ĐÂY LÀ MẸ CỦA ANH

 

 

Bạn có nghĩ Đức Ma-ri-a là người phụ nữ có tầm vóc quan trọng trong lịch sử nhân loại chỉ vì ngài đã có cơ may trở nên mẹ Đức Giê-su Ki-tô, một nhân vật lịch sử vĩ đại nhất trong mọi thời không?  Ngài chỉ là thế đối với thế giới hôm nay hay sao?  Hay vai trò làm Mẹ Đức Ki-tô còn có một quan hệ thực tế đối với chúng ta?

 

Khi đặt câu hỏi này, chúng ta không thể bỏ qua vấn đề Đức Kitô là ai  (tức là Con Thiên Chúa làm người),  nhưng còn một vấn đề nữa cũng có tầm quan trọng như vậy, đó là tại sao Ngài đã làm người  (tức là Ngài thể hiện lời hứa của Thiên Chúa sẽ cứu con người khỏi tội lỗi).  Điều đó có ý nghĩa đối với chúng ta.  Đúng vậy, chúng ta có thể xét những câu hỏi và những câu trả lời này biệt lập nhau;  nhưng trong thực tế tất cả chỉ là những giai đoạn khác nhau trong một chương trình thống nhất để cứu độ chúng ta.  Nếu Đức Ma-ri-a đã có liên hệ với Đức Ki-tô để cứu độ chúng ta nhờ cái chết của Ngài trên thập giá, thì Đức Ma-ri-a cũng có một liên hệ quan trọng đối với bạn và tôi trong thế giới hôm nay.

 

Người Ki-tô hữu có đúng không khi họ tin và sùng kính Đức Ma-ri-a – một phụ nữ khiêm tốn và đạo đức Do Thái –  là mẹ của Đức Giê-su và chỉ có thế thôi?  Tân Ước ghi lại việc ngài đi viếng bà Elizabeth, việc sinh hạ Đức Giêsu trong thành Bethlehem, vai trò của ngài trong phép lạ nước hóa rượu trong tiệc cưới ở thành Ca-na, sự hiện diện của ngài dưới chân Thánh giá khi Đức Ki-tô sinh thì, và với các môn đệ trong phòng Tiệc ly hôm lễ Ngũ tuần.  Câu hỏi được đặt ra là tất cả những sự việc trên có liên quan gì đến việc cứu rỗi chúng ta?  Thánh Phao-lô đã chẳng nói chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng Trung Gian giữa con người và Thiên Chúa đó sao?  Và Thánh Phê-rô đã chẳng tuyên xưng rằng chính bởi tên một người – Giê-su Ki-tô – mà chúng ta được cứu độ sao?  Và trong vài trường hợp chẳng phải chính Đức Ki-tô đã trách Mẹ Ma-ri-a xen vào công việc của Ngài khi Ngài phải lo công việc của Cha Ngài sao?  Bởi thế chúng ta có nên để Đức Mẹ lui vào hậu trường không, kẻo khi tôn vinh Mẹ, chúng ta sẽ làm giảm đi việc tôn vinh phải dành cho Đức Ki-tô?

 

Những câu hỏi này có thể sẽ phản ảnh thái độ của một số độc giả và chúng tôi muốn nhắc đến ở đây để chúng ta cẩn thận trước quan điểm của họ.  Theo Công giáo thì quan điểm này sai lầm. 

 

Thái độ này không phải là thái độ có tính cách lịch sử của Ki-tô hữu trong Giáo Hội Công giáo từ thuở sơ khai đến nay.  Thái độ ấy không dựa trên những điều Kinh Thánh nói chúng ta phải có thái độ như thế nào đối với Đức Ma-ri-a, nhưng thái độ phải có này đã được giải thích bởi lời sinh động của Giáo Hội từ thời các Tông đồ rồi.

 

Giáo Hội Giải Thích Thánh Kinh

 

Người Công giáo học biết được những gì về Đức Ma-ri-a thì không phải là do những gì Giáo Hội dạy biệt lập với căn bản Kinh Thánh, nhưng do những gì Giáo Hội dạy phải hiểu theo ý nghĩa đầy đủ về những điều Kinh Thánh đã nói về Đức Ma-ri-a.  

