Bài 30:
CHẾT VÀ PHÁN XÉT
- Lời Chúa : Lc 12, 35-48
- Ý chính : Chết là linh hồn ta rời khỏi
xác mà ra trước toà Chúa Giêsu để chịu phán xét riêng về quãng đời ta đã sống
trên trần gian.
Lạy
Chúa Giêsu, hôm nay chúng con lại được đến đây để nghe Chúa dạy bảo. Xin Chúa
giúp chúng con biết dùng ơn Chúa ban cho nên, để mưu ích cho cuộc sống chúng
con và cho các linh hồn trong luyện ngục. Amen.
Đọc Kinh Cúi xin Chúa sáng
soi.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA
1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.
+Ôn bài cũ:
- Giai đoạn chúng ta
đang sống là giai đoạn nào? Tại sao?
- Ta phải làm những gì
để chờ ngày Chúa trở lại?
- Để đứng vững trước các
thử thách, ta cần phải làm gì?
+Kiểm tra quyết tâm:
Trong tuần qua, mỗi sáng khi thức dậy, các em có dâng mình cho Chúa
và xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn tư tưởng, lời nói, việc làm của em trong ngày mới
không?
2. Dẫn vào Lời Chúa.
Con người chúng ta
không thể biết trước ngày mai mình sẽ ra sao, có còn sống hay không, hay mình
sẽ chết cách nào? Vì vậy, Chúa Giêsu luôn
luôn nhắc nhở chúng ta sẵn sàng đón đợi Chúa đến vào bất cứ lúc nào Chúa muốn.
Sau đây là một câu chuyện cho chúng ta cùng suy nghĩ:
Ngày kia, người ta dẫn
tới cho thánh Philipphê Nêri một chàng trai chơi bời, phóng túng…Một người đã
bị mất đức tin. Anh coi thường những lời dậy bảo của mẹ già và những người thân
quen. Anh đến gặp thánh nhân với nụ cười chế nhạo trên môi, và như muốn thách
thức ngài, nhưng thánh Philipphê chỉ nói với anh một câu:
- Anh bạn ạ, tôi rất ước ao anh bạn được cứu
rỗi. Tôi cầu xin điều đó cho anh, nhưng anh cũng phải cộng tác vào, vì Thiên
Chúa không thể cứu chúng ta nếu chúng ta không muốn. Vậy đây là điều duy nhất
tôi xin anh!
Anh ta hỏi thánh nhân:
- Thưa cha,
đó là điều gì ạ?
- Tối nay trước khi đi ngủ, anh hãy đặt ở bốn góc
giường của anh bốn ngọn đuốc cháy sáng rồi anh đi nằm, tay chắp lại và nói ba
lần: “Ngay trong đêm nay, tôi có thể chết, và nếu tôi chết trong tình trạng này,
tôi sẽ xuống hoả ngục”. Đó là tất cả những gì tôi yêu cầu anh.
Anh ta nói:
- Con sẽ làm theo lời cha.
Sau đó anh ta ra về và lấy làm
lạ lùng về đòi hỏi của thánh nhân. Tuy nhiên, anh không về thẳng nhà mà lại đến
những nơi ăn chơi sa đoạ…và không còn nhớ gì đến lời yêu cầu của thánh Philipphê.
Nửa đêm anh ta mới mò về nhà, trước khi đi ngủ, anh nhớ tới lời hứa. Anh thầm
nghĩ : “Dù sao điều đó cũng chẳng làm ta mệt nhọc tí nào. Ta hứa thì ta sẽ giữ
lời”. Anh liền đặt 4 bó đuốc vào 4 góc giường, anh cảm thấy lòng mình bị xao
động. Khi thắp đuốc sáng lên, anh cảm thấy như có một luồng điện chạy khắp thân
thể anh. Anh bắt đầu suy nghĩ và rồi lên giường nằm, chắp hai tay lại… Anh bắt
đầu run lên vì sợ, anh có cảm giác mình là một xác chết. Anh nói lần thứ nhất: “Ngay trong đêm nay tôi có thể chết…” Lần
này anh thấy sợ hãi thật sự vì nhận ra tình trạng tội lỗi của mình. Nghĩ tới đấy
anh vội vùng dậy lao ra khỏi giường, chạy nhanh đến gõ cửa nhà thánh Philipphê
và nói:
- Thưa cha, hãy thương con, hãy giúp con quay về
với Thiên Chúa.
