MẸ THIÊN CHÚA
Lịch sử công nguyên khởi đầu với một phụ nữ. Tin Mừng kể
“Và thiên thần Chúa đã mang tới cho Maria một sứ điệp”. Đó là một cô gái từ
chốn hẻo lánh không ai biết tới Na-da-ret, và cô chẳng hiểu chuyện gì sẽ xẩy
đến cho mình.
Người ta chỉ nhận
ra được tầm vóc lớn lao của biến cố đó qua dòng thời gian. Trước hết là sự xuất
hiện của thiên sứ, vị này đột ngột trao cho Maria một sứ điệp bất thường: Cô
đầy ơn phúc, cô đã được chọn để làm mẹ Thiên Chúa. Hẳn lúc đó Maria hốt hoảng.
Một con người làm mẹ Thiên Chúa!
Quả là một mâu
thuẫn lớn. Thiên Chúa trở nên bé nhỏ. Ngài trở thành người, như vậy cũng mặc
lấy điều kiện đầu thai và sinh ra của con người. Ngài có một người mẹ, và bằng
cách đó, Ngài đã thật sự được dệt vào tấm thảm của lịch sử loài người, đến nỗi
một phụ nữ đã có thể thật sự nói được với đứa con mình sinh ra: Chúa tể trần
gian ở trong con.
Người ta đã tranh
cãi nhau rất lâu về chữ Mẹ Thiên Chúa.
Nhóm Nestorius* bảo Mẹ không sinh ra
Thiên Chúa, mà chỉ sinh ra một con người Giê-su mà thôi. Như vậy, ngài là mẹ
của đức Ki-tô, nhưng không thể gọi là mẹ Thiên Chúa được. Câu hỏi căn bản là sự
hoà quyện hai bản tính thiên chúa và con người trong đức Giê-su Ki-tô sâu xa
tới đâu, tới độ nào để có thể nói được đứa trẻ sinh ra đó là Chúa, và như vậy Maria
là mẹ Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa không phải trong í nghĩa Mẹ là người sinh ra
Thiên Chúa. Nhưng trong nghĩa Mẹ đã sinh ra một con người, và con người đó hoàn
toàn kết hiệp làm một với Thiên Chúa. Với cách đó, mẹ Maria đã hoàn toàn kết
hiệp một cách lạ lùng với Thiên Chúa.
Maria được kính thờ như Nữ
vương thiên đình, như Nguyên ảnh của
Giáo hội, hay cũng như Mẹ của lòng
nhân ái. Lực toả sáng của người nữ đó,
đấng vẫn luôn dấy động tâm can hàng triệu con người, không thể nào đong đo bằng
tiêu chuẩn thường tình được.
Trong lịch sử, biến
cố mẹ Maria càng ngày cũng được hiểu như là nét vẻ vang của phụ nữ. Bản chất
nguyên thuỷ của phụ nữ được biểu hiện nơi Maria, ngài là hiện thân sự tinh
tuyền của nhân loại và Giáo hội. Và trong khi Eva - người phụ nữ đầu tiên và là
“nguyên mẫu”, như người ta vẫn nói, và là người mẹ của mọi loài sống động -
được sinh ra trên căn bản để chết, thì Maria – nhờ sinh ra đấng cứu thế, đấng
đã phục sinh và mang lại sự sống – thật sự được coi như là sự thể hiện tinh
tuyền hai yếu tố hàm chứa trong chữ Eva, đó là niềm hứa hẹn và khả năng sinh
sản của người nữ. Maria trở thành mẹ của sự sống, của những gì trao ban sự sống
và của mọi loài sống động.
KÍNH CHÀO MARIA
Lời chào của thiên sứ đã trở thành một lời kinh nền tảng
của Giáo hội công giáo. Một vài thiên tài lớn nhất của nhân loại như Mozart*, Rossini*
và những người khác, đã dệt Ave Maria thành nhạc: “Kính chào Maria, đầy ơn
phúc! Thiên Chúa ở cùng cô. Cô là người trong những người nữ được chúc phúc. Và
Giê-su, con trong lòng cô cũng được chúc phúc”. Và thiên sứ còn nói: “Cô đừng
sợ”. Và Maria đã trả lời thế nào?
“Này tôi là tôi tớ
của Thiên Chúa”. Vâng, ngài đã học được cách chẳng sợ. Bởi vì như ta thấy trong
dọc dài Kinh Thánh, bất luận nơi mục đồng hay nơi các tông đồ: Mỗi khi con
người khám phá ra mình ở gần Thiên Chúa là họ cảm thấy sợ hãi. Họ nhận ra sự bé
bỏng của mình và giật mình trước vinh quang và thánh thiêng kì vĩ của Thiên
Chúa, bởi họ thấy mình không thể nào sánh nổi. Đây là một trong những chỗ đầu
tiên trong Tân Ước xuất hiện chữ “Đừng sợ”. Thiên Chúa không đến để gây sợ hãi
nơi ta, nhưng Ngài trở nên bé nhỏ trong sự lớn lao của mình, Ngài cởi bỏ đi nét
gây sợ, bởi Ngài tới để đem ơn cứu độ.
Giáo chủ Gio-an
Phao-lô II đã nhắc lại câu “Đừng sợ, anh chị em đừng sợ Chúa Ki-tô” trong bài
diễn văn đầu tiên ngày nhận chức. Tôi muốn nói rằng, giờ đây cả hoàn vũ ki-tô
giáo nên để cho lời đó luôn thấm nhập mình. Chúng ta không cần phải sợ Chúa,
không sợ Ngài sẽ lấy mất gì của mình hay đe doạ mình, nhưng Ngài đến để đem chở
che, giúp ta thắng vượt cả sự chết.
Kinh Kính mừng của
Giáo hội gồm hai phần. Phần đầu là lời chào của thiên thần, phần sau là lời
Ê-li-sa-bét thốt lên khi Maria tới thăm mình: “Con trong lòng em cũng được chúc
phúc”. Và Ê-li-sa-bét tiếp: “Em là người có phúc hơn mọi người nữ”. Với câu
này, Ê-li-sa-bét cũng đã tiên đoán về sự tôn kính Maria. Thánh Thần đã giúp bà
tiên tri nói lên điều đó. Nói cách khác: Ki-tô hữu cũng sẽ ca ngợi Thiên Chúa,
bằng cách họ vui mừng chào đón những con người, mà qua đó Chúa tỏ cho thấy sự
lớn lao và lòng tốt của Ngài.
