CHƯƠNG IV
TỘI LỖI
“Được Thiên Chúa đặt trong tình
trạng thánh thiện, ngay từ phút đầu của lịch sử, con người nghe theo thần dữ nên
đã lạm dụng tự do của mình khi nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu
cánh của mình ngoài Thiên Chúa” (HCMV 13,1; GLHTCG 415).
Chương trình của Thiên
Chúa dành cho chúng ta là gì? Chúng ta đã đáp lại chương trình đó như thế nào?
Tại sao chúng ta bị tội lỗi và những hành vi xấu lôi cuốn? Thiên Chúa đã làm gì
để chúng ta vượt qua những yếu đuối đó?
I. QUÀ TẶNG CỦA THIÊN CHÚA BAN CHO CON NGƯỜI
Một người đang yêu muốn chia sẻ hạnh phúc của
mình với người mình yêu. Một chàng đang yêu một nàng mong muốn được ở với nàng để làm cho nàng hạnh phúc. Cũng vậy, Thiên Chúa
yêu chúng ta, Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc với Ngài mãi mãi trên trời.
Nhưng kinh nghiệm cho thấy
dường như chúng ta không thể dành một khoảnh khắc ngắn ngủi trước sự hiện diện
của Thiên Chúa để nói chuyện với Ngài, để yêu Ngài. Vì thế, Ngài đã có sáng kiến
giúp chúng ta sống và yêu mến Ngài mãi mãi là ban cho chúng ta một món quà lớn
lao.Chúa Giêsu Kitô đã mô tả món quà đó khi nói về “kho tàng ẩn dấu” và “viên
ngọc quý” đến nỗi có một người đã bán tất cả những gì ông ta có để mua được nó
(x. Mt 13,44-46). Kho tàng ẩn dấu đó, viên ngọc quý đó, chính là ơn thánh hóa.
a. Ơn thánh hóa là
sự sống và tình yêu của Thiên Chúa ở trong chúng ta
Ơn thánh hóa là
cách thế Thiên Chúa sống trong chúng ta, tạo mối tương quan thân tình và cá vị
với chúng ta. Chính Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tình bạn, tình yêu, tất cả sự
sống của Ngài.
Thánh hóa có
nghĩa là làm cho trở thành thánh hay làm cho trở nên giống Thiên Chúa. Thiên Chúa
ban ơn thánh hóa cho chúng ta để chúng ta trở nên giống Ngài.
Ơn sủng này là
một quà tặng vì chúng ta không có quyền và cũng chẳng có công trạng gì để có ơn
đó.
Để hiểu điều này, chúng ta hãy quan sát các tương
quan cá nhân của chúng ta với những người khác. Chúng ta có mối sơ giao với một
vài người, quen biết thân tình hơn với vài người khác, có mối thân giao với vài
người khác nữa như người yêu, bạn bè, đặc biệt giữa cha mẹ và con cái. Người mẹ
thông truyền sự sống cho đứa con trọng bụng mình. Ngày nay chúng ta nghe nói tới hai mối tương giao: tương giao “Tôi – cái
đó” và “Tôi - Anh”. Nhờ ơn thánh hóa chúng ta sống mối tương quan sâu xa nhất “Tôi
- Anh” với Thiên Chúa vô hạn.
b.Ơn thánh hóa là mối
tương quan gần gũi nhất giữa Thiên Chúa và con người
Với ơn thánh hóa,
Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống của Ngài, không chỉ là sự sống tự nhiên mà
còn là trọn vẹn sự sống đời đời của Ngài.
Một nhà triệu phú
nhận một em bé trong viện mồ côi làm con nuôi là một điều họa hiếm. Nhưng nhờ ơn
thánh hóa, Thiên Chúa vô hạn nhận chúng ta làm con để sống với Ngài, chia sẻ sự
giầu có và sự sống vĩnh cửu của Ngài.“Anh
em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào đến nỗi chúng ta được gọi là con Thiên
Chúa mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1Ga3,1; x. Gl4,7).
