Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sự Khiêm Hạ Của Đức Maria Và Vai Trò “Đồng Công Cứu Chuộc” –(Co-Redemptrix”)[[1]].

Một suy tư về các tước hiệu được Giáo hội áp dụng cho Đức Mẹ, bắt đầu từ những lời giảng của Đức Thánh Cha.

Như chúng ta đã biết, Đức Giáo hoàng Phanxicô có một lòng sùng kính sâu sắc đối với Đức Trinh Nữ Maria. Một trong những phẩm tính của Đức Maria mà Ngài nhiều lần nhấn mạnh là sự khiêm hạ của Mẹ. Trong bài giảng vào thứ Sáu, ngày 3 tháng 4 năm 2020, Đức Thánh Cha đã nói về Đức Mẹ Sầu Bi, và Ngài lưu ý đến tầm quan trọng của việc suy niệm bảy nỗi sầu bi của Đức Maria. Một cách đặc biệt, Ngài chỉ ra đức khiêm hạ của Đức Mẹ: “Mẹ không bao giờ xin cho mình bất cứ điều gì, không bao giờ. Có xin, nhưng là xin cho những người khác: chúng ta nghĩ đến Cana khi Mẹ đến nói chuyện với Đức Giêsu. Mẹ không bao giờ nói: Tôi là Mẹ, hãy nhìn tôi: Tôi sẽ là Mẹ Nữ vương”. Mẹ không bao giờ nói điều đó. Mẹ không xin điều gì quan trọng cho bản thân mình trong cộng đoàn các tông đồ. Mẹ chỉ chấp nhận làm Mẹ. Mẹ đi cùng với Đức Giêsu như một môn đệ vì Tin Mừng cho thấy Mẹ đi theo Chúa Giêsu: với bạn bè, với những người phụ nữ ngoan đạo, Mẹ đi theo Chúa Giêsu, Mẹ lắng nghe Chúa Giêsu”.


Những lời này của Đức Giáo hoàng Phanxicô hài hòa một cách quan phòng với những suy tư của Vị giảng thuyết Phủ Giáo hoàng, Cha Raniero Cantalamessa, OFM Cap, trong các bài giảng mùa chay thứ tư và cuối cùng của mình - cũng được đưa ra vào ngày 3 tháng Tư - đã áp dụng những lời của Thánh Phao-lô trong thư Phi-líp-phê 2: 6 -11 cho Đức Trinh Nữ Maria: “Mẹ Maria vốn dĩ là Mẹ Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ chính mình mặc lấy thân tôi tá, sống như tất cả những người phụ nữ khác. Người lại còn hạ mình, sống ẩn kín, vâng lời Thiên Chúa cho đến nỗi bằng lòng với cái chết của Con mình, chết trên thập giá. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu, sau danh Đức Giê-su, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Maria, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Maria là Mẹ Chúa”.

Sự khiêm hạ của Đức Maria bắt nguồn từ Kinh thánh. Trong lời kinh tuyệt vời của Mẹ Maria, Magnificat, Mẹ nhận ra rằng mọi thứ Mẹ có đều là một món quà từ Thiên Chúa: “Đấng Toàn toàn năng đã làm cho tôi những điều kỳ diệu, và danh Ngài là thánh”. Trong đoạn nhạc thơ Canto 33 của vở kịch Thiên đường Paradiso, Đăng-tê nói Mẹ Maria là người “khiêm hạ và cao quý hơn bất kỳ thụ tạo nào khác”. Thân phận khiêm hạ của Đức Trinh Nữ như một tạo vật được chứng thực bởi Thánh Louis de Montfort (1673 -1716), là người đã thú nhận rằng “Mẹ Maria, chỉ là một tạo vật thuần túy được bàn tay Thiên Chúa khuôn đúc, so với sự vô cùng uy nghi cao cả của Ngài, thì Mẹ còn thua một nguyên tử, đúng hơn, hoàn toàn chẳng là gì, vì chỉ có một mình Ngài mới có thể nói rằng “Ta là Đấng hiện hữu” (Lòng sùng kính đích thực Đức Trinh Nữ, 14).

