Chương 8
ƠN CỨU ĐỘ LAN RỘNG
I. BẮT ĐẦU TẠI GIÊRUSALEM
1- Cộng đoàn Do Thái tin vào Đức Giêsu Kitô ở Giêrusalem
Cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi của Đức Kitô gồm có các
tông đồ, những người Do Thái sùng đạo từ các nước khác trở về Giêrusalem dự lễ
(lễ Vượt qua và lễ Ngũ Tuần, x. Cv 2,5) và những người Do Thái chính gốc. Năm chương
đầu của sách Công Vụ Tông Đồ mô tả rõ ràng cuộc sống của Giáo Hội sơ khai : các
tín hữu chăm chỉ học hỏi giáo lý từ các tông đồ và siêng năng cầu nguyện, hiệp
thông với nhau khi dự “Lễ Bẻ Bánh” và chia sẻ vật chất với nhau trong tình bác ái
huynh đệ (x. Cv 2, 42-47; 4, 32).
Trong giai đoạn này, sinh hoạt của cộng đoàn có những điểm riêng biệt,
khác với Do Thái giáo nhưng vẫn gắn bó với Do Thái giáo : các tông đồ và các
tín hữu vẫn lên đền thờ cầu nguyện như những người Do Thái sùng đạo. Nghĩa là cộng
đoàn này chưa tách ra khỏi Do Thái giáo.
Trong cộng đoàn tiên khởi này, đứng đầu là thánh Phêrô và các tông đồ.
Khi số tín hữu gia tăng, các tông đồ tuyển chọn thêm những người cộng tác với các
ngài để phục vụ bàn thờ và phục vụ người nghèo trong Giáo Hội. Họ được gọi là các tá viên, bây giờ Giáo Hội gọi là các
phó tế. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, các phó tế hoạt động rất hiệu quả (x. Cv 6-8).
2- Cái chết của thánh Stêphanô
Ông Stêphanô, là một trong bảy phó tế Do Thái gốc
Hy Lạp, được tuyển chọn để giúp việc cho các tông đồ. Ông được trao trách nhiệm
phục vụ những nhóm người Do Thái gốc Hy Lạp, đặc biệt là những người nghèo như
nhóm các bà goá, vì họ ít được quan tâm chăm sóc. (Tên gọi “Người Do Thái gốc
Hy Lạp” được dùng để chỉ những người Do Thái sinh trưởng ngoài xứ Palestin, sống
theo văn hoá Hy Lạp và nói tiếng Hy Lạp, hay còn gọi : “Hy hoá”).
Với sự xuất hiện của Stêphanô và những đồng bào Do
Thái gốc Hy Lạp, cộng đoàn những người theo Đức Kitô bắt đầu phát triển ra khỏi
phạm vi của Do Thái giáo và trung tâm Do Thái Giáo là Giêrusalem, lòng tin vào Đức
Giêsu Kitô được truyền bá đi khắp nơi, đến với những người không phải là Do Thái.
Giáo Hội sơ khai phát triển theo hướng tách ra khỏi
Do Thái giáo. Bài giảng của ông Stêphanô nêu lên tính cách tạm thời của Do Thái giáo (x.
Cv 7). Nó phải nhường chỗ cho tôn giáo Đức Giêsu Kitô thiết lập, một tôn giáo
không còn bị giới hạn trong một quốc gia hay một đền thờ nào cả. Stêphanô phải
trả giá cho sự thật này bằng chính mạng sống mình, ông đã bị ném đá cho đến chết.
Cái chết của ông Stêphanô mở đầu cho cuộc bách hại,
các Kitô hữu gốc Hy Lạp phải phân tán đi khắp nơi. Biến cố này cũng mở ra một
giai đoạn mới : “Những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo Lời Chúa.”
(Cv 8,4).
Sự kiện Stêphanô cho ta thấy hai điều:
-
Tính cách độc lập của Kitô giáo và Kitô giáo chính
là sự hoàn tất của Do Thái giáo.
-
Chúa quan phòng đã khôn ngoan làm cho cuộc phân tán
này trở thành cơ hội cho các Kitô hữu đem hạt giống Tin Mừng đi gieo vãi khắp nơi
(x. Cv 11, 19-21).
II. CHO ĐẾN TẬN CÙNG TRÁI ĐẤT
1- Thánh Phêrô và ông Cornêliô (x. Cv 10-11).
