ĐỨC MA-RI-A LINH HỒN VÀ XÁC LÊN TRỜI

 

 

Trong những trang đầu của sách Sáng Thế, chúng ta thấy A-đam đã được Đấng Tạo Thành cảnh cáo không được ăn trái cây biết điều lành điều dữ: “Bởi ngày nào ngươi ăn trái này, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2:17).  Hẳn ông đã rõ sự chết sẽ là hình phạt cho việc phản nghịch giới răn Thiên Chúa.  Còn sự vâng phục sẽ đem lại bất tử thể xác.

 

 

Ta thấy điều này trong nhiều đoạn khác.  Sách Khôn Ngoan viết: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1:13).  “Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt… nhưng chính vì quỉ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian” (Kn 2:23-24).  Thánh Phao-lô cũng nói:  “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết;  như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5:12).

 

Như thế chúng ta thấy hình phạt đã giáng xuống trên nguyên tổ:  “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (Kn 3:19).  Sự chết và sự tan rữa thân xác con người trong mồ là hình phạt vì tội lỗi mà con người phải chịu cùng với tội.

 

Tất cả những điều này áp dụng cho Đức Ma-ri-a như thế nào?  Nếu bởi đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ đã được giữ gìn khỏi tội tổ tông và hậu quả của nó, thì chúng ta chẳng nên coi nguyên lý “ngươi là bụi đất, và sẽ trở về bụi đất” đã không áp dụng cho Mẹ hay sao?

 

Thân xác Đức Maria đã không bị mục nát trong mồ nhưng đã được Thiên Chúa cho tái hợp với linh hồn Mẹ sau khi chết, và như thế Mẹ đã được về hưởng vinh phúc muôn đời trên trời.  Đó là giáo huấn của Giáo Hội Công giáo mà chúng ta thường gọi là Đức Ma-ri-a Linh hồn và Xác lên trời.

 

Nhưng bạn cũng có thể hỏi, vậy tại sao Đức Ma-ri-a đã chết?  Khi cuộc lữ hành của Mẹ trên trần gian kết thúc, tại sao ngài không được lãnh nhận phần thưởng mà không phải qua cái chết?  Để hiểu rõ câu trả lời, hãy ngược lại lịch sử và xét về một hình phạt khác con người phải chịu do tội nguyên tổ – đó là sự đau khổ.  Đau khổ và cơ cực trong cuộc sống là hậu quả của sự sa ngã (St 3:16-18).  Thuở ban đầu con người đã được tạo dựng để không phải chịu những cơ cực và đau khổ phần xác;  nhưng bởi tội lỗi nên cơ cực và đau khổ đã được đưa vào thế gian.

 

Đau khổ và sự chết là hậu quả của tội, nên Đức Giê-su Ki-tô đã đến thế gian để chuộc chúng ta khỏi tội ấy.  Ngài đã cứu chuộc bằng cách chịu đau khổ và chịu chết.  Sinh bởi Mẹ Ma-ri-a, Đức Giê-su là một phần tử của gia đình nhân loại, nhưng Ngài không thuộc dòng giống của A-đam vì Ngài không có một người cha thế trần.  Do đó Ngài đã không vướng mắc tội hoặc chịu hình phạt phải đau khổ và phải chết.  Những hình phạt này Ngài đã tự ý chấp nhận là để dâng lên Thiên Chúa tác động tình yêu tuyệt vời qua sự đau khổ và cái chết trên thập giá – nhờ đó cứu rỗi chúng ta.

 

Đức Ma-ri-a Chấp Nhận Đau Khổ và Sự Chết

 

Nếu như Thiên Chúa không giữ gìn Mẹ, thì Đức Ma-ri-a cũng đã mắc tội và phải chịu những hình phạt của tội.  Bởi được giữ gìn nên Đức Ma-ri-a ở trong tình trạng như nguyên tổ lúc chưa phạm tội.  Đúng ra đặc ân được thoát khỏi đau khổ và sự chết được ban tặng cho Mẹ, nhưng bởi Mẹ đã tự ý liên kết với Đấng Cứu Thế chịu đau khổ trong chương trình cứu chuộc là chương trình đòi hỏi Ngài phải chết.  Đức Ma-ri-a đã tự ý liên kết với Đức Ki-tô và do đó tự ý chấp nhận đau khổ và sự chết, không phải như hình phạt do tội lỗi, nhưng như là những khuyết điểm của bản tính con người.  Mẹ đã khước từ đặc ân của một người không vướng mắc bợn nhơ do tội nguyên tổ và đã chấp nhận đau khổ và sự chết là để kết hợp với Đấng Cứu Thế.

