PHẦN KẾT
"THẦN TRÍ
TÔI VUI MỪNG TRONG CHÚA"
ÐỨC MARIA TRONG VINH QUANG,
BẢO CHỨNG CỦA NIỀM HY VỌNG
CHẮC CHẮN CHO GIÁO HỘI.
"Lại đây, Ta sẽ chỉ cho ngươi Tân Nương, Hiền Thê của Chiên Con" (Kh 21, 9) : đó là những lời mà một trong số các thiên thần đã nói với Gioan trong sách Khải Huyền, và thiên thần đem ngài đi trong khi ngài ngất trí, để chỉ cho thấy "Thành Thánh Giêrusalem từ trời xuống, từ nơi Thiên Chúa, chói lọi vinh quang Thiên Chúa". Nếu Thành Thánh được xây dựng không phải chỉ bằng tường, tháp mà là bằng những con người, những kẻ được cứu, và nếu Thành Thánh không phải là điều trừu tượng mà là một thực tại, thì Ðức Maria là thành phần của Thành đó. Trong Tin Mừng, Gioan cho chúng ta thấy Ðức Maria như là "Người Nữ" hiện thân của Nữ Tử Sion. Dưới chân Thập Giá, Người là biểu tượng và như là hiện thân của Giáo Hội lữ hành. Giờ đây trên Thiên Quốc, Người lại là hoa quả đầu mùa của Giáo Hội vinh quang, là viên đá quí giá nhất của Thành Thánh. Thánh Augustinô nói Thành Thánh Giêrusalem Thiên Quốc thì lớn lao hơn, quan trong hơn Ðức Maria, vì Thành Thánh là toàn thể, còn Ðức Maria chỉ là một thành phần, cho dẫu là thành phần cao quí nhất của Thành 1.
Vào cuối cuộc hành trình đi theo vết chân trần thế của Ðức Maria, tôi cũng mạo muội nói với bạn là Người đã cùng tôi chung bước, tôi muốn lập lại cho bạn những lời của thiên thần : "Lại đây, tôi sẽ chỉ cho bạn Tân Nương, Hiền Thê của Chiên Con !" Làm sao tôi có thể chỉ Người cho bạn ư ? Phải chăng tôi đã hoặc có thể lên tận trời cao ? Không đâu ! Tôi sẽ chỉ cho bạn thấy Người như Người được tỏ bày cho tôi và cho tất cả chúng ta trong đức tin : qua những lời Kinh Thánh, và thêm vào đó là một số chứng từ như những lời chú giải đáng tin nhất chứng từ của những người noi theo thánh Phaolô, được nhắc lên tầng trời thứ ba và được nghe những lời không được phép nói lại. Thế là chúng ta đã đến bên bờ đại dương, nơi thời gian kết thúc và vĩnh cửu bắt đầu. Người ta tiến tới chỉ bằng cách đi trên nước mà thôi. Những chiếc giày cũ kỹ của tri thức, của kinh nghiệm nhân linh không còn hữu dụng, phải để chúng lại trên bờ. Chỉ có đức tin mới cho phép đi trên nước.
Sau khi chiêm ngắm Ðức Maria nơi trần thế như là dấu chỉ của những gì mà Giáo Hội hiện tại "phải trở nên", giờ đây chúng ta chiêm ngắm Người như dấu chỉ của Giáo Hội "sẽ hoàn thành" mai sau. Trong Hiến chế Lumen gentium, chúng ta đọc thấy : "Ngày nay Mẹ Chúa Giêsu đã được vinh hiển hồn xác lên trời, là hình ảnh và là khởi thủy của Giáo Hội sẽ hoàn thành đời sau ; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến, Người chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho Dân Chúa đang lữ hành 2". Theo giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, dựa trên một truyền thống mà cả Giáo Hội Chính Thống cũng chấp nhận tuy không định tín, thì Ðức Maria đi vào trong vinh quang không phải chỉ bằng thần trí của người mà là một cách trọn vẹn với tất cả con người, như hoa quả đầu mùa sự Phục Sinh mai hậu, theo sau Ðức Kitô. Thi sĩ Dante đã đặt vào môi miệng thánh Bênađô trên trời những lời thơ dâng lên Ðức Maria : "Nơi đây, Người là ngọn đuốc hết sức rực rỡ cho chúng con về lòng mến, và nơi trần thế, Người là mạch suối trào tuôn niềm hy vọng giữa chúng nhân 3".
Maria là ví dụ sáng tỏ nhất minh chứng sự thật của lời Kinh Thánh : "Nếu chúng ta cùng chịu đau khổ với Ngài, ta sẽ được thông phần vinh hiển với Ngài" (x. Rm 8, 17). Không ai đã cùng chịu đau khổ với Ðức Giêsu đến mức như Ðức Maria, cũng không ai được tôn vinh bên Ðức Giêsu bằng Ðức Maria.
Vậy vinh quang của Ðức Maria là những gì ? Chúng ta có thể nhìn thấy được phần nào vinh quang của Ðức Maria nơi trần gian : có người nào được yêu mến, được kêu cầu trong mừng vui, trong đau khổ, trong nước mắt hơn Ðức Maria ? Có tên ai được nhân loại nhắc đến thường xuyên đến như thế ? Sau Ðức Kitô, có tạo vật nào được con người dâng những lời kinh, những khúc thánh thi, những ngôi thánh đường nhiều hơn chăng ? Có khuôn mặt nào được con người cố họa lại trong các nghệ phẩm như khuôn mặt Mẹ ? "Mọi đời sẽ khen tôi có phúc", Ðức Maria đã thốt lên như thế về mình ; hay đúng hơn, Thánh Thần đã loan báo điều đó về Ðức Maria. Hai mươi thế kỷ đang đứng đó để chứng tỏ rằng đó quả thực là một lời tiên tri. Một cô bé vô danh không thể nào thốt ra lời như thế, những người khác cũng không thể nói như vậy về cô mà không do Thiên Chúa tác động. Hoặc đó là lời của kẻ cuồng, điên, hoặc là lời của người được Ðấng biết rõ tương lai linh hứng.
Ðiều này đưa chúng ta tới suy nghĩ : vội vã coi kinh Magnificat là một Thánh Vịnh đã có trước được người ta gán cho Ðức Maria, làm như thế có đúng lắm không ? Ngoài Ðức Maria, ai có thể thốt ra một lời như thế ? Nếu có ai khác đã nói lời đó thì rõ ràng lời đó cũng chỉ ứng nghiệm nơi Ðức Maria chứ không phải nơi chính người đó. Vì thế kinh Magnificat thực sự là của Ðức Maria, cho dù không phải do Người viết ra. Tác giả, dù có là ai đi nữa, thì cũng viết lời kinh đó "cho Ðức Maria". Chính Mẹ mới là người mà Chúa Thánh Thần muốn nói đến. Ðiều người ta nói về các bài ca Người Tôi Tớ Giavê thì cũng có giá trị đối với bài ca Người Tớ Nữ của Thiên Chúa : người viết không nói "về chính mình nhưng là về ai khác" (x. Cv 8, 34). Chúng ta có quyền dùng kinh Magnificat để hiểu tâm hồn Ðức Maria cũng như chúng ta dùng Isaia 53 để hiểu cuộc khổ nạn của Ðức Kitô. Mà còn hơn thế nữa, vì việc gán kinh Magnificat cho Ðức Maria phát xuất trực tiếp từ chính Kinh Thánh.
Ôi Mẹ Thiên Chúa, mọi thế hệ sẽ khen Người diễm phúc. Thế hệ của chúng con cũng thế, muốn ca ngợi Mẹ diễm phúc vì tuân theo lệnh truyền của Thiên Chúa cho lịch sử, về Mẹ, qua những lời trên. Cuốn sách này là một dấu hiệu nhỏ, qua đó, thế hệ chúng con muốn công bố rằng Mẹ diễm phúc. Này hỡi Maria, chỉ khi nào Ðức Giêsu thôi không còn là "hoa quả lòng Người" thì Người mới thôi không còn "là người diễm phúc trong nữ giới".
