Ga 6, 48-51

- Ý chính    : Nhờ Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu ở lại mãi với ta, làm của ăn nuôi sống linh hồn ta mọi ngày cho đến tận thế.

 

I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

    Lạy Chúa, chúng con đến với Chúa để được gặp gỡ Chúa trong giờ học giáo lý hôm nay. Xin Chúa ban ơn soi sáng giúp chúng con ngày một hiểu biết hơn tình yêu Chúa đã dành cho chúng con qua Bí tích Thánh Thể . Và xin giúp chúng con luôn sống gắn bó với Chúa hơn. Amen.

   Đọc kinh Cúi xin Chúa sáng soi.

II. DẪN VÀO LỜI CHÚA

1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.

+Ôn bài cũ:

     - Thánh lễ là gì?

     - Thánh lễ có mấy phần?  Đó là những phần nào?  Từ đâu đến đâu?

     - Ta phải tham dự thánh lễ thế nào?

+Kiểm tra quyết tâm:

Trong tuần qua, các em có làm được hi sinh nho nhỏ nào để dâng lên Chúa trong Thánh lễ không?

2. Dẫn vào Lời Chúa.

       Trong một cơn động đất tại Ac-mê-ni-a, nhiều nhà bị sụp. Có hai mẹ con bị kẹt dưới căn hầm của một ngôi nhà nhiều ngày. Không có nước cho đứa bé lên bốn tuổi, người mẹ đành cắn đứt ngón tay và cho đứa bé mút máu của mình để dịu cơn khát.

       Sau đó, đội cứu nạn đã đến cứu được họ. Họ thấy đứa bé vẫn khoẻ mạnh. Riêng bà mẹ, do mất nhiều máu nên chỉ còn thoi thóp. Sau nhiều ngày được các bác sĩ tận tình chăm sóc, bà mẹ đã hồi phục. Khi được hỏi tại sao bà lại làm như vậy, bà đã trả lời:

     - Bởi vì tôi là mẹ. Tôi sẵn lòng hy sinh để con tôi được sống.

      Câu nói và hành động của người mẹ giúp ta hiểu được phần nào tại sao Chúa Giêsu hiến mình cho nhân loại như trong bài Tin Mừng chúng ta sắp nghe sau đây. Mời các em đứng lên để lắng nghe.

III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA

          Ga 6, 48-51

IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

   1. Dẫn giải Lời Chúa.

      - Bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta đã nghe trong bài học nào ?  (bài 17).

         Đoạn Tin Mừng này kể về việc Chúa Giêsu giảng trong hội đường Ca-phác-na-um.

         Sau khi được ăn một bữa no nê do Chúa Giêsu làm phép lạ từ 5 chiếc bánh và 2 con cá, dân chúng tuốn đến Ca-phác-na-um tìm Chúa Giêsu . Nhân dịp ấy, Chúa Giêsu  giảng cho họ biết về bánh trường sinh, tức là bánh đem lại sự sống đời đời.

      - Chúa nói với họ thế nào?  (Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời).

    Bánh hằng sống chính là Mình và Máu Chúa Giêsu  mà hằng ngày Ngài vẫn ban tặng cho ta trong thánh lễ . Hôm nay, chúng ta tiếp tục tìm hiểu về bí tích Thánh Thể trong phần bài học dưới đây.

   2. Giải thích câu hỏi thưa.

   * Đọc chung câu 1:

    1- H. Hội Thánh dâng lễ vì những  ý nào?

         T. Vì 4 ý này:

   - Một là để kính nhớ Chúa Kitô đã chết và sống lại, cùng làm cho mầu nhiệm ấy trở thành sống động nơi ta trong hiện tại,

   - Hai là để kết hiệp mọi hy sinh của Hội Thánh với lễ hy sinh của Chúa Kitô, mà dâng lên cảm tạ và ngợi khen Chúa Cha,

   - Ba là để đền bù tội lỗi của kẻ sống và kẻ chết, đồng thời cầu xin mọi ơn lành hồn xác cho mọi người,

   - Bốn là để Chúa Kitô thật sự hiện diện trong Hội Thánh cho đến khi Ngài trở lại trong vinh quang.

    Chúng ta cùng tìm hiểu 4 ý này:

-Ý thứ nhất: Cử hành Thánh lễ là để kính nhớ Chúa Kitô đã chết và sống lại và làm cho mầu nhiệm này sống động nơi ta trong hiện tại.

      * Các em hãy cho biết Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể khi nào?  (Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể trước khi chịu chết và sống lại vào tối ngày thứ 5 Tuần Thánh trong Bữa Tiệc Ly).

