Legio Mariæ Trong Thế Giới Ngày Nay

Cách đây nhiều năm, trước Công đồng Vatican II, đã có nhiều lời chỉ trích, cáo buộc Legio Mariæ là quá tân thời, quá cách mạng, trong hệ thống huấn luyện các nam nữ giáo dân tham gia nhiều hoạt động tông đồ cùng với các Linh mục và giúp đỡ các Linh mục quản xứ.

Legio Mariæ rất nổi bật trong thời kỳ đó, và có những người nghi ngờ rằng tông đồ giáo dân đã xâm nhập bừa bãi vào lãnh vực mục vụ chăm sóc các linh hồn, vốn là một lãnh vực vào thời đó thuộc về bổn phận của các Linh mục. 

Bây giờ thì lạ thay, sau Công đồng Vatican II, lại có những lời chỉ trích rằng Legio Mariæ không đủ hiện đại; Legio Mariæ vẫn còn quá lỗi thời; và phải được cập nhật để bắt kịp với tinh thần của Công đồng Vatican II. 

Những lời chỉ trích Legio Mariæ hiện thời đặt nền tảng trên một sự nhận thức rằng Legio Mariæ làm cho các hội viên thấm nhiễm một lòng sùng kính Đức Mẹ Ma-ri-a sâu sắc và mạnh mẽ thúc giục họ dẫn đưa những người không thuộc Giáo hội trở về với Giáo hội Công giáo, và đặt nền tảng trên những giả định sai lạc rằng Công đồng Vatican II không muốn nhấn mạnh tới lòng sùng kính Mẹ Ma-ri-a và muốn đẩy phong trào đại kết thay thế cho tinh thần tông đồ đi hoán cải tha nhân.

Legio-Mariae-1.jpg HỘI LEGIO MARIÆ KHÔNG LỖI THỜI

Với những ai hiểu biết về Công đồng Vatican II, thì quả rõ ràng Legio Mariæ không hề lỗi thời, điều này thể hiện qua những quyết định của Công đồng. Thực thế, nhiều Giám mục tham dự Công đồng đã nhìn nhận Legio Mariæ là mẫu hình lý tưởng của việc giáo dân tham gia vào sứ mạng của Giáo hội trong thế giới hiện đại này. Nhiều Giám mục nhìn nhận Legio Mariæ có vai trò quan trọng trong thời đại chúng ta, điển hình trong số đó, có Giám mục John McEleney của Jamaica. Các vị đã khởi xướngLegio Mariæ trong giáo phận của mình ngay khi trở về sau phiên họp khoáng đại cuối cùng của Công đồng Vatican II. Hành động này sẽ hóa ra ngớ ngẩn nếu như các vị cho rằng Legio Mariæ đã lỗi thời rồi. 

Đức Hồng y Krol, vị phụ tá thư ký của Công đồng Vatican II, biết rõ suy nghĩ của các nghị phụ Công đồng, nhận thấy Legio Mariæ là một đoàn thể “có sứ mạng tông đồ đích thực và hoàn toàn phù hợp với các sắc lệnh cũng như tinh thần của Công đồng chung Vatican II.”

Đức Hồng y Suenens, đã phát biểu ở Rô-ma trong lúc Công đồng đang họp, rằng Legio Mariæ thực sự đã tham dự Công đồng Vatican II theo nhiều cách khác nhau. Thật vậy, chúng ta có thể thấy rằng Ủy ban thành lập Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân đã tham khảo Thủ Bản của Legio Mariæ. Trong Sắc lệnh ấy, hội viên Legio Mariæ có thể thấy rằng nhiều ý tưởng, và đôi khi, cả những ngôn từ nữa lặp lại từ Thủ Bản của Legio Mariæ.

Legio-Mariae-2.jpg Ngày 6 tháng 1 năm 1965, Đức giáo hoàng Phao-lô VI gởi đến ngài Frank Duff, Đấng sáng lập Legio Mariæ, một lá thư tán dương và khích lệ tất cả các thành viên của Legio Mariæ. Xin dẫn một lời tán dương đặc biệt được trích từ lá thư này: “Dẫu cho tinh thần của Legio Mariæ được hấp thụ dưỡng chất phong phú từ đời sống nội tâm mạnh mẽ, từ việc tuân giữ kỷ luật, từ sự tận hiến vì ơn cứu độ của tha nhân, từ lòng trung thành tuyệt đối với Giáo hội, thì tinh thần ấy vẫn trở thành một đặc tính chuyên biệt của Legio Mariæ nhờ lòng vững vàng tin tưởng vào hành động của Đức Nữ Trinh diễm phúc” [Thủ Bản – Phụ Lục (TB- PL) 1,572]. 

Đối với Đức Phao-lô VI, Legio Mariæ có tầm quan trọng trong những ngày họp Công đồng. 

Nhận được lời khuyên từ các Vị Linh giám rằng Legio Mariæ cần có sự đổi mới để thăng tiến theo đường hướng của Công đồng Vatican II, thì ngài Frank Duff, chính ngài cũng là một dự thính viên giáo dân ở Công đồng Vatican II, đã bắt đầu nghiên cứu rất cẩn thận các tài liệu của Công đồng, để tìm hiểu xem hệ thống tổ chức Legio Mariæ có nên thay đổi hay không và thay đổi như thế nào. Cùng lúc đó, ngài Frank Duff đã gởi cho Đức giáo hoàng Phao-lô VI một bản sao Thủ Bản bằng Anh ngữ, kèm với một quyển nhật ký, trình bày chi tiết những điểm thay đổi lớn củaLegio Mariæ, qua sự hướng dẫn của các vị Linh giám ở trong và ngoài Legio Mariæ. Ngài Frunk Duff xin Đức Thánh Cha thêm lời chỉ bảo cho Legio Mariæ trong vấn đề này. 

Qua Vị Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Phao-lô VI đã đáp lại lời thỉnh cầu này vào ngày 2 tháng 6 năm 1966. Thư hồi đáp như sau: “Xin kính gởi Legio Mariæ, với thẩm quyền Giáo hoàng tối cao, tôi khẳng định chắc chắn với Legio Mariæ rằng tôi không có dự định thay đổi những điểm trình bày ở đây, ít nhất trong một tương lai có thể dự đoán được. Tôi tin rằng thông tin này sẽ rất có giá trị và là sự an ủi cho Legio Mariæ cũng như cho các đồng sự.” 

Đây là niềm an ủi và đảm bảo cho chúng ta, các hội viên Legio Mariæ, rằng Legio Mariæ thực sự là điều mà Đức giáo hoàng Phao-lô VI mong muốn; và đúng là Công đồng Vatican II ước mong có một tổ chức tông đồ giáo dân như thế.

VẪN CÓ NHỮNG NHU CẦU THAY ĐỔI TRONG LEGIO MARIÆ

Tuy nhiên, Legio Mariæ vẫn có những nhu cầu phải cải tiến, thay đổi triệt để, mang một cái nhìn mới, qua sự góp ý đặc biệt của các Linh mục, mà nhiều Vị trong số đó là Linh giám của Legio Mariæ. 

Một vài Linh mục đề nghị phải có những thay đổi chỉ vì thay đổi, vốn là điều tự thân (nội tại) phải làm trong thời đại hiện nay; Những vị khác, với tình yêu mến thực sự với Legio Mariæ, đề nghị Legio Mariæ có những thay đổi – Các vị tin rằng nếu đề nghị được thực hiện, thì Legio Mariæ sẽ thu hút được rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. 

Khi nghiên cứu những đề nghị thay đổi này, chúng ta thấy quá rõ rằng có vài đề nghị thay đổi là chuyện rất nhỏ, nhưng cũng có những điều lại rất triệt để, làm ảnh hưởng đến cấu trúc toàn thể của Legio Mariæ, và nếu tuân theo, sẽ tạo ra một tổ chức mới không còn phải là Legio Mariæ nữa; sẽ không còn là Legio Mariæ như được hình dung bởi Đấng sáng lập và được chấp thuận bởi các Đức giáo hoàng cũng như các Giám mục trên toàn thế giới.

NHỮNG THAY ĐỔI DIỄN RA TRONG LEGIO MARIÆ

 Legio Mariæ là một tổ chức sống động, nên có thể hiểu rằng những thay đổi nhỏ vẫn luôn diễn ra. Trong thời gian gần đây, những hoạt động tông đồ mới đã được thử nghiệm và được sáp nhập vào hệ thống, vào Thủ Bản của Legio Mariæ, ví dụ, chương trình “Lên đường vì Chúa Ki-tô”, “Cư dân của Mẹ Ma-ri-a”; “Tìm hiểu về Thiên Chúa”; và “Lòng nhiệt thành đích thực đối với Quốc gia”. Ấn bản mới nhất của Thủ Bản phản ánh khá nhiều những thay đổi này khi trình bày những đổi mới về các lời kinh trong các giờ cầu nguyện của Legio Mariæ, rồi những đổi mới về bản chất của mối liên đới với các thành viên tán trợ, và đổi mới qua việc sẽ loại bỏ, không trao tặng bằng khen cho các thành viên Legio Mariæ.

