Bài 26:                            

BÍ TÍCH HÔN PHỐI

       

- Lời Chúa : Mt 19, 1-6

- Ý chính: Bí tích Hôn phối làm nên các gia đình Kitô hữu và ban ơn cho họ chu toàn trách nhiệm của mình.

 

I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

   Để bắt đầu giờ học hôm nay, chúng ta hãy dâng lòng trí mình cho Chúa, xin Chúa hướng dẫn, giúp ta hiểu về Bí tích Hôn phối mà chúng ta sẽ học hôm nay.

   Đọc kinh Cúi xin Chúa Sáng Soi.

II. DẪN VÀO LỜI CHÚA

1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.

+Ôn bài cũ:

     - Có mấy chức tư tế?  (Có một chức tư tế của Đức Kitô mà thôi vì Ngài là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người)

     - Các tín hữu tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô như thế nào?

     - Bí tích Truyền chức thánh là gì?

     - Bí tích Truyền chức thánh ban những ơn gì?  (Ban 2 ơn này: Ấn tín vĩnh viễn nghĩa là không bao giờ mất – Ơn Chúa Thánh Thần)

+Kiểm tra quyết tâm:

Các em có nhớ cầu nguyện cho Đức Cha Giáo phận, các cha đang coi sóc chúng ta không vào ngày thứ năm trong tuần qua không?

2. Dẫn vào Lời Chúa.

       Hôm nay chúng ta sẽ học về Bí tích Hôn phối, đây là Bí tích Chúa Giêsu dùng để thánh hoá những người sống trong cuộc sống gia đình. Bây giờ anh (chị) kể cho các em nghe chuyện của một gia đình nhé.

  Hai anh chị kia lấy nhau được mấy năm, tuy nghèo nhưng họ rất thương nhau. Người này luôn nghĩ tới người kia và lo lắng, quan tâm đến nhau. Họ sống thật hạnh phúc êm đềm.

  Mùa Giáng Sinh, mùa lễ của tình thương đã đến. Ngoài việc chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Hài Đồng, họ còn chuẩn bị để tặng nhau những món quà không thể thiếu trong ngày lễ Giáng Sinh. Ngày đại lễ đã đến gần, nhưng không ai có lấy một đồng, làm sao mua quà được?

  Đêm áp lễ Giáng Sinh cũng đã đến, khi những ngọn đèn ông sao đã được thắp sáng rực rỡ trên những cây noel ngoài phố. Chị mới từ  cửa tiệm trở về nhà, trên tay cầm một chiếc hộp rất đẹp, đựng sợi dây đồng hồ mạ vàng chị vừa sắm được từ tiền bán mái tóc của mình. Nhưng tự nhiên chị cảm thấy lo lắng, vì anh rất quý mái tóc dài của chị!

  Về tới nhà, chị thấy anh đang ngồi đợi chị, trên tay cũng cầm một cái hộp thật đẹp, là món quà anh mới mua ngoài phố cho chị. Khi nhìn thấy mái tóc ngắn của chị, anh rất buồn, nhưng không nói gì cả. Anh mở hộp ra và chị rất đỗi bàng hoàng, ở trong hộp là một cái kẹp tóc khảm xà cừ tuyệt đẹp, anh đã mua từ tiền bán cái đồng hồ không dây mà anh rất quý. Còn anh khi mở món quà vừa nhận được của chị, anh cũng bàng hoàng không kém: đó chính là sợi dây đồng hồ mà anh đã ao ước từ lâu.

  Lúc đó hai người hiểu ra tất cả, nước mắt lăn dài trên má, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc nhất. Vì họ biết rằng, họ đã tặng cho nhau những gì quý giá nhất, đã hy sinh tất cả cho nhau. Thật là đẹp phải không các em.

  Bây giờ chúng ta cùng lắng nghe Chúa Giêsu nói về đời sống gia đình trong đoạn Tin Mừng sau đây.

III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA

          Mt 19, 1-6

IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

1. Dẫn giải Lời Chúa.

     - Đoạn Kinh Thánh chúng ta vừa nghe nói về điều gì?  (Nói về lòng chung thủy của vợ chồng trong đời sống hôn nhân).