Chúng ta được
sinh vào đời sống mới (x. Ga 3,5) và có mối tương quan hoàn toàn với Thiên Chúa,
tương quan Cha-Con (x.Rm 8,14-7). Chúng ta là tạo vật mới (x.2Cr5,17).
Đời sống mới này gọi
là đời sống siêu nhiên. Đời sống siêu nhiên này là chia sẻ đời sống của Thiên
Chúa, đời sống trên trời. Nhờ ơn thánh hóa, chúng ta thật sự bắt đầu đời sống
trên trời ngay trên mặt đất này qua việc nhận biết, yêu mến Thiên Chúa và được
Ngài yêu thương.
Đây là một tình yêu sống động, một mối tương
giao thân tình đang lớn lên. Tình yêu Thiên Chúa luôn thúc bách chúng ta. Chúng
ta hoặc lớn lên trong tình yêu hoặc sẽ chết.
Bình thường chúng
ta không cảm thấy đời sống này trong chúng ta. Nhưng chúng ta hãy tin tưởng rằng
Đức Kitô sẽ ban cho chúng ta các cách thế để biết chắc chắn có sự hiện diện của
đời sống này.
Tình yêu cá vị này
của Thiên Chúa với mỗi người chúng ta được biểu lộ qua nhiều cách thế:
- Thiên Chúa luôn chiếu cố đến tôi và khao khát
tôi thông hiệp với Ngài.
- Với lòng thương xót, Thiên Chúa luôn tha thứ
cho tôi.
- Với sự quan phòng, Thiên Chúa không ngừng làm
những điều tốt lành cho tôi.
- Thiên Chúa luôn trung tín với tôi, dù tôi đối
xử với Ngài thế nào, ngoại trừ tôi từ bỏ Ngài hoàn toàn. Mặc dù thế, Ngài vẫn
muốn đến với tôi.
Có lẽ
chúng ta đã có kinh nghiệm về tình yêu giữa người với người có thể biến đổi một
người như thế nào. Thông thường đời sống của một người thành công hay thất bại
là do người đó có được yêu mến hay không. Một trong những đặc tính của tình yêu
là phát triển, nên, với tình yêu, một người có thể được nâng cao vượt quá con
người tự nhiên của anh ta qua việc anh ta học được càng ngày càng nhiều đức
tính của bạn bè hay của người yêu.
Nếu tình yêu của
con người có thể thay đổi ai đó thì chúng ta có thể nghĩ rằng tình yêu vô hạn của
Thiên Chúa sẽ biến đổi chúng ta. Bất hạnh là chúng ta ít ý thức điều này vì nó
vượt trên sự hiểu biết của chúng ta. Nếu chúng ta nhìn một lò phản ứng nguyên tử
, khi không có dụng cụ bảo vệ đôi mắt, đôi mắt của chúng ta có thể bị mù do phóng
xạ. Cũng vậy, nếu một người được ơn nhìn thấy Thiên Chúa như Ngài là, người đó
sẽ rơi vào trạng thái xuất thần.
Ơn hiện sủng ban
cho chúng ta sức mạnh biến đổi mọi sự chúng ta làm thành hạnh phúc đời đời cho
chính mình và cho người khác nữa. Ơn hiện sủng làm chúng ta lớn lên, phát triển
lên,khi ban cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa vượt trên những ước mơ của chúng
ta và khi làm cho chúng ta có khả năng chia sẻ sự sống ấy cho những người khác.
Cũng tựa như khi mọi sự chúng ta sờ vào sẽ biến thành vàng thì nhờ ơn hiện sủng
chúng ta có thể biến đổi những gì chúng ta đụng chạm tới thành hạnh phúc vô tận
cho mọi người.
Theo chương trình
của Thiên Chúa, Ngài sẽ ban cho chúng ta ơn hiện sủng này để lớn lên, phát triển
và ở với Ngài mãi mãi qua con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô . Nhưng chúng ta lại
quá yếu đuối, nên giờ đây chương trình của Thiên Chúa lại phải lưu ý tới sự do
dự và khả năng từ chối của chúng ta trước tình yêu vô hạn của Ngài.