Nhưng không có đổi mới nào làm thay đổi hệ thống tổ chức căn bản của Legio Mariæ, cũng không làm thay đổi những nguyên lý cốt yếu và linh đạo được đề ra trong Thủ Bản.

Nhiều thay đổi đã diễn ra và có thể diễn ra trong Legio Mariæ. Các phê bình về Legio Mariæ có thể được đảm bào rằng các đề nghị của họ về thay đổi, nêu được đưa ra một cách nghiêm túc thông qua các nguồn chính thức, sẽ được nghiên cứu cách cẩn thận ở Hội đồng Concilium trung ương tại Dublin Ireland. Nếu những kiến nghị được xem xét rộng rãi chúng sẽ được đưa ra một cách dân chủ để tất cả các cấp Hội đồng trên thế giới nêu lên ý kiến của họ.

VÀI THAY ĐỔI ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ 

Có những thay đổi nào đã được đề nghị để thăng tiến Legio Mariæ? 

Thủ Bản được xuất bản ở Mỹ. Ở Mỹ, có một nhu cầu thường được lặp lại rằng nên có một Ấn bản của Thủ Bản Legio Mariæ tại đây. Vài người ý kiến: phiên bản mới này không cần thay đổi nhiều nguyên tắc trong hệ thống Legio Mariæ, nhưng sẽ trình bày những ý tưởng tương tự theo hình thức bản địa thời hiện đại, và như thế sẽ dễ hiểu hơn, đặc biệt đối với các hội viên trẻ.

Thỉnh cầu này dường như rất hợp lý, nhưng đó luôn là ý kiến của những người chưa bao giờ biết đến một bản viết tay (bản thảo) cho một ấn bản Thủ Bản Anh ngữ. Những lời góp ý này được đưa ra dưới hình thức một lời phàn nàn, và người ta mong chờ công việc được thực hiện bởi những người vui lòng với một xuất bản bằng Anh ngữ hiện đại. Bất cứ bản thảo nào đưa ra qua những lời góp ý như thế đều sẽ được các các cấp Hội đồng xem xét cẩn thận.

Tuy nhiên, Thủ Bản Legio Mariæ ngày càng được chấp nhận như là một tác phẩm linh đạo kinh điển không cần “dịch lại,” giống như tác phẩm Anh ngữ của Shakespeare không cần thay đổi cho các độc giả ở Mỹ. Người ta thường bình luận rằng Thủ Bản được soạn thảo duy bởi một người Ai Len trong thập niên năm 1920, và rằng các thành viên Legio Mariæ bắt buộc phải tuân theo kể từ đó.

Thực ra Thủ Bản Legio Mariæ đầu tiên ra đời vào cuối thập niên 1920, ít người nhận ra Thủ Bản đã phát triển từ một quyển sách khá mỏng tới một kích cỡ đầy 300 trang giấy in như bây giờ. 

Cần biết rằng Thủ Bản Legio Mariæ là một sưu tập các phương pháp, các tác phẩm và các lý tưởng, chỉ được ghi chép lại cách chính thức sau khi đã kiểm tra ở nhiều nơi và được chấp thuận.

Legio Mariæ đã sống và hoạt động trước khi được viết vào sách. Thủ Bản của Legio Mariæ sẽ chẳng bao giờ là hoàn toàn “lỗi thời, phải cập nhật”, vì nhiều tác phẩm và phương pháp được thử nghiệm hôm nay, chưa được gồm tóm vào trong ấn bản hiện tại.

NHỮNG ĐỀ NGHỊ THAY ĐỔI KHÁC 

Còn những kiến nghị đổi mới Legio Mariæ nào khác nữa? Chúng được nhóm vào bốn chủ đề chính sau đây: 

1. Trong thời buổi tự do này, hệ thống Legio Mariæ quá cứng nhắc. Điều lệ của Legio Mariæ không giữ một tinh thần tự do cá nhân như hướng dẫn của Công đồng Vatican II. Do đó, Legio Mariæ không nên tuân thủ các luật lệ của mình cách sơ cứng. Thay vì một ít người gặp gỡ hàng tuần, hãy cho phép họ tham dự buổi họp mỗi hai, ba, hoặc bốn tuần một lần; mỗi hội viên không nên bị ép buộc phải hoạt động căn bản hai giờ mỗi tuần, nhưng nên để họ tự do thực hiện điều mình cảm thấy muốn làm; thay vì bắt buộc phải làm việc theo nhóm, các hội viên có thể tự do làm việc một mình khi họ muốn; Các hội viên tùy ý đọc thuộc bất cứ một lời nguyện nào họ muốn trong khi họp mặt, thay vì cứ buộc phải đọc thuộc những lời kinh nguyện có sẵn của Legio Mariæ. Không nên có một Legio Mariæ nhấn mạnh cộng tác làm việc với các Đấng phẩm trật Hội Thánh và vâng phục tuyệt đối.

2. Lòng sùng mộ Đức Mẹ Ma-ri-a sâu sắc mà Legio Mariæ khắc ghi vào trong các hội viên không tương hợp với tinh thần của Công đồng Vatican II. Thay vì kinh Mân Côi buộc phải đọc trong mỗi buổi hội họp Legio Mariæ, nên có những lời Kinh nguyện khác (phổ biến thích hợp hơn), hoặc ít nhất chuỗi Mân Côi nên được cắt giảm xuống còn khoảng một chục mà thôi. Các lời kinh nguyện và các phần trong Thủ Bản đề cập đến Đức Mẹ Ma-ri-a như là Đấng trung gian của tất cả ân sủng nên được bỏ đi. Việc thực hành lòng sùng mộ đích thực đối với Đức Mẹ Ma-ri-a của thánh Montfort không nên được khuyến khích, và việc mô tả lòng sùng mộ ấy trong Thủ Bản nên xóa bỏ đi.

3. Các hội viên Legio Mariæ nên hướng tới tinh thần đại kết và ít quan tâm đến hoạt động tông đồ hoán cải. Trong thời đại cổ súy phong trào đại kết, vốn là kết quả của Công đồng Vatican II, Legio Mariæ nên thay đổi giọng điệu mang tính quân đội, thậm chí thay đổi cả danh xưng của Legio Mariæ.

4. Dưới Ánh sáng của Công đồng Vatican II Legio Mariæ nên ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động tông đồ xã hội và phong trào quyền công dân.

HỒI ĐÁP BỐN GÓP Ý DÀNH CHO LEGIO MARIÆ

1. Giải đáp cho những góp ý thuộc nhóm thứ nhất chúng ta có thể hỏi: liệu rằng những điều lệ cứng nhắc của Legio Mariætương hợp với tinh thần của Công đồng Vatican II? Theo tinh thần tự do cá nhân thời hiện đại, Legio Mariæ có nên kiên quyết tuân giữ các điều lệ của mình? 

Ban quản trị các cấp Hội đồng trong Hệ thống Legio Mariæ, những người hướng dẫn vận mạng của Legio Mariæ, tất cả đều là giáo dân – không cảm thấy rằng Công đồng Vatican II giới thiệu một tinh thần tự do cá nhân đến nỗi loại bỏ đi tất cả các mối ràng buộc. Họ không cảm thấy rằng Công đồng muốn hạn chế những quy định trong các nhóm tông đồ. Họ biết rằng các nghị phụ Công đồng ước mong các nhóm tông đồ giáo dân tổ chức và vận hành đoàn thể riêng của mình, điều này không có nghĩa là cho phép bãi bỏ các luật lệ và nội quy trong các đoàn thể của họ.

Khi đọc thấy trong Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân những lời như sau: “Các đoàn thể hay hiệp đoàn giáo dân…. phải luôn quan tâm và hỗ trợ cho việc đào tạo tông đồ theo những cách thế phù hợp với tôn chỉ và phương thức hoạt động riêng của mình,”(VI, 30), thì các viên chức giáo dân hiểu ý định của các nghị phụ là Legio Mariæ nên giữ gìn cẩn thận và cần mẫn tuân thủ chương trình đào tạo tông đồ cho các hội viên.

Thực thế, bí mật thành công của Legio Mariæ (và thành công mà Legio Mariæ đã đạt được trên toàn thế giới) là sự kiên trì tuân giữ các buổi họp mặt hàng tuần và các họat động tông đồ căn bản hàng tuần. Một cuộc họp mặt hàng tuần nâng cao tinh thần của các thành viên và đảm bảo cho việc thi hành các bổn phận tông đồ hàng tuần. Những đoàn thể cố gắng thực hành các hoạt động tông đồ với cuộc họp hàng tháng, đều có những thiếu sót, bởi vì trong khoảng thời gian một tháng mối bận tâm cũng như tinh thần hoạt động có thể xuống cấp và chết lịm. Điều này đặc biệt chuẩn xác nếu như hình thức và tổng khối công việc bị bỏ lại đối với tự do của một cá nhân. Sự kiên trì làm việc theo cặp-đôi có thể chắc chắn rằng công việc sẽ được thực hiện và thực hiện tốt, đồng thời hội viên này có thể khích lệ và trợ giúp cho người kia thi hành sứ mạng.

