CHƯƠNG I
NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA
“Vì tình thương,Thiên Chúa đã tự
mạc khải và ban chính mình cho con người”
(GLHTCG 68)
Có Thiên Chúa không? Nếu có
Thiên Chúa thì Ngài có quan tâm đến chúng ta không?Tôi có thể nhận biết Thiên
Chúa không?Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta bắt đầu bằng những gì mà tất
cả mọi người ở mọi thời đại tìm kiếm.
I. CÙNG ĐÍCH CỦA CUỘC SỐNG
“Tận đáy lòng, con người khao khát
Thiên Chúa vì con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thiên Chúa
không ngừng lôi kéo con người đến với mình, và chỉ nơi Thiên Chúa con người mới
tìm gặp chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm”(GLHTCG 27)
Khát vọng của con
người là tìm được cách thế thỏa mãn mọi ước vọng của mình. Sống là nhắm tới một
mục đích. Mục đích này sẽ đáp ứng mọi ước vọng của chúng ta và mang lại hạnh phúc
cho chúng ta.
a. Điều con người
tìm kiếm
Con người có
nhiều ước mong.Có người ước mong có một cuộc hôn nhân thành công và một ngôi nhà
khang trang tiện nghi. Người khác muốn có một việc làm tốt với số lương hậu hĩnh.
Có người tìm kiếm quyền lực, người khác tìm kiếm một đời sống an vui và nhàn hạ
hoặc bạn bè và chỗ đứng trong xã hội.
b. Những điều này không thể thỏa mãn hoàn toàn mọi khát vọng của chúng
ta
Những điều
con người tìm kiếm kể trên không thể cung cấp cho chúng ta một hạnh phúc an toàn
và bền lâu,vì những yếu đuối, bệnh tật,tai họa và cái chết có thể phá hủy những
gì chúng ta đang có. “Ấy , con người khác
chi hơi thở, vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu” (Tv 144,4).
Mỗi người chúng ta
đều đã có đôi chút kinh nghiệm này là hạnh phúc lớn lao nhất của chúng ta trong
cuộc sống đến từ tình yêu. Ngay từ thuở thơ ấu, mỗi người chúng ta có một khát
vọng sâu thẳm là yêu và được yêu. Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng hạnh
phúc nơi tình yêu nhân loại chỉ là phản ánh của hạnh phúc không cùng khi yêu
Thiên Chúa và được Thiên Chúa yêu.Hạnh phúc này chỉ trọn vẹn khi chúng ta được
sống đời đời với Chúa sau cái chết.
Tuy nhiên,Chúa Giêsu
cũng đã nói với chúng ta rằng cuộc sống yêu thương và hạnh phúc với Chúa đã bắt
đầu ngay ở trần gian này. Nhưng hạnh phúc này khác với điều mà nhiều người nghĩ
tưởng. Nó không đến từ sự thỏa mãn ước muốn về thú vui, sự vật, vật chất hay sự
thành đạt trong xã hội. Nó đến từ tình yêu thương đích thực, và thường bao gồm đau
khổ và hy sinh. Nó mang đến cho chúng ta sự bình an sâu xa và niềm vui chan hòa
ngay trong đau khổ.
Người đã tỏ cho chúng
ta biết cách thế sống chung, sống hòa thuận với người khác và làm thế nào để chịu
đựng những đau khổ và thất bại. Người nói với chúng ta những điều có thể làm
khi chúng ta cô đơn và sợ hãi, tội lỗi và bất an để có được bình an đích thực.
Người mạc khải rằng
Thiên Chúa đã có kế hoạch cho chúng ta được chia sẻ tình yêu và hạnh phúc của
Ngài.Nói cách khác, lịch sử nhân loại có một ý nghĩa: Người không chỉ nói với
chúng ta là chúng ta có một chỗ đứng trong kế hoạch của Thiên Chúa, nhưng còn nói
rằng kế hoạch đó thành công hay không thì còn tùy thuộc vào chúng ta, vào sự cộng
tác của chúng ta như là “những đồng tác giả” của lịch sử. Thánh Phaolô viết: “Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể các thánh,
thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin
Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người được thấy
đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở
nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật, để giờ đây, nhờ Hội thánh, mọi quyền
năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã hành động như thế theo quyết định Người đã có từ muôn thủa và đã được
thực hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Ep 3,8-11).
