DẪN NHẬP
ÐỨC MARIA, MỘT BỨC THƯ VIẾT BỞI NGÓN TAY
CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG.
Thánh
Phaolô để lại cho Giáo Hội biết bao nhiêu thư quý giá, nhưng đã cho
chúng ta biết về sự hiện diện của một bức thư hoàn toàn khác : Một
bức thư "không viết bằng mực nhưng là bằng Thần Khí của Thiên Chúa
hằng sống, không phải trên những bia đá, mà là trên bia lòng bia
thịt" . Bức thư này "mọi người hết thảy đều nhận ra và đọc được",
đó chính là cộng đoàn Corinthô, là Giáo Hội, đã đón nhận Lời Chúa
và sống bằng Lời đó (x. 2C 3, 2-3).
Hiểu
theo nghĩa này thì Ðức Maria cũng là một bức thư của Thiên Chúa, vì
Người là thành phần của Giáo Hội. Không những thế, Người là bức thư
của Thiên Chúa theo một nghĩa hết sức đặc biệt và độc nhất, vì
Người không chỉ đơn thuần là một chi thể như các chi thể khác, mà
còn là chính hình bóng của Giáo Hội, là Giáo Hội trong tình trạng
mới khai sinh. Ðức Maria quả thực là bức thư viết không phải bằng
mực nhưng là bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải
trên bia đá như luật cũ, cũng không phải trên giấy da hay chỉ thảo,
mà là trên tấm thân, là trong trái tim đầy lòng tin, trái tim của
một người mẹ. Một bức thư mà hết thảy mọi người, hàng thông thái
cũng như kẻ vô học, đều có thể đọc được, hiểu được. Truyền thống
đã tiếp nhận ý tưởng đó khi nói về Ðức Maria như là "một bản sáp"
(Origène) "Một cuốn sách vĩ đại" và soạn giả duy nhất là Chúa Thánh
Thần (Thánh Epiphane), hay như "cuộn giấy, trên đó Chúa Cha viết Lời
của Người" (Phụng vụ Byzantine).
Chúng
tôi muốn đọc bức thư này của Thiên Chúa với một mục đích thiết
thực và "xây dựng", nhằm vạch ra một con đường thánh hóa hoàn toàn
dựa vào Mẹ Thiên Chúa như là mẫu mực. Vì thế, đây không phải là
một khảo luận vể Thánh Mẫu học, cũng không phải là những bài nói
chuyện về Ðức Maria, nhưng là một con đường lắng nghe và vâng phục
Lời Chúa theo gương Mẹ Thiên Chúa. Quả thực chúng tôi nghĩ rằng :
Ðức Maria có thể nói với mọi người chúng ta điều mà thánh Tông Ðồ
đã nói với các tín hữu Corinthô : "Anh em hãy theo gương tôi, như tôi
đối với Ðức Kitô" (1C 11, 1).
Trong
Tân Ước, Ðức Maria không được nói đến thường xuyên, nhưng nếu để ý,
chúng ta sẽ thấy Người đều hiện diện trong ba thời điểm chính yếu,
cấu thành Mầu nhiệm Kitô giáo : Nhập Thể, Mầu Nhiệm Vượt Qua và lễ
Ngũ Tuần. Nhập Thể, lúc chính con người Ðấng Cứu Thế là Thiên Chúa
và là người được cấu thành ; Mầu Nhiệm Vượt Qua, lúc Ðấng Cứu Thế
hoàn thành công trình cứu chuộc chúng ta qua việc tiêu diệt tội lỗi
và canh tân sự sống ; và lễ Ngũ Tuần, lúc Thánh Thần, Ðấng làm cho
Ơn Cứu Ðộ luôn hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội được ban
xuống. Ðức Maria đã hiện diện trong cả ba thời điểm đó. Người đã
hiện diện trong Nhập Thể, bởi lẽ Nhập Thể được thực hiện nơi Người.
