TRINH
NỮ MA-RI-A
Một số người không thể thừa nhận
Đức Ma-ri-a thực sự là mẹ Thiên Chúa vì họ không nghĩ là Mẹ đã chu toàn chức
năng làm mẹ khi mang thai và sinh hạ Đức Giê-su Ki-tô. Là con của Ma-ri-a, Đức Giê-su Ki-tô đã chịu
ơn Mẹ cũng như bất cứ người con nào chịu ơn của mẹ mình.
Tình mẫu tử của Ma-ri-a với Đức
Ki-tô đã là một quan hệ có thực và giữa tình người với người – một quan hệ
huyết thống vì Đức Ki-tô là một phần tử trong gia đình của Mẹ, dân tộc của Mẹ
và của toàn thể nhân loại.
“Nhưng các anh nói với chúng tôi
là Ma-ri-a vẫn còn đồng trinh,” một số người sẽ nói như vậy. “Chắc chắn nếu
ngài vẫn còn đồng trinh khi có thai Đức Ki-tô, thì ngài không phải là mẹ của
Đức Ki-tô theo ý nghĩa thường tình được.”
Phải nhớ rằng cách thức Ma-ri-a có
thai Đức Ki-tô là một việc, còn sự kiện ngài đã thực sự mang thai Đức Kitô lại
là một việc khác. Sự vắng mặt của người
cha nhân loại trong việc có thai Đức Kitô không liên quan gì đến sự đồng trinh
của Ma-ri-a, nhưng thực tế của vai trò làm mẹ khi mang thai Đức Kitô không vì
thế mà bị ảnh hưởng. Học hỏi kỹ lưỡng
về những dữ kiện đã được viết trong chương thứ nhất của sách Tin Mừng Lu-ca sẽ
làm sáng tỏ vấn đề này.
Có nhiều chi tiết ý nghĩa đã được
ghi lại trong câu truyện Truyền Tin khi Ma-ri-a chấp thuận làm mẹ Đấng Cứu
Thế. Nhưng vì mục đích của bài này,
chúng ta chỉ chú trọng đến những chi tiết làm sáng tỏ những dữ kiện cốt yếu của
mầu nhiệm Nhập Thể.
Nên nhớ rằng chính Thiên Chúa là
Đấng đóng vai trò quan trọng trong câu truyện này. Thiên Thần Gáp-ri-en chỉ là
sứ giả của Thiên Chúa. “Thiên Chúa sai
sứ thần Gáp-ri-en... đến gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là
Giu-se... Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a” (Lc 1:26-28). Có thể hiểu được rằng một trinh nữ khiêm hạ như Ma-ri-a sẽ cảm
thấy bối rối và ngạc nhiên trước vinh dự và kính trọng sứ thần Thiên Chúa dành
cho ngài qua lời kính chào ngài là “Người được chúc phúc giữa những người nữ”.
Tại sao Ma-ri-a xứng đáng được kính trọng như vậy? Lý do được trả lời ngay:
bởi vì “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su”
(nghĩa là Thiên Chúa cứu độ) – một danh xưng nói lên công việc của Ngài, “vì
chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1:21).
Thiên thần đã tuyên bố những việc
trọng đại và vinh dự về người con trai sẽ được sinh ra bởi Ma-ri-a, nhưng việc
này đã không làm cho Ma-ri-a bối rối.
Ngài đã giản dị tin và chấp nhận đó là những gì Thiên Chúa hoạch
định. Ưu tư của Ma-ri-a không phải là
việc này có thể thực hiện được hay không, mà là “Làm sao việc này có thể xảy ra
được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”
Câu trả lời này chứa đựng nhiều điều khác nữa, chứ không phải như chúng
ta vừa thoạt nhìn.
Ma-ri-a đã đính hôn với Giu-se và
việc đính hôn của ngài có nghĩa là ngài đã trao đổi với Giu-se những lời hôn
ước. Giả như việc đính hôn hôn của
Maria không có gì bất thường và ngài không quyết định giữ mình đồng trinh, thì
sứ điệp của thiên thần phải cho thấy Ma-ri-a sẽ hợp tác với kế hoạch của Thiên
Chúa theo cách tự nhiên của loài người để trở thành một người mẹ. Nhưng Ma-ri-a, một trinh nữ đã đính hôn, đã
thực sự khẳng định rằng theo quan điểm của ngài, ngay cả kế hoạch của Thiên
Chúa cũng không thể được thực hiện do quan hệ vợ chồng với người đàn ông.