Đề nghị thay đổi trong những giờ nguyện của Legio Mariæ và thay đổi việc đọc thuộc kinh Mân Côi là một điều lạ thường về phía các Linh mục, đối với lòng sùng mộ Đức Mẹ Ma-ri-a, đề nghị này sẽ được thảo luận sau.

Một vài Linh mục lầm lẫn đã phê bình Legio Mariæ về sự kiên quyết cộng tác hoàn toàn và vâng phục tuyệt đối với hàng giáo phẩm, mặc dầu điều này không phải là điều Công đồng Vatican II muốn. Những người chỉ trích Legio Mariæ không thực hiện nhiều tự do cá nhân trong mối tương quan với thẩm quyền giáo huấn của Giáo hội, đã không đọc tài liệu Công đồng cẩn thận. Nếu đã đọc sắc lệnh Tông đồ Giáo dân thì họ sẽ biết rằng Công đồng Vatican muốn tất cả tông đồ giáo dân“phải luôn làm việc dưới sự điều hành của hàng Giáo phẩm” (IV, 20).

Đức Phao-lô VI, trong lá thư gởi cho ngài Frank Duff, có lời tán dương đặc biệt về điều lệ và “lòng trung thành tuyệt đối với Giáo hội” của Legio Mariæ.

ĐẠO LÝ VỀ ĐỨC MẸ MA-RI-A CỦA LEGIO MARIÆ KHÔNG TƯƠNG HỢP VỚI CHỈ DẪN CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II? 

2. Nói rằng Legio Mariæ khắc ghi vào các hội viên một lòng sùng mộ Đức Mẹ Ma-ri-a không tương hợp với tinh thần của Công đồng là chứng tỏ một sự không hiểu biết về đạo lý lòng sùng mộ Đức Mẹ Ma-ri-a của Legio Mariæ cũng như của Công đồng. Ai đó phản bác thần học về Đức Mẹ Ma-ri-a của Legio Mariæ cũng mắc vào một sự thật rằng anh ta bị lừa bịp bởi những tiêu đề thông tin sau năm 1963 nói rằng Công đồng hạ thấp Đức Mẹ Ma-ri-a. Một lý do khác cho sự phản đối giáo huấn về Đức Mẹ Ma-ri-a của Legio Mariæ là phong trào đại kết được Công đồng Vatican II nhấn mạnh, đòi hỏi làm dịu đi đạo lý về Đức Mẹ Ma-ri-a cũng như lòng sùng mộ Đức Mẹ.

Nhưng có đúng là lòng sùng mộ Đức Mẹ Ma-ri-a của Legio Mariæ (ví dụ kinh Mân Côi trong tất cả các cuộc họp) đi ngược lại hướng dẫn và tinh thần của Công đồng? Có đúng là Công đồng giảm nhẹ vai trò của Đức Mẹ Ma-ri-a không? Có đúng là Công đồng không muốn chúng ta đọc kinh Mân Côi? Có đúng là phong trào đại kết đòi phải loại bỏ Đức Mẹ Ma-ri-a?

Chúng ta cùng tìm hiểu sự thật về những điểm này; cùng kiểm tra lại tài liệu; cùng đến với dữ liệu của Công đồng. Công đồng nói gì về Đức Mẹ Ma-ri-a? 

Công Đồng có nhấn mạnh đạo lý về Đức Mẹ Ma-ri-a hay không? 

Trong chương 8 của hiến chế Tín lý Giáo hội, các nghị phụ cho chúng ta một tái khẳng định mạnh mẽ về đạo lý Đức Mẹ Ma-ri-a truyền thống, vì họ tán dương Đức Mẹ Ma-ri-a vô nhiễm nguyên tội, Mẹ rất thánh, Mẹ sinh con mà vẫn khiết trinh, Mẹ đồng trinh trọn đời, Mẹ cộng tác với Chúa Con trong công trình cứu chuộc, Mẹ hồn xác lên trời và Mẹ được tôn phong là Nữ Vương Thiên Đàng.

Đúng là Công đồng không xác định bất cứ một tín điều mới nào về Đức Mẹ Ma-ri-a, ví dụ “Đấng trung gian của mọi ân sủng”, nhưng cũng không phản bác bất cứ một giáo huấn nào về Đức Mẹ Ma-ri-a được nổi bật bởi các trường phái tư tưởng Công giáo, ví dụ, “Lòng sùng mộ đích thực đối với Đức Trinh Nữ” của thánh De Montfort. Thực vậy các nghị phụ không có ý định công bố bất cứ một tín điều nổi bật nào nữa, và nói với chúng ta rằng Công đồng “không có ý đưa ra một học thuyết đầy đủ về Đức Mẹ Ma-ri-a, cũng không có ý giải quyết các vấn đề chưa được sáng tỏ trọn vẹn trong việc nghiên cứu của các nhà thần học. Vì thế, được phép giữ những ý kiến đang được tự do trình bày trong các trường phái Công giáo về Đấng có địa vị cao cả nhất trong Hội Thánh sau Chúa Ki-tô và cũng là Đấng rất gần gũi với chúng ta” (Hiến chế tín lý Giáo hội, VIII, 54).

Mặc dầu các nghị phụ không xác định đạo lý Đức Mẹ Ma-ri-a là Đấng trung gian mọi ân sủng, nhưng giải thích rằng Đức Mẹ Ma-ri-a diễm phúc luôn được Giáo hội khẩn cầu dưới tước hiệu Đấng trung gian (Hiến chế tín lý Giáo hội, VIII, 62).

Phải chăng Công đồng ít chú trọng đến Lòng Sùng mộ Đức Mẹ Ma-ri-a?

Chắc chắn các nghị phụ chủ ý ít chú trọng đến đạo lý về Đức Mẹ Ma-ri-a, nhưng phải chăng các vị không muốn nhấn mạnh đến lòng sùng kính đối với Đức Mẹ Ma-ri-a? Phải chăng các vị muốn chúng ta không tiếp tục các hành vi đạo đức như việc đọc kinh Mân Côi? Chúng ta hãy cùng nghe lời của các Vị Giám mục về chủ đề này: 

“Thánh Công đồng minh nhiên truyền dạy điểm giáo lý Công giáo này (về lòng tôn kính Đức Mẹ Ma-ri-a), đồng thời khuyến khích tất cả con cái Giáo hội hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Trinh Nữ, nhất là trong Phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức tôn kính ngài đã được huấn quyền cổ vũ qua các thế kỷ, cũng như hãy thành tâm tuân giữ các quyết định trước đây liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Đức Ki-tô, Đức Trinh Nữ và các thánh” (VIII, 67).

Đức Phao-lô VI trong tông huấn Mẹ Chúa Ki-tô vào ngày 15 tháng 9 năm 1966, (tông huấn gắn với việc đọc kinh Mân Côi trong việc tôn kính Mẹ Chúa Ki-tô) nói với chúng ta rằng, mặc dầu các Nghị phụ không đề cập cách đặc biệt việc lần chuỗi Mân Côi, nhưng đây là điều họ đã có trong ý định khi nói rằng lòng sùng mộ Đức Mẹ Ma-ri-a nên được coi trọng và được tổ chức với cách thế long trọng. Ở đây có những lời của Đức Phao-lô VI: “Công đồng Vatican khuyên nhủ mọi tín hữu đọc kinh Mân Côi, không phải bằng một ngôn từ rõ ràng nhưng bằng một lối diễn tả không thể hiểu khác được – chúng ta hãy quý trọng những thực hành và hoạt động đạo đức hướng tới Đức Nữ trinh diễm phúc và được quyền giáo huấn của Hội Thánh phê chuẩn qua hàng thế kỷ.”

Từ việc giải thích chính thức này về tài liệu của Công đồng, chúng ta thấy rõ rằng Công đồng Vatican II muốn chúng ta đọc kinh Mân Côi. Vì vậy, trong chủ đề về lòng sùng mộ Đức Mẹ Ma-ri-a, quả thực các Nghị phụ khuyến khích tất cả chúng ta thực hành lòng đạo đức tôn kính Đức Mẹ, đặc biệt là đọc kinh Mân côi, Hiệp hội đạo đức kính mến Mẹ, Rước kiệu tháng Năm, và những việc tương tự. Không có tài liệu nào của Công đồng mà các Giám mục nói với chúng ta hãy giảm bớt lòng sùng kính Đức Mẹ Ma-ri-a.

PHONG TRÀO ĐẠI KẾT VÀ ĐỨC MẸ MA-RI-A 

Hội Legio Mariæ có nên giảm bớt lòng tôn kính Đức Mẹ Ma-ri-a vì lý do đại kết hay không? Công đồng có chủ trương như thế không?

Khi Đức Phao-lô VI, ngày 21 tháng 11 năm 1964, công bố Đức Ma-ri-a là Mẹ Giáo hội, các Nghị phụ vỗ tay ủng hộ hết lòng. Nhiều thần học gia chủ trương đại kết đã không hài lòng với tuyên bố này của các Nghị phụ. Họ cảm thấy rằng điều đó có hại cho phong trào đại kết. Họ cảm thấy rằng phong trào đại kết đòi hỏi chúng ta ít đề cập đến Đức Mẹ Ma-ri-a, đặc biệt đối với việc tôn vinh Mẹ, để các cuộc đối thoại của chúng ta với các anh em ly khai sẽ giảm bớt căng thẳng và đạt nhiều hiệu quả lâu dài.

