Tại
Sao Tháng Năm Được Coi Là Tháng Đức Mẹ?
Kamira
| Shutterstock
Vietnamese.rvasia.com - 01/05/2019 - Lm. Giuse Phan Tấn Thành, O.P.
Tháng
Năm được gọi là tháng Đức Bà. Tại sao vậy? Thực ra trong một năm, có tới mấy
tháng dâng kính Đức Mẹ lận. Ngoài Tháng Năm (tục gọi là Tháng Hoa) và Tháng
Mười (Tháng Mân Côi), tại vài nơi, người ta còn dâng Tháng Tám kính Trái Tim
Mẹ, và Tháng Chín để kính Bảy Sự Đau Đớn Đức Mẹ.
Tại sao Tháng Năm được coi là Tháng Đức Mẹ?
Xét
theo khía cạnh lịch sử phụng vụ, chúng ta phải đi từng cấp một: trước tiên là
thói tục dành ra 30 ngày để kính Đức Mẹ; và kế đó là tục gắn vào giai đoạn nào
trong năm dương lịch. Tục lệ dành ra một tháng để kính Đức Mẹ xem ra phát xuất
từ thế kỷ VI nơi vài tu sĩ bên Ai Cập. Thường thường, để dọn mình mừng lễ nào
đó, các tín hữu quen dành ra một vài ba ngày trước để chuẩn bị tâm hồn, như
chúng ta thấy các lễ vọng, các tuần tam nhật, cửu nhật, và cách riêng hai Mùa
Chay và Mùa Vọng để chuẩn bị lễ Phục Sinh và Giáng Sinh. Thế nhưng các tu sĩ
bên Ai Cập, vào Mùa Giáng Sinh, thì không những họ tổ chức những lễ nghi mừng
biến cố Chúa ra đời, nhưng liền với mầu nhiệm của Chúa Cứu thế họ còn gắn thêm
những biến cố của Đức Maria nữa. Vì vậy, mà suốt từ ngày 10 Tháng Mười Hai cho
tới ngày 8 Tháng Một, mỗi ngày họ suy niệm Kinh Thánh, chú giải và rút ra một
bài học cho đời sống hàng ngày.
Sang
thời Trung Cổ, vào thế kỷ XI, thì các Giáo Hội Đông Phương dâng Tháng Tám kính
Đức Mẹ. Trọng tâm của nó là lễ Mẹ lên trời ngày 15; và họ dâng 15 ngày trước để
chuẩn bị và 15 ngày kế để tiếp nối. Dù sao thì ta thấy hai tục lệ vừa nói gắn
liền với lịch phụng vụ. Còn bên các Giáo Hội Tây Phương thì khác, tục lệ dành
Tháng Năm để kính Đức Mẹ không gắn với một lễ phụng vụ, nhưng dựa trên một thói
tục dân gian mà Giáo Hội muốn cải biến. Tại nhiều nơi bên Âu Châu, Tháng Năm
trùng với mùa xuân; mà thói tục nhiều nơi đã tổ chức những lễ hội, tỉ như tại
Rôma, người ta mở ra hội hoa, với những trò chơi, triển lãm dâng kính thần Hoa.
Vào dịp ấy, cũng có những cuộc thi đua sắc đẹp giữa các thiếu nữ, những dịp để
các cô các cậu làm tình nữa. Tưởng cũng nên biết là không phải riêng gì tại
Rôma, mà tại nhiều nơi khác bên Âu Châu cũng có những cảnh tương tự khi Tháng
Năm đến. Thực ra khung cảnh thiên nhiên dễ đưa tới những tâm tình ấy; Tháng Năm
là tháng ấm của mùa xuân, thiên nhiên đầy những hoa nở với hương thơm ngào ngạt,
làm cho con người cảm thấy sảng khoái, vui tươi. Nhằm thánh hóa những phong tục
dân gian, các tín hữu muốn hướng những tâm tình tự nhiên lên Đức Trinh Nữ
Maria, người trinh nữ kiều diễm, không vì nhan sác tự nhiên cho bằng vì vẻ đẹp
linh hồn, không hề vướng mắc tì ố của tội lỗi. Thói tục dâng Tháng Hoa cho Đức
Maria bắt đầu từ thời nào? Xét vì đây là một tâm tình bộc phát của các tín hữu,
chứ không phải do quyết định của giáo quyền, nên không có một nhật kỳ nhất
định.
Vào thế
kỷ XIII, vua Alphongsô X nước Tây Ban Nha đã sáng tác một bài thơ trong đó có
đoạn hô hào dành Tháng Năm để ca ngợi Đức Maria. Thế thì hiểu là tục lệ ấy chắc
là đã có từ trước.
Bên
Đức, hồi thế kỷ XIV, chân phước Henricô Susô, Dòng Đaminh, đã bắt đầu trồng hoa
trong nhà dòng vào Tháng Tư, để có thể lấy hoa kết triều thiên đội lên tượng
Đức Mẹ vào đầu Tháng Năm. Nên biết là Henricô là một nhà giảng thuyết bình dân
thời đó, nên chắc rằng ngài đã tuyên truyền để cho bổn đạo cũng bắt chước mình.