Thiên thần đã giải đáp khó khăn
này khi lập tức giải thích rằng việc thụ thai Đức Giêsu không phải là do liên
hệ vợ chồng với người đàn ông, mà là do quyền năng của Thiên Chúa. Vẫn là một trinh nữ và vẫn giữ được sự đồng
trinh, Ma-ri-a sẽ cưu mang Đức Giê-su và trở thành một người mẹ.
Mọi nỗi lo lắng về sự đồng trinh
đã được giải tỏa, ngài đơn giản chấp nhận với tất cả lòng mình và thiên thần đã
từ biệt ngài, sứ mệnh của thiên thần đã hoàn tất. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Mầu nhiệm Nhập Thể đã được thực hiện. Khi Ma-ri-a nói: “Xin Chúa cứ làm cho tôi
như lời sứ thần nói,” thì Con Thiên Chúa đã mặc lấy thân xác người phàm trong
lòng Ma-ri-a.
Qua suốt biến cố phi thường này
theo như Lu-ca đã thuật lại, hiển nhiên với những tư liệu ngài có được từ chính
Đức Ma-ri-a, thì không thấy có một ý tưởng hay nhắc nhở nào về vị hôn phu là
Giu-se. Thực ra, cả thiên thần lẫn
Ma-ri-a đều rõ ràng gạt ra ngoài sự can thiệp của người đàn ông. Trong trình
thuật của Mát-thêu, khẳng định minh bạch là Đức Giê-su không phải là con của
ông Giu-se.
Hai dữ kiện quan trọng và không
thể chối cãi đứng biệt lập trong trình thuật Tin Mừng, đó là việc Ma-ri-a thụ
thai Con Thiên Chúa và việc ngài vẫn còn đồng trinh. Trước hết, chúng ta hãy xét lúc Ma-ri-a bắt đầu mang thai khi
ngài lần đầu tiên sống tình mẫu tử người-với-người đối với Con Thiên Chúa.
Một nguyên lý mọi người đều chấp
nhận, đó là người đàn bà được gọi là mẹ vì bà mang thai một đứa bé. Hành vi đầu tiên của chức phận làm mẹ là với
những bộ phận của người phụ nữ bà sẽ cung cấp một cái trứng để nó có thể phát
triển thành cơ thể con người. Nguyên
việc này thôi chưa đủ để làm cho người đàn bà thành một người mẹ, nhưng mới chỉ
là có thể làm mẹ. Vì trứng không phải
là một con người.
Chức năng của người cha trong việc
cung cấp tinh trùng giúp cho trứng thụ thai cũng cần phải có y như thế. Nhưng nguyên việc thụ thai không làm cho
trứng thành một con người. Cả hai chức
năng làm mẹ và làm cha không thể truyền linh hồn thiêng liêng. Và nếu không có
linh hồn, thì không có gì gọi được là bản tính loài người hay một con người.
Trong việc sinh sản tự nhiên và
bình thường của con người, khi cả hai chức năng làm mẹ và làm cha kết hợp lại,
thì cùng lúc ấy Thiên Chúa cũng tạo dựng linh hồn con người để làm sống động
trứng đã được thụ tinh trong lòng người mẹ, và như vậy là một con người đã được
thụ thai. Đó luôn luôn là bản tính con
người của một cá nhân – một người có bản tính loài người.
Điều quan trọng không phải là việc
người đàn bà không được dự phần vào việc tạo ra yếu tố thiêng liêng trong bản
chất loài người của đứa bé bà cưu mang (vì yếu tố ấy do Thiên Chúa trực tiếp
tạo dựng nên), nhưng là việc bà đã cung cấp những chất liệu từ thân thể mình để
đi tới việc cấu tạo bản chất loài người của đứa bé, cho nên danh hiệu mẹ dành
cho bà là đúng.
Ma-ri-a được thiên thần xưng tụng
là “người được chúc phúc trong giới phụ nữ” là vì danh hiệu tuyệt vời của ngài
khi cưu mang Đức Giê-su Ki-tô. Ma-ri-a không chỉ là mẹ của một người con trai,
nhưng là mẹ của Con Thiên Chúa. Cái
trứng mà Ma-ri-a cung cấp đã được thụ thai cách nhiệm mầu trong lòng do quyền
năng của Thiên Chúa. Cũng trong lúc đó,
bản tính loài người gồm có thân thể và linh hồn đã bắt đầu hiện hữu và là của
Con Thiên Chúa, Đấng đã mặc lấy nó.
Ma-ri-a đã trở thành mẹ Thiên Chúa khi phôi thai thân thể Đức Ki-tô được
nên sống động nhờ có linh hồn nhân loại, và lập tức lúc đó Ngài đã khởi đầu
cuộc sống nhân loại của Ngài trong lòng Đức Ma-ri-a. Việc này đã xảy ra khi mẹ chấp nhận sứ điệp của Thiên Chúa do
thiên thần loan báo, và bởi đó, Ma-ri-a được quyền và được gọi với tước hiệu là
mẹ Thiên Chúa.