      * Chúa Giêsu nhắm mục đích gì khi lập Bí tích Thánh Thể trước khi Ngài chịu chết?  (Ngài muốn việc Ngài chịu chết và sống lại để cứu chuộc loài người được cử hành ở mọi nơi và mọi thời).

     * Vâng lệnh Chúa, Hội Thánh đã cử hành Bí tích Thánh Thể hay Thánh lễ mọi nơi và mọi thời. Vậy khi Hội Thánh cử hành Thánh Lễ thì việc Chúa chịu chết và sống lại chỉ là một kỷ niệm hay đang hiện diện trước mặt công đoàn đang tham dự Thánh Lễ?  (Việc Chúa chịu chết và sống lại đang diễn ra trước mặt cộng đoàn và mang lại ơn cứu độ như khi Ngài chịu chết trên thập giá xưa kia).

           Vậy, khi cử hành Thánh Lễ thì việc Chúa chịu chết và sống lại sống động nơi chúng ta ngay trong hiện tại (SGLC 1409).

-Ý thứ hai: Cử hành Thánh Lễ là để kết hiệp mọi hi sinh của Hội Thánh với lễ hi sinh của Chúa Kitô mà dâng lên hầu cảm ta và ngợi khen Chúa Cha.

       * Các em có biết ai đã thiết lập Hội Thánh không?  (Chính Chúa Giêsu đã thiết lập Hội Thánh).

       * Hội Thánh được coi là gì?  (Là thân thể của Chúa Kitô).

       * Ai là đầu của Hội Thánh?  (Chúa Kitô).

   Là thân thể của Đức Kitô, Hội Thánh tham dự vào lễ tế của Đức Kitô là đầu. Trong Thánh lễ, hi tế của Đức Kitô trở thành hi tế của mọi chi thể là chúng ta. Đời sống, lời ca ngợi, đau khổ, kinh nguyện, công việc, mọi hi sinh của các tín hữu đều được kết hiệp với Đức Kitô và với lễ dâng của Ngài. Hi tế của Đức Kitô hiện diện trên bàn thờ đem lại cho muôn thế hệ kitô hữu khả năng được kết hợp với lễ dâng của Ngài (x. SGLC số 1368).

    Vì thế, khi dâng thánh lễ, Hội Thánh dâng tất cả những hy sinh của con cái mình để kết hợp với lễ hy sinh của Chúa Kitô mà cảm tạ, ngợi khen Chúa Cha.

-Ý thứ ba: Cử hành Thánh lễ là để đền bù tội lỗi của kẻ sống và kẻ chết, đồng thời cầu xin mọi ơn lành hồn xác cho mọi người.

       * Chúa Giêsu đã thiết lập mấy Hội Thánh?  (Một Hội Thánh duy nhất).

       * Vậy tại sao chúng ta nghe nói đến nào là Hội Thánh vinh thắng, Hội Thánh thanh luyện, Hội Thánh lữ hành hay chiến đấu?  (Sở dĩ nói tới 3 Hội Thánh trên là để phân biệt 3 tình trạng của Hội Thánh:

         @Hội Thánh vinh thắng chỉ những tín hữu đã qua đời được lên Thiên đàng hưởng vinh quang với Chúa.

         @Hội Thánh thanh luyện chỉ những người sau khi chết còn mang tội phải vào luyện ngục để thanh luyện sạch mọi tội lỗi trước khi vào Thiên đàng.

          @Hội Thánh lữ hành hay chiến đấu là chỉ chúng ta, những người đang còn sống ở trần gian, đang chiến đấu với các cám dỗ, tội lỗi, ý riêng …).

       * Ba Hội Thánh này hay 3 tình trạng này của Hội Thánh có liên hệ với nhau không?  (Có, vì  chỉ có một Hội Thánh duy nhất, mọi người sống hay chết đều ở trong một Hội Thánh duy nhất nên luôn có liên hệ với nhau).

        * Liên hệ với nhau thế nào?  (Các tín hữu ở trong 3 tình trạng này có thể giúp đỡ lẫn nhau: Các thánh trên Thiên đàng có thể cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta – Các tín hữu đang còn sống ở trần gian có thể giúp đỡ các linh hồn trong Luyện ngục bằng những hi sinh, các việc lành phúc đức cầu nguyện cho họ mau được hưởng mặt Chúa).