     - Những người Pha-ri-sêu hỏi Chúa Giêsu thế nào?  (Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình nghĩa là bỏ vợ vì bất cứ lý do gì không? )

     - Chúa Giêsu trả lời thế nào?  (khuyến khích các em trả lời)

       Chúa trả lời: “Từ thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã dựng nên con người có nam, có nữ, và người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình”. Chúa còn nói: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”

    Qua câu trả lời này, Chúa Giêsu khẳng định rằng: những người đã được Thiên Chúa kết hợp trong đời sống hôn nhân phải yêu thương và trung tín với nhau cho đến trọn đời.

  Thiên Chúa không chỉ tạo dựng nên tình yêu nam nữ, nhưng Ngài còn chúc phúc cho tình yêu, và ban ơn nâng đỡ để làm cho tình yêu này phản ánh tình yêu củaNgài và nhờ tình yêu đó, con người có thể đạt tới Thiên Chúa tình yêu. Bởi thế, Chúa Giêsu đã lập nên Bí tích Hôn phối. Chúng ta sẽ tìm hiểu về Bí tích hôn phối trong phần bài học dưới đây.

2. Giải thích câu hỏi thưa.

   * Đọc chung câu 1:

    1- H. Bí tích Hôn phối là gì?

         T. Là dấu chỉ Chúa Giêsu dùng để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ, thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, đồng thời ban ơn cho họ chu toàn các trách nhiệm của ơn gọi ấy.

 - Gia đình nào có đám cưới thì họ làm gì?  (Họ trang hoàng nhà cửa, tổ chức tiệc mừng…)

 - Về mặt xã hội, họ cùng nhau làm giấy đăng ký kết hôn, có chứng thực của chính quyền. Như vậy, họ đã trở nên vợ chồng .

 - Nếu những người Công Giáo cũng tổ chức đám cưới như thế thì đã là vợ chồng trước mặt Hội Thánh chưa?  (chưa).

 - Vậy các em thấy họ còn làm gì nữa?  (Họ đến nhà thờ và cử hành Bí tích Hôn phối)

Đúng, chỉ khi cử hành Bí tích Hôn phối, họ mới trở nên vợ chồng của nhau.

  Như vậy, Bí tích Hôn phối là dấu chỉ Chúa Giêsu dùng để kết hợp hai người tín hữu (Công Giáo), một nam, một nữ thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, đồng thời ban ơn cho họ chu toàn trách nhiệm trong đời sống vợ chồng. (SGLC 1601. 1660).

   * Đọc chung câu 2:

    2- H. Hôn nhân Công Giáo có mục đích nào?  (SGLC 1639-1642)

         T. Hôn nhân Công Giáo có hai mục đích này:

- Một là vợ chồng yêu thương và bổ túc cho nhau,

- Hai là cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục con cái theo luật Chúa và Hội Thánh.

  Bí tích Hôn phối giúp hai vợ chồng nên thánh trong gia đình, trong việc chu toàn nghĩa vụ đối với nhau, đối với con cái và đối với xã hội. Hôn nhân Công Giáo có hai mục đích chính:

-Yêu thương và bổ túc cho nhau: vợ chồng tương trợ, bổ túc cho nhau trong mọi lãnh vực trong cuộc sống vợ chồng.

- Cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản, nuôi nấng, giáo dục con cái theo luật Chúa và Hội Thánh để trở thành những công dân tốt và những người Kitô hữu tốt.

 Tóm lại:   - Hôn nhân có 2 mục đích :
 yêu thương nhau và sinh sản, giáo dục con cái.

 

   * Đọc chung câu 3:

    3- H. Bí tích Hôn phối được thực hiện qua dấu chỉ nào?    (SGLC 1625-1632)

         T. Qua sự ưng thuận và lời cam kết của hai người kết hôn trước mặt vị đại diện của Hội Thánh, để nhận nhau làm vợ chồng suốt đời.

-Các em đã tham dự lễ cưới chưa? Các em có thấy cô dâu chú rể nắm tay nhau và nói với nhau không? Họ nói với nhau điều gì?  (Họ cam kết nhận nhau làm vợ chồng và hứa chung thủy với nhau suốt đời).

-Họ cam kết với nhau trước mặt những ai?  (Cha chủ sự, hai người làm chứng).