Lời tuyên bố quan trọng
nhất của Chúa Giêsu là Người hiểu biết cách đặc biệt về Thiên Chúa và về kế hoạch
của Thiên Chúa dành cho chúng ta và chỉ mình Người có thể dẫn chúng ta đến với
Thiên Chúa : “Chính Thầy là đường, là sự
thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”(Ga 14,6).
Vì thế, giáo huấn của
Chúa Giêsu và kế hoạch của Thiên Chúa có nguồn gốc là Thiên Chúa.
II. NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA.
“…Con người nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí,
có thể nhận biết cách chắc chắn về Thiên Chúa” (GLHTCG 36)
“Con người cần được mạc khải soi
dẫn”(GLHTCG 38)
1.Người ta đã nhận biết Thiên Chúa bằng
cách nào?
Người ta đã nhận biết Thiên Chúa bằng
nhiều cách. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo viết:“Người tìm Thiên Chúa sẽ khám phá ra một số con đường giúp nhận biết Người…những
con đường đến với Thiên Chúa xuất phát từ thụ tạo: thế giới vật chất và con người”(Số
31).Sau đây là một số cách thế:
a. Một số người
khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa qua thiên nhiên, qua những ngọn đồi, dẫy
núi, mặt hồ phẳng lặng, tuyết rơi….một số người lại nhận biết Thiên Chúa qua một
đoạn nhạc hay một kiệt tác nghệ thuật.
b. Một số người nhận biết Thiên Chúa qua
các luận chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa. Chẳng hạn một vệ tinh phức tạp
khổng lồ không thể tự nó bay vào không gian. Nó đã được thiết kế, chế tạo và phóng
đi bởi các nhà khoa học. Thế giới và vô số các vì sao hoạt động theo những luật
lệ cố định trong một vũ trụ phức tạp hơn bất cứ một vệ tinh nào. Vì thế, vũ trụ
bao la phải được thiết kế và sáng tạo bởi một trí óc thông minh và quyền năng tối
thượng là Thiên Chúa.
c. Một số người
nhận biết Thiên Chúa từ thời thơ ấu. Họ có thói quen cầu nguyện và dành cho Thiên
Chúa một chỗ trong ý nghĩ và các quyết định của họ.
d. Một số người
suy nghĩ về đời mình và xác tín vào sự
quan phòng của Thiên Chúa trên cuộc đời họ, đặc biệt vào những lúc bị khủng hoảng.
e. Một số người
có kinh nghiệm cá nhân về Thiên Chúa. Một kinh nghiệm vui sướng, khó quên và sâu
xa về Thiên Chúa mang lại cho họ sự bình an, trong sáng và chắc chắn , ảnh hưởng
sâu xa đến cuộc đời của họ.
f. Một
số người đến với Thiên Chúa qua ước vọng về một tình yêu toàn hảo. Chúng ta biết
rằng mỗi người ngay từ thuở thơ ấu đã có một nhu cầu mạnh mẽ về tình cảm, có lẽ
do có quá nhiều đau khổ và thất bại. Hơn nữa, chúng ta cũng biết là tình yêu nhân
loại thì quá mỏng manh và thường làm chúng ta thất vọng. Vì thế, chúng ta đi
tìm một ai đó, vượt trên cuộc sống này, người đó sẽ không bao giờ làm chúng ta
thất vọng. Người đó hiểu chúng ta hoàn toàn và thỏa mãn mọi khát vọng của chúng
ta về tình yêu.
g. Một
số người được giúp đỡ bởi những người họ yêu mến là những người yêu mến Thiên
Chúa. Gương mẫu đời sống đức tin sâu xa
của bạn bè, những người thân yêu của họ ảnh hưởng đến đời sống của họ. Tình yêu quảng đại của những người
này có thể giúp họ khám phá ra tình yêu tuyệt đối là Thiên Chúa.
h. Tuy
nhiên,cũng có nhiều người tin nhận Chúa nhưng không thể diễn ta được tại sao họ
lại tin vào Thiên Chúa hoặc Ngài là ai đối với họ. Họ câm lặng trước mầu nhiệm
khôn dò này. Đức hồng y Newman đã nói về điều này như sau: “…từ ngữ là một phương tiện quá nghèo nàn so với
những gì trí khôn tôi nắm bắt và trái tim tôi tin tưởng”.