        Do đó, không phải chỉ có Hội Thánh ở trần gian kết hiệp với Đức Kitô trong việc hiến dâng và chuyển cầu mà cả những vị được hưởng vinh quang trên trời (Hội Thánh vinh thắng) như  Mẹ Maria, các thánh cũng được kết hợp với hy tế của Đức Kitô (x. GLC số 1367, 1370) và các linh hồn nơi luyện ngục (Hội Thánh thanh luyện): Thánh lễ cũng được dâng lên cầu cho họ để họ được vào hưởng ánh sáng và bình an của Đức Kitô(x. GLC số 1371).

     Vì thế, khi Hội Thánh cử hành thánh lễ, thì của lễ của Chúa Kitô được dâng lên như hy tế đền tội cho kẻ sống cũng như kẻ chết, và Hội Thánh nhờ vào hy tế ấy mà cầu xin mọi ơn lành hồn xác cho mọi người (SGLC 1414).

-Ý thứ tư: cử hành Thánh lễ là để Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Hội Thánh cho đến khi Ngài trở lại trong vinh quang.

        * Trong Thánh lễ, sau khi Linh Mục đọc lời truyền phép trên bánh và rượu thì bánh và rượu trở thành gì?  (Trở thành chính Chúa Giêsu, là người thật và Thiên Chúa thật, Ngài thực sự hiện diện giữa chúng ta dưới hình bánh rượu).

     Như vậy, Hội Thánh dâng lễ là để Chúa Kitô thực sự hiện diện trong Hội Thánh cho đến ngày Ngài trở lại trong vinh quang (x. SGLC 1357, 1403).

Tóm lại, Em nào có thể nhắc lại 4 ý của Hội Thánh khi cử hành thánh lễ?  

   * Đọc chung câu 2 + câu 3 : (Câu 2 có thể lướt qua vì đã học ở bài 3)

    2- H. Trong thánh lễ, Chúa Kitô giữ vai trò nào?

         T. Trong thánh lễ, Chúa Kitô là linh mục tối cao của giao ước mới, vừa là người dâng lễ qua bản thân các linh mục, vừa là lễ vật được dâng lên dưới hình bánh, hình rượu.

    3- H. Trong thánh lễ, khi nào bánh rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa Kitô?

         T. Khi linh mục đọc lại Lời Chúa Kitô: “Này là Mình Thầy”, “Này là Máu Thầy” thì nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, bánh và rượu liền trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Kitô .

- Tại sao khi linh mục đọc lời truyền phép thì bánh và rượu lại trở thành Mình Máu Chúa Kitô?  (  vị linh mục làm theo cách Chúa Giêsu đã làm và dậy làm trong bữa tiệc ly).

- Chúa Giêsu đã làm gì và làm thế nào?  (Trong bữa tiệc ly, trước khi bước vào cao điểm của việc cứu chuộc nhân loại là chịu chết và sống lại, Chúa Giêsu muốn ơn cứu độ phát xuất từ sự chết và sống lại đến với mọi người ở mọi nơi và mọi thời, Ngài đã cầm lấy bánh và rượu và đọc : ”Này là mình Thầy…. ”và “Này là Máu Thầy…. ”, rồi truyền cho các tông đồ làm y như thế: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”).

- Vâng lệnh Chúa, các linh mục trong Hội Thánh đã làm y như thế và bánh rượu đã trở thành Mình Máu Đức Kitô, nghĩa là trở thành chính Chúa Giêsu Kitô đang chịu chết và sống lại để cứu độ chúng ta. Ai đã biến đổi bánh rượu trở thành Thịt Máu Chúa?  (Chính Chúa đã biến đổi bánh rượu thành Thịt Máu Đức Kitô).

Tóm lại, bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu khi nào?   (Khi linh mục đọc lời truyền phép: “Này là Mình Thầy...Này là máu Thầy...”).

   * Đọc chung câu 4:

    4- H. Chúa Kitô hiện diện trong hình bánh và hình rượu thế nào?

         T. Chính Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện thật sự và trọn vẹn trong hình bánh rượu, cả khi bánh rượu ấy chia ra rất nhỏ, thì mỗi phần vẫn có trọn Chúa Kitô là người thật và là Thiên Chúa thật.

- Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa và đang ở cùng chúng ta cho đến tận thế. Vậy Chúa Giêsu ở cùng chúng ta dưới hình thức nào?  (Người hiện diện dưới nhiều hình thức: trong Lời Chúa, trong kinh nguyện, trong những người nghèo khổ, trong các bí tích do Người thiết lập…Nhất là Người hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể dưới hai hình bánh và rượu).

