Đức Ma-ri-a tại tiệc cưới Ca-na và dưới chân Thập giá trong Tin Mừng Gio-an

(dongten.net) 19/01/2013

Dẫn nhập

Đức Ma-ri-a xuất hiện trong Tin Mừng Gio-an hai lần: lần đầu tại tiệc cưới Ca-na (Ga 2,1-12), lần sau tại đồi Cal-vê, dưới chân thập giá Chúa Giê-su (Ga 19,25-27). Đức Ma-ri-a trong Phúc âm thứ tư không được gọi tên như trong Tin Mừng nhất lãm: thay vì gọi đích danh Ma-ri-a, thì tác giả gọi Người là Mẹ Chúa Giê-su. Có lẽ, đó là điểm nổi bật có tính thần học trong Phúc âm Gio-an.

Quả thực, những gì thánh Gio-an trình bày trong Phúc âm thứ tư không chỉ đơn thuần là tường thuật những biến cố lịch sử cho bằng những suy tư về chính Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa. Ngài muốn cho thấy rằng những gì đã xảy ra trong đời sống Chúa Giê-su thì cũng đang diễn ra trong Hội thánh hôm nay. Do đó, từ một kỷ niệm xác thực, được tưởng nhớ nhờ sức mạnh của Thánh Thần, Phúc âm Gio-an đã diễn tả thành một câu chuyện lịch sử tiềm ẩn mang ý nghĩa thần học.

Theo ý hướng đó, trình thuật về dấu lạ đầu tiên tại Ca-na và biến cố thập giá Chúa Giê-su có nhiều ý nghĩa phong phú. Bởi lẽ, Đức Ma-ri-a trong Tin mừng Gio-an, không chỉ được diễn tả trong tư thế làm Mẹ Đấng Cứu Thế mà còn đóng một vai trò quan trọng trong công trình cứu độ của Chúa Cha ngang qua Chúa Giê-su.

Như thế, thử hỏi sự hiện diện của Đức Ma-ri-a trong hai biến cố quan trọng khởi sự và kết thúc sứ mạng của Chúa Giê-su có ý nghĩa như thế nào? Dưới đây, trong giới hạn của mình, tôi cố gắng lần lượt phác họa hình ảnh của Đức Ma-ri-a tại tiệc cưới Ca-na và dưới chân thập giá.

I. Đức Ma-ri-a tại tiệc cưới Ca-na

Bối cảnh tiệc cưới xảy ra tại vùng quê Ca-na miền Ga-li-lê (phân biệt với Ca-na miền Coelo-Syria), có sự hiên diện của Đức Ma-ri-a, Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài. Có lẽ Đức Ma-ri-a là một khách mời đặc biệt hoặc có liên quan đến việc tổ chức lễ cưới nên xem ra Đức Ma-ri-a rất lo lắng khi thấy thiếu rượu. Thật vậy, theo phong tục truyền thống Do-thái, đám cưới là một lễ hội rất long trọng và được tổ chức nhiều ngày. Khách mời và gia chủ cùng chia sẻ những ngày tiệc tùng vui vẻ là một cơ hội quan trọng trong đời. Đặc biệt, rượu là một thứ không thể thiếu trong đám cưới vì nó làm tăng niềm vui của khách mời và việc thết đãi rượu thịnh soạn dồi dào là một vinh dự của gia chủ. Hơn nữa, theo văn hóa Đông phương, đãi khách là một nhiệm vụ thiêng liêng, vì thế thiếu thức ăn, nước uống và rượu là một điều xấu hổ cho cô dâu, chú rể. Các Rab-bi thường nói: “Không rượu thì không vui”. Tuy nhiên, say rượu cũng là sự khiếm nhã nên khách mời cũng cần phải chừng mực. Tiếc thay, sự cố không vui đã xảy đến trong tiệc cưới tại Ca-na này: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Đức Ma-ri-a đã nhận ra điều đó và Mẹ đã can thiệp để điều tồi tệ nhất không xảy ra.

1. Sự can thiệp của Đức Ma-ri-a

Rượu là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên niềm vui trong tiệc cưới, nhưng tiếc thay, tiệc cưới Ca-na chưa tàn đã hết rượu. Đức Ma-ri-a đã nhận ra tình hình tồi tệ ấy và đã can thiệp cách chủ động. Tuy nhiên, thái độ và cung cách của Đức Ma-ri-a cho thấy Mẹ thực sự quan tâm đến nhu cầu của người khác và Đức Ma-ri-a đã không yêu cầu cách trực tiếp nhưng bằng một thái độ đức tin và có sự tín thác.

a. Đức Ma-ri-a luôn quan tâm đến nhu cầu của người khác

Đức Ma-ri-a hiện diện trong tiệc cưới Ca-na được tác giả Phúc âm thứ tư diễn tả như một vị khách đặc biệt. Đức Ma-ri-a sát cánh bên Chúa Giê-su và dường như điều ấy làm cho các nhân vật khác trong tiệc cưới trở thành thứ yếu. Tuy Đức Ma-ri-a không tỏ ra là một nhân vật chủ chốt, nhưng điều Mẹ lưu tâm là một công việc quan trọng và cấp thiết, công việc của một ông quản tiệc. Đức Ma-ri-a đã lên tiếng với Chúa Giê-su về tình hình nghiêm trọng xắp xảy đến: thiếu rượu.

Có thể nói, Gio-an đã đặt sự quan tâm của Đức Ma-ri-a về việc thiếu rượu trong tiệc cưới như một dấu chỉ khởi sự dấu lạ đầu tiên của Chúa Giê-su, Đấng được Thiên Chúa sai đến. Vì thế, theo ý định của Gio-an, việc can thiệp của Đức Ma-ri-a hay việc biến nước thành rượu không phải là trọng tâm của biến cố cho bằng việc giới thiệu và minh chứng về Đấng Thiên Sai muôn dân đang mong đợi. Ngài đến để đem ơn cứu độ và đổi mới mọi sự.