II. CON NGƯỜI TỪ CHỐI TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA
Khi đối diện với
chính mình, mỗi người sẽ nhận ra những lầm lỗi của mình. Tất cả chúng ta thường
bị tội lỗi kéo vào những hành vi làm tổn thương chính mình và những người khác,
ngay cả những người chúng ta yêu mến, khiến chúng ta sẽ phải hối hận. Đó là tội
lỗi.
Người Do thái xưa
cũng đã nhận thấy mọi người đều là tội nhân. Nhưng nếu như dân ngoại đồng thời
với họ thường nghĩ rằng các thần minh là những vị dữ tợn, độc đoán, hay ghen với
con người, thì,ngược lại, họ không cho rằng, Thiên Chúa đã sáng tạo loài người
trong một tình trạng tội lỗi và bất hạnh như thế vì Mạc khải cho biết Thiên Chúa
là Đấng tốt lành và luôn yêu thương.
- Câu chuyện về nguồn gốc của tội lỗi
Tác giả Thánh Kinh nhìn lại nguồn gốc của dòng
giống con người và viết ra câu chuyện con người đầu tiên đã phạm tội ngay từ
ban đầu như thế nào. Câu chuyện này được ghi trong chương 3 sách Sáng thế.
Hai con người đầu tiên được Thiên Chúa đưa vào
sống trong vườn địa đàng, có quyền năng trên các tạo vật khác. Người đàn ông và
người đàn bà đầu tiên này đã kết hợp với nhau rất thân tình, trở thành “một xương,
một thịt”. Đôi vợ chồng đầu tiên vốn trần
truồng mà không cảm thấy xấu hổ, họ hoàn toàn tin tưởng nhau và kính trọng
nhau. Họ cũng là bạn hữu thân tình của Thiên Chúa.
Rồi thảm kịch đã xảy ra
…
Đôi vợ chồng đầu tiên đã chọn con đường sống
theo ý mình thay vì con đường Thiên Chúa đã vạch ra cho họ. Họ đã coi mình là
Thiên Chúa dựa vào sức mạnh loài người của mình.
- Giải thích:
Câu chuyện này là một biểu tượng, vì thế những
chi tiết tỉ mỉ không quan trọng. Chúng ta không biết chính xác hành vi phạm tội
đầu tiên của con người là gì. Con rắn là biểu tượng cho thần dữ hay ma quỷ ở bên
ngoài con người. Ăn trái cây bị cấm có nghĩa là con người chọn con đường sống theo
ý mình thay vì chọn con đường Chúa đã chỉ cho. Hậu quả của tội mà hai ông bà phải
chịu được minh chứng qua kinh nghiệm của những ai đã làm những điều sai lỗi trầm
trọng.
Qua câu chuyện này, phải chăng Thiên Chúa muốn
mạc khải điều gì? Ngài muốn cho ta biết Ngài ban tự do cho con người. Ông bà
Adam- Eva và chúng ta có tự do đích thực.
Phải chăng con người đầu tiên được tạo dựng trong một tình trạng ơn sủng và hạnh
phúc hoàn toàn trước khi sa ngã? Đây đã là quan điểm truyền thống, nhưng ngày
nay, một số các nhà chú giải Thánh Kinh
hiểu rằng câu chuyện vườn địa đàng hướng tới một tương lai tròn đầy trong Đức
Kitô .
Tội lỗi để lại nhiều hậu quả:
- Hậu quả đầu tiên
là người đàn ông và người đàn bà đầu tiên không còn là bạn hữu thân giao với
Thiên Chúa nữa. Sau khi phạm tội, hai ông bà đã trốn tránh Thiên Chúa và bị đuổi
ra khỏi vườn địa đàng.
- Hậu quả thứ hai
là hai người đánh mất niềm tin lẫn nhau
và rất khó hiệp nhất với nhau.
- Hậu quả thứ ba là
việc lao động kiếm sống của người đàn ông và việc sinh con cái của người đàn bà
trở nên khó khăn và đầy lo lắng.