 

Khi chấp thuận làm mẹ Con Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a đã hoàn toàn tự do liên kết chính mình với Con Thiên Chúa trong công cuộc cứu rỗi nhân loại – bao gồm cả những ai đang đọc những dòng chữ này.

 

Đức Ki-tô phải là Đấng Cứu độ nhân loại, Đấng Mê-xi-a đã được hứa ban cho chúng nhân và là Vua của nhân loại được cứu chuộc.  Do đó Đức Ma-ri-a cũng đã được mời gọi liên kết chính mình với việc hoàn thành công cuộc Con Thiên Chúa xuống thế làm người, tức là công  cuộc cứu độ tội nhân, với sứ mệnh của Đấng Mê-xi-a, và với việc tạo dựng vương quốc đã được Sứ thần Gáp-ri-en tiên báo.

 

Khi thiên sứ truyền tin cho Đức Ma-ri-a, công cuộc cứu rỗi của Đức Ki-tô đã được sắp đặt và điều này liên hệ đến toàn thể nhân loại.  Đừng nghĩ rằng việc Đức Ma-ri-a chấp thuận làm mẹ Đức Ki-tô chỉ có nghĩa như là mẹ của một cá nhân riêng tư, hoặc Mẹ không có một liên hệ nào với Đức Ki-tô trong tư cách là người của công chúng và là Đấng Cứu thế.

 

Bởi chính việc Đức Ma-ri-a được tự do cộng tác với Thiên Chúa khi Người sai Con mình đến, sinh hạ bởi người phụ nữ, thì Mẹ đã dự phần vào việc hoàn thành mục đích của Chúa Con khi đến thế gian.  Qua việc chấp thuận trao tặng máu thịt mình cho Con Thiên Chúa và sinh ra Ngài nơi gian trần, Mẹ đã chẳng trao tặng Đấng Cứu Thế cho nhân loại theo cách riêng của Mẹ hay sao?  Khi ban tặng cho chúng ta Con Một Người làm Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa, Cha chúng ta, đã chẳng ban tặng qua Đức Ma-ri-a hay sao?

 

Nhưng có thực tất cả những điều này chỉ gặp thấy trong một đoạn ngắn ở chương thứ nhất Tin Mừng Lu-ca và chẳng được nhắc đến ở đâu khác trong Kinh Thánh không?  Không phải vậy!  Chúng ta hãy bắt đầu với thánh Phaolô.  Ngoài việc nói về Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa sinh ra bởi một phụ nữ, Phao-lô còn gọi Ngài là “A-đam thứ hai” (Cr 15:45-47),  và cách gọi này bao hàm rất nhiều ý nghĩa, không những về Đức Giê-su Ki-tô, nhưng còn về Đức Ma-ri-a nữa.

 

Khi nói về Đức Giêsu như “A-đam thứ hai”, thánh Phao-lô đã khai mở cả một chân trời mới về Đấng Cứu Thế và công việc của Người.  Ngài đã trình bày những điều được mặc khải cho ngài về chương trình cứu độ của Thiên Chúa.  Theo thánh Phao-lô, Đức Ki-tô là A-đam thứ hai đã phục hồi cho nhân loại những gì nhân loại đã đánh mất do A-đam thứ nhất là tổ tiên loài người.  “Như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1 Cr 15:22) .

 

Điểm tương đồng giữa A-đam và Đức Ki-tô, nói chung là ở mối liên hệ của cả hai đối với nhân loại, là tổ phụ và là Đấng Cứu Thế của nhân loại.  Sự khác biệt giữa hai vị là ở cách xử lý và hậu quả gây nên.  Việc bất phục tùng của người thứ nhất làm mất đi tình bằng hữu với Thiên Chúa và đem lại sự chết cho mọi người.  Còn sự tuân phục của người thứ hai phục hồi tình bằng hữu ấy và đem lại sự sống thiêng liêng làm đẹp lòng Thiên Chúa.