Tính phổ quát của Giáo Hội được diễn tả qua việc thánh
Phêrô rửa tội cho một viên đại đội trưởng người Roma là ông Cornêliô.
Thị kiến mà Thiên Chúa tỏ cho thánh Phêrô thấy sự ngăn cách giữa người
Do Thái (con vật sạch) và dân ngoại (con vật ô uế) theo luật Môsê (x.Lv 11), đã
bị huỷ bỏ. Giáo Hội mở rộng cửa đón nhận mọi người, không phân biệt chủng tộc,
màu da.
2- Thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại :
Theo cái nhìn của thánh sử Luca trong sách Công Vụ, thì thánh Phaolô chắc
chắn là vị anh hùng đệ nhất trong số các Kitô hữu đầu tiên. Từ một người đi bách
hại các Kitô hữu, Chúa đã biến đổi ngài thành vị tông đồ tiên phong rao giảng
Tin Mừng cho dân ngoại lừng danh nhất qua mọi thời đại và là gương mẫu cho tất
cả những ai tham gia vào việc truyền giáo của Giáo Hội.
Thánh Phaolô đã rao giảng không ngừng nghỉ để thiết
lập các giáo đoàn. Ba cuộc hành trình truyền giáo của thánh Phaolô :
Năm 46 – năm 48 (x. Cv
13-14)
Năm 49 – năm 52 (x. Cv 16-18)
Năm 53 – 58 (x. Cv
18,18 – 21, 26)
Thánh Phaolô là người góp phần quan trọng nhất vào việc cắt đứt dây ràng
buộc giữa Kitô giáo và Do Thái giáo, mở rộng con đường cho muôn dân đến với Đức
Kitô và cho Giáo Hội đến với muôn dân. Đó là điều mà ngài đã thể hiện ở công đồng
đầu tiên của Giáo Hội ở Giêrusalem.
3- Công đồng Giêrusalem (x. Cv 15)
Sự gia tăng nhanh chóng của các Kitô hữu không phải
là người Do Thái làm phát sinh một vấn đề gây tranh luận : Những tín hữu này có
phải giữ lề luật Môsê và sống theo các tập tục như người Do Thái hay không ? Lý
do là vì những Kitô hữu gốc Do Thái còn quá quyến luyến với Do Thái giáo, với lề
luật và tập tục lâu đời từ thời Môsê để lại, nên không dễ gì từ bỏ và thay đổi
ngay được.
Nhưng giờ đây một giai đoạn mới đã khởi đầu. Những kinh nghiệm của Stêphanô, Phêrô, Phaolô
và Barnaba cho thấy rõ đường hướng của Chúa Thánh Thần về tính phổ quát của Giáo
Hội Chúa Kitô. Tại Công Đồng Giêrusalem, các tông đồ -Phêrô, Phaolô và Barnaba-
trình bày các biến cố đã xảy ra chứng tỏ Chúa Thánh Thần xuống trên mọi tín hữu
không phân biệt Do Thái hay không Do Thái. Hơn nữa ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa
qua Đức Giêsu Kitô, chứ không phải do lề luật. Điều cần là lòng tin vào Đức Giêsu
Kitô và gắn bó với Người. Vì vậy không được đặt ách nặng nề của luật cũ lên vai
các tín hữu nữa.
Cuối cùng tông đồ Giacôbê công bố quyết định của Công Đồng không buộc các
Kitô hữu phải giữ tập tục của đạo Do Thái nữa. Như vậy, từ nay Giáo Hội Chúa
Kitô mở rộng cửa cho mọi người.
4- Tương quan giữa Kitô giáo và Do Thái giáo
Mặc dù Kitô giáo tách biệt và độc lập với Do Thái
giáo nhưng vẫn có những mối liên hệ sâu xa. Thánh Phaolô đã dùng ba hình ảnh
sau đây để diễn tả mối tương quan này :
Do Thái giáo được ví như người giám
hộ, người quản giáo cho Kitô giáo. Đối với người Hy Lạp thì người giám hộ
hay quản giáo là người nô lệ giúp việc trong nhà. Người này có nhiệm vụ đưa đứa
trẻ con ông chủ đi học (vì vậy người này được gọi là người sư phạm). Khi đứa trẻ
đã được đưa tới cửa trường là nhiệm vụ của người quản giáo (sư phạm) đã xong.