Trong bài giảng ngày 3 tháng 4, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng chỉ ra rằng Mẹ Maria không bao giờ tìm kiếm danh hiệu cho chính mình. Danh hiệu quan trọng nhất dành cho Đức Trinh Nữ là Mẹ, mà Mẹ nhận được từ chính Chúa Giêsu: “Tôn vinh Mẹ là nói: “Đây là Mẹ của tôi”, vì Đức Maria là Mẹ. Và đây là danh hiệu mà Mẹ nhận được từ Chúa Giêsu, chính xác là ở đó, trên Thập giá (Gioan 19: 26 - 27). Đối với con cái của mình, thì bạn là Mẹ. Chúa Giêsu đã không làm cho Mẹ trở thành Thủ Tướng hoặc ban cho Mẹ những danh hiệu theo “chức năng nhiệm vụ”. Chỉ là Mẹ. Và sau đó, sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta thấy Mẹ cầu nguyện cùng các Tông đồ trong tư cách là Mẹ”.

Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, Đức Maria, trên tất cả những người khác, là “Mẹ”. Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể và là Mẹ thiêng liêng của tất cả các tín hữu. Đức Thánh Cha tiếp tục nói rằng Đức Maria không bao giờ muốn nhận bất kỳ danh hiệu nào từ Con của mình, là Đấng Cứu chuộc duy nhất: « Đức Mẹ không muốn nhận bất kỳ danh hiệu nào từ Chúa Giêsu; Mẹ đã nhận được món quà làm Mẹ của Người và nghĩa vụ đồng hành cùng chúng ta với tư cách là Mẹ, là Mẹ của chúng ta. Mẹ không xin cho mình trở thành một quasi-redemptrix hay co-redemptrix[2]: không phải vậy. Đấng cứu chuộc là duy nhất và danh hiệu này không có cái thứ hai. Mẹ chỉ là môn đệ và là Mẹ. Và như vậy, chúng ta phải nghĩ về Mẹ là Người Mẹ, chúng ta phải tìm kiếm Mẹ, chúng ta phải cầu nguyện với Mẹ. Mẹ là Mẹ; trong Giáo Hội Mẹ. Trong tình mẫu tử của Đức Mẹ, chúng ta thấy tình mẫu tử của Giáo hội, một Giáo Hội đón nhận tất cả, người tốt cũng như người xấu: tất cả”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô hoàn toàn chính xác. Đức Mẹ không bao giờ xin được trở thành một quasi-redemptrix hoặc co-redemptrix. Ngài cũng đúng khi nói rằng theo nghĩa chặt chẽ và duy nhất, danh hiệu Đấng cứu chuộc không có cái thứ hai. Chúa Giêsu là Đấng Cứu chuộc thần linh, Con Chiên Thiên Chúa, đấng lấy đi tội lỗi trần gian (Gioan 1, 29). Tuy nhiên, trong một ý nghĩa tương tự, con người có thể tham gia vào công trình cứu chuộc bằng cách kết hợp những đau khổ của họ với đau khổ của Chúa Kitô. Đây là lý do tại sao Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI khi nói chuyện với những người bệnh tại Fatima ngày 13 tháng 5 năm 2010 đã mời gọi họ trở thành những người cứu chuộc trong Đấng Cứu chuộc.

Chúa Giêsu là Đấng Cứu chuộc duy nhất và cũng là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (1 Ti-mô-thê-ô 2: 5). Tuy nhiên, Công Đồng Vatican II dạy rằng, “sự trung gian duy nhất của Ðấng Cứu Thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ sinh cộng tác, trong sự tùy thuộc vào nguồn mạch duy nhất”. (Hiến chế Lumen gentium, 62). Tước hiệu co-redemptrix khi áp dụng cho Mẹ Maria không bao giờ được lấy đi bất cứ điều gì từ Chúa Giêsu, Đấng Cứu chuộc thần linh duy nhất của loài người. Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người còn Mẹ Maria là một con người thụ tạo. Vai trò của Mẹ Maria trong công việc cứu chuộc phải luôn được hiểu là thứ yếu, phụ tùy và hoàn toàn phụ thuộc vào người Con thần linh của mình. Như Thánh Louis de Montfort giải thích, Thiên Chúa “trước đây đã và hiện nay không hề tuyệt đối cần đến Đức Trinh Nữ để hoàn thành ý muốn của Ngài cũng như để biểu dương vinh hiển của Ngài” (Sự sùng kính thực sự, 14). Công trình cứu độ của Chúa Giê-su là hoàn toàn đầy đủ, nhưng Thiên Chúa muốn Mẹ Maria cộng tác trong việc cứu chuộc theo một cách riêng biệt và duy nhất.