Chúng ta sẽ thấy Gio-an thường trình bày các dấu lạ nhắm mục đích thay thế các luật lệ cũ của người Do-thái. Thêm vào đó, khi Chúa Giê-su đến, giáo lý và hệ thống tôn giáo cũ có thể trở nên vô nghĩa nên không thể tồn tại. Do vậy, sự lưu ý của Đức Ma-ri-a về việc thiếu rượu có thể được hiểu theo một nghĩa tượng trưng về tình trạng của dân Do-thái. Trước hết, thiếu rượu được diễn tả như thể “họ đang trở nên trống rỗng và là nạn nhân của những luật lệ vô nghĩa của nhóm biệt phái”[1]. Tiếp đến, nước để dùng trong nghi lễ thanh tẩy theo luật cũ tại tiệc cưới Ca-na không còn cần thiết nữa nhưng giờ đây, nó được thay thế bằng rượu mới thượng hạng là chính Chúa Giê-su. Cuối cùng, khung cảnh tiệc cưới là hình ảnh sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân Người (x. Is 54,4-8; 62,4-5); hình ảnh bữa tiệc cánh chung của Đấng Mê-si-a; và rượu là hình ảnh quen thuộc của tình yêu Thiên Chúa và loài người (x. Is 25,6-9). Chúa Giê-su cũng đã nói về những giáo huấn của Ngài như rượu mới không thể chứa đựng trong bầu da cũ (x. Mt 9,17). Đây chính là lúc cần phải thay thế rượu cũ bằng một thứ rượu mới hoàn hảo hơn.

b. Đức Ma-ri-a luôn tín thác vào quyền năng Thiên Chúa

Mặc dù trong trình thuật không nói gì đến lý do tại sao thiếu rượu, và dường như người ta cũng thờ ơ về việc đó. Sự thiếu sót trong việc thiếu rượu thuộc trách nhiệm của ông quản tiệc: “Người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu mà không biết từ đâu ra” (Ga 2,9). Tuy nhiên, Đức Ma-ri-a đã nhận ra điều đó. Vai trò của Đức Ma-ri-a lúc này trở nên rất quan trọng, Mẹ đã can thiệp để làm cho tiệc cưới được thêm vui, để cho cô dâu và chú rể không bị bẽ mặt. Cách can thiệp của Đức Ma-ri-a thật nhẹ nhàng thể hiện sự tín thác vào quyền năng Thiên Chúa. Nếu đem so sánh, chúng ta có thể nhận ra hai hình ảnh tương phản: Đức Ma-ri-a đối thoại với Chúa Giê-su (x. Ga 2,3); và lời phàn nàn của ông quản gia với vị tân lang của mình (x. Ga 2,10). Trong khi ông quản tiệc trách cứ tân lang thì lời của Đức Ma-ri-a là một lời “cầu xin”, vừa kín đáo, nhẹ nhàng, vừa thể hiện một niềm cậy trông tín thác. Có thể nói, hình ảnh của Đức Ma-ri-a lúc này thật tuyệt vời, vì Đức Ma-ri-a không đứng ở vị thế của một người Mẹ uy quyền mà ra lệnh và quyết định. Trái lại, Đức Ma-ri-a chỉ gợi ý về hoàn cảnh của gia chủ và để Chúa Giê-su hoàn toàn tự do định liệu. Có lẽ, đó là giờ của Đức Ma-ri-a, giờ Mẹ hiểu rằng đây chính là thời điểm ý Chúa được tôn vinh, và quyền năng Thiên Chúa được tỏ hiện.

Từ giờ phút này, Đức Ma-ri-a được mời gọi vượt lên trên tương quan với Chúa Giê-su như một người Mẹ dẫn dắt con thơ trong tình Mẫu Tử tự nhiên để xuất hiện như người môn đệ. Dù không nói, nhưng cách thức của Đức Ma-ri-a như lời của Gio-an Tẩy giả: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30).

2. Đức Ma-ri-a, người môn đệ đầu tiên

Chúng ta có thể gọi Đức Ma-ri-a là môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Chúa Giê-su không chỉ do chính lòng tin của Mẹ vào Thiên Chúa mà do Đức Ma-ri-a còn làm cho các môn đệ Chúa Giê-su tin vào Người: “Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11). Thật vậy, ngay từ biến cố truyền tin, Đức Ma-ri-a đã tin rằng những điều Chúa phán với Mẹ sẽ thành hiện thực (x. Lc 1,26-38). Đức Ma-ri-a trở thành môn đệ hoàn hảo của Chúa Giê-su ngang qua sự hiện diện âm thầm và luôn lắng nghe tiếng Chúa.

a. Đức Ma-ri-a luôn hiện diện trong âm thầm

Người môn đệ không phải là người đi trước, nhưng luôn theo sau Thầy mình. Chúng ta có lý do để nói rằng sự hiện diện của Đức Ma-ri-a trong tiệc cưới Ca-na như một vị khách độc đáo và danh dự. Có lẽ ở đây, Đức Ma-ri-a là khách mời chính, còn Chúa Giê-su và các môn đệ cùng tháp tùng Mẹ. Tuy thế, Đức Ma-ri-a đã thể hiện sự khiêm tốn và đúng vai trò của mình khi lui lại đằng sau Chúa Giê-su, để qua Chúa Giê-su, vinh quang của Chúa Cha được tỏ hiện và để giờ của Chúa được khởi sự.

Nói cách khác, trong tiệc cưới Ca-na, Đức Ma-ri-a đã thể hiện tư cách mẫu mực của người môn đệ. Từ đó, Mẹ bắt đầu theo Chúa Giê-su trong hành trình rao giảng của Người. Tuy nhiên, Đức Ma-ri-a hiện diện bên Chúa cách âm thầm và gắn bó. Thực ra, không ai có thể chối bỏ mối tương quan khắng khít giữa Chúa Giê-su và Mẹ Ngài. Chúa Giê-su và Đức Ma-ri-a sát cánh như hình với bóng và điều đó nâng đỡ hành trình rao giảng của Chúa Giê-su và hoàn tất sứ mạng Từ Mẫu Con Thiên Chúa của Mẹ. Thánh Phao-lô nói: “Hãy mặc lấy Chúa Ki-tô” (Rm 13,14). Đức Ma-ri-a đã mặc lấy Chúa Ki-tô ngay từ giây phút Mẹ thưa tiếng “xin vâng” (x. Lc 1,38), và Đức Ma-ri-a vẫn còn mặc lấy Chúa trong suốt quãng đường còn lại của đời Mẹ.

Hơn nữa, chính sự hiện diện tuy âm thầm nhưng khăng khít của Đức Ma-ri-a bên Chúa Giê-su là một mẫu gương cho căn tính Ki-tô hữu của chúng ta. Quả thế, “Đức Ma-ri-a nhắc lại cho chúng ta nguồn gốc và căn tính của chúng ta. Cùng với Đức Ma-ri-a, các Ki-tô hữu đã khởi sự hiện hữu như cộng đoàn của những kẻ tin và những kẻ dõi theo bước Chúa Giê-su. Ngoài ra, Đức Ma-ri-a cũng được ca tụng là thành phần tuyệt hảo, là kiểu mẫu đầu tiên và mẫu gương trổi vượt nhất của đức tin và đức ái”[2].

Tóm lại, hình ảnh Đức Ma-ri-a điềm tĩnh trước lời xem ra từ chối của Chúa Giê-su là một minh chứng rõ ràng cho việc Đức Ma-ri-a lắng nghe lời Chúa trong sự xin vâng và tín thác. Đức Ma-ri-a đã gác lại tư cách làm Mẹ qua một bên để cùng Con Mẹ hướng về mục đích phụng sự sứ mạng của Chúa. Theo A. Vanhoye; “Đức Ma-ri-a hoàn toàn chấp nhận định hướng Chúa Giê-su đã tỏ ra khi Mẹ nói chuyện với Chúa. Đức Ma-ri-a đã từ bỏ cấp độ quan hệ với Con Mẹ trước kia và nhận một cấp độ khác vô cùng tích cực. Ảnh hưởng của Đức Ma-ri-a không còn áp đặt lên Chúa Giê-su nhưng được quy hướng về việc phụng sự Ngài”[3].

b. Đức Ma-ri-a luôn lắng nghe và thực thi Lời Chúa

“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5), là lời nói cuối cùng của Đức Ma-ri-a trong Phúc âm Gio-an. Lời nói ấy không chỉ cho thấy Đức Ma-ri-a hiểu rõ Con mình, nhưng còn thể hiện một thái độ tin tưởng và vâng phục như người tôi tớ. Thái độ âm thầm, điềm tĩnh của Đức Ma-ri-a không phải là một sự hụt hẫng thụ động, nhưng là một niềm tin đang thúc bách hành động. Đức Ma-ri-a chờ đợi trong tin tưởng, vì thế phép lạ đã xảy ra.

Thật vậy, Chúa Giê-su chỉ rời gia đình khi Ngài ba mươi tuổi. Trong thời gian trước đó, Ngài sống gắn bó với gia đình, với Mẹ Ngài một cách khắng khít. Chắc chắn giữa Mẹ và Con có nhiều niềm vui, nhiều nỗi lo lắng vất vả chia sẻ với nhau. Vì thế, khi Đức Ma-ri-a mở lời với Chúa Giê-su, dù Mẹ không hiểu Chúa sẽ làm gì, thậm chí còn gặp một phản ứng có vẻ như khước từ thẳng thắn của Chúa (2,4), nhưng Đức Ma-ri-a vẫn hoàn toàn tin tưởng và dặn người giúp việc làm theo ý Chúa. Tin tưởng hoàn toàn ngay cả khi không hiểu, xem ra là một sự liều lĩnh, nhưng thực sự cũng là một kinh nghiệm và hiểu biết chín chắn. Đức Ma-ri-a biết Mẹ tin vào ai và kết quả sẽ như thế nào. Lòng tin của Đức Ma-ri-a là một bài học cho chúng ta. Trong đời sống có khi đen tối không lối thoát, nếu chúng ta biết đặt trọn tin tưởng nơi Chúa, dù không biết Chúa sẽ làm gì, nhưng chắc chắn Chúa sẽ thực hiện những điều tốt đẹp nhất cho chúng ta.

Bên cạnh đó, thái độ của Đức Ma-ri-a không chỉ diễn tả một niềm tin tuyệt đối nhưng còn biểu lộ sự vâng phục hoàn toàn ý muốn của Thiên Chúa. Lời nhắn nhủ cuối cùng của Đức Ma-ri-a thật ngắn gọn nhưng là một kinh nghiệm dấn thân cả đời Mẹ. Đức Ma-ri-a đã không ngần ngại ban tặng cho chúng ta bí quyết sống của Mẹ. Hãy vâng nghe lời Chúa thì mọi sự tốt đẹp sẽ xảy ra. Trong thực tế, vâng phục ý Thiên Chúa không phải luôn luôn là một đòi hỏi đáp lại những ý định rõ ràng dễ hiểu, nhưng có khi mọi sự ấy chìm trong bóng đêm của những lo lắng và ngờ vực. Vì thế, sự vâng phục đòi hỏi một niềm tin vững vàng và một tâm hồn bén nhạy để lắng nghe những biến cố trong đời và suy đi nghĩ lại trong lòng. “Đức Ma-ri-a đã lắng nghe và đón nhận sứ điệp của tất cả, và trong lúc phục tùng, Đức Ma-ri-a đã trở nên người tớ nữ của Nước Thiên Chúa”[4].

Tóm lại, với tư cách của người môn đệ theo sát chân Chúa Giê-su, Đức Ma-ri-a đã sống một cuộc đời của người nữ tỳ trung tín luôn lắng nghe và thực thi ý Chúa. Sứ điệp về nước Thiên Chúa là sứ điệp của sự hiệp nhất, yêu thương và phục vụ lẫn nhau. Việc làm cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,10) là kim chỉ nam hướng dẫn mọi suy nghĩ và hành động của Mẹ. Vì thế, đã có lần Đức Ma-ri-a không chỉ được tuyên dương như một người Mẹ diễm phúc nhưng còn được đề cao với tư cách của người môn đệ hoàn hảo luôn trung tín trong việc lắng nghe và thực thi lời Chúa: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là Mẹ tôi” (Mc 3,35).

Đức cố Giáo hoàng Phao-lô VI đã tuyên bố trong diễn văn kết thúc khóa III của Công đồng Va-ti-can II như sau: “Trong cuộc sống dương thế, Đức Ma-ri-a đã trở nên môn đệ hoàn hảo của Chúa Giê-su, đã đồng hóa mình với lời chúc phúc của Chúa Giê-su. Vì thế, trong Đức Ma-ri-a, Hội thánh có được một mẫu gương hoàn hảo nhất trong công việc noi gương Chúa Giê-su”.

II. Đức Ma-ri-a dưới chân thập giá

Trong tiệc cưới Ca-na, Chúa Giê-su đã nói với Đức Ma-ri-a: “Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4). Khi trả lời cho Mẹ Ngài câu này chắc hẳn Chúa Giê-su ý thức rõ ràng về mục đích sứ vụ của mình. Vì thế, dường như mọi sự xảy đến không theo ước muốn và ý riêng của Ngài nhưng theo kế hoạch của Chúa Cha. Có lẽ “giờ” ở đây không thể được hiểu theo khung thời gian nhưng là thời điểm ý định của Thiên Chúa được tỏ hiện. Bởi đó, giờ, theo ý nghĩa thần học, là thời điểm mà Chúa Giê-su thiết lập giao ước mới vĩnh cửu với nhân loại trên Thập giá. Nơi Thập giá có sự hiện diện của Mẹ Ngài và những người phụ nữ khác. Chính nơi đây, giờ của Đức Ma-ri-a và giờ của Chúa gặp nhau, và chính nơi đây Đức Ma-ri-a vừa hoàn tất sứ mạng cũ từ Chúa Cha vừa đón nhận sứ mạng mới từ Đấng Cứu Thế.

