CHƯƠNG V

 

DẪN VÀO LỜI CHÚA VÀ CÔNG BỐ LỜI CHÚA

 

             Giáo lý trình bầy Lời Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa chính là nội dung của Giáo lý. Lời này được ghi lại trong Thánh Kinh. Do đó, Thánh Kinh là nguồn mạch chủ yếu của Giáo lý. Giáo lý càng gần Thánh Kinh bao nhiêu càng phong phú và vững chắc bấy nhiêu. Bộ sách Giáo lý phổ thông nói chung và sách Giáo lý khối Sơ cấp nói riêng luôn luôn khởi đầu bằng một đoạn Thánh Kinh liên hệ tới đề tài Giáo lý. Trong chương này chúng ta nói tới phương pháp trình bầy phần “ Dẫn vào Lời Chúa” và phần “Công bố Lời Chúa” trong tiết dậy Giáo lý.

 

I. Dẫn vào Lời Chúa

        A. Mục đích :       

Mục  “Dẫn vào Lời Chúa” có mục đích giúp các em chuẩn bị tâm hồn lắng nghe Lời Chúa  sắp được công bố.

        B. Phương Pháp

Chúng ta dùng một câu chuyện, một sự kiện hay một biến cố nào đo liên quan tới đoạn Thánh Kinh sắp công bố để chuẩn bị tâm hồn các em lắng nghe Lời Chúa.

        C. Phân loại chuyện kể.

     Chúng ta có thể phân chia chuyện kể thành bốn thể loại :

        1. Chuyện Thánh Kinh :

Trong Thánh Kinh Cựu và Tân ước có rất nhiều câu chuyện để dẫn vào Lời Chúa. Những chuyện này dùng để trình bày Giáo lý thì rất tốt và thích hợp nhất nhờ tính chất và nội dung tôn giáo của chúng. Hơn nữa, việc chuyển từ câu chuyện sang áp dụng Lời Chúa, vào đề tài Giáo lý lại rất dễ dàng, tự nhiên và mạch lạc.

Ví dụ :

* Cựu ước : - Chuyện Cain và Aben : Thiên Chúa thấu biết mọi sự.

                                 - Noe và đại hồng thuỷ : Thiên Chúa không chấp nhận tội lỗi.

* Tân ước : - Bão táp yên lặng (Mc 4, 25-31): Chúa Giêsu quyền phép. Phải có lòng tin khi gặp thử thách.

                                - Người biệt phái và người thu thuế cầu nguyện  (Lc18) : Thiên Chúa nhận lời kẻ khiêm nhường.

        2. Chuyện lịch sử Giáo hội và hạnh các thánh :       

Đây cũng là kho tàng chứa đựng nhiều câu chuyện để trình bày các đề tài Giáo lý. Tuy nhiên, cần trung thực, nên tránh những chi tiết ly kỳ, huyền thoại, phi lịch sử có thể làm hại đức tin cho trẻ sau này. Nên chọn lựa kỹ lưỡng, trình bày khéo léo và ứng dụng hợp lý.

        Ví dụ :

           - Cuộc đời Thánh Phaolô : ơn gọi làm tông đồ.

           - Cuộc đời Thánh Phanxicô Xaviê : lòng nhiệt thành yêu mến các linh hồn và mở rộng nước Chúa.

           - Cuộc đời Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu : tinh thần phó thác và cậy trông.

        3. Chuyện ngụ ngôn, chuyện đời xưa, chuyện cổ tích.

Đây là kho tàng kho tàng văn hóa dân gian, qua lối nói văn chương, những câu chuyện này tiềm ẩn những bài học sâu sắc. Khi chọn những câu chuyện này, chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của câu chuyện để việc dẫn vào Lời Chúa không gượng ép lạc đề.

        4. Những chuyện đời thường hay thời sự.

Những câu chuyện xảy ra hàng ngày, những biến cố thời sự cũng có thể dùng để dẫn vào Lời Chúa. Tuy nhiên, khi sử dụng chúng, cần hội đủ hai điều kiện :

-       Thích hợp với đoạn Lời Chúa sắp công bố.

-       Có thể chuyển mạch từ câu chuyện sang Lời Chúa cách dễ dàng, không gượng ép giả tạo.