Các em thân mến! Qua câu chuyện
này, chúng ta hãy xét lại bản thân xem chúng ta đã sẵn sàng đón đợi Chúa đến
hay chưa? Luôn luôn tỉnh thức và sẵn sàng,
đó là lời Chúa Giêsu rất hay nhắc nhở chúng ta. Bây giờ chúng ta cùng lắng nghe
lời nhắc nhở đầy tình yêu thương của Chúa Giêsu nhé.
Mời các em đứng, chúng ta
cùng lắng nghe Lời Chúa.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Lc 12, 35-48
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA
1. Dẫn giải Lời Chúa.
- Trong đoạn Tin Mừng chúng
ta vừa nghe, Chúa Giê-su muốn nói với ta điều gì? (Phải
sẵn sàng luôn).
- Những câu nào nói lên
ý nghĩa “phải sẵn sàng”? (“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho
sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi
ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay”; “Hãy sẵn sàng vì chính
giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”)
- Tại sao Chúa dặn ta
phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng? (Bởi vì ta không biết lúc nào Chúa đến)
Chúa sẽ đến, đó là điều chắc
chắn, tuy ta không biết lúc nào. Chúa sẽ đến vào ngày tận thế, nhưng Chúa cũng
đến bất chợt để gọi ta về với Ngài. Đó là cái chết.
Trong phần bài học dưới
đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về cái chết và những gì xảy ra sau cái chết
của mỗi người.
2. Giải thích câu hỏi thưa.
* Đọc chung câu 1:
1- H. Cuộc sống chúng ta trên trần gian này
sẽ kết thúc ra sao? (SGLC 1007. 1011.
1013. 1020-1022)
T. Sẽ kết thúc bằng cái chết vào bất
cứ lúc nào Chúa muốn gọi ta về. Khi ấy, linh hồn ta rời khỏi xác mà ra trước
toà Chúa Giêsu để chịu phán xét riêng về quãng đời ta đã sống trên trần gian.
- Trong chúng ta, chắc em nào cũng đã từng ra viếng nghĩa trang rồi
. Khi ra nghĩa địa, các em thấy có gì? (Có rất nhiều ngôi mộ).
-Khi đọc tên tuổi của người chết được ghi trên bia mộ, các em thấy chỉ
có người già hay có cả người trẻ tuổi nữa?
(Có mộ của người thật già 80, 90 tuổi hay hơn nữa, nhưng cũng có nhiều
mộ những người còn rất trẻ).
-Có ai trên đời này không chết không? (Không,
ai cũng phải chết).
Đúng, không một ai sống mãi
trên đời này. Chúa sẽ gọi ta về với Ngài vào bất kỳ lúc nào Chúa muốn, dù già hay
trẻ, dù giàu hay nghèo, khỏe mạnh hay yếu đau…
-Chết là linh hồn ta rời khỏi xác, linh hồn sẽ
đi đâu? (Linh hồn ra trước toà Chúa Giêsu để chịu phán xét riêng về quãng đời ta
đã sống trên trần gian).
* Đọc chung câu 2:
2- H. Chúa Giê-su phán xét ta thế nào? (SGLC 678- 679. 1021- 1022. 1051. 1470)
T. Ngài sẽ căn cứ theo lòng mến Chúa
yêu người của ta mà xét xem ta đáng lên thiên đàng hay phải xuống hoả ngục hoặc
cần phải tẩy luyện thêm một thời gian.