1. Đức Ma-ri-a, dấu chỉ giao ước mới

“Dưới chân thập giá”, các Tin mừng nhất lãm đề cập đến một nhóm phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa (x. Mt 27,55-56; Mc 15,40-41; Lc 23,49), nhưng không nói gì về Đức Ma-ri-a trong số đó. Tuy nhiên, Phúc âm Gio-an không chỉ nói đến nhóm phụ nữ đứng “gần thập giá” nhưng còn nhắc đến sự hiện diện của “Thân Mẫu Người” (Ga 19,25). Hơn nữa, ở giữa họ, Đức Ma-ri-a có một vị trí rất quan trọng không đơn thuần là một sự gần gũi thể lý cho bằng sự gần gũi tinh thần. Chính giờ phút này, giờ của Con và giờ của Mẹ gặp nhau và Mẹ Thiên Chúa trở nên Mẹ của toàn thể Hội thánh.

a. Giờ của Đức Ma-ri-a và giờ của Chúa

Thánh Gio-an đã nhiều lần nhắc đến “giờ” của Chúa Giê-su: trong tiệc cưới Ca-na (x. Ga 2,4); lời tiên báo về cuộc hiến tế (x. Ga 12,23.27; 13,1; 16,32; 17,1). Các giờ này nhắm đến thời điểm Chúa Cha đã ấn định để Chúa Con hoàn tất công trình của Người cách vinh quang trên thập giá (x. Ga 7,30; 8,20; 12,27; 13,1; 17,1; 19,27). Như thế, theo tác giả Phúc âm thứ tư, giờ phút Chúa Giê-su trút hơi thở trên thập giá chính là giờ phút vinh quang của Ngài. Vào giờ ấy, chắc chắn có sự hiện diện của Mẹ Ngài, bởi lẽ, Đức Ma-ri-a đã hiện diện và theo sát Con mình trong suốt hành trình cuộc đời ẩn dật và rao giảng công khai của Ngài, và đây là giờ Mẹ cần phải hiện diện hơn bao giờ hết. Chính giờ này, Mẹ có thể chia sẻ nội tâm một cách sâu xa với Chúa Giê-su vượt lên trên những khoảng cách của thể lý.

Ngay dưới chân thập giá, cuộc đối thoại tương tự trong tiệc cưới Ca-na lại diễn ra nhưng theo chiều ngược lại. Lần này, Đức Ma-ri-a lặng im, còn Chúa Giê-su nói: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19,26). Nếu tại Ca-na năm xưa, câu trả lời của Chúa Giê-su: “Thưa Bà, chuyện đó can gì đến Bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”, tiên báo mối liên hệ Mẫu Tử theo thể lý giữa Mẹ và Con chấm dứt, thì hôm nay, câu nói của Chúa Giê-su một lần nữa báo trước rằng Mẹ sẽ mất Con mình về phương diện thể lý khi Ngài trút hơi thở cuối cùng. Có lẽ, chỉ có Chúa Giê-su mới hiểu thấu lòng tin và sự đau khổ đang xâu xé tâm hồn Mẹ.

Ngoài ra, khi Chúa Giê-su gọi Đức Ma-ri-a là “Bà” (Γύναι: gunai), thoạt nghe có vẻ chói tai, dễ gây hiểu lầm. Tuy nhiên, “từ ‘Bà’ là kiểu nói lịch sự của người Do-thái thời đó để gọi một phụ nữ. Nó không mang ý nghĩa tiêu cực, thiếu lễ độ, nhưng cũng không phải là một tước hiệu tỏ lòng tôn kính”[5]. Vì thế, để có thể diễn tả từ “Bà” ở đây một cách lịch sự nhã nhặn, chúng ta có thể nói “thưa Bà”. Lời nói này có một ý nghĩa đặc biệt, nó đi sâu vào mầu nhiệm độc đáo của Đức Ma-ri-a liên quan đến nhiệm cục cứu độ Mẹ đã đón nhận. Đó chính là thời điểm Đức Ma-ri-a sẽ hoàn tất hời hứa phúc âm dành cho Mẹ: “Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi” (St 3,15).

Nếu câu trả lời của Chúa Giê-su tại Ca-na là lời xác quyết, theo đó, Chúa làm phép lạ đầu tiên này như lời loan báo về giờ sẽ được hoàn tất trên thập giá, và Đức Ma-ri-a được mời gọi hướng về sứ mạng của một E-và mới vượt lên trên tình Mẫu Tử, thì đưới chân thập giá vai trò làm Mẹ trong bình diện cứu độ của ân sủng đạt đến đỉnh cao khi mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giê-su được hoàn tất. Đức Ma-ri-a chia sẻ tình yêu cứu độ với Con mình đồng thời hoàn tất sứ mạng “đầy ân sủng” của một nữ tỳ trong niềm tin. “Như thế, Phúc âm Gio-an đã suy nghĩ về Đức Ma-ri-a dựa trên bối cảnh của Sách Sáng thế, chương 3: Người là Đức Ma-ri-a của Đấng Mê-si-a. Vai trò của Đức Ma-ri-a là cuộc chiến chống lại Sa-tan: con rắn. Và cuộc chiến đó lên đến tột đỉnh của nó vào giờ của Chúa Giê-su, nên Mẹ sẽ xuất hiện ở dưới chân cây thập giá để được trao phó ‘dòng dõi’ cho Mẹ bảo trợ cho cuộc chiến còn tiếp diễn giữa Sa-tan và các tín hữu sẽ theo chân Đấng Mê-si-a. Như thế, Đức Ma-ri-a đúng là E-và mới, hình ảnh của Hội thánh”[6].

