CHƯƠNG VI

 

GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

 

I. Mục đích.

Việc giải thích Lời Chúa có mục đích giúp các em học sinh hiểu bài Giáo lý. Mục này có hai phần :

          - Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố.

          - Giải thích câu hỏi thưa.

 

II. Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố.

        1. Đặt câu hỏi :

Giáo lý viên đặt một số câu hỏi đơn giản để giúp các em hiểu và nắm bắt được ý chính của đoạn Lời Chúa vừa công bố và dẫn vào bài học Giáo lý.

   Ví dụ: Sách Giáo lý Sơ cấp 2, bài 20: Sống ngày Chúa Nhật

- Lời Chúa : Cv 20, 7-12.

- Dẫn giải Lời Chúa :

·      Ngày thứ nhất trong tuần, các môn đệ họp nhau lại làm gì ?  - (Bẻ bánh).     

·      Bẻ bánh nghĩa là gì ? - ( “ Bẻ bánh” có nghĩa là dâng Thánh lễ để thờ phượng, tạ ơn Thiên Chúa). 

·      Ngày thứ nhất trong tuần là ngày nào ? - (Ngày Chúa nhật )

       

        2. Sử dụng sách “CHÚA NÓI VỚI TRẺ EM”  trong phần dẫn giải Lời Chúa :

          Để giúp các em hiểu đoạn Lời Chúa vừa công bố, chúng ta sử dụng sách “Chúa nói với trẻ em”  vào phần dẫn giải Lời Chúa vì sách này được trình bầy rất đơn sơ và dễ hiểu phù hợp với trình độ của các em. Chúng ta sử dụng sách này như sau :

·      Chọn trong sách “ Chúa nói với trẻ em”  đoạn có ý nghĩa tương tự với đoạn Lời Chúa vừa công bố.

·      Dựa vào đoạn Lời Chúa vừa công bố và đoạn sách “Chúa nói với trẻ em” đặt một số câu hỏi giúp các em nhận ra và hiểu ý chính của đoạn Lời Chúa đó.

·      Cho các em đọc chung đoạn sách trong sách “Chúa nói với trẻ em”.

·      Gợi vài ý dẫn vào bài học Giáo lý.

 

 Ví dụ : Giáo lý Sơ cấp I, bài 3 :

 

Thiên Chúa yêu thương tạo ra mọi loài mọi vật.

Lời Chúa : St 1, 1.

Sách “Chúa nói với trẻ em” : Đoạn 1, trang 3-4.

Dẫn giải :

·      Em nào cho anh  (chị)  biết Lời Chúa các em vừa nghe được trích từ sách nào ?  (Sách Sáng thế)

·      Tại sao lại gọi là sách Sáng Thế?

·      (Vì những chương đầu của sách này nói đến việc Thiên Chúa dựng nên vũ trụ và loài người ). 

·      Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe cho chúng ta biết điều gì ?

·      (Thiên Chúa đã dựng nên mọi loài mọi vật và mọi loài mọi vật Chúa dựng nên đều tốt đẹp). 

·      Bây giờ tất cả chúng ta cùng nhau đọc chung đoạn Lời Chúa nói về việc Thiên Chúa tạo dựng mọi loài mọi vật trong sách “Chúa nói với trẻ em”, đoạn 1, trang 3.

 

III. Giải thích câu hỏi – thưa.

       Các câu hỏi thưa là nội dung của bài Giáo lý. Để giúp các em lứa tuổi 7 tuổi –8 tuổi này hiểu bài Giáo lý, Giáo lý viên áp dụng các phương pháp quy nạp, đặt câu hỏi  (phát vấn)  và trực quan. Dưới  đây, chúng ta sẽ tìm hiểu các phương pháp này.

        A. Phương pháp quy nạp :

 

1. Định nghĩa :

Phương pháp quy nạp là phương pháp lý luận, khởi đầu bằng cách nghiên  cứu các trường hợp riêng biệt - kế đến là rút ra kinh nghiệm – sau cùng là đưa ra định luật chung.  Ví dụ :

-       Trường hợp riêng biệt : Ông A, ông B, Ông C đã chết.