- Hậu quả thứ tư là
việc đấu tranh chống lại sự dữ trở nên khó khăn.
- Hậu quả tai hại
nhất là sự chết. Sự chết là một kinh nghiệm đau đớn nhất và ác độc nhất.
Câu chuyện về nguồn
gốc của tội lỗi cho thấy nguyên nhân của tội lỗi là kiêu ngạo, đặt ý mình lên
trên ý Thiên Chúa. Sau hành vi phạm tội, chúng ta thường cảm thấy xấu hổ, nhưng
với câu chuyện trên, chúng ta thấy Thiên Chúa lại đi tìm chúng ta qua lương tâm
cắn rứt của chúng ta. Chúng ta phải chịu hậu quả của tội mình nhưng Thiên Chúa
lại luôn muốn ban cho chúng ta một khởi đầu mới khi hứa rằng chúng ta có thể
chiến thắng “con rắn” với sự giúp đỡ của Ngài.
Tại sao Thiên Chúa đã
để con người phạm tội? Tại sao Ngài không tạo dựng chúng ta thành một thọ tạo
không thể phạm tội?
Hiện nay, chúng ta chưa có câu trả lời đầy đủ,
nhưng với việc loại suy từ tình yêu của con người, chúng ta thấy rằng chúng ta
chỉ có thể vui hưởng phần thưởng tình yêu của Thiên Chúa khi chúng ta tự nguyện
chu toàn phần việc của mình.
Hơn nữa, sau khi ông
bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã tha thứ cho ông bà qua lời hứa ban Đấng cứu
độ (St 3,15). Sự tha thứ này cho ta thấy Thiên Chúa là tình yêu, yêu thương đến
vô hạn và là Đấng luôn lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Vì thế, tội lỗi lại góp phần
minh chứng tình yêu lớn lao của Thiên Chúa và đó là niềm an ủi của chúng ta, “Ôi
tội hồng phúc!” (Xem bài ca Phục sinh “Exultet”). Tình yêu khôn tả của Thiên Chúa
muốn nâng chúng ta lên với Ngài. Trước tình yêu này, bổn phận của chúng ta là đáp
trả qua việc sống theo chương trình của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Như thế, việc Thiên Chúa cho phép sự bất tuân xảy
ra là muốn minh chứng rằng Ngài tôn trọng tự do, phẩm giá và vẻ đáng yêu của chúng
ta. Chúng ta sẽ thắc mắc tại sao chúng ta đã từ chối, phản bội Ngài mà Ngài vẫn
tôn trọng chúng ta. Chúng ta hãy nhớ rằng ngay cả khi chúng ta không tôn trọng
chính mình, Thiên Chúa vẫn tôn trọng chúng ta.
Khi loài người phát
triển thêm đông, loài người vẫn tiếp tục phạm tội và mỗi thế hệ bị ảnh hưởng tội
lỗi của tổ tiên mình.
- Cain giết Abel: câu chuyện này cho thấy con
người đã trở nên xấu xa như thế nào (x. St 4,1-18). Ích kỷ, vụ lợi là tội nền tảng
trong mối tương quan giữa con người với nhau. “Tôi là người canh giữ em tôi
sao?” sẽ là một âm thanh quen thuộc đối với mỗi người chúng ta.
- Hồng thủy và cầu vồng Noe (St 6-9) lại là một
câu chuyện biểu tượng nữa cho thấy tội lỗi lan tràn , đồng thời cho thấy Thiên
Chúa tiếp tục chúc phúc cho những ai luôn tuân phục Ngài. Sau trận lụt, tuổi tác
con người giảm đi, đây là một kiểu nói văn chương cổ cho thấy sự sa đọa gia tăng.
- Tháp Babel (St 11,1-9) cũng là một câu chuyện
biểu tượng khác nữa cho thấy con người đã thách thức Thiên Chúa, kiêu ngạo muốn
là Thiên Chúa. Hậu quả là con người đã chia rẽ nhau và để lại các hậu quả tai hại
khác cho các thế hệ tương lai.