2.Chúng ta cần phải làm gì để nhận biết
Thiên Chúa?
a. Có thái độ cởi mở:
- Cởi mở với chính mình
Chúng
ta phải cởi mở với sự thật, không chỉ với sự thật tuyệt đối, mà còn với sự thật về chính mình, chúng ta là ai
và chúng ta muốn gì từ kinh nghiệm về cuộc đời của chúng ta. Điều này đòi chúng
ta phải can đảm, sẵn sàng đón nhận những sự thật gây khó chịu. Người tự mãn sẽ
không bao giờ đi tìm kiếm những sự thiện cao cả hơn.
Chúng
ta phải sẵn sàng mất thời giờ để tra vấn, quan sát và phản tỉnh. Quả thật con người
ngày nay ngại dành thời giờ để suy nghĩ về những giá trị cao cả.
- Cởi mở với
người khác
Chúng ta
phải cởi mở với những người chung quanh và đối xử với họ như lương tâm chúng ta
đòi hỏi. Người trưởng thành thấy rằng nơi mỗi người đều hướng về sự thiện. Sự hướng
về này là do tác động của Thiên Chúa.Nếu ai đã từng tìm kiếm Thiên Chúa sẽ phải
thừa nhận và kính trọng sự hướng về này nơi kẻ khác. Còn ai chỉ quay về với
chính mình sẽ chỉ là tìm kiếm sự thiện của mình, tìm kiếm chính mình.
- Cởi mở
với Mạc khải của Thiên Chúa
Các Kitô
hữu tin rằng Thiên Chúa đã và đang mạc khải chính mình cho loài người và loài
người có bổn phận phải tìm hiểu mạc khải đó. Nếu Thiên Chúa là vô hạn thì chúng
ta vốn là kẻ có giới hạn không thể hiểu thấu Ngài trừ phi Ngài mạc khải chính
Ngài cho chúng ta biết. Vì vậy, việc tìm hiểu mạc khải của Thiên Chúa là điều cần
thiết và hợp lý.
Tuy nhiên,
để gặp được Thiên Chúa như là Đấng mạc khải, Ngài phải ban đức tin cho chúng
ta. Như thế , dù là người tin hay người không tin, tất cả đều tùy thuộc Thiên
Chúa. Điều này giải thích tại sao lại có một số người tìm kiếm Thiên Chúa trong
khi một số người khác lại không.
Ngày
nay, nhiều người cảm thấy Thiên Chúa vắng mặt trong thế giới của chúng ta. Với
các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, con người dường như có thể giải quyết mọi vấn
đề của mình, nên việc tìm kiếm Thiên Chúa xem ra là vô ích và vô nghĩa. Ngày
nay, nhiều người không còn tin vào Thiên Chúa, ngay cả một số Kitô hữu cũng đã
tuyên bố: chúng tôi phải sống như là Thiên Chúa đã chết. Hiến chế mục vụ viết :
“Khác với thời xưa, sự chối từ hoặc tránh
né đề cập tới Thiên Chúa hay tôn giáo không còn là một hành vi dị thường và có
tính cách cá nhân nữa, vì ngày nay biết bao người coi đó như một đòi hỏi của tiến
bộ khoa học kỹ thuật hay của nền nhân bản mới” (số 7).
b. Lý do của việc không nhận biết Thiên Chúa.
Ngày nay Thiên
Chúa không tỏ mình ra cho chúng ta cách hữu hình nữa. Dường như Ngài trở nên xa
lạ, không hoàn toàn hiển nhiên với đa số con người hôm nay.