- Trong hai hình Thánh thể có sự hiện diện đích thực, trọn vẹn của Đức Kitô có nghĩa là gì?  (Nghĩa là Đức Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể là Đức Kitô vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật gồm thân xác, linh hồn và thần tính của Người. Sự hiện diện này được gọi là thực sự và trọn vẹn vì đây là cách hiện diện đầy đủ nhất).

- Khi vị linh mục bẻ bánh làm nhiều phần khi có quá nhiều rước lễ mà Mình Thánh Chúa lại thiếu thì mỗi phần bé nhỏø ấy có  đầy đủ trọn vẹn Đức Kitô không?  ().

Tóm lại, Chúa Giêsu hiện diện trong hình bánh hình rượu một cách trọn vẹn – không phân chia – dù bánh rượu ấy chia ra rất nhỏ.

   * Đọc chung câu 5:

    5- H. Ta phải tôn thờ Chúa Kitô ngự trong bí tích Thánh Thể thế nào?

         T. Ta phải bày tỏ lòng tin bằng thái độ cung kính thờ lạy Chúa đang ngự thật trong Bí tích Thánh Thể, khao khát rước Chúa, năng tham dự thánh lễ và viếng Thánh Thể.

-Ở gia đình các em, khi có một vị khách quý đến, gia đình các em đã đón tiếp vị khách ấy thế nào?  (Gia đình đã bày tỏ lòng yêu mến và kính trọng đối với họ).

   Cũng vậy, Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa, là vua cả vũ trụ, là Đấng được Chúa Cha tôn vinh. Vì thế, ta phải bày tỏ lòng tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể .

   Hội Thánh luôn xác tín rằng Chúa Kitô thực sự hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Niềm tin đó được bày tỏ bằng thái độ cung kính: bái gối hoặc cúi mình sâu trước Mình Máu Thánh, để tỏ dấu tôn thờ.

   Niềm tin đó cũng được biểu lộ qua việc đặt Nhà tạm ở nơi đặc biệt xứng đáng trong nhà thờ. Mỗi lần vào nhà thờ, chúng ta cung kính bái chào Chúa đang ngự trong Nhà Tạm. Ngoài ra, Hội Thánh mời gọi ta năng tham dự Thánh lễ và viếng Thánh Thể.

Tóm lại:  Việc tôn thờ Chúa Kitô ngự trong bí tích Thánh Thể  được biểu lộ qua thái độ nào?  
 (Chúng ta cung kính thờ lậy Chúa trong bí tích Thánh Thể, khao khát rước Chúa, năng tham dự thánh lễ và viếng Thánh Thể).

   * Đọc chung câu 6:

    6- H. Ta nối kết thánh lễ với cuộc sống ta thế nào?

         T. Đến nhà thờ, ta dâng cuộc sống làm của lễ; khi ra về, ta thực hành Lời Chúa đã được nghe.

      Thánh lễ và cuộc sống của ta có sự liên kết rất chặt chẽ. Cuộc sống của ta được gọi là thánh lễ nối dài. Khi dâng thánh lễ, ta dâng lên Chúa Cha cuộc sống của ta, những hy sinh, cố gắng, mọi niềm vui, nỗi buồn của ta làm của lễ. Khi về nhà, ta đem lời Chúa dạy ra thực hành trong cuộc sống và ta lại đem cuộc sống ấy mà dâng cho Chúa trong thánh lễ.

Tóm lại:  - Đến nhà thờ, ta lấy gì để dâng cho Chúa?  (dâng cuộc sống).

- Khi về nhà, Chúa muốn ta làm gì?  (đem Lời Chúa ra thực hành).

V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

   1. Gợi tâm tình.

        Vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể để ở với chúng ta mãi mãi. Chúa hằng mời gọi chúng ta hãy đến với Chúa trong bàn tiệc Thánh Thể, để ta ở với Chúa và Chúa ở cùng ta. Như vậy, thì ngay ở trần gian này, chúng ta đã được nếm hưởng hạnh phúc là được sống trong Chúa Kitô, còn hạnh phúc nào bằng phải không các em?  Để tỏ lòng yêu mến, cung kính thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta cùng đứng lên dâng Ngài lời cầu nguyện.

   2. Lời nguyện:

      (Nếu thuận tiện thì nên cho các em vào nhà thờ, cầu nguyện trước Thánh Thể)

     Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xưa Chúa đã nói rằng: “Ai ăn Thịt và uống Máu Ta thì ở lại trong Ta, và Ta ở lại trong người ấy”. Chúng con cám ơn Chúa đã ban cho chúng con được nếm hưởng hạnh phúc vô biên này. Xin giúp chúng con biết năng đến với Chúa, biết chuẩn bị tâm hồn, để mỗi ngày chúng con đều được rước Chúa ngự vào lòng, cho chúng con được sống mãi với Chúa. Chúng con nguyện xin vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

VI. SINH HOẠT

VII. BÀI TẬP

        Em hãy khoanh tròn vào câu trả lời đúng:

1. Trong thánh lễ, bánh rượu trở nên Mình Máu thánh Chúa Kitô khi:

a.     Linh mục đọc: “Đây Chiên Thiên Chúa…”

b.     Cộng đoàn đọc kinh Lạy Cha.

c.      Linh mục đọc: “Này là Mình Thầy”, “Này là Máu Thầy”. (Đúng)

d.     Cả 3 câu đều đúng.

2. Chúa Kitô hiện diện trong hình bánh và rượu khi:

a.     Bánh và rượu còn nguyện vẹn,

b.     Cả khi bánh rượu ấy chia ra rất nhỏ,

c.      Cả 2 câu đều đúng.

d.     Câu a đúng.

3. Ta nối kết thánh lễ với cuộc sống ta bằng cách:

a.     Đến nhà thờ, ta dâng cuộc sống làm của lễ.

b.     Khi về nhà, ta thực hành Lời Chúa đã được nghe,

c.      Cả 2 câu đều đúng.

VIII. SỐNG LỜI CHÚA

      Tuần này, khi tham dự thánh lễ em quyết tâm dọn tâm hồn cho trong sạch, và rước lễ thật sốt sắng để em được sống mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể luôn.

IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

      Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì biết bao ơn lành Chúa hằng tuôn đổ trên cuộc đời chúng con. Xin Chúa giúp chúng con thực hành điều chúng con đã quyết tâm để cuộc sống chúng con ngày một gắn bó với Chúa hơn. Amen.

      Đọc kinh Sáng Danh.

CÂU HỎI CHO HỌC SINH

 

Bài 19: SỐNG VỚI CHÚA KI-TÔ THÁNH THỂ

“Ta là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”.    (x.Ga 6, 48-51)

1-H. Hội thánh dâng lễ vì những ý nào?

    T. Vì bốn ý này:

- Một là để kính nhớ Chúa Ki-tô đã chết và sống lại, cùng làm cho mầu nhiệm ấy trở thành sống động nơi ta trong hiện tại.

- Hai là để kết hiệp mọi hy sinh của Hội thánh với lễ hy sinh của Chúa ki-tô, mà dâng lên cảm tạ và ngợi khen Chúa Cha.

- Ba là để đền bù tội lỗi của kẻ sống và chết, đồng thời cầu xin mọi ơn lành hồn xác cho mọi người.

- Bốn là để Chúa Ki-tô thực sự hiện diện trong Hội thánh cho đến khi Ngài trở lại trong vinh quang.

2-H. Trong thánh lễ, Chúa Ki-tô giữ vai trò nào?

    T. Trong thánh lễ, Chúa Ki-tô là Linh mục tối cao của giao ước mới, vùa là người dâng lễ qua bản thân các linh mục, vừa là lễ vật được dâng lên dưới hình bánh hình rượu.

3-H. Trong thánh lễ khi nào bánh rượu trở lên Mình Máu Chúa Ki-tô?

    T. Khi linh mục đọc lại Lời Chúa Ki-tô: “Này là Mình Thầy”, “Này là Máu Thầy”, thì nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, bánh và rượu liền trở nên Mình và Máu thánh Chúa Ki-tô.

4-H. Chúa Ki-tô hiện diện trong hình bánh và hình rượu thế nào?

    T. Chính Chúa Ki-tô Phục sinh hiện diện thật sự và trọn vẹn trong hình bánh rượu, cả khi bánh rượu ấy chia ra rất nhỏ thì mỗi phần vẫn có trọn Chúa Ki-tô là người thật và là Thiên Chúa thật.

5-H. Ta phải tôn thờ Chúa Ki-tô ngự trong bí tích Thánh Thể thế nào?

    T. Ta phải bày tỏ lòng tin bằng thái độ cung kính thờ lạy Chúa đang ngự thật trong bí tích Thánh Thể, khao khát rước Chúa, năng tham dự thánh lễ và viếng Thánh Thể.

6-H. Ta nối kết thánh lễ với cuộc sống ta thế nào?

    T. Đến nhà thờ, ta dâng cuộc sống làm của lễ, khi ra về, ta thực hành Lời Chúa đã được nghe.