Nói như các Giáo Phụ, cung lòng của Người là "máy dệt", là "xưởng
thợ" nơi Chúa Thánh Thần dệt cho ngôi Lời tấm hình hài nhân loại,
là "giường cưới" nơi Thiên Chúa kết hiệp với con người. Người đã
hiện diện trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, vì như đã viết : "Ðứng bên khổ
giá Ðức Giêsu có Mẹ Ngài" (x. Yn 19, 25). Người đã hiện diện trong
lễ Ngũ Tuần, vì như lời Kinh Thánh, các Tông Ðồ "hết thảy đồng tâm
nhất trí chuyên cần cầu nguyện, cùng với Maria, Mẹ Ðức Giêsu" (x. Cv 1, 14). Bước theo Ðức Maria
trong mỗi giai đoạn căn yếu này, chúng ta sẽ tìm được sự trợ giúp
trên con đường dấn bước theo Ðức Giêsu, một sự trợ giúp cụ thể và
mang tính quyết định, giúp chúng ta sống lại tất cả mầu nhiệm của
Ngài.
Trên con
đường bước theo Ðức Maria, chúng ta tất phải đụng chạm đến các vấn đề
liên quan đến Ðức Maria trên bình diện thần học và chú giải. Vì thế,
tôi thiết nghĩ cần phải giải thích ngay từ đầu đâu là những tiêu
chuẩn mà chúng tôi sẽ dùng để khai triển. Các đường hướng chính là
những đường hướng Công Ðồng Vatican II, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo
Hội Lumen
Gentium, đã vạch ra trong chương nói về Ðức Maria. Trong bản
văn này, Ðức Maria được đề cập đến với hai khía cạnh căn bản : khía cạnh là Mẹ và khía cạnh
là hình bóng : Maria, Mẹ Ðức Kitô và hình bóng của Giáo Hội. Viễn
tượng trong đó Ðức Maria được đặt trong suy tư về Giáo Hội, sẽ được
sát nhập vào một viễn tượng khác, trong đó chúng ta sẽ cố gắng đọc
cuộc đời Ðức Maria dưới ánh sáng của những điều Công Ðồng nói về
Lời Chúa trong Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Dei Verbum, Maria trước
hết là một chương của Lời Chúa. Người được nói đến trong các sách
qui điển Tân Ước. Vị trí chính yếu của Ðức Maria là Mạc Khải, nghĩa
là Kinh Thánh. Về Mạc Khải, Công Ðồng vạch rõ một nguyên tắc mà
nhiều người đã biết : Mạc Khải "được thực hiện bằng các lời nói
và hành động 1". Như lời thánh Grégoriô Cả : "Thiên Chúa
dạy dỗ chúng ta lúc thì bằng lời nói, lúc thì bằng hành động" vì
lẽ, thánh Augustinô giải thích : "cả những việc làm cũng là những
lời nói 2".
Suy tư
về Ðức Maria trong vị thế chính yếu trong "Sitz im Leben", là Kinh
Thánh và mọi đào sâu đều khởi đi từ Kinh Thánh, dưới ánh sáng của
Truyền Thống, đó là điều đặc biệt quan trọng. Quả đã đến lúc phải
làm sao cho Ðức Maria không còn là một đề tài tranh cãi hay một cớ
chia rẽ giữa các Kitô giáo nữa. Nhưng là một cơ hội đưa đến hiệp
nhất và huynh đệ. Ðối với chúng ta, Ðức Maria xuất hiện như dấu chỉ
của một Giáo Hội còn nguyên vẹn chưa bị chia cắt, ngay cả phân chia
thành Giáo Hội của người Dothái và Giáo Hội của dân ngoại. Ðó lại
không phải là một trong những lời kêu gọi hiệp nhất mạnh mẽ nhất
hay sao ? Viễn tượng đại kết mà chúng tôi mong muốn theo đuổi trong
những trang sách này sẽ có được chỗ dựa vững chãi, nếu chúng ta
nhìn ngắm Ðức Maria khởi từ Kinh
Thánh hơn là từ những nguyên lý hình thức, những luận đề thần học
hay từ chính các tín điều. Các tín điều được đưa ra là để giải thích
Kinh Thánh chứ không phải ngược lại, vai trò của chúng là minh giải
chứ không phải là nền tảng. Khi coi tín điều là nền tảng còn Kinh
Thánh đóng vai trò minh giải, thì người ta đưa khẳng định tín lý ra ngay
từ đầu rồi sau đó tìm cách chứng minh bằng các bản văn trích từ
Thánh Kinh, và những bản văn này thường là bị cắt tách rời khỏi
văn mạch và bị đặt vào vị thế phụ thôi. Người ta dùng những bản
văn đó làm chứng cứ "theo Kinh Thánh". Còn khi Kinh Thánh là nền
tảng thì ta khởi đi từ Lời Chúa, và để giải thích ý nghĩa của Lời
Chúa, ta đi đến với tín điều, xét như là lời giải thích chính thực mà
Giáo Hội đã đưa ra. Chúng ta sẽ đi theo con đường mà chính chân lý đã
đi để đến với chúng ta chứ không đi theo con đường ngược lại.