Nhưng thực ra,
Ngài vẫn đang hiện diện giữa chúng ta, đang yêu thương chúng ta với lòng bao
dung vô bờ bến. Đức tin Kitô giáo đòi chúng ta nhận biết vâng phục và yêu mến
Ngài. Sở dĩ chúng ta không nhận biết Ngài là vì những lý do sau đây:
- Đi tìm một Thiên Chúa giả.
Tại sao
nhiều người không thể tìm thấy Thiên Chúa? Một số người dường như không thể tách
mình ra khỏi cuộc đi tìm các thần giả hiện tại: tiền bạc, chỗ đứng trong xã hội,
quyền lực, thú vui. Bao lâu người ta còn ưu tiên cho việc tìm kiếm các thần giả
này, họ sẽ không bao giờ tìm thấy Thiên Chúa hằng sống và đích thực.
Ngay cả một
số người có thiện chí vẫn bận rộn với những
nhu cầu vật chất, như thế giới khoa học và thương mại, rất khó mà nhận thức được
các thực tại thiêng liêng. Việc nhận biết Thiên Chúa đòi hỏi thời giờ và một nỗ
lực bền bỉ.
- Bóp méo hình ảnh Thiên
Chúa
Một số người
đã bóp méo hình ảnh Thiên Chúa khi hình dung Thiên Chúa là một quyền lực dửng dưng,
thất thường và thích báo thù. Những người này đã không có tình yêu trong cuộc sống,
và có lẽ đã có nhiều kinh nghiệm về sự vô nghĩa của đau khổ, nhất là những kinh
nghiệm về cách sống không yêu thương của những người xưng mình là bạn hữu của
Thiên Chúa. Vì thế, họ không thể chấp nhận có một Thiên Chúa luôn yêu thương.
Công Đồng
Vatican II đã viết về điều này như sau: “Có
người lại quá đề cao con người đến nỗi sự tin tưởng vào Thiên Chúa trở nên như
vô nghĩa; những người này xem ra muốn đề cao con người hơn là muốn chối bỏ Thiên
Chúa. Có người hình dung ra cho mình một Thiên Chúa theo kiểu họ tưởng, đến nỗi
biểu tượng mà họ bài xích không còn điểm nào là Thiên Chúa của Phúc Âm cả…Ngoài
ra, chủ nghĩa vô thần nhiều lúc phát sinh do sự phản kháng mãnh liệt chống lại
sự dữ trong thế gian. Tín hữu có thể chịu phần trách nhiệm không phải là nhỏ
trong việc khai sinh vô thần hoặc bởi việc sao lãng việc giáo dục đức tin hoặc
trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo,
luân lý, xã hội. Phải nói rằng họ che giấu hơn là bày tỏ bộ mặt đích thực của
Thiên Chúa và tôn giáo” (HCMV 19).
- Sáng chế ra một
Thiên Chúa cho mình
Cám dỗ
thường xuyên của người tín hữu là sáng chế cho mình một Thiên Chúa theo ý riêng
của họ. Với Thiên Chúa này, họ cảm thấy thoải mái vì Ngài sẽ không đảo lộn cuộc
sống của họ. Khi sự nghi ngờ hay những cái nhìn mới về Thiên Chúa xuất hiện, họ
trở nên bối rối và bực bội vì đức tin của họ sẽ là một bãi chiến trường thay vì
là nơi trú ẩn an toàn. Họ sẽ chẳng bao giờ nhận biết được Thiên Chúa hằng sống.
c. Cố gắng học hỏi và
sống đức tin
Những nghi ngờ về Thiên Chúa phải được
coi là tất nhiên, ngay cả đối với các tín hữu cố gắng nhận biết và yêu mến Thiên
Chúa bằng một đức tin mạnh mẽ. Đức tin phải được lớn lên. Sự lớn lên này đòi hỏi
phải thay đổi. Những người có kinh nghiệm mê say cuồng nhiệt Thiên Chúa cũng thường có kinh
nghiệm “đêm tối đức tin”,nghĩa là những nghi ngờ rằng Thiên Chúa không hiện hữu.