-       Rút ra kinh nghiệm  : Ông A, ông B, ông C là người.

-       Định luật chung : Vậy mọi người đều phải chết.

Như thế phương pháp quy nạp đi từ một vài câu chuyện hay từ các điều kiện cụ thể trong đời sống thực tế tới trừu tượng, từ những trường hợp riêng lẻ tới tổng quát, từ dễ tới khó, từ dưới lên trên.

 

2. Đức Giêsu đã theo phương pháp quy nạp khi giảng dậy.

           Đức Giêsu thuật lại một câu chuyện, một dụ ngôn, rồi sau đó rút ra bài học :

                 Câu chuyện                Bài học

              (khởi điểm)                 (kết luận)

Ví dụ : - Người Samaritanô tốt lành ® Mọi người là anh em  (Lc10, 29-37).   

            - Chuyện người con phung phá ® Thiên Chúa đón nhận tội nhân  (Lc 15, 11-32 ). 

 

3. Áp dụng phương pháp quy nạp vào việc dậy Giáo lý.

           Để áp dụng phương pháp quy nạp vào việc dậy Giáo lý, ta theo 3 bước sau :

1.   Giới thiệu : Đưa ra một sự kiện, một câu chuyện làm khởi điểm.

2.   Giải thích : Từ sự kiện, câu chuyện đó rút ra những ý tưởng, những bài học thích hợp.

3.   Áp dụng : Đem ý tưởng, bài học đó vào đề tài Giáo lý mình muốn trình bầy.

Ví dụ : Sơ cấp 2 bài 23.

Chúa Giêsu là bánh hằng sống nuôi dưỡng linh hồn ta.

1.   Giới thiệu : Mỗi ngày gia đình chúng ta họp nhau 3 lần để dùng bữa : bữa sáng, bữa trưa, bữa tối.

2.   Giải thích : Bữa ăn cần thiết để nuôi sống thân xác, bồi dưỡng sức khoẻ, làm cho ta lớn lên.

3.   Áp dụng : Linh hồn ta cũng cần được nuôi sống, bồi dưỡng, lớn lên. Chúa Giêsu lấy chính Mình, Máu Ngài để nuôi dưỡng linh hồn ta. Thánh Thể thật là của ăn vì chính Chúa đã nói : “ Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây…” (Ga 6, 51).

 

4. Lưu ý :

Vì phương pháp quy nạp đi từ cái riêng biệt tới cái tổng quát, tới chân lý – từ việc đưa ra một sự kiện làm khởi điểm, rút ra những ý tưởng và đem ý tưởng đó vào đề tài Giáo lý, nên khi dậy Giáo lý khối Sơ cấp, Giáo lý viên giải thích trước và cho các em đọc câu hỏi thưa sau. Câu hỏi -  thưa là đề tài Giáo lý mình muốn trình bày.

        B. Phương pháp đặt câu hỏi  (phát vấn). 

             Khi dùng phương pháp quy nạp vào việc giảng dậy Giáo lý, chúng ta có thể áp dụng ba hình thức sau đây :

      @. Hình thức thuyết minh :

           - Có lợi : không mất thì giờ.

           - Có hại : Trẻ sẽ ở thế thụ động, lớp học buồn tẻ.

       @. Hình thức phát vấn  (đặt câu hỏi ) :

             - Có lợi : Lớp sinh động, trẻ sẽ năng động hơn khi phát biểu.

           - Có hại : Dễ mất trật tự.

       @. Hình thức hỗn hợp : thuyết minh + phát vấn : Quân bình hơn.         

Để lớp học sinh động, vui tươi, các em dễ hiểu và tiếp thu bài, khi dậy Giáo lý cho các em khối Sơ cấp  (7-8 tuổi ),  chúng ta nên sử dụng hình thức phát vấn hoặc hình thức hỗn hợp : Phát vấn và thuyết minh.