 

Đó là lý do tại sao Đức Ma-ri-a đã chết và cũng là lý do tại sao thân xác Mẹ không còn ở lại trong mồ.  Là E-và mới, Đức Ma-ri-a đã kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô, A-đam mới, trong sự toàn thắng tội lỗi và hậu quả của nó – đặc biệt là sự chết.  Bởi đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ đã chung phần với chiến thắng của Đức Ki-tô trên tội lỗi;  và qua việc Xác lên trời, Mẹ đã chung phần với chiến thắng của Đức Ki-tô trên sự chết.

 

Chúng ta đừng quên câu Kinh Thánh trong sách Sáng Thế đặt căn bản cho niềm tin của người Công Giáo về vai trò của Đức Ma-ri-a trong chương trình cứu rỗi nhân loại và về những đặc ân của Mẹ:  “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy” (3:15).  Chỗ khác trong tập sách nhỏ này đã cho chúng ta thấy vị trí sự chống đối là Đấng Cứu Thế cùng với Mẹ Ngài đứng một bên, còn Xa-tan cùng những kẻ theo chúng đứng một bên.  Rõ ràng chiến thắng của Đấng Cứu Thế và Mẹ Ngài trên Satan sẽ hoàn tất.

 

Vậy chiến thắng của Đức Ki-tô bao gồm những gì?  Thánh Gio-an nói: “Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá hủy công việc của ma quỷ” (1 Ga 3:8).  Và điều Ngài đến để thực hiện thì Ngài đã làm.  Đó chính là chiến thắng của Ngài.

 

 

Nhưng Đức Ki-tô đã đến để tiêu diệt công việc gì của ma quỷ?  Trước hết là tiêu diệt tội lỗi, nhưng cả những hậu quả của nó nữa, vì trong đó có sự chết.

 

Chiến Thắng Của A-đam Mới

 

Tân Ước đã nói như thế nào về chiến thắng của Đức Ki-tô?  Khi gặp Đức Ki-tô lần đầu tiên, Thánh Gio-an Tiền Hô đã tuyên xưng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1:29).  Và sự chết cũng sẽ bị tiêu diệt:  “Người (Thiên Chúa Cha) đặt mọi thù địch dưới chân Ngài (Đức Giê-su Ki-tô)…  và thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết” (1 Cr 15:25-26). “Tử thần đã bị chôn vùi.  Đây giờ chiến thắng.  Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi?  Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?  Tử thần có nọc độc là vì tội lỗi... Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô” (54-57).

 

Mọi người được kêu gọi hãy tham dự vào chiến thắng của A-đam mới, và tất cả sẽ tham dự nhưng theo cách khác nhau.  Đó là lý do tại sao thánh Phao-lô lại viết cho tín hữu Rô-ma:  “Thiên Chúa là nguồn bình an, chẳng bao lâu nữa sẽ đè bẹp Xa-tan, bắt nó phải ở dưới chân anh em” (16:20).  Nhưng đâu là vai trò của Đức Ma-ri-a trong chiến thắng của Đức Ki-tô trên tội lỗi và sự chết?  Mẹ đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của Đức Ki-tô là điều không thể nghi ngờ, bởi vì Mẹ hiện diện trong lời hứa ban Đấng Cứu Thế như đấng đặc biệt liên kết với Đấng Cứu Thế đểø chống lại ma quỷ, thì cũng sẽ hiện diện như là Mẹ của Đấng chiến thắng ma quỷ.

 

Do đó cả tội lỗi lẫn sự chết sẽ không chiến thắng được Mẹ, vì chúng đã không thắng được Đức Ki-tô, con của ngài.  Điều này đúng với tất cả mọi tội lỗi, ngay cả với tội nguyên tổ là tội dù chúng ta không phạm nhưng đã lãnh chịu khi được sinh ra.  Mẹ đã được giữ gìn nhờ chiến thắng của đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội.  Cũng thế, chiến thắng của Mẹ trên sự chết được hoàn tất do việc Linh hồn và Xác lên trời.  Thực sự Mẹ đã chết, cũng như Con của Mẹ đã chết.  Nhưng không phải là cái chết mà Thánh Phao-lô gọi là “tiền công của tội lỗi” và là công việc của thần dữ – tức là một cái chết kéo dài qua sự mục nát trong mồ cho tới khi mọi người sống lại trong ngày sau hết.  Cái chết này là hình phạt bởi tội lỗi – một hình phạt đã không ảnh hưởng gì trên Mẹ.