Tước hiệu co-redemptrix, được sử dụng bởi các nhà thần học, các vị thánh và các nhà thần bí từ thế kỷ 15, phải được hiểu là sự cộng tác riêng có của Mẹ Maria, cùng với và dưới cấp người Con thần linh của mình, Đấng Cứu Chuộc của loài người. Tiền tố, “co”, xuất phát từ tiếng Latin cum (cùng với) vì thế Đức Trinh Nữ, với tư cách là người đồng cứu chuộc, cộng tác trong công trình cứu chuộc, nhưng chỉ cùng với Chúa Kitô, Đấng Cứu chuộc, mà cái chết của Ngài trên Thập giá là nguyên nhân xứng đáng của sự cứu rỗi của chúng ta (Công đồng Tren-tô, Denz.-H, 1529).

Cha Salvatore Maria Perrella, OSM, giáo sư tín lý và Thánh mẫu học tại Phân Khoa Thần học Marianum ở Roma, chỉ ra rằng, “cách nói... co-redemptrix, không phải tự nó là sai nhưng nếu để riêng ra thì nó có thể gợi lên ý tưởng về sự cần thiết của Mẹ Maria làm người cộng sự của Đấng Cứu chuộc” (Cuộc phỏng vấn với Manuela Petrini, In Terris, ngày 15 tháng 8 năm 2019). Cha Perrella nói đúng. Như thánh Louis de Montfort nói, Thiên Chúa không hề tuyệt đối cần đến Đức Trinh Nữ Maria. Vai trò đồng cứu chuộc của Đức Maria, giống như vai trò Đấng Trung gian các ơn, xuất phát từ ý muốn của Thiên Chúa muốn liên kết Mẹ vào trong công trình cứu chuộc. Đức Trinh Nữ đã “được tiền định từ muôn đời làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa theo chương trình của Chúa Quan Phòng” (Lumen gentium, 61).

Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II tin rằng tất cả chúng ta đều có thể là người “đồng cứu chuộc của nhân loại” (Bài diễn văn ngày 5 tháng 4 năm 1981). Tuy nhiên, vai trò đồng cứu chuộc của Mẹ Maria hoàn toàn là duy nhất. Là Mẹ của Ngôi Lời nhập thể, Mẹ nói lời xin vâng bằng tất cả bản chất con người để trở thành Mẹ của Đấng Cứu chuộc (Thánh Tô-ma Aquinô, Tổng luận thần học, III, q. 30, a. 1). Mẹ chăm sóc Đấng Cứu Thế với tư cách là Mẹ của Ngài và đồng hành cùng Ngài đến núi Can-vê, “là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Mẹ đã đứng đó, đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra” (Lumen gentium, 58). Nhà Thánh mẫu học vĩ đại, Cha René Laurentin (1917 2015) nói rằng “Đức Maria cộng tác với ơn Cứu chuộc duy nhất ở mức độ cao nhất với một sự mật thiết độc nhất” (Khảo luận về Đức Trinh nữ Maria, tái bản lần thứ sáu - Paris: François-Xavier de Guibert, 2009).  

Mãi đến thế kỷ 20, Magisterium[3] mới chấp thuận chính thức tước hiệu co-redemptrix. Trong thời Đức Giáo Hoàng Piô X, Tòa thánh đã ba lần chấp thuận những lời kinh cầu xin Đức Maria là Đấng đồng cứu chuộc; (Acta Apostolicae Sedis[4]). Đức Piô XI là Đức Giáo Hoàng đầu tiên sử dụng công khai tước hiệu này: một lần vào ngày 30 tháng 11 năm 1933; lần nữa vào ngày 23 tháng 3 năm 1934; và một lần nữa vào ngày 28 tháng 4 năm 1935. Đức Gioan Phao-lô II đã công khai sử dụng ước hiệu này, co-redemptrix, ít nhất sáu lần: buổi Triều yết chung ngày 10 tháng 12 năm 1980; buổi Triều yết chung ngày 8 tháng 9 năm 1982; Diễn từ Angelus[5] ngày 4 tháng 11 năm 1984; Bài diễn văn tại Ngày Giới trẻ Thế giới ngày 31 tháng 3 năm 1985; Diễn từ cho các bệnh nhân ngày 24 tháng 3 năm 1990; Bài diễn văn ngày 6 tháng 10 năm 1991. Hơn nữa, trong một bài giảng tại thành phố Guayaquil, Ecuador vào ngày 31 tháng 1 năm 1985, Đức Gioan Phao-lô II đã nói về “vai trò đồng cứu chuộc của Mẹ Maria (el papel orredentor de María), có thể được dịch là “vai trò của Mẹ Maria như Đấng đồng cứu chuộc”.