Chúng ta sẽ tìm hiểu phương pháp phát vấn  (đặt câu hỏi )  dưới đây :       

        1. Định nghĩa :

           Vấn là hỏi. Phát vấn là phương pháp dùng câu hỏi để dẫn dắt người nghe suy nghĩ và từng bước khám phá ra chân lý. Đây là một trong những phương pháp giáo dục được sử dụng rất phổ biến từ xưa tới nay.

        2. Sử dụng phương pháp phát vấn trong bài Giáo lý.

            Giảng dậy Giáo lý không phải là áp đặt một chiều những giáo điều cứng nhắc vào đầu người học, nhất là người học ở đây lại là trẻ em. Đây là cả một tiến trình mời gọi cùng suy tư, khám phá và cảm nhận chân lý dưới dạng đối thoại. Như vậy, mục đích của việc đặt câu hỏi này không phải là để kiểm tra kiến thức nhưng là khơi gợi từ từ, từng lớp một, sẽ “bóc vỏ” vấn đề cho đến khi đạt được cốt lõi.

           

 Câu hỏi trong phát vấn vì vậy phải có tính gợi ý và tiện tiến.

1.   a. Gợi ý : Có nghĩa là câu hỏi vừa tầm các em, lời giải đáp đã mặc nhiên nằm trong câu hỏi. Nó khác với câu đố, vì câu đố càng khó, càng bí hiểm càng tốt. Câu hỏi gợi ý trái lại tự nó mở đường cho lời đáp.

2.   b. Tiệm tiến : Có nghĩa là các câu hỏi đi theo hướng quy nạp : từ dễ đến khó, từ các vòng ngoài xoáy vào cốt lõi vấn đề, nối tiếp nhau cách liên tục và cùng quy hướng về vấn đề đang tìm hiểu. Câu hỏi ngày càng chuyên sâu để thu hẹp vấn đề và trở nên chính xác.

Tóm lại, thay vì hình thức thuyết minh, trực tiếp cung cấp kiến thức, thông tin, giải pháp, chúng ta đặt câu hỏi gợi mở để học sinh tự tìm ra câu trả lời cho một vấn đề Từ kết quả thu được đó, chúng ta sẽ uốn nắn và hoàn chỉnh. Đó là cốt lõi của phương pháp phát vấn.

        3. Ví dụ :

           

 * Ví dụ 1 : Sơ cấp 2, bài 23 :

Chúa Giêsu là bánh hằng sống nuôi dưỡng linh hồn ta.

Thay vì dùng hình thức thuyết minh như ví dụ ở phương pháp quy nạp, ta dùng hình thức phát vấn :

-      Mỗi ngày gia đình chúng ta họp nhau dùng bữa mấy lần ? - (Ba lần)  

-      Đó là những bữa nào ? - ( Sáng, trưa, tối ). 

-      Tại sao chúng ta phải dùng bữa ? Bữa ăn giúp ích cho chúng ta như thế nào ? - (Để nuôi thân xác, bồi dưỡng sức khoẻ, làm cho ta lớn lên ). 

-      Ngoài thân xác, con người chúng ta còn phần gì nữa ? - (Linh hồn ) 

-      Để linh hồn được nuôi sống, lớn lên, linh hồn có cần của ăn không ?  (Có). 

-      Vậy của ăn của linh hồn là gì ? - (Mình Máu Thánh Chúa Kitô ). 

-      Tại sao ta biết của ăn nuôi sống linh hồn ta là Thịt Máu Chúa Kitô ? - ( Vì chính Chúa Giêsu nói : “Tôi là bánh từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời. Và bánh tôi sẽ ban chính là thịt tôi đây”  (Ga 6, 51 ). )

 

* Ví dụ 2 : Sơ cấp 1, bài 21 :

Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá.

-      Thường thì người ta có sợ chết không ? -  (Có). 

-      Đúng, ai cũng sợ chết, nhưng cũng có trường hợp người ta dám liều chết chứ, phải không các em?

-      Các em có biết trường hợp nào  có người dám liều chết không ?

-      Có ai biết ông Lê Lai  liều mình chết để cứu vua Lê Lợi không ?