Thời gian qua đi, tội của
Adam - Eva tiếp tục gia tăng.
Tất cả chúng ta phải chịu ảnh hưởng của tội
nguyên tổ cộng với vô số tội lỗi chồng chất của tổ tiên. Mỗi chúng ta cũng đã
thêm vào tội lỗi chung của nhân loại này bằng các tội riêng của mình.
Giống như các yếu tố thể lý của cha mẹ
và môi trường xã hội di truyền cho một em nhỏ thì mỗi người chúng ta ngay từ
trong bào thai đã lớn lên trong một môi trường tội lỗi. Chúng ta biết có hành
vi yêu thương nhưng cũng có hành vi không yêu thương.Chúng ta đón nhận cách vô ý
thức những thái độ yêu thương, không yêu thương,các bậc thang giá trị của xã hội
chúng ta,chẳng hạn như quan niệm cho tiền bạc và thành công vật chất là mục đích
quan trọng của đời người.
Như thế,mọi người đều
liên lụy với tội Adam. Tội của Adam cũng là tội của chúng ta vì nó đã truyền lại
cho chúng ta qua sinh sản. Tuy nó là tội theo nghĩa loại suy,nghĩa là một tội
con người bị nhiễm chứ không phải đã phạm, một tình trạng chứ không phải một hành
vi, nhưng nó là thực, lý do là vì nó mà chúng ta phải xa Thiên Chúa,xa người khác
và làm chúng ta dễ hướng chiều về tội.
Từ tội của Adam,
chúng ta học được bài học khiêm nhường để nhận biết thực trạng của mình: yếu đuối
và giới hạn. Nguyên nhân của tội đầu tiên và mọi tội sau này là kiêu ngạo : không
chống nổi cám dỗ “Bạn sẽ trở nên giống Thiên Chúa”.Đó chính là vật cản lớn nhất
cho tình yêu Thiên Chúa đến với chúng ta.
III. ĐỐI DIỆN VỚI TỘI LỖI CỦA CHÚNG TA
Từ câu
chuyện về tội lỗi này, chúng ta nhận thấy tội lỗi chính là từ chối tình yêu của
Thiên Chúa và không yêu thương đồng loại. Tội là không để cho Thiên Chúa yêu
mình. Tội của Adam là nguyên mẫu: tình yêu Thiên Chúa bao bọc chúng ta, phạm tội
là trốn tránh Ngài, quay lưng lại với sự săn sóc của Ngài. Khi quay lưng lại với
Thiên Chúa chúng ta cũng quay lưng lại với đồng loại của mình. Khi chọn con đường
sống theo ý mình, không chọn con đường sống theo ý Chúa, chúng ta cũng quay lưng
lại với chính chúng ta.
Mỗi người đều có lương
tâm và dựa vào lương tâm để phân biệt phải trái. Trong các phán đoán của chúng
ta , có những phán đoán tốt chúng ta nên làm, nhưng cũng có những phán đoán sai
chúng ta phải tránh.
Lương tâm là trung
tâm nhận biết sâu xa nhất của chúng ta, nơi Thiên Chúa hướng dẫn ta nhận biết
Ngài và người khác. Đó là nơi Thiên Chúa khai mở nhận thức của chúng ta để nhìn
thấy chính chúng ta trong tương quan với người khác, những nhu cầu của người khác,
bổn phận yêu thương của chúng ta đối với người khác. Chúng ta càng để cho Thiên
Chúa đi vào đời mình thì càng có một lương tâm đúng, càng dễ nhậy cảm với người
khác, với phẩm giá, nhu cầu và hi vọng của họ hơn.
Lương tâm chúng ta phải được Thiên Chúa hướng
dẫn và rèn luyện. Chỉ mình Thiên Chúa mới có sự khôn ngoan tuyệt đối và biết cái
gì đúng sai. Mỗi khi chúng ta phạm một tội nào đó thì trong chúng ta hình thành
một cảm giác tội lỗi, chúng ta phải điều tra, phải chắc chắn rằng lương tâm
mình phù hợp với chương trình tình yêu của Thiên Chúa, có những hướng dẫn luân
lý cụ thể phù hợp với giáo huấn của Đức Kitô.
Như chúng ta đã biết
tội là từ chối tình yêu của Thiên Chúa và đồng loại. Tất cả các giới luật chỉ đơn
giản là sống yêu thương.
Chúng ta phạm tội nặng khi cố ý khước từ tình
yêu của Thiên Chúa và tách mình ra khỏi ơn hiện sủng của Thiên Chúa. Dĩ nhiên là
chúng ta phải tránh mọi tội lỗi, nhưng đặc biệt phải cố tránh các tội nặng vì mỗi
việc chúng ta làm trong tình trạng tội nặng đều vô ích, không có kết quả. Chỉ
khi nào chúng ta thành thật ăn năn và được tha thứ, chúng ta mới có thể vui hưởng
tình yêu và ơn sủng của Ngài trở lại.
Những tội sau đây
là tội nặng chống lại tình yêu: cố ý từ chối nhận biết Thiên Chúa và cầu nguyện
– xúc phạm nghiêm trọng đến người khác, từ chối giúp đỡ người khác trong những
nhu cầu khẩn thiết – phạm tội cách nghiêm trọng về giới răn thứ 6 và thứ 9 – gương
xấu- trộm cắp – say sưa - từ chối dùng tài năng – có định kiến hoặc phân biệt đối
xử chống lại người khác.
- Ngăn cản ta đến với Chúa
Mỗi tội của chúng
ta đặc biệt là tội nặng làm chúng ta khó nhận biết chân lý của Thiên Chúa và sống
theo chân lý đó. Những người sống vô luân cách trầm trọng là những người ưu tiên
đi tìm thú vui, của cải, quyền lực sẽ không bao giờ có thể chấp nhận giáo huấn
của Chúa. Với những người phạm tội không cố ý thì ngay cả những tội vô ý đó cũng
làm cho họ khó chấp nhận và sống các giáo huấn của Chúa.
- Ngăn cản ta đến với người khác
Mỗi tội chúng ta thêm vào gánh nặng tội lỗi của
cả thế giới và ngăn chặn tình yêu của Thiên Chúa đổ xuống trên người khác. Mỗi
tội làm cho chúng ta xa cách người khác và công việc gieo vãi tình yêu và hạnh
phúc của chúng ta bị thất bại.
IV. TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA LUÔN LỚN HƠN TỘI LỖI CỦA CHÚNG TA
Giả sử chúng ta có những
người hàng xóm khước từ sự giúp đỡ, tình bạn của chúng ta và luôn xỉ nhục chúng
ta, con cái họ phá hoại của cải của chúng ta và lừa dối chúng ta, liệu chúng ta
chịu đựng họ được bao lâu?
Trái lại, mặc dù con
người vẫn tiếp tục phạm tội chống lại Thiên Chúa, nhưng Ngài không bỏ mặc con
người. Chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ tiêu diệt loài người , khi thấy tội lỗi
của con người càng ngày càng chồng chất như gây chiến tranh, các tội ác, các bất
công dã man gây đau khổ cho người khác. Nhưng Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối
và giàu lòng thương xót, Ngài đã không làm
như thế.
Thiên Chúa đã dùng
tội lỗi của loài người để minh chứng tình yêu luôn lớn hơn tội lỗi của Ngài.Ngài
đã hứa sẽ cứu chúng ta khi lên án con rắn. Sẽ có một cuộc chiến trường kỳ với tội
ác và nó có thể làm tổn thương chúng ta, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng
nhờ dòng dõi người phụ nữ: “Ta sẽ gây mối
thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng dõi mi và dòng dõi người ấy; dòng dõi đó
sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó”(St 3,15).