Rõ ràng là chức phận làm mẹ của
Ma-ri-a, dù tưởng tượng cách nào đi nữa, đã không liên quan gì với việc “sản
xuất Thiên Chúa.” Chính tư tưởng ấy tự
nó đã là phi lý. Tính cách độc lập hoàn
toàn của Đấng Tối Cao loại bỏ bất cứ việc “sản xuất” nào không phải do Ngài muốn. Nhưng Ma-ri-a đã có thể, và đã thực sự cống
hiến thịt máu mình cho một ngôi Thiên Chúa để Ngài trở nên người phàm trong
lòng mình, thịt máu đã làm cho ngôi Thiên Chúa ấy thành một con trẻ sinh ra bởi
ngài. Do đó, Ma-ri-a đã có mối quan hệ
người-với-người đối với Đức Ki-tô, một mối liên hệ ruột thịt giống như mối quan
hệ của bất cứ bà mẹ nào với con mình.
Chức năng làm mẹ của Ma-ri-a trong
lúc cưu mang Đức Ki-tô thật là tự nhiên, bình thường và chẳng có gì lạ
lùng. Phép lạ trong việc thụ thai Đức
Ki-tô là trong khi không có mặt một người cha nhân loại thì quyền năng của
Thiên Chúa đã chủ động làm cho việc có thai của Ma-ri-a được thể hiện mà không
cần đến quan hệ vợ chồng dưới bất cứ hình thức nào. Đồng thời việc làm lạ lùng này của Thiên Chúa đã bảo vệ sự đồng
trinh của Đức Ma-ri-a và làm cho ngài thành một người mẹ. Như thế, chức năng làm mẹ của Ma-ri-a không
phải là mầu nhiệm, nhưng mầu nhiệm ở chỗ quyền năng của Thiên Chúa thay thế cho
chức năng của người cha nhân loại.
Việc Ma-ri-a mang thai Đức Giê-su
Ki-tô nhờ quyền năng của Thiên Chúa mà vẫn còn là một trinh nữ hoàn toàn là sự
lạ lùng. Cha Walter Farrell, O.P., viết
rằng: “Thách đố của biến cố này hôm nay là một phần của thách đố chung đối với
đời sống siêu nhiên. Thách đố không mang danh nghĩa tiến bộ khoa học, mặc dù
khoa học đang làm cho nhiều người ngày nay chối bỏ chân lý ấy, nhưng là mang
danh nghĩa suy thoái Đức tin. Ở đây
không đặt ra bất cứ vấn đề khoa học nào cả;
bởi vì điểm chính của vấn đề không phải là những gì nguyên nhân gián
tiếp (tức là một thụ tạo) có thể làm được trong cái tiến trình thể chất, nhưng
là những gì nguyên nhân trực tiếp (tức là Thiên Chúa) có thể làm được. Nói theo triết học, dù bất cứ khó khăn nào
đi nữa thì sự đồng trinh lạ lùng này cũng không phải là điều không thể có. Nếu người cha tự nhiên hành động là nhờ
nguyên nhân trực tiếp (Thiên Chúa) như mọi sự đều phải làm như thế, thì chắc
chắn nguyên nhân trực tiếp (Thiên Chúa) cũng có thể làm nên một hiệu quả giống như
vậy mà không cần người cha tự nhiên... Thiên Chúa có thể làm bất cứ điều gì
Ngài đã cho tạo vật của Ngài có khả năng để làm.”
Những người chỉ trích về việc lạ
lùng này không thể dựa trên luận lý cho rằng Thiên Chúa không có quyền năng mà
Ngài đã ban cho thụ tạo của Ngài hoặc đòi những hành động của Thiên Chúa phải
đi theo phương thức hành động của loài người.
Việc Ma-ri-a có thể mang thai Đức Ki-tô mà vẫn còn đồng trinh là đơn
giản; bởi vì sự kiện phải được chấp
nhận do đức tin của những ai muốn tin vào lời thiên thần: “Đối với Thiên Chúa
thì không có chuyện gì mà không thể được.”
Nhưng ngay cả khi việc Ma-ri-a
mang thai Đức Ki-tô mà vẫn còn đồng trinh đã được thể hiện, thì vẫn còn có câu
hỏi: “Tại sao việc ấy lại cần thiết?”