Nhiệm vụ của Do Thái giáo là dẫn thế giới này đến với Đức Kitô. Đây là một nhiệm
vụ quan trọng, nhưng đã kết thúc vì Đức Giêsu Kitô đã đến gặp nhân loại. (x. Gl
3, 24-25).
Do Thái giáo là giai đoạn niên
thiếu (vị thành niên), Kitô giáo là con người trưởng thành. Khi là đứa trẻ
thì cần phải trông chừng, nhắc bảo. Nhưng khi trưởng thành thì nó biết ý thức,
có khả năng tự lập, không phải lệ thuộc nữa. Cũng vậy, Do Thái giáo giống như
thời niên thiếu cần được chăm sóc, canh giữ bằng nhiều thứ luật lệ. Kitô giáo là
thời trưởng thành, được tự do trong Thánh Thần, không nô lệ lề luật nữa. (x.Gl
4, 1-7).
Do Thái giáo là tôn giáo của lời
hứa (với Abraham, Môsê, Đavit, các tiên tri). Kitô giáo là sự thực hiện và
hoàn tất các lời hứa.
Để kết luận về mối tương quan giữa
Kitô giáo và Do Thái giáo chúng ta có thể nói rằng: Kitô giáo là cùng đích của
Do Thái giáo. Vì vậy các Kitô hữu phải kính trọng và thân thiện với Do Thái giáo.
III. GIÁO HỘI HƯỚNG VỀ CÁNH CHUNG
Đức Giêsu Kitô đã lên trời, Giáo Hội tiếp tục công
trình của Ngài cho đến ngày Ngài trở lại (quang lâm, tái giáng) để phán xét muôn
loài. Đó là ngày hoàn tất lịch sử cứu độ, ngày tiêu diệt vĩnh viễn tội lỗi và sự
chết. Thiên Chúa sẽ đổi mới mọi sự : xác loài người ta sẽ sống lại vinh quang,
muôn loài muôn vật được giải thát khỏi cảnh hư nát.
Nhìn lại lịch sử phát triển của Giáo Hội, chúng ta
có thể tạm chia 20 thế kỷ đã qua ấy làm đôi :
1- Ngàn năm thứ nhất
- Ba thế kỷ đầu được
ghi dấu bởi thử thách và bách hại. Bước đầu gian khổ báo trước mùa màng bội thu
: “Máu các chứng nhân tử đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu” (Tertulianô).
- Năm 313, với chiếu chỉ
Milan công nhận Kitô giáo là tôn giáo hợp pháp, tên tuổi hoàng đế Côngtăngtinô (Constanstinus)
gắn liền với giai đoạn tự do và lớn mạnh rất nhanh của Giáo Hội trong đế quốc của
Côngtăngtinô.
- Từ thế kỷ V, nhờ uy
tín của các giám mục, nhờ các đan sĩ đạo đức và tài giỏi trong việc tổ chức nâng
cao đời sống vật chất, văn hoá, xã hội … dân chúng dần dần xin gia nhập Giáo Hội.
Giáo Hội vượt ra khỏi ranh giới đế quốc Roma, cảm hoá các sắc dân ở châu Âu.
Tin Mừng đến với các sắc dân German vào khoảng thế kỷ V đến thế kỷ VIII và dân
Slaves từ thế kỷ IX đến thế kỷ XI.
- Hồi Giáo xuất hiện vào
thế kỷ VII (từ năm 622), bành trướng mạnh mẽ và đe doạ các dân theo Kitô giáo.
2- Ngàn năm thứ hai
Ngàn năm thứ hai của Giáo Hội là một bức tranh đan xen ánh
sáng và bóng tối, tích cực và tiêu cực:
- Phong trào canh tân
phát xuất từ Đan Viện Biển Đức Cluny (Pháp) đem lại mùa xuân mới cho Giáo Hội.
- Ngàn năm thứ hai bắt đầu
bằng một biến cố chia rẽ đáng tiếc dẫn đến ly khai của Chính Thống Giáo với Công
Giáo vào năm 1054, Đông Phương và Tây Phương không còn hiệp nhất nữa.