Một
trong những ngờ vực không phải là hoàn toàn vô lý khiến anh em Tin
Lành xa cách Ðức Maria, đó là khi Giáo Hội nói về Người. Tôn dương
vai trò của Người thực ra là Giáo Hội nói về chính mình, tôn dương
chính mình. Khi chúng ta đọc cuộc đời Ðức Maria dưới ánh sáng Lời
Chúa, thì mọi ngờ vực đó không còn lý do để tồn tại nữa : không
phải Giáo Hội nói về chính mình mà là Thiên Chúa nói với Giáo Hội.
Ðó là xác tín của chúng tôi khi đề cập đến hành trình hoán cải và
thánh hóa theo chân Ðức Maria : qua Ðức Maria, chính Thiên Chúa nói
với Giáo Hội và với mỗi người chúng ta. Người là một Lời của
Thiên Chúa, một Lời thật sự đầy đủ ý nghĩa. Người ta có thể và chỉ
có thể nói cề Ðức Maria mà thôi, rằng Người đã "mang lại Lời", theo
nghĩa cụ thể chứ không phải chỉ theo nghĩa bóng. Người còn là một
Lời tràn đầy của Thiên Chúa theo nghĩa, các lời và các bản văn nói
cho chúng ta về Ðức Maria trong các Tin Mừng là những lời, những bản
văn mang đầy âm hưởng và súc tích đến lạ lùng. Ta có thể áp dụng
cho Ðức Maria, theo nghĩa loại suy, phạm trù "Lời hữu hình" (Verbum
visibile) mà thánh Augustino đã dùng cho dấu chỉ Bí Tích : một
Lời Nhập Thể. Chính vì thế, như chúng ta sẽ thấy, cung cách sống của
Người rất thiết thực và rất gần gũi với đời sống chúng ta. Chúng
ta có thể áp dụng cho Ðức Maria điều đã viết về Lời Thiên Chúa nói
chung : "Nó không ở mãi trên trời để ngươi phải nói ‘Ai sẽ thay ta
lên trời lấy xuống cho ta .’ Nó cũng không ở mãi bên kia biển . vì
Lời ở rất gần ngươi" (x. Tl 30, 12 - 14).
Tiêu
chuẩn nhằm soi sáng con người và vị trí của Ðức Maria trong lịch sử
cứu độ là tiêu chuẩn mà tôi gọi là "loại suy từ dưới" (l’ analogie
par le bas). Tiêu chuẩn này có mục đích tìm cách xác định vị
trí của Ðức Maria, không phải khởi từ trên, từ các ngôi vị trong Ba
Ngôi hay từ Ðức Kitô, để rồi sau đó áp dụng tất cả cho Ðức Maria
theo nghĩa "giảm trừ" (re1duction). Mà ngược lại, khởi đi
từ dưới, từ các biến cố, các khuôn mặt trong lịch sử cứu độ và
các thực tại thuộc về Giáo Hội, để rồi sau đó áp dụng tất cả cho
Ðức Maria theo nghĩa "mạnh nhất" (à plus forte raison). Nguyên tắc này
sẽ sáng tỏ hơn khi chúng ta vận dụng nó cách cụ thể trong hành trình
suy tư của chúng ta.