 

Bà E-và và Đức Ma-ri-a

 

So sánh của thánh Phao-lô giữa Đức Ki-tô với A-đam, dựa trên câu truyện sách Sáng Thế nói về việc nguyên tổ sa ngã, đòi phải có sự so sánh giữa người phụ nữ đã được tiền định là kẻ thù của Xa-tan và là đấng sẽ sinh hạ Đấng Cứu Thế, với E-và là người đã cùng liên kết với A-đam trong việc sa ngã.

 

Những sách chú giải của Công giáo về Kinh Thánh, kể cả những tác phẩm được viết do những tác giả thuộc vài ba thế hệ sau Đức Giê-su và các Thánh Tông đồ, đã nhắc chúng ta hãy chú ý đến điểm tương đồng đáng kể giữa vai trò của E-và, người phụ nữ trong câu truyện tổ tông sa ngã và mất tình bằng hữu với Thiên Chúa do ông A-đam, với vai trò của Đức Ma-ri-a, người phụ nữ trong việc phục hồi tình bằng hữu cho nhân loại.

 

Thánh Giustinô, sống khoảng năm 110 - 165, đã viết: “Bởi E-và, khi còn là một trinh nữ và chưa bị nhơ uế, nghe lời con rắn nên đã đưa tới sự bất phục tùng và sự chết;  Trinh Nữ Ma-ri-a, với đức tin và hân hoan khi nghe thiên sứ loan báo tin mừng là Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa, liền trả lời xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.  Và do đó qua bà đã sinh ra Đấng mà chúng ta đã chứng tỏ nhiều đoạn Kinh Thánh đã nói về Ngài, cũng là Đấng Thiên Chúa đã nhờ Ngài mà loại bỏ con rắn cùng với đám thiên thần và những kẻ theo nó, còn Ngài thì trái lại, đã đem lại giải thoát khỏi cái chết cho những ai thống hối về những điều dữ mình làm và tin vào Ngài”  (Dialogue with Trypho, 100).

 

Điều rất quan trọng là nếu chúng ta hiểu theo ý nghĩa đầy đủ và chính xác về điểm tương đồng Kinh Thánh cho là có giữa việc nguyên tổ sa ngã và việc Đức Giê-su Ki-tô phục hồi, thì chúng ta cũng phải hiểu rằng vai trò của Đức Ma-ri-a trong việc sửa chữa đã được Thiên Chúa phác họa cũng sẽ tương đồng với vai trò của người phụ nữ đầu tiên trong việc sa ngã của tổ tông.

 

Chương 3 sách Sáng Thế cho thấy E-và giữ vai trò trọng yếu trong việc loài người sa ngã.  Đích thực số phận của nhân loại nằm trong tay A-đam (Rm 5:12).  Chỉ mình ông đại diện cho chúng ta nên chính ông mới có thể ngăn ngừa hoặc gây nên việc sa ngã.  Nhưng E-và cũng đã có chỗ đứng của mình trong việc này, bởi A-đam đã gọi bà là “mẹ của chúng sinh” (St 3:20) là tên gọi không những diễn tả một sự thật mà còn cho thấy phẩm giá của bà.  Vì bà có liên hệ chung với toàn thể nhân loại, nên bà cũng giữ vai trò riêng của mình trong sự thử thách và sa ngã do A-đam.  “Người đàn bà đã phạm tội, khi bị dụ dỗ” (1 Tm 2:14).  Bà đã nghe lời xúi giục của tên cám dỗ và đã cộng tác vào việc phạm tội, không phải như người không có trách nhiệm, nhưng là cách rất liên hệ và đích thân.  Qua phương cách của bà, bà đã mang tội lụy đến cho thế gian và có trách nhiệm về án phạt thế gian phải chịu.

 

Trong biến cố kinh khủng này có ba nhân vật:  thần dữ dưới hình dạng con rắn, người phụ nữ đầu tiên và người nam đầu tiên.  Khi án phạt được tuyên phán thì một biến cố sẽ xảy ra trong tương lai xa cũng đã được công bố, một biến cố mà cả ba thành phần (con rắn, người nữ và người nam) đều là dấu hiệu tiên báo, đó là dòng giống.  Nhưng biến cố đó phải là A-đam thứ hai và E-và thứ hai, đấng sẽ là mẹ của A-đam mới.  Thiên Chúa hứa đặt mối thù giữa con rắn và bà, giữa dòng giống con rắn và dòng giống bà.  Bà và dòng giống bà sẽ toàn thắng con rắn.  Dòng giống bà chính là Đức Giê-su Ki-tô, A-đam mới;  và Đức Ma-ri-a mẹ Ngài chính là E-và mới.