Nhưng liệu có đúng thực rằng trong cuộc đối thoại đại kết chúng ta nên ít đề cập đến Đức Mẹ Ma-ri-a, đặc biệt nếu muốn đại kết, chúng ta giảm bớt giáo huấn của Giáo hội về Đức Mẹ Ma-ri-a?

Các Nghị phụ khuyên nhủ như thế chăng? Không. Đề cập đến Đức Mẹ Ma-ri-a trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội, các Nghị phụ nói rằng các thần học gia và các nhà giảng thuyết nên “cẩn thẩn tránh xa những lối diễn tả hay hành động có thể làm cho các anh em ly khai hay bất cứ ai khác hiểu sai giáo lý đích thực của Giáo hội” (VIII, 4, 67).

Trong sắc lệnh về Đại Kết, các nghị phụ nói với chúng ta rằng “Cách thức và phương pháp diễn tả đức tin Công giáo phải làm sao để đừng gây trở ngại cho việc đối thoại với những người anh em. Tuyệt đối phải trình bày thật rõ ràng một hệ thống giáo thuyết toàn vẹn. Không gì phá hỏng công cuộc đại kết cho bằng chủ trương hòa đồng sai lạc, vừa làm tổn thương vừa làm lu mờ ý nghĩa đích thực và chắc chắn của giáo lý Công giáo thuần túy” (II, 11). 

Cũng trong sắc lệnh này các Giám mục nói với chúng ta rằng các tín hữu trong “hành động đại kết của họ phải hoàn toàn và thực sự mang tính Công giáo, nghĩa là trung thành với chân lý chúng ta đã lãnh nhận từ các Tông đồ và các giáo phụ, cũng như phù hợp với đức tin đang được giáo hội tiếp tục tuyên xưng” (III, 24).

Chúng ta, những anh em trong Chúa Ki-tô có thể nói thế nào về sự duy nhất Ki-tô giáo, về tái hiệp nhất của gia đình Ki-tô giáo, mà không nói về mối dây hiệp thông chúng ta nên có – tình yêu đối với Mẹ, một người Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại? Phong trào đại kết nếu không có Đức Mẹ Ma-ri-a thì giống như một gia đình không có người mẹ. 

Các Nghị phụ nói với chúng ta rằng chúng ta nên cầu nguyện với Đức Trinh Nữ diễm phúc để công cuộc đại kết thành công. Đây là cách các Vị nói: “Tất cả các Ki-tô hữu hãy tha thiết khẩn cầu Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ nhân loại, để như ngài đã trợ giúp Giáo hội sơ khai bằng lời cầu nguyện, thì ngày nay, được tôn vinh trên trời, vượt trên các thánh và các thiên thần, ngài cũng chuyển cầu cùng Con ngài trong sự hiệp thông của toàn thể các thánh, cho tới khi mọi gia đình dân tộc, hoặc đã được vinh dự mang danh hiệu Ki-tô hữu, hoặc chưa nhận biết Đấng cứu chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình hòa thuận, họp thành đoàn dân Thiên Chúa duy nhất, để làm vinh danh Một Chúa Ba Ngôi chí thánh” (Hiến chế Tín lý về Giáo hội VIII, 5, 69). 

Thế nên Đức Mẹ Ma-ri-a không thể bị loại trừ ra khỏi công cuộc đại kết. Sự hiện diện của Mẹ cần thiết thế nào, nếu chúng ta được các Giám mục khuyến khích hãy cầu nguyện với Mẹ để công cuộc đại kết thành công?

Chúng ta lấy làm vui thỏa khi biết rằng bây giờ trong thời hiện đại này, một cuộc thảo luận về vai trò của Đức Mẹ Ma-ri-a trong lịch sử cứu độ ngày càng trở nên quan trọng, là một phần trong cuộc đối thoại giữa các thần học gia Công giáo và không Công giáo. Hiện nay, các nhà thần học trong đối thoại đại kết rất dễ dàng cùng nhau nói về Đức Mẹ Ma-ri-a.

PHONG TRÀO ĐẠI KẾT VÀ HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ HOÁN CẢI 

3. Chúng ta thường nghe chỉ trích rằng Hội Legio Mariæ nên có tư tưởng đại kết hơn và hãy ít quan tâm đến hoạt động hoán cải người khác. Ngày nay, với phong trào đại kết, vốn là kết quả của Công đồng Vatican II, Legio Mariæ nên thay đổi giọng điệu mang tính quân đội, thay đổi thậm chí cả danh hiệu của mình. Lời chỉ trích này khó hiểu với những ai biết rằngLegio Mariæ đã mang tinh thần đại kết trước cả Công đồng Vatican II, và thậm chí trước cả một vài nhà đại kết hiện đại. Sau năm 1939, Legio Mariæ được Tòa Thánh cho phép tổ chức cuộc đối thoại thần học với các nhà thần học Tin Lành, và đây là một thời điểm rất ít các nhà thần học hiện đại nghĩ về đại kết. Cũng khoảng thời điểm đó, năm 1940, Tòa Thánh đã cho phép Legio Mariæ (một tổ chức dành cho Công giáo Rô-ma) nhận các hội viên Chính thống giáo vào hàng ngũ củaLegio Mariæ vì mục đích làm cho họ thấm nhuần tinh thần truyền giáo.

Thực tế, việc hệ thống Legio Mariæ dạy cho các hội viên của mình trở nên có tinh thần đại kết không có nghĩa là hội viênLegio Mariæ phải ít quan tâm đến hoạt động tông đồ đi hoán cải tha nhân. Công đồng Vatican II không muốn Legio Mariæ ít chú trọng đến hoạt động hoán cải. Quả vậy, Công đồng nói với chúng ta rằng công cuộc đại kết và hoạt động hoán cải là tương hợp với nhau, và sự dấn thân của chúng ta vào các hành động đại kết phải không làm giảm động lực truyền giáo để mang các linh hồn về với Giáo hội. Chúng ta có thể năng động trong công cuộc đại kết và vẫn hoạt động mang nhiều linh hồn không ở trong Giáo hội trở về với Giáo hội. Các Nghị phụ diễn tả như sau: “Dĩ nhiên, việc chuẩn bị và thực hiện hòa giải đối với những cá nhân ao ước hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo, tự bản chất khác với sáng kiến đại kết; tuy nhiên, những tiến trình đó không đối lập nhau vì cả hai đều khởi phát từ sự an bài kỳ diệu của Thiên Chúa” (Sắc lệnh đại kết, I, 4).

Trong hoạt động vì đại kết, các hội viên Legio Mariæ luôn mang một ý tưởng được diễn tả qua những lời sau đây của các nghị phụ: “Các phương thế cứu rỗi chỉ có thể được tìm thấy đầy đủ nơi trợ tá phổ quát của ơn cứu rỗi là Giáo hội Công giáo của Chúa Ki-tô. Chúng ta tin rằng Chúa đã ủy thác tất cả ơn phúc của Giao ước mới cho một Tông đồ đoàn duy nhất, với thánh Phê-rô là người đứng đầu, để làm cho tất cả những ai đã thuộc về dân Chúa theo một cách thức nào đó, cũng được tháp nhập trọn vẹn vào Thân Thể duy nhất của Đức Ki-tô đã được thiếp lập nơi trần gian này” (Sắc Lệnh Đại Kết, I, 3).

Ngay từ ban đầu, Hội Legio Mariæ đã rất tích cực trong các hoạt động rao giảng Tin mừng và thánh hóa. Một trong số các hoạt động tông đồ đầu tiên là chăm sóc các tín hữu Công giáo sa ngã; sau khi Legio Mariæ lan ra ngoài Ireland, đặc biệt trong những vùng truyền giáo, Legio Mariæ đã sớm trở nên nổi tiếng về những thành công khi hoạt động mang các người ngoài Giáo hội trở về với Giáo hội Công giáo. Như vậy, lẽ ra ngày nay Legio Mariæ phải được tán dương về những hoạt động tông đồ như thế, chứ không phải bị chỉ trích. 

Tất cả chúng ta nhớ rằng Đức Phao-lô VI đã lên tiếng kêu gọi hãy rao giảng Tin mừng trong Tông thư về đề tài này. Kể từ đó, tất cả các Giám mục trên toàn thế giới Công giáo thôi thúc các Linh mục, tu sĩ, giáo dân hãy quan tâm cách mãnh liệt hơn tới hoạt động truyền giáo.

Các nhà thần học viết về đa dạng các phương pháp rao giảng Tin mừng nên được sử dụng. Họ đang hướng dẫn các cuộc hội họp về chủ đề này, nhưng hiếm khi nào họ nại đến lời khuyên của Legio Mariæ, là một Hội đoàn Công giáo Tiến hành kể từ năm 1921 đã rất thành công trong tất cả các nơi trên toàn thế giới trong công việc rao giảng Tin mừng.