Ðể đi
từ những suy nghĩ về Ðức Maria sang những suy nghĩ về Giáo Hội, ý
tưởng theo đó Ðức Maria là "hình bóng của Giáo Hội" sẽ được dùng như
điểm bản lề. Ý tưởng này vốn đã được các giáo Phụ sử dụng và
được Công Ðồng Vatican II lấy lại, bao hàm và diễn tả hai khía cạnh,
một khía cạnh đặt Ðức Maria "phía sau" chúng ta, như là khởi đầu
và là hoa quả đầu mùa của Giáo Hội và đồng thời, một khía cạnh
khác đặt Ðức Maria "phía trước" chúng ta, như là khuôn
mẫu và là mẫu gương hoàn hảo để noi theo. Phạm trù này không xa lạ
gì với anh em Tin Lành, chính vì thế mà nó có một giá trị đại kết
đáng kể. Khi chú giải đoạn Lc 2, 19 ("Maria giữ kỹ mọi điều ấy và
hằng suy đi nghĩ lại trong lòng") trong bài giảng về lễ Giáng Sinh năm
1522, Luther viết : "Maria, đó là Giáo Hội Kitô . Giáo Hội Kitô giữ
kỹ mọi Lời của Thiên Chúa trong lòng mình, nối kết các Lời đó lại
với nhau, nghĩa là so sánh chúng với nhau và với Kinh Thánh". Như thế,
theo Luther, Maria, kẻ giữ kỹ các lời của Thiên Chúa, là hình bóng
của Giáo Hội.
Tôi
thích dùng từ "tấm gương" hơn là từ "hình bóng" trong nhan đề cũng như
ở những chỗ khác, bởi lẽ mọi người dễ hiểu hơn và đỡ bị gò bó
vào thứ ngôn ngữ chuyên môn của khoa chú giải Kinh Thánh. Ðàng
khác, từ ngữ này có nhiều gợi ý phong phú hơn và giúp cho ta như
cảm được ý tưởng muốn diễn tả. Tuy nhiên ý nghĩa thì vẫn y như vậy.
Ðức Maria là tấm gương cho Giáo Hội theo hai nghĩa : trước tiên, vì
Người phản chiếu ánh sáng mặt trời ; và tiếp đến, vì chính nơi Người
mà Giáo Hội có thể và cần phải "soi mình", nghĩa là ngắm bóng mình
và tự so sánh để làm cho mình nên đẹp đẽ trước mắt Vị Hôn Phu Thiên
Quốc. Như thế về khía cạnh này, điều chúng ta làm thực ra chỉ là áp
dụng cho Ðức Maria, theo một nghĩa đặc biệt hơn, những gì mà Kinh Thánh
nói cách tổng quát về Lời Chúa : Lời là một "tấm gương" (x. Yc 1,
23).
Một
cách cụ thể, tuyên bố Ðức Maria là hình bóng hay tấm gương của Giáo
Hội là muốn nói rằng, sau khi suy nghĩ về một lời nói, một thái độ
hay một biến cố trong cuộc đời Ðức Maria, chúng ta sẽ tự hỏi : Ðiều
đó có ý nghĩa như thế nào đối với Giáo Hội và đối với mỗi người
chúng ta ? Chúng ta phải làm gì để thực hiện điều mà Thần Khí muốn
nói với chúng ta qua Ðức Maria. Sự đáp trả tích cực nhất của chúng
ta, hẳn phải nằm trong sự "noi gương" Ðức Maria hơn là trong sự
sùng kính Ðức Maria. Như thế, đây sẽ là một hành trình hết sức đơn sơ
và rất thiết thực. Như một loại thực hành đời sống thiêng liêng do
Ðức Maria hướng dẫn. Gọi là những "thực hành", vì mỗi suy niệm sẽ
đặt chúng ta trước một cam kết phải giữ và thực hiện chứ không
phải chỉ hiểu mà thôi. Về Lời Thiên Chúa như là tấm gương, thánh
Giacôbê nói : "Ai nghe Lời mà không làm, thì như người soi gương xem
mặt mày ra sao. Soi rồi thì đi mất, mà quên ngay không nhớ mình như
thế nào. Còn người cắm cúi vào luật hoàn hảo, luật tự do, một
cách lưu luyến, không phải nghe đấy quên đấy, nhưng là thực thi bằng
việc làm, thì phúc cho người ấy vì đã thi hành" (Yc 1, 23 - 25). Tất
cả những điều đó hoàn toàn phù hợp với lời hay "bức thư" đặc biệt
của Thiên Chúa là Ðức Maria.