Tóm tại, theo thánh Gio-an không ai có thể định đoạt về giờ của Đức Ki-tô, kể cả Thân Mẫu của Người. Nhưng có thể nói, kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa được thực hiện dưới tác động của Chúa Thánh Thần từ giây phút Ngôi Lời Nhập Thể đến giây phút khai sinh Hội thánh đã được nối kết ngang qua mầu nhiệm Đức Ma-ri-a. Ngay dưới chân thập giá, giờ của Con và giờ của Mẹ được tương phùng. Công đồng Va-ti-can II xác định: “Cuối cùng, sau thời mong đợi lời hứa được thực hiện, thời gian đã nên trọn và nhiệm cuộc mới được thiết lập với Ngài, người Thiếu Nữ Si-on cao sang khi Con Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại nơi Ngài để giải thoát con người khỏi tội lỗi nhờ các mầu nhiệm của thân xác Chúa” (LG 55).

b. Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Hội thánh

Thánh Phao-lô nói đầu và thân thể thì không tách rời nhau, và Đức Ki-tô là Đầu của Hội thánh (x. 1Cr 12,12-30). Thánh Lê-ô Cả nhận định: “Sinh nhật của Đầu là sinh nhật của thân thể”[7], và đó cũng là quan điểm của Công đồng Va-ti-can II: Hội thánh là Thân thể Mầu nhiệm của Đức Ki-tô và Đức Ki-tô là Đầu của Thân thể Mầu nhiệm này (x. LG 7). Vì thế, “Đức Ma-ri-a sinh ra Đức Ki-tô, và trong Đức Ki-tô, Đức Ma-ri-a cũng sinh ra Ki-tô hữu”[8]. Vậy, Đức Ma-ri-a là Mẹ Chúa Giê-su và cũng là Mẹ Hội thánh thể hiện qua “Mẫu tính Mẹ Thiên Chúa”, và “Mẫu tính thiêng liêng: Mẹ Hội thánh”.

Mẫu tính Mẹ Thiên Chúa[9]. Mẫu tính là ân sủng đặc biệt Chúa ban cho người phụ nữ. Ơn gọi làm “Mẹ chúng sinh” (St 3,20) được chính Thiên Chúa đặt vào trái tim E-và và các phụ nữ. Do đó, trong lòng họ luôn có một niềm khao khát làm mẹ. Tuy nhiên, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền “đóng – mở” khả năng sinh sản của người mẹ và chỉ có Thiên Chúa mới có thể thắng được sự vô sinh (x. 1Sm 1,2-2,5).

Mẫu tính của Đức Ma-ri-a, không chỉ trong tương quan thể xác với Chúa Giê-su như những người mẹ thông thường, nhưng sâu xa hơn đó là mẫu tính thiêng liêng phổ quát cho mọi người. Khi người ta thán phục Thân Mẫu Chúa Giê-su, chính Ngài đã nói: “Ai là anh em tôi, ai là Mẹ tôi?” (Mt 12, 48-50). Đối với Chúa Giê-su, không chỉ Đức Ma-ri-a là Mẹ nhưng tất cả những ai nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa, đều là mẹ của Ngài. Điều này một lần nữa lại được Chúa Giê-su biểu lộ rõ ràng trên thập giá: “Đây là Mẹ của anh” (Ga 19,27). Sự hiện diện và can thiệp của Đức Ma-ri-a tại tiệc cưới Ca-na có một tầm quan trọng đặc biệt. Trong trình thuật dấu chỉ khởi đầu ấy, thánh Gio-an đã đặt Đức Ma-ri-a làm người đại diện và hiện thân của những người bước theo Đấng Mê-si-a. Với thái độ hoàn toàn tin tưởng và vâng phục Con mình, Đức Ma-ri-a không chỉ biểu lộ đức tin cá vị sâu xa của Mẹ nhưng còn nói lên niềm tin của toàn thể tín hữu. Nói cách khác, đức tin của Đức Ma-ri-a không chỉ chuẩn bị cho phép lạ được xảy ra mà còn cộng tác vào công cuộc hoàn tất việc qui tụ các môn đệ và cộng đoàn tín hữu mới quanh Chúa Giê-su khởi đi từ Ca-na. Giờ đây, Đức Ma-ri-a là Mẹ của toàn thể nhân loại, Mẹ của Hội thánh.

Tắt một lời, thánh Công đồng Va-ti-can II xác quyết: “Vì đã cưu mang sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Ki-tô, đã dâng Chúa Ki-tô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Đức Ma-ri-a đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta” (LG 61).

Mẫu tính thiêng liêng: Mẹ Hội thánh. Một cuộc trao gửi kỳ diệu: “Đây là Con của Bà”. Đức Giê-su đã làm Con của Đức Ma-ri-a bấy nhiêu năm, chắc hẳn Ngài nhận được sự ân cần chăm sóc, dưỡng dục và lo lắng của Mẹ. Nay Ngài cũng muốn Mẹ tiếp tục chăm sóc các môn đệ của Ngài như Mẹ đã từng chăm sóc Ngài. Đức Ma-ri-a đón nhận và xem Gio-an như con của mình. Tiếp đến là bổn phận của Gio-an: đón Mẹ về nhà. Đức Giê-su đã ban tặng Mẹ mình cho nhân loại để làm Mẹ thiêng liêng. Chính lúc Đức Ma-ri-a sắp mất đi người Con duy nhất thì Mẹ nhận sứ mạng làm Mẹ của các môn đệ.

Giờ đây, Mẹ Chúa Giê-su trở thành Mẹ của các môn đệ. Đức Ma-ri-a trở nên Mẫu tính thiêng liêng đối với người môn đệ Chúa yêu (x. Ga 19,28) cũng là Mẹ của tất cả những người Chúa yêu (x. Lc 2,14) và những người hợp nhất với Chúa. Thánh Công đồng Va-ti-can II nói: “Với tình Từ Mẫu, Đức Ma-ri-a chăm sóc những anh em của Con Mẹ” (LG 62). Những người anh em của Chúa Giê-su không chỉ là người môn đệ Chúa yêu mà còn là các môn đệ và tất cả các tín hữu: một đàn em đông đúc (x. Rm 8,29). Điều đó ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã loan báo: người Nữ son sẻ hạ sinh một dân tộc chỉ trong một ngày (x. Is 54,1; 66,7-8). Đó chính là Đức Ma-ri-a, và cũng là Hội thánh.

Tóm lại, dưới chân thập giá, Mẹ đã từ khước Mẫu tính nhân linh để đón nhận sứ mạng làm Mẫu tính thiêng liêng của toàn thể tín hữu của Đức Ki-tô. Hơn nữa, “Đức Ma-ri-a xuất hiện như là nữ tử Si-on, sau khi chịu tang các con mình, đã được Thiên Chúa ban cho một dòng dõi mới, không theo xác thịt nhưng theo Thần Khí, một dòng dõi đông đảo hơn dòng dõi ban đầu”[10]. Từ giờ ấy, Mẹ sẽ luôn hiện diện và đồng hành với con cái Mẹ trong Hội thánh lữ hành. Đức Ma-ri-a hằng ở bên để thông ban sự sống và nối kết Hội thánh trong tình yêu không bao giờ phai mờ của Thiên Chúa dành cho loài người. Trong Hội thánh Đức Ma-ri-a cũng được đón nhận và tôn vinh với cùng một đức tin, đức cậy và đức mến như Mẹ đã tin cậy nơi Chúa Cha. Thánh Công đồng Va-ti-can II nói: “Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67).