Mẹ Maria có í nghĩa nào đối với cá nhân ngài?
Ngài tượng trưng
cho sự gần gũi với Thiên Chúa. Nhờ ngài, ta mới hiểu ra việc nhập thể. Tôi rất
cảm động việc Con Thiên Chúa có một người mẹ, và người mẹ đó được tất cả chúng
ta tín thác. Lời đấng bị đóng đinh trao mẹ mình lại cho Gio-an đã từ giây phút
đó đi vào suốt chiều dài lịch sử. Nhờ lời trối trăn đó mà khi cầu nguyện cùng
Mẹ, ta có được niềm tin tưởng đặc biệt, cảm thấy được gần gũi và nhất là có
được quan hệ với Chúa. Cá nhân tôi trước đây bám chặt vào phong trào phụng vụ
duy ki-tô, quan điểm đó càng được đẩy mạnh qua việc đối thoại với các bạn tin
lành. Nhưng càng ngày, qua việc sùng kính Maria với các ngày lễ của Mẹ, các
buổi chầu tháng năm, các chuỗi mân côi tháng mười, Mẹ càng có í nghĩa đối với
tôi. Và càng về già, tôi càng cảm thấy gần Mẹ Thiên Chúa hơn.
Các Tin Mừng ít đề cập tới Maria. Ngài hoàn toàn vắng mặt
trong những giai đoạn cuộc đời quan trọng của đức Giê-su, hoặc nếu có, thì cũng
xuất hiện dưới dáng tiêu cực hoặc chẳng phải là một người mẹ đáng yêu.
Đúng là truyền
thống tin mừng không quan tâm gì tới Maria. Mẹ hầu như chẳng có vai trò gì
trong Mát-thêu. Trong Mát-thêu, thời niên thiếu của đức Giê-su gắn liền với cha
Giu-se. Lúc này đây tôi có thể nói, rõ ràng người ta đã muốn tránh nói tới Mẹ,
bao lâu Mẹ còn sống. Và cả chính Mẹ cũng muốn giữ kín đáo.
Đức Giê-su kiến tạo
một gia đình mới, và ở đâu người ta ca tụng bà mẹ nào đã cưu mang Ngài và vú
nào đã cho Ngài bú, thì Ngài liền sửa ngay cái hình ảnh lúc đó về quan hệ gia
đình. Đối với Ngài, quan trọng là: “Phúc thay những ai nghe và tuân giữ lời
Chúa”. Đó là tính chất mới về gia đình và về người mẹ. Ngài diễn tả như vầy: Ai
làm theo í của tôi, là anh em, mẹ, chị em tôi. Như vậy, Ngài nâng khái niệm gia
đình mà con người vẫn hiểu lên thành một loại gia đình lớn mới, gia đình cộng
đoàn trong í muốn Thiên Chúa, và đó là điểm quan trọng. Lu-ca cho ta hay về
chuyện cải chính trên, nhưng ngài đã nối sự việc đó một cách văn hoa với cuộc
đời niên thiếu của đức Giê-su và với câu chuyện gặp gỡ bà Ê-li-sa-bet. Trong
Lu-ca, Maria xuất hiện không những như một người mẹ xác phàm, mà cả như một
người lắng nghe, một kẻ tin, một kẻ đứng trong cộng đoàn của Chúa. Theo Lu-ca,
Mẹ là điển hình của những ai lắng nghe và tuân giữ lời Chúa.
Đức Giê-su có nhiều tình cảm và gần gũi hơn với những phụ
nữ khác. Còn đối với mẹ mình thì Ngài nhiều khi tỏ ra cộc cằn. Chẳng hạn trong
tiệc cưới Ca-na, khi mẹ yêu cầu phải làm gì để giúp người ta có đủ rượu cho
khách, Ngài đã thô lỗ: “Này bà, có chi liên quan tới tôi và bà đâu!” Có thật
Ngài đã xử tệ với mẹ như thế không? Có lẽ đôi lúc Ngài đã cắt đứt liên hệ với
mẹ mình?
Anh đang đề cập tới
một đoạn trong Tin Mừng Gio-an. Thánh Gio-an đưa ra một môn Maria học hoàn toàn
đặc biệt. Trong bản Tin Mừng xuất hiện tương đối trễ này vai trò của Mẹ đã được
diễn đạt rõ hơn, không như trong Mat-thêu. Chẳng hạn, bất cứ chỗ nào đức Giê-su
nói với Mẹ, Gio-an đều dùng từ “Bà”. Ta có thể nhìn ra í nghĩa thần học trong
từ xưng hô đó. Bởi vì, nếu giờ đây Maria đơn thuần được gọi là “bà” (gynae),
nếu từ tiệc cưới Ca-na cho tới núi Sọ Maria cũng bước vào một vai trò vượt lên
trên vai trò cá nhân, thì hình ảnh của Eva mới đã sáng tỏ. Ta phải đọc các màn
/ cảnh trong mối liên hệ chung của chúng, trong trường hợp này là cảnh thánh
giá núi Sọ với cảnh tiệc cưới Ca-na, để thấy rằng, thoạt tiên đức Giê-su bước
ra khỏi gia đình Ngài, cho tới khi một gia đình mới xuất hiện trong giờ của
Ngài – trên thánh giá -, và trong gia đình mới này Maria có một vị trí mới quan
trọng.
Nhưng cả trong
Ca-na, câu nói xem ra thô lỗ và mang vẻ từ chối kia cũng rất nhiều nghĩa. Với
lời đó, đức Giê-su muốn nói là Ngài bị trói buộc bởi giờ của Ngài. Có thể nói,
Ngài không thể ưu tiên thoả mãn những nhu cầu gia đình được. Nhưng dù vậy, Ngài
đã làm phép lạ và có thể nói đã hé lộ ra trước giờ của Ngài vì lời yêu cầu của
Mẹ. Thoạt tiên bị từ chối, có nghĩa là Maria chỉ được trả lại chỗ cũ của mình –
và rồi lúc này đây, Mẹ đồng thời lại xuất hiện như một phụ nữ đơn thuần, như là
nguyên ảnh của Giáo hội khẩn cầu, và rồi Giáo hội, cũng như chính Maria, có thể
xin tham dự trước giờ của đức Ki-tô. Như vậy, đây là một bản văn rất sâu xa,
người ta có thể còn suy nghĩ và nói nhiều về nó.
Hãy tạm rời tầng thần học cao sâu trở về với thực tại,
tôi muốn nhắc lại một kinh nghiệm gặp được qua hình ảnh Maria. Có lần tôi tới
thăm điểm hành hương Altötting ở Bayern. Trời lạnh, rảo qua công trường rộng,
tôi bước vào căn Nhà Nguyện Ơn Lành nổi tiếng. Căn phòng chật cứng. Tứ phía đều
có nến cháy, khung cảnh hơi âm u. Trong nhà nguyện toàn chỉ các bà. Họ cầu
chung với nhau, và dĩ nhiên hát với nhau những bài ngọt ngào về đức Mẹ, như Ave
Maria, Mater misericordiae, Ôi nữ vương thiên đàng, Mẹ nhân ái.
Thoạt tiên tôi cảm thấy hơi xa lạ và giữ khoảng cách,
nhưng những bài hát dễ thương quá: “Chúng con khóc lóc kêu cầu danh Mẹ từ thung
lũng nước mắt”. Và lạ lùng thay, bổng nhiên tôi cảm thông được với các bà. Có
một cái gì rất thật, rất đẹp, tôi như bắt gặp được một chìa khoá mở tung tim
mình ra để cảm giác hạnh phúc tràn vào. Có một cái gì như sức mạnh cứu độ toát
ra từ những lời kinh cầu cổ xưa. Những cảm giác đẹp đó nói cho tôi hay là tôi
không cô đơn, có ai đó đang ở bên tôi, người đó biết tôi, người đó mến tôi,
người đó hiểu tôi. Và trong mọi tình huống khó khăn, người đó luôn ở bên tôi.
Tóm lại, tôi có cảm giác đó là một thứ ngôn ngữ không
những trực tiếp đánh đúng vào chỗ yếu của mình, mà đồng thời, như người ta nói,
có sức cứu độ. Và có lẽ việc tôn kính Maria cũng là một phản ứng chống lại cái
tiến trình tục hoá trong Giáo hội, với khuynh hướng muốn vứt hay đã vứt đi rồi
một phần lớn khía cạnh linh thánh và thần bí của đức tin. Phải chăng đây là
thái độ và hành động của những con người đơn sơ chống lại thứ tôn giáo của các
vị giáo sư?
Tôi tin mình có thể
nói được như thế. Hình ảnh Maria đã làm trái tim con người xúc động một cách
đặc biệt. Không những đánh động trái tim phụ nữ, là những người hiểu và gần gũi
Mẹ hơn, mà còn cả trái tim của những ông còn giữ cho mình hình ảnh về Mẹ và đức
Trinh nữ. Môn thánh mẫu học đã tạo nên tiếng nói con tim của thế giới ki-tô
giáo. Ở đây, con người có thể cảm nghiệm một cách trực tiếp Ki-tô giáo như là
một tôn giáo của lòng tin, lòng cậy. Và những lời kinh cổ, đơn giản kia, những
lời lớn lên từ lòng sùng kính dân gian và không bao giờ mất tính chất tươi mát
và lỗi thời, đã giữ con người ở lại trong niềm tin của họ, bởi vì nhờ những lời
kinh gắn bó với đức Mẹ mà họ cảm thấy gần gũi với Chúa, họ cảm thấy đạo không
phải là một gánh nặng, nhưng đạo là tin cậy và đỡ nâng giúp họ vượt qua mọi
chông gai cuộc sống. Và ta cũng hãy nghĩ tới những lời kinh khác, chẳng hạn “Mẹ
rất nhân ái, hãy nâng đỡ con”, nó gợi lên bao nhiêu là tín thác.
Thật ra, mặt khác,
cũng có một thứ chủ nghĩa tinh lọc Ki-tô giáo, một thứ hữu lí hoá đã làm cho
đạo bị đôi chút đông lạnh. Dĩ nhiên tình cảm luôn cần phải được kiểm soát và
thanh lọc - ở đây ta cần phải công nhận vai trò của các giáo sư. Không được để
cho mọi chuyện biến thành chỉ còn là tình cảm sướt mướt, khiến ta mất nền thực
tế, làm cho ta không còn nhận ra được cái cao cả của Chúa nữa. Nhưng từ thời
Ánh sáng trở đi – ngày nay ta cũng lại đang ở trong một thời Ánh sáng mới - ta
chứng kiến một tiến trình hữu lí hoá và tinh lọc rất mạnh, khiến cho tâm con
người phải chống lại nó và bám chặt vào thánh mẫu học.
Vị hồng i lớn người Anh John Henry Newman* viết: “Người không công giáo có thói
quen coi việc tôn kính Maria có hại cho đức Giê-su”. Và ngày nay những người
hoài nghi cũng xem việc tôn sùng Maria một cách quá đà khiến cho tâm điểm nền
tảng của đạo, nghĩa là chính sứ điệp của đức Ki-tô, bị lu mờ.
Ta không được phép
quên điều này: Trong quá trình truyền giáo, Mẹ là khuôn mặt đánh động con người
nhất và giúp họ hiểu được Chúa Ki-tô. Điều này đặc biệt đúng cho Nam Mĩ. Nơi
đây Ki-tô giáo đã tới bằng gươm giáo của người Tây-ban-nha và có lúc vô cùng
nghiệt ngã. Ở Mễ-tây-cơ, thoạt tiên Ki-tô giáo đã chẳng làm được gì – cho tới
khi xẩy ra biến cố Guadeloupe, và qua Mẹ mà bỗng chốc người ta tới gần được với
Chúa Con.
Biến cố đó là việc gặp được tượng đức Mẹ một cách lạ
lùng. Người ta có thể nói, biến cố đó đã tạo nên một trang sử tuyệt đối mới,
nếu không có nó thì việc truyền bá Ki-tô giáo trên lục địa này đã không thể xẩy
ra.
Đúng, và bỗng chốc
đạo Chúa không còn mang khuôn mặt hung ác của những tay thực dân nữa, mà là
khuôn mặt dịu dàng của Mẹ.
Cho tới ngày hôm
nay, ở Nam Mĩ có hai điểm sùng mộ: Yêu đức Mẹ và việc đồng hoá với Chúa Ki-tô
chịu đau khổ. Đức tin của họ biểu tỏ qua hai khuôn dạng đó, và nhờ đó họ không
còn xem Thiên Chúa là Chúa của những kẻ xâm lăng, nhưng là Thiên Chúa thật và
cũng là đấng cứu độ. Vì thế đặc biệt dân công giáo ở châu Mĩ la-tinh rất trân
quý đức Mẹ. Và ta không nên đứng từ quan điểm thuần lí của ta mà chê bai họ đã
làm sai lệch Ki-tô giáo. Chính chỗ này họ đã nhận ra đúng đắn: Thiên Chúa là
đấng muốn cứu độ ta, chứ không phải là Chúa của những người chiếm đóng. Nhờ
vậy, họ đã có thể trở thành ki-tô hữu qua quá trình thấy và hiểu của chính họ,
chứ không phải là phải chấp nhận chịu đựng đạo của kẻ xâm lăng.
Người tin lành xem ra từ lâu đã đẩy được đức Mẹ ra khỏi
niềm tin của họ. Mẹ không còn quê hương nơi họ nữa, cho dù chính Luther trước
đây chưa bao giò bỏ lòng tôn sùng đức Mẹ của ông. Đối với Giáo hội công giáo,
huyền thoại Maria chẳng phải là trò ảo thuật mà cũng chẳng phải là chuyện bên
lề. Chính ngài đã thuộc vào cốt lõi của đức tin. Các bí mật của ngài còn được
đóng ấn tín điều như là những sự thật không hề sai.
Phải nói thêm về
chữ huyền thoại. Nếu nó muốn ám chỉ một chuyện vượt trên sự kiện thực tế, thì
ta có thể dùng từ đó. Vấn đề quan trọng ở đây là ta đang có một câu chuyện
thật, chứ chẳng phải là chuyện bịa đặt nào cả.
Một ghi chú về
người tin lành: Đúng là đã có một khuynh hướng tinh lọc nơi họ. Ban đầu, người
ta sợ rằng đức Mẹ có thể lấy mất đi một chút gì đó nơi đức Giê-su. Và trong quá
trình thanh lọc đó quan điểm “duy Ki-tô” đã dần trở nên quá khích đến nỗi người
ta tin là có một tương quan cạnh tranh giữa hai vị, thay vì nhận ra rằng, qua
khuôn mặt Mẹ, chính khuôn mặt của đức Ki-tô hiện ra và lời đích thực của Ngài
được sáng tỏ, như ta đã thấy qua thí dụ ở Nam Mĩ.
Ngày nay, có những
nỗ lực dè dặt tìm về lại với mẹ Maria nơi người tin lành. Họ nhận ra việc xoá
yếu tố nữ ra khỏi sứ điệp ki-tô cũng là một thiếu sót về mặt nhân chủng. Một
người nữ hiện diện nơi tâm điểm Ki-tô giáo, xét về mặt thần học và nhân chủng
học, là điều quan trọng. Qua Maria và các thánh nữ khác, yếu tố nữ đã đi vào
tâm của đạo Ki-tô. Chẳng có chuyện cạnh tranh giữa hai khuôn mặt mẹ con, vì hai
vị khác nhau trên nền tàng. Đức Giê-su đã trao Mẹ cho tất cả chúng ta qua
Gio-an. Không phải cạnh tranh, nhưng là một thứ gần gũi sâu xa hơn. Đức Mẹ và
đức Trinh nữ có chỗ đứng quan trọng trong nhân sinh quan ki-tô giáo.
TÍN ĐIỀU
Liên quan tới Maria, nhiều người tỏ ra chống đối và sợ
hãi, cái sợ hãi nhiều khi khoác áo diễu cợt. Hãy nhìn lại vài tín điều để hiểu
thêm Maria. Ta bắt đầu với tín điều khó hiểu, khiêu khích nhất, đó là tín điều
đồng trinh, hình thành năm 553. Đó là một câu chuyện sinh học? Hay phải hiểu nó
như thế nào?
Về chuyện anh chị
em của đức Giê-su, Tin Mừng cho biết đức Ki-tô không có anh chị em ruột nào cả,
và mẹ Maria cũng chẳng sinh ai thêm. Trái lại, Ngài có một tương quan đặc thù
và duy nhất với mẹ Maria quá rõ, đến nỗi người ta chỉ có thể hiểu là anh chị em
họ mà thôi, chứ không phải anh chị em ruột. Maria là của Giê-su mà thôi chứ
không là của ai khác nữa.
Tại
sao không?
Là bởi việc sinh ra
này không do liên hệ với một người đàn ông, mà do chính sự can thiệp của Chúa.
Ngày nay có người bảo: không, việc Chúa sinh ra không thể dính dáng tới sinh
học được, vì đó là chuyện bất xứng đối với Thiên Chúa, và rồi gạt nó qua một
bên. Quan niệm như thế là họ đang ngã theo thuyết Ma-ni-kê, chối bỏ nhân tính
của đức Ki-tô.
Con người cũng là
sinh học. Và khi ta không nhìn nhận mặt thân xác, mặt sinh học nơi con người,
thì một cách nào đó, vật chất sẽ bị khinh miệt và bị đẩy ra ngoài, và rồi như
thế rốt cuộc ta cũng sẽ coi việc nhập thể là chuyện giả tạo. Vì vậy tôi chống
lại lối lập luận trên. Đây là một con người thật, toàn diện - Câu trả lời cho
vấn nạn trên là đó. Thiên Chúa cũng đã nắm lấy sự sống – cả sự sống thể lí,
sinh lí lẫn vật chất – và đặt để vào đó một dấu chỉ.
Về sự kiện này, tôi
cho rằng các giáo phụ đã tìm ra được một hình ảnh đẹp. Tiên tri Ê-sê-ki-en,
chương 40, viễn kiến về một đền thờ mới, trong đó có một “cánh cửa phía đông”
chỉ dành cho nhà vua bước vào mà thôi. Các giáo phụ coi đó là một biểu tượng.
Trước hết các ngài xem đó là một đền thờ sống động: Giáo hội sống động. Cánh
cửa, qua đó không ai ngoài đức Giê-su đi vào, nếu không phải là mẹ Maria thì
còn ai hay cái gì vào đó? Vì thế, không thể kéo Mẹ, người sinh ra Thiên Chúa,
xuống hạng tầm thường được. Ngài là cánh cửa dành riêng cho nhà vua. Và như vậy
chính ngài trở thành cánh cửa thật của lịch sử, qua đó vị mà cả nhân loại trông
đợi bước vào.
Nghĩa
là trước sau vẫn là: Sinh con mà vẫn đồng trinh?
Vâng.
Tín
điều vô nhiễm nguyên tội năm 1854 muốn nói lên điều gì ?
Hậu cảnh của tín
điều đó là giáo huấn về tội tổ tông. Giáo huấn này dạy rằng, mỗi chúng ta thoạt
tiên sinh ra từ một liên hệ tội lỗi – chúng ta gọi đó là “rối loạn tương quan”
-, và do rối loạn này mà ngay từ đầu tương quan giữa ta với Chúa đã bị sứt mẻ.
Trong quá trình phát triển giáo huấn đó dần dần đã nẩy ra một suy nghĩ trong
thế giới ki-tô giáo, là Maria không thể rơi vào tương quan sứt mẻ đó được, vì
ngay từ đầu ngài là cánh cửa của Thiên Chúa, cánh cửa đã được đặc biệt tạo ra
để Chúa bước vào.
Về điểm này, đã có
một cuộc tranh cãi lớn trong thời trung cổ. Một bên là các tu sĩ đa-minh. Họ
bảo rằng Maria là một con người bình thường như những người khác, nghĩa là ngài
cũng mắc tội tổ tông. Phía bên kia là các tu sĩ phan-sinh, lí luận ngược lại.
Tóm lại, qua cuộc tranh cãi dai dẳng đó, lần hồi một quan điểm đã kết tinh, bảo
rằng sự lệ thuộc của Maria vào đức Ki-tô mạnh hơn sự lệ thuộc của ngài vào
Adam. Và quan điểm đó cũng bảo rằng Maria đã được Thiên Chúa chuẩn bị cho đức
Ki-tô từ trước rồi, và chính đó là đặc điểm của đời ngài. Vì Maria là nguồn của
một khởi đầu mới, nên ngài không thể thuộc vào tương quan tội lỗi kia được:
Tương quan giữa ngài và Chúa không bị sứt mẻ, ngay từ đầu ngài đã được Chúa bảo
bọc một cách đặc biệt, Chúa đã “đoái xem” ngài (Magnificat) và đã để ngài hướng
lên với Chúa.
Hơn nữa, vì Maria
thuộc về đức Ki-tô một cách đặc biệt, nên tương quan này đã đặt ngài hoàn toàn
trong tình trạng đầy ơn phúc Thiên Chúa. Lời chào thoạt tiên xem ra đơn giản
của thiên thần “Cô đầy ơn phước” như vậy có thể hiểu là ơn phước đó bao trùm cả
cuộc đời của Maria. Đây rốt cuộc không hẳn đơn giản chỉ là một đặc ân của
Maria, mà còn là một hi vọng cho tất cả chúng ta.
Vấn đề càng khiêu khích hơn: Mẹ hồn xác lên trời. Tín
điều này muốn nói gì? Nó được hình thành khá trễ, vào năm 1950. Chuyện quái lạ,
là ngay từ đầu, chúng ta chẳng thấy một vết tích gì về Maria được để lại, chẳng
có mồ mà cũng chẳng còn hạnh tích nào.
Hẳn nhiên tìn điều
này thật khó hiểu đối với tất cả chúng ta, bởi vì ta không mường tượng được
trời là gì. Lại càng khó hiểu khi mường tượng cả một thân xác được đưa lên. Xem
thế, tín điều này đặt ra cho trí óc ta một bài toán lớn, đó là phải hiểu trời
và xác như thế nào, phải hiểu về chính con người và tương lai của nó ra sao…
Và
cá nhân ngài đã giải bài toán đó như thế nào?
Tôi đã nhờ thần học
về phép rửa của thánh Phao-lô để hiểu, khi thánh nhân nói: “Thiên Chúa đã cho
ta sống lại với đức Giê-su và cho ta cùng ngồi trên nước trời trong đức Ki-tô
Giê-su” (Ê-phê-sô 2,6). Có nghĩa là, khi lãnh phép rửa, tương lai của chúng ta
đã được báo trước rồi.
Như vậy, tín điều
chỉ nói lên điều này, là hệ quả của phép rửa : - được ở (“ngồi”) bên Chúa
(Chúa là nước trời!)- đã ứng nghiệm đầy đủ nơi Maria. Phép rửa (cùng ngồi với
đức Ki-tô) đã đạt được đầy đủ hiệu năng cuả nó. Nơi chúng ta, việc cùng ngồi
với đức Ki-tô, việc được sống lại với Ngài còn bất cập, còn rất mong manh.
Nhưng nơi Maria thì khác. Ngài không thiếu gì nữa. Ngài đã bước vào cộng đoàn
toàn đầy với đức Ki-tô. Và một khi ở trong cộng đoàn này thì ngài cũng có một
cuộc sống thân xác mới, mà chúng ta không thể mường tượng được nó như thế nào.
Tóm lại, căn bản
của tín điều là Maria đã hoàn toàn ở bên Chúa, hoàn toàn bên đức Ki-tô, hoàn
toàn là một “tín hữu ki-tô”.
Hơn một triệu tín hữu đòi Giáo hội công giáo nâng Maria
lên thành “đấng cùng cứu độ”. Yêu cầu đó sẽ được thoả mãn – hay đó là một lạc
tín?
Không phải một, mà
hiện có nhiều triệu người yêu cầu điều đó. Nhưng tôi tin đòi hỏi này sẽ không
được đáp ứng trong tương lai gần. Câu trả lời của Bộ giáo lí đức tin: vai trò
cùng cứu độ đó đã thể hiện khá rõ ràng trong các tước hiệu khác của mẹ Maria
rồi, còn danh hiệu “đấng cùng cứu độ” đi quá xa Kinh Thánh và các giáo phụ, nên
sẽ gây ra hiểu lầm.
Đâu là cái đúng
trong đó? Đúng, là đức Ki-tô không đứng ngoài hay bên cạnh chúng ta, mà Ngài
cùng với chúng ta xây dựng một cộng đoàn mới và thiết thân. Những gì của Ngài
là của ta và những gì của ta Ngài đều nhận vào mình, để trở thành của Ngài: Sự
trao đổi lớn lao đó là nội dung của cứu độ, là sự mở toang cái tôi và bước vào
cộng đoàn với Chúa. Vì Maria đã thể hiện Giáo hội đích thực nơi mình, có thể
nói ngài là Giáo hội bằng xương thịt, nên sự “đồng cứu độ” đó đã được thể hiện
một cách mẫu mực. Nhưng trên cái “đồng” đó ta không được quên cái “trước tiên”
của đức Ki-tô: Mọi sự đều đến từ Ngài, như đã được đề cập một cách đặc biệt
trong thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô và Kô-lô-xê; và tất cả những gì nơi Maria đều
cũng đến từ đức Ki-tô.
Chữ “đấng cùng cứu
độ” có thể sẽ làm lu mờ cái nguồn cội đó. Một í hướng đúng được diễn tả bằng
một từ ngữ sai. Chính trong vấn đề đức tin ta không được đứt đoạn với ngôn ngữ
Kinh Thánh và của các giáo phụ; không được chế biến ngôn ngữ đó một cách tuỳ
hứng.
CÁC PHÉP LẠ
Không
ai trong Giáo hội được tôn kính như Mẹ Thiên Chúa, với vô số nhà thờ, bàn
thánh, với bao nhiêu bài hát, kinh cầu, lễ kính và cuộc hành hương. Hàng ngàn
địa điểm hành hương đức Mẹ trở thành như một mạng lưới tế bào thần kinh toả
khắp thế giới.
Và xem ra không ai làm nhiều phép lạ như Mẹ. Những nơi
hiện ra treo đầy chứng tích và tài liệu về những biến cố không giải thích được.
Bernard ở Clairveaux*, chẳng
hạn, gán cho đức Mẹ một năng lực khó tin: “Cứ cầu Mẹ, và anh / chị chẳng bao
giờ mất hi vọng”. Thưa hồng i, tất cả đều là phép lạ thật?
Không thể kiểm
chứng được hết mọi biến cố. Thường đó là những chuyện xẩy ra lạ lùng, nhưng có
lẽ không nên coi tất cả là phép lạ theo nghĩa hẹp. Tuy nhiên, tất cả những cái
đó nói lên lòng tín thác đặc biệt của con người nơi Maria. Qua Mẹ, họ nhìn ra
khuôn mặt của Chúa và đức Ki-tô, và nhờ đó mà họ có thể hiểu được Thiên Chúa.
Những dữ kiện mà
anh vừa kể, một lần nữa cho thấy là qua Mẹ, con người hiểu được một cách đặc
biệt những bí ẩn của Con Chúa và của Thiên Chúa. Đó là lí do nói lên lòng tin
sâu xa của con người đối với Mẹ.
Maria là cánh cửa
mở đưa tới Thiên Chúa. Người ta có thể nói với Mẹ một cách thoải mái, có thể
cầu khẩn ngài với ngôn ngữ và lòng tin con trẻ, những chuyện mà ta thường ngại
làm trước mặt đức Ki-tô. Đó là ngôn ngữ của
trái tim. Ngôn ngữ
đó, hiện diện ở khắp các địa điểm hành hương, càng cho thấy việc Mẹ đã đánh
động sâu xa trái tim con người như thế nào. Đó là thứ đức tin mà đức Ki-tô bảo
là có thể dời non chuyển núi.
Phải chăng các phép
lạ thật đã xẩy ra? đó lại là một chuyện khác. Quan trọng là người ta có lòng
tín thác sâu xa, và lòng tín thác đó cũng đã được đáp trả. Qua sự tín thác đó
đức tin trở nên thật sống động, đến nỗi nó có thể thấm vào được trong cái vật
lí, vào được trong cái hàng ngày, và qua đó ta nhận ra được bàn tay nhân lành
của Chúa qua sức mạnh từ ái của Mẹ.
Lấy thí dụ Fatima:
Ngày 13.05.2000 giáo chủ Gio-an Phao-lô II phong ba trẻ đã nhìn thấy Mẹ lên
hàng chân phước. Chính ngài bảo, ngài thoát chết trong cuộc ám sát ngày
13.05.1981 là do ơn lạ của Mẹ. Và ngài còn nói, biến cố phép lạ đó đã ấn dấu
sâu đậm lên toàn bộ nhiệm kì giáo chủ của ngài.
Việc
gì đã xẩy ra? Gần giữa trưa ngày 13.05.1917 ba em chăn thú tại một miền quê hẻo
lánh Bồ-đào-nha là Lucia (10) cùng hai anh em Jacinta (7) và Francisco (9) đã
có một thị kiến lạ lùng. Các em kể, một lằn sáng chói chang xuất hiện trên gốc
sồi đá chiếu toả vào “một bà tuyệt đẹp”. Bà ấy bảo “Các con đừng sợ”, và bà nói
rằng, bà mang đến một sứ điệp hoà bình cho con người. Thoạt tiên câu chuyện đã
là trò cười và diễu cợt cho mọi người. Nhưng vào ngày 13.10 năm đó có khoảng 70
ngàn người đã tuôn về để được chứng kiến tận mắt cảnh tượng.
Người
ta kể, sự lạ xuất hiện vào khoảng giữa trưa. Trời bỗng dưng ngừng hẳn mưa. Màn
mây xé ra và mặt trời bắt đầu xoay tít quanh nó như một bánh xe quay. Cây cối
và con người bổng như chìm vào trong ánh sáng huyền diệu đó. Đám đông la thét,
vì tưởng như sắp bị mặt trời sa xuống đè bẹp.
Chuyện gì thuần
khoa học tự nhiên đã xẩy ra hoặc không xẩy ra ngày 13 tháng 10, ta không thể
kiểm chứng. Quan trọng là con người đã bị đánh động bởi biến cố có một không
hai lúc đó. Họ đã có thể cảm nhận có một chuyện gì xẩy ra. Và một cách nào đó,
mặt trời đối với họ đã trở thành dấu chỉ ẩn chứa một bí mật nào đó.
Sách Khải-huyền nói
về một bà bận áo mặt trời chân đạp mặt trăng. Thoạt tiên, điều đó muốn ám chỉ
dân Thiên Chúa trong toàn bộ giao ước cũ và mới, nhưng nó cũng ám chỉ đặc biệt
Maria. Áo mặt trời của bà ám chỉ đức Ki-tô là ánh sáng thật cho thế gian. Hình
ảnh đó như vậy nói lên sự gắn bó cội rễ với đức Ki-tô. Mặt trăng – hình ảnh của
sự chóng qua – bị bà dẫm dưới chân. Hình ảnh dẫm đạp đó một mặt nói lên chiều
kích lớn lao có thể làm ta khiếp sợ, nhưng mặt khác cũng cho thấy đó là một sức
mạnh ủi an. Và những ai tới Fatima, Lộ-đức hay Guadeloupe đều cảm thấy cái lớn
lao cũng như lực ủi an và cứu độ đó.
Nói tới Fatima tất
phải nói tới những “bí mật Fatima”. Đó là những sứ điệp mà ba em đã nhận được
vào năm 1917. “Bí mật” thứ nhất cho thấy hoả ngục (Các con đã thấy hoả ngục,
nơi những người tội lỗi đáng thương đang sa chân vào). Bí mật thứ hai tiên báo
việc chấm dứt thế chiến thứ nhất, nhưng (“Nếu người ta cứ tiếp tục thoá mạ
Thiên Chúa”) một cuộc chiến “khốc liệt hơn nữa” sẽ xẩy ra. Bí mật đó cũng báo
trước về cuộc trở lại của Nga-sô. Nhưng chuyện này chỉ xẩy ra sau khi Gio-an
Phao-lô II dâng nước Nga cho đức Mẹ; và một năm sau ngày dâng đó, Gorbachow đã
mở ra chương trình tái tổ chức và bức màn sắt đã sập đổ sau đó mười năm.
Về
bí mật thứ ba, đã có nhiều phỏng đoán từ nhiều chục năm nay, đặc biệt phỏng
đoán về cuộc tận thế hay ít ra là một cuộc sụp đổ của Giáo hội. Người ta bảo,
bí mật này chỉ liên quan tới cá nhân giáo chủ Rô-ma mà thôi, nên không được
công bố. Trong kì viếng Fatima lần thứ ba, chính Giáo chủ đã hé lộ cho thiên hạ
biết về bí mật đó. Hồng i Sodano đã được uỷ thác thông báo tóm tắt nội dung sứ
điệp, ngài cho hay ba trẻ đã có thị kiến về “một giám mục mặc áo trắng” đã bị
trúng đạn và ngã chết dưới đất”, và theo hồng i, sứ điệp này là một tiên đoán
về vụ mưu sát giáo chủ Gio-an Phao-lô II.
Về
cơ bản, sứ điệp Fatima không phức tạp lắm, mà trái lại. Ba trẻ đã diễn tả sứ
điệp đó như vầy: “Ta là bà dịu hiền của chuỗi mân côi. Ta đến để con người được
tốt hơn. Con người hãy chấm dứt việc thoá mạ Thiên Chúa”.
Trên thực tế, sứ
điệp rất đơn giản. Và chị Lucia, người duy nhất còn sống (năm 2000), vẫn luôn
coi trọng sự giản đơn đó, và chị nói, đừng để í đến những chuyện gì khác mà
người ta đã tường thuật, tất cả chung quy lại chỉ là đức tin, hi vọng và tình
yêu. Tôi cũng đã được nói chuyện vắn tắt với chị. Chị nhấn mạnh với tôi là hãy
kể tiếp chuyện này cho mọi người nghe.
Chị nói :
Thoạt tiên thiên thần hiện ra với chúng con, các ngài dạy cho chúng con tin,
cậy, mến; và nội dung của toàn bộ sứ điệp kia là chúng ta hãy học lấy những
nhân đức đó. Đó là những gì Mẹ Thiên Chúa tập cho ta, và nhờ đó giúp ta tinh
luyện và trở về với Chúa. Sám hối chính là sự thay đổi cuộc sống, là việc bước
ra khỏi khuynh hướng thời thượng, một khuynh hướng đẩy ta rời xa Thiên Chúa và
chỉ biết nghĩ tới mình mà thôi. Sám hối là quay về, là đi ra khỏi mình, là cho
mình đi; cho mình đi tức là tình yêu, và rồi tình yêu đòi buộc phải có đức tin
như là điều kiện, và tình yêu làm nẩy mầm hi vọng.
Tôi tin rằng, tất
cả những cuộc hiện ra đó, nếu quả có thật, không phải là một cái gì bên lề Tin Mừng. Đó không phải là những
thoả mãn cho tính hiếu kì và thích chuyện giật gân của ta, nhưng chúng đưa ta
trở về với cái giản đơn và cơ bản, mà ta thường rất ít để í đến. Chính ngày hôm
nay, với bao phức tạp của cuộc sống, đạo của chúng ta lại thường trở nên quá
rắc rối, khiến ta nhiều khi chỉ thấy cây mà chẳng còn nhận ra rừng. Vấn đề lúc
này là quay trở về cái tâm điểm đơn giản, chẳng phải đi đâu khác, mà là trở về
với tin, cậy và mến.
Bộ giáo lí đức tin
đã tổ chức một cuộc họp báo ngày 26.06.2000 để trình bày với báo giới toàn bộ
bản văn liên quan tới cái gọi là bí mật thứ ba của Fatima. Song song Bộ cũng ra
một tài liệu bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có chụp lại bản văn viết tay của
chị Lucia về bí mật trên, để người ta hết phải bàn tán về sự trung thực và đầy
đủ của bản văn. Tài liệu trình bày cẩn thận diễn tiến các thị kiến, các trình
thuật bằng văn bản của chị Lucia cũng như biên bản về bí mật thứ ba. Cả cái
thông báo của hồng i Sodano cũng được in lại trong đó; chính tôi trong đó cũng
có viết một bài thử phân tích các bản văn. Vì cuốn sách được phổ biến rộng rãi,
nên tôi xin được tóm tắt đôi dòng về nội dung.
Thị kiến cho thấy
con đường gian nan của một giám mục bận áo trắng (mà chính ba trẻ nhận ra là
giáo chủ Rô-ma) đang khó nhọc leo lên một ngọn núi có dựng một cây thánh giá;
con đường dẫn xuyên qua một thành phố nửa đổ nát. Các giám mục, linh mục, giáo
dân và cuối cùng cả giáo chủ cũng bị giết. Nhưng máu của những nạn nhân đã được
thiên thần hứng lấy, và máu đó đã làm cho thế giới sinh hoa kết quả. Ta có thể
xem đó là hình ảnh biểu trưng cho Giáo hội tử đạo trong thế kỉ 20; giáo sư
Riccardo (chủ tịch cộng đoàn Thánh Egidio) mới đây vừa cho ra một cuốn sách về
các vị tử đạo dưới các chế độ độc tài trong thế kỉ chúng ta, cuốn sách đã cụ
thể hoá một cách hùng hồn những hình ảnh thị kiến. Đọc qua ba phần của bí mật,
ta thấy rõ tâm điểm của sứ điệp là lời kêu gọi sám hối, đồng thời sứ điệp còn
nói lên tính tự do của lịch sử, nghĩa là lịch sử không hoàn toàn bất biến theo
tiền định, mà có thể thay đổi đường đi nhờ vào việc sám hối.
Toàn bộ bí mật là
lời thảm thiết kêu gọi tự do con người hãy sửa mình, và nhờ đó sửa lại vận hội
thế giới; nội dung bản văn cũng giống như sách Khải-huyền. Sự kiện Giáo chủ
thoát chết có thể được hiểu như là một dấu chỉ cho thấy lịch sử có thể diễn
tiến khác đi nhờ lời cầu nguyện.
Giờ
hãy ghé viếng Lộ-đức. Điểm hành hương lớn nhất thế giới, còn lớn hơn cả Mec-ca
nữa, nằm ẩn khuất trong dãy Pyrenée nước Pháp. Người ta bảo nơi đây từ tháng
hai tới tháng bảy năm 1858 Mẹ đã hiện ra tất cả 18 lần với Bernadette, và càng
ngày càng có đông người hơn được cùng cô gái xay bột chiêm ngưỡng sự biến hình
của Mẹ. Bernadette thuật lại: “Bà bận áo trắng, đội khăn trắng, thắt giải khăn
xanh và dưới chân có một bông hồng vàng”. Và theo lệnh Bà, Bernadette đã lấy
tay moi đất và một mạch nước thiêng từ đó phun lên, hiện nay mỗi ngày phun tới
122 ngàn lít nước.
Nhà văn Do-thái
Franz Werfel, khi còn nằm trong tù Quốc-xã, đã hứa nếu sống sót, sẽ viết về
Bernadette, và ông đã thực hiện điều đó. Lúc này đây người ta chẳng còn nhắc gì
tới Bernadette nữa. Trước khi mất, chị nói: “Hẳn quý vị cũng thấy là lịch sử
của tôi rất đơn giản. Đức trinh nữ đã dùng đời tôi cho ngài. Xong việc thì
người ta đẩy tôi vào một góc. Đó là chỗ của tôi, nơi tôi trú ngụ đầy hạnh
phúc”.
Câu chuyện Lộ-đức,
đối với cá nhân tôi, quả thật cảm động. Và cũng như nhiều người khác, nhờ cuốn
sách của Werfel mà tôi hiểu được thêm sự kiện. Qua cuốn sách, tôi thấy tâm ông
Werfel rất gần gũi với Bernadette. Vì muốn liên đới với dân tộc do-thái, ông đã
không vào công giáo, nhưng dù vậy tâm ông đã cùng với Bernadette nhìn thấy đức
Mẹ thật, đã tin và đã tín thác vào ngài.
Có lẽ ta chẳng phải
dài dòng luận bàn về câu chuyện. Cô gái đơn sơ kia, chẳng có gì ngoài một tâm
hồn tinh khiết lớn lao, đã có thể mang bộ mặt Mẹ Chúa Trời – cho dù ngay bước
đầu đã gặp phải sự ngờ vực hữu lí của giáo quyền - vào một thế giới lạnh lùng
và có xu hướng đông lạnh tinh thần trong thế kỉ của chủ nghĩa duy lí này, một
thứ duy lí thô lỗ và cả nhuốm màu chống giáo sĩ. Và với mạch nước ban sự sống
và cứu độ ở Lộ-đức, Bernadette đồng thời đã minh chứng nơi Mẹ có lực cứu độ của
tạo dựng, tạo dựng được Mẹ cho sống lại một cách mới.
Quả là một dấu chỉ
đầy í nghĩa, khi chính trong khung cảnh duy lí này mà một tâm hồn đơn sơ –đơn
sơ nên mới có thể nhìn thấy - đã giúp con người tái nhận ra được Ki-tô giáo là
một tôn giáo của tâm hồn và là một thực tại có lực cứu rỗi. Và vì vậy ở Lộ-đức
con người thường dễ dàng nhìn ra được nét bí ẩn nơi đức Ki-tô. Và đấy là một
điểm khá tích cực. Mạch nước cứu độ ở Lộ-đức nhắc nhở con người về nước rửa
tội, đây mới thật là nguồn nước mới đức Ki-tô đã ban tặng cho ta.
THIÊN CHÚA và TRẦN THẾ, Peter Seewald
Ghi
lại trao đổi với ĐHY Joseph Ratzinger (Đức Giáo Hoàng đương kim hiển trị
Bênêđictô XVI)
* Nestorius ( ? – 451): Chủ trương đức Giê-su chỉ là
một người đã được tiền định mang thiên tính (Ngôi Lời) trong mình (nghĩa là
Ngôi Lời và Giê-su là hai thực thể riêng). Như vậy đức Maria chỉ là mẹ của con
người Giê-su Ki-tô, chứ không phải là mẹ Thiên Chúa.
* Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791): Nhạc sĩ sáng
tác thiên tài người Áo, bắt đầu học chơi vĩ cầm và dương cầm, cũng như bắt đầu
tập sáng tác lúc 6 tuổi.
* Gioachino Rossini (1792 – 1868): Sáng tác gia nhạc
kịch người Í.
* John Henry Newmann (1801 –
1890): Nhà thần học tin lành, người Anh, sau trở lại công giáo làm linh mục và
hồng i. Đề tài nghiên cứu chính của ngài là lương tâm. Quan điểm đại kết của
ngài ảnh hưởng trên công đồng Vatican II.
* Bernard ở Clairvaux (1091 – 1153): Thánh, người
Pháp, tu viện trưởng và thầy (tiến sĩ) Giáo hội. Sáng lập nhánh Xi-tô ở
Clairvaux và đã đưa dòng này lên đỉnh cao phát triển. Người vận động chính cho
cuộc thánh chiến thứ hai (1147/49). Có ảnh hưởng lớn trên thần học và cuộc sống
tinh thần đương thời.