Để biết Chúa sẽ phán xét chúng
ta thế nào, phán xét về điều gì, ai được
lên thiên đàng, ai phải chịu thanh luyện nơi luyện ngục và ai phải vào hỏa ngục,
chúng ta cùng nghe đoạn Tin Mừng Mt 25, 31-46 nói về
quang cảnh ngày phán xét chung:
Một hôm, Đức Giêsu nói:
“Khi con người trở lại, Ngài sẽ tập họp mọi dân tộc. Ngài phán xét thiên hạ và
chia họ như mục tử chia chiên với dê. Ngài tụ tập một nhóm bên phải và một nhóm
bên trái.
Với những người bên phải,
Ngài nói: “Hãy lại đây! Kẻ Chúa Cha chúc
phúc. Các ngươi sẽ sống trong Nước Ngài. Ngài đã dọn sẵn cho các ngươi từ khi
tạo thành trời đất. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn. Ta khát, các ngươi đã
cho uống. Ta không có nhà ở, các ngươi đã tiếp đón. Ta trần truồng, các ngươi
đã cho mặc. Ta đau ốm, các ngươi đã săn sóc. Ta ngồi tù, các ngươi đã thăm
viếng”. Bấy giờ những người bên phải sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, chúng con đã làm
những việc ấy bao giờ? ” Ngài trả lời: “Ta bảo thật các ngươi: tất cả những gì
các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi
đã làm cho chính Ta!”
Với những người bên trái,
Ngài nói: “Tất cả những gì các ngươi không làm cho một trong những anh em bé
nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”.
Thế là những người bên trái
sẽ ra đi chịu cực hình muôn kiếp. Còn những người bên phải ra đi hưởng sự sống hạnh
phúc muôn đời.
- Như vậy, Chúa sẽ phán xét ta
thế nào?
(Chúa sẽ phán xét về cuộc sống mến Chúa yêu
người của ta).
-Trường hợp nào được lên thiên đàng? (Khi
sống mến Chúa yêu người)
-Trường hợp nào phải xuống hỏa ngục? (Khi
không sống mến Chúa yêu người).
Tóm lại, Chúa Giêsu
sẽ căn cứ vào đâu mà phán xét ta? (căn
cứ theo lòng mến Chúa yêu người của ta).
* Đọc chung câu 3:
3- H. Thiên đàng là gì? (SGLC 1023- 1024. 1028. 1053)
T.
Thiên đàng là tình trạng hạnh phúc tràn đầy và vĩnh viễn vì được hiệp thông
trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi và cộng đoàn các thánh.
- Có từ ngữ nào khác đồng nghĩa với từ thiên đàng không? (Có, đó
là: Trời, Nước trời, Nước Thiên Chúa, đời hằng sống…).
- Thiên đàng không phải là một nơi chốn như
trên trời, dưới biển, vùng đất, nhưng là
một tình trạng. Thiên đàng là một tình trạng có nghĩa là gì? (Thiên
đàng không phải là một địa điểm, một nơi. Thiên Chúa không phải là một phần của
vũ trụ. Thiên đàng trước hết là một tình trạng, nghĩa là một cách thế hiện diện
khác với cách hiện diện ở trần gian. Ở trần gian, chúng ta hiện diện ở một nơi
nào đó và gắn chặt với nơi đó như Bảo lộc, Đàlạt, Hà Nội…Khi ta ở Bảo Lộc thì
không ở Đà lạt. Còn ở thiên đàng có nghĩa là ta hiện diện, ở cùng Thiên Chúa
chứ không phải là một nơi chốn nào).
- Thiên đàng là một tình trạng
hạnh phúc tràn đầy và vĩnh viễn, tại sao?
Vì : Thiên đàng là nơi
Chúa ngự và vào thiên đàng là ở với Chúa, ở
cùng Chúa, ở trong Chúa, chiêm ngắm và kết hợp với Chúa.