Vì vậy, chúng ta
phải cố gắng đào sâu, học hỏi, sống đức tin mạnh mẽ hơn. Chúng ta đừng cho mình
khá hơn những người không tin, đừng nghĩ là đức tin của mình không bao giờ có
thể rơi vào “đêm tối đức tin”. Chúng ta phải hiểu rằng đức tin luôn là một quà
tặng của Thiên Chúa. Với lòng khiêm tốn, chúng ta phải cầu xin hằng ngày: “Lạy
Chúa, con tin, xin hãy giúp đỡ sự yếu tin của con”.
III. CHÚNG TA CÓ THỂ NÓI GÌ VỀ THIÊN CHÚA.
Chúng ta có thể nói về
Thiên Chúa như sau:
Loài người có thể
học hỏi đôi điều về Thiên Chúa từ việc quan sát vũ trụ. Nếu chúng ta có thể học
hỏi những kỹ năng của một nghệ sĩ hoặc của một người thợ xây dựng qua việc quan
sát công việc làm của họ, thì chúng ta cũng có thể học hỏi về Thiên Chúa qua vũ
trụ mà Ngài dựng nên. Chúng ta có thể hiểu được phần nào quyền năng, sự bao la
vẻ đẹp của Thiên Chúa.Thánh Phaolô viết: “Quả
vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được, nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng
vĩnh cửu và thần tính của Ngài, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn
con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Ngài”(Rm 1,20).
Sách Giáo Lý Hội
Thánh Công Giáo viết: “Chúng ta có thể thật sự nói về Thiên Chúa, dựa
vào những nét hoàn hảo thiên hình vạn trạng của các thụ tạo, phần nào giống Thiên
Chúa toàn hảo vô biên, cho dù ngôn ngữ có hạn của chúng ta không tài nào diễn tả
hết mầu nhiệm được” (Số 48).
Niềm tin của các
Kitô hữu gốc Do thái là Thiên Chúa đã nói với chúng ta về chính Ngài. Ngài đã làm
điều này bằng nhiều cách, đặc biệt qua lịch sử dân Israel thời Cựu Ước. Chẳng hạn,
hơn ba ngàn năm trước, Ngài đã mạc khải cho Môsê rằng Ngài là Thiên Chúa hằng sống
(x. Xh 3,2-6.13-14).
Những người được
Thiên Chúa mạc khải cho thường có cảm giác sợ hãi, ngạc nhiên và đã hạ mình sát
đất để thờ lạy Chúa. Ngôn sứ Isaia đã cố gắng mô tả kinh nghiệm của mình về Thiên
Chúa (x. Is6,1-7). Kinh nghiệm của Môsê có vẻ cổ điển nhưng rất gây ấn tượng (x.
Xh 33,18-23).
Thiên Chúa yêu từng
người một dù tin hay không tin. Ngài tỏ ra Ngài là một Thiên Chúa tốt lành, kiên
nhẫn và thành tín. Người Do thái thời Cựu Ước thừa nhận điều đó khi so sánh Ngài
với người mục tử săn sóc con chiên bị thương tích,với vị vua tốt lành, với người
cha yêu thương con cái, với một người mẹ: “Mẹ
nào lại quên con đẻ của mình hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau
cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15).
Thiên Chúa có một
người Con là Chúa Giêsu Kitô. Người Con của Ngài đã làm người và ở giữa chúng
ta.Chính Người Con này cho chúng ta biết về Cha của Người: “Thuở xưa nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa
đã phải phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này,
Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua người Con”(Dt 1,1-2)
Chúa Giêsu dạy chúng
ta gọi Thiên Chúa là Cha. Ngài là người cha không những đã ban cho chúng ta sự
sống mà còn yêu từng người chúng ta với một tình yêu không giới hạn, săn sóc chúng
ta từng ngày và muốn chúng ta sống hạnh phúc với Ngài mãi mãi. Ngài là người
Cha giàu lòng thương xót, sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho chúng ta như chúng ta sẵn
sàng tha thứ cho người khác. Kinh lạy cha mà Chúa Giêsu dạy chúng ta đã diễn ta
điều đó.