2. Sứ mạng mới của Đức Ma-ri-a

Thánh Công đồng Va-ti-can II nói: “Vai trò làm Mẹ của Đức Ma-ri-a đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Ki-tô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Thật thế, mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Đức Trinh Nữ trên nhân loại không phát sinh từ một sự cần thiết khách thể nào nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Ki-tô” (LG 60). Như thế, vai trò làm Mẹ của Đức Ma-ri-a gắn bó và chia sẻ vào sự trung gian duy nhất của Chúa Giê-su. Qua đó, Đức Ma-ri-a đón nhận sứ mạng mới từ Đấng cứu thế và tiếp tục sự hiện diện của Người giữa lòng Hội thánh.

a. Đức Ma-ri-a hiện diện như là trung gian

Với thiên chức làm Mẹ Đấng Cứu Thế, khi đón nhận sứ điệp truyền tin, Đức Ma-ri-a đã quảng đại cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Hơn nữa, suốt hành trình ấy, Đức Ma-ri-a đã không ngừng hiện diện trong mầu nhiệm cứu độ của Chúa Ki-tô và kết hiệp cách mật thiết với công trình và sứ vụ của Người: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38). Lời nói của Đức Ma-ri-a không chỉ đặt Mẹ vào tương quan lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa mà còn là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Từ đây, Đức Ma-ri-a theo bước Con mình tới chân thập giá để Mẹ tiếp tục đón nhận từ Chúa Cứu Thế một sứ mạng mới: “Đây là Mẹ anh”. Đức Ma-ri-a khởi sự làm Mẹ Hội thánh mới khai sinh, và Mẹ tiếp tục sứ mạng mới này cho đến khi hoàn tất vĩnh viễn.

Có thể nói, không chỉ từ biến cố Ca-na hay dưới chân thập giá, Đức Ma-ri-a mới bắt đầu cộng tác vào hoạt động cứu độ của Con mình. Đúng hơn, ngay từ đầu đón nhận sứ điệp truyền tin, Đức Ma-ri-a đã hiến dâng trọn vẹn cuộc đời và tình Mẫu Tử cho Đấng Cứu Thế và Hội thánh của Người. Khi nghe tiếng khóc của con thơ, người mẹ biết con mình cần đến bác sĩ như thế nào, thì Đức Ma-ri-a cũng biết rằng loài người cần đến Chúa Giê-su, Con yêu dấu của Mẹ như vậy. Đức Ma-ri-a không phải là Đấng Cứu độ nhưng Mẹ đã đem chúng ta đến với Đấng Cứu độ[11].

Tắt một lời, tại Ca-na, vai trò làm Mẹ của Đức Ma-ri-a được làm nổi bật bởi chiều kích mới mẻ thực sự: làm Mẹ tinh thần chứ không theo thể xác. Đó là vì Đức Ma-ri-a đã lo lắng cho sự “thiếu thốn” của loài người. Các nhu cầu của con người liên hệ đến chiều kích sứ mạng Thiên Sai của Đấng Cứu Thế. Giờ đây, Đức Ma-ri-a ở giữa Con mình và nhân loại, Đức Ma-ri-a hành động như một trung gian trong hoàn cảnh thiếu thốn khổ đau của nhân loại. Nhờ lòng tin và sự cầu bầu của Mẹ mà dấu lạ đầu tiên của Chúa Giê-su được thực hiện dù giờ của Ngài chưa đến. Vì thế, giờ đây và mãi mãi Đức Ma-ri-a luôn hiện diện và đồng hành với Hội thánh lữ hành trong niềm tin vào quyền năng cứu độ của Thiên Chúa.

b. Đức Ma-ri-a tiếp tục sự hiện hiện của Chúa Giê-su

Từ chân thập giá, người môn đệ được trao cho Mẹ và Mẹ được trao cho môn đệ, và “kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,27). Đây là sự hiến dâng và đáp lại trọn vẹn bằng tình yêu và sự tin tưởng tuyệt đối. Rõ ràng “cả hai lần Đức Ma-ri-a xuất hiện trong phúc âm Gio-an, đều xuất hiện với các môn đệ của Chúa Giê-su. Ở Ca-na, Đức Ma-ri-a hoàn tất việc qui tụ các môn đệ với Chúa Giê-su. Dưới chân thập giá, Đức Ma-ri-a được đặt làm Mẹ của người môn đệ được Chúa yêu thương là hình ảnh của Hội thánh, và như vậy, Đức Ma-ri-a được giao trách nhiệm trông coi và bảo vệ những người con của Hội thánh”[12].

Ngày nay, Đức Ma-ri-a hiện diện giữa Hội thánh để tiếp nối sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Hội thánh. Trong Hội thánh, Đức Ma-ri-a vừa là người “môn đệ đầu tiên” tin tưởng vào Thiên Chúa vừa là “chứng nhân” tiên khởi cho tình yêu cứu độ của Chúa Cha. Do đó, Đức Ma-ri-a luôn dạy cho con cái mình lời Mẹ đã từng nói với các gia nhân nơi tiệc cưới Ca-na: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Như thế, Đức Ma-ri-a vừa ước mong con cái mình tin tưởng vào Chúa Giê-su, Đấng “là Đường, là sự Thật và là sự Sống” (Ga 14,6), vừa mong muốn con cái mình tin tưởng vào Mẹ như Mẹ đã hằng tin tưởng nơi Chúa Cha.

Ngay dưới chân thập giá, khi Chúa Giê-su được Chúa Cha tôn vinh thì Đức Ma-ri-a cũng được tôn vinh làm Mẹ các môn đệ, và Mẹ các tín hữu. Các tín hữu bắt đầu gắn bó với tình Mẫu Tử của Mẹ và Mẹ đón nhận, chăm sóc họ với cùng một tình Mẫu Tử mà Mẹ đã dành cho Chúa Giê-su, Con Mẹ. Do đó, chúng ta có thể đến với Chúa Giê-su nhờ Đức Ma-ri-a (Ad Jesum per Mariam), và nhờ Chúa Giê-su, chúng ta hiểu biết Đức Ma-ri-a hơn[13]. Chẳng thế mà Varitas đã dám khẳng định: “Đức Ma-ri-a trở nên nguồn mạc khải và một tưởng niệm sống động về Chúa Giê-su”[14]. Do đó, trong các cử hành phụng vụ Hội thánh, khi “tưởng niệm” các biến cố của Đức Ki-tô, Hội thánh cũng tỏ lòng sùng kính Đức Ma-ri-a, Đấng đã luôn hiện diện và cộng tác với Chúa Giê-su trong sứ mạng của Người.

Trong Tông huấn “Rosarium Virginis Mariae” (Chuỗi Mân côi dâng kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a), Đức cố Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã lưu ý sự hiện diện của Đức Ma-ri-a trong các mầu nhiệm của Chúa Ki-tô. Đó là năm mầu nhiệm được gọi là các mầu nhiệm “đầy ánh sáng”: (1) Phép rửa của Người tại sông Gior-dan; (2) Việc Người tự mạc khải tại tiệc cưới Ca-na; (3) Việc loan báo về Nước Trời với lời kêu gọi sám hối; (4) Việc hiển dung; và cuối cùng (5) việc thiết lập Bí tích Thánh Thể[15]. Mỗi mầu nhiệm là mạc khải về Nước Trời được biểu lộ ngang qua Đức Giê-su; và chắc hẳn, Đức Ma-ri-a cũng luôn hiện diện trong các mầu nhiệm này, dù chỉ âm thầm phía sau hay công khai như tại tiệc cưới Ca-na hoặc trong các hoạt động khác của Chúa Giê-su (x. Mc 3,31-35; Ga 2,12). Bởi lẽ, qua lời “xin vâng”, Đức Ma-ri-a đã hiến dâng đời mình để cộng tác với công trình cứu chuộc của Chúa Cha nơi Chúa Giê-su ngay từ đầu sứ mạng công khai của Người.

Cũng vậy, nếu Hội thánh nhìn nhận Đức Ma-ri-a là trung gian chuyển cầu và nối kết các Ki-tô hữu với Chúa Giê-su, Con của Mẹ, thì khi cử hành Mầu nhiệm Cứu độ của Đức Ki-tô qua Bí tích Thánh Thể, các Ki-tô hữu nhận thức sự hiện diện thực sự của Chúa Ki-tô trong thân xác được sinh ra bởi Đức Ma-ri-a. Vì thế, việc tôn thờ Thánh Thể luôn gắn liền với lòng sùng kính Thánh Mẫu Thiên Chúa. Hơn nữa, các Ki-tô hữu tin rằng, chính Đức Ma-ri-a đã đem họ đến với Chúa Ki-tô trong Bí tích Thánh Thể ngang qua chức vị Từ Mẫu đầy ân sủng của Mẹ nên Đức Ki-tô ở đâu thì có sự hiện diện của Đức Ma-ri-a ở đó, và ở đâu có Chúa Ki-tô hoạt động thì ở đó cũng có Đức Ma-ri-a hoạt động[16].

Tóm lại, nếu lời Mẹ khuyên nhủ tại tiệc cưới Ca-na (x. Ga 2,5) biểu lộ sự chăm sóc từ mẫu của Mẹ và trở nên khuôn mẫu cho các Ki-tô hữu trong việc thực thi ý Chúa, thì sự hiện diện của Mẹ trong “hy tế” thập giá của Đức Ki-tô (x. Ga 19,25-27) là đỉnh cao của ân sủng cứu độ trong vai trò làm Mẹ Đấng Cứu Thế và Mẹ Hội thánh của Mẹ. Như thế, “vai trò làm Mẹ thật mới mẻ này của Đức Ma-ri-a được thiết lập trong đức tin, là hoa trái của tình yêu mới mẻ, một tình yêu thấm sâu vào Mẹ dưới chân thập giá, qua việc Mẹ chia sẻ vào tình yêu cứu độ của Con mình”[17]. Công đồng Vatican II nói: vai trò làm Mẹ của Đức Ma-ri-a được nối dài cách “mới mẻ” trong Hội thánh và nhờ Hội thánh (LG 25). Bởi lẽ, “theo ý định muôn đời của Thiên Chúa quan phòng, vai trò Thánh Mẫu Thiên Chúa của Đức Ma-ri-a phải trải rộng khắp Hội thánh, như thánh truyền đã xác quyết, qua đó, vai trò làm Mẹ của Đức Ma-ri-a đối với Hội thánh là phản ánh và sự nối dài vai trò làm Mẹ của Ngài đối với Con Thiên Chúa”[18].

Thay lời kết

Trong Phúc âm Gio-an, Đức Ma-ri-a đã hiện diện ngay từ đầu trong hành trình rao giảng của Chúa Giê-su, khởi đi từ tiệc cưới Ca-na miền Ga-li-lê. Do trực giác của người Mẹ trước nhu cầu và sự thiếu thốn của nhân loại, Mẹ đã cầu bầu cùng Chúa Giê-su, Đấng Thiên Sai, Người đã làm phép lạ đầu tiên tại Ca-na. Tại đây, Đức Ma-ri-a đã biểu lộ lòng tin của mình vào Thiên Chúa, nhờ đó, Mẹ trở thành tác nhân qui tụ và hoàn tất việc kêu gọi các môn đệ Chúa Giê-su. Thánh Ambrosio dạy rằng Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Hội thánh trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Ki-tô[19]. Hơn nữa, chính Mẹ đón nhận vị trí khiêm tốn của người môn đệ đích thực. Và với tư cách môn đệ, Mẹ tiếp bước theo Chúa Giê-su trong sự phó thác và trung tín. Mẹ thật là môn đệ đầu tiên hoàn hảo của Chúa Giê-su.

Cuộc lữ hành trong đức tin của Mẹ càng lộ rõ khi Mẹ và Chúa Giê-su, Con Mẹ, hiệp nhất trên thập giá. Chính nơi thập giá, Mẹ đã cùng Con mình cảm nếm, chia sẻ nỗi đau đớn cùng cực và Mẹ cũng dự phần vào hy lễ của Con mình bằng tất cả tấm lòng của người Mẹ, trong thể xác lẫn tinh thần. Cũng ngay chân thập giá, khi Thiên Chúa tôn vinh Đấng Cứu Thế thì Mẹ cũng được tôn vinh. Vì thế, nơi chặng cuối cùng của vai trò làm Mẹ Chúa Giê-su, Mẹ Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a được chính Con Mẹ, Đấng Cứu Thế trao cho một sứ mạng mới, sứ mạng làm Mẹ của môn đệ: “Thưa Bà, này là con Bà” (Ga 19,26-27).