Một ngày kia, Thiên Chúa hứa với chị Angèli de Foligno, người bạn và là người dẫn đường của chúng ta : "Ta muốn con cứu giúp và ban ơn huệ cho bất cứ ai nghĩ đến con hay chỉ nghe đến tên con 4". Sau tám thế kỷ, tôi có thể làm chứng rằng, Thiên Chúa đã trung thành giữ lời Ngài hứa. Ðó cũng chính là điều mà Ngài đã làm từ xa trước và làm hơn thế nhiều đối với Ðức Maria : Ngài chúc phúc ngay cả cho người chỉ nghe đến tên Mẹ.
Vinh quang của Ðức Maria trên trần gian quả là lớn lao. Nhưng phải chăng đó là tất cả vinh quang, tất cả phần thưởng, dành cho Người vì đã cùng chịu đau khổ với Ðức Kitô ? Chúng ta là những người đang bị cầm hãm trong quan niệm về vinh quang, một quan niệm phát xuất từ não trạng ngoại giáo cổ thời mà cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn thoát ra được. Theo quan niệm này, vinh quang (dóxa) chủ yếu liên hệ đến lãnh vực của hiểu biết, của tiếng tăm hoặc của dư luận. Vinh quang là "được biết đến minh nhiên, gắn liền với lời ca ngợi". Thế nhưng Ðức Maria ở trong "vinh quang của Thiên Chúa", chứ không ở trong vinh quang của con người. Vinh quang của con người trên trần gian và trong Giáo Hội chỉ là tia phản chiếu mờ nhạt của vinh quang Thiên Chúa. Vậy vinh quang của Thiên Chúa (kabôd) mà Kinh Thánh nói đến là gì ? Nó không chỉ liên hệ đến lãnh vực tri thức mà cả lãnh vực hữu thể nữa. Vinh quang của Thiên Chúa là chính Thiên Chúa, theo nghĩa hữu thể của Ngài là ánh sáng, là vẻ đẹp, là sự huy hoàng và trước hết là tình yêu. Vinh quang là cái gì thực đến nỗi nó lấp đầy nơi ở, đi qua trước mặt Môisê (Xh 33, 22 ; 40, 34), có thể thấy được và chiêm ngắm được trên khuôn mặt Ðức Kitô (Yn 1, 14 ; 2C 4, 6). Vinh quang là nét huy hoàng đầy sức mạnh, từ bản thể Thiên Chúa thoát ra như khí thiêng (Hr 1, 3 ; Kng 7, 25tt). Vinh quang đích thực của Ðức Maria là ở sự tham dự vào vinh quang của Thiên Chúa, Người được bao bọc, được chìm ngập trong đó. Từ nay, Người được "tràn đầy tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa" (x. Ep 3, 19). Về điều này, chúng ta không được phép biết thêm hay nói thêm điều gì nữa.
Ðức Maria làm gì trong vinh quang đó ? Người thực hiện ơn gọi mà vì đó mọi con người cũng như cả Giáo Hội đã được tạo dựng. Trên Thiên Quốc, Ðức Maria hoàn toàn trở nên "Lời ca ngợi vinh quang" (x. Ep 1, 14). Maria ca ngợi, tôn vinh Thiên Chúa. "Sion hỡi hãy ca tụng Thiên Chúa", một lời trong Thánh Vịnh (147, 12) : từ nay Ðức Maria là Sion tôn vinh Thiên Chúa. Lời "ca ngợi vinh quang" là ý thức chiêm ngưỡng khâm phục của tạo vật trước Thiên Chúa, Ðấng hiện hữu và tràn đầy vinh quang. Chính Ðức Maria là vinh quang của Thiên Chúa theo nghĩa Mẹ lấy làm vinh dự về Thiên Chúa, Ðấng tạo dựng nên mình và theo nghĩa Thiên Chúa lấy làm hãnh diện về Ðức Maria, tạo vật của Ngài. Trong Cựu Ước, ta thấy Thiên Chúa lấy làm hãnh diện về ông Yob và nói với kẻ đối địch (Satan) : "Ngươi có lưu ý đến Yob, tôi tớ của Ta chăn ? Chẳng có ai như nó ..." (Yb 1, 8). Người sẽ nói thế nào về Ðức Maria ?
Chúng ta chiêm ngắm Ðức Maria trong vinh quang,
vì Mẹ là hình ảnh và là bảo chứng cho điều mà một ngày kia tất cả
Giáo Hội sẽ đạt tới. Ðức Maria ca ngợi Thiên Chúa, vui sướng ca ngợi
Ngài, Mẹ vui hưởng và hân hoan. Giờ đây, quả thực thần trí Người "mừng vui trong Chúa". Ðiều chúng
ta cố gắng nói về niềm vui của Ðức Maria chẳng là gì vì có lời viết
: "Ðiều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, và đã không hề nảy
lên nơi lòng một người phàm, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho
những ai yêu mến Người". (1C 2, 9). Ðức Maria đã đi vào trong niềm vui
của Chúa mình (Mt 25, 21) và niềm vui của Chúa đã đi vào trong con
người Mẹ.
Như đã nói, Ðức Maria ngợi khen Thiên Chúa và ngợi khen trong vui mừng hân hoan, Người cũng nói : "Tôi ngợi khen Thiên Chúa và vui mừng hân hoan ca ngợi Ngài, tôi vui hưởng lời ca khen Ngài. Việc mến uêu và ca ngợi phải là nhưng không ? Ðó là mến yêu và ca ngợi đơn thuần, chứ không vì điều gì khác 5". Những lời tiên tri mà Ðức Maria làm vọng lại trong lời kinh Magnificat nay đã ứng nghiệm hoàn toàn :
"Tôi hân hoan vui sướng trong Ðức Giavê
mạng tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa tôi thờ
vì Người đã mặc cho tôi áo cứu độ
chiến bào công chính Người phủ lên tôi
như Tân Lang chỉnh tề đai mão
và Tân Nương điểm trang phục sức" (Ys 61, 10).
Không một tạo vật nào có thể chịu đựng nổi
ngần ấy vinh quang và hạnh phúc trừ phi được sức mạnh của Thiên
Chúa nâng lên và ban cho khả năng đó. Trên trần gian, những vị thánh
cảm nghiệm được một chút hạnh phúc đã kêu thét lên : "Ðủ rồi, lạy
Chúa, đã đủ niềm vui : trái tim con không thể chứa đựng thêm nữa !".
Ðó là niềm vui do tình yêu giữa Thiên Chúa và tạo vật đến mức thành
toàn. Chỉ có kinh nghiệm của các thánh mới có thể giúp chúng ta nắm
lấy một tia sáng mờ nhạt hầu soi sáng những thực tại vượt quá kinh
nghiệm của chúng ta. Một ngày kia, vào dịp lễ Dâng Ðức Giêsu vào
Ðền Thờ, chân phước Angèle được một thị kiến : ngài nhìn thấy những
gì xảy ra khi chúng ta, chỉ là thân tạo vật, bước qua ngưỡng cửa vĩnh
cửu, được "trình diện" trước Thiên Chúa, và khi mọi bức màn đều rơi
xuống, Thiên Chúa tự vén mở cách huyền diệu cho tạo vật của Ngài,
và tạo vật vén mở với Thiên Chúa và với chính mình : "Khi đó tâm
hồn tôi tỏ bày trước Chúa trong niềm vui sướng quá đỗi lớn lao, chưa
bao giờ tâm hồn tôi được biết đến, với niềm hỷ hoan thật cao vời,
mới mẻ, và do một phép lạ hết sức khác thường, đến nỗi tôi chưa
bao giờ được trải qua một kinh nghiệm tương tự. Bấy giờ tôi được gặp
gỡ với Thiên Chúa và cùng lúc tôi hiểu và cảm nghiệm nơi bản thân
mình thế nào là tỏ lộ và trình bày tâm hồn trước Chúa. Chính niềm
hoan lạc phát sinh từ đó cũng khác với những niềm hoan lạc trước
kia. Tôi được nghe những lời hết sức cao siêu mà tôi không muốn
ngài ghi lại 6". Trong một kinh nghiệm tương tự, thánh Phaolô
nói ngài cũng được nghe những lời bí nhiệm mà người phàm không được
phép nhắc lại (2C 12, 4). Dựa vào những mạc khải tương tự chúng ta
đọc thấy nơi các thánh mà suy xét thì phải nói rằng, những lời cao
siêu, bí nhiệm đó là những lời Thiên Chúa bày tỏ sự hài lòng của
Ngài đối với tạo vật của mình, và tỏ cho người đó biết, dưới mắt
Ngài, người đó quí giá và đẹp đẽ biết bao : những lời như thế có
thể khiến kẻ không hiểu biết, phàm tục, đi đến chỗ nghĩ rằng, không
phải tâm hồn đã được Chúa xuống thăm mà là tên Cám Dỗ.
Tâm tưởng Ðức Maria còn hướng đến chúng ta
hay không ? Phải chăng trong vinh quang, Người đã quên chúng ta ? Như
Esther khi đã được đưa vào hoàng cung, người không quên dân mình đang
bị đe dọa, vì dân, người kêu cầu cho đến khi nào kẻ thù bị loại trừ,
kẻ đang tìm cách tiêu diệt dân tộc của người. Có lẽ không ai có
thể áp dụng những lời sau đây của thánh Têrêsa Hài đồng đúng hơn Ðức Maria : "Tôi cảm thấy sứ
mạng của tôi cho các tâm hồn. Nếu Thiên Chúa đoái nhận những ước
vọng của tôi, thì tôi sẽ sống phúc Thiên Ðàng trên trần gian cho
đến tận thế. Vâng, tôi muốn sống phúc Thiên Ðàng để thi ân trên
trần gian 7". Têrêsa đã tái khám phá và nhận ơn gọi của
Ðức Maria làm của mình mà không hay. Người đã sống phúc Thiên Ðàng
để thi ân trên trần gian, và tất cả chúng ta đều là chứng nhân cho
điều đó.
Ðức Maria đang chuyển cầu. Về Ðức Giêsu, Kinh
Thánh nói rằng Ngài đã sống lại và "đang chuyển cầu cho chúng ta"
(x. Rm 8, 34). Ngài đang chuyển cầu cho ta bên Chúa Cha, Ðức Maria
chuyển cầu cho ta bên Chúa Con. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô xác định :
"Sự trung gian của Ðức Maria mang đặc tính chuyển cầu 8". Mẹ
là người trung gian theo nghĩa Mẹ chuyển cầu. Tước hiệu này của Ðức
Maria, vốn gây nhiều dè dặt, sẽ có thể hiểu được đối với anh em Tin
Lành nếu chúng ta dùng đến những hình ảnh loại suy từ dưới có trong
Kinh Thánh. Trong sách Macabê II (15, 14) chúng ta thấy Yêrêmia, một
người đã chết từ nhiều thế kỷ trước, đang cầu khấn cho dân mình.
Cuốn sách này dù không được mọi Kitô hữu xem là sách được linh
hứng, nhưng ít ra cũng làm chứng về một niềm tin tưởng đã có trong
Kinh Thánh ngay từ thời Cựu Ước. Chính Yêrêmia cũng đã trình bày
Môisê và Samuel như những vị chuyển cầu đầy thế giá (Yr 15, 1). Dân
nài xin Thiên Chúa nhớ đến Abraham, Ðavít và những thử thách các vị
đã trải qua mà cứu giúp họ trong giây phút hiện tại (x. Dn 3, 35 ; Tv 132, 1). Vì thế, việc Giáo Hội
gán cho Mẹ Thiên Chúa khả năng chuyển cầu thì có gì lạ đâu ? Trong
Cựu Ước, chúng ta nghe Giavê Thiên Chúa than không tìm thấy trên mặt
đất "những kẻ bầu chữa" (chuyển cầu) bên Ngài để Ngài đừng xuống
tay đánh dân (Ys 59, 16 ; Ez 22, 30). Lẽ nào Ngài lại phải thốt lên
tiếng than đó giữa các thánh trên trời sao ?
Niềm tin vào khả năng chuyển cầu vô song của
Mẹ Thiên Chúa xây dựng trên chân lý về các thánh thông công (hiệp
thông các thánh, communion des saints) vốn là một điều khoản trong kinh
Tin Kính chung. Và chắc chắn rằng sự hiệp thông này không loại trừ
các thánh, những người mà từ nay đang ở bên Thiên Chúa.
Khả năng chuyển cầu của Ðức Maria trên trời
khác với khả năng người thể hiện ở Cana, khi Người nói : "Họ không có rượu nữa !" (Yn 2,
3). Việc biến đổi đã xảy ra, điều hết sức quan trọng đối với chúng
ta là hiểu được sự kiện này. Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa trong cuộc
đời trần thế của Ngài, nhưng Ngài sống theo phận làm Con đó "theo
xác phàm", nghĩa là một cách ẩn giấu, trong thân phận khiêm hạ, chịu
đau khổ, chịu chết. Qua sự Phục Sinh, Ngài trở thành "Con Thiên Chúa
với quyền năng" (Fils de Dieu avec puissance) (Rm 1, 3 - 4). Một điều gì
đó tương tự cũng đã xảy ra với Ðức Maria. Người đã là Mẹ Thiên
Chúa từ trần gian này, nhưng Người sống chức vụ làm Mẹ đó cách ẩn
giấu, trong sự từ bỏ chính mình. Khi đã được thông dự vào vinh quang
của Con mình, Người trở thành "Mẹ Thiên Chúa với quyền năng". Giờ
đây Thiên Chúa có thể bày tỏ ra trọn vẹn điều Ngài đã thực hiện
nơi Mẹ. Quyền năng của Mẹ Thiên Chúa không phải là một quyền năng
độc lập riêng biệt, song song với quyền năng của Thiên Chúa hay của
Ðức Kitô mà là một quyền năng cầu bầu.
Ðức Maria có thể "ra lệnh" cho Thiên Chúa, như
tâm tình đạo đức của các tín hữu một đôi khi nói đến hay không ? Ðó
không phải là lời lộng ngôn phạm thương sao ? Thánh nữ Catherine de
Gênes, một vị thánh mà ngay cả anh em Tin Lành cũng quí mến và hân
hoan chấp nhận vì ý thức của ngài về tính siêu việt của Thiên Chúa
và vì sự từ khước của ngài không cậy vào các ân xá hay những điều
tương tự cách dễ dãi, đã nói rằng, đôi lúc, ngài cầu nguyện với ý
định xin Chúa điều gì đó, thế nhưng trong nội tâm, ngài lại nghe thấy
tiếng của Tình Yêu nói với mình : "Hãy ra lệnh, vì Tình Yêu có thể
làm như vậy 9". Vì thế, ta có thể nói rằng khi cầu khẩn,
Ðức Maria "ra
lệnh" cho Thiên Chúa, điều này đúng và có thể chấp nhận
được, miễn là đừng làm sai lệch ý nghĩa của nó. Quyền năng cầu bầu
của Ðức Maria dựa trên tình yêu của Người đối với Thiên Chúa. Thiên
Chúa hứa ban tất cả những gì chúng ta xin "theo ý Ngài" (1Yn 5, 14).
Những điều Ðức Maria xin, Ngài lại càng nhận lời hơn nữa vì Người chỉ
xin những gì đúng theo Thánh Ý Thiên Chúa. Khi một thụ tạo mong muốn
tấ cả những điều Thiên Chúa thực hiện thì Thiên Chúa thực hiện tất
cả những gì thụ tạo đó mong muốn.
Ở đây, chúng ta không chế tác ra những suy
diễn trừu tượng. Quyền năng cầu bầu của Ðức Maria được chứng tỏ qua
lịch sử, nghĩa là "cách hậu nghiệm" (a posteriori) chứ
không phải "cách tiên thiên" (a priori) khởi từ một nguyên lý
nào đó không biết. Từ thực tế xảy ra (d’être) ta được phép đi
ngược lên đến cái khả năng làm cho thực tế đó có thể xảy ra (pouvoir
d’être). Việc Ðức Maria xin được các ân sủng và sự trợ
giúp cho Giáo Hội lữ hành là thật vì đó là việc đã xảy ra và ta
có thể nhận thấy được. Có những người xin được rất nhiều ơn lành
và qua những dấu hiệu rõ rệt, họ ý thức rằng mình được những ơn đó
là nhờ Ðức Maria ! Nếu từ ngữ "Ðấng trung gian" gây ra khó khăn nào
đó thì cứ việc dùng những từ khác hoặc không dùng từ nào cả nếu
muốn. Nhưng xin hãy tin vào thực tại, tin vào "đám mây nhân chứng
lớn lao" (Hr 12, 1), để đừng xúc phạm đến Ðấng đã muốn sự thể như vậy.
Vai trò của Ðức Maria đối với đoàn dân lữ
hành của Thiên Chúa có thể so sánh với vai trò của "vầng mây sáng"
trong sa mạc, vầng mây là sự trợ lực ban ngày và là ánh sáng ban
đêm cho đoàn dân đang tiến về Ðất Hứa. Ðến nỗi họ có thể đi vào
cả ban đêm (Xh 13, 21tt ; Tl 9, 16).
Theo nghĩa này, vai trò của Ðức Maria cũng có
thể lấy hình ảnh mặt trăng để minh họa. Vầng trăng không chiếu tỏa
bằng ánh sáng riêng mình nhưng bằng ánh sáng mặt trời nó đã nhận
và phản chiếu trên địa cầu. Cũng vậy, Ðức Maria không chiếu soi bằng
ánh sáng riêng của Người nhưng bằng ánh sáng của Ðức Kitô. Vầng
trăng soi sáng ban đêm khi mặt trời đã lặn và trước khi mặt trời mọc
lại. Ðức Maria thường soi sáng những người đi qua đêm tối tội lỗi,
nếu họ ngõ lời kêu cầu Người. Vào lúc ban mai khi mặt trời mọc,
vầng trăng tự xóa mình đi, không dám có ý cạnh tranh với mặt trời :
cũng vậy khi Ðức Kitô đến trong tâm hồn và thăm viếng tâm hồn bằng
sự hiện diện của Ngài, thì Ðức Maria tự xóa mình và nói như Gioan
Tẩy Giả : "Ðó là niềm vui của tôi, niềm vui đã tràn đầy. Ngài phải
lớn lên còn tôi phải nhỏ lại" (Yn 2, 19tt).
Các Giáo Phụ thích áp dụng hình ảnh biểu
tượng mặt trời mặt trăng này cho mối tương quan giữa Ðức Kitô và
Giáo Hội 10 : như vậy chúng ta thấy Ðức Maria và Giáo Hội
là những thực tại gợi nhớ tên nhau biết bao nhiêu, như thể là hình
bóng của nhau.
Ðức Maria là như thế đối với chúng ta và đã
làm như thế cho chúng ta. Ðể đáp lại chúng ta phải làm gì ? Lời tiên
tri Isaia dường như trả lời cho câu hỏi này : chỉ cần thay thế tên
Giêrusalem bằng tên của Ðức Maria, thiếu nữ Sion, và khi đó sẽ có
một lời mời gọi tuyệt vời gửi đến tất cả chúng ta :
"Hãy chia vui với Maria
Hãy nhảy mừng vì Người, những ai yêu mến
Người
Với Người, hãy hân hoan vui sướng
Tất cả những ai đã mang tang Người !
Ngõ hầu các ngươi được bú no nê sữa ủi an
phát nguồn nơi Người
Ngõ hầu các ngươi được hút uống thoả thuê
sữa vinh quang từ Người ứa ra
Vì đây là lời của Giavê :
Này Ta sẽ hướng bình an tới Người như dòng sông cả
nguồn phú vinh các nước như thác lũ
và các ngươi sẽ được bú mớm,
được bế bên sườn và được nâng niu trên đầu gối" (Ys 66, 10 - 12).
Chúng ta có thể làm nhiều hơn là vui mừng với Ðức Maria và nhảy mừng hân hoan về Người. Chúng ta có thể giúp Người tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi vì điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi Người. Một vịnh gia đã nói : "Hãy tôn dương Giavê làm một với tôi, cùng nhau ta hãy tán tụng Danh Người !" (Tv 34, 4). Ðức Maria cũng mời gọi chúng ta như vậy. Có lẽ chúng ta không thể dâng lên Người niềm vui nào lớn hơn là việc làm cho trái đất vang lên bài thánh ca của Người, để ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa về những việc lớn lao Người đã thực hiện nơi Người.
Và tiếp đến là bắt chước noi gương. Nếu chúng ta yêu mến, chúng ta hãy noi theo là kết quả tốt nhất của tình yêu. Việc cùng đi với Ðức Maria của chúng ta chỉ mong là một cách noi theo Người, thật sự nhận Mẹ làm Người Hướng Dẫn thành thạo am tường trên con đường tiến tới sự biến đổi trọn vẹn trong Ðức Kitô và tiến tới sự thánh thiện. Khi đã đến cuối đường và khi chiêm ngắm Người lên trời "cả hồn lẫn xác", chúng ta hãy nhớ đến một cuộc lên trời khác, tuy rất khác với cuộc lên trời của Người, đó là cuộc lên trời của Elia. Trước khi thấy người thầy và là người cha của mình biến đi trên chiếc xe bằng lửa, Elysa, người môn đệ trẻ, đã xin thầy : "Xin cho con được gấp đôi về Thần Khí của Ngài" (2V 2, 9). Với Ðức Maria, người mẹ và là người thầy của chúng ta, chúng ta cũng dám xin điều tương tự : Ôâi lạy Mẹ, xin cho Thần Khí của Mẹ trở thành Thần Khí của chúng con ; xin cho lòng tin, lòng cậy trông, lòng mến của Mẹ trở thành của chúng con ; xin cho lòng khiêm hạ và đơn sơ của Mẹ trở thành của chúng con. Xin cho tình yêu của Mẹ đối với Thiên Chúa trở thành của chúng con ! "Ước chi tâm hồn của Ðức Maria ở trong mỗi người chúng ta, để người tôn dương Thiên Chúa ; ước chi Thần Khí của Ðức Maria ở trong mỗi người chúng ta, để Thần Khí Người nhảy mừng trong Thiên Chúa 11".
Trong cuốn sách này, chúng ta nói về Ðức Maria, và đã được "soi gương" nơi Ðức Maria, nhưng luôn luôn quy tất cả về Thiên Chúa, và Ðức Maria chỉ được xem như một dụng cụ, chúng ta đã tôn vinh Thiên Chúa chứ không phải tôn vinh Ðức Maria. Tuy nhiên, nếu trước khi chia tay, mà chúng ta không nói với Người, dụng cụ khiêm nhường và là "tấm gương không tỳ vết", một lời cám ơn từ thẳm sâu tâm hồn thì quả là vô ơn, tệ bạc. Chúng ta nghĩ con đường của Mẹ gian khổ và chông gai biết bao, và Mẹ đã yêu thương chúng ta ngần nào. Chúng ta cám ơn Mẹ bằng cách mượn lại ngôn từ của một trong rất nhiều người đã trở về với Chúa nhờ Ðức Maria :
"Bởi vì Người ở đó mãi mãi,
Chỉ vì Người là Maria,
Chỉ vì Người hiện hữu,
Ôâi Mẹ Ðức Giêsu kitô,
Xin được tạ ơn Người 12" !
1. Saint Augustin, Sermons 72A (= Denis 25), 7 (Miscell. Agost I, p. 163).
2. Lumen gentium 68.
3. Dante Alighieri, Paradis XXXIII, 10 - 12.
4. Le livre de la Bienheureuse Angèle de Foligno, op. cit p. 256.
5. Saint Augustin, Sur les Psaumes 53, 10 (CC 38, p. 653s).
6. Le livre de la Bienheureuse Angèle de Foligno, op. cit p. 394.
7. Sainte Thérèse de l’Enfant Jésus, Novissima Verba, 17 Juillet.
8. Jean Paul II, Encyclique Redemptoris Mater 21 (AAS 79, 4987, p. 389).
9. Sainte Catherine de Gênes, Vie 32 (Turin, 1962, p. 262).
10. Cf. H. Rahner, Symbole der Hirche, Salisbourg, 1964.
11. Saint Ambroise, Sur l’Évangile selon Luc II, 26 (CSEL 32, 4, p. 55).
12. P. Claudel, La vierge à midi, dans Oeuvres poétiques, Paris, Gallimard 1967, p. 541.