Tôi nghĩ rằng những Linh mục nào chỉ trích Legio Mariæ, đặc biệt là những Vị Linh giám nào đã khẳng định Legio Mariæ phải cải tiến, có lẽ chính họ phải được trách vấn, liệu rằng họ đã không thăng tiến trong công việc rao giảng Tin mừng và họ không dùng Legio Mariæ như một mô hình cho việc hiện đại hóa đó.

Cái tên ban đầu của Legio Mariæ mang một giọng điệu hành động quân đội, làm phiền nhiễu điều gì đó trong thời kỳ đại kết này, nhưng không nên thay đổi. Bởi, mặc dầu tất cả hội viên Legio Mariæ được khuyến khích vì các linh hồn chiến đấu chống lại sa-tan và tội lội, nhưng họ chiến đấu trong đường lối hòa bình; họ ghét bỏ và đấu tranh chống lại tội lỗi, nhưng yêu mến và chăm nom những người tội lỗi. Tổ chức nội tại của Legio Mariæ được tổ chức theo lề lối, kỷ luật và lòng trung thành từng nét là đặc tính của các lực lượng quân đội; đấy là sự thật, nhưng không có nghĩa Legio Mariæ thuộc về quân đội, ưa tranh đấu hoặc đối kháng khi tiếp xúc với các linh hồn; ngược lại, các hội viên Legio Mariæ được dạy rằng trong hoạt động tông đồ của mình phải thể hiện sự kiên nhẫn, yêu thương, hiểu biết về Chúa và Mẹ Ma-ri-a.

Góp ý rằng hội viên Legio Mariæ nên thăng tiến hơn nữa trong công cuộc đại kết, nên tổ chức các cuộc gặp gỡ đối thoại với các Ki-tô hữu khác, v.v.., có thể là kết quả của những điều kiện địa phương, nơi mà các hội viên được được huấn luyện theo hệ thống Legio Mariæ, hoặc nơi mà các Vị Linh giám có lẽ đã không cho rằng việc khuyến khích các hội viên Legio Mariæ gặp gỡ đại kết và hoạt động vì đại kết là chuyện khả thi. Hệ thống Legio Mariæ không thể bị khiển trách về điều đó, về nơi hệ thống Legio Mariæ được tuân thủ một cách trung thành thì các hội viên rất tích cực trong phong trào đại kết, luôn luôn tương hợp với sắc lệnh Đại kết của Công đồng.

HỘI LEGIO MARIÆ VỚI HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ XÃ HỘI VÀ NHỮNG PHONG TRÀO NHÂN QUYỀN

4. Một góp ý cuối cùng, Hội Legio Mariæ, dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II, nên dồn tâm trí vào hoạt động tông đồ xã hội và vào những phong trào đấu tranh cho nhân quyền.

Nói rằng Hội Legio Mariæ không dính dáng gì đến việc tông đồ xã hội cho thấy một sự thiếu hiểu biết trầm trọng về Legio Mariæ. Một lần nữa, đây có lẽ là kết quả của những điều kiện địa phương nơi mà những Vị Linh giám và Ban quản trị các cấp Hội đồng đã không hướng dẫn hội viên cách thích hợp, hoặc không cho phép họ tham gia nhiều công tác xã hội như các hội viên khác ở nhiều vùng trên thế giới. Ở một số khu vực, có một Præsidium chuyên biệt để phụ trách, chăm lo cho những em gái đường phố; trong khi một Præsidum khác thì làm việc với những người bị bỏ rơi; hoặc tắm rửa cho những bệnh nhân tâm thần trong bệnh viện; hoặc chăm sóc cho những tù nhân... Một số hội viên Legio Mariæ viếng thăm những khu nhà ổ chuột, giúp người nghèo dọn dẹp, sơn sửa nhà cửa, tắm rửa và nấu ăn cho người tàn tật, đọc sách cho người mù nghe, dạy chữ cho người thất học, thu gom rác, cắt cỏ, dọn tuyết trên đường, chở những người tàn tật đi nhà thờ v..v… Tất cả những điều ấy đều có trong Thủ Bản với lời dẫn: “Hội Legio Mariæ thuộc quyền của Đức giám mục giáo phận và Linh mục quản xứ về mọi thể thức trong việc phục vụ xã hội và phong trào Công giáo Tiến hành mà những giáo quyền địa phương có thể thấy rằng thích hợp với hội viên và hữu dụng cho công tác xã hội của Giáo hội” (TB 2,5). Ngài Frank Duff, đấng sáng lập Hội Legio Mariæ, cũng đã nói thêm về đề tài công tác xã hội trong một cuốn sách có tựa đề “Nhiệt thành đích thực với Quốc gia.” Hội viên Legio Mariæ cũng nên tìm đọc qua cuốn sách này.

Tất nhiên, tất cả hội viên Legio Mariæ phải ý thức rõ rằng công tác xã hội không chỉ là sự trợ giúp về vật chất, hẳn nó không phải là công việc chính yếu, nhưng là Phúc-âm-hóa và thánh hóa các tâm hồn (mà họ cố gắng hoàn thành trong công tác xã hội của họ) mà Công đồng đã xác định như là một yếu tố căn cốt của tông đồ giáo dân, phải được quan tâm hàng đầu trong hoạt động tông đồ của họ.

Mặc dù Legio Mariæ đã không gắn liền với bất cứ phong trào đấu tranh cho nhân quyền nào, nhưng Legio Mariæ luôn tôn trọng quyền công dân và đã dạy hội viên tuân giữ những quyền ấy. Thực vậy, Legio Mariæ trên khắp hoàn vũ đã có nhiều hoạt động để mang lại sự hòa hợp sắc tộc. Legio Mariæ ngay từ khởi đầu đã không phân biệt chủng tộc. Tại những cuộc hội họp Legio Mariæ, những người da màu, da trắng từ mọi miền trên thế giới đều đi lại, giao thiệp với nhau một cách tự do, bình đẳng. Và cũng thật ngạc nhiên để biết rằng trong tổ chức của Legio Mariæ trên toàn thế giới, thì số hội viên là người da màu nhiều hơn so với người da trắng.

Hội Legio Mariæ có lẽ sẽ không mang theo những áp phích kháng nghị trong những cuộc diễu hành đòi nhân quyền, nhưng trong cuộc đấu tranh chống lại sự dữ, họ mang theo biểu ngữ của lòng khoan dung, sự hiểu biết và tình thương mến với đồng loại.

Thiết nghĩ, những trình bày trên đã đủ trả lời cho những ai chỉ trích rằng Hội Legio Mariæ đã không bắt kịp với tinh thần của Công đồng Vatican II. 

HỘI LEGIO MARIÆ CÓ PHÙ HỢP VỚI CÔNG ĐỒNG VATICAN II TRONG QUAN NIỆM VỀ TÔNG ĐÔ GIÁO DÂN HAY KHÔNG? 

Bây giờ, với một cách xác thực hơn, chúng ta hãy cùng xem xét những văn kiện Công đồng để hiểu rõ quan niệm của các Nghị phụ về tông đồ giáo dân. Sau đó, chúng ta sẽ so sánh Thủ Bản của Legio Mariæ với quan niệm của Công đồng về tông đồ giáo dân để xem có phù hợp hay không.

Các Nghị phụ quan niệm tổ chức tông đồ giáo dân là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu  qua các văn kiện Công đồng.

Trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội các Đức giám mục đưa ra định nghĩa về tông đồ giáo dân như sau: “Hoạt động tông đồ giáo dân là thông phần vào chính sứ mệnh cứu độ của Giáo hội. Qua Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, chính Chúa ủy thác việc tông đồ cho tất cả các tín hữu” (IV, 33). Trong Sắc lệnh về Hoạt động Tông đồ Giáo dân, các Nghị phụ Công đồng nói rằng: “Ơn gọi Ki-tô hữu tự bản chất cũng là một ơn gọi tông đồ” (I,2).

Thủ Bản của Legio Mariæ (bản thảo lần đầu năm 1920) nhấn mạnh về quyền và nghĩa vụ của mỗi tín hữu, nhờ vào Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức mà họ đã nhận lãnh, để chia sẻ với sứ vụ đi rao truyền giáo huấn và ân sủng của Chúa Ki-tô cho nhân loại. Thực vậy, Thủ Bản nói về hoạt động tông đồ như là một ơn gọi. Chúng ta phấn khởi nhắc nhau nhớ rằng qua nhiều năm trời, hội viên Legio Mariæ đã nỗ lực để thuyết phục mọi người tông đồ giáo dân là một ơn gọi.

Việc rao giảng Tin mừng và thánh hóa. 

Công đồng cho rằng giáo dân “thực thi các hoạt động tông đồ để rao giảng Tin mừng và thánh hóa con người, để làm cho tinh thần Phúc âm thấm nhuần và hoàn thiện hóa trật tự trần thế” (I,2).

Legio Mariæ luôn xem công cuộc Phúc-âm-hóa (I.e., loan truyền Tin mừng của Chúa Ki-tô) và thánh hóa (chuyển trao ân sủng của Người cho tha nhân) như là hoạt động tông đồ hàng đầu và quan trọng nhất của mỗi hội viên.

Nhiệm Thể và tông đồ giáo dân. 

Bốn mươi năm trước, khi chưa có nhiều nhà thần học bàn về Nhiệm Thể Chúa Ki-tô, thì Hội Legio Mariæ đã nhấn mạnh giáo huấn ấy rồi. Thực ra, Legio Mariæ đã căn cứ trên quyền và nghĩa vụ của hội viên với sứ mạng tông đồ trong sự hiệp nhất với Nhiệm thể của Chúa Ki-tô. Quan niệm tương tự cũng được nhấn mạnh trong Sắc lệnh về Hoạt động Tông đồ Giáo dân: “Bởi được liên kết với Chúa Ki-tô là Đầu, người giáo dân có quyền và bổn phận làm tông đồ. Khi được tháp nhập vào Nhiệm thể Chúa Ki-tô nhờ Bí tích Thánh Tẩy, được nên mạnh mẽ nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức, họ được chính Chúa trao phó trách vụ tông đồ” (I,3).

Hội Legio Mariæ đã luôn nhấn mạnh rằng người giáo dân có bổn phận rao truyền Tin Mừng Chúa Ki-tô cho muôn loài thụ tạo. Sắc lệnh cũng nói rằng: người giáo dân sẽ là “chứng nhân cho Chúa Ki-tô trên khắp cùng thế giới” (I, 3).

Canh tân đời sống tâm linh qua sự kết hợp với Chúa Ki-tô. 

Hội Legio Mariæ luôn yêu cầu rằng: trước khi một hội viên có thể mang sứ điệp ơn cứu độ đến cho tha nhân, thì bản thân hội viên phải canh tân đời sống tâm linh của mình. Sự canh tân này có nghĩa là một tiến trình nên thánh bao gồm việc thực thi các nhân đức: đức tin, đức cậy, đức ái, đức kiên nhẫn, lòng khiêm tốn. Mục đích tối hậu trong tiến trình nên thánh này là một sự kết hợp mật thiết với Chúa Ki-tô. Nhờ vào sự kết hợp ấy, vốn được dưỡng nuôi thường xuyên qua việc đón nhận các bí tích, hội viên Legio Mariæ sẽ nhìn thấy Chúa Ki-tô nơi mỗi người và do đó sẽ làm những điều tốt nhất cho họ.

Sắc lệnh về Hoạt động Tông đồ Giáo dân cũng cho chúng ta hay rằng “kết quả của việc tông đồ giáo dân tùy thuộc vào sự kết hợp sống động của chính họ với Chúa Ki-tô” (1,4) “Đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa Ki-tô trong Giáo hội được duy trì nhờ những trợ giúp thiêng liêng dành cho tất cả các tín hữu, nhất là nhờ việc tham dự tích cực vào Phụng vụ thánh” (I, 4).“Cách thế này giúp người giáo dân thăng tiến trong nếp sống thánh thiện... một nếp sống như thế đòi hỏi phải liên lỉ thực hành các nhân đức tin, cậy, mến. Chỉ có ánh sáng đức tin và việc suy niệm Lời Chúa mới có thể giúp chúng ta nhận ra được Chúa ở mọi nơi và trong mọi lúc, …, nhận ra Chúa Kitô nơi mọi người dù là thân quen hay xa lạ” (I, 4).

Bản thân người tông đồ giáo dân phải có đời sống tâm linh sâu sắc. 

Sắc lệnh Công đồng viết: “Những giáo dân, theo ơn gọi của mình, tham gia các hiệp đoàn hay tu hội được Giáo hội nhìn nhận, phải nỗ lực trung thành sống theo đường hướng riêng biệt trong linh đạo của từng tu hội” (I,4).

Hội Legio Mariæ, được sự chấp thuận của Giáo hội, đã nuôi dưỡng một linh đạo Mẹ Ma-ri-a đặc biệt cho mỗi hội viên, điều này được ghi chú cẩn thận trong Thủ Bản.

Đức Mẹ Ma-ri-a và tông đồ giáo dân. 

Các Nghị phụ Công đồng đã nói về Đức Mẹ Ma-ri-a và tông đồ giáo dân như sau: “Gương mẫu hoàn hảo của đời sống thiêng liêng và đời sống tông đồ chính là Đức Trinh Nữ rất thánh Ma-ri-a, Nữ Vương các Tông đồ… Mọi người hãy thành tâm tôn sùng Mẹ và phó thác cuộc sống cũng như mọi hoạt động tông đồ vào tay Mẹ” (I, 4). Liệu chúng ta có cần nói rằng hội viên Legio Mariæ phải lấy Mẹ Ma-ri-a như là gương mẫu, như là nữ hoàng, để rồi phó thác sứ vụ tông đồ cho sự chăm sóc từ mẫu của Mẹ?

Rao giảng Tin mừng bằng lời nói. 

Thánh Công đồng muốn người tông đồ giáo dân đích thực truyền tải thông điệp và ân sủng của Chúa Ki-tô đến cho muôn người theo cách thế nào? Có phải đơn giản chỉ là bằng gương sáng của Ki-tô hữu? Dĩ nhiên không chỉ có thế mà còn bằng lời nói. Họ phải nói về niềm tin tôn giáo cho những người khác. “Việc tông đồ không chỉ giới hạn trong việc làm chứng bằng đời sống; người tông đồ đích thực còn tìm cách làm chứng cho Chúa Ki-tô bằng lời nói, hoặc cho những người chưa tin để đưa họ đến với đức tin, hoặc cho những người đã tin để hướng dẫn, củng cố và thúc đẩy họ sống sốt sắng hơn” (II,6). Từ nhiều năm nay, hội viên Legio Mariæ đã thực thi điều này. Và trong khi thực thi, họ đã phải chịu nhiều chỉ trích và bị coi như những kẻ hảo tâm lập dị. Giờ đây, họ đã vui mừng nhận ra rằng các Nghị phụ muốn người tông đồ giáo dân thực thi những điều tương tự.

Tông đồ giáo dân và nghệ thuật giao tiếp. 

Công đồng muốn tông đồ giáo dân phải được huấn luyện kỹ năng “để có thể chuyện trò thân thiện với người khác” (VI, 29).“Liên quan đến hoạt động tông đồ: việc rao giảng Tin mừng và thánh hóa con người, người giáo dân phải được đào tạo kỹ lưỡng để biết đối thoại với tha nhân” (VI, 31).

Những ai đã từng biết tới Legio Mariæ thì cũng biết tới phương cách mà Legio Mariæ đã huấn luyện hội viên của mình trong nghệ thuật giao tiếp.

Tông đồ giáo dân phải chống lại những sai lầm và tội ác của thời hiện đại.

Ngày nay, Công đồng nhắc nhở chúng ta: “Người giáo dân phải coi việc canh tân thế giới trần tục là một nhiệm vụ đặc biệt”(II, 7) Họ phải nhiệt tâm chống lại những kẻ xấu chẳng còn quan tâm gì đến Thiên Chúa, đến bản chất của con người, và những nguyên tắc luân lý; họ phải chống lại những hủ bại đạo đức; và họ phải giúp những ai thần tượng quá mức đối với khoa học tự nhiên và công nghệ kỹ thuật, nên đã rơi vào thái độ sùng bái những thứ trần tục và đã trở thành nô lệ của chúng thay vì là chủ nhân” (II, 7).

Thủ Bản và đường hướng sống theo Thủ Bản dạy mỗi hội viên làm thế nào để chiến đấu chống lại những sai lầm và tội lỗi. Tuy nhiên, khi thực thi những điều ấy, thì hội viên Legio Mariæ, chiến sĩ của Mẹ Ma-ri-a, vẫn thỉnh thoảng bị chỉ trích.

Hoạt động Tông đồ giáo dân phải mang tính toàn cầu. 

Công đồng cho rằng tông đồ giáo dân “không nên hạn chế sự liên đới, chỉ hoạt động trong địa hạt của giáo xứ hay giáo phận, nhưng phải mở rộng ra liên giáo xứ, liên giáo phận, quốc gia và quốc tế” (III, 10). Chúng ta biết rằng Hội Legio Mariækhông hạn chế hoạt động trong ranh giới giáo xứ hay giáo phận. Phổ quát nghĩa là làm cho mỗi hội viên thấm nhuần ý thức đặc tính “Công giáo” của Giáo hội. Phong trào Lên đường vì Chúa Ki-tô, một hoạt động của Legio Mariæ, gởi những hội viên từ những quốc gia khác để tìm kiếm những cuộc hoán cải của tha nhân, đã nhấn mạnh nhu cầu coi sóc các linh hồn ở bất cứ nơi đâu Legio Mariæ hiện diện. Công đồng nói rằng: “Sứ mệnh phổ quát của Giáo hội đòi hỏi các đề xướng tông đồ của người Công giáo phải được tổ chức ngày càng hoàn chỉnh hơn theo dạng thức đoàn thể cấp quốc tế. Các Tổ chức Công giáo quốc tế sẽ họat động hiệu quả hơn nếu được liên kết chặt chẽ hơn nữa với tổ chức cũng như thành viên của các đoàn thể trực thuộc” (IV, 19). Legio Mariæ, qua những cuộc họp hàng tháng (có những người chỉ trích các cuộc họp này) tạo nên một sự liên kết thống nhất giữa các hội viên trên toàn thế giới.

Những đặc phái viên của Legio Mariæ. 

Công đồng tuyên bố rằng: “Giáo hội rất vui mừng vì thấy càng ngày càng tăng số giáo dân phục vụ trong các hiệp hội hoặc các tổ chức hoạt động tông đồ ở lãnh vực quốc gia cũng như quốc tế, và nhất là trong các cộng đoàn Công giáo tại các xứ truyền giáo và nơi những Giáo hội mới thành lập” (Sắc lệnh về Hoạt động Tông đồ giáo dân, IV, 22).

Từ nhiều năm nay, Hội Legio Mariæ đã gửi đi những đặc phái viên đến những vùng truyền giáo để thiết lập một hoạt động tông đồ giáo dân năng động ở những khu vực ấy. Những đặc phái viên này, là những người nam nữ trẻ tuổi, sẽ gác lại công việc ở nhà để đến những miền xa xôi trong khoảng từ 3 đến 5 năm nhằm đồng hành và dạy dỗ dân cư ở đó, giúp họ trở thành những tông đồ giáo dân trong Legio Mariæ. Hội Legio Mariæ rất hãnh diện về hai đặc phái viên tiêu biểu: Edel Quinn, đặc phái viên vùng châu Phi, đang được mở án tuyên Chân phước tại Rô-ma và Alphie Lamb, đặc phái viên vùng Nam Mỹ, cũng đã được mở án tuyên Chân Phước. Trong thập niên 1970, Legio Mariæ đã giới thiệu chương trình Incolæ Mariæ (Cư dân của Mẹ Ma-ri-a), nhờ đó một hội viên sẽ đảm nhiệm công việc tại một nơi ở ngoại quốc và sử dụng tất cả thời gian rảnh để làm việc cho Giáo hội.

Tông đồ giáo dân và giới trẻ. 

Sắc lệnh cổ vũ những người trẻ góp phần tích cực vào hoạt động Tông đồ giáo dân (III, 12) Hội Legio Mariæ có một chương trình đầy đủ cho những người trẻ, bao gồm cả những hội viên ở lứa tuổi học sinh tiểu học và trung học. Nhờ những chương trình của Legio Mariæ, nhiều người trẻ đã góp phần tích cực vào hoạt động tông đồ giáo dân.

Tổ chức tông đồ. Công đồng khen ngợi các nhóm tông đồ và nhắc nhở rằng: “Những hội đoàn được thành lập để hỗ trợ hoạt động tông đồ tập thể, phải nâng đỡ và đào tạo các hội viên cho sứ vụ tông đồ, phối hợp và điều hành các công tác tông đồ, nhờ đó hy vọng kết quả sẽ phong phú hơn là để từng người hoạt động riêng rẽ” (VI, 18). Có lẽ không có tổ chức giáo dân nào thực hiện đầy đủ lời nhắc nhở trên như Legio Mariæ, thể hiện qua các Præsidium hàng tuần, các buổi họp cấp Hội đồng hàng tháng, qua việc đào tạo các hội viên, sự tổ chức quy củ, điều hành các hoạt động tông đồ.

Những đặc tính cần thiết của các nhóm tông đồ giáo dân. Sắc lệnh kể ra 3 đặc tính mà các nhóm tông đồ giáo dân phải có, nếu được kể vào danh sách Hoạt động Công giáo:

1.  “Mục đích trực tiếp của các tổ chức này phải là mục đích tông đồ của Giáo hội, nghĩa là loan báo Tin mừng, Thánh hóa con người và đào tạo lương tâm Kitô hữu đích thực để có thể đem tinh thần Tin mừng thấm nhập vào các cộng đồng và các môi trường khác nhau” (IV, 20)

2. “Người giáo dân hoạt động trong một thể chế có tổ chức” (IV, 20).

3. “Người giáo dân làm việc dưới sự hướng dẫn của hàng Giáo phẩm” (IV, 20).

Hội Legio Mariæ, một hội đoàn có tính tổ chức cao, thực hiện việc rao giảng Tin mừng và thánh hóa mỗi hội viên, rồi qua các hội viên đến với các linh hồn khác, như là đối tượng chính yếu của Legio Mariæ. Lòng trung thành và tuân phục Hàng giáo phẩm của Legio Mariæ, như được đề cập trong Thủ Bản, đã trở thành một trong những đặc tính nổi bật của Legio Mariæ. 

Sau cùng, “hàng Giáo phẩm có thể trao cho giáo dân một số phận vụ vốn gắn liền với nhiệm vụ của chủ chăn, chẳng hạn việc dạy giáo lý, cử hành phụng vụ, hay chăm sóc các linh hồn. Vì được ủy nhiệm, nên khi thi hành nhiệm vụ, người giáo dân phải hoàn toàn vâng phục sự điều khiển của giáo quyền thượng cấp” (V, 24). 

Thủ Bản của hội Legio Mariæ viết rằng: “Legio Mariæ quyết tôn kính, vâng lời Vị Linh mục như bề trên chính thức, và còn hơn thế nữa. Việc tông đồ của Legio Mariæ dựa trên các Thánh lễ và các Bí tích như là máng chuyển ơn Chúa mà Linh mục là người chính thức ban các Bí tích cho ta. Tất cả cố gắng và phương cách của Legio Mariæ phải hướng về mục đích chính này là đem thức ăn cho đại chúng đang ốm đau và đói khát. Dó đó một trong những nguyên tắc cốt yếu của hoạt độngLegio Mariæ là đưa Linh mục đến với dân chúng, nếu không thể đưa chính Vị Linh mục đến, vì có trường hợp không thể làm, thì ít ra cũng giải thích cho người ta biết về địa vị của Linh mục và giúp cho ảnh hưởng của người lan rộng”. 

“Đó là ý kiến quan trọng của việc tông đồ trong Legio Mariæ. Dầu đại đa số hội viên là giáo hữu, Legio Mariæ vẫn hoạt động liên kết mật thiết với các Linh mục, dưới quyền hướng dẫn của người và vì quyền lợi cao quý của hai bên” [TB 10,124 – tr. 82].

Đào tạo Tông đồ giáo dân. Các Nghị phụ nói gì về việc huấn luyện người tông đồ giáo dân? Có buộc phải có một chương trình hướng dẫn tâm linh thường xuyên cho các hội viên Legio Mariæ trong giáo xứ hay không? Hoặc, theo Công đồng, phải có một điều gì đó đặc biệt cho hoạt động tông đồ giáo dân chăng?

Các Nghị phụ nói: “Ngoài chương trình đào tạo chung dành cho mọi tín hữu, có thể nói đa số các đoàn thể tông đồ, do có những đoàn viên và hoàn cảnh khác biệt, đều cần phải có thêm lớp đào tạo chuyên biệt” (VI, 28) “Vì giáo dân tham gia sứ mệnh của Giáo hội theo một cách thức riêng biệt, nên việc đào tạo tông đồ phải có những hướng dẫn đặc biệt thích ứng với tính cách đặc thù của người giáo dân là sống giữa đời, cũng như với định hướng đời sống thiêng liêng đặc biệt” (VI, 29).

Hội Legio Mariæ có chương trình đào tạo đặc biệt về đời sống thiêng liêng, về đạo lý cũng như kỹ năng, vì chương trình này mà Legio Mariæ thường bị chỉ trích từ phía các Vị Linh mục và tu sĩ, những con người đó không hiểu rằng Công đồng Vatican II muốn các nhóm tông đồ giáo dân đưa ra chương trình đào tạo hoạt động tông đồ chuyên biệt của mình. Những người chỉ trích như thế sẽ hiểu Legio Mariæ tốt hơn một khi họ hiểu ý tưởng của các Nghị phụ Công đồng tốt hơn. NếuLegio Mariæ muốn có chương trình đào tạo thiêng liêng chuyên biệt theo thần học về Đức Mẹ Ma-ri-a (được Công đồng Vatican II chấp thuận) thì các Vị Linh mục và tu sĩ phải đưa cho Legio Mariæ chương trình này, nếu các Linh mục và tu sĩ muốn đi theo hướng dẫn của Công đồng Vatican II (V,25)

Đào tạo thông qua hoạt động đã được hoạch định. “Việc đào tạo tông đồ không thể chỉ là những hướng dẫn lý thuyết, vì thế ngay từ đầu, người giáo dân phải từng bước thận trọng học cách nhận thức, suy xét và hành động trong mọi tình huống theo ánh sáng đức tin, tự đào tạo và hoàn thiện bản thân nhờ cùng hoạt động với những người chung quanh, và như thế họ sẽ tích cực dấn thân phục vụ Giáo hội. Chương trình đào tạo đòi hỏi... hoạt động có kế hoạch” (VI, 29).     

Ngay từ buổi đầu xuất hiện vào năm 1921, Legio Mariæ đã nhấn mạnh rằng toàn thể các hội viên được đào tạo không chỉ bằng những lời cầu nguyện và những sự trợ giúp thiêng liêng khác, nhưng còn bằng việc làm, bằng việc tích tực phục vụ và bằng hoạt động có kế hoạch. Trong Legio Mariæ, hoạt động tông đồ luôn được lên kế hoạch và giao phó cho các hội viên theo từng cặp, nhờ vậy họ sẽ thăng tiến chính bản thân cùng với những người khác bằng thi hành… như Công đồng muốn. 

Những nhóm nhỏ và các cuộc họp mặt thường lệ.

Legio Mariæ, với cuộc họp hàng tuần của những nhóm nhỏ, tại đó đạo lý Công giáo được các hội viên thảo luận, và có Vị Linh giám giải thích, đồng thời kỹ năng thi hành các hoạt động tông đồ cũng được bàn thảo, nhằm huấn luyện các thành viên họat động như các Nghị phụ Công đồng đã nhắc nhở.

Thực ra, Công đồng mô tả một buổi họp Legio Mariæ khi nói: “Cùng với những người đồng hội hay bạn bè trong các tiểu hội, họ họp bàn kiểm điểm về phương pháp cũng như kết quả các hoạt động tông đồ, và cùng nhau đối chiếu nếp sống hàng ngày với chính Tin mừng” (VI, 30).

Công đồng liệt kê như sau: “Người giáo dân hiện nay có được nhiều phương tiện, chẳng hạn, những khóa học tập, những kỳ đại hội, những cuộc tĩnh tâm, linh thao, những ngày họp mặt thường xuyên, những buổi thuyết trình, sách báo và tài liệu chú giải…, trợ giúp cho các hoạt động tông đồ” (VI, 32).

Tôi tin tưởng rằng Legio Mariæ có lẽ là tổ chức tông đồ giáo dân duy nhất thực sự tận dụng tất cả những sự hỗ trợ này đúng như Công đồng Vatican II đã hướng dẫn. Thực thế, Legio Mariæ có chương trình học hỏi trong các buổi họp hàng tuần, các cấp Hội đồng của trong Hệ thống Legio Mariæ có công hội và họp bàn vào những thời gian nhất định, mỗi Hội đồng có ngày Hòa giải hàng năm và có chương trình tĩnh tâm hàng năm. Trong các cuộc họp thường lệ, v..v…, hàng tuần,Legio Mariæ có sẵn sách vở và các tài liệu huấn luyện các hội viên. 

Mọi người phải tôn trọng những tổ chức tông đồ giáo dân đã được công nhận. Công đồng nói rằng: “Tất cả các đoàn thể tông đồ đều phải được quý trọng. Tuy nhiên, có những đoàn thể mà hàng Giáo phẩm khích lệ, đề nghị và nhanh chóng quyết định thành lập, các Linh mục, tu sĩ và giáo dân phải quan tâm nhiều hơn và tìm cách phát huy những đoàn thể ấy” (IV,21). 

Legio Mariæ chẳng bao giờ được thiết lập trong giáo phận mà không có sự chấp thuận, cho phép của Đức giám mục bản quyền. Vì vậy, khi Legio Mariæ được thiếp lập trong một khu vực, Công đồng nhắc nhở chúng ta, các Vị Linh mục, tu sĩ và giáo dân phải hết lòng tôn trọng.

Đây là sự thật không chỉ vì Legio Mariæ được sự chấp thuận của Đức giám mục giáo phận nhưng còn vì tự mình, Legio Mariæ đã chứng tỏ đúng là một tổ chức, mà thông qua tổ chức này giáo dân của địa phận có thể tham gia sứ mạng của Giáo hội cách hiệu quả, và bởi vì Legio Mariæ là một hình thức hoạt động tông đồ giáo dân mà các Nghị phụ của Công đồng Vatican II muốn và chấp thuận – bởi vì Hội Legio Mariæ thích hợp cho thời đại chúng ta.

KẾT LUẬN 

Vì Hội Legio Mariæ thực sự tương hợp với quan niệm của Công đồng Vatican II về tông đồ giáo dân, và vì Legio Mariæthích hợp với thời đại chúng ta, nên rõ ràng rằng Legio Mariæ không cần phải thích nghi. Thay vào đó, những người thường thích chỉ trích, phê bình Hội Legio Mariæ thì nên tự cập nhật để học hiểu tổ chức hiện đại này là gì. Họ nên tìm hiểu về HộiLegio Mariæ với một đầu óc không thành kiến và học điều mà những người khác đã biết, cụ thể, Legio Mariæ là tổ chức giáo dân phù hợp nhất cho việc thi hành đầy đủ Sắc Lệnh về Hoạt động tông đồ giáo dân. Họ nên học biết ý nghĩa của điều mà Đức hồng y Riberi đã nói: “Legio Mariæ là một phép lạ trong thời hiện đại” (TB 10,123).

--------------------------------------

CÔNG TÁC TRUYỀN GIÁO & TÁI TRUYỀN GIÁO CỦA LEGIO MARIAE

Noi gương đời sống các Tông đồ (x. Mt 10,1-16) và các môn đệ Chúa Ki-tô (x. Lc 10,1-12), từng hai hội viên được sai đi thăm viếng, tiếp xúc, chia sẻ với:

1. Thăm gia đình Công giáo bình thường

2. Thăm gia đình tôn giáo bạn và không tôn giáo

3. Thăm gia đình rối

4. Thăm gia đình trễ nải khô khan

5. Thăm gia đình có phép chuẩn hôn phối

6. Thăm gia đình bất thuận

7. Thăm bệnh nhân tại bệnh viện

8. Thăm bệnh nhân tại tư gia

9. Thăm gia đình dự tòng

10. Thăm gia đình tân tòng

11. Dẫn đưa người đến lớp giáo lý dự tòng

12. Đưa đón dự tòng đi học giáo lý

13. Hướng dẫn lập thủ tục rửa tội cho trẻ em

14. Dẫn đưa người đi học giáo lý nhận Bí tích Thêm sức

15. Dẫn đưa trẻ em đến lớp giáo lý Rước lễ lần đầu

16. Phụ giúp việc cho các lớp giáo lý

17. Phụ giúp hay tổ chức các nghi thức cho dự tòng

18. Dạy giáo lý dự tòng

19. Dạy giáo lý tân tòng

20. Dạy giáo lý hôn nhân

21. Dạy giáo lý trẻ em

22. Thăm nhà hưu dưỡng, cơ sở từ thiện xã hội

23. Thăm gia đình nhập cư, di dân

24. Thăm công nhân, học sinh, sinh viên tạm trú

25. Thăm viếng, chăm sóc trẻ em bụi đời

26. Thăm viếng, chăm sóc bệnh nhân xì ke, HIV, AIDS

27. Thăm trẻ em thất học văn hóa

28. Thăm trẻ em không đến lớp giáo lý

29. Đưa đón các em đi lễ và học giáo lý

30. Đưa đón người già, bệnh tật, neo đơn dự lễ

31. Thăm gia đình Hội viên (HĐ + TT)

32. Thăm và dự họp với đơn vị cấp Hội đồng

33. Thăm và dự họp với Præsidium bạn

34. Tuyển mộ hội viên hoạt động mới

35. Tuyển mộ và chăm sóc tán trợ (mới)

36. Tuyển mộ người cho các Đoàn thể bạn

37. Tặng sách báo đạo, chuỗi Mân Côi cho Dự tòng, Tân tòng

38. Giúp sửa nhà, bàn thờ cho Tân tòng

39. Tổ chức đọc kinh các gia đình

40.Tổ chức Tôn Vương Thánh Tâm trong gia đình

41. Lập Sổ gia đình Công giáo

42. Đón Cha xức dầu bệnh nhân

43. Giúp hầu (trao) Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân

44. Tham gia chương trình “kết thân” để loan báo Tin mừng

45. Phân phối, cổ động tập san “Legio Mariæ” và các sách báo đạo

46. Thu gom và chôn cất thai nhi

47. Thăm, chăm sóc và giúp người lỡ lầm tránh phá thai.

48. Chăm sóc kẻ liệt.

-----------------------------------

HIỆU QUẢ VIỆC TRUYỀN GIÁO CỦA LEGIO MARIAE VIỆT NAM

THEO THỐNG KÊ NĂM 2014

+ Đưa người lớn nhập đạo: 7.473 người

+ Đưa trẻ em Rửa tội: 5.840 em

+ Giải hòa: 3.316 gia đình

+ Giúp hợp thức hóa hôn phối: 2.492 đôi

+ Giúp người bỏ xưng tội lâu năm đến Tòa Hòa giải: 17.517 người

+ Giúp trẻ em xưng tội Rước lễ lần đầu: 12.185 em

+ Giúp người lớn lãnh Bí Tích Thêm Sức: 8.297 người

+ Giúp tránh phá thai, bảo vệ sự sống: 102 thai nhi.

Tác giả: Rev. Msgr. Thomas b. Falls, s. T. D., ph.d.

Linh giám Legio Mariæ ở Tổng giáo phận Philadelphia

Quan sát viên tại Công đồng Vatican II

Học viện Đa-minh chuyển ngữ

(Nguồn: Senatus Việt Nam 8/2015)

 


simonhoadalat.com - Thánh Mẫu Học