Ví dụ :

-       Gương hy sinh tận tụy của một người mẹ

-       Lòng tốt của một cậu bé.

        D. Nguyên tắc chọn và sử dụng chuyện kể.

Có bốn nguyên tắc quan trọng :

        1. Lên chương trình cẩn thận.

Câu chuyện được chọn phải ăn khớp với ý chính của đoạn Lời Chúa sắp công bố và bài học Giáo lý.

        2. Chọn chuyện hợp với tâm lý lứa tuổi.

Chúng ta có thể dùng các loại chuyện trên để dẫn vào Lời Chúa, nhưng hãy chọn loại chuyện nào phù hợp, dễ hiểu với từng lứa tuổi.

Người ta đề nghị các loại chuyện phù hợp với mỗi lứa tuổi như sau :

                    - Tuổi từ 4 tới 8 tuổi bao gồm khối Đồng cỏ non  ( 4-6 tuổi ), khối Sơ cấp  (7-8 tuổi) : Truyện thú vật, cổ tích, thần thoại.

                    - Tuổi từ 9 tới 12 tuổi  (khối căn bản) : Truyện phiêu lưu viễn tưởng, anh hùng, truyền thống.

                    - Tuổi từ 13 tới 18 tuổi  (khối Kinh Thánh và Vào đời) : Truyện dũng cảm, thiên nhiên, thời sự.

        3. Chuẩn bị kể chuyện cẩn thận :

Cần đọc trước câu chuyện mà chúng ta muốn sử dụng. Cố tìm cái hay, cái đẹp, ý nghĩa của câu chuyện. Nếu chính chúng ta không cảm thấy hứng thú thì các em học sinh cũng sẽ cảm thấy như thế, nên đừng chọn.

        4. Đừng “lên lớp”.

Hãy kể chuyện như là chuyện, đừng vội nhấn mạnh đến những điểm chính hoặc tính cách luân lý của câu chuyện.

        E. Nghệ thuật kể chuyện.

             Kể chuyện là nghệ thuật dể lôi cuốn sự chú ý của các em vào Lời Chúa sắp công bố, để minh hoạ bài học Giáo lý thêm dễ hiểu, dễ nhớ. Nó là một kỹ năng cần thiêt của Giáo lý viên. Vì thế, cần thiết phải nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật kể chuyện.

        1. Chuyện kể hay phải có các yếu tố sau đây :

                   a. Có nội dung hay và tính chất hấp dẫn : có đối thoại, mô tả, gợi cảm.

                   b. Cảm hứng ngay từ đầu và có kết thúc linh hoạt, không dài dòng.

                   c. Liên quan đến người nghe : rút được bài học, dẫn đến chân lý.

        2. Người kể chuyện hay và hấp dẫn cần phải :

                   a. Thích câu chuyện và muốn người khác nghe.

                   b. Nắm vững kết cấu câu chuyện.

                   c. Chuẩn bị chuyện cách chu đáo, có thể bắt chước giọng nói, điệu bộ của nhân vật trong chuyện.

                   d. Biết thay đổi giọng nói cho phù hợp với tình tiết, rõ ràng, nhanh, chậm, to, nhỏ, vừa.

        F. Câu chuyển mạch.

             Câu chuyện có mục đích giúp các em chuẩn bị tâm hồn lắng nghe Lời Chúa sắp công bố, nên từ cuối câu chuyện ta phải có một vài câu chuyển mạch để giới thiệu Lời Chúa các em sắp nghe.

             Sau đây là nội dung câu chuyển mạch bao gồm :

               - Ý chính của câu chuyện.

               - Ý chính của đoạn Lời Chúa sắp công bố.

               - Mời các em đứng lên lắng nghe Lời Chúa.

        G. Một vài lưu ý :

Câu chuyện luôn luôn là và chỉ là một phương tiện giúp các em chuẩn bị lắng nghe Lời Chúa và bài học Giáo lý nên :

-       Cần ngắn gọn, không nên sa đà vào câu chuyện. Hãy loại bỏ các ý phụ, chọn những ý chính liên quan.