*Ngài là tình yêu. Có ai
yêu ta hơn Chúa không? Cứ nhìn vào bản thân ta, vũ trụ ta đang sống, những ơn
lành hồn xác ta nhận được, nhìn lên Thánh Giá để thấy Chúa Cha yêu ta đến nỗi
thí mạng Người Con Một mình cho chúng ta và để thấy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa
tình nguyện chịu chết để ta được sống. Chúng ta thử nghĩ lại niềm vui mỗi khi
ta đi xưng tội xong thì sẽ thấy không ai yêu thương ta bằng Chúa.
*Ngài là Đấng toàn
năng, không có gì mà Ngài không làm
được, Ngài dư sức bảo vệ ta khỏi mọi điều ác.
*Ngài là Đấng hằng
sống, không bao giờ chết.
Vì thế, được vào thiên
đàng là ta được ở, được sống với Chúa, được Chúa yêu thương, giữ gìn, bảo vệ và
được sống đời đời như sách Khải huyền viết: ”Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng
còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (Kh 21, 4).
*Ngài là Đấng toàn
thiện, là nguồn mới mẻ, nguồn vui vô tận. Khi chiêm ngắm ngài, ta luôn khám phá
nơi Ngài những nét mới, độc đáo bất ngờ mang lại cho ta nhiều ngạc nhiên và
niềm vui mới.
Như vậy, Thiên đàng là tình
trạng hạnh phúc tràn đầy và vĩnh viễn.
Tóm lại, Thiên đàng là gì? (Là
nơi có Chúa ngự, nơi hạnh phúc tràn đầy vì được hiệp thông với Chúa Ba Ngôi và
cộng đoàn các thánh).
* Đọc chung câu 4:
4- H. Hoả ngục là gì? (SGLC 393. 1033- 1035. 1056 -1057)
T. Hoả ngục là tình trạng đau khổ cùng
cực vì phải vĩnh viễn xa cách Thiên Chúa là nguồn sự sống và hạnh phúc. Đó là hình
phạt muôn đời dành cho ma quỷ và những ai dứt khoát từ chối Thiên Chúa và từ
chối anh em.
-Thiên đàng là tình trạng sống mãi, hạnh phúc mãi. Trái ngược với
thiên đàng là gì? (Hỏa ngục).
- Hỏa ngục là gì? (Là hình phạt muôn đời. Hoả ngục là tình
trạng đau khổ nhất, vì rơi vào tình trạng này là vĩnh viễn xa cách Chúa, không
bao giờ được gặp mặt Chúa, Đấng là nguồn sự sống, nguồn hạnh phúc).
- Ai phải chịu hình phạt hỏa ngục?
(Những ai chủ tâm từ chối, chống
lại Thiên Chúa, từ chối anh em và nhất quyết không chịu hối cải).
- Nhiều người nói, nếu có hỏa ngục thì Thiên Chúa không còn là Tình
Yêu nữa. Các em nghĩ sao?
Hỏa ngục, nghĩa là án phạt
đời đời không do Thiên Chúa tạo nên, nhưng do con người. Khi tạo dựng và cứu chuộc
con người, Thiên Chúa muốn mọi người được vào Thiên đàng, nhưng với tự do con
người đã từ chối Thiên Chúa, từ chối sống với, ở với, kết hợp với Thiên Chúa nên
con người phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Còn Thiên Chúa thì luôn
tôn trọng đến cùng sự lựa chọn của con người, dù sai lạc. Như thế Thiên Chúa vẫn
là Thiên Chúa tình yêu).
Tóm lại, Vì sao Hoả ngục là tình trạng đau khổ cùng cực? (vì vĩnh viễn phải xa cách Thiên Chúa )
- Hoả ngục là hình phạt
muôn đời dành cho ma quỷ và những ai? (những
ai dứt khoát từ chối Thiên Chúa và anh
em).
* Đọc chung câu 5:
5- H. Luyện ngục là gì?