 

Đúng thế, có một lý do tại sao thân xác của Đức Ma-ri-a lại không nằm lại trong mồ, và nếu chú ý suy xét về các lời giảng dạy, chúng ta sẽ thấy lý do này đã được nói đến trong Kinh Thánh.  Đó là một chân lý đã được Thiên Chúa mạc khải về chiến thắng của Đức Ki-tô trên Xa-tan cũng bao gồm cả chiến thắng trên tội lỗi và sự chết nữa.  Điều này được dạy dỗ rõ ràng trong Tân Ước.  Căn cứ vào lời hứa ban Đấng Cứu Thế trong sách Sáng Thế và qua lời loan báo Ngài sẽ đến cùng với việc ưng thuận của Đức Ma-ri-a trong chương đầu của sách Tin Mừng Lu-ca, chúng tôi cũng đã trình bày là Đức Ma-ri-a đặc biệt liên kết với Đấng Cứu Thế trong chiến thắng trên Xa-tan. Vậy chiến thắng của Ngài trên cái chết là gì nếu đó không phải là một phần của chiến thắng trên Xa-tan và trên tội lỗi?  Thêm nữa, cùng với chiến thắng của Đức Ki-tô, chiến thắng của Đức Ma-ri-a trên sự chết chắc chắn được Thiên Chúa mặc khải qua việc Linh hồn và Xác lên trời.

 

Đức Ma-ri-a Linh hồn và Xác lên trời

 

Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII đã viết ngắn gọn khi ngài long trọng công bố tín điều Đức Ma-ri-a Linh hồn và Xác lên trời:  “ Chúng ta phải đặc biệt nhớ rằng, từ thế kỷ thứ hai, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã được các Thánh Giáo phụ tuyên xưng là E-và mới.  Mặc dầu phục tùng A-đam mới, Mẹ đã liên kết mật thiết với Ngài trong cuộc chiến chống lại kẻ thù hỏa ngục như đã được tiên báo trong tin mừng tiên khởi (St 3:15), và kết quả sau cùng là sự toàn thắng tội lỗi cùng cái chết đã được luôn nhắc đến trong các thư của vị Tông đồ Dân Ngoại (xem Rm 5 và 6).  Bởi đó, cũng như sự sống lại vinh hiển của Đức Ki-tô là một phần cốt yếu và là dấu chỉ cuối cùng nói lên chiến thắng này, thì việc Đức Trinh Nữ cùng với Con của ngài chống lại kẻ thù cũng phải được kết thúc qua việc thân xác trinh trong của ngài được vinh hiển.”

 

Như thế, người Công giáo có lý do chính đáng khi coi việc Đức Ma-ri-a Linh hồn và Xác lên trời là một sự kiện không thể chối cãi và không đối nghịch với quyền năng của chính Thiên Chúa.

 

 

Nên chú ý là chúng ta đang nói về việc Đức Ma-ri-a Linh hồn và Xác lên trời như một sự kiện – sự kiện đã được Thiên Chúa mạc khải và do đó là tín điều được khẳng định bởi quyền năng Thiên Chúa.  Đây không phải là một dữ kiện chỉ có tính cách lịch sử có thể thay đổi theo chứng cớ lịch sử.

 

Đừng quên là chính Thiên Chúa chứ không phải bởi tác động nào của nhân loại đã cho Đức Ma-ri-a được đem lên trời.  Cũng có thể việc Mẹ lên trời đã được thực hiện mà không có một ai chứng kiến.  Do đó sự kiện này không chỉ dựa vào uy tín của những người chứng hay những tài liệu ghi chép, nhưng dựa trên quyền bính của Giáo Hội Đức Ki-tô đã được Ngài ủy thác để giảng dạy cho muôn dân về chân lý mạc khải được bảo đảm do sự hướng dẫn của Ngài.  Chính Giáo Hội của Đức Ki-tô đã bảo đảm với chúng ta rằng Đức Ma-ri-a lên trời là sự kiện đã được Thiên Chúa mạc khải.