Từ nay Mẹ bắt đầu cưu mang một đàn con mới, đàn em đông đúc của Chúa Giê-su (x. Rm 8,29). Đó là Hội thánh mới được sinh ra. Mẹ trở thành Mẹ Hội thánh, Mẹ nhân loại. Mẹ sẽ hiện diện giữa Hội thánh như nối dài sự hiện diện của Đức Ki-tô, để nâng đỡ, cầu bầu và hiệp nhất toàn thể nhân loại. Vai trò mới của Mẹ như là “trung gian” giữa Thiên Chúa và nhân loại. Vì thế, “Từ nay khi nhân loại nhìn lên thập giá, sẽ thấy Đấng Cứu Thế và dưới chân thánh giá là Mẹ của ân sủng thần linh (Mater divinae gratiae). Người luôn đứng dưới chân thánh giá để thông ban ơn cứu độ cho con cái loài người và để làm chứng về tình thương Từ Mẫu của Thiên Chúa”[20].

Trong suốt hành trình lữ hành dương thế, Hội thánh sẽ trông lên Mẹ và nhờ Mẹ cầu bầu. Thánh Công đồng Va-ti-can II nói: “Trong Hội thánh, Đức Trinh Nữ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian” (LG 62). Trong lòng các tín hữu, Mẹ vừa là Mẹ cầu bầu, vừa là mẫu gương nhân đức sáng ngời cho con cái Mẹ tiến lên trong đức tin, đức cậy và đức mến. Qua đó, con cái Mẹ luôn tìm kiếm, lắng nghe và vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự.

Sao Băng, S.J.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Alain Marchadour, Đọc Tin Mừng Gio-an, Nxb.: Centurion, 1992.

2. Alphonse Bossard, S.M.M., Từ Điển Đức Mẹ, dịch giả: M. Ngọc Đính, C.M.C., Nxb.: Catholic Book Publishing Co., New York, 1998.

3. Công đồng Va-ti-can II, Huấn Quyền về Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, dịch giả: Lm Nguyễn văn Trinh, Nxb.: Tôn giáo, Tp. HCM, 2007.

4. Cyril Vollert, S.J., A Theology Of Mary, Nxb.: Herder and Herder, New York, 1965.

5. Fulton J. Sheen, The World’s First Love: Mary, Mother Of God, Nxb.: Ignatius Press, San Francisco, 1996.

6. Ngô Văn Vững, S.J. Phúc Âm Của Người Nữ Tỳ, Nxb.: Tòa Tổng Giám Mục Tp. HCM, 1996.

7. Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ, Lời Chúa Cho Mọi Người: Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nxb.: Tôn Giáo, Hà Nội, 2006.

8. R. Veritas, Vinh Quang Mẹ Thiên Chúa, Nxb.: Thư viện Dòng Tên, lưu hành nội bộ, (không rõ năm xuất bản).

9. Raniero Cantalamessa, Đức Ma-ri-a Tấm Gương Cho Hội thánh, Nxb.: Tủ Sách Thánh Mẫu Học, Thư viện Dòng Tên (không rõ năm xuất bản).

10.             Công đồng Va-ti-can II, Hiến Chế – Sắc Lệnh – Tuyên Ngôn – Sứ Điệp, Nxb.: Giáo Hoàng Học Viện Thánh Pio X, Đà Lạt, 1980.

11.             Vĩnh Sơn (Đinh Trung Nghĩa), Văn Chương Gio-an, Nxb.: Thư Viện Dòng Tên, Sài Gòn, 2006.

William Barclay, Tin Mừng Theo Thánh Gio-an, Nxb.: Tôn giáo, Tp. HCM, 2008.


[1] R. Veritas, Vinh Quang Mẹ Thiên Chúa, Nxb.: Thư viện Dòng Tên, lưu hành nội bộ, (không rõ năm xuất bản), tr. 63.

[2] R. Veritas, Sđd., tr. 111.

[3] Trích lại trong: Anphonse Bossard, S.M.M., (chủ biên), Từ Điển Đức Mẹ, dịch giả: Mát-thi-a M. Ngọc Đính, C.M.C., Nxb.: Catholic Book Publishing Co., New York, 1998, tr. 45.

[4] R. Veritas, Vinh Quang Mẹ Thiên Chúa, tr. 132.

[5] R. Veritas, Sđd., tr. 64-65.

[6] Vĩnh Sơn, Văn Chương Gio-an, Nxb.: Thư viện Dòng Tên, Sài Gòn, 2006, tr. 156.

[7] Thánh Lê-ô Cả, Bài Giảng 26,2, PL 54,213.

[8] Geoffrey of Vendome, Bài Giảng 7, PL 157,265.

[9] Xem, NN, Đức Mẹ La Vang, Nxb., Thư Viện Dòng Tên, lưu hành nội bộ, 2003, tr. 483-489.

[10] Raniero Cantalamessa, Đức Ma-ri-a Tấm Gương Cho Giáo Hội, Nxb.: Tủ Sách Thánh Mẫu Học, Thư viện Dòng Tên, (không rõ năm xuất bản), tr. 190.

[11] Xem, Fulton J. Sheen, The World’s First Love: Mary, Mother Of God, Nxb.: Ignatius Press, San Francisco, 1996, tr. 118.

[12] Vĩnh Sơn, Văn Chương Gio-an, tr. 155.

[13] Xem, Ngô Văn Vững, S.J., Phúc Âm Của Người Nữ Tỳ, Nxb.: Tòa Tổng Giám Mục Tp. HCM, 1996, tr. 23-31.

[14] R. Veritas, sđd., tr. 92.

[15] Xem, Tài liệu về Thánh Mẫu học từ Công Đồng Vatican II, Huấn Quyền về Đức Ma-ri-a, Tông Huấn Rosarium Virginis Mariae (Chuỗi Mân Côi Dâng Kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a), chương II: Các Mầu nhiệm của Đức Ki-tô, Các Mầu nhiệm của Mẹ Người (số 18-25), Nxb.: Tôn Giáo, Hà nội, 2007, tr. 207-218.

[16] Xem, Cyril Vollert, S.J., A Theology Of Mary, Nxb.: Herder and Herder, New York, 1965, tr. 210.

[17] Xem, Tài liệu về Thánh Mẫu học từ Công Đồng Vatican II, sđd., trích: Thông điệp Redemptoris Mater (Mẹ Đấng Cứu Thế (số 23)), tr.130.

[18] Công đồng Va-ti-can II, Huấn Quyền về Đức Ma-ri-a, Nxb.: Tôn giáo, 2007, tr. 131.

[19] Xem, Thánh Ambrosio, Expos. Lc.II 7; PL 15, 1555.

[20] Ngô Văn Vững, S.J., sđd., tr. 129.

 


simonhoadalat.com - Thánh Mẫu Học