- Sự đe doạ của Hồi Giáo
dẫn đến việc thành lập Đạo Binh Thánh Giá để chiếm lại Đất Thánh và Giêrusalem.
Bảy cuộc Thập tự chinh: 1096 – 1099, 1147 – 1149 , 1189 – 1197, 1202 – 1204 ,
1228 – 1229 , 1248 – 1254 , 1268 – 1291.
- Những cuộc Thập Tự
Chinh đem lại nhiều thất bại và tai tiếng. Vì các thế lực chính trị đã lợi dụng
tính chất tôn giáo để thực hiện những mưu đồ trục lợi của mình : dùng chiến
tranh để cướp đoạt tài nguyên và mở rộng thị trường ở vùng Trung-Cận-Đông.
- Hai thế kỷ XII và
XIII là thời cực thịnh của Giáo Hội Tây Phương. Các dòng tu, đặc biệt là Đaminh
và Phanxicô đã đem lại sinh khí mới cho Giáo Hội trong việc nâng cao đời sống sống
đạo đức, luân lý cho các tín hữu. Các dòng tu đóng vai trò quan trọng trong
sinh hoạt văn hoá, trí thức, cách riêng là lãnh vực triết học.
- Thế kỷ XIII là thời
gian khủng hoảng vì bè rối và Toà Án Pháp Đình của Giáo Hội đã phạm nhiều sai lầm.
- Thế kỷ XIV là thời kỳ
đen tối vì cuộc đại ly khai ở Tây Phương 1378-1415, phân rẽ giữa Roma và
Avignon gây ra hỗn loạn.
- Cuộc cải cách của
Luther dẫn đến ly giáo ngày 03-01-1521.
- Vua Henri VIII và cuộc ly giáo 1533 ở nước Anh.
- Công Đồng Triđentinô
1545-1563 đáp ứng đòi hỏi canh tân nội bộ Giáo Hội về tín lý, bí tích và kỷ luật.
- Thế kỷ XV-XVII : giai
đoạn truyền giáo dưới “Quyền Bảo Trợ” của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, từ năm
1493 Toà Thánh trao cho các vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha điều khiển việc truyền
giáo. Giáo Hội mở rộng tầm nhìn, vượt ra ngoài châu Âu, đem Tin Mừng đến mọi dân
tộc.
- Ngày 09-9-1659 là một
ngày đáng ghi nhớ đối với Giáo Hội Việt Nam : Đức Thánh Cha Alexander VII thiết
lập hai giáo phận : Đàng Trong (Đức cha Lambert de la Motte) và Đàng Ngoài (Đức
cha François Pallu).
- Do những lạm dụng và
bất tiện của Quyền Bảo Trợ, năm 1622 Toà Thánh thiết lập “Thánh Bộ Truyền Bá Đức
Tin” để chấn chỉnh và hướng dẫn, trực tiếp nắm quyền và điều hành, giúp cho việc
truyền giáo đạt được nhiều thành quả mới.
- Cuộc Cách Mạng Pháp
14-7-1789 mở màn cho bước tiến “trần thế hoá” (tục hoá) : tước bỏ những quyền của
Giáo Hội trong lãnh vực trần thế, gây nhiều khó khăn cho Giáo Hội, nhưng cũng
giúp cho Giáo Hội ý thức về bản chất của mình.
- Công Đồng Vaticanô I
năm 1870 xác định về ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng.
- Trong thế kỷ cuối cùng,
với Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội bước vào con đường mới, đồng hành với con
người và thế giới, thích nghi với những biến đổi không ngừng của xã hội.
- Ngày 24-11-1960, Đức
Thánh Cha Gioan XXIII thiết lập Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt Nam, đánh dấu sự
trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam.
3. Giáo Hội tiến bước trong niềm tin
Giáo Hội đã trải qua nhiều thăng trầm, những chặng đường
sáng ngời xen lẫn với đen tối suy sụp. Giáo Hội vẫn tồn tại và tiếp tục phát
triển vì đã được phát sinh từ Chúa Giêsu Kitô và được Chúa Thánh Thần không ngừng
dẫn dắt.
Câu hỏi thảo luận chương
8
- Loan báo Tin Mừng là trách nhiệm của những ai
trong Giáo Hội ?
- Là một Kitô hữu và là
một giáo lý viên bạn có thể làm gì để góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng
của Giáo Hội ?