Vì tội lỗi của chúng ta, Thiên Chúa đã
sai người Con Một của Ngài là Chúa Giêsu Kitô đến thế gian để ban ân sủng và
tình yêu không giới hạn của Ngài cho chúng ta. Đức Kitô, dòng dõi người phụ nữ
sẽ tiêu diệt sức mạnh của sự dữ và ban tràn ngập ân sủng cho chúng ta. Đó là lý
do tại sao mỗi năm, trong đêm vọng phục sinh, Hội Thánh thường nói về tội lỗi của
Adam như sau: “Ôi tội hồng phúc vì nhờ ngươi
chúng ta có Đấng Cứu thế” (Bài ca Exsultet). Quả thật, tình yêu của Thiên
Chúa luôn lớn hơn tội lỗi của chúng ta.
V.TRONG PHỤNG VỤ
Các bản văn của Thánh
lễ đầy những ám chỉ về tội lỗi của chúng ta và sự cần thiết của ân sủng: “Tôi
thú nhận cùng Thiên Chúa – lạy Chúa xin thương xót chúng con – xin tha nợ chúng
con – lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con …”
VI. ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
Luôn
cầu xin Thiên Chúa giúp đỡ
1.Vì yếu đuối và hay
nghiêng chiều về tội lỗi, nên chúng ta luôn cần đến sự giúp đỡ của Thiên Chúa.
Qua ân sủng của Ngài, Ngài luôn thúc đẩy, nhắc nhở chúng ta biết điều phải làm
và giúp chúng ta làm điều đó. Sự giúp đỡ thường xuyên này gọi là ơn hiện sủng.
2.Ơn hiện sủng thúc đẩy
chúng ta là điều tốt, tránh điều xấu. Nếu chúng ta nhậy cảm với ân sủng, chúng
ta sẽ nhận ra vô số các hoạt động của ơn hiện sủng. Chẳng hạn, ơn hiện sủng làm
ta nhận ra sự hiện diện của Chúa, nhắc nhở chúng ta làm những hành vi tốt, thúc
giục chúng ta cầu nguyện, giúp đỡ người khác,giúp ta tránh các tội lỗi, soi sáng
ta chấp nhận sự thật về Thiên Chúa và về chính mình.
3.Mỗi tư tưởng, hoạt
động tốt của chúng ta được bắt đầu và nâng đỡ nhờ ơn hiện sủng của Thiên Chúa.
Chúng ta không thể làm việc lành phúc đức để đạt tới trời cao nếu không có sự
giúp đỡ của Thiên Chúa, “vì chính Thiên
Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Ngài”(Pl
2,13).
Thiên Chúa luôn
ban những lời nhắc nhở, đề nghị này, ngay cả với những người chưa biết Ngài nhờ
ơn thánh hóa. Ngài liên lỉ thúc giục ngay cả với những tội nhân tồi tệ nhất. Bằng
mọi cách, Ngài mời gọi họ để thiết lập cam kết với họ là Ngài yêu thương họ, nâng
đỡ họ bằng ân sủng của Ngài.
Thiên Chúa sẽ ban
những ơn này cách đặc biệt nếu chúng ta xin Ngài. Chúng ta cần rất nhiều sự giúp
đỡ từ ơn hiện sủng của Thiên Chúa, đặc biệt khi học hỏi giáo lý để nhận biết và
sống theo chân lý của Ngài cách chân thành và can đảm.
4.Ngay từ khởi đầu,
tội lỗi đã tách loài người ra khỏi Thiên Chúa, mang đến những nỗi khốn khổ: cái
chết, chiến tranh, tội ác và những đau khổ không kể xiết vào thế giới chúng ta.
Đó là hậu quả ghê gớm chồng chất mãi lên của tội lỗi.
5.Các tội riêng của
tôi cũng tách tôi khỏi Thiên Chúa và ảnh hưởng đến người khác, gây ra đau đớn và
bất an ngay cả khi tôi không ý thức. Tội riêng của tôi cũng gây ra nhiều khó khăn
trong việc nhận biết và tin vào các giáo huấn của Đức Kitô. Đức Kitô đã nói: “Nếu
ai thi hành ý Cha ta, người đó sẽ nhận biết giáo huấn của Ta đến từ Thiên Chúa”.