 

Không ai biết rõ việc Mẹ lên trời xảy ra ở đâu và khi nào.  Hoàn cảnh tương đối không quan trọng.  Nhưng quan trọng là chính sự kiện đã được Thiên Chúa Toàn Năng chấp nhận và mạc khải rõ ràng là từ các Tông Đồ truyền lại, bởi vì chỉ qua các ngài chúng ta mới có thể lãnh nhận một chân lý được mạc khải.

 

Tuy nhiên, điều này nhất thiết không có nghĩa là tất cả hoặc một Tông đồ nào đó đã được chứng kiến sự kiện xảy ra.  Nếu không có một vị nào được chứng kiến, thì các ngài sẽ  không thể biết chắc được nếu Thiên Chúa không cho biết chắc chắn.  Mặc dù ngôi mộ của Đức Ma-ri-a được tìm thấy trống rỗng chẳng bao lâu sau khi ngài mất, thì vẫn có thể thân xác Mẹ đã được rời đi đến một nơi không ai biết.  Vậy nếu chẳng một vị Tông đồ nào được chứng kiến, thì chỉ có sự can thiệp của Thiên Chúa mới có thể làm cho các ngài được biết chắc chắn mà chấp nhận và giảng dạy về việc Đức Mẹ Linh hồn và Xác lên trời.

 

Vào ngày 1 tháng 11 năm 1950, khi Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII long trọng tuyên xưng cho thế giới  “Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, đã được lên trời vinh hiển cả xác hồn”, ngài đã chẳng giảng dạy điều gì mới, hoặc nói về một sự thật chưa từng nghe, nhưng ngài chỉ đề cao một sự thật rất quen thuộc và đoan chắc rõ ràng với toàn thể Giáo Hội rằng những gì chúng ta đã tin về việc Linh hồn và Xác Đức Ma-ri-a lên trời đã thực sự được Thiên Chúa mạc khải.

 

Tại sao vào năm 1950 Đức Giáo Hoàng lại sử dụng phương thức định tín để nhắc cho thế giới chú ý đến việc linh hồn và xác lên trời của Đức Ma-ri-a?  Chính ngài đã cho biết lý do:  “Việc long trọng tuyên xưng Đức Mẹ Linh hồn và Xác lên trời sẽ đem lại lợi ích không nhỏ cho xã hội con người vì nó biểu dương vinh quang Thiên Chúa.  Hy vọng lòng kính mến Đức Ma-ri-a sẽ được khơi dậy hơn và tất cả những ai được vinh dự mang danh Ki-tô hữu sẽ được thêm lòng ao ước chia sẻ trong tình hiệp nhất với Nhiệm Thể Đức Ki-tô và được thêm lòng yêu mến Mẹ là Đấng luôn tỏ lòng hiền mẫu đối với các chi thể của Nhiệm Thể đó trong mọi việc.  Và chúng tôi hy vọng rằng những ai suy niệm về gương vinh hiển Đức Ma-ri-a ban cho chúng ta sẽ càng ngày càng xác tín hơn về giá trị của một cuộc đời đã được tận hiến để thi hành thánh ý Cha trên trời và đem lại lợi ích cho tha nhân.  Sau hết, chúng tôi hy vọng rằng niềm tin vào sự lên trời cả hồn xác của Đức Ma-ri-a sẽ làm cho niềm tin vào sự sống lại của chính chúng ta được mạnh mẽ và hữu hiệu hơn.”

 

Đức Ma-ri-a

 

           “Từ muôn đời, Đức Nữ Trinh đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, và theo chương trình của Chúa Quan Phòng, Ngài trở nên Mẹ cao trọng của Đấng Cứu Chuộc thần linh trên trần gian, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Ngài là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm tốn của Chúa.  Vì đã cưu mang sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Ki-tô, đã dâng Chúa Ki-tô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Đức Ma-ri-a đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn.  Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta.”

 

Công Đồng Va-ti-ca-nô II

Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (số 61)

 

Nguyễn Việt Hữu, chuyển ngữ


Trở Về Trang Mục Lục Thánh Mẫu Học
Trở Về Trang Nhà