-       Không giải thích, rút ra bài học từ câu chuyện. Chúng ta chỉ kể chuyện mà thôi và dùng một vài câu chuyển tiếp dẫn vào Lời Chúa các em sắp nghe.

 

Ví dụ :

 

* Ví dụ 1  :

Lớp Sơ cấp I, bài 7.

Thiên Chúa chọn cụ Áp-ra-ham.

      -  Lời Chúa : St 12, 1-24.

      -  Dẫn vào Lời Chúa :

         1. Câu Chuyện : Hạnh các thánh.

            Thánh Phanxicô Paola  (lễ kính ngày 2 tháng 4)  từ nhỏ luôn vâng lời cha mẹ. Một hôm, khi  đang cầu nguyện, mẹ Ngài nói : “Con cầu nguyện lâu rồi đấy, hãy ra ngoài giải trí đôi chút”. Ngài đáp lại : “Mẹ biết con rất thích nói chuyện với Chúa, nhưng con xin vâng lời mẹ dậy”.

         2. Câu chuyển mạch.

            Các em thân mến vâng lời cha mẹ là một điều đáng quý, nhưng vâng lời Chúa lại càng quý hơn. Lời Chúa các em sắp nghe sẽ cho các em một mẫu gương về vâng lời Thiên  Chúa. Mời các em đứng lên lắng nghe Lời Chúa.

 

* Ví dụ 2 :

Lớp Sơ cấp I, bài 15 :

Chúa Giêsu rất quyền phép

        -Lời Chúa : Mt 8, 23-27

        -Dẫn vào Lời Chúa.

1. Câu chuyện : Thánh Kinh Tân ước :

             Sách Công Đồ Công Vụ kể lại rằng một hôm khi Thánh Phêrô và Thánh Gioan lên Đền thờ Cầu Nguyện, thì một người què từ khi lọt lòng mẹ ăn xin ở bên cửa Đền thờ đã xin các ngài bố thí. Bấy giờ Thánh Phêrô nói : “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng tôi cho anh cái tôi đang có đây : Nhân danh Đức Kitô, người Nagiarét, anh đứng dậy mà đi”. Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. Anh đứng phắt dậy và đi lại được. Anh cũng vào Đền thờ vừa đi vừa nhảy nhót mà ca tụng Thiên Chúa  (xem Cv 3, 1-10). 

2. Câu chuyển mạch :

Các em thân mến, qua Thánh Phêrô, Chúa Giêsu phục sinh dã làm phép lạ. Ngài thật quyền phép! Khi còn sống ở trần gian Chúa Giêsu cũng đã làm phép lạ. Đoạn Lời Chúa các em sắp nghe, kể lại một trong các phép lạ Chúa đã làm, sẽ cho các em thấy Ngài rất quyền phép. Mời các em đứng dậy lắng nghe Lời Chúa.

 

II. Công bố Lời Chúa.

      1. Cách công bố Lời Chúa :

            Cũng như phần phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ, người đọc Lời Chúa làm như sau :

             -Mở đầu bằng : “Bài trích sách. ..”

             -Đọc Lời Chúa.

             -Kết thúc bằng : “ Đó là Lời Chúa.”

      2. Người công bố Lời Chúa và người nghe Lời Chúa.

        Chính Giáo lý viên hay một em học sinh công bố Lời Chúa. Để việc công bố Lời Chúa được nghiêm trang và sinh hiệu quả, người công bố phải xem trước đoạn Lời Chúa. Khi  công bố, người đọc đọc to tiếng, chậm rãi, rõ ràng. Giáo lý viên cho các em học sinh đứng nghiêm trang, yên lặng và cung kính khi nghe Lời Chúa.

      3. Giá sách để sách Thánh Kinh.

-      Nên có một giá sách để sách Thánh Kinh :

-      Sau khi công bố xong, quay sách Thánh Kinh hướng về các em học sinh.

-      Nên có một ngọn nến cháy sáng và một bình bông nhỏ ở giá sách để các em ý thức sự hiện diện của Chúa nơi Lời Chúa và chính Chúa đang nói với các em.

 

 

  Bài tập :

Hãy chọn một bài Giáo lý  (khối Sơ cấp) và soạn phần “Dẫn vào Lời Chúa” bằng một câu chuyện


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà