ĐỨC MARIA LÀ MẪU GƯƠNG CẬY TRÔNG PHÓ THÁC TRONG NĂM THÁNH LÒNG
THƯƠNG XÓT
(gpquinhon.org)
Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của Năm Thánh Lòng
Thương xót. Năm Thánh khởi đầu ngày 08 tháng 12 năm 2015, lễ Đức Maria Vô Nhiễm
Nguyên Tội và kết thúc vào ngày 13 tháng 11 năm 2016, lễ Chúa Ki Tô Vua Vũ Trụ.
Nhằm giúp tín hữu sống trọn vẹn thời gian ân phúc của Năm Thánh, ĐTC đã ban
hành Tông sắc Misericordiae Vultus vào ngày thứ Bẩy, 14 tháng 4 năm 2015. Cuối
Tông sắc, Đức thánh Cha nhắn nhủ chúng ta hãy đến với Đức Trinh Nữ Maria,
Mẹ của lòng thương xót. ĐTC viết: “Chúng ta sẽ hướng về Thân mẫu của Lòng Thương Xót.
Cái nhìn đầy từ ái của Mẹ sẽ đồng hành với chúng ta trong suốt Năm Thánh, để
tất cả chúng ta đều có thể tái khám phá ra niềm vui đến từ sự trìu mến của
Thiên Chúa” (MV số 24).
Đặc biệt, trong bài huấn dụ, lúc 12 giờ trưa, ngày 8.12.2015, tại
cửa Dinh Tông Tòa khi ra đọc kinh Truyền tin chung với các tín hữu, ĐTC nhấn
mạnh: ‘‘Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm khiến chúng ta chiêm ngưỡng Mẹ, là Đấng do đặc
ân riêng biệt, đã được gìn giữ khỏi tội Tổ tông từ khi được thụ thai. [...] Vô
Nhiễm Nguyên Tội có nghĩa là Đức Maria là người đầu tiên đã được cứu rỗi
bởi lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa Cha, là của đầu mùa của ơn Cứu Rỗi mà
Thiên Chúa muốn trao ban cho từng người nam nữ, trong Chúa Ki Tô. Vì thế Đấng
Vô Nhiễm đã trở thành hình ảnh tột đỉnh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, là Đấng
chiến thắng tội lỗi. Và hôm nay chúng ta bắt đầu Năm Thánh Lòng Thương Xót,
chúng ta muốn nhìn lên hình ảnh này với tình yêu thương tin tưởng và chiêm
ngưỡng Mẹ trong tất cả vẻ rạng ngời của Mẹ và noi gương lòng tin cậy của Mẹ”.
Quả thật, trong hành trình tại thế của Mẹ, trãi qua bao thử thách
gian nan, Mẹ luôn sống đức tin với niềm phó thác cậy trông, bằng thái độ khiêm
nhường, lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa. Lòng cậy trông của Mẹ đạt đến mức trưởng
thành viên mãn khi đứng cận kề Chúa Giêsu dưới chân thập giá (x.Ga
19,27), tham dự vào vinh quang phục sinh của Ngài và cùng con cái của Mẹ
là Hội Thánh, đón chờ Chúa Thánh Thần ngự xuống sau khi Chúa Giêsu được rước
lên Trời (x. Cv 1, 12-14). Xin hãy cùng nhau chiêm ngắm Mẹ trong hình ảnh Thiếu
nữ Sion, và trong các giai đoạn cuộc đời được trải dài suốt chương trình cứu độ
của Chúa, để thấy rõ lòng cậy trông của Mẹ, cho ta thêm chất hồi tâm cầu nguyện
trong ngày tĩnh tâm này.
1. ĐỨC MARIA, THIẾU NỮ SION
Từ tổ phụ Abraham, qua các tổ phụ, dọc theo Lịch sử thánh, dân
Israel luôn ý thức về việc được Thiên Chúa tuyển chọn. Thiên Chúa yêu thương
muốn cứu độ con người bằng mối tương quan giao ước và bằng hữu. Trải qua nhiều
thử thách, thanh luyện, dân Israel vào thời Đức Maria luôn giữ ký ức về một
Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi Dân Người, một Dân tộc không phải khi nào cũng
trung thành với Thiên Chúa. Đây là Dân tộc lưu giữ lời hứa của Thiên Chúa cho
nhân loại và sống trong sự chờ đợi Lời Hứa ấy được thực hiện. Đức Maria sinh ra
và lớn lên trong bầu khí chờ đợi và cậy trông của dân Israel, được nuôi dưỡng
bằng ký ức những sự vĩ đại mà Thiên Chúa đã thực hiện, được các thế hệ này qua
thế hệ khác truyền lại trong sách Thánh. Niềm tin tưởng cậy trông vào lòng
thương xót cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Maria chắc chắn đã được song thân là
thánh Gioakim và thánh Anna gieo trồng, hun đúc trong suốt thời thơ ấu của
Mẹ.
Theo các nhà chú giải, Tân ước đã áp dụng cho Đức Maria những tư
tưởng mà các ngôn sứ dành cho Thiếu nữ
Sion (x. Dcr
2,14 ; 9,9 ; Xp 3,14), biểu tượng của Israel trông chờ Đấng Mesia đến
tái lập giao ước tình yêu vĩnh cữu. Đức Maria là hiện thân của Thiếu nữ
Sion mới, tức là dân Israel mới, một thôn nữ miền Galilê, thành Nagiarét
luôn mang trong mình niềm cậy trông, chờ đợi Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu
độ dân Người. Như thế, điểm nổi bật khi nhìn về Đức Maria qua hình
ảnh Thiếu nữ Sion chính là sự chờ đợi.
Trong cuộc sống có nhiều sự chờ đợi, có thứ chờ đợi trong vô vọng, còn nơi Đức
Maria thì sự chờ đợi đạt tới mức thành toàn như lời Thánh Công Đồng viết :
“ Cuối cùng, sau đêm dài mong
đợi lời hứa được thực hiện, với Ngài, người Thiếu Nữ cao sang của Sion, thời
gian đã nên trọn và Nhiệm Cuộc mới được thiết lập: khi Con Thiên Chúa mặc lấy
bản tính nhân loại nơi Ngài để giải thoát con người khỏi tội lỗi nhờ các mầu
nhiệm của thân xác Chúa” (LG số 55).
2. ĐỨC MARIA TRONG BIẾN CỐ TRUYỀN TIN.
Nơi hình ảnh “Thiếu nữ Sion”, Đức Maria là người Nữ chờ đợi Chúa
với lòng cậy trông; sự chờ đợi kết thúc trong biến cố Truyền tin khi Mẹ thưa
lời xin vâng với sứ thần:“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm
cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, Đức Maria đã đáp lại bằng thái độ tự do vâng
phục, phó thác theo thánh ý của Thiên Chúa. Thánh Công Đồng mượn lại tư
tưởng của các thánh Giáo Phụ dạy rằng: “Thiên Chúa đã không thu dụng Ðức Maria
một cách thụ động, nhưng đã để Ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại,
nhờ lòng tin và sự vâng phục của Ngài. Thực vậy, Thánh Irênê nói: “Chính Ngài,
nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân
loại” (LG số 56).
Đức Maria, Đấng “đầy ơn phúc”, khi nhận mình là “nữ tỳ
của Chúa” đã bày tỏ quyết tâm thi hành cách hoàn hảo sự phục vụ mà
Thiên Chúa đang chờ đợi nơi Dân của Ngài. Mẹ cậy trông phó thác trọn cuộc đời
cho Thiên Chúa và cộng tác vào kế hoặch cứu độ của Thiên Chúa cách tự do và
trách nhiệm. Trong lịch sử cứu độ, còn có hành vi cậy trông phó thác nào cao
đẹp hơn? Lời “xin vâng” của Mẹ mang một ý nghĩa đặc
biệt là từ đây, trên cuộc đời Mẹ, Chúa cứ thực hiện chương trình của Người. Đây
đúng nghĩa là sự vâng phục hiến dâng, nó thể hiện một sự hoàn toàn cậy
trông tín thác vào tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa.
Ở một gốc độ khác, lời Xin Vâng nói lên lòng thương xót lớn lao
của Mẹ dành cho toàn thể nhân loại đang cần được cứu độ, vì nhờ đó “tái lập sự
sống siêu nhiên cho các linh hồn” (LG số 61). Như thế, lời ‘‘Xin Vâng”
của Mẹ đã chuyên chở lòng thương xót, sự tha thứ của Thiên Chúa Cha cho nhân loại
qua Đức Giêsu Kitô, Con của Mẹ và cũng là Thiên Chúa đồng bản tính với Chúa Cha
và Chúa Thánh Thần.
3. ĐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ ÊLISABET.
Qua cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Êlisabét, lần đầu tiên quyền
năng của Đấng Mẹ cưu mang được thể hiện. Nơi trình thuật của thánh Luca: Gioan
tẩy giả nhảy mừng trong lòng bà Êlisabét, bà Êlisabét cất tiếng ca tụng Đức
Maria : “ Em được chúc phúc giữa các người phụ nữ và người con em đang cưu mang
cũng được chúc phúc! Phúc thay cho em là kẻ tin rằng điều Đức Chúa phán đã được
thực hiện” (x.Lc 1, 42-45). Đức Maria trong niềm vui gặp gỡ, ý thức
mạnh mẽ hơn về biến cố vừa được thực hiện nơi Mẹ và từ nơi tâm hồn Mẹ. Mẹ
cất lên lời ngợi khen Magnificat, bài ca đức cậy trông Kitô giáo.
Tâm hồn Mẹ ngập tràn niềm vui: “Linh hồn tôi ngơi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1, 46). Mẹ
nhìn nhận mình là thân phận nữ tỳ được Thiên Chúa đoái thương nhìn đến; lòng
thương xót của Chúa vươn xa, bao trùm cả cộng đoàn Dân thánh đang lưu giữ lời
hứa cứu độ Chúa ban từ thời tổ phụ Ápraham, và đến tầng lớp dân nghèo khổ thấp
hèn. Mẹ ý thức tất cả những gì Chúa làm không hệ tại ưu điểm do tự Mẹ có mà do
lòng thương xót nhưng không của Người. Do đó, niềm vui mừng của Mẹ cho thấy rất
rõ lòng cậy trông Mẹ đặt nơi Đức Chúa của mình. Mặt khác, tất cả những gì Mẹ ca
khen đều là thực tại chỉ con mắt đức tin nhìn thấy, chứ không phải đã hiện hữu
trước mặt khiến Mẹ trầm trồ tán dương. Từ đây cho ta rõ lòng tin và đức cậy của
Mẹ thật quá tuyệt vời, thực tại trong đức tin được diễn tả với với niềm vui
khôn tả như đang hưởng nếm nó tại nơi thế giới tự nhiên này.
Ngay từ đầu, Hội Thánh đã nhìn nhận lời kinh ca ngợi của Đức
Maria, như lời kinh của chính mình. Vì thế, thánh ca Tin Mừng này được đọc
trong giờ kinh chiều, khi một ngày vừa kết thúc. Đây cũng là lúc chúng ta nhìn
lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm cho chúng ta trong một ngày: “ Linh
hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…” (Lc1,46-55).
“Đức Maria đi thăm viếng!” Tin vui này cho ta biết, Mẹ cũng đến
gặp chúng ta trên mọi con đường trần gian. Nhờ Mẹ, chính Đức Giêsu đến với
chúng ta, để hiện diện với chúng ta trên mọi nẻo đường chúng ta đi, để nên ánh
sáng hướng dẫn cuộc sống chúng ta . Uớc gì với sự trợ giúp của Mẹ, đến lượt
chúng ta, vì Đấng mà chúng ta tin cậy, chúng ta trở nên những người mang niềm
vui và niềm cậy trông phó thác cho những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc
sống hằng ngày.
4. ĐỨC MARIA Ở BÊLEM
Thánh sử Luca kể: “Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới
ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt
nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2, 6).
Trình thuật sinh hạ Chúa Giêsu cho thấy vai trò chủ động của Đức Maria trong
hoàn cảnh có thể nói là rất éo le: bị từ chối, “hai ông bà không tìm được chỗ
trong quán trọ”, không có những điều kiện bình thường cho trẻ sơ sinh khi chào
đời. Giữa cảnh cô tịch không người, Mẹ sinh con, “lấy tả bọc con rồi đặt nằm
trong máng cỏ”.
Khung cảnh giáng trần của “Con Đấng Tối Cao” như thế sao? Đâu rồi
lời sứ thần truyền tin cho Mẹ: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con
trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng
Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên
Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ
vô cùng vô tận” (Lc 1, 31-33). Cuộc sinh hạ Chúa Giêsu tại Belem đặt Đức Maria
vào một hoàn cảnh vượt quá trí hiểu của con người: con thơ của Mẹ có nguồn gốc
thần linh, được ban tặng ngài vàng trường cửu để “trị vì nhà Giacóp” vậy mà khi
sinh hạ không có điềm báo của thần linh, không dấu hiệu của ngai vàng. Tất cả
những gì sứ thần đã nói cho Mẹ biết trong ngày truyền tin, mà Mẹ thưa vâng, xin
được thành sự như lời sứ thần nói, trong cuộc sinh hạ Chúa Giêsu chỉ là khoảng
trống. Trong tình trạng này thường có hai trường hợp, một là nghi ngờ bất tín
hai là tín thác cậy trông đạt tầm như là tuyệt đối, vì nó không còn dựa vào một
lý lẽ gì để lý trí có thể hiểu khiến người ta chấp nhận. Với Đức Maria thì sao?
Tất nhiên, nơi Mẹ Maria không bao giờ có trường hợp thứ nhất, vì ngay từ đầu,
Mẹ đã được tuyên dương là “người phụ nữ đã tin” qua lời bà Êlisabét thốt lên
khi gặp Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người
đã nói với em” (Lc 1, 45). Hơn nữa, việc Mẹ mang thai khi “không biết đến việc
vợ chồng” (Lc 1, 34) nhưng do quyền năng của Chúa Thánh Thần (x. Lc 1, 35) là
thực tại cắm rễ sâu trong đức tin, thể hiện trong thế giới khả giác, tức là
trong con người thể lý của Mẹ. Do đó, việc Chúa làm trên Mẹ là quá rõ ràng chắc
chắn không thể nghi ngờ. Nhưng Chúa làm thế nào cho tương lai mà Mẹ đang theo
Người thì như đêm tối, đức cậy chính là đèn cho Mẹ để bước đi. Tin Mừng thuật
lại, sau khi nghe các mục đồng kể Đức Maria “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy
đi nghĩ lại trong lòng”(Lc 2,19). Chi tiết này không chỉ cho ta thấy rõ Mẹ là
mẫu người tín thác, cậy trông mà còn làm nổi bật tính chất của đức cậy Mẹ đang
có, là: biết “nghiền ngẫm” để đức cậy mãi lớn lên.
Sức mạnh của Mẹ để đón lấy biến cố sinh con trong sự nghèo hèn bị
từ chối chính là lòng tín thác, cậy trông. Đây là sứ điệp cho mọi người Kitô
hữu khi đứng trước những thử thách gian nan của cuộc đời. Đặc biệt trong những
lúc khó khăn không thấy đâu bên bờ cho ta điểm tựa để giải quyết. Người Linh mục
được mời gọi tín thác cậy trông không chỉ để sống sứ mạng mục tử mà còn chia sẻ
dẫn dắt đoàn chiên, noi theo gương Mẹ luôn tín thác cậy trông vào lòng thương
xót vô biên của Chúa.
5. ĐỨC MARIA TẠI TIỆC CƯỚI CANA
Trong câu chuyện tiệc cưới Cana, thánh Gioan đã trình bày việc Đức
Maria lần đầu tiên can thiệp vào sứ vụ hoạt động công khai của Chúa Giêsu. Đây
là trình thuật cho thấy rất rõ sự hợp tác và lòng trông cậy vào Chúa Giêsu của
Mẹ.
Tại tiệc cưới, khi thấy thiếu rượu, dù không ai nhờ giúp nhưng với
sự tinh tế và bác ái Mẹ đã đến ngỏ lời với Chúa Giê su: "Họ hết rượu
rồi" (Ga 2,3). Mẹ bày tỏ sự ưu tư của mình trước một tình trạng nan giải
vì thiếu rượu của đôi tân hôn, và chờ đợi một sự can thiệp từ Chúa Giêsu con
dấu yêu của Mẹ. Như thế là 18 năm qua, kể từ lần tìm gặp Chúa Giêsu trong Đền
thờ, Mẹ đã khám phá ra Con của Mẹ là ai? Nếu như ngày xưa trong Đền thờ, gặp
lại Chúa Giêsu, Mẹ không hiểu khi nghe Chúa nói: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha
mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" (Lc 2,49). Mẹ chỉ
biết “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2, 51). Bây giờ Mẹ đã
rõ về Đức Giêsu con của Mẹ nên đến nói với Ngài tình trạng của đôi tân hôn.
Đức Giêsu trả lời: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?
Giờ của tôi chưa đến”. (Ga 2,4). Câu trả lời của Chúa Giêsu với Mẹ là lời từ
chối. Nhưng điều đó không làm cho Mẹ im lặng rút lui, trái lại, Mẹ ra gặp các
gia nhân và dặn: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5). Mẹ mạnh
dạn dặn gia nhân ngay khi bị Chúa Giêsu từ chối, điều đó chứng tỏ Mẹ vững lòng
cây trông, Mẹ tin chắc Chúa sẽ làm đến độ có lời kinh đọc rằng: Mẹ quyền phép
bắt Chúa phải chuần y lời Mẹ (x. kinh Tuần Cửu Nhật kính Đức Mẹ, ngày thứ 1).
Chúa Giêsu đã làm phép lạ hoá nước thành rượu trong đó có công của Mẹ. Mẹ vừa
kêu mời Chúa giúp, vừa dạy gia nhân phải biết làm theo Người. Hành động ban đầu
của Mẹ đến nói với Chúa “họ hết rượu rồi” là nhờ Mẹ đã biết Chúa; còn hành động
mẹ đến nói với các gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo"
là nhờ Mẹ vững lòng tín thác cây trông Chúa sẽ nghe lời Mẹ.
Đức Maria là mẫu gương cậy trông tín thác ngay khi ta tưởng mình
đã không được nhậm lời. Câu chuyện tiệc cưới Cana khuyến khích chúng ta hãy can
đảm trong lòng tin cậy, phó thác vào lời chuyển cầu của Mẹ Maria; đồng thời cho
ta nhớ: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.
6. ĐỨC MARIA TRÊN ĐỒI CANVÊ
Tin mừng thánh Gioan kể lại: “Đứng gần thập giá Đức Giê su, có thân mẫu Người”
(Ga19,25). Khi dùng động từ “đứng”, dịch sát nghĩa là “đứng
thẳng”, từ ngữ đó vẽ lên bức tranh tuyệt đẹp về tính can đảm của Mẹ
khi đối diện với sự đau khổ tột cùng. Nhưng ý nghĩa thần học của sự “đứng
thẳng” là hiệp nhất với Chúa Giêsu như Công đồng Vatican II đã viết: “Đức
trinh nữ Maria đã tiến bước trong cuộc lữ hành Đức tin, trung thành hiệp nhất
vơi Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Ngài đã đứng đó’’
(LG, số 58 ). Vì thế, Mẹ được gọi là Đấng hiệp thông cứu chuộc nhân loại.
Ở dưới chân thập giá, Mẹ đứng đó cùng hiến tế với Con, đây là lúc
lời người xưa đã thành sự thật: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm
hồn bà” (Lc 2, 35). Chúa Giêsu chết về thể xác, Mẹ chết về tâm hồn. Mẹ đã trở
nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu trong cái chết của Người. Lòng cậy trông
đã cho Mẹ sức mạnh để đón lấy mầu nhiệm khổ giá, để có thể đứng thẳng, để có
thể nhận lấy sứ mạng từ lời trăn trối của Con yêu dấu: "Thưa Bà, đây là
con của Bà”. (Ga 19,26). Không chỉ thế, nơi đồi Canvê, lòng cậy trông của Mẹ đã
đạt đến đỉnh điểm và thực sự là bản chất của đức cậy Kitô giáo: “Cậy trông là
thái độ tâm hồn khiến ta chắc chắn sẽ gặp Chúa là hạnh phúc đời đời nhờ các
phương tiện Chúa ban” (GLDT. Xuan Lộc. Tr. 53). Vì khi đối diện với cái chết
của Chúa Giêsu, niềm hy vọng của Mẹ không còn dựa trên những gì thuộc về thực
tại trần gian nữa nhưng đã hoàn toàn thuộc về sự sống đời đời.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy Đức Maria là “Người đã
duy trì niềm hy vọng vào việc thành tựu chương trình cứu chuộc; Người đã trông
đợi không chút ngần ngừ, sau những cơn tối tăm của thứ sáu tuần thánh, hừng
đông của ngày sống lại” (Lm. Phan Tấn Thành OP. Những Bài Giáo Huấn Về Đức
Maria của Thánh GH Gioan Phaolô II. Bài 6). Trong cả 4 trình thuật Tin Mừng
không có chỗ nào kể về việc Chúa Giêsu hiện ra với Mẹ Maria. Đó cũng là dấu cho
thấy lòng cậy trông đặc biệt của Mẹ trong mầu nhiệm khổ giá Chúa Giêsu. Vì các
trình thuật cho biết, Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các Tông Đồ là để củng
cố lòng tin vào Chúa Phục sinh của các ông. Với mục đích đó, Mẹ Maria không ở
trong số họ, vì Mẹ đã tin, đã cậy trông một cách tuyệt hảo, đến độ Mẹ nên một
với Con dâng hiến mình làm của lễ cứu độ nhân loại.
Tạm kết
Chúng ta vừa suy niệm hành trình trần thế của Đức Maria, Mẹ là mẫu
gương cho chúng ta về sự cậy trông phó thác vào Lòng Thương xót Chúa. Đức Thánh
Cha Phanxcô khi cử hành thánh lễ tại Ecuador, ngày thứ Hai, 06-07-2016, đã
khuyến khích các tín hữu noi gương Mẹ Maria: “kiên nhẫn, cậy tông, cầu
nguyện, mở rộng cõi lòng…”.
Trong Thư Chung dịp đại hội XIII của HĐGMVN kết thúc vào ngày 7
tháng 10, lễ Đức Mẹ Mân Côi, các chủ chăn của GHVN đã nhắc nhở chúng ta: về sự đồng hành gần gũi và nâng đỡ ân cần của Mẹ
Maria đối với Hội Thánh, đồng thời nêu cao tấm gương tuyệt hảo của Đức Mẹ, luôn
tín thác vào Chúa trong mọi biến cố, nhất là trong những giờ phút bi thảm của
cuộc đời. Vì thế chúng ta hãy “ đem Mẹ về nhà”(Ga 19,27) và yêu mến Mẹ với tình
con thảo. Noi gương Mẹ hãy vững tin vào Chúa mọi nơi mọi lúc vì “ không có gì
mà Chúa không làm được”(Lc 1,37). Cùng với Mẹ hãy tích cực góp phần thực hiện
điều mà Đức Giáo hoàng Phanxicô gọi là “cuộc cách mạng của tình yêu và sự dịu
dàng” ngay trong gia đình mình, trong cộng đoàn Hội Thánh và giữa lòng xã hội
hôm nay. (số
7)
Noi gương Đức Mẹ Maria, là linh mục chúng ta hãy luôn trông cậy
phó thác chạy đến với Chúa, càng gặp đau khổ, khó khăn thử thách, càng trông
cậy vào Đấng đầy Lòng Thương Xót. Thánh Gioan Thánh giá đã nói: “Chúng ta
được Chúa ban ơn nhiều hay ít, tùy lòng chúng ta trông cậy vào Chúa ít hay
nhiều”.
Là linh mục, chúng ta học từ Mẹ Maria lòng cậy trông phó thác vào
Chúa Giêsu là hiện thân Lòng Thương Xót của Chúa Cha, để biết chờ đợi, biết nói
lời xin vâng và có sức thi hành lời Chúa dạy.
Là Linh mục, chúng ta cần tăng cường lòng sùng kính Đức Mẹ. Sự
hiện diện từ mẫu của Mẹ luôn là sự nâng đỡ cho chúng ta. Mẹ đã luôn theo sát
Chúa Giêsu Con Mẹ, bây giờ Mẹ vẫn tiếp tục đồng hành cùng chúng ta, những Kitô
khác. Ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ, Đức Gioan Phaolô II đã trao phó mọi linh mục
cho Mẹ và mong muốn rằng mỗi linh mục đều trao phó chính mình cho Mẹ, và hướng
về Mẹ với một tình yêu và niềm hy vọng đặc biệt. Bằng kinh nghiệm của mình,
Ngài đã viết lên điều ấy trong bức thư gửi các Linh mục. Ngài cầu mong: “Nguyện
xin Đức Maria, Đấng mà tôi mời gọi anh em hãy luôn nuôi dưỡng lòng sùng kính
con thảo, đồng hành với anh em và liên lỉ che chở anh em”.
Với lời kinh Salve Regina,
sứ thần Gabriel chào Mẹ Maria trong biến cố Truyền Tin, chúng ta cũng kính chào
Mẹ: “Kính chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương, ngọt ngào cho cuộc sống. Kính
chào lẽ cậy trông!” Mẹ là Nữ vương của chúng ta, là Mẹ giàu lòng thương xót.
Chúng ta hãy cậy trông vào Mẹ, vì Mẹ luôn cầu bầu cho chúng ta với tấm lòng
thương xót bao la. Mẹ luôn đem lại cho cuộc sống chúng ta sự an ủi cậy
trông, đặc biệt khi chúng ta gặp thử thách, khổ đau và bất hạnh. Trong cuộc hành
hành trần thế, chúng ta là con cháu bà Evà cũ, hãy hướng nhìn lên,
kêu cầu cùng Evà mới, để được Mẹ đưa đến với Chúa Giêsu, hiện Thân Lòng Thương
Xót. Nơi Ngài, Đấng là “con đường, là sự thật và sự sống” (Ga 14,6) sẽ cho
chúng ta được an vui tiến bước vào cõi phúc đời đời cùng Chúa Giêsu và Mẹ
Maria.
Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con biết luôn noi gương Mẹ, cậy trông
phó thác vào Chúa khi thi hành sứ vụ mục tử của mỗi người chúng con, để: có thử
thách nhưng không ngã lòng, có thất bại những cũng có sức mạnh đi tiếp để thành
công, có mệt mỏi nhưng không chán nản, có va vấp đổ vỡ nhưng vẫn luôn tìm cách
gắn hàn, và tuy có tội nhưng khát vọng nên thánh vẫn không ngừng thôi thúc khôn
nguôi. Amen.
Lm. Phanxicô Hoàng Minh Đức, CSsR