Thiên Chúa mạc khải
Ngài như một gia đình yêu thương của Ba Ngôi. Thiên Chúa không chỉ là Ngôi Cha
mà còn là Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Chúng ta có tương quan đặc biệt với mỗi
Ngôi. Gia đình Ba Ngôi luôn lôi kéo chúng ta gia nhập vào để chia sẻ tình yêu và
hạnh phúc của gia đình Ba Ngôi.
Thiên Chúa tôn trọng
tự do, phẩm giá và cá vị của từng người chúng ta, vì Ngài yêu thương từng người
chúng ta. Mặc dù nhiều người chưa biết điều đó, nhưng Thiên Chúa đi vào tương
quan “Cha-Con,Anh-Tôi” mật thiết với từng người. Ngài gọi mỗi người bằng tên riêng
của mình. Thay vì hòa tan chúng ta trong Ngài, Thiên Chúa của mạc khải lại làm
cho mỗi người có khả năng phát triển tối đa ngay cả khi Ngài kết hợp với chúng
ta cách mật thiết nhất.
Chúng ta chưa hiểu
được làm thế nào mà chiến tranh, tội ác và các bất công trong lịch sử loài người
lại là một phần của chương trình chia sẻ tình yêu và hạnh phúc của Thiên Chúa với
chúng ta, vì cái nhìn của chúng ta có giới hạn, chỉ nhìn được một khoảnh khắc của
cuộc sống.Hiện nay,chúng ta có thể hiểu đôi chút khi nhìn lên Thập Giá. Sau này
chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của đau khổ, khi chúng ta nhìn thấy Ngài và công
trình viõ đại của Ngài dành cho chúng ta.
Tuy dù chúng ta biết
rằng Thiên Chúa là Đấng chúng ta có thể gặp gỡ vì đang hiện diện giữa chúng ta,
nhưng chúng ta không biết rõ Ngài, chúng ta tìm kiếm Ngài và cố gắng dùng những
từ ngữ nghèo nàn của con người để nói về Ngài, nhưng Ngài là “Đấng hoàn toàn khác”
và tất cả những suy diễn của chúng ta cuối cùng phải chấm dứt trong sự vô tri
kính sợ. Ngài luôn là một Thiên Chúa ẩn
dấu.
“Ôi thẳm sâu thay sự giầu có, khôn ngoan, thượng
trí của Thiên Chúa!những phán quyết của Ngài vô thương dò thấu, đường lối của
Ngài không kế dõi theo” (Rm 11,33).
IV.ÁP DỤNG VÀO CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY
CẦU NGUYỆN : CUỘC GẶP GỠ CỦA TA VỚI CHÚA.
Để nhận biết Thiên Chúa
như Ngài là và để cảm nghiệm tình yêu của Ngài đối với chúng ta thì điều tuyệt đối
cần thiết là cố gắng gặp gỡ Ngài, đó là cầu nguyện.
1.
Mỗi người cần phải cầu nguyện
Mỗi người phải tạo
cho mình thói quen gặp gỡ Thiên Chúa. Chúng ta đã nghe nói nhiều về Thiên Chúa,
nhưng chúng ta sẽ chẳng bao giờ thực sự nhận biết Ngài nếu như chúng ta không gặp
gỡ Ngài.
Giống như chỉ có người
đang yêu mới cảm nghiệm được tình yêu thì chúng ta cũng chỉ cảm nghiệm được
tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta khi chính chúng ta gặp gỡ Ngài. Nếu chúng ta
cứ ở xa Ngài, chờ Ngài đến với mình mà không cố gắng đến với Ngài thì chẳng bao
giờ nhận biết Ngài.
2.
Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa.
Qua cầu nguyện, một
cái gì đó ở bên ngoài ta sẽ trở nên gần gũi, thân quen. Chúng ta sẽ chẳng bao
giờ nhận biết Thiên Chúa nếu chúng ta không cầu nguyện. Khi chúng ta không cầu
nguyện, “thế giới sẽ trở thành nhà tù”.
