CHƯƠNG V
DẪN VÀO LỜI CHÚA VÀ CÔNG BỐ LỜI
CHÚA
Giáo lý trình bầy Lời Thiên Chúa.
Lời Thiên Chúa chính là nội dung của Giáo lý. Lời này được ghi lại trong Thánh
Kinh. Do đó, Thánh Kinh là nguồn mạch chủ yếu của Giáo lý. Giáo lý càng gần Thánh
Kinh bao nhiêu càng phong phú và vững chắc bấy nhiêu. Bộ sách Giáo lý phổ thông
nói chung và sách Giáo lý khối Căn Bản nói riêng luôn luôn khởi đầu bằng một đoạn
Thánh Kinh liên hệ tới đề tài Giáo lý. Trong chương này chúng ta nói tới phương
pháp trình bầy phần “ DẪN VÀO LỜI CHÚA”
và phần “CÔNG BỐ LỜI CHÚA” trong tiết
dậy Giáo lý.
I. Dẫn vào Lời Chúa
A.
Mục đích :
Mục “Dẫn vào
Lời Chúa” có mục đích giúp các em chuẩn bị tâm hồn lắng nghe Lời Chúa sắp được công bố.
B.
Phương Pháp
Chúng ta dùng một câu chuyện, một
sự kiện hay một biến cố nào đó liên quan tới đoạn Thánh Kinh sắp công bố để chuẩn
bị tâm hồn các em lắng nghe Lời Chúa.
C.
Phân loại chuyện kể.
Chúng ta có thể phân chia chuyện kể thành
bốn thể loại :
1.
Chuyện Thánh Kinh :
Trong
Thánh Kinh Cựu và Tân Ước có rất nhiều câu chuyện để dẫn vào Lời Chúa. Những
chuyện này dùng để trình bày Giáo lý thì rất tốt và thích hợp nhất nhờ tính chất
và nội dung tôn giáo của chúng. Hơn nữa, việc chuyển từ câu chuyện sang áp dụng
Lời Chúa, vào đề tài Giáo lý lại rất dễ dàng, tự nhiên và mạch lạc.
Ví dụ :
* Cựu ước : - Chuyện Cain và
Aben : Thiên Chúa thấu biết mọi sự.
- Noe và đại hồng
thuỷ : Thiên Chúa không chấp nhận tội lỗi.
* Tân ước : - Bão táp yên lặng
(Mc 4, 25-31): Chúa Giêsu quyền phép. Phải
có lòng tin khi gặp thử thách.
- Người biệt phái
và người thu thuế cầu nguyện (Lc18) : Thiên Chúa nhận lời kẻ khiêm nhường.
2.
Chuyện lịch sử Giáo hội và hạnh các thánh :
Đây cũng
là kho tàng chứa đựng nhiều câu chuyện để trình bày các đề tài Giáo lý. Tuy nhiên,
cần trung thực, nên tránh những chi tiết ly kỳ, huyền thoại, phi lịch sử có thể
làm hại đức tin cho trẻ sau này. Nên chọn lựa kỹ lưỡng, trình bày khéo léo và ứng
dụng hợp lý.
Ví
dụ :
- Cuộc đời Thánh Phaolô : ơn gọi làm tông đồ.
- Cuộc đời Thánh Phanxicô Xaviê : lòng nhiệt thành yêu mến các linh hồn và mở
rộng nước Chúa.
- Cuộc đời Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu
: tinh thần phó thác và cậy trông.
3.
Chuyện ngụ ngôn, chuyện đời xưa, chuyện cổ tích.
Đây là
kho tàng kho tàng văn hóa dân gian, qua lối nói văn chương, những câu chuyện này
tiềm ẩn những bài học sâu sắc. Khi chọn những câu chuyện này, chúng ta cần hiểu
rõ ý nghĩa của câu chuyện để việc dẫn vào Lời Chúa không gượng ép lạc đề.
4.
Những chuyện đời thường hay thời sự.
Những câu chuyện xảy ra hàng ngày, những biến cố thời sự cũng có thể dùng
để dẫn vào Lời Chúa. Tuy nhiên, khi sử dụng chúng, cần hội đủ hai điều kiện :
-
Thích hợp với đoạn Lời Chúa sắp công bố.
-
Có thể chuyển mạch từ câu chuyện sang Lời Chúa cách
dễ dàng, không gượng ép giả tạo.
Ví dụ :
-
Gương hy sinh tận tụy của một người mẹ
-
Lòng tốt của một cậu bé.
D.