 

Quan Điểm Của Kitô Hữu Tiên Khởi

 

Thánh I-rê-nê, một học giả Ki-tô giáo sinh vào khoảng năm 130 sau công nguyên và đã được dạy dỗ về đức tin Ki-tô giáo do một môn đệ của thánh Gio-an Tông đồ, đã ghi lại những gì Ki-tô hữu sơ khai hiểu về vai trò của Đức Ma-ri-a trong công cuộc cứu chuộc, so sánh với bà E-và trong việc sa ngã của con người.

 

I-rê-nê quen biết với những người thân cận hai thánh Phê-rô, Phao-lô và những người “còn thấy lời giảng của các thánh Tông đồ vẫn còn vang vọng bên tai.”  Ngài làm chứng rằng người ta đã dạy ngài cùng một sự thật mà Giáo Hội đã nhận được từ các thánh Tông đồ, và do đó “một đức tin và cũng chính là đức tin ban sự sống đã được bảo tồn trong Giáo hội và được truyền lại nguyên vẹn từ thời các thánh Tông đồ cho đến ngày nay” (Against Heresies 3,3).

 

I-rê-nê viết:  “E-và đã bị dụ dỗ bởi lời của một thiên thần nên xa lánh Thiên Chúa vì lỗi phạm lời Ngài, còn Đức Ma-ri-a đã lãnh nhận tin mừng do lời sứ thần truyền nên mang thai Con Thiên Chúa trong lòng vì Mẹ vâng lời Ngài.  Một người phụ nữ thì không vâng phục, còn người phụ nữ kia thì được dẫn dắt để vâng phục Ngài;  trinh nữ E-và, trinh nữ Ma-ri-a, vì cả hai trở thành người thay mặt cho nhân loại, cho nên bởi một trinh nữ mà nhân loại đã phải chết thì cũng bởi một trinh nữ mà nhân loại được cứu, để cho có sự thăng bằng, tức là thăng bằng giữa một trinh nữ bất phục tùng và một trinh nữ vâng phục” (Against Heresis 3, 19)

 

Vai Trò của Đức Ma-ri-a và Evà

 

Chúng ta đã nói E-và giữ vai trò cốt yếu trong tội nguyên tổ.  Chúng ta cần xét kỹ lưỡng hơn về việc bà đã can dự như thế nào.

 

Tình trạng tội lỗi di truyền cho nhân loại chính là do trách nhiệm đơn phương của A-đam.  Chính ông, chứ không phải bà E-và, là đầu của gia đình nhân loại.  Giả như  E-và đã sa ngã một mình, thì con cháu họ đã không phải gánh chịu hậu quả. Giả như bà vẫn trung thành, trong khi chỉ có một mình ông A-đam phạm tội, thì tình trạng tội lỗi cũng vẫn đổ trên mọi người.

 

Như sự việc đã xảy ra, A-đam đã bị xúi giục phạm tội bởi lời nài nỉ của E-và.  Do lời thuyết phục nên bà đã đem lại sự việc đáng tiếc, và như thế, việc này cũng liên can đến bà.  Vậy thực ra A-đam chính là tác giả của sự hư mất gây ra nguyên bởi tội của ông, tuy nhiên vì sự cộng tác của bà, mọi sự đều có thể quy tại đề nghị và xúi giục của bà.

 

Giờ đây chúng ta hãy tìm hiểu về vai trò của Đức Ma-ri-a trong chương trình cứu rỗi như đã thực sự xảy ra.