-      Có ai biết cha Maximilien Kolbe, người Đức, đã liều mình chết thay cho một tù nhân người Pháp hồi Thế Chiến thứ II không ?

-      Vậy khi nào người ta dám liều chết ? - (Để cứu người khác, khi cái chết của mình có ích cho người khác). 

-      Chúa Giêsu đã liều mình chết trên thập giá. Ngài chết cho ai đây ? - (Cho chúng ta ). 

-      Chúa Giêsu đã chết cho chúng ta, vậy chúng ta được gì ? - (Ơn tha thứ, được cứu rỗi, được sống...)

       

C. Phương pháp trực quan.

          Để hỗ trợ cho việc giậy Giáo lý, làm cho giờ dậy Giáo lý sinh động hơn, dễ hiểu hơn và hiệu quả hơn chúng ta nên áp dụng thêm phương pháp trực quan mà chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây.

1. Định nghĩa :

Trực quan là phương pháp giảng dậy qua việc cho học sinh tự quan sát  sự việc hoặc giáo cụ. Giáo lý viên sẽ dùng phát vấn  (đặt câu hỏi) để xây dựng bài học và đúc kết bài học.

              Như vậy, phương pháp trực giác là quan sát cụ thể qua giác quan (sờ mó, nếm, ngửi, nghe…) để rồi suy nghĩ, rút kinh nghiệm, đúc kết thành bài học. Châm ngôn của phương pháp trực giác là : VẬT TRƯỚC LỜI SAU.

              Phương pháp này đặc biệt thu hút các em học sinh Giáo lý ở lứa tuổi này, vì các em có kinh nghiệm cảm tính  (khả giác ) và suy nghĩ bằng hình ảnh chứ chưa lĩnh hội được các ý niệm và chưa lý luận cách trừu tượng được.

 

1. Giá trị của phương pháp trực quan.

        a. Người xưa nói  : “ Trăm nghe không bằng mắt thấy”, ý nói học hiểu bằng quan sát trực tiếp vẫn hơn việc nghe mô tả. Ví dụ : Bản tin qua truyền thanh khó được ghi nhận hơn bản tin trên báo hoặc truyền hình.

        b. Việc tái hiện các nhân vật, các biến cố xa xưa trong lịch sử hoặc ở những nơi xa xôi trên thế giới sẽ dễ giúp các em cảm nghiệm, hiểu và khơi động tâm tình.

        c. Việc ngắm nhìn các thực tại trần thế sẽ giúp các em hình dung phần nào các thực tại cao siêu.

 

2. Đức Giêsu sử dụng phương pháp trực quan để giảng dậy.

              Khi đi rao giảng, nhiều lần Đức Giêsu đã sử dụng phương pháp trực quan để giảng dậy.

        a. Sử dụng sự việc đang diễn ra để giảng dậy.

                        - Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ  (Ga 13, 4-20 )

        Để diễn tả cái chết của mình, để cử hành trước cái chết của mình, trong Bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu đã cúi mình xuống rửa chân cho các tông đồ. Việc rửa chân này diễn tả Ngài hạ mình xuống trong cái chết nhục nhã trên thập giá để làm cho nhân loại được sạch, để mang ơn cứu độ đến cho loài người.

        Để dậy các tông đồ bài học khiêm nhường phục vụ, Chúa Giêsu đã dùng việc Ngài rửa chân cho họ.

                         - Đồng xu của bà goá nghèo  (Mc 12, 41-44). 

        Chúa Giêsu nói các môn đệ quan sát đám đông bỏ tiền vào thùng tiền dâng cúng Đền Thờ. Ngài nói với họ chú ý đến bà goá nghèo đang bỏ hai xu vào thùng tiền.

        Ngài dùng hình ảnh đó để dậy các môn đệ bài học về tấm lòng thành đối với Thiên Chúa.

        b. Sử dụng giáo cụ trực quan để giảng dậy.

                        - Nộp thuế cho Cêsarê  (Mt 22). 

-      Giáo cụ : đồng tiền Roma.

-      Khai thác giáo cụ : Chúa Giêsu nói với những người hỏi Ngài phải nộp thuế cho ai quan sát và trả lời câu hỏi : “Hình in trên đồng tiền là hình của ai ?”

-      Rút ra bài học : Điều gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.

                        - Giáo huấn về phục vụ  (Mc 9, 33-37). 

               Để dậy các môn đệ sống khiêm nhường, phục vụ khi họ tranh cãi với nhau ai trong họ là người lớn nhất, Đức Giêsu đã dùng một giáo cụ trực quan để giảng dậy.

·      Giáo cụ trực quan : một em bé.

·      Khai thác giáo cụ : Sau khi dậy các môn đệ muốn làm lớn phải làm người phục vụ mọi người, Ngài dùng giáo cụ trực quan là đặt một em nhỏ vào giữa các môn đệ và nói : “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy, và ai đón tiếp Thầy thì không phải là đón tiếp Thầy nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”  (Mc 9, 37 ).  Chúa Giêsu muốn nói em nhỏ là tượng trưng cho người sứ giả khiêm nhường, người khiêm tốn phục vụ, người đó là người được Thiên Chúa  đồng hoá và người ấy là người lớn nhất vì giống Thiên Chúa.

                      * Rút ra bài học :  Hãy sống khiêm nhường phục vụ.

        4. Sử dụng phương pháp trực quan trong việc dậy Giáo lý.

            a. Các sự việc :

               - Các sự việc đang xảy ra : Trong Hội Thánh, xã hội, những sự kiện đời sống quanh ta, những việc các em vừa chứng kiến hoặc nghe bàn tán….

               - Chương trình đang được phát sóng trên truyền hình: bộ phim đang thu hút các em, tin tức thời sự nóng bỏng.

               - Các hoạt cảnh, bài hát, trò chơi.

            Giáo lý viên sử dụng các sự việc này để hướng dẫn các em học sinh qua phát vấn, đàm thoại và dẫn đến bài học.

            b. Các giáo cụ trực quan :

               - Bảng : Tập sử dụng bảng cho hiệu quả. Nếu chữ viết bảng chưa đẹp, Giáo lý viên nên luyện tập.

               - Vẽ trực tiếp trên bảng : vẽ sơ đồ, vẽ các hình đơn giản để minh hoạ khi giảng bài.

               - Bản đồ : Bản đồ Việt Nam  (các giáo phận ),  bản đồ Đất Thánh, bản gia phả của Chúa Giêsu.

               - Tranh ảnh : Chúng ta hiện có rất nhiều tranh ảnh Kinh Thánh, Giáo lý, các ảnh đạo… Giáo lý viên cố gắng tìm kiếm và sử dụng các loại tranh ảnh phù hợp với đề tài Giáo lý để dậy Giáo lý. Chúng ta có thể sử dụng tranh ảnh để : dẫn vào Lời Chúa, giải thích Lời Chúa, làm bài tập Giáo lý.

               - Rối vải cầm tay, rối bằng giấy bìa.

               - Các vật dụng quanh ta, trong đời sống øhằng ngày như cành hoa, nhánh cây nhỏ, quyển sách, cây đàn…

            Tóm lại, trực quan là phương pháp đạt hiệu quả sư phạm cao do tính cụ thể, sống động và nguyên lý thực nghiệm của nó. Tuy nhiên đối việc sử dụng giáo cụ, không nên dùng quá nhiều nhưng cần phối hợp giáo cụ với bài giảng Giáo lý cho nhịp nhàng đúng lúc, đúng đề tài. Đặc biệt các Giáo lý viên luôn ghi nhớ rằng mục tiêu của tiết dậy Giáo lý là gặp gỡ Chúa, hiểu biết, yêu mến và sống theo lời Ngài, nên phương pháp trên chỉ mang ý nghĩa chuyển tải và hỗ trợ, đừng quá lệ thuộc.

 

v Bài tập  :

        Hãy chọn một bài Giáo lý (khối Sơ cấp)  và soạn phần giải thích Lời Chúa gồm dẫn giải Lời Chúa và và giải thích các câu hỏi thưa theo các phương pháp quy nạp và phát vấn.


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà