Ngày 15-8-2010 - Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét (Luca 1,39-56 – Đức Maria lên trời)

 

Bằng cách khéo léo vận dụng những từ ngữ và hình ảnh Cựu Ước, tác giả Lc đưa chúng ta đến chỗ nhận ra Đức Maria là Hòm Bia Giao ước mới, Mẹ của Đức Chúa, Đấng đã tin như Abraham ngày xưa.

Lm PX Vũ Phan Long, ofm


 

1.- Ngữ cảnh


Trong phần tường thuật về thời thơ ấu, tác giả Lc bố trí ba giai thoại: loan báo Gioan chào đời (1,5-25), loan báo Đức Giêsu chào đời (1,26-38) và Đức Maria đi thăm bà Êlisabét (1,39-56). Truyện thứ ba này giả thiết có hai truyện đầu và bổ sung cho hai truyện đó. Truyện thứ ba này đóng vai trò nối kết hai truyện trước, đặc biệt liên kết cc. 24-25 với cc. 36-37. Đã soạn thảo bài tường thuật về loan báo Gioan chào đời, sau đó, mô phỏng theo bài ấy mà soạn ra bài nói về loan báo Đức Giêsu chào đời, nay Lc dùng giai thoại Đức Maria đi thăm viếng bà Êlisabét để liên kết truyện hai lời loan báo cách chặt chẽ hơn. Câu truyện ở 1,5-24a được tiếp nối với 1,57-66.  


Trong giai thoại trước, sứ thần cho biết: “Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng [episkiasei] trên bà” (1,35). Tác giả đã mượn lại hình ảnh Đám mây sáng che phủ Nhà Tạm (Xh 40,35: “Ông Môsê không thể vào Lều Hội Ngộ vì đám mây đậu/rợp bóng [epeskiazen] trên đó, và vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm”) tượng trưng cho sự hiện diện vinh quang của Yhwh với Israel để nói về Đức Maria lúc này: Mẹ được coi như là Hòm Bia Giao ước.

 

2.- Bố cục


Có thể phân chia bản văn này thành hai phần, với một kết luận:

1) Cuộc gặp gỡ: Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét; bà này nhận ra Maria là “Thân Mẫu Đức Chúa” (1,39-45);

2) Bài Magnificat: Đức Maria phản ứng trước lời ca tụng của bà Êlisabét và ân huệ Thiên Chúa tặng ban  (1,46-55):

a) Một cái nhìn mới về Thiên Chúa (cc. 46-50),

b) Một cái nhìn mới trên thế giới (51-55).

 

3.- Vài điểm chú giải


- đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng … Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?
(41.42.43): Tác giả Lc đã dựa vào 2 Sm 6 (vua Đavít chuyển Hòm Bia về Giêrusalem), 1–2 Sb và sách Giuđitha để viết 1,39-56: Đức Maria là “Hòm Bia giao ước” mới cũng đang di chuyển về phía nam (Giuđa).

 

 

2 Sm 6

Lc 1,39-56

Trong xứ Giuđa (2)

Trong xứ Giuđa

Dân vui

Êlisabét và con vui

Dân reo

Gioan nhảy mừng (44)

Vào nhà Ôvết Êđôm (10)

Êlisabét reo, anephônêsen (42)

Hòm Bia: nguồn phúc  (11-12)

Maria:nguồn phúc (41.44)

Bởi đâu tôi được Hòm Bia Đức Chúa đến nhà tôi? (9)

Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi? (43)

Ở nhà Ôvết Êđôm ba tháng (11)

Ở với bà Êlisabét độ ba tháng (56)



 

- Động từ anephônêsen (“reo”) chỉ được dùng để chỉ những tiếng tung hô trong phụng vụ (1 Sb 16,45.42) và đặc biệt trong cuộc di chuyển Hòm Bia (1 Sb 15,28 và 2 Sb 5,13).

- Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc (42): Ở đây tác giả đặt song đối Đức Maria với Gđt 13,18-19, như thế ám chỉ Đức Giêsu là Thiên Chúa:

 

Gđt 13,18-19

Lc 1,42

Bà được chúc phúc…

giữa tất cả các phụ nữ

Em được chúc phúc…

hơn mọi người phụ nữ

Đức Chúa là Thiên Chúa
được chúc phúc (eulogêmenos)

quả lòng dạ em cưu mang
được chúc phúc (eulogêmenos)

 

 

- Lc 1,5–2,22 là một chuỗi các thời điểm Lc nêu ra để chứng tỏ các lời ngôn sứ đã ứng nghiệm: Tác giả đã muốn nối kết biến cố sứ thần Gabriel hiện ra ở Đền Thờ với việc Đức Giêsu tỏ mình ra cũng tại đấy bằng một con số huyền bí (70 tuần 7 ngày):

- 6 tháng (Lc 1,26.36) kể từ khi ông Dacaria được báo tin tới khi Maria được báo tin:

30 ngày x 6 = 180 ngày

- 9 tháng kể từ khi Đức Maria được truyền tin đến khi Đức Giêsu chào đời:

30 ngày x 9 = 270 ngày

- 40 ngày kể từ khi Đức Giêsu chào đời cho đến khi được tiến dâng:

= 40 ngày

Tổng cộng: = 490 ngày

= 70 tuần 7 ngày.


Thế mà theo lời sấm Đn 9,21-24, sau 70 tuần, Ít-ra-en sẽ được thanh tẩy khỏi các tội và Đền thờ Giêrusalem sẽ được tái cung hiến (thời vua Antiôkhô IV Êpiphanê / Ông Giuđa Macabê). Tác giả Lc muốn cho thấy rằng việc Đức Giêsu được tiến dâng trong Đền thờ đã khởi sự việc “Vinh quang” của Thiên Chúa (x. cụ Simêôn gọi Đức Giêsu là “vinh quang của Israel”) đến cư ngụ vào thời cánh chung để thanh tẩy Đền thờ và Israel. Việc này cũng làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Malakhi (3,1).


- Em thật có phúc, vì đã tin (45): Nhận định khiến độc giả nghĩ ngay đến Abraham, vị tổ phụ đã mở đầu lịch sử cứu độ bằng hành vi đức tin (x. St 12,1-5).


- Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
(46): Dịch sát là “linh hồn tôi (= Tôi) đề cao (megalynô) Đức Chúa”. Câu này có thể là Tv 69,31, diễn tả lời ca ngợi và tạ ơn đối với Thiên Chúa cao cả uy hùng, nguồn mạch các phúc lành Đức Maria đã nhận được.    


- thần trí tôi
(= Tôi) hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi (47): Câu này hợp với câu trên làm thành vế của một câu thơ Do-thái viết theo cách biền ngẫu (= song đối) tổng hợp, nghĩa là hai vế song song, nhưng vế sau bổ túc nghĩa cho vế trước: Linh hồn tôi, cũng là chính bản thân tôi, đề cao tán dương Thiên Chúa trong niềm hoan lạc.


- Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới
(48): Câu này gợi nhớ tới lời khấn của bà Anna, mẹ của ngôn sứ Samuel (1 Sm 1,11). Dịch sát là: “Người đã nhìn đến sự hèn mọn của nữ tỳ Người”. “Hèn mọn, thấp hèn” (tapeinôsis) căn bản là sự nhục nhã của người phụ nữ không có con. Khi trả lời cho sứ thần Gabriel, Đức Maria đã nhìn nhận mình là “nữ tỳ của Chúa” (1,38), nên có thể dịch là “phận nữ tỳ hèn mọn”. Đức Maria cảm thấy mình hoàn toàn không xứng đáng làm mẹ của Đấng Mêsia thuộc giòng dõi Đavít và cũng là Con Thiên Chúa (1,32).


- từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc
: Lời này nhắc nhớ đến nhận định của bà Êlisabét: “Em thật có phúc (makaria) vì đã tin” (1,45). Lời này diễn tả một thái độ căn bản mà mọi ki-tô hữu phải có đối với Mẹ của Ngôi Lời. Đang sống trong hiện tại của Mẹ, Mẹ Maria cũng là người của thời sẽ đến.


- Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả
(49): Thiên Chúa là “Đấng Toàn Năng” (ho dynatos), mọt danh hiệu dành cho Yhwh (Đức Chúa) trong bản dịch hy lạp (LXX) của sách ngôn sứ Dcr 3,17; Tv 89,9. Sứ thần Gabriel đã loan báo: “Quyền năng (dynamis) của Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (1,35). Kể từ chỗ này, Đức Maria sẽ không dùng danh xưng “Thiên Chúa” nữa. Theo bản văn, chúng ta hiểu là tất cả những gì Đức Maria ca tụng về Thiên Chúa sau này đều được gán cho “Đấng Toàn Năng”. “Những điều cao cả” nhắc nhớ tới sách Đnl 10,21. Theo truyền thống Cựu Ước, “những điều cao cả” mà dân Do-thái ca tụng Thiên Chúa đều liên hệ đến những công trình cứu độ của Người đối với Israel (x. Đnl 11,7; Tl 2,7).


- danh Người
(= bản thân Người) thật chí thánh chí tôn: Câu này gợi đến Tv 111,9. Chính sứ thần truyền tin cũng đã loan báo rằng từ Đấng Toàn Năng có Danh chí thánh, người con sẽ sinh ra cho Mẹ cũng được gọi là “Đấng Thánh” (1,35). Bởi vì Ngài là “thánh” ([h]a-gios), nghĩa là không có tình trạng bất toàn của những kẻ đang sống trên mặt đất (), Thiên Chúa có thể bày tỏ lòng thương xót “từ đời nọ tới đời kia”.


- Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người
(50): Câu này gợi tới Tv 103,17. Không phải là Thiên Chúa chỉ tỏ lòng thương xót đối với những ai sợ sệt khúm núm như những nô lệ trước mặt Ngài, mà là đối với những ai nhìn nhận và tôn trọng sự cao cả của Ngài. Lòng thương xót (Hy-lạp eleos; Híp-ri hesed) đây cũng chính là lòng trung thành với các lời hứa.   


- Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh dẹp tan phường lòng trí kiêu căng
(51): “Cánh tay của Thiên Chúa” là công thức nhân hình để nói về sức mạnh hay quyền năng của Ngài (Xh 6,6; Đnl 4,34; Is 40,10; 51,5.9; 53,1). Bằng sức mạnh này, Ngài có thể đảo lộn những hoàn cảnh con người đã tạo ra. “Phường lòng trí kiêu căng” chính là những kẻ đối nghịch với Thiên Chúa (x. Is 2,12; 13,11). Đây là những người cưu mang những kế hoạch vĩ đại, hầu như chống nghịch với Thiên Chúa.


- Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường
(52): Ở đây có một chỗ chơi chữ: Bởi vì Thiên Chúa là ho dynatos (Đấng Toàn Năng), Ngài hạ bệ những dynastas, “các ông hoàng, các bậc quyền thế”. Đây là những người thống trị các người dưới quyền từ vị trí độc tôn của họ. Câu này có thể gợi tới G 12,19 hoặc 1 Sm 2,7. Và bởi Ngài vẫn nhìn đến những “thân phận hèn mọn”, Ngài sẽ nâng cao những “kẻ khiêm nhường”, tức những người biết mình không có gì cả và không là gì cả trước nhan Thiên Chúa.  


- Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng
(53): Câu này nhắc tới Tv 107,9, hoặc 1 Sm 2,5. “Người giàu có” là những người dư thừa của cải nhưng bo bo giữ kỹ, trong khi bao người chết đói. Đức Maria vẫn đang đề cao quyền năng của Đấng Tối Cao.


- Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người
(54): Các lời này nhắc tới Is 41,8-9 (LXX). Đấng Cứu thế sắp chào đời lại là một dịp nữa để Thiên Chúa đến cứu độ dân Ngài.


- như đã hứa cùng cha ông chúng ta
(55): Lời này nhắc tới Mk 7,20. Đức Maria nhắc tới các lời hứa Thiên Chúa đã ban cho các tổ phụ (St 17,7; 18,18; 22,17) và cho vua Đavít (2 Sm 7,11-16).

 

4.- Ý nghĩa bản văn


* Cuộc gặp gỡ (39-45)


Cuộc gặp gỡ với giữa Đức Maria với bà Êlisabét nhắc lại cuộc gặp gỡ giữa Mẹ với sứ thần Gabriel: cả hai vị đều nhận định Mẹ đầy ơn phúc. Thiên Chúa đã chúc phúc cho Mẹ; phúc lành của Thiên Chúa tiếp tục ở trên Mẹ. Thiên Chúa đã chúc phúc cho Mẹ cùng với hoa quả lòng Mẹ. Phúc lành của Thiên Chúa là quyền lực và sức mạnh làm cho có thể có sự sống và bảo tồn sự sống. Đức Maria là người “được chúc phúc” theo cách đặc biệt: quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa đã làm cho mẹ có khả năng chuyển thông sự sống nhân loại cho Đức Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa, cũng là Chúa tể sự sống, sẽ chiến thắng cái chết và ban sự sống vĩnh cửu. Tiếng kêu lớn của bà Êlisabét là một lời ca tụng hành động của Thiên Chúa, nhưng cũng diễn tả một nỗi kinh ngạc chan chứa niềm vui đối với Maria, người đã được Thiên Chúa làm cho những việc cao cả như thế.


Đứng trước Đức Maria, bà Êlisabét cũng đồng thời cảm nghiệm về vị trí, về sự bất xứng của chính mình: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” . Bà trân trọng Đức Maria đúng mức; bà bày tỏ lòng tôn kính. Còn Đức Maria, Mẹ không chỉ đến thăm bà Êlisabét, nhưng còn ở lại ba tháng, để phục vụ.


Cuối cùng bà Êlisabét diễn tả nhận định của bà về cách xử sự của Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. Đức Maria cốt yếu và trước tiên là người đã tin. Cách đối xử của Thiên Chúa đối với Đức Maria được diễn tả bằng ân sủng và phúc lành; cách đối xử của Đức Maria đối với Thiên Chúa được diễn tả bằng lòng tin. Đức Maria đã tin vào Thiên Chúa, vào giá trị của lời Ngài, quyền năng của Ngài. Mẹ đã diễn tả niềm tin đó qua tiếng “xin vâng” với sứ điệp của sứ thần. Lịch sử dân Ít-ra-en mở ra với hành vi đức tin của Abraham; lịch sử cứu độ thế giới mở ra với hành vi đức tin của Đức Maria.

 

* Bài Magnificat (46-55)


Đức Maria đã đáp lại lời chào chan hòa niềm phấn khởi vui tươi bằng một bài ca ngợi dâng lên Thiên Chúa. Lý do đích thực của niềm vui là được Thiên Chúa thương quan tâm đến. Qua bài ca này, Đức Maria đã diễn tả một cái nhìn mới về Thiên Chúa (cc. 46-50) và một cái nhìn mới trên thế giới (51-55).


Trong cái nhìn đức tin được Lời Chúa hướng dẫn, Đức Maria thấy Thiên Chúa, Đức Chúa, Đấng Thánh, lại đã chiếu cố đến bản  thân của Mẹ, một thiếu nữ nhỏ bé tại một làng nhỏ bé. Mẹ đã diễn tả khám phá của mình về Thiên Chúa. Đức Maria ngợi khen Thiên Chúa vì chính Ngài, cho dù Mẹ ngợi khen Thiên Chúa về những gì Ngài đã thực hiện nơi Mẹ, nghĩa là phát xuất từ chính kinh nghiệm của Mẹ. Niềm vui sướng hân hoan của Đức Maria là niềm vui sướng hân hoan cánh chung về cách hành động vĩnh viễn của Thiên Chúa và là niềm vui sướng hân hoan của tạo vật khi cảm thấy mình là tạo vật được Đấng Tạo hóa yêu thương, cảm thấy mình được phục vụ Đấng Thánh. Các thánh khi cảm nhận được ơn Chúa viếng thăm, nhiều khi đã reo lên ngây ngất, phương chi Đức Maria, được đón tiếp chính Thiên Chúa trong lòng.


Mẹ cũng diễn tả một cái nhìn mới trên thế giới. Cũng vẫn trong cái nhìn đức tin, Đức Maria mô tả một sự đảo lộn và một sự thay đổi tận căn các phe phái loài người: “Chúa hạ bệ – Người nâng cao; Chúa ban đầy dư – Người đuổi về tay trắng”. Đây là công bố một sự xoay chiều không thể vãn hồi, bởi vì là công trình của Thiên Chúa. Trong cuộc chuyển biến này, nổi rõ hai hạng người: một bên là hạng người kiêu căng-quyền thế-giàu có, bên kia là hạng người hèn mọn-nhỏ bé-nghèo đói. Cuộc đảo lộn vị trí giàu-nghèo là dấu chỉ và sự biểu lộ biến cố cánh chung là việc Đấng Mêsia ngự đến.     

 

+ Kết luận


Bằng cách khéo léo vận dụng những từ ngữ và hình ảnh Cựu Ước, tác giả Lc đưa chúng ta đến chỗ nhận ra Đức Maria là Hòm Bia Giao ước mới, Mẹ của Đức Chúa, Đấng đã tin như Abraham ngày xưa.


Bài ca Ngợi Khen của Đức Maria là một bài ca ngợi sự cao cả của Thiên Chúa, lòng thương xót của Ngài, nhưng cũng là bài về sự công bình và hòa bình giữa loài người. Ơn cứu độ là một điều thiện hảo toàn diện: đón nhận tình bằng hữu với Thiên Chúa, thì cũng phải sống tình liên đới bình đẳng giữa loài người.


Tư cách đặc biệt của Đức Maria cùng với bài ca cũng độc đáo này đưa chúng ta đến chỗ đối diện với Đấng mà Mẹ đang cưu mang trong lòng: Người không những là Đấng Mêsia thuộc dòng tộc Đavít, là Con Đấng Tối Cao, mà cũng là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa.

  

5.- Gợi ý suy niệm


1. Vừa biết tin chị họ mang thai sắp đến thời kỳ sinh nở, Đức Maria đã vội vã lên đường để đến phục vụ bà. Nhưng vì Mẹ cũng đang cưu mang Đấng Cứu thế, Mẹ trở thành người mang Đức Kitô đến cho gia đình Dacaria. Người ki-tô hữu, đang mang Đức Kitô trong tâm hồn, cũng phải luôn luôn nôn nóng ra đi trên khắp nẻo đường thế giới để mang niềm vui và sự bình an đến cho mọi người.


2. Phần thứ nhất của Kinh Kính Mừng hoàn toàn lấy từ Tân Ước, liên kết các lời nói đầu tiên của thiên thần (“Kinh mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà”) với những lời nói đầu tiên của bà Êlisabét (“Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”). Sứ thần đã gọi Đức Maria là “đầy ơn phúc”; bà Êlisabét đã gọi ngài là “có phúc lạ” (= được chúc phúc). Cả hai vị đều diễn tả trước hết quan hệ Thiên Chúa tạo ra với Đức Maria, cách thức Ngài ngỏ lời với Đức Maria. Tất cả những gì người ta có thể nói về Mẹ tùy thuộc tương quan này. Đức Maria vui sướng được sống trong tương quan này. Chúng ta có sống với lòng biết ơn trong sự lệ thuộc vào Thiên Chúa chăng?


3. Đức Maria đã cưu mang Con Đấng Tối Cao (1,32), Con Thiên Chúa (1,35) và sẽ sinh hạ Ngài ra. Do đó, Mẹ là “Thân Mẫu Đức Chúa”. Như bà Êlisabét đã trải nghiệm thân phận bất xứng, chúng ta cũng diễn tả kinh nghiệm này qua lời cầu xin: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội”. Chúng ta xin Mẹ Đức Chúa, Mẹ Thiên Chúa, chuyển cầu cho chúng ta. Chúng ta nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Bà Êlisabét chan hòa niềm vui vì Thân Mẫu Đức Chúa đến nhà bà; đồng thời bà biết rằng bà không ở ngang tầm với Thân Mẫu Đức Chúa, nhưng không hề tị hiềm. Bà bày tỏ sự kính trọng đối với Đức Maria. Trong khi đó, Đức Maria, Mẹ Đức Chúa, lại ở lại nhà bà Êlisabét. Sự kính trọng các khác biệt không chống lại sự hiệp thông thân tình và vui tươi.

 

4. Do mầu nhiệm Truyền Tin và Thăm Viếng, Đức Maria chính là điển hình của kiểu sống mà chúng ta phải theo. Trước tiên, Mẹ đã đón tiếp Đức Giêsu vào cuộc sống của Mẹ; sau đó, những gì Mẹ đã lãnh nhận, Mẹ đã chia sẻ. Mỗi lần chúng ta rước lễ, Đức Giêsu là Ngôi Lời trở thành thịt trong cuộc đời chúng ta. Vậy đấy đã là Lễ Tế Tạ Ơn đầu tiên: phần dâng lễ chính là Đức Maria dâng Con Mẹ nơi mình, còn bàn thờ Người đã thiết lập là lòng Mẹ. Là người duy nhất có thể khẳng định với một niềm tin tưởng tuyệt đối: “Này là Mình tôi”, kể từ lúc đó, Đức Maria đã dâng chính thân Mẹ, sức mạnh của Mẹ, toàn bản thân Mẹ, để tạo nên Thân Thể Đức Kitô” (CP. Têrêxa Calcutta).

 

 


Mục lục Thánh Mẫu Học