Nguyên tắc chọn và sử dụng chuyện kể.
Có bốn nguyên tắc quan trọng :
1.
Lên chương trình cẩn thận.
Câu chuyện được chọn phải ăn khớp
với ý chính của đoạn Lời Chúa sắp công bố và bài học Giáo lý.
2.
Chọn chuyện phù hợp với lứa tuổi.
Chúng
ta có thể dùng các loại chuyện trên để dẫn vào Lời Chúa, nhưng hãy chọn loại
chuyện nào phù hợp, dễ hiểu với từng lứa tuổi.
Đặc
tính tâm lý của các em ở lứa tuổi này thích hoạt động, cảm phục các nhà phát
minh, thám hiểm, thích những cuộc phiêu lưu của các nhân vật trong truyện. Do đó
các Giáo lý viên nên chọn các nhân vật trong Kinh Thánh, tiểu sử các thánh nhất
là các thánh tử đạo, những câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm để dẫn vào Lời Chúa.
Ngoài
ra, Giáo lý viên có thể lấy những câu chuyện, những sự kiện trong đời sống hằng
ngày, trong sách báo, truyền hình có liên quan đến bài đang dậy để minh hoạ cho
bài giảng Giáo lý giúp các em dễ hiểu bài hơn.
3.
Chuẩn bị kể chuyện cẩn thận :
Cần đọc
trước câu chuyện mà chúng ta muốn sử dụng. Cố tìm cái hay, cái đẹp, ý nghĩa của
câu chuyện. Nếu chính chúng ta không cảm thấy hứng thú thì các em học sinh cũng
sẽ cảm thấy như thế, nên đừng chọn.
4.
Đừng “lên lớp”.
Hãy kể
chuyện như là chuyện, đừng vội nhấn mạnh dến những điểm chính hoặc tính cách luân
lý của câu chuyện.
E.
Nghệ thuật kể chuyện.
Kể chuyện là nghệ thuật để lôi cuốn
sự chú ý của các em vào Lời Chúa sắp công bố, để minh hoạ bài học Giáo lý thêm
dễ hiểu, dễ nhớ. Nó là một kỹ năng cần thiết của Giáo lý viên. Vì thế, cần thiết
phải nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật kể chuyện.
1.
Chuyện kể hay phải có các yếu tố sau đây :
a. Có nội dung hay và tính chất hấp
dẫn : có đối thoại, mô tả, gợi cảm.
b. Cảm hứng ngay từ đầu và có
kết thúc linh hoạt, không dài dòng.
c. Liên quan đến người nghe
: rút được bài học, dẫn đến chân lý.
2.
Người kể chuyện hay và hấp dẫn cần phải :
a. Thích câu chuyện và muốn
người khác nghe.
b. Nắm vững kết cấu câu chuyện.
c. Chuẩn bị chuyện cách chu đáo,
có thể bắt chước giọng nói, điệu bộ của nhân vật trong chuyện.
d. Biết thay đổi giọng nói
cho phù hợp với tình tiết, rõ ràng, nhanh, chậm, to, nhỏ, vừa.
F.
Câu chuyển mạch.
Câu chuyện có mục đích giúp các em
chuẩn bị tâm hồn lắng nghe Lời Chúa sắp công bố, nên từ cuối câu chuyện ta phải
có một vài câu chuyển mạch để giới thiệu Lời Chúa các em sắp nghe.
Sau đây là nội dung câu chuyển mạch
bao gồm :
- Ý chính của câu
chuyện.
- Ý chính của đoạn Lời
Chúa sắp công bố.
- Mời các em đứng lên lắng nghe Lời
Chúa.
G.
Một vài lưu ý :
Câu chuyện luôn luôn là và chỉ là một phương tiện giúp các em chuẩn bị lắng nghe Lời Chúa và bài học Giáo
lý nên :
-
Cần ngắn gọn, không nên sa đà vào câu chuyện. Hãy
loại bỏ các ý phụ, chọn những ý chính
liên quan.
-
Không giải thích, rút ra bài học từ câu chuyện. Chúng
ta chỉ kể chuyện mà thôi và dùng một
vài câu chuyển tiếp dẫn vào Lời Chúa các em sắp nghe.
Ví dụ :
Sách Giáo lý Căn Bản I, Bài 28 : Điều răn I
Kính mến
Thiên Chúa hết lòng hết sức…
I Dẫn vào Lời Chúa :
1. Câu chuyện :
Chuyện
Thánh tử đạo Lôrensô Ngôn.