Con Thiên Chúa có thể đến trần
gian này với bản tính nhân loại và cư ngụ giữa chúng ta mà không cần phải qua
những diễn tiến thụ thai, sinh ra, lớn lên, cũng như những điều khác. Nhưng nếu làm như thế, thì chắc chắn người
ta sẽ nghi ngờ về nam tính của Ngài có thực không, và do đó cái chết và sự phục
sinh của Ngài có thực không. Để tránh
những nghi ngờ như thế mà Ngài đã được sinh ra giống như chúng ta được sinh ra.
Nhưng tại sao phải cần thiết để
Ma-ri-a vẫn còn đồng trinh?
Hugh Pope viết: “Chúng ta hãy tưởng tượng Đức Trinh Nữ như
một bà mẹ bình thường có mấy người con.
Bất ngờ một trong những người con ấy tuyên bố anh ta là đấng
Mê-xi-a. Người ta sẽ dễ dàng thấy những
người con khác bực bội. Bây giờ giả sử
người con đó tự xưng là Đấng Cứu độ loài người. Anh em của anh ta tự nhiên sẽ hỏi rằng: chính anh ta là một người bình thường, cũng cần phải được cứu độ,
lại cứu độ được người khác sao. Anh ta
sẽ phải cắt nghĩa rằng anh ta là Thiên Chúa làm người. Nhưng điều này sẽ làm cho họ hỏi vặn lại: ‘Anh được sinh ra, nên anh là con người, vậy
anh không thể tự xưng bất cứ điều gì khác được’ và họ có thể sẽ lý luận rằng
được sinh ra thì anh cũng giống như mọi người khác, phải chịu chung hình phạt
như A-đam và con cháu ông và do đó, chính anh ta cũng cần được cứu độ. Vì chứng lý của họ không thể đối đáp được,
nên anh ta sẽ có câu trả lời nào khác ngoài câu trả lời anh ta được sinh ra do
một người nữ đồng trinh?”
Là người mẹ nhân loại độc nhất của
Đức Giê-su Ki-tô, Ma-ri-a đã đem Ngài vào thế giới như một phần tử trong gia
đình thuộc dòng dõi vua Đa-vít theo lời ngôn sứ đã loan báo, như một phần tử
trong nước Do Thái và như một phần tử của nhân loại thuộc A-đam. Nếu tất cả chúng ta là anh chị em với nhau
(chắc chắn chúng ta là như vậy), thì Đức Giê-su Ki-tô khi được Ma-ri-a sinh ra
cũng hoàn toàn có quyền là một người trong chúng ta. Nhưng vì sinh ra bởi một người đồng trinh, nên Đức Giê-su Ki-tô
không thuộc dòng dõi A-đam. Sự không có
mặt của người cha nhân loại có nghĩa là lúc được thụ thai, Ngài không bị mang
tội tổ tông và cũng không cần phải được gìn giữ để khỏi bị tội tổ tông. Vì Ngài là Đấng cứu độ loài người khỏi tội
lỗi nên dưới bất cứ ý nghĩa nào Ngài không cần được cứu độ khỏi tội lỗi.
Nhưng một khi đã hiểu Ma-ri-a thực là mẹ đồng trinh của Thiên Chúa, thì
địa vị của mẹ trong kế hoạch cứu độ loài người của Thiên Chúa qua Đức Ki-tô sẽ
trở nên rõ ràng. Ma-ri-a không phải chỉ
là một khí cụ tầm thường trong việc thực hiện chương trình của Thiên Chúa, một
thứ khí cụ được coi là hữu dụng đấy, nhưng rồi cũng chẳng ai còn nhìn tới và bị
rơi vào quên lãng. Thiên Chúa Toàn Năng
đã không tôn vinh Ma-ri-a khi làm cho ngài trở thành mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa
mà lại không muốn chúng ta cũng phải tôn kính ngài. Không phải là không có lý khi Đức Ma-ri-a đã được liệt vào bản
tóm tắt lâu đời nhất về những điều cốt yếu của Đức Tin Ki-tô giáo mà chúng ta
gọi là Kinh Tin Kính của các Tông Đồ: “Chúa Giê-su Ki-tô... sinh bởi Đức Bà
Ma-ri-a đồng trinh.”
Do đó, Đức Ma-ri-a đã thực sự và
đích thực là mẹ Thiên Chúa. Có sự tôn
kính loài người nào là quá mức để tôn kính Đức Ma-ri-a bởi ngài có quan hệ mật
thiết như thế với chính Thiên Chúa không?
Thiên Chúa đã có thể ban tặng cho một phụ nữ nào khác một danh giá lớn
lao hơn bằng cách ban cho bà ấy một người con vĩ đại hơn là người con Ngài đã
ban cho Đức Ma-ri-a? Điều ấy không thể
có được!
Nguyễn Việt
Hữu
Chuyển Ngữ