 

Đức Giê-su Ki-tô là tác giả duy nhất của chương trình cứu chuộc, và cái chết cứu độ của Ngài đã đủ để đền bù tội lỗi cả nhân loại.  Cái chết ấy tự nó đã trọn vẹn, đầy đủ và lại còn phong phú để làm cho chúng ta được nên công chính trước mặt Thiên Chúa, được thánh hóa và được cứu độ.  Giả như Ngài đã đến thế gian mà không cần bất cứ ai liên hệ với Ngài, thì việc cứu rỗi của chúng ta cũng vẫn được hoàn tất.  Giả như Ngài đã không tự hiến làm hy tế cho chúng ta, thì dù tất cả những gì Đức Ma-ri-a hoặc bất cứ một ai khác làm cũng không đủ để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa được. 

 

Do đó, việc Mẹ Ma-ri-a liên kết với Đức Giê-su trong chương trình cứu rỗi như đã thực sự xảy ra cũng không thêm gì cho sự hy sinh của Ngài.  Chúng ta được trở thành bạn hữu của Thiên Chúa chỉ là do công nghiệp của Đức Giê-su Ki-tô mà thôi.  Đây chính là điều Giáo Hội Công giáo luôn luôn dạy và tin như thế.

 

Nhưng Đức Ma-ri-a đã tham gia vào công cuộc cứu độ và Kinh Thánh cho chúng ta biết những dữ kiện ấy.  Bà E-và thứ nhất dự phần vào việc sa ngã đã làm hư hỏng con người bằng cách cố tình xúi giục ông A-đam phạm tội. Bà E-và thứ hai, Đức Ma-ri-a, đã cứu chúng ta qua việc dự phần vào công cuộc cứu độ khi chấp nhận làm mẹ Con Thiên Chúa, Đấng đã đến cứu dân Người khỏi tội lỗi.

 

Đức Giê-su Ki-tô vì là Đấng Cứu Thế duy nhất, Đấng Trung Gian giữa con người và Thiên Chúa, đã giao hòa chúng ta với Thiên Chúa.  Tuy nhiên,  Đức Ma-ri-a đã liên kết với Đấng Trung Gian trong kế hoạch của Thiên Chúa và thực thi phận sự của mình, một phận sự cốt yếu, giống hệt như bà E-và đã dự phần vào việc sa ngã của con người.

 

Sự ưng thuận của Đức Ma-ri-a

 

Nhưng sao ta lại có thể nói vai trò của Đức Maria là thiết yếu?  Hãy đọc chương đầu sách Tin Mừng Lu-ca, bạn sẽ thấy Thiên thần Gáp-ri-en đã không đến gặp Đức Ma-ri-a chỉ để loan báo những gì sẽ xảy ra, mà ngài đến để xin sự ưng thuận của Đức Ma-ri-a.  Do đó trong chương trình của Thiên Chúa, sự ưng thuận của Đức Ma-ri-a thật cần thiết.  Nếu không phải là cần thiết thì tại sao lại hỏi ý kiến?

 

Tại sao lại phải hỏi sự ưng thuận của Mẹ?  Một trong những lý do là sự ưng thuận của Mẹ làm cho việc Sửa chữa tương đồng với việc Sa ngã.  Bởi tính kiêu căng bất phục tùng, A-đam đã hủy hoại toàn thể nhân loại;  do đó Đức Giê-su Ki-tô, A-đam thứ hai, do sự vâng phục khiêm nhượng của Ngài, đã cứu nhân loại.  Trong khi E-và, bởi lời xúi giục, đã cộng tác với việc bất tuân của A-đam, thì Đức Ma-ri-a, E-và thứ hai, qua lời ưng thuận, đã cộng tác với công cuộc cứu chuộc Đức Giê-su đã thực hiện được trên thập giá.  Người phụ nữ thứ nhất đã gây nên sự sa ngã bởi nghe lời xúi giục của thiên thần phản loạn, còn E-và thứ hai đã chấp nhận đề nghị về công cuộc cứu chuộc được trình bày do vị thiên thần trung thành đã được Thiên Chúa sai đến. 