-Vậy ai là người cử hành Bí tích?  (Cô dâu và chú rể cử hành Bí tích Hôn Phối)

-Còn Cha chủ sự làm gì?  (Cha chủ sự chỉ  là người chứng hôn).

-Cô dâu chú rể cử hành Bí tích Hôn phối khi nào?  (Khi hai người nắm tay nhau cam kết và bày tỏ sự ưng thuận kết hôn trước sự chứng hôn cha chủ sự, đại diện Hội Thánh).

Như vậy, Bí tích Hôn phối được thực hiện qua dấu chỉ: lời cam kết và sự ưng thuận  của hai người kết hôn trước mặt vị đại diện của Hội Thánh, để nhận nhau làm vợ chồng suốt đời.

   * Đọc chung câu 4:

    4- H. Hôn nhân Công Giáo có những đặc tính nào?  

             (SGLC : 1614-1617. 1638-1641. 1644-1651. 1664. 2363-2366. 2397)

         T. Có hai đặc tính này:

             - Một là sống một vợ một chồng.

             - Hai là trung thành yêu thương nhau trọn vẹn.

        Hôn nhân Công Giáo phản ảnh tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh nên hôn nhân Công Giáo có hai đặc tính nổi bật:

- Một vợ một chồng hay đơn hôn:

   Hội Thánh gọi đây là tính “ đơn nhất” của hôn nhân Công Giáo, đã được Chúa Giêsu xác nhận, nghĩa là một vợ một chồng. Hôn nhân Công Giáo không chấp nhận chế độ đa thê, đa phu (SGLC 1644-1645)

- Trung thành yêu thương nhau trọn vẹn nghĩa là không thể ly dị được.

   Lý do sâu xa nhất làm cho vợ chồng không thể ly dị là dựa trên sự trung tín của Đức Kitô đối với Hội Thánh. Đức Kitô yêu Hội Thánh đến cùng, hi sinh mạng sống cho Hội Thánh nên hai người phải trung thành yêu thương nhau trọn vẹn suốt đời: không được phép ly dị, dù luật pháp xã hội cho phép.

 Tóm lại: -Hôn nhân Công Giáo có những đặc tính nào?  (Một vợ một chồng và bất khả phân ly).

   * Đọc chung câu 5:

    5- H. Bí tích Hôn phối ban cho vợ chồng những ơn ích nào?

         T. Bí tích Hôn phối ban cho vợ chồng ơn biết yêu nhau như  Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh, nhờ đó họ sống  trung thành và giúp nhau nên thánh trong bậc sống gia đình.

Trước khi tìm hiểu câu này, chúng ta ôn lại các câu trên:

-Hôn nhân có mấy mục đích?  (Có 2 mục đích: yêu thương nhau trọn đời và sinh sản, giáo dục con cái)

-Hôn nhân có mấy đặc tính?  (2 đặc tính: một vợ một chồng, bất khả phân ly)

Để giúp các đội vợ chồng sống đúng 2 đặc tính này và đạt được mục đích trên, Chúa đã ban ơn trợ lực cho họ qua Bí tích Hôn Phối. Sau đây là những ơn Chúa ban:

*Chúa Kitô ở lại với đôi vợ chồng.

*Giúp vợ chồng yêu thương nhau, củng cố sự hiệp nhất, bất khả phân ly.

*Giúp họ đón nhận và giáo dục con cái.

*Ban cho họ sức mạnh để họ vác thập giá theo Ngài.

*Giúp họ chỗi dậy mỗi khi sa ngã.

*Giúp họ tha thứ cho nhau.

*Cho họ vui hưởng tình yêu và cuộc sống gia đình.

  Như vậy, hôn nhân là một con đường nên thánh khi mỗi người trong gia đình biết dùng ơn Chúa ban cố gắng chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình, biến gia đình thành môi trường đào tạo đức tin, thành nơi cầu nguyện, sống bác ái, yêu thương và rèn luyện tông đồ để làm chứng cho Chúa (Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam 1980).