Hai thế kỷ sau, một cha Dòng Biển Đức, Wolfango Seidl, đã viết tập sách nhỏ tựa
đề “Tháng Năm thiêng liêng”, trong đó đề nghị những phương thức cầu nguyện hay
những lễ nghi để thay thế những thói quen phàm tục.
Sang
thế kỷ XVII, người ta đã thấy nhiều nơi tổ chức những buổi rước hoa vào ngày
đầu Tháng Năm và trong các Chúa Nhật tháng đó, đồng thời với việc đọc kinh cầu
Đức Mẹ và những bài ca khác. Ngoài việc dâng hoa thiên nhiên, các tín hữu cũng
được khuyến khích dâng những hoa thiêng liêng là các việc lành nhân đức, cho
Mẹ. Nhằm thể hiện những mục tiêu ấy, nhiều tác giả (đặc biệt là các cha Dòng
Tên) đã soạn ra những sách trình bày đời sống của Đức Maria, với những tư tưởng
rút từ Kinh Thánh, các giáo phụ, các nhà tu đức, ngõ hầu các tín hữu có thể
chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh thần của Mẹ mà bắt chước. Những sáng kiến tự phát của
các tư nhân từ các gia đình, trường học, tu viện, dần dần được quảng bá rộng,
đi vào các họ đạo.
Sang
thế kỷ XIX, thì Đức Giáo Hoàng Piô VII, để ghi nhớ việc mình được trở về Rôma
vào Tháng Năm năm 1814, sau thời gian bị Napoléon giam lỏng tại Paris, đã
khuyến khích việc cử hành Tháng Năm dâng kính Đức Maria. Các vị kế nhiệm cũng
khuyến khích tục lệ ấy, đặc biệt vào thời đại gần đây, vào năm 1954, Đức Piô
XII đã thiết lập lễ kính Đức Maria Nữ Vương Trời Đất vào ngày kết thúc Tháng
Năm. Lịch phụng vụ canh tân sau công đồng Vaticanô II đã dời lễ này sang ngày
22 Tháng Tám, bát nhật lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, và thay vào đó bằng lễ Đức
Mẹ Thăm Viếng.
Thế còn Tháng Mười có liên hệ gì với
việc tôn kính Đức Maria?
Tháng
Mười quen gọi là Tháng Mân Côi, không phải tại vì hoa mân côi nở vào Tháng Mười
cho bằng tại vì đã có lễ kính Đức Mẹ với tước hiệu Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi.
Tuy việc lần hạt mân côi đã có từ thời Trung Cổ, nhưng lễ phụng vụ kính Đức Mẹ
Mân Côi mới được Đức Piô V thành lập vào năm 1573, để tạ ơn Chúa sau cuộc chiến
thắng của đạo quân Công Giáo ở Lêpantô vào ngày 7 Tháng Mười năm 1571. Lúc đầu
lễ đó được cử hành vào Chúa Nhật đầu Tháng Mười nhưng từ năm 1913, nó được ấn
định vào ngày 7 Tháng Mười như hiện nay. Hoạ theo tục lệ đã có vào Tháng Năm,
một số tu sĩ cũng muốn dâng Tháng Mười, tháng của mùa gặt bên Âu Châu, cho Đức
Maria. Vào năm 1581, một tu sĩ Dòng Phan Sinh người Đức tên là Friđôlinô
Nurnberg đã viết cuốn sách mang tựa đề “Mùa thu thiêng liêng”, với đường hướng
giống như “Tháng Năm thiêng liêng”.
Phần
dòng Đaminh, thì quảng bá việc chuẩn bị lễ Mân côi với 15 ngày Thứ Bảy trước
đó, và kéo dài ra suốt tháng. Dĩ nhiên thay vì dâng hoa như hồi Tháng Năm, việc
đạo đức chính của Tháng Mười để tôn kính Đức Mẹ là lần chuỗi mân côi. Tại các
nhà thờ của Dòng Đa Minh, các cha cũng lợi dụng dịp này để tổ chức những buổi
giảng thuyết không những về Đức Maria mà còn về toàn bộ đức tin Kitô giáo, tóm
lại trong 15 mầu nhiệm kính nhớ việc Nhập Thể và Cứu Chuộc của Đức Kitô. Tục lệ
này được đẩy mạnh hơn nữa trong những thế kỷ XIX và XX, với những lời hô hào
của các Đức Giáo Hoàng kể từ Đức Leô XIII, và với hai lần Đức Mẹ hiện ra tại
Lourdes và Fatima.
Thế còn hai Tháng Tám và Chín?