Thiên Chúa yêu chúng
ta và tôn trọng tự do của chúng ta. Ngài mong muốn tình yêu trưởng thành của chúng
ta. Ngài không bao giờ áp lực chúng ta. Chúng ta phải cố gắng vươn tới Ngài cách
tự do qua cầu nguyện.
3.
Lý do cầu nguyện.
Cầu nguyện không
phải là kể cho Thiên Chúa nghe điều gì Ngài không biết, cũng không phải là để
Ngài thay đổi ý định. Chính xác hơn, cầu nguyện làm cho chúng ta nhận biết Thiên
Chúa, khai mở tâm hồn để đón nhận tình yêu của Ngài. Cầu nguyện làm chúng ta thừa
nhận sự tùy thuộc hoàn toàn của chúng ta vào Ngài,nhu cầu cần Ngài của chúng
ta. Cầu nguyện giúp chúng ta gắn bó với Ngài, luôn hướng về Ngài. Cầu nguyện giúp
chúng ta thừa nhận rằng chúng ta cần phải có một quyền năng vĩ đại để cải thiện
thân phận con người chúng ta trở nên tốt hơn. Khi cầu nguyện, những biến cố trong đời sống, niềm vui, nỗi buồn cũng
như những cơn hấp hối bắt đầu có ý nghĩa.
4.
Thiên Chúa luôn đáp trả lời cầu xin chân thành nhưng không luôn luôn
theo cách chúng ta mong đợi.
Chúng ta có khuynh
hướng phàn nàn khi những lời cầu xin của chúng ta không được đáp trả. Chúng ta
hãy bình tĩnh xét lại xem những lời cầu xin của mình có làm hại mình không nếu được
nhận lời hoặc với sự cố gắng hết mình, mình có thể tự mình làm được không. Thiên
Chúa luôn đáp trả lời cầu xin của chúng ta một cách có lợi cho chúng ta nhất, đôi
khi cách này không theo cách chúng ta mong muốn. Chúa Giêsu đã nói về vấn đề này
như sau:
“Ai trong anh em là một người cha, mà khi con
xin cá lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng mà lại cho nó con bọ
cạp? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt
lành, phương chi Cha trên trời, Ngài sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Ngài”(Lc
11,11-13).
5.
Chúng ta cầu nguyện cho chính chúng ta và cho người khác nữa, kể cả
kẻ thù.
Cầu xin cho nhu cầu
của mình không phải là ích kỷ, ngược lại đó là sự thừa nhận nhưng thiếu thốn của
chúng ta. Cầu nguyện cho người khác giúp họ mở lòng ra trước tình yêu của Chúa
và của chúng ta đồng thời giúp chúng ta mở lòng ra với họ.
6.
Cách thế cầu nguyện với Chúa.
Chúng ta có thể nói
chuyện cách đơn giản như với một người bạn tốt, như với một người cha thân thương
của chúng ta. Lời cầu nguyện tốt nhất phải phát xuất từ trái tim chúng ta, bằng
chính những từ ngữ của chúng ta. Nếu muốn, chúng ta có thể dùng các lời nguyện
dọn sẵn hoặc chúng ta không nói gì cả, chỉ cần ở dưới sự hiện diện của Chúa,
nghĩ tưởng về Ngài, về chính mình, về những người thân.
7.
Cầu nguyện ở đâu và khi nào
Chúng ta có thể cầu
nguyện bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào. Nhưng tốt hơn là dành một thời gian đặc
biệt, có lẽ là buổi sáng và buổi tối, ở
một nơi riêng biệt, tránh nơi ồn ào. (x. Mc1,35;6,46).
8. Chúng
ta không cần nói nhiều.
Chúa Giêsu cảnh báo
chúng ta đừng bắt chước những kẻ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời (x.Mt
6,8). Sách Kinh Thánh là lương thực cho việc cầu nguyện. Người ta thường cảm thấy khó cầu nguyện vì họ
biết rất ít về Thiên Chúa, về các hoạt động và giáo huấn của Ngài.
9.