V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

   1. Gợi tâm tình.

       Các em thân mến! Chúng ta cảm tạ Chúa đã sinh chúng ta ra trong gia đình Công Giáo. Chúa đã chúc phúc, ban ơn đặc biệt để nâng đỡ cha mẹ chúng ta trong đời sống gia đình, trong việc giáo dục con cái theo luật Chúa và Hội Thánh . Để nuôi dưỡng các em lớn lên như ngày nay, cha mẹ các em đã phải hy sinh, vất vả rất nhiều. Với tâm tình con thảo, chúng ta cùng đứng lên và nguyện xin Thiên Chúa ban nhiều ơn lành xuống trên cha mẹ chúng ta qua bài hát “Công ơn cha mẹ”.

   2. Lời nguyện. (Hát bài “Cầu cho cha mẹ”)

 1. Xin Chúa (í, a) chúc lành cho đời cha mẹ của con. Công ơn là như núi non dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn. Con sinh đến trong đời, an vui nhờ có ơn trời, và ơn cha mẹ suốt đời coi nhẹ khổ đau.

  ĐK: Xin cho cha mẹ con thắm mãi tình son của Chúa Trời. Cho con giữa gia đình luôn sống theo tình người con ngoan.

 

VI. SINH HOẠT

VII. BÀI TẬP      

Em hãy khoanh tròn vào câu trả lời đúng nhất.

1. Chúa Giêsu lập bí tích Hôn phối để:

       a. Kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ thành vợ chồng trước mặt Chúa .

       b. Ban ơn cho họ chu toàn trách nhiệm của gia đình.

       c. Cả 2 câu đều đúng.

2. Mục đích của hôn nhân Công Giáo là:

        a. Vợ chồng yêu thương, bổ túc cho nhau.

        b. Sinh sản và giáo dục con cái theo luật Chúa và Hội Thánh.

        c. Cả 2 câu đều đúng.

        d. Cả 2 câu đều sai.

3. Bí tích Hôn phối ban cho vợ chồng ơn:

      a. Biết yêu nhau như Chúa Cha yêu Hội Thánh.

      b. Biết yêu nhau như Chúa Thánh Thần yêu Hội Thánh .

      c. Biết yêu nhau như Chúa Giêsu yêu Hội Thánh. (Đúng)

 

VIII. SỐNG LỜI CHÚA

         Để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, em quyết tâm mỗi ngày chăm chỉ học hành và làm việc giúp đỡ cha mẹ với tất cả tâm tình của người con ngoan.

 

IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

    Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã xuống trần gian để ở với chúng con. Chúa đã nêu gương cho chúng con bằng một đời sống hiếu thảo với thánh Giuse và Mẹ Maria. xin giúp chúng con biết theo gương Chúa sống hiếu thảo với cha mẹ chúng con, để cho gia đình chúng con được thấm nhuần tình yêu của Chúa và luôn hòa thuận, hạnh phúc. Amen.

    Đọc kinh Sáng Danh.

 

CÂU HỎI CHO HỌC SINH

 

Bài 26: BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly.   (x.Mt 19, 1-6)

1-H. Bí tích hôn phối là gì?

    T. Là dấu chỉ Chúa Giê-su dùng để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ, thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội thánh, đồng thời ban ơn cho họ chu toàn các trách nhiệm của ơn gọi ấy.

2-H. Hôn nhân công giáo có mục đích gì?

    T. Hôn nhân công giáo có hai mục đích này:

- Một là vợ chồng yêu thương và bổ túc cho nhau.

- Hai là cộng tác với Thiên Chúa, trong việc sinh sản và giáo dục theo luật Chúa và Hội thánh.

3-H. Bí tích hôn phối được thực hiện qua dấu chỉ nào?

    T. Qua sự ưng thuận và lời cam kết của hai người kết hôn trước mặt vị đại diện của Hội thánh, để nhận nhau làm vợ chồng suốt đời.

4-H. Hôn nhân công giáo có những đặc tính nào?

    T. Có hai đặc tính này:

- Một là một vợ, một chồng.

- Hai là trung thành yêu thương nhau trọn vẹn.

5-H. Bí tích hôn phối ban cho vợ chồng những ơn nào?

    T. Bí tích hôn phối ban cho vợ chồng ơn biết yêu nhau như Chúa Ki-tô yêu Hội thánh, nhờ đó họ sống trung thành và giúp nhau nên thánh trong bậc sống gia đình.