Việc các Đức Giáo Hoàng sử dụng từ co-redemptrix tuân thủ nguyên tắc được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra trong bài giảng ngày 3 tháng 4 năm 2020. Các Đức Giáo Hoàng không bao giờ lấy đi bất cứ thứ gì từ Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu chuộc duy nhất và các Ngài cũng không có ý nói là Đức Trinh Nữ có yêu cầu một tước hiệu nào. Tuy nhiên, các Ngài nhận ra, như Cha Laurentin, sự cộng tác của Mẹ Maria vào công trình cứu chuộc là “ở mức độ cao nhất với một sự mật thiết độc nhất”. Đức Trinh Nữ đã hợp tác với công trình cứu chuộc chính xác với tư cách là Mẹ, và Mẹ đã làm như vậy trong sự khiêm hạ và vâng phục hoàn toàn theo ý muốn của Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói đúng khi nhấn mạnh sự khiêm hạ của Đức Trinh Nữ Maria. Điều đó hoàn toàn đúng vì Đức Maria không bao giờ yêu cầu bất kỳ danh hiệu hay đặc quyền nào cho mình. Mẹ không bao giờ yêu cầu được gọi là Mẹ Thiên Chúa hay Nữ vương Thiên đàng, nhưng Giáo hội tôn vinh Mẹ bằng những tước hiệu này trong giáo huấn và trong những lời cầu nguyện của mình. Những danh hiệu như vậy được tìm thấy trong Kinh cầu Loreto, gắn với Lễ Đức Trinh Nữ Maria Loreto, được Đức Giáo hoàng Phanxicô chấp thuận vào năm 2019 như một lễ nhớ tùy ý cho ngày 10 tháng 12 theo Lịch phụng vụ Rô-ma. Giáo hội tôn vinh Đức Maria với nhiều danh hiệu vì lòng yêu mến và lòng sùng mộ. Những danh hiệu này cũng là một biểu hiện của lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, người đã hạ mình để chia sẻ nhân tính của chúng ta bằng cách trở nên máu thịt của Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta nên cảm ơn Chúa không chỉ vì món quà là Mẹ của Ngài, mà chúng ta cũng nên cảm ơn chính Đức Maria vì Mẹ đã xin vâng và trở thành Mẹ của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Trong bài giảng ngày 3 tháng 4, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi tất cả chúng ta dừng lại một chút để cảm ơn Mẹ Maria của chúng ta: “Hôm nay chúng ta làm việc tốt lành là dừng lại một chút và nghĩ về những đau khổ và nỗi phiền muộn của Đức Mẹ. Mẹ là Mẹ của chúng ta. Và Mẹ đã đau khổ ở đó thế nào, Mẹ đã đứng vững ở đó thế nào, với sức mạnh, với khóc lóc; đó không phải là một tiếng khóc giả vờ; đó thực sự là một cõi lòng bị nỗi phiền muộn hủy hoại. Chúng ta hãy dừng lại một chút và nói với Mẹ: “Cảm ơn Mẹ đã chấp nhận làm Mẹ khi Thiên thần loan báo điều đó cho Mẹ và cảm ơn Mẹ đã chấp nhận làm Mẹ khi Chúa Giêsu nói điều đó với Mẹ ».

Đức Trinh Nữ Maria là mẫu mực hoàn hảo của sự khiêm hạ. Theo lời của Đăng-tê, Mẹ là “người khiêm hạ và cao quý hơn bất kỳ thụ tạo nào khác”. Chúng ta cần cảm ơn Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta rằng Mẹ Maria không bao giờ tìm kiếm bất kỳ danh hiệu nào cho mình. Chỉ bởi vì Thiên Chúa đã chọn liên kết Mẹ vào công trình cứu chuộc của mình mà Đức Trinh Nữ đã được vinh danh với nhiều danh hiệu như Nữ vương Thiên đàng và đồng cứu chuộc. Tuy vậy, những danh hiệu này không phải từ Mẹ mà từ sự công nhận mối liên hệ mật thiết và độc đáo của Mẹ với kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Mẹ Đầy ơn phúc biết rằng mình nợ Thiên Chúa mọi thứ. Đây là lý do tại sao Mẹ thốt lên: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh Ngài thật chí thánh chí tôn”.

* Tiến sĩ, Giáo sư Thần học hệ thống, Đại Chủng viện Thánh Tâm, Detroit, Michigan Hoa Kỳ.

Nguồn: Lastampa.it (vatican insider)

Chuyển ngữ: Phạm Văn Trung, SMH



[1] Đấng đồng cứu chuộc.

[2] Tựa như đấng cứu chuộc hay đồng công cứu chuộc.

[3] Huấn quyền

[4] Công báo chính thức của Tòa thánh

[5] Kinh truyền tin


simonhoadalat.com - Thánh Mẫu Học