T. Luyện ngục là tình trạng thanh tẩy
dành cho những người chết trong ơn nghĩa Chúa, nhưng chưa đạt tới sự thánh
thiện cần thiết để được hạnh phúc thiên đàng.
-Vào thiên đàng là cùng đích của đời người. Tiếc rằng không phải
hết mọi người đều đạt tới. Có những người phải vào hỏa ngục như chúng ta đã nói
ở trên và có những người vào luyện ngục. Vậy luyện ngục là gì? (Luyện ngục
là tình trạng thanh luyện để thanh tẩy mọi vết nhơ tội lỗi để xứng đáng vào
Thiên đàng).
-Những ai sẽ vào luyện ngục?
(Những người chết trong ơn nghĩa Chúa,
nhưng chưa đạt được sự thánh thiên cần thiết để gặp Chúa, sống và kết hợp với
Chúa, Đấng vô cùng thánh thiện).
-Vậy phải chăng luyện ngục là một hình phạt mà Thiên Chúa áp đặt cho
những người này? (Không, nhưng là một sự tự nguyện của họ. Thật vậy, sau giờ chết, linh
hồn ý thức được Thiên Chúa thánh thiện, mình còn bất xứng nên tự nguyện được
thanh tẩy).
-Như vậy, thời gian trong luyện ngục là thời gian hoàn toàn đau khổ
tuyệt vọng hay đã là thời gian hạnh phúc?
(Thời gian luyện tội là thời gian hạnh
phúc còn pha lẫn đau đớn hay thời gian đau đớn nhưng hạnh phúc đã chớm nở. Thánh
Catherine de Gênes nói: ”Linh hồn vui sướng lao mình vào luyện ngục”).
-Ta có thể giúp các linh hồn rút ngắn được thời gian ở luyện ngục không? (Có, ta
có thể giúp các linh hồn nơi luyện ngục bằng cách dâng lễ, hy sinh hãm mình…cầu
nguyện cho họ).
Như thế, những người chết trong tình trạng ơn nghĩa Chúa, nhưng
chưa đạt tới sự thánh thiện cần thiết thì sao?
(Họ phải qua một thời gian thanh luyện trong luyện ngục ).
Tóm lại, bài học hôm nay cho ta biết về những
tình trạng chúng ta sẽ gặp sau khi chết: hoặc thiên đàng hoặc hỏa ngục hoặc luyện
ngục. Cách sống của chúng ta ở trần gian sẽ định đoạt tình trạng chúng ta sẽ
đạt được sau khi chết.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1. Gợi tâm tình.
Các em thân mến, cuộc sống
trên trần gian của chúng ta sẽ kết thúc bằng cái chết vào bất cứ lúc nào Chúa muốn.
Vì thế, Chúa Giêsu luôn nhắc nhở chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng đón đợi giờ
Chúa đến. Và Ngài sẽ dựa vào lòng mến Chúa yêu người của ta mà xét xem ta đáng
lên thiên đàng hay xuống hoả ngục, hay
cần thanh luyện một thời gian. Bây giờ, chúng ta cùng đứng lên để xin Chúa
Giêsu giúp chúng ta biết sẵn sàng đón đợi Chúa đến, và xin Ngài che chở, gìn
giữ chúng ta trong cánh tay yêu thương của Ngài.
2. Lời nguyện.
Lậy Chúa, xin ban ơn giúp
sức cho chúng con để khi còn sống ở đời này, chúng con luôn tin tưởng, gắn bó
với Chúa và luôn sống theo lời Chúa dậy bảo để mai sau chúng con đạt được cùng đích
đời người là sống hạnh phúc mãi mãi với Chúa trên thiên đàng. Chúng con cầu xin
Chúa nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Bài hát: Ca tình tri
ân (ý nghĩa Tv 15).
ĐK: Giữ gìn con Chúa ơi, vì Chúa
là chốn con tựa nương tháng năm. Trong cánh tay Người hồn con vui sống, tình yêu
Chúa khoan dung bền vững muôn đời.