Tôi sẽ suy nghĩ về tội của tôi cách thành
thực, đặc biệt về các tội nặng của tôi, vào các buổi kinh tối. Tôi sẽ quyết định
xa tránh tội lỗi với hết sức lực tôi, đặc biệt các tội làm thiệt hại đến người
khác.
TÓM LƯỢC
(Trích Bản Toát
Yếu sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo)
1.H. Làm thế nào để hiểu được thực tại của tội lỗi?
T. Tội lỗi hiện diện trong
lịch sử loài người.Một thực tại như thế chỉ được hiểu cách đầy đủ dưới ánh sáng
Mạc khải của Thiên Chúa,và nhất là dưới ánh sáng của Đức Kitô,Đấng cứu độ mọi
người,Đấng tuôn đổ ân sủng thật sung mãn bất cứ nơi nào
tràn đầy tội lỗi.
2.H. Tội đầu tiên của con người cốt tại điều gì?
T. Con người,bị ma quỷ cám
dỗ,đã dập tắt trong trái tim mình sự tin tưởng vào những liên hệ với Đấng Sáng
Tạo của mình.Khi không tuân phục Thiên Chúa,con người muốn trở nên “như Thiên
Chúa”,mà không cần Thiên Chúa và không tùy thuộc Thiên Chúa (St 3,5).Như thế,Ađam
và Evà lập tức đánh mất ân sủng của sự thánh thiện và sự công chính nguyên thủy
cho bản thân và cho tất cả con cháu họ.
3.H. Tội tổ tông truyền là gì?
T. Mọi người đều sinh ra
trong nguyên tội.Nguyên tội là tình trạng thiếu vắng sự thánh thiện và công
chính nguyên thủy.Đó là một tội mà chúng ta vướng mắc chứ không phải là một tội
mà chúng ta phạm;đó là tình trạng lúc chào đời chứ không phải một hành vi cá nhân.Do
sự thống nhất của toàn thể loài người,tội này được truyền lại cho con cháu của
Ađam trong bản tính loài người, “không phải do bắt chước,nhưng là qua truyền
sinh”.Việc truyền đạt này là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể hiểu được cách
trọn vẹn.
4.H. Những hậu quả khác do nguyên tội gây nên là gì?
T. Sau khi tổ tông phạm tội,bản
tính con người không hoàn toàn bị hủy hoại,nhưng bị thương tật trong các sức lực
tự nhiên của mình,chịu sự u mê,phải đau khổ,phải nằm dưới quyền lực sự chết;bản
tính con người bị nghiêng chiều về tội lỗi.Sự nghiêng chiều này được gọi là dục
vọng.
5.H. Thiên Chúa đã làm gì sau tội đầu tiên của con người?
T. Sau tội đầu tiên,thế gian đã bị tràn ngập tội
lỗi,nhưng Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người dưới quyền lực sự chết.Trái lại,Ngài
đã tiên báo cách mầu nhiệm trong “Tiền Tin Mừng”(x.St 3,15) rằng sự dữ sẽ bị đánh
bại và con người sẽ được nâng dậy khỏi sự sa ngã của họ.Đó là lời tiên báo đầu
tiên về Đấng Mêsia cứu chuộc.Vì thế,chúng ta đã gọi sự sa ngã là “tội hồng phúc”,vì “nhờ có ngươi,ta mới có
được Đấng Cứu Chuộc cao cả dường ấy”.
CÂU HỎI ĐỂ SUY NGHĨ VÀ THẢO LUẬN
1.Bạn hiểu “tội là từ chối chấp nhận tình yêu của Thiên Chúa” như
thế nào? Điều đó ảnh hưởng đến tất cả chúng ta ra sao?
2.Theo bạn, loài người có cần đến Đấng cứu độ không? Tại sao?
3.Bạn thấy giải pháp
nào có hiệu quả nhất trong việc giải quyết sự nghiêng chiều về tội lỗi của chúng
ta không?