Lôrensô Ngôn sinh năm 1840 trong một
gia đình đạo đức thuộc Giáo xứ Lục Thủy, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định (một xứ đạo lâu đời của Địa phận Trung - Bùi
Chu). Anh lập gia đình và là gia trưởng gương mẫu yêu thương vợ con.
Cuộc bách hại đạo thời vua Tự Đức ngày
càng khốc liệt. Vào giai đoạn cao điểm này anh Lôrensô Ngôn bị bắt lần thứ hai vào ngày 08/9/1861. Anh bị giải về phủ Xuân
Trường, tỉnh Nam Định. Trong tù, vì lo lắng cho gia đình, anh tìm cách trốn về để
trấn an và khuyến khích cha mẹ, vợ con bền chí trung thành với đức tin rồi trở
lại trại giam.
Quan truyền lệnh đóng gông và giải
anh sang nhà giam An Xá thuộc huyện Đông Quang.
Trong tù, anh Ngôn chịu nhiều khổ
nhục vì Danh Thầy Chí Thánh. Thế mà anh vẫn chưa lấy làm đủ, anh còn ăn chay mỗi
tuần ba lần. Anh luôn an ủi khích lệ các bạn tù can đảm chấp nhận mọi cực hình,
đừng bao giờ xúc phạm đến Chúa, hãy bền vững kiên trì dù bị đòn đánh tra tấn dã
man.
Lần kia quan án gọi anh vào dụ dỗ : “Anh còn
trẻ (22 tuổi) sao lại dại dột muốn chết ? Hãy bước qua Thập Giá, anh sẽ được
tha về với gia đình”. Nhưng anh trả lời : “Tôi
giữ đạo tôn thờ Chúa tể trời đất, Thập Giá là phương thế Thiên Chúa dùng để cứu
độ nhân loại. Tôi chỉ có thể tôn kính chứ không bao giờ chà đạp. Nếu quan cho tôi
sống, tôi cám ơn quan, còn không cho, tôi vẫn vui lòng chịu chết vì tin vào Chúa
tôi”.
Trong một cuộc tra tấn khác, khi quân
lính tìm cách bắt anh chà đạp lên Thập
Giá, (lúc đó) anh lại quỳ xuống và kính cẩn quỳ lạy Thánh Giá. Thái độ trung
tín hiên ngang đó khiến các quan càng tức giận và lên án trảm quyết anh, trước
sự chứng kiến của hai người thân là mẹ anh và người vợ hiền, vào ngày 22/5/
1862.
Ngày 29/4/1951 tại Vương Cung Thánh Đường
Thánh Phêrô, người thanh niên can trường Lôrensô Ngôn được Đức Thánh Cha Piô XII suy tôn lên bậc
Chân phước (Hiển Thánh ngày 19/6/1988).
2. Câu chuyển mạch :
Các em thân mến ! Như thế, Thánh Lôrensô Ngôn là người đã kính
mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết cả sức lực cho đến
chết. Để hiểu rõ ta phải kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là như thế nào, anh
(chị) mời các em đứng lên để lắng nghe Lời Chúa.
II. Công
bố Lời Chúa.
1.
Cách công bố Lời Chúa :
Cũng như phần Phụng vụ Lời Chúa
trong Thánh lễ, người đọc Lời Chúa làm như sau :
-Mở đầu bằng : “Bài trích sách ...”
-Đọc Lời Chúa.
-Kết thúc bằng : “ Đó là Lời Chúa.”
2. Người công bố Lời Chúa và người nghe Lời Chúa.
Chính Giáo lý viên hay một em học sinh
công bố Lời Chúa. Để việc công bố Lời Chúa được nghiêm trang và sinh hiệu quả,
người công bố phải xem trước đoạn Lời Chúa. Khi
công bố, người đọc đọc to tiếng, chậm rãi, rõ ràng. Giáo lý viên cho các
em học sinh đứng nghiêm trang, yên lặng và cung kính khi nghe Lời Chúa.
3. Giá sách để sách Thánh
Kinh.
-
Nên có một giá sách để sách Thánh Kinh :
Sau khi công bố xong, quay sách
Thánh Kinh hướng về các em học sinh.
- Nên có một ngọn nến cháy sáng và
một bình bông nhỏ ở giá sách để các em ý thức sự hiện diện của Chúa nơi Lời Chúa
và chính Chúa đang nói với các em.
‡ BÀI TẬP :
Hãy chọn một bài Giáo lý (khối Căn Bản)và soạn phần “DẪN VÀO LỜI CHÚA” bằng một câu chuyện.