1. Hồn con thao thức bên lòng Chúa, Chúa là gia
nghiệp duy nhất đời con. Là chén phần phúc con trông mong. Con tiến dâng Người tấm
lòng cậy trông.
VI. SINH HOẠT
Băng reo : Đường lên trời.
- GLV : Đường lên trời
. TC : Quanh co (nắm tay co chân phải lên)
- GLV : Đường lên trời.
. TC : Ghềnh
đá (Nắm tay co chân trái lên).
- GLV : Nhưng cố gắng
. TC : sẽ tới nơi. A! A! A! (hai tay nắm lại giơ
cao)
_ Hát bài : Đồng hành
Một hai
ba con đường ôi xa quá. Mỏi chân rồi mà đường vẫn còn xa. Nhưng hôm nay nghe
niềm vui thật lạ. Chúa đang cùng con bước một, hai, ba.
VII. BÀI TẬP
Em hãy khoanh tròn vào câu
trả lời đúng nhất:
1. Cuộc sống chúng ta trên trần gian
này sẽ kết thúc bằng:
a. Cái chết.
b. Linh hồn rời khỏi
xác.
c. Chịu phán xét riêng.
d. Cả 3 câu đều đúng.
2. Chúa Giê-su phán xét ta dựa
vào:
a. Việc học các điều
răn của Chúa.
b. Lòng mến Chúa yêu
người.
c. Những kinh nguyện
ta đã đọc.
VIII. SỐNG LỜI CHÚA
Để hiệp thông với
các linh hồn trong luyện ngục, em quyết tâm mỗi tối lần hạt một chục, xin Chúa
ban cho các linh hồn sớm được hưởng hạnh phúc thiên đàng.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Chúa Giêsu, chúng con
cám ơn Chúa vì qua bài học hôm nay, chúng con lại được hiểu thêm về thân phận mỏng
dòn, yếu đuối của chúng con. Xin Chúa giúp chúng con luôn tỉnh thức đợi chờ Chúa
đến, và xin Chúa thương đến các linh hồn nơi luyện ngục. Chúng con cầu xin, vì
Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
Hát: Từ chốn luyện hình u
tối.
CÂU
HỎI CHO HỌC SINH
Bài 30. CHẾT VÀ PHÁN XÉT
“Các con cũng vậy, hãy sẵn
sàng, vì chính giờ phút các con không ngờ thì Đấng Con Người sẽ đến” (x.Lc 12,35-48)
1- H. Cuộc sống chúng ta trên trần gian này sẽ kết
thúc ra sao?
T. Sẽ kết thúc bằng cái chết vào bất cứ lúc nào
Chúa muốn gọi ta về. Khi ấy, linh hồn ta rời khỏi xác mà ra trước tòa Chúa Giê-su
để chịu phần xét riêng về quãng đời ta đã sống trên trần gian.
2- H. Chúa Giê-su phán xét ta thế nào?
T. Ngài sẽ căn cứ theo lòng mến Chúa yêu người của
ta mà xét xem ta đáng lên thiên đàng hay pải uống hỏa ngục hay cần phải tẩy luyện
thêm một thời gian.
3- H. Thiên đàng là gì?
T. Thiên đàng là tình trạng hạnh phúc tràn đầy và
vĩnh viễn vì được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi và cộng đoàn các
thánh.
4- H. Hỏa ngục là gì?
T. Hỏa ngục là tình trạng đau khổ cùng cực vì phải
vĩnh viễn xa cách Thiên Chúa là nguồn sự sống và hạnh phúc. Đó là hình phạt
muôn đời dành cho ma quỷ và những ai dứt khoát từ chối Thiên Chúa và từ chối
anh em.
5- H. Luyện ngục là gì?
T. Luyện ngục là tình trạng thanh tẩy dành cho những
người chết trong ơn nghĩa Chúa nhưng chưa đạt tới sự thánh thiện cần thiết để
được hạnh phúc Thiên đàng.