Tục lệ
này chưa được phổ thông lắm. Nguồn gốc cũng tương tự như Tháng Mân Côi, nghĩa
là bắt đầu từ một lễ phụng vụ kính Đức Mẹ rồi kéo dài ra cả tháng. Nói khác đi,
dựa vào lễ kính Mẫu Tâm Đức Maria, trước đây kính ngày 15 Tháng Tám, và lễ kính
Bảy Sự Đau Đớn Đức Bà, kính ngày 15 Tháng Chín. Xét về lịch sử thì phải nói
rằng lễ kính Bảy Sự Đau Đớn Đức Mẹ có trước, do các cha Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ cổ
động: lúc đầu chỉ là một lễ trong dòng và mãi tới thế kỷ XIX (năm 1814) mới
được phổ biến ra toàn thể Hội thánh. Các cha cũng là những người cổ động việc
suy gẫm bảy sự đau đớn Đức Bà; đó là 1) lời tiên tri Simêon như lưỡi gươm đâm
thâu qua lòng; 2) việc trốn lánh qua Ai Cập; 3) việc lạc mất Chúa Giêsu trong
đền thờ; 4) gặp Chúa Giêsu trên đường khổ giá; 5) việc Chúa đóng đinh vào thập
giá và bị lưỡi đòng đâm thâu; 6) việc hạ xác Chúa; 7) việc mai táng Chúa trong
mộ. Việc suy gẫm mỗi chăng kèm theo việc đọc 7 kinh kính mừng.
Còn lễ
kính Trái tim Mẹ thì mới được thành lập vào năm 1944 sau khi Đức Piô XII dâng
thế giới cho Trái Tim Mẹ. Tuy nhiên việc sùng kính Trái Tim Đức Mẹ đã có từ thế
kỷ XVII, do những tác phẩm của thánh Gioan Eudes. Lúc đầu lễ kính Mẫu Tâm được
đặt vào ngày 22 Tháng Tám, tức là bát nhật của lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Nhưng lịch phụng vụ cải tổ sau Công Đồng Vaticanô đã đặt lễ này vào ngày Thứ Bảy
liền sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Xét về nguồn gốc, thì việc dành Tháng Tám cho
Mẫu Tâm còn quá mới mẻ. Thêm vào đó, do việc xê dịch lễ phụng vụ qua tháng
khác, chắc là nó khó tồn tại.
Một năm có 12 tháng, mà hết 4 tháng
kính Đức Mẹ rồi; như vậy có lẽ hơi nhiều đấy chứ?
Nhiều
ít còn tùy những yếu tố khác nữa. Có lẽ cần thêm rằng không những lòng đạo đức
bình dân đã dành đôi ba tháng trong năm để kính Đức Mẹ, mà hằng tuần họ còn
dành ra một ngày cho người nữa, tức là ngày Thứ Bảy. Tục lệ này đã phổ thông từ
thế kỷ XI. Thêm vào đó là những ngày lễ rải rác suốt năm phụng vụ. Thoạt tiên
xem ra hơi nhiều, choán chỗ dành cho Chúa hay cho các vị thánh khác. Sự thực
không phải như vậy. Từ Công Đồng Vaticanô II, lòng sùng kính Đức Maria đã
chuyển hướng nhiều. Đức Maria không những là đối tượng (đích điểm) của lòng đạo
đức sùng kính của chúng ta, nhưng người còn trở nên mẫu gương của lòng đạo đức
nữa. Nói khác đi, không những chúng ta dâng lời cầu nguyện, chúc tụng lên Đức
Maria, nhưng chính Người là mẫu gương dạy chúng ta biết cách cầu nguyện ca khen
Thiên Chúa nữa; thậm chí Người cùng với chúng ta chung lời cầu nguyện chúc tụng
Chúa. Ta có thể lấy một tỉ dụ: trong kinh chiều mỗi ngày, khi xướng lên bài ca
“Magnificat” - Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Giáo Hội không những là mượn
lấy lời của Đức Maria để chúc tụng Thiên Chúa, mà ra như còn muốn mời người tới
để hợp với tất cả cộng đoàn tín hữu ca ngợi Chúa. Hiểu như vậy, việc tôn kính
Đức Maria không còn choán chỗ của Chúa; ta có thể nói rằng những tâm tình cầu nguyện
dành cho Đức Maria sau cùng sẽ hướng về Đức Kitô, bởi vì Đức Maria muốn cho
chúng ta tiến gần tới Đức Kitô hơn. Đối lại, trong tất cả các mầu nhiệm của Đức
Kitô ta đều thấy Đức Maria ở bên cạnh. Đây là một chương trình huấn giáo mục vụ
mà Giáo Hội muốn nhằm tới từ Công Đồng Vaticanô II: làm sao cho Đức Maria trở
thành khuôn mẫu của đời sống đạo đức của người tín hữu, theo nghĩa là làm sao
chúng ta học biết nơi Mẹ cách thờ phượng Chúa cách đứng đắn, cách riêng qua
việc thông dự vào chương trình cứu chuộc của Chúa: sẵn sàng tuân theo ý định
của Thiên Chúa, sẵn sàng dâng hiến cuộc đời để phục vụ Chúa và tha nhân, khẩn
nài van xin cho nhân loại được hưởng ơn cứu độ...