 

Thiên Chúa với tình yêu và sự tốt lành khôn tả, đã phác họa công cuộc cứu chuộc và phương thức thực hiện.  Chúng ta nhận rõ mình hoàn toàn mắc nợ lòng yêu thương của Người. Nhưng chúng ta cũng thấy là qua kế hoạch yêu thương, Người Con Vĩnh Cửu của Thiên Chúa, Đức Giê-su Ki-tô, đã làm người và hy sinh chính mình cho chúng ta trên thập giá.  Cho nên sẽ không làm suy giảm thái độ biết ơn của chúng ta đối với Cha trên trời chút nào nếu chúng ta biết mình hoàn toàn mắc nợ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Thế.  Có một điều cũng rất rõ ràng là sự ưng thuận của Đức Ma-ri-a đã được hỏi ý và được trả lời để cho Con Thiên Chúa có thể làm người và cứu chúng ta khỏi tội lỗi.  Do đó, cũng không làm suy giảm thái độ biết ơn của chúng ta đối với Đức Giê-su Ki-tô và Thiên Chúa Cha chút nào nếu  chúng ta nhận thức mình phải mắc nợ Đức Ma-ri-a. 

 

Lòng biết ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa, Cha chúng ta, không bị giảm bớt nhưng ngược lại còn được tăng thêm do lòng biết ơn của chúng ta đối với Con của Ngài.  Cũng thế, lòng biết ơn của chúng ta đối với Chúa Con cũng không bị giảm bớt nhưng được tăng thêm do lòng biết ơn của chúng ta đối với Đức Ma-ri-a.  Những ai nhiệt tâm tôn kính và tỏ lòng biết ơn sâu xa nhất đối với Mẹ Ma-ri-a thì cũng tỏ lòng tôn kính và cảm tạ, cùng với lòng yêu mến nồng nàn nhất đối với Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Thế.

 

Đức Ma-ri-a    Mẹ chúng ta

 

Vậy Đức Ma-ri-a có liên hệ gì với chúng ta?  Giáo hội Công giáo trả lời:   chắc chắn có.  Và vẫn cùng một câu trả lời ấy, ngày nay cũng như ở thế kỷ thứ tư:  “ E-và được gọi là mẹ của chúng sinh…  sau việc sa ngã bà đã được gọi bằng danh hiệu này.  Thật vậy… toàn thể nhân loại đã được sinh ra từ Evà;  nhưng thực sự chính từ Đức Ma-ri-a mà Sự Sống đã được sinh ra cho nhân loại.  Như thế khi sinh ra Đấng Hằng Sống, Đức Ma-ri-a đã trở thành mẹ của mọi kẻ sống” (Thánh Epiphanius, Against Eighty Heresies, 78, 9) .

 

Các Kitô hữu đã nói lên mối liên hệ giữa Đức Maria với chúng ta qua việc tôn xưng ngài với tước hiệu “Mẹ chúng ta.”  Dĩ nhiên, điều này không diễn tả thiên chức làm mẹ theo nghĩa thông thường, nhưng là một liên hệ thiêng liêng.  Đúng y như thánh Phao-lô đã nói với các tín hữu Cô-rin-tô: “Trong Đức Ki-tô, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1 Cr 4:15), Đức Ma-ri-a cũng có thể nói với toàn thể nhân loại:  “Trong Đức Giê-su Ki-tô, do việc ưng thuận cộng tác vào chương trình cứu rỗi chúng con, mẹ đã sinh ra chúng con.”  Ngài đã hợp tác vào việc tái sinh chúng ta bằng cách ban cho chúng ta Đấng Tạo Hóa. 

 

Trên đồi Can-vê, khi nói với Mẹ Ma-ri-a: “Đây là con của Bà,” và với thánh Gio-an:  “Đây là Mẹ của anh,” thì Đức Giê-su Ki-tô đã công bố sự thật nói trên.  Ki-tô hữu đã luôn luôn coi thánh Gio-an như thay mặt cho tất cả những ai được cứu chuộc muốn nhìn lên Đức Ma-ri-a như là “mẹ” của họ.  Đây cũng là nguồn gốc của việc tôn kính Đức Ma-ri-a.

 

Nguyễn Việt Hữu, chuyển ngữ

 


Trở Về Trang Mục Lục Thánh Mẫu Học
Trở Về Trang Nhà