Có thể gặp khó khăn khi cầu nguyện.
Đôi khi chúng ta cảm
thấy khó cầu nguyện, nhưng cố gắng cầu nguyện đã là cầu nguyện rồi. Có người cảm
thấy không thể tự mình cầu nguyện được khi cố gắng cầu nguyện lần đầu tiên. Những
thắc mắc nghi vấn xảy ra: Tôi sẽ phải cầu nguyện như thế nào? Có được ai nghe
không? Giai đoạn khởi đầu luôn có khó khăn, nhưng chúng ta phải cố gắng và sẵn
sàng mạo hiểm.
Nếu chúng ta kiên trì, có thể chậm chạp
và đau đớn, chúng ta sẽ cầu nguyện được. Chúng ta sẽ cảm nhận có “một Đấng nào đó”,
Đấng mà chúng ta mong được tiếp xúc, được hiểu biết,được giúp đỡ và sung sướng phó
dâng đời mình cho Ngài. Khi đó tương quan tình yêu giữa Chúa và chúng ta đang lớn
lên.
TÓM LƯỢC
(Trích Bản Toát Yếu
Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo)
1.H.Tại sao con người khao khát Thiên Chúa?
T. Khi tạo dựng con người
theo hình ảnh mình,chính Thiên Chúa đã khắc ghi vào trong tâm hồn họ sự khao khát
nhìn thấy Ngài.Cả khi họ không nhận ra sự khao khát này,Thiên Chúa vẫn không ngừng
lôi kéo họ đến với mình,vì chỉ nơi Thiên Chúa,họ mới sống và tìm được chân lý và
hạnh phúc viên mãn mà họ luôn tìm kiếm.Vì vậy tự bản chất và do ơn gọi của
mình,con người là một hữu thể tôn giáo,có khả năng bước vào sự hiệp thông với
Thiên Chúa.Mối liên hệ mật thiết và sống động này với Thiên Chúa đem lại cho
con người phẩm giá căn bản của mình.
2. H. Với ánh sáng tự nhiên của lý trí,con người có thể nhận biết
Thiên Chúa không?
T. Khởi từ công trình tạo
dựng,nghĩa là từ thế giới vật chất và con người,con người có thể chỉ dùng lý
trí cũng nhận biết cách chắc chắn có Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của vũ
trụ,là sự thiện hảo tuyệt đối,là chân lý và vẻ đẹp vô cùng vô tận.
3. H. Chỉ với ánh sáng tự nhiên của lý trí,con người có đủ khả năng
để nhận biết mầu nhiệm của Thiên Chúa hay không?
T. Chỉ với ánh sáng của lý
trí,con người sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận biết Thiên Chúa.Hơn nữa,tự
mình con người không thể nào bước vào mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa.Vì thế,Thiên
Chúa đã muốn soi dẫn con người bằng cách mạc khải cho họ,không những về những
gì vượt quá sự hiểu biết nhân loại,mà cả về những chân lý tôn giáo và luân lý,tự
chúng vốn không vượt quá khả năng của lý trí,để mọi người trong tình trạng hiện
thời của nhân loại có thể biết được một cách dễ dàng,chắc chắn và không sai lầm.
4. H. Chúng ta có thể nói về Thiên Chúa thế nào?
T. Chúng ta có thể nói về
Thiên Chúa cho tất cả mọi người,khởi đi từ những nét hoàn hảo của con người và
của những thụ tạo khác,đó là một phản ảnh,dù rất hạn hẹp,về sự hoàn hảo vô tận
của Thiên Chúa.Tuy nhiên,chúng ta phải không ngừng thanh luyện ngôn ngữ của chúng
ta vì nó bất toàn và bị lệ thuộc vào hình ảnh,phải ý thức rằng chúng ta không
bao giờ có thể diễn tả đầy đủ mầu nhiệm vô tận của Thiên Chúa.
CÂU HỎI ĐỂ SUY NGHĨ VÀ THẢO
LUẬN
Thiên Chúa vốn tốt lành,
tại sao Ngài cho phép xảy ra nhiều sự dữ thế?