Ðể đọc
bức thư này của Thiên Chúa, ngoài Kinh Thánh, các Giáo Phụ, truyền
thống và thần học, chúng ta còn có được sự trợ giúp khá thường
xuyên của các thi nhân. Tại sao như thế ? Nói về Ðức Maria mà lại
để buông cho trí tưởng tượng, cho tình cảm, lại không là điều nguy
hiểm sao ? Lý do thật đơn giản, các chân lý đức tin, thường đã mất
đi giá trị vì bị sử dụng quá nhiều, các tước hiệu tín lý của Giáo
Hội cổ thời, tất cả cần phải được đánh thức dậy, cần phải làm cho
chúng lên tiếng nói, như lời của Kierkegaard : Những điều đó tương tự
như những chàng hiệp sĩ, những nàng công chúa thiếp ngủ trong lâu
đài thần tiên. Cần phải đánh thức để chúng chỗi dậy trong tất cả
nét huy hoàng rực rỡ của chúng, và các thi sĩ là những người biết
làm điều đó hơn bất cứ ai khác. Những thi sĩ đích thực, cả họ nữa
đôi khi là những con người "được linh hứng", như các ngôn sứ. Ngày
nay, chúng ta hết sức cần đến một luồng sinh khí, một nguồn cảm hứng
trong việc trình bày đức tin cũng như trong giải thích Kinh Thánh, để
không bị rơi vào thứ suy lý vô hồn. Ðây cũng là trực giác của một
số triết gia hiện đại. Heidegger, sau khi gắng công hoài sức nắm bắt
hữu thể các sinh vật, đến một lúc đã từ bỏ dự định đó giữa đường
và chú tâm đến các thi sĩ, vì như ông nói, chính nơi các thi sĩ mà
hữu thể tự hiện lộ, dù chỉ là thoáng qua. Ðây là điểm mà cả chúng
t, những nhà thần học, cần phải suy nghĩ đến một cách nghiêm túc.
Người ta đã tiếp nhận rất nhiều gợi ý của triết gia này trong thần
học, nhưng điểm gợi ý phong phú nhất, bởi nó mở ra với giáo lý
Kitô giáo về ân sủng, thì dường như chưa được đón nhận.
Việc
chiêm ngắm một số ảnh thánh (icômes) về Mẹ Thiên Chúa cũng đã
giúp tôi rất nhiều. Tôi cảm thấy dường như tất cả những điều mình
dự định nói đều đã được chứa đựng nơi các ảnh thánh đó. Các bức
tranh này thể hiện trước mắt chúng ta, trong tâm trí chúng ta, Ðức
Maria ở ba thời điểm : Nhập thể, Mầu Nhiệm Vượt Qua và lễ Ngũ Tuần.
Nhìn ngắm chúng sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn bức thư kỳ diệu mà
Thần Khí Thiên Chúa đã viết, là Ðức Maria.
Tuy
nhiên, sự trợ gúp hữu hiệu nhất, không phải do các thi sĩ vẻ ảnh
thánh, mà là do Chúa Thánh Thần, Ðấng đã "viết" Lời nơi Ðức Maria
và làm cho Người trở thành một Lời của Thiên Chúa ngỏ với Giáo
Hội. Maria, xét là thành phần của Lời Chúa, được tượng trưng bằng
cuốn sách "viết cả trong lẫn ngoài, niêm bảy ấn" (x. Kh 5, 1). Chỉ
mình Chiên Con mở ấn nhờ Thần Khí của Ngài và mạc khải ý nghĩa của
sách cho những ai Ngài muốn. Chúng ta hãy bắt đầu đọc Lời của Thiên
Chúa là Ðức Maria trong niềm hy vọng và với lời nguyện xin : "Xin
Thiên Chúa đoái thương mạc khải cho chúng ta điều mà Thần Khí hôm nay
phán dạy cho các Hội Thánh" qua Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa.
CHÚ
THÍCH
1.
Vatican II, Dei
Verbum 2.
2. Saint
Grégoire le Grand, Homélies sur les Évangiles, XVII, 1.
3. Cf. K.
Barth, Dogmatique,
Ecclésiastique I, 2.
4.
Luther, Kirchenpostille
(éd. Weimar, 10, 1, p. 140).
5. S.
Kierkegaard, Journal II A 10.